Bài nổi bật

Trăng phía hạ tuần

RadioVn.Com – Tôi và Nông cùng hơn ba chục thương binh nhẹ ra đến trạm thì trời đã tắt nắng. Rừng chiều mát mẻ và thoáng đãng. Trạm giao liên nhộn nhịp, quân vào quân ra dừng nghỉ. Tăng võng san sát như những cánh bướm rải rác từng cụm dưới tán rừng.  Khu rừng thật đẹp, bom đạn như chưa hề chạm tới đây, những thân gỗ rong róng sần sùi cao vút, những tán lá rậm đủ che kín khoảng đất bên dưới rậm rịch những bước chân. Mấy cô gái nuôi quân, chắc lẽ mới vào da thịt còn căng, môi hồng còn thắm làm cho khu rừng càng thêm sinh động…Lại một đơn vị nữa nhập trạm,  người hạ ba lô, người mở bi đông, người rút ống điếu, có anh nằm duỗi chân tay thở dốc.
Mọi người đã ngồi duỗi chân rồi mà Nông cứ đứng mãi. Chẳng biết Nông còn mải nghĩ điều chi. Tiểu đoàn tôi có bảy thì năm người đi điều dưỡng, tôi đi dự khóa bồi dưỡng hạ sĩ quan, Nông đi báo cáo điển hình ở đại hội quyết thắng quân khu. Mọi người thở phào tạm thoát bom đạn… Không ai muốn nhắc nhớ gì hết, cứ quên đi đã… Vậy mà nhìn Nông bổng dưng tôi nhớ tới những quần lửa, những chuỗi tiếng nổ choàng óc và những thân người lảo đảo đổ gục trong trận đánh hôm đó. Ôi, trận đánh…
Trưởng đoàn đi đâu đó một lúc thì trở lại dục mọi người xuống bếp ăn cơm. Nhà ăn lợp lá rộng rãi, bàn ăn bằng tre, ghế là những thân cây mới đẽo còn tươi. Bộ đội đi lại nhộn nhịp… Cơm nóng, canh thịt hộp nấu lá chua rất ngon. Nông chỉ được vài lần xới rồi buông bát đứng dậy. Ăn xong tôi xuống bếp lấy nước vào bi đông, lên đến chỗ cây săng lẻ gặp Nông đứng với một cậu “bấm ra sữa”. Sắc mặt Nông tái nhợt còn cậu kia như vừa khóc xong. Cậu ta bỏ đi vội vàng trong tiếng còi rúc gắt gỏng.
– Có chuyện gì vậy, ai vừa đứng với Nông thế? Tôi hỏi.
– Nguyệt chết rồi! thằng em vừa báo tin…Nông lắp bắp, mắt đã dại hẳn. Trời… Điều Nông linh cảm là đúng sao?
 
Trưởng đoàn dục nghỉ, sáng mai đi sớm. Cán bộ trạm chỉ cho một chỗ gần bìa rừng. Một cụm cây dống cây dẻ, thoáng đãng, sạch sẽ. Cách vài chục mét về hướng đông là một vùng đồi thoai thoải có những trảng cỏ chen lẫn giưa những vạt sim mua tốt ngang thân người. Nông thẫn thờ mãi, có thể hiểu được nỗi buồn đau của Nông. Cái tin dữ ấy đã như một cơn lũ cuốn qua Nông, như một tiếng sét dáng vào Nông khiến Nông đờ đẫn, vô hồn. Rừng đã nhập nhoạng, tiếng chim lúc rúc trong các vòm lá nghe thật buồn…Cột xong tăng võng, mắc xong màn, tôi dìu Nông ngồi xuống. Nông thẫn thờ nhìn đồi sim lúc này đang tím sẫm và chìm dần vào màn đêm.
