Nghe đọc truyện đêm khuya – Ở tiểu thuyết “Tắt đèn”, ông Nghị bà Nghị kẻ nâng lên người hạ xuống, cốt để mua rẻ bầy chó con và cái Tí – con gái đầu lòng của chị Dậu. Còn trong truyện ngắn “Vé vớt” của nhà văn Nguyễn Quang Thân, vợ chồng ông Hải cũng hùa nhau đóng kịch, kẻ đấm người xoa, cốt để ăn chặn số tiền công hai năm đi làm giúp việc của chị Hà Tĩnh. Bản thân chị giúp việc trong truyện ngắn này, từ cái tên đã mang tính tạm bợ, chung chung, cho thấy thân phận bèo bọt của những người nghèo trong xã hội, tương lai thì mờ mịt, mà hiện tại thì bấp bênh…
Chị Hà Tĩnh là cái tên nhà chúng tôi gọi chị, người đồng hương “bỗng dưng đến nhà” trong một đêm mưa gió. Đêm ấy cả nhà sắp lên giường thì chị đập cửa chứ không bấm chuông. Mẹ tôi lò dò đi ra, nhìn một lúc qua chiếc mắt thần, rồi quay lại nói thật khẽ với cả nhà: “Hình như con Hà Tĩnh, có mở cửa không?”. Chừng như nghe thấy hoặc tình cờ, bên ngoài cửa có tiếng nói to át cả tiếng gió: “Em đây mà!”. Thì ra chị, người làm công ở nhà bác Hải tôi, cách vài quãng phố.
Chị đến tay không, mặc đồ bộ, chân dép lê, mặt tái xanh vì sợ cái gì đó đuổi theo mình hay đơn giản chỉ vì đêm hơi lạnh. Ở cái xứ Sài Gòn quanh năm nóng bức, nắng tràn trề mùa đông thực ra chỉ se se nhưng ai cũng cho là rét, cái rét đã trở thành của hiếm với người xa xứ vào đây.
“Hai bác với cậu cho em trú nhờ một đêm. Em hãi quá! Chả là em lỡ tay làm vỡ mất cái lư hương cổ của ông bà đằng ấy. Em không nhanh chân đến đây thì không biết thế nào. Cả nhà đằng ấy đang nổi điên lên. Em hãi quá!”.
Bố tôi và tôi thì không lạ gì tính nết bác Hải, người anh con cô con cậu với bố tôi. Bác ấy đang là phó chủ tịch phụ trách nhà đất ở một quận thành phố. Ngoài chuyện say mê đất cát, sang nhà, “thụt” nhà, bác còn mê đồ cổ. Tôi và cả bố tôi nữa thì mù tịt chuyện đó, có khi mất cả buổi sáng chủ nhật nghe bác giải thích vì sao một cái bát mẻ lại có giá mười cây vàng mà không hiểu vì sao. Chỉ chắc một điều: bác luôn quy thứ này thứ kia thành vàng làm người ta không biết bác say đồ cổ hay sung sướng vì thứ đồ đó đắt hơn vàng. Kim loại này như bố tôi dự đoán dễ có cả trăm cây trong tay hai bác. Bác gái thì ham chơi hụi, đứng đầu mấy dây toàn mấy bà ở chợ đầu mối của quận. Mẹ nói bác có uy tín lắm, ai cũng biết bác trai làm quan to, nhiều bổng lộc, chơi hụi với bác gái thì không thể sợ giật, sợ vỡ. Còn người vay lãi của bác gái thì chẳng ai dám quỵt, họ sợ uy bác trai.
Chị Hà Tĩnh tên cúng cơm không biết là gì, từ ngoài đó vào làm cho bác Hải mấy năm nay. Thỉnh thoảng vợ bác Hải cho chị đến nhà tôi giúp một vài ngày, chủ yếu là quét dọn, rửa bát hay lau sàn nhà, cửa kính trong ngày có giỗ, có ông bà thông gia từ Bắc vô chơi. Bác gái chỉ nói: “Để chị cho con Hà Tĩnh sang giúp một tay” và chúng tôi chỉ biết tên chị từ hôm ấy. Cái tên cũng hay hay, chị Hà Tĩnh, nghe quý phái, lại gợi nhớ quê nghèo. Chị sang, làm việc này việc kia, ai bảo gì làm nấy, lầm lũi như cái bóng. Nhưng lại thạo việc nhà, đâu vào đấy, bố tôi nói con này có tính chuyên nghiệp cao. Có điều chị chỉ quét dọn không làm bất kỳ việc gì khác, tay cầm chổi, tay cầm giẻ lau, bụi và rác là kẻ thù không đội trời chung của chị. Bố tôi có lần nhận xét: “Giá cô Hà Tĩnh làm trưởng ban chống tham nhũng thì tuyệt!”. Chị cười, ngơ ngác. Chắc chắn chị không biết trưởng ban là gì, tham nhũng là gì và bố tôi nói vậy là khen hay quở chị. Đã hơn năm rồi, chị được bác Hải gái cho sang làm bên nhà tôi mỗi tuần ba buổi sáng, hai, tư, sáu. Bác nói bên nhà chị có thêm một con cháu từ quê vào học đại học, chị cho nó ở nhờ nên sẵn người làm việc nhà, cho nó sang giúp cô chú, cứ trả một buổi năm chục ngàn như chị. Tất nhiên fan của chị là vợ tôi, rồi đến mẹ tôi. Bởi vì từ ngày có chị thì mẹ chồng con dâu hòa thuận hẳn lên, chả là trước đây chỉ cãi nhau không phải vì bom hạt nhân hay hòa bình thế giới mà chỉ chuyện bếp núc, nhà cửa không gọn gàng. Mẹ tôi kỹ tính, có thể nhìn thấy một hạt bụi cách chỗ bà đứng dăm mét. Nhưng con dâu bà thì sẵn sàng quên cất mấy cái đồ lót trên giường để đi làm mà không buồn một phút. Có chị Hà Tĩnh, dù tuần chỉ ba buổi thì bụi cũng hết mà các thứ quần áo vo viên quả bưởi trong gian buồng “hạnh phúc” của chúng tôi đều được dọn dẹp sắp xếp ngăn nắp như hàng hiệu.
Tình thế của chị Hà Tĩnh “tị nạn” vì cái lư hương vỡ thật nan giải với chúng tôi. Bố tôi vốn hay đùa chuyện “chính chị chính em”, bảo tôi: “Mày gúc-gồ xem hôm cái thằng giám đốc công an Trùng Khánh chạy vô sứ quán Mỹ người ta xử lý thế nào?”. Tôi nói: “Bố chỉ thích đùa” rồi quay sang chị: “Chị cứ ở đây, bác ấy truy nã thì em giấu chị. Nhưng mà này, chị ăn cơm tối chưa?”. Chị không trả lời chưa hay đã. Nhưng chỉ có người mù mới không biết là chị đang đói. Tôi bảo vợ dẫn chị xuống bếp làm cái gì đó cho chị ăn rồi đưa chị vào căn phòng dành cho khách, chuyện tị nạn tính sau!
Tôi nói với bố: “Quên cái lư hương đi bố à. Mai con đánh xe ra chợ Bà Chiểu mua một cái rồi dẫn chị Hà Tĩnh lên nhà bác Hải đền cho bác ấy là ổn chứ gì? Con sẽ tìm mua một cái rõ to, rõ đẹp!”. Bố tôi trừng mắt như sắp ngất: “Sao mày đơn giản thế con? Tao không biết cái của nợ này giá mấy cây vàng nhưng ông Hải phải lao tâm khổ tứ mới có được nó. Dễ gì ông ấy chịu cho mày đổi cái lư hương đểu mua ở chợ Bà Chiểu?”. Tôi nói: “Chắc bác ấy mua của mấy bà ve chai, con cam đoan với bố, không quá năm chục ngàn đồng!”. Bố tôi sẵng: “Không biết thì dựa cột, để tao kể cho nghe. Ông khoe tao một cái chén men rạn ở Bát Tràng mua hồi đi họp Đại hội Đảng ở Hà Nội. Ông ấy bảo tao nhà lão Thành chủ tịch phường 24 vừa được thằng đệ tử biếu một cái lư hương bát tiên thời Minh, anh đổi ngang cái chén Bát Tràng này lấy chiếc lư hương cho chú xem! Tao ngẩn người nghĩ mãi không hiểu sao ông anh mình lại có thể lấy mẻ sành đổi xôi gấc được. Nhưng bác ấy làm được thật. Đưa cái chén ra cho ông chủ tịch phường xem, nổ văng miểng rằng nó có từ thời Đông Chu rồi nhè lúc ông ta vô ý, gạt cánh tay làm cái chén rơi xuống đất vỡ thành chục mảnh. Bắn không nên thì đền đạn thôi! Chiếc lư hương đền ngang cái chén Đông Chu, cũng công bằng!”. Tôi hoài nghi: “Đã leo được chức chủ tịch phường thì đâu còn là gà, sao lão kia nó chịu?”. Bố tôi nói: “Mày đã từng đánh bóng bàn tiếp thủ trưởng chưa? Có bao giờ mày dám thắng không, trả lời tao xem?”. Tôi ngớ ra, quả thực tôi chưa hề biết thắng khi đánh bóng với sếp!
Chị Hà Tĩnh không phải là cái kim mà giấu dễ dàng. Không ai nói thì nhà bác Hải cũng biết chị đang náu nhà tôi. Tôi đánh xe đến nhà bác kể lại sự tình. Bác trai chưa đi làm, nghe chuyện, bảo tôi: “Vỡ cái lư hương bác chết một nửa người. Nhưng biết làm sao bây giờ? Người ta cũng là người, phải xử lý vấn đề đúng nguyên tắc nhưng bên cạnh đó cần chú ý tính nhân bản. Về cơ bản là như thế, bà ở nhà tiếp cháu, tôi phải đi đây!”. Bác gái nói: “Bình vỡ rồi, có gắn lại cũng không được. Tết nhất đuổi sát lưng rồi. Hay là cháu nói với bố mẹ cứ để nó ở bên ấy giúp được cái gì thì giúp ra tết tính sau”. Vậy là có thể hoãn binh. Bác không trách cứ gì chúng tôi chứa chấp dân tị nạn là may lắm rồi. Tôi chào bác: “Để cháu bàn với mẹ cháu. Nếu bác đồng ý cho chị ấy ở tạm nhà cháu đến sau tết thì cũng may vì dịp này vợ cháu đang ốm nghén, việc thì nhiều mà không có người giúp”.
Mẹ tôi nói: “Nếu chị Hà Tĩnh đồng ý thì cứ ở lại nhà ta. Mẹ sẽ trả lương chị ấy như bên bác Hải. Khéo cũng may vì vợ thằng Quang sắp có con, tìm người làm đâu có dễ!”. Bố tôi nói: “Bà lại chủ quan rồi. Bên ấy người ta trăm công ngàn việc, có được một nhân lực tin cậy như cô Hà Tĩnh đời nào người ta bỏ!”. Mẹ tôi nói: “Ông quên chiếc lư hương à?”. Bố vẫn khẳng định: “Dứt khoát hai bác ấy không chịu vừa mất cả người lẫn lư hương đâu! Rồi xem!”. Mẹ tôi lặp lại vẻ bối rối: “Rồi xem!”.
Chị Hà Tĩnh vui vẻ trở lại được mấy ngày. Nhưng rồi mặt chị lại tối sầm, lo âu và buồn bã. Bố tôi an ủi chị: “Cái lư hương chỉ là cái lư hương, cô đừng lo, rồi chuyện đâu lại vào đấy!”. Bố tôi vẫn thế. Ông không phải là người cả tin, trái lại còn nghi ngờ rất nhiều chuyện trên đời. Nhưng ông như người muốn nhắm mắt lại trước ánh mặt trời chói chang để tìm một giấc ngủ vùi khoan khoái. Đời ông chưa hề gặp dễ, phải nói là thất bại hoàn toàn về mặt công danh. Dù có nói: “Tao nhổ vào cái người ta gọi là công danh!”. Nhưng ông vẫn buồn, không hiểu do thua kém bạn bè hay ngược lại vì bạn bè ông có nhiều người mê muội, như ông nói, “bì bõm trong nồi cháo heo” mà cứ tưởng là đang uống rượu đào tiên trên thiên đường. Trong chuyện chị Hà Tĩnh tị nạn nhà tôi, ông tin chắc là mọi sự rồi sẽ êm thấm. Bởi vì: “Tao hỏi mày, có đứa chó nào làm gì được người khố rách áo ôm?”.
Với ông, và thực sự là như thế, chị Hà Tĩnh đúng là hạng người “khố rách áo ôm”. Những buổi tối nhàn rỗi khi trên ti vi chỉ chiếu phim bộ chán như cơm nếp nát, chúng tôi thường tụ tập ở phòng khách buôn dưa lê. Câu được câu mất, chị Hà Tĩnh cũng dần dần “tiết lộ” gia cảnh của mình. Chị có ba đứa em, hai gái một trai. Mẹ chị năm nay đã ngoài bảy mươi nhưng vẫn khỏe, đủ sức gánh cả việc nhà lẫn việc đồng. Mẹ làm non mẫu ruộng kiếm gạo cho cả nhà. Mẹ vẫn nuôi chí cho các em học hành, đất mình là vậy. Khi bác Hải gái về quê tìm người, bác nói ai làm cho bác cũng gầy được cơ nghiệp, chị theo bác vô đây liền. Chị nói, chuyện nhà bây giờ không lo lắm. Nhưng năm sau con Thơm đứa em sát chị đã vào đại học, sau mấy năm làm nhà bác Hải, chị tính có đủ tiền cho em gái, mỗi năm vài chục triệu tiền lương chứ có ít đâu? Ít nhất thì con Thơm cũng trang trải được năm đầu sinh viên. Mấy năm sau nó đã có thể vừa học vừa làm. Ra trường thì con chị kéo con em. Hai đứa chắc sẽ gánh được thằng em trai út. Chị mong linh hồn bố hài lòng. Chị đi ở nhưng em chị sẽ được vào đại học. Có lần mẹ chị nằm mơ thấy bố cầm một cái bút lông trao lại cho mẹ. Chị nói, khuôn mặt sáng lên chốc lát: “Tết này em về quê đưa tiền cho mẹ gửi tín dụng. Hè đến là có ngay cho con Thơm!”. Mẹ tôi nói: “Tiền chị để đâu? Hôm đến đây chỉ thấy tay không?”. Chị Hà Tĩnh mỉm cười, tự tin. Tôi bỗng thấy chị đẹp, cao quý, vẻ đẹp của một bà chị cả quá lứa lỡ thì, đang dồn tâm sức mồ hôi và chắc cả nước mắt nữa cho mấy đứa em được đến trường. Giây phút đó, cái nhìn của chị như muốn nói: “Bà đừng quá lo cho em, em không giàu nhưng em chắt bóp tiền lương mấy năm ở mướn cũng không ít đâu nhé!”. Tôi nghĩ, chị không giữ tiền trong người là khôn. Chắc là đang gửi tiết kiệm. Nhưng cuốn sổ ấy chị để đâu rồi? Tôi nghĩ vậy nhưng không hỏi tiếp nữa.
Thật mừng cho nhà chúng tôi. Mẹ tôi khen hai bác Hải đều hiền, bỏ qua chuyện cái lư hương, lại có tình với anh em, bỗng dưng vui vẻ nhường cho nhà mình một “quý nhân” giữa lúc vợ tôi mang bầu và năm hết tết đến, nhà nào cũng cần người giúp việc. Tôi nói: “Bác ấy chả nói: đúng nguyên tắc, bên cạnh đó phải có tính nhân văn là gì!”. Bố tôi bình, không biết ông tin hay nghi nữa: “Bên cạnh đó, song song, đồng thời, về cơ bản… tao còn lạ gì!”.
Những ngày cuối năm bao giờ cũng có không khí khác thường. Dù là chốn Sài thành hoa lệ, không hề thấy bóng mái đình cây đa, giếng nước, nhưng vẫn phảng phất đâu đây cái tết heo heo buồn và thương nhớ của xứ Bắc, xứ Trung. Ấy là do người nhập cư hằng ngày vẫn âm thầm, lặng lẽ không ai nhìn thấy, không ai gặp được nay bỗng đổ dồn về bến xe ga tàu hay các khu chợ nghèo ven đô hoặc các quận thưa dân. Người ta nao nức tìm đường về quê. Như quên cả ăn, cả ngủ, miễn là giắt túi được một ít tiền để dành và chiếc vé tết, xe hay tàu gì cũng được trừ máy bay. Mỗi người một lý do để về quê ăn tết. Nhưng ai cũng muốn có mặt ở nhà mình trước đêm giao thừa. Có lẽ quanh năm họ phải ăn ở nhà người, miếng cơm nhà người bao giờ cũng chua chát. Không khí về quê ấy dậy lên trong nhà tôi. Bố tôi uống trà liên tục. Mẹ tôi lấy quần áo cũ đưa từ ngày còn ở Hà Nội ra phơi. Và chị Hà Tĩnh…
Một buổi tối, chị nói với mẹ tôi, lúc đó có tôi cùng ngồi ở đó:
“Xin bà với cậu giúp em một việc. Em muốn về quê ăn tết… nhiều năm nay không về rồi”.
Mẹ tôi bảo: “Thì chị cứ về, ở nhà bác Hải hay ở đây cũng thế!”.
“Nhưng em chưa có tiền…”.
Mẹ tôi nói: “Lương hai tháng nhà tôi trả chị thừa sức mua vé, tôi sẽ đưa chị ngay…”.
Chị Hà Tĩnh lặng một lúc, nói: “Em nói chuyện mấy chục triệu tiền để dành cơ. Bác Hải bảo em gửi bác để bác chơi hụi hộ em. Em chẳng biết chơi hụi là cái gì, nhưng bác ấy nói tiền lương cứ gửi bác, sau một năm, hai năm một có thể thành hai, sau từng ấy năm thành ba thành bốn, giữ trong túi chỉ tổ mất cắp và thiệt. Thành ra mấy năm rồi em có lĩnh tháng lương nào đâu!”.
“Bây giờ chị tính thế nào?”. Mẹ tôi hỏi, nét mặt bà nghiêm lại. Tôi biết mẹ đang nghĩ tới điều gì.
“Em muốn nhờ anh Quang sang bên ấy nói giúp em xin lại cái tiền hụi. Tết này em đưa cho mẹ để lo chuyện học cho con Thơm. Rồi cậu giúp mua hộ cái vé. Người ta bảo mua bằng cái máy tính thì chắc hơn với lại nhanh hơn!”.
“Em sẽ mua vé hộ chị dù chị có lấy được tiền hay không”.
“Nhưng không có tiền thì em về mà làm gì?” – chị mếu máo.
Tôi có một quyết định trong đầu, nói với chị:
“Tối mai chị em mình sang nhà bác Hải, chị bảo muốn hốt cái hụi. Hốt cái hụi chứ không ai nói “xin lại tiền hụi” như chị đâu!”.
Mẹ tôi không nói gì, chỉ nhìn tôi lo lắng.
Tối hôm sau, tôi lấy chiếc Mazda của tôi cùng chị Hà Tĩnh sang nhà bác Hải. Ngồi trên ô tô chị ngọ nguạy không yên. Cái lo của người nghèo thường thể hiện qua động tác cơ thể, chính vì vậy mà chúng ta có thể sờ được tận tay nỗi lo, nỗi đau của họ. Chị Hà Tĩnh không còn như đêm qua, rạng rỡ mặt mày tiết lộ số tiền chắt chiu được của mình. Chị đã hiểu bằng bản năng chuyện “hốt hụi” này không đơn giản như chị hiểu.
Cả hai bác đều ở nhà. Không ai biểu lộ cảm xúc gì trên mặt khi chúng tôi vào nhà. Có lẽ họ đã quên chuyện cái lư hương bị vỡ hôm nào.
Khi tôi trình bày giúp chị Hà Tĩnh việc “xin lại tiền hụi”, bác gái chẳng những không giận dữ gì mà còn vui vẻ, may mà bác kìm được không cười to lên:
“Tiền hụi đâu ra mà đòi? Đúng là dở hơi, tôi giữ của chị hai mươi tháng lương tức là bốn mươi triệu, hốt hụi hai lần được lời mỗi lần năm triệu vị chi năm mươi triệu tròn, đúng không nào?”.
Chị Hà Tĩnh lí nhí:
“Dạ đúng”.
“Năm mươi triệu bây giờ là cây hai vàng bốn số chín. Chị làm vỡ cái lư hương giá mười cây vàng của tôi, đúng không nào?”.
Chị lại lí nhí:
“Dạ đúng”.
“Vậy là chị còn thiếu tôi gần chín cây vàng, tiền đâu ra mà chị còn đòi tôi?”.
Nếu ai đã từng bị nghe lệnh bắt hay bị chìm đò, bị nhốt trong căn phòng đang bốc lửa mà cửa ngoài khóa chặt may ra có thể hiểu được nét mặt lạ lùng của chị Hà Tĩnh lúc đó. Chị trân trân, không nói gì, cũng không khóc, tôi không hiểu chị đang nghĩ gì nữa. Còn tôi thì tôi hiểu. Hiểu cái tình thế hiểm nghèo của chị. Nhưng tôi không biết phải xử lý thế nào đây?
Bác Hải trai đang ngồi uống trà bên bộ sô pha, vẻ mặt bác cũng dửng dưng nhưng tôi đoan chắc bác đã nghe rõ mọi chuyện. Thế chẳng đừng, bác gọi tôi đến bộ sô pha, chắc là với tư cách đại diện cho đương sự, người làm của nhà bác. Tôi ngồi bên cạnh. Bác nói:
“Như đã nói với cháu hôm trước, chuyện này phải xử lý đúng nguyên tắc đồng thời không quên tính nhân văn. Nguyên tắc làm vỡ của ai cái gì là phải đền. Chị ấy đền cái lư hương của bác là đúng nguyên tắc. Còn tính nhân văn – bác quay về phía bác gái bấy giờ đã tréo ngoe trên cái võng Duy Lợi – mình nhỉ, mình chỉ trừ chị ấy một cây hai thôi nhé, một cây hai thôi nhé. Mười cây mà chỉ trừ một cây hai, cháu giải thích hộ cho chị ấy rõ tấm lòng của hai bác”.
Bác đứng dậy với tay lấy một cuốn lịch tường, cuốn lịch bác được tặng năm nay, đưa cho chị Hà Tĩnh:
“Nếu có về tết thì cho vợ chồng bác gửi lời thăm cụ và các cháu, tôi gửi biếu cuốn lịch. Với lại – bác lấy trong túi ra chiếc phong bì đỏ – Đây là tiền lì xì lấy may – bác quay sang tôi giả lả – năm nào cô ấy cũng bộn tiền lì xì, chỉ riêng bạn và cấp dưới của tôi cũng hàng chục người. Giá cô ấy không chơi hụi mà trữ lại thì hẳn tới hàng triệu rồi!”.
Bác cười khoái trá, biểu lộ tấm lòng đồng cảm cùng niềm vui với người nghèo.
Chị Hà Tĩnh vẫn ngồi nguyên chỗ, không biểu lộ gì, cũng không nói câu gì. Tôi nghĩ mình phải kéo chị đi ngay chứ không khéo chị phát điên mất. Nhưng bác trai bỗng kéo tay áo tôi nói thầm: “Phải thuyết phục mãi, bà ấy mới chịu đấy! Mình thiệt nhiều nhưng hề gì, phải nhân văn cháu ạ!”.
Tôi không về nhà ngay mà đánh một vòng khắp thành phố ban đêm. Có lẽ lần đầu tiên chị Hà Tĩnh được ngồi ô tô nhà, tôi muốn chị được “Saigon by night” một bữa thỏa thích. Chị vẫn không tỏ vẻ thích thú, cũng không nói câu gì. Tôi thì tránh nhắc đến chuyện hốt hụi của chị. Nhưng mấy chục cây số lái xe mà không ngắm cảnh dọc đường, tôi chỉ có một ý nghĩ: Nhất định tôi sẽ tìm cách “hốt hụi” cho chị Hà Tĩnh. Phải cho ông chủ tịch phường biết rõ cái chén Đông Chu kia chỉ là gốm Bát Tràng. Và công lý sẽ từ ông ta… ông sẽ biết quậy như thế nào. Nhưng điều chắc chắn là tết này chị Hà Tĩnh sẽ ăn tết cùng chúng tôi, dù sao đó cũng là chiếc vé vớt cho chuyến về quê hụt của chị.
Vũng Tàu 2013
Tác Giả: Nguyễn Quang Thân / BTV Anh Thư