Nghe đọc truyện đêm khuya – Trong khung cảnh ngổn ngang chết chóc, hình ảnh Thắm nằm gục trong vũng máu trên nền nhà tắm là lát cứa sắc lẹm vào trái tim trẻ trung của An vốn đang đập rộn rã vì tình yêu. Rất nhiều cảm xúc dồn nén trong trường đoạn giàu chất điện ảnh này, đặc biệt, cảnh An quỳ xuống bế Thắm lên, từng bước từng bước đi qua đổ nát, tiến về phía bờ sông, từ từ thả Thắm xuống dòng sông thơ ấu đầy kỉ niệm, lặng lẽ và trang trọng tắm rửa cho Thắm, máu từ cơ thể Thắm tan loãng hòa vào dòng nước – ở đây ngôn ngữ của nhà văn giống như ống kính camera thu nhận rõ nét, đặc tả từng khuôn hình một cách chậm rãi, đằng sau đó là tận cùng đớn đau..
Đêm không thể buồn đen được nữa
Những bánh xe nặng nhọc chìm dần
Vào đất tối. Không thể nào khác được…
Thơ Nguyễn Việt Chiến
Căn hầm ven bờ sông. Hầm trong vườn chuối nhà Thắm, đầy những lá khô từ năm cũ. Nắp hầm kín đáo. Làm từ thời Pháp, khi còn chở che cho du kích, bộ đội – Đơn vị mật tập sân bay Gia Lâm cũng từng nằm ở đó. Cái nắp tốt. Khung gỗ lim. Nghe nói, gia chủ tháo cả xà ngang nhà thờ họ để tạo nên nắp hầm này. Chẳng thế mà hơn chục năm, sau 1954, hầm hoang phế, nóc hầm cỏ dại ken nhau mọc xanh um, nắp hầm vẫn khít ôm chặt khung, bất chấp thời gian, mưa gió.
Trong hầm, rễ cỏ xuyên xuống rủ trắng, như những chùm râu bạc. Đêm hầm chập choạng dầu đèn, y như có vài bô lão đứng quanh. Vách hầm toàn tre đực, chắc đã ngâm bùn, gia cố dày như nêm. Hầm có cái lỗ thông hơi đâm ngang ra hướng bờ sông, tuy bị vạt cỏ che đi, nhưng người bên trong vẫn quan sát được mặt sông Hồng. Góc nhìn đủ rộng, thấy cả mặt nước phù sa như pha máu lênh loang mùa hạ, trong lợ lại khi thu về. Cũng ở cái cửa sổ duy nhất ấy, nhìn rõ máy bay sát mặt nước. Nước cuộn lên trắng xoá. Có dăm lần, trong hai tháng, anh nom rõ chiếc máy bay F. 4.H, đầu nhọn hoắt, cánh đầy gai, loang lổ, vằn vện màu cứt ngựa, to hơn cánh buồm, trườn chệnh choạng giữa sông, phun khói đen sì. Một lần, anh còn nhìn rõ chiếc đò ngang, xoay như chong chóng và, hút chìm ngỉm khi chiếc máy bay trắng toát, rõ dòng chữ NAVY-U.S.ARMY(1) đen sì trên thân bất ngờ sạt qua, rít chói tai.
Anh quan sát cảnh trí ấy bàng quan.
Sông thì quen thuộc từ thơ ấu. Máy bay thì lạ một lúc. Và, cái chính là khi anh tự tách khỏi cộng đồng, rơi thỏm vào trạng thái bàng quan.
Hai tháng trốn hầm, anh ngày ngủ, đêm thức.
Nhưng ngày ngủ mãi được à? Thế là, khi tự tách biệt với làng, với xóm quen thuộc, trốn bỏ nó, lúc quá yên tĩnh, anh lại quay ra day dứt, nôn nao nhớ làng, nhớ tiếng chó, gà, nhớ mùi phân trâu và cả bụi tre sau nhà, cũng như nhớ bố mẹ và cô em gái út bé bỏng. Nhưng cồn cào nhất, vẫn là nhớ Thắm. Dù ngày nào cô cũng rời làng, tới căn hầm, khi đêm đêm, chập choạng.
Anh trốn nghĩa vụ, chỉ vì anh đang say đắm Thắm. Không muốn xa nhau mà liều thân trốn phứa. Đúng ra, anh cũng không muốn như vậy. Anh chưa hề là kẻ hèn nhát, sợ khổ hay sợ chết. Bằng chứng là ở lò vật cụ Nguyện, anh được đánh giá là môn sinh lì đòn nhất. Còn việc đồng áng giúp cha mẹ, từ xưa chẳng một ai chê anh. Đơn giản, anh không muốn xa người yêu. Ở Làng, chỉ có hai người biết anh trốn ở đây, Thắm và mẹ anh. Bố anh mà biết, chắc chắn ông tìm tới, lật hầm, lôi anh về, như lôi một con chó chạy rông, lấy bắp cày nện cho chí tử! “Đánh chết thì chôn!”
Mỹ đánh phá khắp nơi. Ngày nào Hà Nội cũng sôi lên, vọng về tiếng đạn, bom, khỏi lửa ngun ngún, cuồn cuộn. Bầu trời đầy chớp nhằng vạch tên lửa. Có ngày đánh rơi tới bẩy chiếc máy bay. Cả nước đánh Mỹ mà con ông lại trốn đánh Mỹ. Có cái nhục nào bằng nỗi nhục con ông.
Khổ, đã ba tháng, ông ru rú trong nhà, không dám đi đâu, gặp ai. Việc đồng áng phải làm thin thít. Câm họng mà đi. Có làm ruộng Hợp tác xã cũng chọn chỗ khuẩt hẻo, một mình. Mẹ anh không nói gì, dù anh biết, từ ngày anh của anh biệt mất ở chiến trường, mẹ thực lòng chẳng muốn con trai út đi…
Chín giờ tối ruột đã cồn cào lắm. Bật nắp hầm lên. Tiếng côn trùng cứ râm ran buồn, đâm nhói vào lòng. Tai hóng như tai chó vểnh lên, đón tiếng lá khô lay động quen thuộc. Bước chân của Thắm? Mười giờ đêm. Sương xuống ướt, những tàu chuối lấp lánh. Đợi mãi, mới nghe tiếng lá lay rổn rảng. Thắm hiện ra giữa hai bụi chuối.
“Em đấy à?” Lần nào cũng vậy, sau câu chào ấy, anh nhao tới, ôm ghì lấy người yêu. “Gượm nào! Mẹ lo lắm đấy !” “Nói gì? Mẹ lo gì? ” Anh gặng. “Trốn mãi được thế à? Mấy hôm nay có nghe thấy tiếng bom không? Long Biên sập ba nhịp rồi. Trạm tên lửa bên làng Hữu Giang, chiều qua phụt lên bốn quả, bọn em ở khu Đồng Nóc cứ bắn bừa lên. Súng làng mình nhỏ quá, như gãi ghẻ con trâu mộng.” Thắm nhỏ nhẹ kể . “Sao em ra muộn thế?- Anh ngồi bệt xuống nóc hầm, cầm miếng cơm nắm Thắm đưa, nhai trệu trạo. “Muối vừng này! Ruốc mẹ làm sớm nay đấy. Mẹ anh không dám giã, sợ làng xóm biết, chỉ xước nhỏ thịt, rang khô…Sao ăn cơm không thế?” Cô nhúm cho anh một ít ruốc thịt, đưa vào miệng anh. “Mẹ em cũng biết rồi đấy. Cứ thì thụt thế này!” Anh nuốt vội miếng cơm. Xoa tay vào quần. Kéo thắm ngồi xuống. Quay mặt sát mặt Thắm.
-Anh nhớ em lắm!
-Nhớ thế nào?
-Nằm đây nhiều thời gian. Nhớ đủ thứ. Cả khi còn bé. Nhớ khi em dỗi. Nhớ cả thời tụi mình tắm trên sông con. Và anh đỡ em tập bơi thế nào…
-Thế á?
-Đêm qua anh còn mơ, thấy anh gội đầu cho em và tắm với em trên sông con như thủa còn bé.
-Thế cơ á! Mơ nhiều thế, lâu không?
-lâu. Anh cứ tiếc mãi , đang mơ tắm cho em thì tỉnh dậy!
-Ừ, giá không có đánh nhau. Vài năm nữa, mình sẽ cưới. Là vợ chồng rồi, anh còn gội đầu, còn muốn tắm cho em không?
-Có
-Thật không?
-Thật chứ! Anh có bao giờ nói dối em đâu!
-Ừ, em biết mà- Thắm ngước lên nhìn anh. Đôi mắt cô ánh lên niềm hạnh phúc ngắn ngủi của một ngày biết bao nhiêu bận rộn và mệt mỏi.
Giọng cô nhỏ, đủ cho anh nghe: “Em rất yêu anh! Chỉ yêu anh“
Trăng chênh chếch mé trời. Trăng mặt sông loang loáng chấp chới. Khuôn mặt Thắm ngời lên, đầy trăng. Đôi mắt yêu quá! “Ừ, có khi phải về làng. Nhưng có lẽ anh không chịu được. Anh xa em là chết!” Anh ngả Thắm vào lòng. Cúi xuống hôn rối rít, như chim gõ kiến mổ kiến, y như là họ phải sắp biệt li. Bao nhiêu đêm như vậy rồi! Cô gái nhắm mắt, đê mê trong anh. Anh giật cúc áo Thắm. Lộ ra đôi vú thanh tân, cương lên mây mẩy, trắng ngần trong trăng. Úp mặt vào đấy, hít cuống quýt, tựa con chó con khát sữa sục ti mẹ. Anh lần nào cũng hừng hực lửa đốt. Lát sau, luồn tay xuống dưới. “Đừng anh! Khi nào đi em cho.” Anh van vỉ: “Anh không chịu được. Anh yêu em lắm!” “Em đã bảo, nói mãi. Bao giờ trước khi anh đi, em cho. Nhịn mấy năm rồi còn được. Anh!” Anh đẩy Thắm ra, mắt anh tha thiết. Nhìn vào mắt ấy, Thắm cảm giác vừa lửa, vừa nước: “Anh ở đây thêm tuần nữa với em, rồi anh đi!” Cô gái ôm đầu anh áp vào ngực: “Khổ, em thương anh. Thôi!..Em…” Anh ngửng mặt lên, trong ánh đêm, khuôn mặt bệch bạc: “Em nói gì? Thôi, là thế nào?” “Mai em cho, hôm nay em mệt. Chiều ở trận địa 37 ly. Khuân đạn. Đắp cỏ công sự, tới giờ em vẫn đau rã cả vai và tay. Anh ở hầm hết tuần này thôi, rồi lên đường nhé. Trốn mãi được sao?” Thắm nhỏm dậy, ngồi vào lòng anh. “Tay nào đau?” “Cả hai!” “Đưa tay đây!” Anh níu tay Thắm vào lòng, bóp cánh tay, bả vai cho người yêu.
Tay Thắm rất nhỏ. Cổ tay không đeo được đồng hồ Liên Xô hôm nào anh tặng. Cỡ giây nhỏ nhất vẫn cứ lỏng hoét, trôi ra. Anh bóp tay cho cô mà nước mắt cũng trôi ra. Tay mềm thế và bao vết sẹo đồng áng còn đây. Người khoẻ, trai làng đi hết. Làng màu, lúa và nhãn, giờ đây con gái đi cầy , bừa, gặt… đến vụ thu hoạch nhãn, cũng leo trèo như khỉ. Anh nghĩ.
Bàn tay anh lần sờ tới đâu, không cần nhìn, hình dung ra từng chỗ. Anh thuộc từng vết sẹo nhỏ trên tay Thắm. Cha Thắm, du kích trong chống Pháp đào hầm này, hy sinh trước hoà bình 1954 có dăm ngày. Nhà Thắm có ba chị em. Hai chị đi lấy chồng cả. Anh biết mọi điều đó, cả căn hầm do Thắm chỉ cho, khi cùng chơi trò trốn bắt, từ ngày hai đứa còn học từ trường làng, tồng ngồng tắm với nhau ở bãi sông con. Có lẽ không thể để cô lo lắng mãi. Mà cứ trốn lủi, bố anh buồn chết mất thôi. Nhưng anh yêu, yêu lắm. Anh nói: “Em!” “Gì cơ?” “Mai cho anh nhé. Anh mà về là bố giải ngay lên huyện đấy. Chẳng có thể yêu em, hoặc lại biền biệt như ông anh.”
Thắm ngửa mắt nhìn lên đôi mắt thiết tha, chân thành của người yêu và cô bất thần ghì đầu anh, hôn nhẹ vào môi anh. Rồi cũng không kìm được, cô mút chặt môi anh như sợ anh biến đi. Anh vừa hạnh phúc vừa buồn. Cứ nấn ná yêu nhau như vậy bao đêm rồi.
Phải đến hai giờ sáng Thắm mới về làng.
Sợ giờ phút chia tay, nhưng không thể để Thắm ở lại nữa. Đàn ông đàn ang trong làng đi hết, nhìn đâu cũng toàn người già và đám choai choai. Thanh nữ như Thắm, trăm công ngàn việc, cầy bừa thay lũ đàn ông, sao nỡ để em không được ngủ ba bốn tiếng một ngày?
***
Sáng từ lúc nào không rõ. Anh giật mình, bừng mắt. Bật dậy, lao tới cửa sổ thông hơi. Tiếng máy bay ầm ầm xé tai ngay ở đâu. Rất gần. Hình như trên đầu, lại cả dưới mạn sông vọng lên. Những chiếc siêu thanh Mỹ bay với tốc độ tiếng động, như muốn phá vỡ không gian một vùng đất toàn lúa là lúa, chẳng một nhà máy ống khói nhô lên. Chói và gắt, tiếng rú gào lướt cả gió, ào ào như muốn xô ngã vạn vật.
Anh đẩy nắp hầm trồi lên. Ngay sau đó, nghe rõ tiếng bom, tiếng vỡ đanh, tiếng súng liên thanh rất gần. Ngẳng mặt, trời đầy bông trắng, lục bục nổ. Đạn cao xạ! Nền trời xanh, khói trắng tên lửa run rảy, như những con rồng lượn, nhằng nhịt. Phía Hà Nội, đạn bay lên dầy đặc. Chằng chịt các vệt lửa. Nom xa, hệt cảnh tàn lửa bay lên trong hỏa lò, khi dụi một thanh củi dầu đang hừng hực cháy. Dăm cột khói đen, trắng lơ lửng như hình nấm.
Không gian cứ rộn lên một chặp như vậy rồi lại yên ắng, rồi lại sôi ào ào trở lại, với tiếng động xé gió. Cuộc đọ sức giữa mặt đất và bầu trời quyết liệt hơn.
Đánh nhau to rồi! Anh tụt xuống hầm.
Lát sau yên tĩnh như chưa xảy ra điều gì. Phải ngủ một lát cho quên thời gian đi. Anh tự nhủ. Không ngủ được! Anh lo âu và nóng lòng chờ thời gian trôi nhanh để đêm nay gặp Thắm. Từ sớm tới trưa, bẩy tám lần anh bật dậy lao ra cái lỗ thông hơi. Tới quá trưa, yên ắng trở lại. Dưới sông nước đẫm phù sa như máu vẫn lênh loang.
Mệt mỏi. Nửa giờ sau, anh chìm vào giấc ngủ vì căng thẳng. Suy tính và lo nghĩ.
* *
Anh bật dậy. Có tiếng ầm ầm, mơ hay tỉnh? Giấc mơ với Thắm đang đẹp quá bị phá vỡ. Mồ hôi vẫn còn đầm đìa trên thân xác. Nếu mặt đất không rung lên tiếp nữa và anh không nhìn thấy bụi bay lả tả từ những chùm rễ cỏ rủ trắng tựa râu bô lão, có lẽ anh tưởng đang mơ.
Bom đánh đâu gần? Lại im ngay. Không nghe thấy tiếng máy bay. Rõ ràng, bom đánh quá gần. Thúc nắp hầm, anh nhoi lên.
Trời đang sập chiều. Sông miên man hồng, vẫn cứ trôi, lặng chẩy. Mặt trời to bằng cái nong lớn, đỏ bầm như chậu tiết khổng lồ chìm dần ở chân trời. Quay phắt lại phía làng. Trước mắt anh, bùng lên góc sáng, ánh lửa chập chờn qua rặng cây trước mắt. Quầng bụi đỏ ôi ối bốc cao dần, loang ra, trong chùm nắng sập soạng. Anh thoẳng thốt. Làng bị ném bom! Chạy. Chạy như điên, về phía làng, nơi bắt đầu rộ lên tiếng thanh la, mõ và tiếng trống ngũ liên, tù và; những ứng hiệu mỗi khi vùng quê có biến. Cổ tục từ ngàn năm giặc giã, dồn dập vang lên từ làng này lan ra làng khác.
Nhẩy đại qua con mương, qua cây cối ngổn ngang đổ. Mùi lá hăng hắc dập nát lẫn mùi phân trâu, lợn, gà quen thuộc. Xác chó gà, vịt khắp nơi. Và, dăm ngôi nhà sát xóm Chùa bốc lên đầy khói. Thi thoảng lửa đỏ phừng phực bùng lên như tưới dầu. Đến cả dãy tre xanh trái đường tươi thế, cháy hừng hực như có ai đang quạt lửa, thốc tro rát cả mặt mà anh vẫn lao qua, vọt tới vườn chè nhà. Vệ ao,ven lối cỏ đầy xác xúc vật chết. Có con trâu mộng bị thương, máu đỏ lòm ròng ròng chảy đầy thân, cứ dúi mãi đầu xuống khoảnh muống nước sâm sấp, thở phì phì, rãy rụa.
Khựng lại. Trời ơi. Nhà anh đâu rồi? Anh không tin ở mắt mình. Con đường lát gách nghiêng, cong lên như miếng bánh đa, đứt gãy, cụt ngắt ở đoạn chẽ vào nhà anh. Bốn hố bom lớn, sâu hoắm, mùi khét lẹt và những sợi khói từ đáy hố vẫn đang ngun ngún bốc lên. Xen nhau, các vòng bom vạch dài, khoét đất từ nhà anh tới ba ngôi nhà kế nữa. Anh nhận ra vị trí cũ bởi cây nhãn cổ thụ của nhà anh bị bom phạt gãy gục.
Đứng bên hố bom. Giờ này là giờ mọi nhà đều đã từ đồng trở về làng. Anh gọi em gái, gọi bố và mẹ lạc giọng. Anh cào cấu mặt đất, đấm ngực. Anh như thằng điên quanh quẩn chạy bên miệng hố bom. Chân trần trên đất gạch lổn nhổn, mà không hề thấy đau. Tịnh không có ai thưa và, giá mà anh khóc được. Bỗng nhiên, anh sực nhớ ra điều gì và đứng dậy.
Làng bắt đầu rộn lên. Người các làng bên kéo sang. Nhớn nhác, tiếng chân thình thịch. Vài chiếc cáng tre, cáng người bị thương thoáng qua rặng râm bụt. Nhãn rụng nâu cả đường làng. Có ai đó, hình như đứa bạn xóm Thượng gọi: “An, mày trốn ở đâu về đấy?” Không trả lời, anh không còn tâm trí trả lời. Đau thắt lòng, vọt qua mấy nơi cây đổ. Chi chít các hố bom bi. Sặc mùi thuốc nổ bom. Anh chỉ còn ý nghĩ: “Thắm, em có sao không?“ Ngược chiều anh chạy, năm sáu người tất tưởi đi. Họ kêu lên, nói gì, anh không nghe rõ. Hình như có ai đó nhổ thẳng nước miếng vào mặt anh. Nước miếng thối và hôi. Mặc, anh quyệt tay chùi vào áo và chạy.
Anh bàng hoàng. Trên nền ngôi nhà Thắm, một hố bom sâu hoắm. Bom liếm mất nửa nhà, nửa còn lại đổ nát, toang hoang, đang cháy nham nhở. Những mảnh lá gồi bén lửa bị khí nóng hút, tung tàn lên cao.
Thắm! Thắm! Anh gào lên lạc giọng. Lại chạy quanh hố bom. Bên góc vườn, nơi trồng đám rau đay, mùng tơi, có mảnh áo màu hoa lí quen thuộc phật phờ bay. Anh chạy lại, nhặt mảnh vải tơ tướp. Áo Thắm! Anh tìm quanh. Những gốc cau đầy rêu xanh mát. Bể nước, nơi bao nhiêu lần, Thắm múc nước mưa cho anh, mỗi khi họ giữa trưa hè đi học về, có quầy tắm tan hoang. Giữa quầy tắm dựng bằng bốn cây tre, đã tung đâu mái che, Thắm trần truồng nằm.
Anh quỳ xuống.
Thân hình thanh xuân lõa lồ, trắng xanh nằm nghiêng trên đất lạnh. Mớ tóc đen như mun đổ xoãi trên mặt đất. Đôi mắt em trân trân nhìn vào vô định. Trái bom dội xuống, phát nổ và thổi bay hết áo quần trên dây phơi. Tay em còn cầm chặt chiếc chặt gáo dừa. Máu đỏ tươi bắn đầy trên thành chum nước tắm. Từ đỉnh đầu, máu chảy đỏ lòm qua chỗ hõm bầu vú. Đôi vú xuân thì, xưa luôn căng mẩy. Núm vú hồng giờ thâm lại. Vệt máu chảy xuống bụng, nhuộm đỏ đôi chân. Anh nhìn rõ, dóng tre cột nhà tắm, vệt tay máu còn kia. Thắm ơi! Em ơi! Anh gọi thầm, Sau này nhớ lại, trong đầu hiện ra cảnh Thắm của anh chới với và đổ gục xuống đất làng, để lại dưới chân em máu đọng thành vũng trên nền si măng chám trắng.
Em ơi! Trời ơi! Thắm! Anh cúi xuống, xốc em lên. Ngẳng mặt nhìn trời, thét lên. Tiếng anh vỡ vào hư không!
Người ta, có ai kể lại, thấy trong chập choạng đêm, khi trăng mười Tư mọc ngang ngọn tre phật phờ, chiếu ánh sáng lạnh trên sông, ruộng và làng, một người trai trẻ không khóc, gương mặt như thép nguội, bế xác người con gái lõa lồ, nhuộm đỏ toàn thân chính bằng máu của em. Anh ta đi dọc con đường làng nhỏ, lát gạch nghiêng, giữa ngổn ngang cây đổ, giữa tan hoang làng đất bãi. Làng trù phú, vùng lúa nhãn Vân Giang, nơi nửa tiếng trước, vừa bị tám chiếc máy bay siêu thanh, hiện đại nhất thế giới thập kỉ bẩy mươi. Máy bay có dòng chữ U.S.A, kẻ đen sẫm, nét đanh, ngang sườn, dội xuống tám đợt bom và rốc két. Mười sáu quả bom 500 Bảng, mười sáu quả bom bi mẹ với bốn ngàn tám trăm quả bi con, giết trong tích tắc, hơn một trăm sinh mạng nông dân, trẻ con, người già và, thiếu nữ.
***
Anh bế Thắm từng bước nặng về phía bờ sông. Tai anh văng vẳng lời Thắm đêm qua: “Là vợ chồng rồi, anh còn gội đầu, còn muốn tắm cho em không?” Anh bước đi như mê sảng. Thắm ơi. Bây giờ anh tắm cho em lần đầu và lần cuối đây!
Đồng bãi ngô có trăm ngàn hàng lính xanh, vạn gươm xanh múa ánh trăng đêm.
Rẽ ngô, anh bế Thắm bước trên cát mịn, lội dần ra vùng nước ngập tới nửa thân người. Đây nguyên xưa, sông mẹ chảy qua, sâu lắm. Rồi đổi dòng, bồi lên bãi, đã bao năm thành bãi và còn nhánh sông con. Bãi thoai thoải. Nơi đây bao năm là nơi tắm, vui chơi của đám trẻ. Anh thả em xuống nước. Nước duềnh lên đón Thắm. Và, trong ánh trăng vằng vặc lạnh, nhìn rõ vệt sậm của máu Thắm loang trong nước, tan hoà với sa bồi. Nước vốn đã sắc hồng, thêm sậm, trôi đi.
Anh không khóc. Bàn tay lướt trên thân thể trắng, mịn, mát như thạch của em giữa nước. Sông bao nhiêu năm bồi đắp nên bãi mầu tươi tốt làng anh. Tóc Thắm đen tuyền, dài như dải lụa, trôi chập chờn theo dòng nước. Tóc này, bao lần anh dội nước, gội đầu cho em. Anh đau. Sự đau đớn của một đàn ông, của một con người, sinh ra ở đất bãi, yêu một thiếu nữ đất bãi, chung bao nhiêu kỉ niệm, từ khi họ còn tắm truồng ở bãi này. Người đất bãi vốn hiền lành và mịn màng như đất bãi phù xa, giờ đây mặt nguội đanh, sắt lại.
Sống ý nghĩa gì nữa?
Anh còn ai để mà yêu và thương anh?
An đưa trở lại gian hầm nơi anh đã trốn. “Nơi anh hai tháng qua yêu em và, chờ đêm nay, em sẽ cho anh tất cả, trước khi lên đường. Không còn gì nữa. Cả nhà anh, nhà em và, Thắm ơi! Anh sẽ chết nơi đây với em!” Anh suy nghĩ miên man.
Đặt em lên cái chõng tre đã nằm bao đêm chờ em. Anh lấy chiếc chăn chiên cũ phủ lên nàng Ngồi bên như tượng đá trong đêm tối. Hai chiếc đèn dầu, tự tạo bằng cóng sữa bò, thắp hai bên. Gió sông qua cửa hầm, lỗ thông khí, làm lửa đèn đong đưa.
Những chùm rễ cỏ trắng, bao năm rủ xuống âm thầm lòng đất, kết trên nóc hầm. Đêm đêm trước, nom như râu bạc bô lão. Trong ánh đèn chập chờn đêm nay, nom tựa những khăn xô, bóng rung rinh qua lại trên vách hầm, quanh xác cô.
Đêm khuya. Anh cứ ngồi yên lặng. An bỗng nghe từ đâu vọng về âm i tiếng khóc. Lắng tai nữa. Tiếng khóc suốt đêm dài vọng tới anh. Ai oán, não nùng giữa hầm lắng, im, nơi chỉ có anh và xác người yêu.
Đêm sau nữa, anh gục xuống. Tỉnh dậy, lại nghe tiếng khóc quái đản từ đâu vọng về. Anh nhớ khuôn mặt mẹ anh, cha anh và em gái anh, rồi mẹ Thắm.
Đêm thứ ba tiếp tục hoá đá, mệt lả gục xuống thiếp đi bao lần và, tỉnh dậy, vẫn có tiếng khóc như từ lòng đất dội lên.
Anh lảo đảo đứng dậy leo ra khỏi hầm.
Trên cao, trong gió lắng nghe. Anh nghe rõ ràng tiếng khóc, tiếng gào khê, khàn, tiếng kêu cha, gọi mẹ, tiếng gọi tên người thân của rất nhiều người từ phía làng anh nương gió tới. Như có một ma lực xui khiến, anh đóng cửa hầm, ấn mạnh nắp và chệnh choạng về làng. Tới đầu làng trước mắt anh: Một rừng hương nghi ngún cháy đỏ khắp làng đất bãi và, tiếng khóc…
Suốt đêm An âm thầm hất đất, đắp cỏ lên nóc căn hầm, biến nơi anh đã từng lẩn trốn thành mộ phần Thắm. Anh cố gắng xoá hết mọi dấu vết cửa hầm với một tâm niệm đầy đau khổ và cay đắng.
Trời chợt sáng, cũng là khi mọi công việc hoàn tất. Những chùm sáng tươi vàng đầu tiên của một ngày chiếu lên mái đầu còn rất xanh của An. Anh đốt hương, quỳ xuống, trầm lặng. Không khóc! Môi anh run run, mím lại. Gió vẫn đưa về ai oán của cả làng hơn trăm sinh linh giỗ cùng giờ và ngày. Tiếng khóc…
***
Mùa hè năm ấy, Đại đội bộ binh X, sư đoàn 320, tiếp nhận một chiến sĩ tình nguyện trẻ. Đó là anh.
Ai trong đại đội cũng công nhận An ít nói, hiền, có tật hay mím môi, nhưng rất chăm chỉ rèn luyện, không bao giờ kêu ca trong cả quá trình ba tháng huấn luyện đầy gian khổ. Đại đội trưởng sau hai tháng theo dõi luyện quân, lấy An làm liên lạc.
Ba tháng sau, cuối mùa mưa, An nhận súng, nhận đạn và cùng đoàn lên đường.
Đường Trường Sơn cuối mùa mưa, còn có những trận mưa dai dẳng. Không thể tưởng tượng là anh lại có thể theo kịp bước chân những người lính cựu. Không có kinh nghiệm, mưa, đất nhoét và dính, anh để dép dâu tụt hết quai trong đêm. Chân trần theo đơn vị trên đường núi lẫn đá tai mèo. Máu đầy chân, An vẫn nghiến răng. Ba lô nặng, đung đưa, cọ vào lưng cứ mỗi khi lên lên, xuống xuống. Hai tuần, có vết toét bằng bàn tay, đỏ hỏn ngang lưng. Ngủ phải nằm con tôm sấp trên võng. Đại đội trưởng thương thằng nhóc gan, không kêu ca, tụt tạt, lấy lá đắp, đỡ cho bao gạo. Vết toét mãi ba tuần sau thành sẹo.
Đại đội trưởng cũng lạ, vì thấy anh luôn tò mò hỏi bao chuyện, khi biết ông đã đánh nhau qua vài chiến dịch, mà vẫn nguyên lành. Xem ra, anh có vẻ rất có chí tiến thủ? Ông ta nghĩ, thằng bé này chưa bò duới đạn nên chưa biết sợ. Không biết cu cậu có đái ra quần không? Cái vẻ mặt đôi khi trầm tư của An, một thanh niên tóc rất xanh, làm ông nhớ thời trai của mình và thương An thêm. Chính vì điều đó, An được ông dạy dỗ và kể nhiều kinh nghiệm cho cu cậu, hình dung là ra trận, phải tường tận những ngõ ngách của trận mạc và muốn giữ được cái mạng mình phải như thế nào. Ông chỉ cho anh cách tìm củi nào tươi, săng lẻ, có thể tước ra, nấu cơm được ngay dưới trời mưa, ẩm vẫn cháy. Cách đặt câu đêm, ở những con suối cạn nào? Suối đất hay cát, hoặc đá? Những con suối chỉ gang nước, ban ngày không hề trông thấy cá, nhưng đêm tối, phải hiểu chúng từ hốc đất và dưới đám lá mục chòi lên đi kiếm ăn. Ông dạy cho anh, kinh nghiệm tìm hướng ở rừng bằng. Những mẹo vặt để tồn tại khi lạc rừng; tỉ như việc lấy lửa bằng cách gõ nhẹ cát-tút cho đầu đạn long ra. Bít giấy viên đạn không đầu, chỉ còn ít thuốc cháy, bắn vào những sơ cây đã sước, dập nhỏ như sợi bông, khi rắc lên số thuốc trong viên đạn v.v…Tất nhiên, cả những kinh nghiệm như cách đón gió, đánh hơi mùi lạ; nghe tiếng chim liếu điếu, quạ, ngói bay lên, bổng thấp thế nào, mà có thể đoán, cảm thấy nguy hiểm, có phục kích. Đại loại, những kĩ năng mà người lính cần hiểu sâu sắc, để tồn tại, để đánh nhau với một kẻ thù mạnh hơn nhiều lần. Có một lần ông nói đại ý, người lính đứng trước đối phương, chỉ run sợ tích tắc là mạng sống có thể đi tiêu luôn.. An thấy có lí cũng nhớ lại, thầy dậy vật anh từng nói, trước kình địch mà cảm thấy run sợ, tức là đã nắm chín chục phần thua, còn khi dù nó to hơn, mà ta quyết đấu, làm nó run sợ thì ta đã nắm tới chín phần thắng, chỉ mưu trí là thắng trọn nó rồi.
Anh lắng nghe ông, không chỉ là tò mò và khâm phục. Mãi về sau này, anh cảm thấy đó là may mắn. Anh cũng lơ mơ cho là, anh có linh hồn Thắm đưa đường chỉ lối.
Nhưng một điều quan trọng là, nhiều đêm, thiếp đi trên võng, đôi khi anh vẫn mơ. Giấc mơ dẫn anh về căn hầm và làng với tiếng khóc văng vẳng! Những khi vậy, anh không sao ngủ tiếp. Anh nhỏm dậy trong đêm, nghiến răng, nắm tay chặt như muốn vỡ ra.
Cứ như vậy tám năm chiến tranh trôi qua.
1975, tháng tư. Đại đội do An chỉ huy đánh Đồng Dù, Củ Chi. Cứ điểm gồm một sư đoàn trấn cửa ngõ Sài Gòn. Ngày ba mươi chiến cuộc chấm dứt.
Hơn tháng trời liên miên hành quân. Những người lính, sau ngày cuối cùng của chiến tranh, mê mệt ngủ bù trong cách rừng cao su, gần nơi đêm trước trận cận chiến. Không hiểu sao, An lại buồn. Chiến tranh thực sự chấm dứt rồi. Anh uống say và bây giờ lại là lúc An ngồi nhớ đất bãi làng anh. Anh nhớ Thắm. Mười giờ đêm, anh gục xuống chìm vào giấc ngủ.
Quá nửa đêm, trăng mười chín khuyết, long lanh lên sáng góc rừng. Anh choàng tỉnh. Có tiếng khóc nức nở, ai oán văng vẳng của làng đất bãi năm xưa. Tiếng khóc, suốt tám năm qua, anh vẫn chỉ nghe thấy trong các giấc mơ, trước những trận chiến khốc liệt một mất một còn! Anh dụi mắt, bứt tai. Không, anh đã tỉnh.
Vô lí! Chưa bao giờ tiếng khóc vọng về khi anh tỉnh. Hay mình đang mơ? Anh lại bứt tai. Rõ ràng là anh tỉnh. Không tỉnh, sao anh nhìn rõ người lính gác đi lại bên kia rặng cây. Dậy! Anh lay tay lính liên lạc trẻ. “Em, có nghe thấy gì không?” Người lính liên lạc ngơ ngác ngồi dậy. Anh nhắc lại câu hỏi: “Em có nghe thấy gì không?” “Không! Em không nghe thấy gì!” Chiến sĩ liên lạc lại đổ vật xuống lớp lá trải võng trên nền đất. Lập tức ngáy.
Quái nhỉ, hay là anh mơ. Nhưng rõ ràng, vẫn có tiếng ai oán âm i tới tai anh. Anh tự véo đùi lần nữa và cầm lấy khẩu súng ngắn đứng dậy.
Theo gió, hướng tiếng khóc. Anh qua khoảnh rừng non. Qua mảnh trống, đầy vết xích, bãi tập xe tăng. Tiếng khóc rõ ràng hơn và rất gần. Anh vượt qua hơn trăm mét đường tuần tra quanh căn cứ và dừng lại.
An nhận ra, khu rừng đã diễn ra trận huyết chiến đêm trước, đêm cuối cùng căn cứ Đồng Dù. Đêm ấy, tại nơi đây, đại đội lính rằn ri biệt động đã đánh tập hậu đơn vị cối của sư đoàn. Và đại đội An chỉ huy được lệnh xuất kích, giải cứu cho đơn vị cối. Họ cận chiến giữa rừng cao su với lê , dao găm và bắn gần. Trong vòng hơn hai chục phút, tiêu diệt hoàn toàn đơn vị địch.
Trăng mười chín đủ sáng để anh nhìn thấy hàng trăm chiếc xe Honda Sài Gòn đậu khắp nơi, ở mép rừng và bên đường. Một rừng hương như đêm nào ở làng anh và, tiếng khóc của những người miền Nam dâm dứt khắp mảnh rừng cách đây không lâu, nơi có bao người lính đối phương mù quáng tuân lệnh cấp trên, đã trở thành kẻ xấu số cuối cùng của chiến tranh.
Anh lặng người. Buồn vô hạn! Tiếng khóc rõ ràng hơn.
Trời ơi! Chiến tranh thì bên thua bên thắng. An đi dọc suốt bao năm rửa hờn cho Thắm cho tiếng khóc làng anh. Điều đó anh chẳng bao giờ ân hận.
Nhưng Tiếng khóc của con người đêm nay anh nhận ra thì ở đâu cũng thương đau, giống nhau tới thế. An suy nghĩ miên man.
An quay về. Mắt đập vào tấm biển cũ chềnh ềnh cắm bên mé con đường tuần quanh căn cứ.
Trăng lạnh và bềnh bệch soi tấm biển. Tấm biển báo hiệu khu quân sự cấm thường dân của lực lượng Anh cả đỏ, Sư đoàn cũ của quân lực Hoa Kỳ đã nhường cứ điểm này lại cho những người lính đối phương cuối cùng của chiến cuộc, hoang phí tuổi xanh nằm kia.
U.S. Army.
Dòng chữ trên tấm biển rất đen và nét đanh, y như dòng chữ ngang thân máy bay năm xưa anh đã nhìn rất rõ, khi anh nằm ở gian hầm bí mật đã quàn Thắm, bên con sông quê hương đẫm đỏ lênh loang phù sa mùa hạ…An nắm chặt bàn tay.Môi anh mím lại. Còn bao nhiêu việc nữa cho ngày mai. Ngày mai của anh?
Thế mà đã tám năm! Tám năm, bao nhiêu là bao nhiêu cơn ác mộng của một đời người là anh!
Nước Đức, 4-2008-Tháng bao thương nhớ và yêu thương
Tác giả: N.V.T – Thực hiện: Minh Nguyệt
1-Máy bay hải quân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