*
*     *
Tôi và Nông cùng một tiểu đoàn mà không biết, bởi gần vào chiến dịch tôi mới được bổ sung. Mãi đến lúc gương chiến đấu của “dũng sĩ giệt Mỹ – Trần Văn Nông” được phổ biến ra toàn trung đoàn thì tôi mới biết. Gặp nhau ở hậu cứ để cùng ra Bắc hai đứa lao vào nhau: “Thằng khỉ, thằng khỉ…”. Mừng quá…Hậu cứ trung đoàn tối đó bình lặng. Xa xa, mạn đông nam leo lét mấy dây pháo sáng gần rụng, tiếng máy bay cũng rất xa. Nông kéo tôi vào hầm. Tôi biết đêm nay khó mà ngủ sớm. Vừa đặt lưng, tôi bảo Nông: “ Một mình đánh lui cả đại đội Mỹ, mi giỏi thật”. “Thôi, thôi, đừng nói, ngượng lắm ..”. Nông  nhớ lại trận đánh. Hôm đó, đại đội 2 của Nông quần nhau với bốn đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ…Nông nói như nói một mình… “bao nhiêu đứa hy sinh răng mình không chết…”. “Mi nói chi rứa?”. Tôi nhổm dậy, sửng sốt…Trong bóng đêm tôi không nhìn rõ mặt, chỉ thấy hai mắt Nông như tóe lửa. Có một sự dằn vặt ghê gớm trong Nông. Hắn nói đến cái sự chết chóc cứ bình thản như không, cứ như Nông đang sẵn sàng chết, đánh để chết…
 
Nhà Nông có bốn anh em, hai trai hai gái. Hai trai là Nông và anh Đồng. Anh Đồng không biết mắc bệnh gì mà gầy gò, xanh lét, không làm được việc gì ngoài việc học. Người chị cả đã đi lấy chồng xa.  Đứa em gai út bị tật, hai bàn chân quặp lại úp lật mu xuống, muốn di chuyển phải dùng hai tay chống đất mà lết đi. Nhà Nông ba gian lợp rạ, chung quanh toàn tre pheo và mảnh vườn trồng khoai môn. Mẹ Nông suốt ngày quần quật, hết trong nhà ra ngoài đồng. Bố Nông làm nghề cắt tóc. Hình ảnh một ông già gầy gò, chân guốc mộc, quần đũng què, áo bà ba gụ cũ sờn, từ sáng tới trưa, từ trưa sang chiều ngồi lom lom trên cái ghế vải bạt xiêu xó dưới bóng tre đầu ngõ ngong ngóng đợi khách ám ảnh tôi đến day dứt. Tôi đem điều đó nói với mẹ. Mẹ tôi thở dài nói: “Thật tội… Ngày trước nhà bác ấy cũng vào loại khá, có nhà ngói, có vài mẫu ruộng, có đủ mâm thau nồi đồng…Rứa mà.”.Mẹ tôi lại thở dài: “Cuộc đời nỏ biết đường mô mà nói trước… Ruộng vườn, nhà cửa, mâm bát…tan hết, từ chỗ có của ăn của để nay trở thành tay trắng..”
Nhà tôi và nhà Nông chỉ cách nhau một bờ bông bụt nên hễ rồi là tôi lại tót sang. Tôi vừa chớm đầu ngõ bố Nông đã gọi con ơi, có bạn nì…Ông bà thấy mặt tôi là mừng ra mặt. Cái sự mừng của bố mẹ Nông hơi lạ, cứ như tôi là ngọn lửa nhỏ mang lại sự ấm áp cho căn nhà lạnh lẽo của họ. Tôi sang nhà Nông gặp lúc có cái gì ăn thì ăn, có việc gì làm thì cùng làm, mẻ ngô rang buổi tối, củ khoai luộc buổi trưa…Cái tình bạn quê nghèo sao mà nồng ấm, sao mà thân thương… Một bữa Nông hỏi chơi với tau mi có sợ bị liên lụy không. Tôi nói có chi mà sợ!  Nông vẫn không vui, vẻ mặt cứ đăm đăm buồn. Tôi lại đem chuyện Nông  lúc nào cũng buồn hỏi bố. Bố tôi nói có nhiều điều con chưa hiểu được, lớn lên mới biết… Nhưng chơi với chắc thì cứ chơi, chơi rồi học lấy cái tốt của bạn!
Biết bố nói vậy là có ý nhắc nhở vì tôi học kém. Lúc đó tôi đã biết nghĩ rằng trời cho đứa mô giỏi sẽ được giỏi, như Nông chẳng hạn. Hơn nữa bố Nông đã là thầy đồ, nhà ông có một kệ sách to. Anh Đồng của Nông cũng học giỏi có tiếng…Còn nhà tôi? Bố mẹ không biết chữ, hai chị cũng chỉ mới biết đọc biết viết..
 
Biết rằng không thể học lên, hết lớp bảy tôi nghỉ ở nhà, vui vẻ ngày hai buổi đi làm hợp tác. Còn Nông, làm một lèo hết cấp ba rồi vào luôn đại học. Hồi đó vào đại học không phải thi mà chỉ xét. Nghe nói lúc cắt giấy tờ, suýt nữa người ta không cho Nông đi vì thành phần thành phiếc chi đó. Rồi chúng tôi chia tay nhau để Nông nhập trường. Dạo đó máy bay Mỹ đã  ném bom ra miền Bắc. Trường Nông sơ tán cách làng hơn một ngày đi bộ. Xa thế mà cứ vài chủ nhật Nông lại về, lúc mượn xe đạp lúc đi nhờ ô tô. Về lần nào hai đứa cũng gặp nhau. Nông ít nói chuyện học, bên chiếc cầu nhỏ đầu làng hai đứa chỉ nhắc chuyện đi tát, đi bắt cua bắt cá, chuyện trong làng ngoài xóm…Rồi hai đứa ngồi im, ngồi rất lâu dưới bầu trời đầy sao đến tận khuya.
Thế rồi, Nông đột ngột trở về. Hôm đó là buổi non trưa, từ ngoài đồng vác cày về đến đầu làng thì tôi gặp Nông xách rương gỗ cũng vừa xuống xe ( Nông đi nhờ một chiếc xe bộ đội ). Tôi hỏi răng về, lại mang cả đồ đạc..? Về đi bộ đội, tau bỏ học rồi! Nông trả lời ráo hoảnh. Nhìn vẻ mặt lành lạnh của Nông tôi hơi chột dạ.  Tối đó tôi sang với Nông, hai đứa lại ra cái cầu nhỏ ngồi như mọi lần. Rồi Nông kể cho tôi nghe chuyện hắn có người yêu trên chỗ trọ học. Câu chuyện tình lãng mạn được Nông kể nghe hấp dẫn mà buồn bã. Trong bóng đêm Nông trông già hẳn, có vẻ đang bức bối một điều gì rất khó đoán…Sao lại như vậy? Sao Nông lại bỏ học giữa chừng? Tôi đang mừng cho Nông, nghĩ rằng rồi đây Nông sẽ là một thày giáo, sẽ áo trắng quần xanh tay cắp cặp hàng ngày vui với đám học trò, tương lai sẽ rộng mở… Còn tôi sẽ là anh nông dân vui thú cày bừa…Vậy là chiến tranh đã làm hỏng mọi việc. Chiến tranh đã đưa thân phận hai đứa chúng tôi trở lại gần nhau. Bởi Nông đi chưa được hai tháng thì tôi cũng lên đường. Thế  rồi run rủi thế nào mà cuối cùng hai đứa lại cùng một chiến dịch, cùng một tiểu đoàn.
*
*   *
Chẳng biết lúc này là mấy giờ, im ắng quá. Từ đầu hôm Nông cũng chỉ nằm im. Chỉ nghe tiếng thở đều đều bên đó vọng sang… Tôi nằm nghĩ lan man, nhớ chuyện tình của Nông… Nông kể rằng khoa Toán đóng ở một làng ven núi. Làng xóm hẻo lánh um tùm, nhà nào cũng có nương chè, có gốc mít … Theo Nông tả thì đó là một miền quê thanh bình yên ả, có cánh đồng lúa rập rờn, có con đường mòn chạy giữa những đồi sim với những cô thôn nữ hồn nhiên nghịch ngợm như những cô Hoa, cô Lan.. trong chuyện “Mùa hoa dẻ” của Văn Linh hai đứa đã từng chuyền tay nhau. Đi học, khẩu phần của sinh viên thường chỉ có vài môi mì hạt hầm hoặc một cục mì luộc như cái chuông xe đạp nên suốt ngày đói. May nhờ có thức ăn bà con nhường cho, khi củ sắn củ khoai, khi miếng mít miếng dứa…Chiều đó học ở nhà, đói quá, Nông buông sách thẫn thờ bước ra sân, vừa tới bờ bông bụt thì bên kia lấp ló một khuôn mặt với cặp mắt đen láy: Anh…anh chi đó ơi…có ăn mít sang ăn…Thế là Nông sang. Thật là may, đang đói đến nhăn mặt: “Bố mẹ…đi mô?” Nông rụt rè hỏi… “Bố mẹ  ngoài đồng”…Cô bé trả lời tỉnh như không… “Mà anh hỏi bố mẹ em làm chi?” .. “Thì hỏi cho biết”. “Biết để làm chi?”. Cứ thế, bên này hỏi bên kia trả lời, một lúc thì hai đứa cười… Nông mạnh dạn: “đằng ấy tên chi?”.  “Tên chi anh hỏi làm chi?”.  “Hỏi để biết!”.  “Biết để làm chi???”  Rồi lại cười, mắt trong mắt, long lanh…
Đó là Nguyệt. Không phải gái làng, Nguyệt đến trọ và đang học lớp mười chuyên Toán của Tỉnh. Con gái mà giỏi toán, thật hiếm. Một hôm Nguyệt tự tin nhìn thẳng vào mắt Nông nói: “Anh toán em cũng toán nha…chúng mình dống nhau. Anh học cao và chắc là giỏi, em sẽ “quấy rối” anh cho mà coi…”
Rồi Nguyệt “quấy” Nông thật. Mấy hôm sau, chẳng biết Nguyệt mang đâu về một đề toán. Vẫn buổi chiều vắng lặng, tiếng cu gù gợi cảnh thanh bình yên ả…Nhìn đầu bài Nông biết là khá hóc. Nguyệt moi đâu ra bài toán khó thế này. Dân chuyên toán có khác, ham tìm tòi..Nhưng rồi Nông cũng giải ra bài khảo sát hàm số. Vẽ xong cái đồ thị hình quả tim, ngẩng lên Nông bắt gặp khuôn mặt trắng hồng như hồng thêm với ánh mắt chn chứa bao điều… Nguyệt cười. Hóa ra Nguyệt đã giải rồi hoặc có thể đã được ai đó giảng. Nhìn Nguyệt cười thì biết. Nguyệt cười, má ửng đỏ và mắt đen lấp lánh. Lúc đó đâu nghĩ Nguyệt muốn gửi gắm gì mà Nông chỉ thấy xao xuyến trong lòng. Lại một lần khác, Nguyệt cũng nhờ Nông giải, cũng một bài khảo sát hàm số. Đọc đầu bài, Nông hỏi: “Nguyệt không giải được thật ư?”.  “Thật! có bí em mới nhờ…”. “Với bài ni…trước hết cần biến đổi để đưa biểu thức hàm về dạng đơn giản đã..”. Nông nói thành thực. “Giải dạng ni cần phải.. đừng vội…”. Nguyệt chống cằm vẻ lơ đãng…Thấy thế Nông cắm cúi vừa giải vừa nói. Nông nói gì Nguyệt cũng đăm đăm.  Nông vẽ đồ thị, đó là một hình tròn. Nông nói:
– Kết quả là một… mặt trăng… tựa khuôn mặt….
Nguyệt cười cười:
– Em nỏ muốn mặt mình tròn vành vạnh rứa. Em chỉ muốn…mình chỉ là mảnh trăng đầu tháng thôi…
-Khôn rứa…trăng đầu tháng mảnh mai, dễ thương…Nguyệt rứa mà khôn…nhưng đầu tháng thì trăng ít  sáng, lại mau lặn…
Nông có ý trêu. Nghe thế mắt Nguyệt sáng lên:
– Nhưng rồi sẽ được sáng ở phía bên tê..
