Bài nổi bật

Truyện Ngắn “Mối Tình Đầu’’ Và “Thời Tiết Mùa Thu”

Truyện Ngắn “Mối Tình Đầu’’ – Vladimir Osipovich Bogomolov
Chúng tôi nằm ôm riết lấy nhau trên mặt đất cứng lạnh ngắt và ẩm thấp nhưng không hề cảm thấy như vậy.
Hai đứa tôi gặp gỡ đã nửa năm, kể từ ngày nàng được biên chế về trung đoàn. Tôi mười chín, nàng mười tám.
Chúng tôi phải gặp gỡ lén lút vì tôi là đại đội trưởng, nàng là cứu thương. Không một ai hay biết về mối tình của chúng tôi, cũng như về cái sự chúng tôi đã thành ba…
– Em có cảm giác nó là bé trai đấy! – Nàng thì thào khẳng định hàng chục lần rồi, hẳn muốn làm tôi hài lòng. – Và nó giống anh như đúc!
– Bất quá thì bé gái anh cũng ưng mà. Nhưng nó phải giống em! – Tôi cũng thì thào đáp lại, đầu óc mải nghĩ về chuyện khác hẳn.
Chừng năm trăm mét phía trước, chiến sĩ đại đội tôi đang ngủ mê mệt trong hầm ngầm và ngay dưới chiến hào. Xa chút nữa, phía bên kia tuyến cảnh giới, thỉnh thoảng lại hiện ra dưới những phát pháo sáng của bọn Đức, là cao điểm 162, ẩn mình trong đêm tối.
Rạng sáng mai đạị đội tôi phải thực hiện nhiệm vụ mà tuần trước một đại đội phạm binh đã không làm được là chiếm cao điểm ấy. Trong toàn tiểu đoàn, hiện thời biết điều đó chỉ có năm sĩ quan – những người chiều nay thiếu tá trung đoàn trưởng vừa gọi đến hầm ban tham mưu. Tuyên đọc cho chúng tôi nghe lệnh xong, ông nhắc lại với riêng tôi:
– Tóm lại, cậu nhớ cho kĩ: “Kachiusa” tấu khúc dạo, một phát pháo hiệu xanh là cậu xông lên… Bộ đội hai cánh cũng tấn công, nhưng đánh chiếm cao điểm là cậu!
Chúng tôi vẫn nằm ôm riết lấy nhau và trong lúc hôn em, tôi không thể không nghĩ đến trận đánh rạng sáng mai. Điều khiến tôi lo lắng hơn cả là số phận của em, và tôi vắt óc suy nghĩ: làm thế nào đây?
– Bây giờ em phải ngủ thay cho cả hai đấy nhé. – nàng vẫn thì thào bằng cái giọng nhỏ nhẹ ngân nga âm “o”. – Anh này, nhiều đêm em cứ tưởng đến ban mai là mọi chuyện này sẽ chấm dứt – cả hầm hào, máu me và chết chóc… Ba năm rồi còn gì, chẳng lẽ nó có thể tiếp tục vô tận à?.. Anh cứ thử tưởng tượng mà xem: sáng bảnh mắt ra, vầng dương vừa ló lên, là hết chiến tranh, hết hoàn toàn cơ…
– Anh đến gặp thiếu tá ngay bây giờ! – Tôi rút cánh tay đang cho nàng gối đầu, dứt khoát đứng dậy: – Anh sẽ thú thực với ông, thú hết mọi chuyện! Để người ta phải đưa em về hậu tuyến. Ngay hôm nay!
– Anh sao thế? – nàng nhỏm dậy, chộp tay áo tôi và giật mạnh về phía mình. – Nằm xuống đi! Ôi ngốc ơi là ngốc! Ông thiếu tá có mà lột da anh!
Và bắt chước cái giọng trầm trầm khô khan của trung đoàn trưởng, nàng thì thào dằn từng tiếng ồm ồm:
– Chỉ huy ăn nằm với cấp dưới không thể nâng cao sức chiến đấu của đơn vị, bản thân anh ta mất hết uy tín. Tôi mà biết được, sẽ tống cổ tức khắc, dù là ai! Và sẽ kèm theo một bản nhận xét khiến không một phòng tạm giam đứng đắn nào dám nhận… Đánh thắng giặc đi, rồi thì muốn yêu ai cũng được, yêu bao nhiêu cũng được. Còn bây giờ à – tôi nghiêm cấm!
Nàng bỗng hụt hơi, nhưng thích chí nằm úp sấp mặt xuống đất, cười không thành tiếng để không ai nghe thấy.
Phải, tôi biết mình sẽ gay go. Thiếu tá là một con người rất nguyên tắc, với một niềm xác tín rằng chiến tranh không phải chỗ của đàn bà, lại càng không dành cho tình yêu.
– Muốn ra sao thì ra, anh vẫn đi gặp thiếu tá!
– Yên nào! – Nàng áp mặt vào má tôi và sau lát lặng thinh, thở dài, đoạn thì thào: – Em sẽ tự làm tất! Em nghĩ kỹ rồi. Bố của đứa bé không phải là anh!
– Không phải anh?! – Người tôi bốc hỏa. – Không phải anh là thế nào?
– Ông ngốc ơi là ông ngốc! – nàng vui vẻ ngạc nhiên. – Giờ thì em lại lạy trời cho nó đừng giống anh!.. Thế này nhé, trong giấy tờ sau này và nói chung thì anh chính là bố nó. Còn bây giờ em sẽ đổ cho người khác!
Nàng vốn hồn nhiên và chân thật như đứa trẻ thơ, nên cái mánh khóe ấy của nàng khiến tôi sửng sốt.
