Tháng sáu, tôi mê man trong cái khoảng không giữa thời gian và thực tại. Tôi nhớ Đà Lạt da diết, tôi ước rằng mình sẽ mãi mãi được chìm sâu vào đất trời cao nguyên, vào ánh nắng, vào cái se lạnh, vào cái thênh thang của núi rừng, vào con suối, vào chiếc lá vàng ngày hạ…
Đã hai năm từ khi tôi và “cô gái” mang tên Đà Lạt chia tay nhau, hôm nay quay về lòng lại thêm rộn ràng. Xin được gọi “nàng” bằng em, này em! Sau hai năm ròng rã ấy, liệu em có còn nhớ người con trai vẫn chưa trưởng thành đứng ngơ ngác giữa lòng em, lặng nhìn về phía xa xăm, nơi ánh nắng và khí trời hòa với nhau làm một, cậu ta đã trót yêu em đấy. Liệu em có còn nhớ tôi chăng? Em biết không, năm nay có lẽ hơi thở của em không còn lạnh lẽo như thuở xưa nữa bởi mọi thứ đều thay đổi, và em – Đà Lạt lại càng đổi thay hơn trước.
Sau tất cả, tôi và rừng thông lại đứng nhìn nhau như những người bạn lâu năm gặp lại, giờ xúc động không nói nên lời. Hàng thông sừng sững và mạnh mẽ vô cùng em nhỉ! Tôi hướng mắt lên, ánh nắng vàng mà không gay gắt như một nét màu của người họa sĩ lỡ rơi rớt lên những tán cây đã ngã sang lục sẫm. Nắng rớt li ti trên con đường đầy lá rồi soi xuống sườn đồi lộng gió. Nắng và cái lạnh ở Đà Lạt như hai người anh em nâng đỡ cho nhau, trời vừa se lạnh, lại vừa có nắng vàng. Tôi dạo bước trên con đường hai bên là hàng thông già, mỗi cây thông là một người bạn cũ, một gương mặt thân thuộc mà tôi không bao giờ quên được. Thông chào tôi với vẻ uy nghi mà rất “tây” của nó, và tôi lại đứng im giữa trời mây, nhìn nó mà mỉm cười xao xuyến…
Giữa rừng thông Đà Lạt
Tôi có sở thích ngồi trên xe máy tà tà chạy trên những con đèo cao vút, một bên là vách đá với rừng cây xanh mượt, bên kia là vực sâu với toàn cảnh thành phố gói gọn trong một vòng tay đứa trẻ, thành phố ở phía bên phải tôi đây. Tôi lướt qua đoạn đường dài, lướt qua những đám mây là là ôm lấy núi, cảm nhận cái lạnh buốt mà sảng khoái của cao nguyên thấm vào da thịt. Đôi khi, tôi ước mình là người rừng để cảm nhận được hết cái “chất”, cái vị đậm đà của đất trời ban mai. Xe vẫn lăn bánh, tôi nhìn thấy sương thấm đẫm trên những ruộng nương ôm quanh sườn núi, thấy những cánh đồng hoa cải, dâu tây bạt ngàn, những hàng cà phê trĩu nặng đang chờ người đến thu hoạch, thấy nắng đổ bóng dài trên những cánh rừng trên đồi dốc, đó là vẻ đẹp của em phải không? Đà Lạt?
Tôi yêu “em” còn bởi những bó oải hương thơm ngát. Cánh đồng oải hương rộng và dài hàng trăm mét bám lấy sườn đồi dọc bên bờ Hồ Tuyền Lâm trầm tư và chững chạc. Ngày tôi đến, oải hương chỉ vừa mới nhú, một vài luống đã trổ đầy vươn mình khoe sắc tím giữa hơi thở Đà Lạt mộng mơ, phơi mình trong nắng nhẹ như những đứa trẻ nũng nịu được mẹ bế trên tay. Tôi vừa thỏa mãn, vừa tiếc nuối. Thỏa mãn vì lần đầu tiên được nhìn thấy và sờ vào loài hoa mình thích nhất mà trước giờ cứ mê mẫn trên phim ảnh. Tiếc nuối vì đã đến không đúng lúc, khi mà oải hương đã trở thành “thiếu nữ”.
Hoa oải hương bên Hồ Tuyền Lâm
Tôi ở bên “em” được ba ngày. Như thế cũng đã quá đủ cho mong ước của mình rồi. Tôi đã dành trọn một ngày để đi quanh những lưng đèo, ngắm nhìn đất trời, hoa cỏ. Lần này, tôi đi xa Đà Lạt một tý, đến thác Pongour – cách Đà Lạt chừng 50 km. Đường đi không đẹp mấy, nhưng cái mùi vị đất trời cao nguyên vẫn không vơi đi mất tý nào. Tôi ngang qua những căn nhà đơn sơ nằm trên sườn đồi, thấy người nông dân cặm cụi trên những nương rẫy, thấy em bé với bộ quần áo đã cũ mềm ra đồng phụ giúp bố mẹ. Với họ, rừng núi là thứ giúp họ sống cũng là thứ ngăn cản cuộc sống của họ.
Cô công nhân chăm sóc hoa
Đường dài nhưng chẳng mấy chốc đã đến thác Pongour. Thác cao độ chừng 50m, hùng vĩ và to lớn. Những ghềnh đá chia làm bảy tầng nối tiếp nhau nhưng những bậc thang to lớn, phủ lên trên là tấm lụa trắng xóa đôi khi hiền dịu, đôi khi mãnh liệt như muốn khóc cho hết nỗi đau nào đó đã in sâu trong lòng. Là tôi hay là Pongour?
Trở về thành phố, lê bước chân dạo trên những con phố giữa lòng Đà Lạt, quanh hồ Xuân Hương, lòng tôi như vơi được đi một thứ gì đó nặng nề mà bấy lâu nay cứ đang gồng gánh lấy. Mặt hồ im lặng giữa dòng người đông đúc trên phố như một người già đang lặng nhìn lớp trẻ nô đùa trước mặt. Đôi khi, sao tôi thấy mình như trưởng thành hơn… vài chục tuổi. Con đường Đà Lạt bấy giờ trơn ướt sau cơn mưa phùn bất chợt, trời lạnh hơn vài độ nhưng người ta vẫn cứ đi, vẫn cứ đắm mình trong hơi thở và nhịp tim của thành phố cao nguyên.
Đêm Đà Lạt yên bình và nhộn nhịp vào khoảng 8 giờ đến 10 giờ tối. Con phố lúc này đông đúc đến lạ thường, dòng người đổ ra như thác nhưng không vội vã, không kèn xe inh ỏi, mỗi con người đều như muốn chầm chậm thưởng thức cái vẻ đẹp của thành phố về đêm, khu đông nhất vẫn là Chợ Âm Phủ. Giữa cái khí lạnh của cao nguyên, ngồi trên vỉa hè nhâm nhi ly sữa đậu nành nóng hổi, trên tay chiếc bánh tráng nướng ăn dở vẫn còn đang âm ấm, người ta yêu Đà Lạt đến lạ thường, yêu cái vẻ đơn giản mà yên bình, lạnh buốt nhưng lại ấm áp vô cùng.
Rời chợ, tôi ghé đến một quán nhỏ gần đấy – café Tùng. Như tách biệt với thế giới bên ngoài, mọi thứ trong quán đều im lặng, cả người và vật. Tôi gọi một ly đen đá, lựa một chỗ trống, cảm nhận thời gian như chậm lại, hòa trong tiếng nhạc Trịnh vang vọng từ nơi nào đó trong quán. Tôi ngắm nhìn qua phía cửa những con người đông đúc. Dường như đến thành phố này, ai cũng sống chậm lại, cũng già đi ít nhiều, cũng mang trong mình hơi thở Đà Lạt.
Tôi chia tay “em” bằng ly cà phê nồng nàn, bằng bước chân dạo in trên con phố vắng ban mai, bằng giọt sương đọng trên cành lá ủ rũ, bằng những căn nhà nằm quạnh vắng trên triền dốc, bằng tiếng hát ru “thành phố mưa bay”. Bây giờ tôi vẫn ngồi viết bên tách cà phê nóng rồi nhìn về phía xa xăm như là một chút gì đó mang hơi thở bâng khuâng của em – Đà Lạt tôi yêu.
Bình Minh, 7 giờ sáng – ngày 21 tháng 6 năm 2016
Tác giả: Anh Khoa – Diễn giả: Nho Xenh