“Sáng hơn ở phía bên tê”, chao ôi, Nguyệt mơ mộng đến thế là cùng. Câu nói vô tình của Nguyệt sao mà ám ảnh, sao mà chông chênh…
 
Theo lời Nông thì Nguyệt rất xinh, người thanh mảnh, áo sơ mi đen, quần lụa hoa dâu vừa sát khuôn người thon thả thanh tân và mái tóc đen dày được tết thành đuối sam trĩu nặng, tất cả gợi nên vẻ khỏe khoắn và ngây thơ của tuổi dậy thì… Toàn bộ thân hình Nguyệt tỏa nét dịu dàng và đoan trang cuốn hút.  Một buổi đầu hôm bên bờ rào bông bụt lúc chỉ có hai người, không kiềm chế được nữa, Nông buột miệng: “Nguyệt ơi, anh..anh yêu em…Em có yêu anh không?”.  “Không!”. Miệng nói không mà Nguyệt lại đứng áp sát vào người Nông. Nông nghe được cả nhịp đập rộn ràng và hơi thở thơm tho của Nguyệt…Nguyệt đang rất gần, Nông nôn nao như có gì thôi thúc. Nông thì thào: “Nguyệt ơi, cho anh…cho anh…”.  “Đừng anh, đừng…”. Nguyệt đặt ngón tay lên miệng Nông…”Đừng! cứ như ri…thích hơn…”
Từ hôm đó thỉnh thoảng Nông và Nguyệt hẹn gặp nhau. Nơi gặp là một tảng đá gần đỉnh đồi sau nhà trọ. Nguyệt thật khéo tìm chỗ, tảng đá bằng phẳng cạnh một gốc mít già giữa vườn chè tua tủa những đọt non, đủ cho hai đứa ngồi cách nhau độ gang tay, không xa cũng không quá gần, giận hờn không đụng chạm nhưng thân mật cũng chỉ cần khẽ nghiêng đầu. Lên đến nơi hai đứa lặng lẽ ngồi xuống. Chỉ cần thế, ngồi im đê cho sự dịu ngọt của tình yêu đầu đời tỏa lan ngây ngất…Một bận, khi hai đứa lên đến nơi cũng là lúc trăng đầu tháng ló ra khỏi cụm mây trắng mỏng. Nguyệt níu vai Nông chỉ: “anh ơi, trăng đẹp quá…”. “Ừ trăng đẹp, trăng khi mô cũng đẹp nhưng sắp lặn mất rồi!”. Nói xong Nông mới biết rằng mình nói được một câu hay…Nông nói vậy mà sao Nguyệt vẫn im lặng, chẳng như hôm nào Nguyệt sẽ bảo “rồi trăng sẽ sáng ở phía bên tê”. Nếu Nguyệt bảo thế thì Nông sẽ nói rằng như thế anh sẽ không còn được ngắm nữa. Nhưng Nguyệt không nói. Mắt Nguyệt vời vợi, xa xăm…
Từ buổi đó Nguyệt thường thoáng buồn mỗi khi gặp nhau. Nguyệt cười cũng buồn, Nguyệt nói cũng buồn…Ánh mắt Nguyệt vời vợi hoang vắng…Nông hỏi sao em không vui, Nguyệt nói không biết răng em cứ thấy lo cứ thấy sợ…Có hôm hai đứa cứ ngồi yên lặng mãi rồi đột nhiên Nguyệt nói, có lẽ em sẽ phải bỏ học thôi… Nông hỏi vì răng thì Nguyệt trả lời không biết…Có điều gì đó đang làm Nguyệt lo lắng, hốt hoảng. Nông hỏi, Nguyệt không nói mà chỉ ôm ghì cánh tay Nông, toàn thân rung nhè nhẹ. Cứ thế, cho đến lúc sương xuống ướt cả đầu ướt cả vai…
 
Nông được lệnh nhập ngũ sau đó ba ngày, ấy là cái hôm tôi đã gặp Nông xách rương về. Rồi Nông lên trường để chia tay Nguyệt. Đêm cuối cùng ở cái làng ấy, cũng là một đêm trăng, vừa lên tới nơi Nguyệt lao đến ôm chầm rồi dụi đầu vào ngực Nông, người rung bần bật. Nông cũng rung lên, bất chợt nhận ra điều mà bấy nay Nguyệt linh cảm và lo sợ. Nguyệt run lẩy bẩy:
“Anh ơi, anh…”. “Nguyệt đừng lo..anh đi rồi anh lại về…”. “ Em sợ anh chết, chiến trường bom đạn như rứa…”. “Anh không chết được! Em coi, bây dừ có ai yêu mà được ở bên nhau?”.
Trăng mười bốn sắp tròn và rất sáng, mắt Nguyệt ánh lên vẻ tuyệt vọng và đau đớn. Nông nói vui: “Hôm nay anh được thấy trăng đẹp trước khi đi”. “Nhưng chỉ đẹp được mấy bữa nữa thôi… rồi thì sẽ lặn..”. “Nguyệt nói chi rứa?” Nông hốt hoảng. “Không! Em không buồn nữa, và anh cũng đừng buồn…”
*
*    *
Lá thư đầu tiên Nguyệt gửi Nông mãi mới đây mới tới tay Nông. Vậy là lá thư của tình yêu và sự thương nhớ tôi đã được đọc hôm kia đã phải vòng vèo đến gần bảy tháng trời. Lúc này thì nó đang nằm trong túi ngực Nông mà Nguyệt đâu còn…Lúc nửa chiều khi chưa gặp cậu em, khi biết sắp tới sông Bến Hải Nông đã cười bảo rằng, chuyến ni về Nguyệt mừng phải biết…Hóa ra thơ ca có cái hay nhưng cũng có cái không hay…Thấy tôi có vẻ không hiểu Nông nói. Trong sổ tay của Nguyệt dạo đó có chép bài thơ “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan…Tôi bảo mình cũng có biết bài thơ ấy. Bài thơ có câu  “ Lấy chồng thơi chiến chinh. Mấy người đi trở lại…”. Hóa ra là như vậy. Nhưng mi không chết… Cô nàng tha hồ mừng. Nông vẫn im lặng. Tôi nghĩ Nông đang sống trong cảnh hai người gặp lại nhau…Yêu Nông, Nguyệt mẫn cảm đến thế. Nguyệt sợ Nông sẽ không trở về, Nguyệt sợ Nông chết…Trái tim yếu mềm của người con gái trong Nguyệt đã run rẩy quá sớm. Ra đi Nông bảo đâu có nghĩ đến sống chết. Khốn một nỗi khi người con gái đã yêu thì…Nông đã xác định, dù có chết cũng không ngại. Mà Nông có chết đâu. Nông đã chiến đấu dũng cảm, đã có thành tích…
Thế mà Nguyệt lại chết. Cái làng đẹp như tranh ấy,cái nơi còn ín dấu bao kỷ niệm của hai người lại chính là nơi Nguyệt ngã xuống…Nông ơi, tau thương mi…Tôi thầm kêu lên thành tiếng trong đêm.
 
– Nông ơi…ngủ rồi à?
Bên võng Nông vẫn tiếng ngáy nhè nhẹ…Vậy là Nông đã ngủ. Nghe cái tin khủng khiếp như vậy sao Nông chẳng nói gì mà bây giờ lại ngủ được. Nỗi đau, sự mất mát đến quá đột ngột đã làm lòng Nông đông cứng rồi chăng?.  Suốt từ lúc lên võng tới giờ cậu ta không hề mở miệng. Nhìn sắc mặt tái mét thất thần và ánh mắt âm u lúc chiều tôi cũng đã cảm thấy lạnh người… Lúc này thì Nông đã ngủ, thế là tốt rồi. Thời gian sẽ làm cho nỗi đau của Nông nguôi ngoai dần. Có lẽ đã khuya lắm, và mảnh trăng đầu tháng mảnh mai và lạnh lẽo đã lặn từ lúc nào. Núi rừng lúc này đã chìm trong sương đêm mờ ảo…
Đang mê mệt, nghe động tôi choàng dậy, ngơ ngác chộp súng… Vừa rồi tiếng Nông ú ớ thì phải. Nông vừa nói gì đó… Nông vừa nhắc đến Nguyệt. Ngó sang võng Nông, không còn người, chỉ có tấm chăn mỏng bị tung ra và màn cũng đã hất sang một bên đang lờ mờ trong sương. Nông đâu rồi, hắn đi đâu?  Tiếng gọi của Nông to rõ và rành rọt, vừa mới đây… Trời không trăng không sao, màn đêm mờ đục, lại thêm sương buông dày khiến cảnh vật cứ bồng bềnh bồng bềnh…Chung quanh chỉ màn sương mờ ảo, sườn đồi tối đen. Một vệt sáng mờ xa tít… Nông đi đâu? Tôi quờ chân xỏ dép vén màn bước xuống rồi xách súng bước hẳn ra bìa rừng. Một bóng người nhòe nhoẹt ở quảng giữa đồi sim, chắc là Nông rồi.
Tôi vội vã đuổi theo, cỏ dưới chân đẫm sương, dép trơn trượt…- Nông ơi, Nông…tôi kêu lên khe khẽ trong cổ họng. Trời tối, chẳng rõ đường, tôi không thể đi nhanh mà Nông thì vẫn bước như bước giữa ban ngày. Tôi dò dẫm bước theo cái bóng lờ mờ dưới kia. Cho mãi tới lúc xuống đến mép cái khe cạn ngổn ngang những khối đá đen ngòm dưới chân đồi tôi mới theo kịp. Tôi túm vai Nông:
– Đi mô rứa?
– Nguyệt ở đây! Nguyệt vô đây! Và cả trăng nữa, trăng sáng quá…Mắt Nông cứ dõi mãi về một nơi nào đó trong mịt mù màn đêm, nói dứt khoát, giọng ráo hoảnh:
–  Nguyệt gọi tau ra …
–  Nguyệt mô, trăng mô? Bữa ni làm chi có trăng? Tôi giật mình.
– Trăng đó…Nông đưa tay chỉ lên lưng chừng trời…Mi không thấy à? Để tau đi. Nguyệt đang ở đây…
Mắt Nông sáng rực, khuôn mặt như được phủ một lớp ánh trong suốt và toàn thân run lên lẩy bẩy…
Tôi hoảng sợ, cảm nhận hồn vía Nông lúc này đã lìa xa thân xác. Nông đã nhìn thấy một vầng trăng từ phía bên kia hay đang có một vầng trăng vành vạnh trong Nông? Vũ trụ bao la vô thủy vô chung sao Nông có thể thấy được những điều không ai thấy. Dưới vòm trời đêm thăm thẳm, tôi và Nông, một kẻ thực một kẻ mơ đang chìm dưới đáy một đại dương đầy bóng tối nhưng những điều trông thấy được của mỗi người lại hoàn toàn trái ngược nhau. Đêm nay không hề một tiếng máy bay, không hề có một tiếng nổ, cứ như chiến tranh chưa hề xảy ra với mảnh đất này…Tôi ôm ghì lấy hai vai Nông: – Quay lại đi, khuya lắm rồi…Nông ngoảnh mặt lại nhìn tôi, mắt ngơ ngác..
 
Mãi tới nhiều năm sau tôi vẫn không sao quên được ánh mắt của Nông đêm đó, ánh mắt như là một thứ ánh sáng khác lạ, nó lung linh thăm thẳm, nó run rẩy thất thần, nó có cái gì đó như không phải của con người…Lúc đó tôi đã cố gắng mới dìu được Nông đi ngược lên. Khi hai đứa trở về võng thì Nông vẫn cả quyết rằng vừa trông thấy trăng. Trăng rất tròn, rất trong và rất sáng. Và cả Nguyệt nữa. Nông nói Nguyệt đã vào tận đây tìm Nông, cứ như từ trong trăng mà bước ra vậy.…
Tôi dỗ mãi Nông mới chịu lên võng. Độ được mười phút thì tôi nghe tiếng hức hức, không phải tiếng khóc, có lẽ nỗi đau từ tâm can lên tiếng đó thôi…
Sáng hôm sau, tỉnh dậy Nông gấp tăng võng với vẻ mặt bình thản như không hề có sự kiện tối qua. Nông nhìn tôi nói, giọng dứt khoát mình không ra nữa…. Nghĩ là mình nghe nhầm, tôi hỏi mi nói răng? Tau không ra nữa!. Nông nhắc lại bình thản. Tôi vẫn nghĩ là Nông đùa. Hai đứa mang ba lô về chỗ tập trung, đến chỗ đã gặp cậu em thì Nông dừng lại nói nhớ đến thăm bố mẹ tau. Chỉ có thế! Nói xong Nông nhằm khu rừng bên kia suối, nơi đơn vị cậu em đang tập hợp để đi vào, phăm phăm bước.
 
Tác giả: Nguyễn Ngọc Lợi – Người đọc: Hải Yến

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *