Bài nổi bật

Vệ Đê Trong Đêm Trăng

Ngày mai anh ra trận. Đã quá khuya mà ngôi nhà ven đê vẫn rộn rã. Những lời chúc, căn dặn và cả những giọt nước mắt yêu thương dành cho anh. Vừa đến bên tôi, mọi người lại ào tới vây quanh anh. Chúng tôi cũng cần thời gian cho riêng nhau. Anh đánh tín hiệu mắt. Chỉ có tôi hiểu. Lén trốn khỏi sự ồn ã, anh kéo tôi xé rào, men theo lối nhỏ sau vườn, vượt đường đất lên đê.
Đêm trăng. Trăng 16 tròn vành vạnh treo tít trên ngọn tre làng. Bờ sông vẫn gió. Gió luồn vào da thịt mơn man. Hơi nước se lạnh. Tôi nép vào anh tin cậy. Tôi chưa thế bao giờ, vì thuộc lắm lời mẹ dạy “nam nữ thụ thụ bất thân”. Vốn nhút nhát, một cái chạm tay cũng đủ giần giật luồng điện. Anh cũng không hơn gì tôi, lớn lên từ nông thôn, quanh năm không đi đâu xa khỏi phố huyện nghèo. Anh học giỏi toán và tư duy biện chứng. Ước mơ vào khoa Toán, Trường đại học Sư phạm đã thành hiện thực. Mẹ thương con trai nhập trường với gia tài khiêm tốn: vỏn vẹn đôi dép cao su mòn vẹt, bộ quân phục bạc màu vai áo đã sờn chằng chịt những nốt tíchkê của bố và một hòm sách.
Tôi yêu sự chân thật và cả sự vụng về của anh ngay từ lần đầu. Anh nhát hơn tôi tưởng. Lặng lẽ đứng sau cánh gà nghe tôi hát bài “Hành khúc ngày và đêm” trong đêm Hội diễn văn nghệ và gửi tôi tình yêu nén giấu bấy lâu. Vội ấn vào tay tôi gói nhỏ rồi chạy vụt đi như một vệt sao băng. Tôi bàng hoàng trước lời tỏ tình chân thật, mộc mạc chưa đầy một mặt trang giấy pơluya trắng muốt gấp trong cuốn sách “Đội cận vệ thanh niên” và một bông hoa phượng vĩ ép trong cuốn “Ruồi trâu”. Mất mấy tuần anh trốn tôi. Lặng thinh bấy nhiêu ngày để hí húi ghi nhật ký. Anh sống nội tâm, nén giấu trong tim một tình yêu để rồi nén chặt thứ năng lượng ấy.
Chúng tôi đã yêu nhau, sinh ra để yêu nhau. Cái tên bố mẹ đặt cho hai đứa như có sự hoán đổi đặc biệt. Anh là Bình Sơn, tôi là Sơn Bình. Cái tên như duyên trời ghép hai cuộc đời, buộc hai số phận.
Minh họa của Lê Tiến Vượng.
…Làng chúng tôi ở hai bên bờ sông Đuống. Lần đầu anh đưa tôi về bên kia sông. Hai đứa đi trên đê. Gió lồng lộng, bờ cát trắng đổ dài lấp lánh ôm lấy con sông Đuống hiền từ. Đường đất đỏ, hằn đốt sống trâu gồ ghề, mỗi lần va vào ổ gà, xóc nảy người. Tôi lùi ra ngoài gácbaga, bám chặt yên xe, nhất định không động vào người anh. Anh nhìn vu vơ, cười một mình.
Trước khi đưa tôi về ra mắt, anh đã tỉ tê với mẹ về tôi, nhưng mẹ không đả động gì tới chuyện đó, chỉ vun vén cho Thắm: “Bố mẹ già, như chuối chín cây, mong có đứa cháu ẵm bồng. Con Thắm nhà bác Thục được đấy. Nó khỏe mạnh, xốc vác. Ăn chắc mặc bền con ạ. Bố mẹ yếu cả rồi, cũng cần đứa con dâu như nó. Thắm có vẻ quấn quýt con. Hôm nọ nó thầm thì với mẹ chỉ chờ anh Sơn thôi. Mày ư một tiếng là bố mẹ cưới liền”.
Thắm cao lớn, da bánh mật, chắc nịch như nắm cơm. Học hết lớp 7, Thắm thôi học, ở nhà làm ruộng và tham gia đoàn thanh niên xã. Khi vắng anh, Thắm thường xuyên qua lại, khi thì cấy, lúc gặt, tát nước, be bờ, cắt cỏ. Lúc trái gió trở trời, mẹ anh đau ốm, Thắm thường xuyên lui tới mang nắm lá xông, nấu nồi cháo nóng. Bạn bè trêu: “Kén được dâu như Thắm là có phúc đấy. Có cô ấy bằng có con trâu tốt trong nhà”. Anh không thích ghép với Thắm và đùa kiểu ấy. Thắm không đẹp, dáng người thô tháp, nói năng to tát. Nhưng Thắm xốc vác, ngay thẳng, thật thà. Anh biết Thắm từ thuở ra sông tắm truồng, lấy thân chuối, chụp hai ống quần làm phao bơi. Lớn lên bên nhau, anh chỉ có cảm giác cô ấy giống Xuân – em gái anh. Anh quý Thắm như tình anh trai. Tôn trọng quyết định của anh, không ai nhắc chuyện đó nữa.
Anh cao lớn như một cây tùng – tôi đã yêu cái chiều cao lý tưởng ấy ngay lần đầu gặp gỡ. Anh học trước tôi một năm, hơn tôi 2 tuổi (tôi “nhảy cóc” không học lớp vỡ lòng). Hôm đó, sinh viên hai khoa có buổi giao lưu bóng chuyền. Tôi thiện cảm ngay với đội bóng khoa Toán. Anh khoác áo đội trưởng màu đỏ rực như hoa lửa. Những trái bóng anh đập mạnh như bom, những lần phát bóng chéo sàn sạt trên lưới, cổ tay dẻo, anh bỏ nhỏ, lật bóng khéo léo khiến đối phương không kịp chống đỡ. Anh đâu biết, tôi trở thành fan hâm mộ. Tôi reo hò, cổ vũ. Minh Hằng mấy lần “hạ nhiệt”: “Cái con này, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tôi bẽn lẽn, nhưng chỉ ít phút, sự hứng khởi khiến tôi quên mất. Khoa anh thắng giòn giã. Anh nổi bật trên lễ đài nhận quà tặng của trường…
Cơn mưa ào đến. Mọi người tán loạn tìm nơi trú mưa. Tôi chạy về phía cuối sân bóng. Tiếc. Thế là chẳng còn cơ hội gặp chàng trai ấy. Vẩn vơ những ý nghĩ lộn xộn. Con gái khoa Văn là chúa lãng mạn. Giá như anh xuất hiện lúc này với cử chỉ hào hiệp của những chàng hiệp sĩ. Giọt mưa phả vào mặt buốt rát. Nước mưa thấm qua chiếc áo phin nõn trắng, dính chặt vào người. Lạnh quá, tôi ngọ nguậy, loay hoay, kéo hai cái đuôi sam lên trước, khư khư ôm ngực. Từ phía sau có người lách lên phía trước tôi, xoay người, chắn cơn mưa xối xả: “Bạn đứng lui vào trong này kẻo ướt”. Giác quan thứ 6, là anh. Trống ngực đập loạn nhịp. Tôi nín thở. Cơn mưa ào ạt rồi tạnh. Trời hửng. Đất trời như tấm thảm lớn lung linh bảy sắc cầu vồng…
…Lệnh tổng động viên gõ đến cửa trường đại học. Đất nước huy động quân tối đa. Lính sinh viên “gác bút nghiên lên đường chiến đấu”. Biết anh sắp lên đường, lòng tôi khắc khoải không yên. Tôi chưa hình dung nổi sẽ sống thế nào khi vắng anh. Nhớ Minh Hiền – cô bạn cùng lớp thì thầm nụ hôn đầu đời của chàng sinh viên Bách khoa trước ngày ra trận. Nó mang theo dư vị nụ hôn về ký túc xá. Lén soi bằng chiếc gương bé xíu, đôi mắt như biết nói ấy cứ long lanh, cháy sáng, má đỏ bồ quân, bờ môi lấp loáng như vẫn run rẩy: “Lạ lắm cơ… tớ  không còn là tớ… hơi đàn ông… thế nào ấy…”. Trong hơi thở, thỉnh thoảng nó lại thoa tay lên môi. Lúc đầu còn rụt rè, sau thì trái tim mở toang, rạo rực. Tôi tò mò… Và hôm nay đến mình. Có hơi khác một chút. Kệ. Cần gì phải giống ai. Không biết trăng tuột khỏi mây lúc nào.
Ánh trăng lung linh. Vòng tay anh quấn riết, tôi cảm nhận được sự nồng nàn của người đàn ông đầu tiên khiến trái tim tôi run rẩy mà đầu hàng. Nụ nôn đầu đời pha trộn nhiều xúc cảm khó tả. Cảm giác lạ lắm. Bồng bềnh. Lâng lâng. Người tôi khi nóng, khi lạnh chơi vơi như cánh diều không dây. Trời đất giao hòa. Ngôn ngữ cơ thể ngọt ngào. Thỉnh thoảng có tiếng tôm búng lách tách trên mặt nước. Trăng òa xuống mặt nước lung linh. Một dòng sông trăng lấp lóa…
– Anh! Người ta nhìn thấy… – Giọng tôi lạc đi, run run.
– Kệ! Chỉ có trăng thôi em ạ – Tiếng anh trong hơi thở. Anh hay gió nói? Chưa bao giờ tôi nghe thấy những lời có cánh như thế.
– Anh này! – Anh không để ý đến sự ngập ngừng của tôi. Có ích kỷ không khi tôi kéo anh ra khỏi sự yêu thương, chờ đợi của bao người. Đêm nay là một đêm trắng. Thắm đang cháy ruột tìm anh. Thắm yêu anh. Yêu nặng lòng, đơn phương, yêu mà nhói đau tội nghiệp. Suốt tối hôm ấy Thắm lấy cớ bên anh. Anh thì vẫn thản nhiên như mọi khi. Đôi mắt Thắm đượm buồn. Tôi hiểu nỗi niềm ấy. Tình yêu có muôn lẽ chỉ có con tim mới cảm nhận đến tận cùng hạnh phúc và buồn đau.
– Anh! Không thấy anh, Thắm lại đi tìm…
Vòng tay anh lỏng dần. Anh dìu tôi xuống vệ đê. Dư vị hương sen cuối mùa đan quyện. Anh trải chiếc khăn mù xoa trên thảm cỏ triền đê, đỡ tôi ngồi xuống. Anh xuống hồ, rồi quay lên với bông sen hiếm hoi cuối mùa. Ống quần bết bùn. Bông hoa trên tay lao xao. Hương sen vấn vít, mùi đồng nội, mùi đất nồng, mùi thanh tao lan tỏa dìu dịu đêm trăng. Anh vuốt sợi tóc mai lòa xòa trên má tôi:
– Em à! Anh suy nghĩ nhiều về sắp đặt của bố mẹ. Chiến tranh. Mọi cái đều có thể. Anh không vô tâm với nỗi lo của các cụ. Nhưng để yên lòng bố mẹ, anh sẽ vô tình làm khổ Thắm. Anh không muốn Thắm nhận sự đoái thương. Thời gian sẽ giúp cô ấy hiểu anh.–PageBreak–
Gió từ sông lồng lộng. Nghĩ đến vài giờ khắc nữa xa nhau, tôi siết chặt anh hơn. Tôi nghĩ nhiều đến phía trước, con đường anh đi, mặt trận anh tới. Tháng trước về nhà, hay tin chồng chị Chất vừa hy sinh ở mặt trận Quảng Nam. Đứa con anh ấy đang trong bụng mẹ. Thanh niên trai tráng làng tôi đi hết. Giấy báo tử lặng lẽ về làng, làm xáo trộn cuộc sống thôn quê vốn yên ổn sau lũy tre xanh. Người dân làng tôi toát túa mồ hôi, nín thở mỗi khi thấy bác bưu điện. Những ý nghĩ chợt đến gấp gáp, vội vã. Chạm đến một miền lặng trong tâm thức. Linh cảm mách bảo… “Không được, phủi phui cái ý nghĩ của cô” – tôi tự xua ý nghĩ chợt đến… Cô bạn lớp tôi vẫn tiếc hôm ấy… đã không dám… nếu lỡ chàng sinh viên Bách khoa không về… Tôi rùng mình. Bóng đêm đồng lõa với sự nổi loạn… Tôi ào đến bên anh như trận bão, bất ngờ anh đổ xuống vạt cỏ. Trái tim loạn nhịp. Ngôn ngữ cơ thể như hối thúc. Nóng bỏng. Run rẩy. Anh cuống cuồng bật dậy:
– Em tập trung học tập, học cả cho anh. Đợi ngày chiến thắng, anh sẽ trở lại giảng đường… Em… Anh yêu em… nhiều lắm. Em… Chờ anh em nhé! Nhất định anh trở về vì có em chờ đợi…
Gió thì thầm. Vệ đê trăng đẫm sương. Anh mạnh mẽ, cứng cáp và bình tĩnh hơn tôi. Tôi không nghe thấy gì ngoài sự hối thúc của con tim… tình yêu… sự xa cách… bom đạn… sống chết. Anh cúi xuống ôm tôi vào lòng. Anh bứt cọng cỏ may đưa lên miệng hai đứa. Tôi ngậm cọng cỏ mỏng manh mà bẽn lẽn, ngượng ngùng. Trăng cười, thỉnh thoảng dồn mây lại hững hờ, buông lơi. Những bông cỏ may găm trên đầu, trên áo. Tôi thổn thức, vỡ òa, tức tưởi… Anh hôn lên giọt nước mắt nóng hổi…
Bất ngờ ánh đèn pin lia loáng trên đê. Đám người rộn rạo, bước chân rình rịch vây quanh chúng tôi – toàn con gái. Anh đỡ tôi đứng dậy, vuốt lại hai bím tóc đuôi sam, nhặt sợi cỏ vương trên mái tóc. Một chị hùng dũng lăm lăm khẩu súng tiến đến chúng tôi hoan hỉ như lập được chiến công.
– Anh chị giỏi thật. Thanh niên trai tráng mà ru rú ở đây “mèo mỡ” với nhau. Đẹp mặt chửa? – Rồi chị khoát tay cho những người đi cùng – Giải chúng lên Ủy ban…
Anh lặng im. Tôi nhanh nhảu phân bua:
– Ngày mai anh ấy ra trận. Chúng tôi muốn ở bên nhau một chút. Chị tin…
Không chờ tôi nói câu, vẫn cái chị hùng hổ khi nãy, quát mấy chị đi cùng:
– Đừng có tin. Phải cảnh giác. Ra trận. Ra trận mà lôi nhau ra tận đây tâm sự à? Chỉ được cái  già mồm…
Lúc này anh mới lên tiếng. Anh tiến đến trước mặt người phụ nữ đó, giọng cương quyết.
– Chị không tin, chúng tôi sẽ về Ủy ban cùng chị, nhưng chỉ không được nói cái kiểu ấy…
Từ trong đội tuần tra, một bóng người vụt chạy. Chị cầm súng thất thanh: “Đứa nào chạy đấy? Cái Thắm, cái Thắm à? Thắm, Thắm chưa xong nhiệm vụ đâu. Còn sang thôn 4 nữa. Quay lại! Quay lại ngay!”. Là Thắm. Chúng tôi nhìn nhau…
Hai chúng tôi bị giải như tù binh. Tôi không nghĩ cho mình, chỉ thương anh. Chi li từng giây hiếm hoi thế mà đành phung phí cho vụ này, chắc rầy rà mất thời gian. Hai đứa bị đưa vào phòng tiếp dân. Ngọn đèn dầu chấm bằng hạt đỗ. Cái chị khi nãy cứ oang oang từ cổng Ủy ban, tâng tâng chỉ chực khoe công. Người đón chúng tôi là Chủ tịch xã, còn khá trẻ, mặc bộ quân phục, chống nạng, một ống quần buộc túm. Anh lại bàn khêu lại bấc đèn vặn to hơn và mời chúng tôi ngồi. Anh ấy có mắt giả. Chủ tịch xã chăm chú nghe giải thích và quay nhanh về phía anh:
– Đồng chí có mang theo giấy tờ?
Xem xong, Chủ tịch xã đưa lại anh. Thoáng chút bối rối, anh ấy đập nhẹ lên vai anh:
– Thông cảm đi. Chiến tranh mà. Tôi thay mặt đội tuần tra xin lỗi anh chị. Thôi về nhanh đi, không còn nhiều thời gian đâu. Chiến trường cần quân lắm. Phải huy động đến sinh viên là biết… Đi mạnh giỏi, lập chiến công nhé! – Anh ấy quay đi, giọng trầm buồn – Chỉ tiếc… tôi…
Sơn của tôi trong đoàn quân sinh viên ra trận vào mùa thu 1971. Những gương mặt hồn nhiên tươi trẻ, hăm hở gác lại đằng sau những bộn bề, dự định, nghiên cứu, có người chưa biết tỏ tình, chưa từng biết bàn tay con gái… Ngay trang đầu cuốn nhật ký anh viết “Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường giục giã bước hành quân”. Và trang sau, bên bông hoa phượng vĩ đỏ ép vào trang sách là dòng thơ “Em ơi, khi Tổ quốc yêu cầu/ Mình sẵn sàng gửi nỗi nhớ cho nhau/ Hẹn em nhé tới ngày mai chiến thắng/ Anh sẽ về vì biết em chờ đợi”.
Anh trở thành chiến sĩ thông tin của mặt trận Quảng Trị. Theo hòm thư của anh là những cánh thư ăm ắp nhớ thương. Đi theo hơi thở của anh là tình em tha thiết. Ngày nào tôi cũng viết thư, chép tặng bài thơ nồng ấm tình yêu. Cái thì gửi, cái thì găm vào nhật ký. Nhiều lá thư nằm lại địa chỉ cũ, không đến tay anh. Bước chân của anh nhanh hơn cánh thư đến. Những lá thư anh gửi về còn vương mùi đạn bom, thuốc súng. Với tôi, nó quý giá vô cùng. Anh kể về những sinh viên lên đường, được bổ sung biên chế vào nhiều binh chủng khác nhau, chiến đấu trong khói lửa, nếm đủ các loại bom phá, bom napan, bom bi, bom B52 rải thảm, bom 7 tấn, bom đào, bom phạt, bom điều khiển bằng lade, đặc biệt bom dù chúng thử nghiệm ở Thành cổ…
Cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt. Trường Sư phạm sơ tán về Hưng Yên. Thư của anh thưa dần. Từ đầu năm 1972, tôi không nhận được thư anh nữa. Tin sinh viên hy sinh từ chiến trường dội về. Lòng tôi như lửa đốt, như kim châm. Tôi vẫn giữ thói quen hàng ngày, đều đặn viết cho anh. Tôi đã hát tặng anh trong đêm “Khúc hát nàng Solveig” không biết bao lần: “Cầu mong ở nơi ấy anh vẫn sống yên vui thanh bình/ Như những giấc mơ em bên mình/ Ở nơi xa xăm ấy ôm chiếc bóng cô đơn lạnh lùng/ Bao thương nhớ vây quanh bên mình/ Trọn đời em thương nhớ anh”.
Những trang nhật ký đẫm nước mắt nồng nàn, thương yêu: “Em sẽ không giữ cuốn Nhật ký này. Là tình em, nhưng nó là sở hữu của anh. Em sẽ trả cho chủ nhân của nó. Hãy trở về nhận nó, anh nhé!”.
Nhưng Bình Sơn của tôi không về. Anh hy sinh sau hơn 10 tháng vào chiến trường. Mãi tới khi Hiệp định Pari ký kết, tôi mới biết tin. Anh Tú trao tôi một bọc nilông với những di vật mà anh tin cậy gửi lại đêm 4/7/1972 sau chiến dịch “Lam Sơn 72”. Tôi không khóc nổi. Cổ họng như có vật chẹn cứng. Số phận cuốn nhật ký thật kỳ lạ, vượt qua bao khốc liệt, nằm im trong đáy balô, chung chịu bom đạn, may mắn trở về với người thân. Bởi sau đêm ấy, anh Tú bị thương đưa ra tuyến sau. Cả trạm quân y vùi lấp trong bom đạn. Cuốn nhật ký lỗ chỗ mảnh đạn, nhiều chỗ loang máu không đọc được.
“Ngày 31/3/1972: Em biết không, đùng một cái, cả đất trời Quảng Trị bỗng rung chuyển. Một cơn bão lửa cùng một lúc trùm lên toàn bộ hệ thống căn cứ của địch. Các trận địa pháo của địch đều bị ghìm đầu. Anh rất phục nghệ thuật nghi binh và chọn thời cơ tài tình của ta. Nhớ em không kể xiết…
– Ngày 30/6/1972: Chính quyền Sài Gòn dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị. Phút hiếm hoi giữa hai trận đánh, giở ảnh em ra ngắm. Ảnh em và anh được để bên ngực trái, gần tim ấy. Anh đã mơ thấy em giữa ban ngày. Cái đêm trăng trên vệ đê ấy. Em nhớ không? Cuộc chiến dữ dội và khốc liệt. Từ nay anh khó có thể ghi được gì. Đành phải tạm biệt em. Anh sẽ nạp nó trong đầu. Anh sẽ cố gắng bước qua cuộc chiến khốc liệt này để trở về. Qua được đoạn đó người ta thọ lắm…Yêu và nhớ em trọn đời… Đợi anh về em nhé…”.
Sau một tháng trang nhật ký cuối cùng khép lại, anh hy sinh trong hành trình đến gần ngày kết thúc cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Ngày 30/7/1972 một trái tim tuổi trẻ ngừng đập, một sinh viên đành lỗi hẹn với mái trường trở về tiếp tục học tập, đứa cháu đích tôn tạ tội với ông bà không thắp được nén nhang vào ngày giỗ, một chàng trai đành cắt chia cái tên Bình Sơn thành hai nửa vầng trăng.
Mỗi lần về bên kia sông Đuống thắp hương cho anh, tôi vẫn gặp Thắm. Nhìn chị, tôi càng xa xót. Chị lặng lẽ, cô đơn, chiếc bóng. Trọn tình với mối tình đơn phương, bỏ qua nhiều cơ hội lập gia đình để bây giờ vẫn là cô Thắm ngày xưa, yêu anh đến trọn cả cuộc đời. Chị xin xã cất một ngôi nhà gần vệ đê trăng năm ấy. Di ảnh của anh đặt trên ban thờ, nồng nàn hoa trái vườn nhà. Hai người đàn bà xa lạ như có chung duyên phận. Chúng tôi thương nhau như chị em gái…
Thời gian trôi qua. Vết thương thay da, chồng lên nhiều lớp sẹo. Nhưng trong tôi – nơi miền khuất tâm hồn, anh vẫn vậy – cái tuổi 20 đầy đam mê, cháy bỏng. Vẫn vẹn nguyên trong tôi những kỷ niệm về cái thuở một thời và mãi mãi không dễ nguôi quên: Cơn mưa bất chợt, con sông Đuống bồi dài bờ cát, đêm trắng trên vệ đê trăng… Tôi vẫn giật mình thảng thốt mỗi khi nghe thấy lời nhắn gửi “Chiến sĩ… hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ai biết… xin báo về…”.
Bình Sơn của tôi, anh ở đâu dưới lớp cỏ non Thành cổ?
Tác giả: L.T.B.H – Diễn đọc: Hồng Huệ
Sản Xuất: VOV

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *