RadioVn.Com – Chị ngập ngừng giữa vạch ngăn đường rẽ và cổng trường mầm non, nơi thằng con trai năm tuổi, rắn rỏi và khôi ngô được gửi học. Chưa bao giờ chị bước qua vạch ngăn đó khi đưa và đón con.
Mỗi buổi sáng, người đàn bà đội lên đầu thúng bánh mì vừa ra lò, thằng con loẵn quẵn bám chân. Hai mẹ con đi hết một vòng các ngóc ngách của thị trấn cũng vừa tầm trường mầm non mở cửa. Thằng bé líu lít chào mẹ rồi tự tin bước vào lớp. Chị đứng nhìn theo bóng con cho đến khi cái đầu tròn húi nhẵn của nó khuất sau dàn hoa tigôn – nghĩa là con chị đã bước lên chín bậc cầu thang, cất gọn ghẽ chiếc túi có hình con cá sấu vào ngăn riêng của mình, vòng tay trước ngực ngoan ngoãn “Chào các cô cháu đến lớp”.
Người đàn bà yên tâm rảo bước đi về phía chợ, giọng khan đục rao buồn “Bánh mì nóng… ơ. Ai bánh mì nóng giòn nào…”. Chị đi hết cả ngày, đôi chân mỏi nhừ như không lê bước nổi. Khi gần tầm đón con, chị mua thức ăn, rất ít, cho buổi tối. Thường, chị nhằm người bán trứng nhỡ tay làm vỡ hay vài lát thịt cắt thừa thẹo, ít nước hến ế hàng để làm bữa cơm chiều. Thằng bé lúc nào ăn cũng ngon miệng, nó hít hà thức ăn mẹ nó mua về, miệng nhồm nhoàm, nói như ông cụ non: “Chắc là đắt lắm đấy mẹ nhỉ? Sau này con lớn, con sẽ đi làm để đưa mẹ đi ăn nhà hàng, nhé, mẹ nhé!”. Chị rơm rớm nước mắt. Mỗi khi thời tiết xấu, chợ ế ẩm, không được nổi mấy ngàn tiền lời, chị cũng không đành lòng về không. Thằng bé có da có thịt, không thua kém bạn bè cùng trang lứa. Chị nhìn con hãnh diện. Khổ bao nhiêu chị cũng chịu được, miễn là con chị được vui.
Minh họa: Phạm Minh Hải
Người đàn bà đội lên đầu chiếc thúng lùng bùng tấm chăn bông cũ dùng để giữ ấm cho những ổ bánh mì vừa ra lò. Ngày nào bánh còn thừa nhiều, chị đón con rồi vòng về lò bánh để gửi nướng lại. Nếu ít, tối ấy hai mẹ con sẽ ăn bánh thay cơm. Thằng bé ăn bánh mì không chán, lúc nào cũng liếm mép thòm thèm khi hết mẩu bánh cuối cùng rồi nhặt những vụn còn vương trên đất đưa vào miệng “cho khỏi phí” – như nó vẫn nói với chị. Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày con trai chị dự lễ tổng kết để ra trường. Thằng bé vừa tròn sáu tuổi, sang năm học mới, nó đã là thằng nhóc lớp một, biết đọc, biết viết, biết cộng trừ nhân chia. Vì là ngày đặc biệt của con, nên chị muốn phá lệ, bước qua vạch ngăn của trường mầm non để vào cửa lớp, âu yếm đón con, xoa đầu và dắt tay nó đàng hoàng bước xuống chín bậc cầu thang hoà vào dòng phụ huynh hân hoan rạng ngời dự lễ tổng kết tổ chức ngoài trời. Chị đã sắp xếp việc hệ trọng này trong cả một tháng ròng. Đầu óc chị cử luẩn quẩn với hình ảnh sẽ xuất hiện trước rất nhiều bạn bè của con, luẩn quẩn với cái mủng to quá cỡ, chiếc khăn bông trùm mặt và chiếc nón xỉn màu. Chưa bao giờ chị bước qua vạch ngăn đó ngoại trừ lần đầu nhập học cho nó, chị xin cô giáo chủ nhiệm cho thằng bé tự ra về mà không có mình đón ở cửa. Chị rơm rớm nước mắt hứa với cô giáo không bao giờ tới trễ, cứ đúng giờ tan tầm, chị sẽ có mặt trước cổng để chờ con.
Bây giờ, chị lại ngập ngừng… Chị nghe tim mình nẩy lên từng nhịp. Chị quả quyết bước qua vạch ngăn khi vén gọn chiếc khăn trùm mặt cất vào mủng, vuốt lại chiếc áo đẹp nhất mà chị đã cất dành cho ngày trọng đại này. Chị không thể lừng khừng mãi trước cánh cổng đã được mở ra hết cỡ… Dòng xe từ các ngả dồn về, phút chốc cổng trường đông chật như nêm. Chị nghe tiếng làu bàu của những người đi xe phân khối lớn: “Đi ra nơi khác mà bán, đời thuở nhà ai lại chen vô đây, bà già…!”. Mặt chị nóng phừng phừng. Câu nói ấy đã giúp chị bước qua vạch ngăn. Chị nhanh chóng giấu đồ nghề của mình dưới một chậu cây um tùm lá.
Chị đứng vào chỗ khuất, đôi má xanh bủng ửng hồng, đôi mắt rơm rớm nước. Thằng nhóc con trai chị quả thật khôi ngô. Nó nhỉnh hơn đám bạn một chút, da dẻ hồng hào, tóc đen nhánh. Còn đôi mắt, đôi mắt nó thật có hồn. Những sáng mùa đông lạnh lẽo, mưa phùn nhớt nhát trên những tán lá hao gầy, vàng vọt, thằng bé loẵn quẵn theo chị, thỉnh thoảng nó chạy lên trước, ngước đôi mắt trong veo nhìn chiếc mủng trên đầu chị. Chị như thấy cả mùa xuân trong cái nhìn thơ trẻ của nó, chị áp đôi bàn tay của mình vào bầu má lạnh như kem của thằng bé, khẽ nói:
– Cố chịu nghen con!
Thằng bé gặc gặc đầu, bắt chước mấy bác đi xe ôm gần nhà, trả lời rắn rỏi:
– Mẹ ơi, nhằm nhò gì. Mai mốt con còn đội cả thúng bánh đầy cho mẹ nữa cơ!
Chị nghẹn ngào:
– Mẹ không khiến. Con phải học giỏi để lái xe đưa mẹ đi ăn nhà hàng, đúng không nào?
Thằng bé loẵn quẵn chạy lên trước, chiếc xắc nhỏ sau lưng có hình con cá sấu thật ngộ nghĩnh.
Con trai chị ngồi ở góc lớp, hai tay ngay ngắn đặt lên bàn. Thỉnh thoảng, nó nhíu hai đường mày, hình như có điều gì khiến thằng bé phải bận tâm. Ngày thường, nó sẽ rời lớp học khi phụ huynh đến đón con đã vãn. Chị sẽ tranh thủ rao bán những chiếc bánh mì cuối ngày. Khi nhìn thấy thằng bé, chị sẽ lùi xa vạch ngăn, đến chỗ quy định của hai mẹ con để chờ nó.
Hình như thằng bé đang tính toán nên ra thẳng chỗ quy định, hay ở lại một chút xíu để dự lễ tổng kết. Nó đăm chiêu nhìn ra xa, nơi có giàn tigôn với những cánh hoa mỏng, bé xíu. Thằng bé chưa từng làm sai lời mẹ, nó muốn mỗi đêm được rúc vào nách, hít hà mùi thơm ấm nồng, kể cho mẹ nghe những điều nó làm được trong ngày. Nhưng, hôm nay là một ngày đặc biệt, một ngày thằng bé con như nó được hưởng nhiều niềm vui bất ngờ. Nó bí mật xoè bàn tay ra, ngắm nhìn không chán hình vẽ in màu ngộ nghĩnh trên tờ giấy vuông vắn. Tiếng nhạc rộn ràng và món quà trên tay cô giáo càng làm cho thằng bé phấn chấn. Khi thấy con nhớm người có vẻ quả quyết đứng lên, chị hấp tấp sửa lại áo xống, đứng trước cô giáo, khẽ chào:
– Thưa cô!
Thằng bé chôn chân, đứng như phỗng. Khuôn mặt non nớt của nó từ trạng thái ngạc nhiên đến vui mừng cực độ. Thằng bé nhào ra ôm lấy chân chị. Nó hãnh diện giơ hai ngón tay (thực chất là nó bắt chước mấy anh chị lớp trên) vẫy vẫy đám bạn chưa có bố mẹ đến đón. Cô giáo xoa đầu nó, lời cô làm nó sướng rơn:
– Cu Bi là ngoan nhất đấy!
Ra đến cửa, thằng bé vỗ vỗ vào túi xắc có hình chú cá sấu ngộ nghĩnh, líu lít:
– Mẹ ơi, con cất quà rồi, cô giáo cho con nhiều quà lắm. Mà sao hôm nay mẹ lại vào tận đây đón con sớm, hết bánh nhanh thế hả mẹ?
Người đàn bà không trả lời, đôi mắt giấu sau vành nón nhoen ướt. “Mình không được để thằng bé nhìn thấy, mình không thể khóc!” – Chị tự nhủ. Những lúc như thế này, chị lại thấy mình mềm yếu, và đứa con trai bé bỏng kia là người đàn ông vững chãi cho chị dựa dẫm. Chị xiết chặt tay thằng bé. Lòng chị rộn ràng khi bước xuống chín bậc tam cấp. Thằng bé vẫn ngập tràn niềm vui sướng. Khi đến chỗ khuất, nó lôi ra từ ngăn nhỏ của chiếc xắc cá sấu một tờ giấy nhỏ. Nó thận trọng vuốt cho thật thẳng thớm, ghé tai mẹ thì thào:
– Mẹ ơi, con được tặng vé đi xem xiếc thú. Đây này, mẹ xem này.
Người đàn bà cầm tấm vé màu nâu nhạt, đôi bàn tay với những cái móng cáu xỉn, quắp queo run run. Trên tấm vé, chi chít những hình ảnh về đêm biểu diễn với những con vật ngộ nghĩnh. Nổi bật trên tông màu nâu nhạt là hai chữ “Vé xem” màu đỏ, chiếm gần nửa, còn chữ “xiếc” được đề bé tẹo ở một góc. Người đàn bà nghiêm khắc nhìn con:
– Con lấy tấm vé này đâu ra, có thật là con được đoàn xiếc tặng không?
Thằng bé nhìn mẹ, rơm rớm nước mắt. Nó dựa vai vào tường, khuôn mặt đỏ ửng:
– Mấy chú ở đoàn xiếc tặng cả lớp con, các chú bảo là quà ngày mồng một tháng sáu. Các chú còn bảo phải ngoan và nghe lời thì người lớn mới có quà tặng các cháu. Lớp con bạn nào cũng có, cả bạn Ngọc Minh hay quậy phá và lười ăn nhất lớp cũng có quà, mẹ ạ. Thế thì vẫn chưa công bằng mẹ nhỉ, phải phạt để bạn ấy ngoan hơn chứ, mẹ nhỉ?
Thằng bé nhảy chân sáo bên mẹ, niềm vui sướng trẻ thơ bừng sáng trên khuôn mặt non nớt. Bất chợt nó dừng lại, nói như ông cụ non:
– Nhưng mà bạn Ngọc Minh cũng tội lắm. Cô giáo nói mẹ bạn ấy không tìm được đường về, đã bay lên trời rồi. Bạn ấy có mẹ mới nhưng trông kì lắm cơ!
– Thật thế à con!
– Đúng thế mẹ ạ. Mẹ mới của bạn Ngọc Minh như mấy cô người mẫu, tóc thẳng và vàng rực chứ không phải như tóc của mẹ đâu. Nhưng con thấy như mẹ vẫn đẹp hơn, mẹ là nhất rồi!
Mấy câu cuối, thằng bé ghé vào tai mẹ. Chị nghe rõ hơi ấm dịu dàng từ làn môi thơm nồng của nó.
Người đàn bà đưa tay áo lên mắt, nheo nheo để khuôn mặt không bị nhoen ướt. Thằng bé nhanh chóng tìm một chỗ ngồi với hai chiếc ghế bé tẹo rồi giơ tay vẫy chị: “Mẹ ơi, con đây này… Nhanh lên mẹ”.
Người đàn bà đến ngồi cùng con để dự lễ tổng kết. Chị nhìn thằng bé nghiêm nghị theo dõi chương trình buổi lễ, đôi tay bé tẹo thi thoảng lại giơ ra, ngắm nhìn không chán chiếc vé xem xiếc. Thường, những đoàn xiếc nghiệp dư rong ruổi, năm dăm lần ghé về sân vận động thị trấn để biểu diễn. Thằng bé cùng đám trẻ chạy theo xe quảng cáo, ngắm nhìn những con thú đứng ngồi lổn nhổn trên thùng xe. Gánh xiếc nghèo không đủ điều kiện để dựng sân khấu nên dùng vải bạt quây tạm một góc sân vận động thị trấn để biểu diễn. Mỗi lần đoàn về, trẻ con nghèo vui hơn tết. Chúng hè nhau leo lên các chạng ba, chạng tư của cây trứng cá, ngồi chờ xe các chú đi qua. Những con vật thiếu ăn, rong ruổi theo đoàn nên gầy trơ xương. Thằng bé con chị vui sướng ra mặt. Nó cố gắng đón trước các điểm xe đi qua để được nhìn thấy chú khỉ nghịch ngợm mang váy ngồi trên lưng bác voi, tay sờ nắn đôi tai to bè. Thế nhưng sau đó cu cậu lại chống mắt nhìn ra xa tít, nói như ông cụ non: “Đoàn xiếc này chắc còn non nghề, mẹ nhỉ. Con nhìn thấy rồi, voi gì mà bé tí như con bò nhà cụ Khắp. Lạc đà thì gầy ơi là gầy, lại bẩn kinh khủng… Ai mà thèm đi xem, mẹ nhỉ!”. Câu cuối cùng, thằng bé nói rất khẽ, phải thính lắm mới nghe rõ được. Chị chép miệng quay đi, biết rằng thằng bé đang dối chị. Chị đau lòng khi nó hiểu hết những gì mà chị cố tình giấu nó. Chị lại tự oán trách mình, nếu chị không là mẹ thằng bé thì có khi nó đã được một gia đình khá giả nhận về nuôi. Nhưng thôi, dù sao thì với chị, thằng bé cũng là báu vật!
Bây giờ, thằng bé đang có trong tay một tấm vé xem xiếc, mà là tấm vé mẹ nó không mất tiền. Người ta đã tặng nó vì nó là bé khoẻ, bé ngoan, sắp được vào lớp một để học chữ. Thằng bé sáu tuổi nhưng loẵn quẵn theo mẹ đi khắp các ngõ ngách của thị trấn từ khi biết đi… Thằng bé má lạnh như kem, môi tím tái mỗi buổi sáng mưa phùn nhớt nhát, nhưng miệng vẫn bi bô, soi đèn cho mẹ tránh những vũng bùn lầy lội… Đó là món quà vĩ đại nhất, đáng giá nhất, là niềm vui không thể diễn tả bằng lời của chị. Những lần đoàn xiếc đến rồi đi, nó lại cầu trời mong đoàn xiếc trở lại. Thằng bé ao ước một ngày, nó được cùng mẹ bước vào sân vận động của thị trấn để xem biểu diễn. Những đứa bạn cạnh nhà nó cứ kể mãi tưởng chừng không khi nào hết về những trò biểu diễn mà chúng vô cùng thích thú khi được bố mẹ chúng cho đi xem. Chuyện về cô khỉ được mặc một chiếc váy hoa màu cánh sen, gánh trên vai hai quảy nước đi trên chiếc cầu gập ghềnh; chuyện chú chó đốm sọc biết làm phép cộng trừ nhân chia; chuyện chú voi hiền lành lấy vòi nhấc bổng một cậu bé đưa lên lưng… Vui nhất là chuyện hai thằng bé con tầm tuổi nó được chọn lên sân khấu để biểu diễn cùng các chú. Chúng được bịt mắt bằng một tấm vải màu đỏ. Mặc dù các chú đã ghé tai nói nhỏ, nhưng cả hai đều tè ra quần khi chú trăn bằng nắm chân vòng qua cổ. Những lần thằng Bo, cái Nhím tranh nhau kể, thằng bé chép chép miệng, nó lảng ra xa như là không thích, không thèm để ý nhưng lại dỏng tai nghe như nuốt từng câu, từng chữ. Yết hầu bé tẹo của nó ngắc ngắc… Nó là thằng bé ngoan. Chao ơi, sao thằng bé lại ngoan nhiều đến thế! Giá như nó cứ khóc toáng lên, nằng nặc đòi đi để chị đét vào mông nó vài cái! Giá là như thế chắc chị sẽ đỡ đau lòng hơn.
Người đàn bà dắt tay đứa trẻ, chiếc thúng như được gắn chặt trên đầu. Hai mẹ con đi ra phía bờ đê, vòng qua dốc Bàu Đá để đi xuống làng vạn chài, bán nốt những chiếc bánh còn ế. Dốc Bàu Đá vắng teo. Những con thuyền với dăm bảy chiếc áo nhàu nhĩ phơi bầy bà trên nóc không còn thấy bóng dáng đâu. Hình như ngày nước lên, họ cho thuyền ngược mạn để đãi hến. Hai mẹ con quay ngược lên cầu Hát, đó là con đường vòng qua thị trấn để về nhà nhanh nhất.
Thằng bé chạy trước. Nó líu lít không biết bao nhiêu là chuyện. Nhưng, nói đi rồi nói lại, vẫn không ngoài những chuyện về chiếc vé xem xiếc tối nay. Thằng bé giơ chiếc vé ngang mặt hít hà như hít hà những mẩu bánh mì, những lát thịt heo luộc mỗi tối:
– Mẹ ơi, chiếc vé này thơm đáo để mẹ à. Mẹ ngửi mà xem này!
Thằng bé dí dí chiếc vé sát mắt mẹ. Người đàn bà kêu khẽ:
– Ồ, đúng là thơm thật. Con trai của mẹ cũng thật là thơm.
Thằng bé khoái chí cười khanh khách. Như chợt nghĩ ra điều gì quan trọng, nó dừng lại tí xíu rồi lại vội vã chạy lên trước.
– Mẹ ơi, gánh xiếc này “ngon” phải biết, không phải như những gánh xiếc trước đâu, nhỉ, mẹ nhỉ! Có “ngon”, người ta mới cho phép biểu diễn mừng ngày quốc tế thiếu nhi, đúng không mẹ?
Người đàn bà bật cười trước cách dùng từ của con. Chị hôn khẽ lên má nó và gật đầu liên hồi. Thằng bé vẫn không dứt dòng liên tưởng:
– Thế thì con sướng ăn đứt thằng Bo, cái Nhím rồi. Nhất định con phải kể thật hay, thật hoành tráng cho chúng biết.
Thằng bé nheo nheo con mắt nhìn ông mặt trời xuống núi phía chân trời xa tít. Mảng trời xanh non bừng sắc hồng sen làm cho buổi chiều đầu hạ thơ thới, loang tan hạnh phúc, thứ hạnh phúc giản đơn của những người nghèo như mẹ con người đàn bà bán bánh mì rong. Thằng bé ngắt một cành hoa cỏ may, bập bập vào má:
– Mẹ ơi, con còn bé, vào cổng xem xiếc không cần phải vé đâu mẹ ạ! Là người lớn nói thế. Ba thằng Bo bảo con xin phép mẹ, rồi sẽ chở con và nó bằng xe gắn máy. Nhưng con không muốn thế, con muốn mẹ cũng được xem nữa cơ. Con biết là mẹ cũng thích. Bữa nay thì sướng rồi mẹ nhỉ, mẹ con mình đã có vé để đi xem xiếc. Chiếc vé này – vừa nói nó vừa giơ lên cao – con sẽ giữ hộ cho mẹ. Là tấm vé xem xiếc của mẹ tối nay… Tấm vé này…
Thằng bé đặt tay lên miệng giả làm loa. Người đàn bà cười, nụ cười rạng ngời làm khuôn mặt chị bừng lên, tươi roi rói!
*
* *
Người đàn bà phá lệ, lần thứ hai chị phá lệ trong một ngày mà con trai chị vui nhất. Bữa cơm chiều dọn ra trên cái mươn đã bóng nước, có hai món nhạt và mặn. Thằng bé sà vào bàn, đôi mắt long lanh:
– Sao nhiều thức ăn thế mẹ. Ôi! Món đậu rán này là con thích nhất đấy. Lại còn thịt kho nữa! Mẹ cho con ăn hết à?
– Ừ, bữa này mẹ đãi con trai mẹ. Thôi ăn đi, mẹ con mình còn phải soạn sửa để đi xem xiếc thú nữa cơ mà!
Người đàn bà nói lớn, âm hưởng hào sảng và ngọt ngào như nhành hoa sầu đông tím biếc trên nền trời của một ngày tháng ba nồng nã. Chị xoa mãi đôi bàn tay gầy lên mái đầu tròn trĩnh, vuốt cái đuôi tóc nhỏ xíu hai bên má của thằng bé.
Hai mẹ con người đàn bà đến sân vận động khi cửa vào đã đông nghẹt người. Thằng bé nhảy chân sáo bên mẹ, thỉnh thoảng nó vượt lên trước, tay giơ cao tấm vé xem xiếc, miệng líu lo:
– Mẹ thấy chưa, đoàn xiếc này là “có nghề” lắm nhá! Người đi xem đông ơi là đông… Không biết bọn thằng Bo, cái Nhím có được đi xem không mẹ nhỉ?
Thằng bé bỗng nhỏ giọng, cầm lấy tay mẹ:
– Vào cổng rồi mẹ nhớ nắm chặt tay con, mẹ nhé! Con sợ mẹ con mình lạc nhau. Cô giáo bảo lạc mẹ là tội nhất…
Người đàn bà nhìn con rưng rưng. Gánh xiếc về quả là ngày hội lớn của bọn trẻ. Ở đấy, người ta bán vô số đồ chơi và quà ăn vặt của trẻ con. Thằng bé kín đáo nhìn những hình thù ngộ nghĩnh trên những quả bóng bay được bơm tròn căng. Nó lè lưỡi liếm môi khi đi qua hàng bỏng ngô chiên mỡ. Chị vờ như không biết. Chị để mặc dòng nước lặng lẽ chuồi trên khoé mắt.
Dòng người mỗi lúc mỗi đông. Thằng bé dẫn chị vào cửa soát vé. Nó cẩn thận đặt tấm vé xem xiếc thẳng thớm vào tay chị rồi nhanh chân chạy lên trước ngay sát cổng vào, đôi bàn tay nhỏ xíu đưa lên vẫy vẫy:
– Mẹ ơi, con ở đây!
Người đàn bà nhón chân, gật gật đầu rồi lách lên phía trước. Chị nghiêm trang chìa tấm vé xem xiếc mà con trai chị được tặng ở trường mầm non. Anh chàng soát vé bật cười, trả tấm vé cho chị:
– Bà khốt ơi, đây là vé của trẻ con. Mà trẻ con cũng phải có người lớn đi kèm thì mới được vào! Người lớn muốn vào thì phải sang kia mua vé. Không biết bà ở đâu ra mà khốt thế không biết?
Anh chàng soát vé đẩy chị ra. Người đàn bà nghe sống lưng lạnh toát, mồ hôi nhễ trong lần áo ngực. Ôi! Con trai bé bỏng của chị, chị biết phải làm sao đây? Chị lần dây rút, kín đáo đếm lại số tiền trong đạy. Những đồng tiền ít ỏi của chị đủ để mua một tấm vé vào xem xiếc. Nhưng còn ngày mai, ngày kia… chị không biết phải xoay xở thế nào cho cuộc sống của hai mẹ con. Người đàn bà đau đớn nhìn đôi mắt trong veo của con trai đang ngước vào phía trong. Chắc nó sốt ruột muốn nhanh lên ngồi ở hàng đầu để nhìn cho rõ… Lấy hết can đảm, người đàn bà cúi xuống sát tai nó, giọng nghẹn lại:
– Bi ơi, mình về thôi con!
Cổ họng chị tắc nghẽn khi nhìn đôi vai buông thõng, khuôn mặt buồn thiu thắt của thằng bé. Không kìm được, chị ghì lấy nó, đôi dòng nước mắt lặng lẽ rơi:
– Mẹ xin lỗi con, thứ lỗi cho mẹ, con nhé!
Thằng bé day mặt về phía chị, chỉ thoáng chốc, một thoáng chốc thôi, khuôn mặt thằng bé đã ở trạng thái bình thường. Nó chạy trước chị một quãng, nói lớn để chị không thể nhận ra giọng nói đã méo xệch của mình, rằng, mẹ ơi, đoàn xiếc này cũng còn non nghề, ai mà thèm xem, nhỉ, mẹ nhỉ!
Người đàn bà cùng thằng con trai sáu tuổi đi về phía con đường có những ánh đèn. Sau lưng hai mẹ con tiếng loa phóng thanh ra rả về buổi xiếc thú chìm dần trong bóng tối.
T.P.S