– Em định đổ cho ai thế?
– Cho ai đó trong quân số đã tiêu hao ấy. Cho Baikov, chẳng hạn.
– Không được, đừng động đến người đã hy sinh.
– Thế thì cho… Kindiaev vậy.
Chuẩn úy Kindiaev là một gã điển trai, sinh hoạt bê tha, rượu chè và ăn cắp vặt, vừa mới bị tống khứ sang đại đội phạm binh.
Quá cảm động, tôi phanh vạt áo khoác, ôm ghì lấy nàng.
– Nhẹ chứ! – Nàng hốt hoảng tì hai nắm tay vào ngực tôi. – Bẹp hai mẹ con em đấy! (Nàng bắt đầu nói thay cho cả hai và thích thú với điều đó như con nít). – Ông ngốc nghếch của tôi ơi! Thật may cho ông là ông vớ được tôi đấy. Với tôi, ông sẽ chẳng sao đâu!
Nàng bật cười tinh nghịch và vô tư, còn tôi chẳng còn bụng dạ nào mà cười lúc này.
– Nghe đây, em phải đi gặp thiếu tá ngay bây giờ!
– Đêm hôm thế này á? Anh sao thế?!
– Anh đưa em đến! Em hãy trình bày hết với thiếu tá và nói rằng em thấy trong người không được khỏe, rằng em không thể chịu đựng được nữa.
– Nhưng không đúng như vậy
– Anh xin em!.. Làm sao em có thể ở lại nơi này được?… Em phải rời khỏi đây! Em hiểu cho anh… ngộ nhỡ… Nhỡ mai bắt đầu vào trận?
– Mai vào trận à? – Nàng tức khắc như sực tỉnh, có lẽ đã hiểu ra tất cả. – Không thể nào, thật thế à?
– Thật.
Nàng nằm lặng thinh hồi lâu. Lắng nghe hơi thở của nàng, đã trở nên thân thuộc đến thế, tôi cảm nhận được nàng đang xúc động.
– Thôi được… Người ta không trốn chạy trận chiến. Vả lại cũng không trốn đâu được… Dẫu sao, chờ cho hội đồng y khoa khám xét, rồi có lệnh từ sư đoàn xuống, cũng phải mất mấy ngày… Ngay ngày mai em sẽ đến gặp thiếu tá. Đồng ý chứ?
Tôi lặng thinh, cố nghĩ ra giải pháp nào đó nên chưa biết nói gì với nàng.
– Anh tưởng đến gặp ông ấy dễ dàng lắm đối với em à? – Bỗng nàng lại thì thào. – Thà chết còn hơn! Đã bao lần ông căn dặn em: “Coi chừng, nghe con. Hãy thông minh một chút, con à!” … Thế mà em… Lại là đoàn viên thanh niên cộng sản nữa chứ…
Nàng bỗng nấc lên, quay ngoắt đi, gục mặt vào tay áo khoác, toàn thân run rẩy, nức nở không thành tiếng. Tôi ôm chặt lấy nàng, lặng lẽ hôn làn môi nhỏ xinh, hôn lên trán, lên cặp mắt đẫm nước mằn mặn.
– Buông ra nào, em đi đây, – nàng khẽ đẩy tôi ra, nói lí nhí: – Anh tiễn em chứ?
Tôi với nàng bước xuống một hẻm dưới chân đồi tối tăm và ẩm thấp, nơi đặt trạm xá của tiểu đoàn, tôi đi phía sau, đỡ ngang eo nàng, đã hơi đẫy ra. Đỡ bằng cả hai tay, bảo hiểm từng bước của nàng, đề phòng bước hụt, trượt chân, vấp ngã. Làm như tôi có thể bảo vệ nàng, che chắn cho nàng tránh khỏi chiến tranh, khỏi trận chiến rạng sáng mai, khi nàng sẽ phải chạy đi chạy lại, nằm phục xuống đất, kéo lê lết thương binh trên thân mình…
Đã mười lăm năm trôi qua từ ngày ấy, nhưng tôi vẫn nhớ in tất cả, như thể mới xảy ra hôm qua.
Rạng sáng, “Kachiusa” tấu khúc dạo, rồi súng cối và pháo sư đoàn phát hỏa dữ dội, pháo hiệu xanh liên tiếp vút lên bầu trời.
Khi mặt trời vừa ló, tôi cùng quân số còn lại của đại đội xốc tới chiếm được cao điểm. Nửa tiếng sau, dưới lòng một giao thông hào kiên cố của bọn Đức, trung đoàn trưởng với ai đó nữa ôm hôn tôi, bắt tay tôi chúc mừng. Còn tôi, tôi đứng ngây như trời trồng, như thân cây bị phạt ngang, vô tri vô giác, không nhìn thấy, không nghe thấy gì hết.
Ôi vầng mặt trời… giá như tôi có thể đuổi nó lui lại, xuống lại đường chân trời! Giá như tôi có thể quay lui buổi rạng đông!.. Bởi chỉ hai tiếng đồng hồ trước, chúng tôi đã có ba người…
Nhưng mặt trời vẫn chậm rãi nhích lên, không thương xót, tôi một mình đứng trên cao điểm, còn nàng, nàng nằm lại dưới kia, nơi đội mai táng tử sĩ đang sục sạo…
Và không ai, không một ai ngờ được rằng nàng đã là thế nào đối với tôi và chúng tôi từng có ba người…
1958
Vũ Thế Khôi dịch
(Thủ Đức 30/04 – 01/05/2015)
Tác giả: Vladimir Osipovich Bogomolov – Giọng đọc: Hùng Sơn
 

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *