Bài nổi bật

Tròng trành thuyền thúng – Nguyễn Thế Hùng

RadioVn.Com – Quá ngọ, trời đang nắng rang cát, gió cứ hây hây thổi vậy mà chỉ một lúc sau, nắng lụi nhanh, mây như đàn trâu điên rượt đuổi nhau chạy về vây kín đỉnh núi Ông Hổ.
Trời sầm sập báo hiệu một cơn giông bất thường. Xe ca không dám vượt cầu Phố vào bến đỗ trong cùng của xóm Trại. Nhẫn nại, cam chịu, hành khách lục tục xuống xe tản mát tìm chỗ trú ngụ. Thành khoác ba lô lên vai, rảo bước về phía đồn biên phòng. Như vậy lại hóa hay – anh nghĩ – ghé lại đồn thăm Hải luôn thể.
Cũng đã lâu lắm rồi chưa có dịp uống rượu với nhau. Thành và Hải học cùng một khóa trường Sỹ quan Biên phòng. Gần tốt nghiệp thì mặt trận cần một số sỹ quan trẻ, những người trên tám phẩy được ưu tiên đi trước.
Thế là anh cùng mấy người bạn nữa khoác ba lô vào trấn biên giới Tây Nam. Còn Hải điểm thi năm nào cũng đì đẹt xem xém trung bình khá. Tốt nghiệp ra trường Hải được điều về chính cái đồn Cầu Gác này. Đồn cách nhà chỉ mấy chục phút đi bộ. Và cứ thế mà lên, bây giờ đã là đồn trưởng. Hải đã kịp có nhà cửa, vợ con dưới thị trấn. Cũng nhanh thật, ngó qua ngó lại bạn bè chỉ còn mỗi mình anh vẫn phòng không…
Thời gian không cho phép anh nghĩ dông dài. Một tiếng sét rách trời cho mưa xuống. Anh chạy vọt qua cổng đồn rồi nhảy ba bậc thang một lên thềm. Mưa lao theo, ném ràn rạt trên mái tôn. Chỉ một lúc sau màn nước đã phủ xuống vây kín mọi tầm nhìn.
Bão nổi. Bão quăng quật, vặt trụi lá, bẻ gẫy răng rắc cây cành, cuốn lên cao rồi thả cho rơi lả tả như trò chơi man dại của người khổng lồ trong cơn cuồng say. Cống tắc, nước ào ào tống vào sân đồn. Mây đen vẫn đang như những con ngựa chứng lao tới quây kín bầu trời.
Chỉ một chốc sau, nước đã mon men đến mép sân đồn, rồi cứ thế leo dần lên từng bậc tam cấp. Ba chiếc xuồng cao tốc xé nước lao về ba hướng. Chuông điện thoại gắt gỏng từng hồi. Dòng sông ngầu đỏ, ùn ùn rều rác. Nhà cửa, súc vật trôi trong hoang dại. Thấy anh lao vào, Hải chồm dậy ôm chầm lấy, rồi vừa đấm vào lưng anh vừa nói dỗi:
– Quý hóa, quý hóa, nhờ có trận lũ rồng mới ghé thăm tôm.
Anh chưa kịp trả lời thì chuông điện thoại lại kêu như phải bỏng. Hải vội buông anh lao đến cầm tổ hợp hét át cả tiếng mưa:
– Răng? Làng Lâm sắp chìm hử? Bằng mọi cách, cứu người trước…! Răng-quay lại anh Hải hỏi- cậu về phép hử, xui rồi, về mùa ni lũ suốt. Ngồi tí nhé, mình phải lên trên ấy xem sao.
Nói xong Hải lao vụt lên vọng quan sát. Thành cũng giật thót người khi nghe hai tiếng làng Lâm. Anh hấp tấp chạy theo Hải. Dưới màu trời tai tái, trong làn mưa giăng giăng, làng Lâm như một con thuyền say chở đầy cây xanh sắp chìm. Những rặng tre đằng ngà đứng phía ngoài rìa làng quằn quại, thân vặn xoắn, ngọn rũ rượi lặn xuống ngoi lên như người sắp chết đuối.
Làng Lâm ngày thường mỏng như lá lúa nằm loi thoi giữa sông Ngàn Phố. Người già kể lại, xưa ở đó chỉ là một cù lao nhỏ lau lách um tùm, rắn rết, thú dữ nhiều vô kể. Nhiều khi hứng chí ông hổ còn vượt sông sang cả bên này bắt lợn, bắt dê. Ban ngày ban mặt mà bè mảng qua lại cũng không dám ghé vô.
Đến một ngày gió Lào thè lè cái lưỡi rát bỏng liếm khắp xóm làng, mọi người đang thiu thiu ngủ trưa dưới những bóng tre đằng ngà lim dim bỗng giật mình tỉnh giấc. Một đoàn người ngựa cuốn bụi từ hướng Tây lao về. Họ phi qua làng rồi vội vã lao xuống bến sông. Cập rập đóng mảng, đóng bè vượt sông sang khai phá cù lao.
Nghe nói cầm đầu đoàn người là ông tù trưởng thất thế trong các cuộc giao tranh giành đất, đành đem theo con cái cùng hàng chục bà vợ lớn, vợ bé chạy dạt về miệt này và chọn cù lao loi thoi giữa dòng sông cát cứ. Thành lũy ngoài cùng là tre đằng ngà, kế đến trồng song mây, trong cùng là nhà cửa và các loại cây ăn trái.
Làng có nghề đan lát nổi tiếng. Thúng, mủng, dần, sàng, rồi bàn mây, ghế mây, nôi mây… của cả vùng đang dùng đều là sản phẩm của người làng Lâm. Hàng còn theo sông xuôi về hạ nguồn ra với người phố thị. Con gái làng Lâm suốt ngày ngồi trong nhà đan lát, tắm và ăn nước giữa dòng nên da trắng như hòn cuội đáy sông, người cao thon cùng tóc dài chấm gót.
Đặc biệt cô nào cũng bơi rất giỏi. Nghe kể ngày mới lập làng, họ còn bơi sang cả bên này bắt con trai, con gái về làm chồng, làm vợ. Chính Thành cũng đã bị một người con gái của làng Lâm bắt mất hồn…
Ngày đó Thành ra ở nhờ nhà Hải để ôn thi đại học. Đêm mười sáu, trăng trung tuần treo tròn trĩnh trên trời trong, trai tráng trong thôn rủ nhau ra bờ sông Ngàn Phố hò đối đáp với con gái làng Lâm. Thành cũng ra theo. Chỉ một lần nghe giọng hò của con gái làng Lâm thì đủ biết đây là miền gái đa tình.
Trong giọng hò có một chút gì đó hoang dã, phóng khoáng của dòng máu du mục, trộn với một chút thổ âm di truyền hòa với cảnh liêu trai trên trăng, sóng, nước, nó cứ như mời, như gọi người ta bơi qua sông để mà tình tự, để mà hoà quện, tan vào trong nhau vậy.
Cứ thế hai bên đối đáp cho đến khi đêm tận, trăng lu. Rồi mọi người lục tục cởi bỏ quần áo. Thành ngạc nhiên hỏi: “Tắm đêm à?”. Hải nheo nheo con mắt ra chiều bí mật: “Cứ bơi theo rồi biết!”. Thành vội cởi bỏ quần áo, nhẹ nhàng khỏa nước. Hải quay lại đưa một ngón tay lên miệng ra hiệu cho Thành bơi khẽ. Thành bơi theo, trong lòng đầy nghi hoặc, tưởng tượng. Trái tim mười bảy hay tưởng tượng, chẳng lẽ…?
Cách bãi cát cuối làng Lâm mấy sải bơi, Hải ra hiệu cho mọi người đồng loạt lặn xuống, đi ngầm một quãng rồi lặng lẽ nổi lên dưới bóng của cây si già xoã xuống mặt sông. Không thể tin vào mắt mình nữa, trước mắt Thành là một bầy tiên nữ đang nô đùa trên sóng sông Ngàn Phố như dát vàng, dát bạc.
Những mảng ngực con gái bắt ánh trăng sáng lóa mặt sông. Họ vô tư vẫy vùng cùng sóng nước. Nhóm thì chí chóe té nước vào nhau, nhóm thì rồng rắn đa đa. Cũng có cô một mình nằm gối đầu trên sóng nước phô phang mặc cho trăng đa tình mơn man da thịt. Không ít cô bơi chán rồi lên phơi mình trên triền cát, nây nẩy hứng ánh trăng trong.
Thành đang ngẩn ngơ như lạc vào cõi tiên thì nghe tiếng Hải hét: “Rút!” Đồng loạt với những tiếng cười tinh nghịch của đám con trai là tiếng kêu ré lên của những nàng tiên bị lộ điều bí mật. Vầng trăng thoáng chốc cũng như giật mình vội dấu mặt vào trong mây. Mặt sông bị xé nát bởi những sải tay bơi, những cuộc rượt đuổi.
Khi chân Thành gần chạm mớn cát bờ bên này thì bị một bàn tay chụp vào đuôi tóc, kéo giật lại. Thành mất đà chới với trong nước. Tiếng con gái nằng nặng: “Bây ơi, tau bắt được một thằng tù binh rồi”. Mặc cho Thành vùng vẫy, cả đám tiên nữ xúm lại giong Thành về lại bên kia sông. Mấy o lên trước đã kịp khoác xiêm y lên người đứng canh Thành cho bạn bè mặc nốt quần áo.
Đoàn quân chiến thắng quây tròn lấy Thành. Một o cao lừng lững như nữ tướng cất tiếng ồm ồm hỏi: “Bây thấy hết choa tắm rồi răng?” “Không thấy hết -Thành thật thà trả lời – chỗ thấy chỗ không”. Mọi người tủm tỉm cười, còn Thành thì vừa ngượng vừa lạnh, hai hàm răng va vào nhau lập cập: “Răng bây xấu rứa – cô ta hỏi tiếp – mới hò tình rứa, văn hóa rứa mà đã dám lủi xuống sông rình xem choa tắm? Tội to lắm đó. Một là phải… cắt, còn không trói lại mai đưa lên ủy ban”.
Nghe nói đến ủy ban, Thành bủn rủn cả chân tay. Rồi đây, cả làng cả xã biết. Nghĩ đến ngày mai ra đường mọi người đều nhìn mình tủm tỉm cười… Nghĩ đến đó, Thành són cả một dòng nong nóng ra giữa hai bắp đùi trần. Phần vì sợ, phần vì rét, Thành run như dẽ.
O hồi nãy bắt được Thành thấy thương tình choàng lên người anh tấm khăn tắm. O nữ tướng tiếp tục hỏi: “Rứa mi, riêng mi í, mi thấy ai rõ nhất. Nói cho thật choa tha!” Thành nhìn quanh khắp lượt, thấy ai cũng sờ sợ, ai cũng đang làm mặt giận, chỉ có o vừa choàng cho mình tấm khăn ngó bộ dễ gần nhất nên thật thà nói: “Tui thấy o ni… o ni… rõ nhất, o nằm trên nước gần nơi tui đứng…”
Cả bọn cười ré lên, đấm lưng nhau thùm thụp bỏ chạy. O trưởng nhóm trước khi chạy đi còn quay đầu lại phán: “Con Thủy bắt được hắn, hắn cũng đã nhòm con Thủy nhiều nhất, dừ choa giao hắn cho con Thủy tùy ý xử lí. Thủy! Nhớ mần răng cho hắn nhớ đời. Cho hắn chừa. Xong chèo đò trả hắn về bên nớ.”
Đúng là đêm nhớ đời của Thành. Thủy đã làm cho Thành nhớ đời, hai người như có hẹn ước nhau từ tiền kiếp để đêm đó hóa công tạo nên cảnh, nên tình cho họ gặp nhau. Để đến mãi sau này cứ mỗi lần nghỉ hè hay về phép, Thành đều ghé thăm Thủy trước, sau đó hai người mới về nhà mình. Nhưng bây giờ thì không thể. Thành không muốn đến làng Lâm…
– Tui phải đến đó, ông ở lại đây lo hộ… Hải cất tiếng kéo Thành về với thực tại.
– Mình biết chi mà lo… Mọi thứ… Điều hành…
– ừ hè, răng trời ác nghiệt chi rứa không biết, làm như đất ni, dân đất ni mắc nợ ông bà ông trời không bằng. Nắng, gió Lào, nóng đến chó cũng phát điên. Lụt. Lụt. Lụt miết lấy chi mà sống hử trời… Vừa nói Hải vừa lầm lũi đi xuống cầu thang.
Chuông điện thoại lại réo thúc. Thỉnh thoảng một chiếc ca nô vội vã thả xuống sân đồn những người dân ướt như bê con mới lọt lòng. Mưa vẫn ào ạt ném lên mái tôn, bão hú lên từng tràng man dại của bầy sói. Cột ăng ten giằng ra khỏi giây chằng, đứng uốn éo trong mưa như một mụ lên đồng. Lại một chiếc ca nô nữa cập sân đồn. Người lính khoác chiếc áo mưa rách tả tơi, hai hàm răng va vào nhau cờm cợp, nói ngắt quãng:
– Đang còn nhiều người… trên cột điện… không nhanh… đêm xuống sợ… khó sống.
– Tôi đi- Miệng Thành bật ra câu nói như không phải của mình.
– Nhưng… không còn phương tiện. Hải do dự.
Ừ nhỉ, Thành nhìn quanh quẩn. Quả không có một phương tiện nào khả dĩ có thể đến được làng Lâm. Bỗng mắt anh sáng lên, phía đằng xa, một chiếc xe zin đang đứng cam chịu trong mưa. Anh ào tới lắc vai lái xe hỏi dồn:
– Còn săm phụ không? Để ở đâu?
– Dưới ghế lái.
Anh lật đệm, lôi chiếc săm dự phòng ra, cùng lái xe mở van bơm hơi. Chỉ một lúc sau, anh và chiếc phao đã chao chênh trên dòng lũ. Trời vẫn mưa, bão rít trên mặt sông như bước đi của ngàn vạn âm binh.
Lựa theo dòng nước xiết, anh điều khiển chiếc phao theo về hướng làng Lâm. Mưa càng lúc càng nặng hạt, từng thớt gỗ như những chiếc quan tài lao vun vút. Anh luôn phải vừa bơi vừa chú ý quan sát để tránh.
Tròng trành thuyền thúng – Nguyễn Thế Hùng
Từng đám rều rác, lẫn xác gia cầm nổi lều phều, hết hợp rồi tan, tan rồi hợp. Một con trâu lặn lên, ngụp xuống, mang theo trên lưng những con chuột béo nhẫy. Thấy anh nó hướng đôi mắt trắng bạc như cầu cứu. Biết làm sao được, trong cơn đại hồng thủy này, thương lắm nhưng đành chịu.
Anh cố dấn tay quạt tránh một thớt gỗ đang lao thẳng về phía mình. Bỗng chiếc phao tròng trành rồi lượn thành những vòng tròn. Anh thất kinh nhìn vào xoáy nước đang réo xèo xèo bên cạnh, ở đó mọi thứ đang như một lũ rồ cùng nhau nhao xuống đáy sông.
Anh gạt mạnh tay cố thoát khỏi vòng tròn hướng tâm chết tiệt. Nhưng sức người có hạn mà sự giận dữ của đất trời thì vô biên. Chỉ còn một vòng quay nữa thôi, anh và chiếc phao sẽ chui tuột vào hố nước kia, anh sẽ chạm vào đáy sông, cùng chung số phận với vạn vật trong dòng cuồng loạn kia.
Trong cái tích tắc chết người đó, anh thấy đằng xa có một cây cổ thụ trốc gốc đang lao nhanh tới, một chiếc cành chĩa về phía anh như bàn tay nhân từ của số phận. Chiếc phao đã trôi đến mép trong của xoáy nước. Anh nhún người bỏ phao, lao qua xoáy nước, chộp vào cành cây theo dòng đang trôi qua trước mặt.
Nửa người phía dưới như bị một bàn tay khổng lồ cầm lấy mà vặn, vừa vặn xoáy, vừa đùa giỡn cầm lấy chiếc quần dài lột phăng. Hai tay cố giữ chặt lấy cành cây, mắt nhắm lại mặc cho sự rủi may. Khi định thần lại, làng Lâm đã ở trước mặt. Chiếc phao sau một lúc đi ngầm cũng đã nổi lên gần anh, lựa chiều anh hướng phao vào rìa làng.
Như một sự sắp đặt trớ trêu của tạo hóa, anh vào đúng ngõ nhà Thủy. Nhìn cây hồng, chỗ ngày xưa anh và Thủy mỗi lần chia tay thường đứng bứt lá giờ đứng rũ trong mưa, nước ngập che khuất hai chữ Thành + Thủy của mấy đứa trẻ con khắc lên đó.
Hàng trăm lần tiễn anh, hai người đã dựa vẹt gốc hồng. Nhưng lần cuối cùng tiễn anh lại là mẹ Thủy. Mãi đến bây giờ những lời bà nói vẫn còn ong ong trong đầu anh… “Chờ nhau thế cũng đã đủ rồi…hoa đến thì thì hoa phải nở…đò đầy đò phải sang sông…”
Như vô thức, anh gạt mạnh tay, chiếc phao tròng trành, quẫy một vòng rồi miễn cưỡng ra khỏi ngõ nhà Thủy. Ngôi làng ảm đạm, nặng trĩu sự chết chóc. Tiếng bão vẫn rú rít hằm hè trên hàng dương. Mấy con quạ đen ngồi ủ rũ trên vòm cong cổng làng.
Không một bóng người, chẳng lẽ tất cả đã về với thủy thần? Hay có ai đó đến cứu trước? Anh lần đến từng nhà, săm soi từng ngọn cây. Tuyệt nhiên không thấy một ai. Đang tính gạt mấy con gà chết để trở về, bỗng anh nghe tiếng kêu “… Cứu…cứu… nhà sập…”.
Anh vội vã gạt mạnh tay nhao người về phía tiếng kêu. Ngôi nhà hai tầng đứng bề thế giữa làng, vậy mà bức tường sau bị một đường nứt lớn xé toạc. Anh vội lao vào, nhào về phía tiếng kêu. Sân thượng mưa lay phay, một mái đầu rũ rượi đang đứng kêu cứu trong mưa. Anh lao về phía đó, khi gần đến nơi thì chợt đứng sững lại. Thủy! Thủy cũng đứng sựng như chuối mất ngọn, hai tay giang ra, nửa muốn lao về phía anh, nửa muốn quay đi bỏ chạy. Rồi quên lũ, quên mưa, quên gió, hai người quấn chặt lấy nhau, hai đôi môi tái lạnh tìm ở nhau hơi ấm ngọt ngào của mối tình đầu.
Dòng sông gầm gào cũng không còn trôi, chỉ còn hai con tim đập loạn nhịp sau bao năm kìm nén, nhớ nhung. Tiếng sấm từ đâu xa lắm như bè trầm của một bản tình ca, mưa vẫn quây như ngày Ngưu Lang gặp Chức Nữ… Bỗng một tiếng sét đanh như mìn nổ gần xé toạc cõi mộng, kéo anh và Thủy về với thực tại.
Anh hét át tiếng mưa: “Còn ai nữa không?” “ Không họ đã kịp vào trong đó trước!”. Anh chụp lấy tay Thủy kéo chạy. Thủy ì ạch. Anh ngồi xuống cõng thốc Thủy lên lưng. Dù gấp gáp anh vẫn mơ hồ nhận thấy có sự quẫy đạp, thung thúc nơi sống lưng. Chật vật, cuối cùng anh đã đưa được Thủy lên chạc ba của cây đa làng.
Thủy không còn sức để nói, cứ ngồi im, thỉnh thoảng khóc nức lên từng hồi. Trong lúc vật lộn với lũ, chiếc áo của em bị tuột đường chỉ lên đến tận nách. Anh không còn thấy cái eo nhỏ ngày xưa, nơi đó giờ đây hình như có một con chuột con đang rúc lên rúc xuống.
Anh ngửa mặt nhìn trời, tìm trong đó sự độc ác của con tạo. Ông trời đã bắt anh và Thủy đi đến tận cùng của bi kịch, tận cùng của nỗi đau. Không còn gì để nói với nhau, hai người cứ ngồi như thế nhìn trăng lên. Trăng vẫn trăng xưa. Sông vẫn sông xưa, sóng nay đã khác, cứ gầm gào, ầm ào ẩn ức, đe doạ. Mãi sau Thủy mới dè dặt bằng một câu hỏi:
– Răng anh không nói chi với em cả? Anh trách em cũng được mà.
– Trách chi mà trách, tại anh.
– Không tại em… Nhưng anh đừng giận mẹ anh nhé, mẹ khổ cả đời… Em biết anh không muốn hỏi nhưng anh đang muốn biết một sự thật…
– Thôi nhắc làm chi nữa em, đã an bài vậy rồi mà. Thấy em vậy anh cũng an tâm, nhà cao cửa rộng…
– Nhưng em thì có nhu cầu giãi bày, không phải để thanh minh cho mình, hay đổ lỗi cho mẹ… Ngày anh khoác ba lô từ trường Biên Phòng về, mẹ mới biết tình cảm thật của anh em mình. Mẹ không cản nhưng trong mắt mẹ như đang có một nỗi lo âu, khắc khoải.
Chắc anh đã biết qua về hoàn cảnh gia đình em. Vậy đó, đến bây giờ cái chết của cha em vẫn đang còn u u, minh minh… Mẹ gánh quãng đời thanh xuân cùng cái chết không minh bạch của chồng đi dọc theo dãy Trường Sơn mà tìm kiếm.
Cứ sau mỗi chuyến đi về mẹ lại lặng lẽ hơn, mẹ lại chuẩn bị sức lực cho những chuyến đi sau. Mẹ không tin cha là người phản bội. Hành trình đi tìm sự thật của mẹ đằng đẵng. Ngày anh nhận công tác trong miền Tây và ngỏ lời muốn đưa theo em vào trong đó.
Đêm về mẹ đã ngồi thật lâu bên bàn thờ cha. Mẹ khóc. Rồi mẹ quỳ xuống xin em, mẹ không muốn em đi, mẹ muốn em ở lại đây, ở lại như cái bến đậu cho mẹ mỗi lần đi tìm cha trở về. Mẹ tin, một ngày nào đó nếu còn sống cha sẽ tìm về cái làng Lâm mỏng như lá lúa này. Mẹ muốn ở lại để là nơi thâu nhận tin tức về cha… Em khóc, khóc vì thương mẹ, thương anh, thương cả bản thân em… Yêu anh nhưng em thương mẹ, cả một đời…
Phía xa xa hình như có tiếng gọi, ban đầu bị lẫn trong tiếng sóng, sau rõ dần… “Thủy ơi… em ở mô… Thủy ơi…”. Một thoáng rùng mình. Thủy nói nhỏ:
– Chồng em.
– Sao hai người không chạy trước khi lũ đến?
– Nhà cao, cứ nghĩ là an toàn, ai ngờ. Anh ấy vội vào chợ sơ tán lô hàng mới nhập. Anh ấy là ân nhân của mẹ và em… Anh ấy đã vô tận Tây Nguyên tìm và bốc mộ cha em về… Còn chứng minh được cha em là liệt sỹ…
– Thủy ơi…Em ở… mô…?- Tiếng gọi của chồng Thủy loang xa trên mặt sông.
– Em trả lời đi.
– Dạo ni anh ra răng rồi… Cuộc sống…?
– Chả sao cả, vẫn như xưa.
– Thủy ơi… Em ở mô… Thủy ơi… Tiếng gọi da diết, khắc khoải, đầy lo âu.
– Trả lời đi.
Thủy lẩy bẩy đứng lên cất tiếng đáp lại
– Anh Thuỵ ơi! Em ở đây…!
Vẫn câu trả lời của ngày xưa, chỉ khác tên của người đàn ông. Ngày xưa, cái ngày xưa hai đứa vẫn trốn tìm và ngắt đầy cỏ đuôi chồn kết vành hoa cưới. Ngày xưa, cái ngày xưa chưa lâu, trời rét em rúc đầu vào dưới cánh tay anh và nói: “Đố anh tìm được em”. Ngày xưa, cái ngày xưa đó giờ nghiệt ngã và xa lắc xa lơ.
Chiếc thuyền thúng đang tròng trành, tròng trành cập mạn vào gốc đa. Thủy chưa kịp mừng thì chồng em đã ngước lên:
– Ái chà! Đồ đĩ, tình tứ rứa hè, hẹn hò nhau trên ngọn đa cơ đấy. Tình cũ keo sơn hè… Không thể quên được hè… Tui biết mà, bên tui cứ như cái xác chết. Cả tối thỏa thuê rồi hè… Xuống! Xuống mau!
Máu dồn hết lên mặt, anh nghiến chặt răng, lầm lì cầm tay dòng Thủy xuống. Mới chạm chân xuống lòng thuyền, Thủy đã phải nhận một cái tát như trời giáng của chồng.
Thuyền thúng tròng trành, tròng trành… Thủy chực ngã xuống sông. Không thể chịu đựng hơn được nữa, tay ôm ngực, miệng gầm lên một tiếng của mãnh hổ trúng đạn, anh nhún người nhảy phóc xuống lòng thuyền. Chồng của Thủy mất thăng bằng ngã nhào xuống sông. Thủy gào lên:
– Cứu lấy anh ấy! Em xin anh, Thành ơi! Em xin anh… khổ lắm rồi… anh ơi…
Anh đứng nhìn chồng Thủy đang vật nhau với nước, rồi như thằng điên, anh ngửa mặt nhìn trăng cất tiếng cười sằng sặc làm rung cả mặt sông, sằng sặc cười cho trăng vỡ trong mắt, cho vỡ vụn hết những gì còn lại của cuộc tình đầu. ừ thì có đau, có vỡ, có đập phá hết thì mới có thể xây lại được, làm lại được từ đầu.
Đeo đẳng làm chi, khổ mình, khổ nhiều người… Thủy một lần nữa gào lên: “Thành ơi! Thương em… cứu lấy anh ấy mà…” Anh thôi cười, mặt trở lại lạnh tanh, với tay lấy cây sào, thả một đầu xuống khoảng nước giữa hai tay đang chới với. Khi chồng Thủy đã lên thuyền, anh nhảy ào xuống dòng nước xiết…
Để lại vợ chồng Thủy cùng chiếc thuyền thúng tròng trành, tròng trành rồi mất hút, mất hút trong ánh trăng… ờ mong manh thuyền thúng đâu thể chở ba người!
Tác giả: Nguyễn Thế Hùng – Người thực hiện: Hồng Huệ

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *