Ngôn ngữ truyện ngắn “Tiếng hát lau sậy” của tác giả Bảo Thương đẹp, giàu chất thơ, giàu chất liên tưởng so sánh, chuyển tải được vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của nghệ thuật và vẻ đẹp của con người. Nghe xong truyện, thính giả nhắm mắt lại và mường tượng ra bức tranh đẹp, nhưng buồn phác họa nỗi niềm của người phụ nữ, khi họ ý thức được tiếng gọi của bản ngã, sống hết mình với bản ngã. Chị, một người đàn bà ngoài ba mươi tuổi, mang “vẻ đặm đặm của gái một con một thời xinh đẹp” và có một giọng hát hay “Tiếng hát trong và tròn, lời ca sáng và rõ, vành vạnh như vầng trăng thu, soi đến cả lớp li ti của từng chiếc lông trên mắt lá lau vào những độ rằm”. Song, Tiếng hát lau sậy là tiếng hát buồn của người đàn bà đẹp, tài hoa, khao khát tự do và tình yêu; khao khát được cống hiến giá trị nghệ thuật. Đó còn là tiếng lòng của con người nói chung luôn mong muốn vươn tới thứ tuyệt đích nhất của đời sống: là tự do, là tình yêu, là quyền được thể hiện mình, quyền được cống hiến tài năng, được sáng tạo. Cái đẹp phải được ươm mầm. Cái đẹp phải có môi trường cho nó phát triển. Cái đẹp phải được trân trọng, nâng niu, giữ gìn. Cái đẹp có quyền được hưởng hạnh phúc. Song, ở đây, cái đẹp bị vùi dập. Tiếng hát chỉ dám cất lên ở bờ lau, bãi sậy, cánh đồng, khúc sông, bến nước …Chị thỏa thuê hát khi vắng người chồng, còn khi anh ta về thì im bặt. Hát giữa kiếp cỏ cây thì dễ, hát giữa kiếp người mới khó làm sao? Làm sao để bảo vệ quyền được sống, được ca hát, được cống hiến tài năng? Hay nói cách khác, làm sao, để cái đẹp được khẳng định, đề cao, trân trọng. Và cái đẹp rồi sẽ trôi dạt về đâu? Kết truyện nhân vật kể chuyện xưng “Tôi” hỏi mẹ: “Làm sao biết được chỗ nào có bông tốt mẹ ơi?”. Đó là câu hỏi mở, làm day dứt lòng người.
Từ khóaBảo Thương cống hiến khao khát nghệ thuật người đàn bà đẹp Sơn Tùng tài năng Tiếng hát lau sậy tình yêu
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …