Bài nổi bật

Tân Sơn – K.B.H

RadioVn.Com – Trên con đường trải đá xay khô rang dẫn vào quần thể núi Đụn, từng hàng những chiếc xe ủi, xe xúc, xe bắn đá, khoan đá, xe tải đứng cắn đuôi nhau chịu nắng. Nắng gắt rọi như những mũi kim bỏng xiên vào mọi ngóc ngách, thiêu rụi sức chịu đựng và mọi kiên nhẫn, rút kiệt hết sinh lực con người.

Trên con đường trải đá xay khô rang dẫn vào quần thể núi Đụn, từng hàng những chiếc xe ủi, xe xúc, xe bắn đá, khoan đá, xe tải đứng cắn đuôi nhau chịu nắng. Nắng gắt rọi như những mũi kim bỏng xiên vào mọi ngóc ngách, thiêu rụi sức chịu đựng và mọi kiên nhẫn, rút kiệt hết sinh lực con người.
Những người lái xe đã bỏ của chạy lấy người, kéo nhau rúc vào tán cây bên vách núi. Chỉ còn ba người nông dân đội mũ cối, nón lá sụp xuống tấm áo quân phục bạc màu, sũng mồ hôi, ngồi phệt cạnh cỗ xe tang chắn ngang đường, chặn đoàn xe khai thác đá của Tập đoàn Hùng Sơn.

 

Những nông dân này được trả công ngồi phơi nắng, bảy cân gạo một ngày. Trước mặt họ là can nhựa trắng hai mươi lít đựng nước uống, vừa uống vừa vã lên mặt.
Những hạt nước rơi xuống đường đá nóng nghe cái xèo, rồi mất hút không thấy vết. Nếu tình hình không có gì biến chuyển, ngày mai họ sẽ căng lều ngồi giữa đường, tránh bớt nắng nóng.
Tân lẳng cho ba người nông dân một túi dưa lê trắng. Họ vồ lấy, bóp vỡ quả dưa rồi vục mặt vào trái dưa thơm mát lành, nhai rau ráu.
Anh bỏ họ đó, đi bộ về phía núi Đụn. Nắng từ trên rọi xuống, sức nóng từ đường đá bốc lên khiến anh cảm giác như đang đứng trong một lò hơi khô. Cơ thể tự vệ bằng cách mở hết cỡ các nang lông, túa ra cơ man là mồ hôi.
Muốn đánh lạc hướng sự khó chịu từ cái nóng, anh ngước lên ngắm núi. Quần thể núi Đụn hùng vĩ như một dàn tên lửa khổng lồ đầy sức mạnh, sẵn sàng nhổ khỏi lòng đất bắn vọt lên trời cao.
Bao năm nay, núi Đụn đứng đó như một tấm lá chắn gió bão, tai ương cho mấy làng thuộc xã Tam Đảnh. Vậy mà, chỉ vì lợi nhuận, chính quyền đã bán đứt núi Đụn cho thương nhân. Nếu Tam Đảnh mà mất núi Đụn, thì còn gì là Tam Đảnh nữa. Nó sẽ mất bức tường thành mà nó dựa dẫm hàng thiên niên kỷ. Bao lớp trẻ con Tam Đảnh sáng chiều ra đầu làng ngắm núi, luôn tự hỏi điều gì kỳ lạ đang ẩn giấu phía bên kia dãy núi. Trí tưởng tượng của chúng vì thế mà phong phú hẳn lên. Nhưng nhiều đứa đã trưởng thành mà vẫn không bao giờ đi vượt qua dãy núi.
Còn Tân, anh từng vượt qua núi Đụn đi rất xa, và rồi thất bại, anh chán nản trở về nương náu ở làng, sau núi Đụn. Trước mặt anh chỉ có hai lựa chọn: một là thành nhà khoa học danh tiếng, hai là kẻ thất bại.
Tân chọn làm một nhà khoa học danh tiếng và đã phấn đấu hai mươi năm ròng. Nhưng khốn thay, chỗ đứng của nhà khoa học danh tiếng vẫn đỏng đảnh không chịu chọn Tân.
Vậy mà khi anh về Tam Đảnh ẩn náu, lại có kẻ rắp tâm phá bức tường thành che chắn cho anh và dân năm làng trong xã. Khốn hơn nữa, kẻ ấy không
ai khác, mà lại là thằng Hùng Sơn, bạn từ thời còn ở truồng của Tân.
Nó thực sự là một thằng chó đẻ. Mức chó đẻ của nó ngày càng tăng theo độ tuổi.
***
Hồi bé, Tân cùng nó vào dãy núi Đụn kiếm củ bình vôi về bán cho dân buôn cây cảnh, lấy tiền ăn kẹo kéo, đánh đáo, mua cước cần câu… Tân muốn núi này đẻ thêm nhiều củ bình vôi, còn thằng Sơn lại bảo nó sẽ phá núi nung vôi xây nhà cho bố mẹ nó, cho cả họ nhà nó… Tân cực kỳ ghét ý nghĩ ấy của thằng bạn.
– Tân, phải Tân không?
Giọng trầm của một người đàn ông chặn bước chân anh lại.
Giữa nắng nóng đỏ chói, người đàn ông đầu trọc rắn rỏi, quần ka ki, áo polo xanh da
trời trông như một pho
tượng đứng sững trước dãy núi, ngáng đường.
Thằng Sơn!
Gã đầu trọc đưa ngang tay ra, bàn tay xòe ngửa, những ngón to mập đều đặn, thẳng tắp.
Tân không thèm chạm vào bàn tay ấy, bàn tay tham lam.
– Hóa ra, từ ngày ấy mày vẫn nuôi cái ý phá hủy núi Đụn! – Tân nhếch môi, nhìn soi vào mắt kính đen xì của Sơn.
– Thứ nhất, núi Đụn không phải của riêng mày, nó là của dân Tam Đảnh, của đất nước này, của cả tao! – Sơn nói, ngón tay cái quệt mồ hôi trên mũi – Thứ hai, tao dùng núi Đụn phục vụ lợi ích cho rất nhiều người, cái này mày nên tự tìm hiểu, tao không có thời gian giải thích với mày. Thứ ba, cả đời tao chỉ có một mục tiêu duy nhất, mang lợi ích cho tao và cho mọi người, ở mức cao nhất. Ngoài ra, tao không phí thời giờ cho những thứ linh tinh.
– Lý lẽ kiểu gì thì mày cũng là kẻ phá núi Đụn. Mày định tranh việc thượng đế dời sông lấp bể, sắp xếp lại thế giới sao? – Tân nhếch môi.
– Tao sẽ dùng xi măng sản xuất từ đá núi, để xây những tòa cao ốc. Chả lẽ đấy không được coi là những ngọn núi mới? – Giọng gã đầu trọc giễu cợt – Núi có mất đi hoàn toàn đâu, chỉ là sự chuyển hóa hợp quy luật.
– Sự tham lam của mày và của những người như mày sẽ làm trái đất nát vụn. Tao quyết không thỏa hiệp với lũ chúng mày, không để chúng mày xay vụn núi Đụn!
Tân khinh miệt nhổ toẹt bãi nước bọt. Chúng kêu xèo và nhanh chóng biến mất trên mặt đường đá vụn rát bỏng. Anh ngoảy người bỏ đi.
***
Ngân gạt chân chống chiếc xe Wave Tàu cái rẹt trước cửa quán nước cụ Gồi dưới gốc xà cừ đầu làng. Nắng trưa đứng bóng, trời không một sợi gió, cây cối đứng rũ, im lìm chịu trận trong chảo lửa.
Ngân lột cái mũ tai bèo xanh, lau miết mồ hôi trên mặt, trên cổ. Giọt giọt mồ hôi thi nhau bò dọc lưng, dính bết cái áo thanh niên xung phong vào thân hình chắc lẳn của cô.
– Ngồi ghế bên này anh quạt  cho – Tiếng trầm trầm của người đàn ông vang lên vẻ cợt nhả – Ông trời nắng dữ làm cây trái, gái gẩm làng này chín ép cả.
Ngân vênh mặt, cố ngồi tránh xa đại gia Hùng Sơn, mà cô nghe đồn sát gái loại khủng.
– Người đâu mà ác! Hẹn người ta giữa trưa nắng chảy mỡ lại còn giở giọng…
Đón bát nước vối nguội từ tay bà cụ chủ quán, Hùng Sơn đặt trước mặt Ngân, mỉm cười:
– Em không nhận ra, chứ anh thấy rất rõ. Chung quy chỉ tại mặt trời nhiệt đới xứ này. Anh tưởng em còn mặc quần lủng đũng đi dính ve trong vườn cây các cụ, nào ngờ em đã ngỗn nghện là bí thư đoàn xã!
Ngân chín đỏ má. Cô lấp liếm:
– Miệng lưỡi anh gớm nhỉ! Nhưng nếu anh hẹn em ra đây để nhờ em vận động anh Tân thì em không nhận lời đâu.
Hùng Sơn không trả lời. Với cái điếu cày dựng ngả bên rễ cây xà cừ, làm một rít long trời lở đất như một gã nghiện thuốc lào chính hiệu, hôi rình, anh lẩm bẩm:
– Dân nghiện hạng nặng thế giới cũng phải chào thua loại “xì gà” khủng quê ta. Này cô em, giải quyết thằng Tân và cái bầy cù nhầy của nó chỗ núi Đụn với anh chỉ là chuyện vặt.
Ngân chao bát nước vối xuống mặt bàn, cố tình để nước sánh ra ngoài. Cô ước sao nước vối rớt đúng đôi giày thể thao trắng lóa dưới chân Hùng Sơn.
– Dù anh Tân nhà em không dầm tiền bằng anh, nhưng em vẫn trân trọng anh ấy như một nhà khoa học…
Hùng Sơn ngắt lời:
– Anh không phủ định cậu ta là nhà khoa học, nhưng là khoa học nửa vời, biết một mà không biết mười. Anh nói để em biết, nếu không vì lợi ích của anh, của em và cả làng này, thì còn lâu em mới gặp được anh. Anh không có thì giờ cho những việc vô nghĩa.
Ngân liếc xéo gã trọc,
nhăn mũi:
– Ai cầu lợi lộc gì từ anh ?
– Thì hẵng nghe cho thủng đã – Hùng Sơn nghiêm giọng, vẻ uy quyền quen thuộc áp đảo người đối diện – Anh thừa biết em bận việc với thanh niên xã, lại ngoắc tay hỗ trợ Tân cản phá dự án khai thác đá núi Đụn, nhưng mấy việc lẻ tẻ đó chẳng làm em lớn lên được đâu. Anh muốn em phải nghĩ khác, anh muốn giao em một dự án rất tốt để làm.
Dù tự ái dâng đầy cổ, nhưng óc tò mò đã thắng. Ngân mở to mắt, hỏi:
– Dự án gì?
– Là một dự án mang lại lợi nhuận nhiều bề, ổn định và lâu dài – Giọng Hùng Sơn hào hứng, ánh mắt sáng cuốn hút lạ lùng, nhanh chóng cuốn cả Ngân lẫn bà cụ chủ quán vào ý tưởng của mình – Dự án này sẽ bao quanh năm làng trong xã ta bằng những lũy tre dày. Chục năm nay những bụi tre trong làng bị triệt hạ gần hết. Chúng ta bỏ quên những lợi ích của cây tre, mọi người quên rằng cây tre từ gốc tới ngọn đều có thể kiếm ra tiền. Lũy tre ngoài việc bảo vệ cho làng, giải quyết ô nhiễm, còn sinh lợi từ những sản phẩm đa dạng và bán được chứng chỉ giảm khí thải.
Soạt một cái, Hùng Sơn đã mở rộng tập đề án dày trước mặt Ngân, phân tích say sưa tiềm năng và sự độc đáo của dự án, có thể thay đổi được diện mạo kinh tế cho làng, thay đổi cả thói quen tiêu dùng công nghiệp, lâu dài sẽ gây hại từ những thành phố lớn. Anh hào hứng:
– Những cái túi dệt bằng lá tre khô, giỏ đan bằng tre, ghế, giường tre sẽ thay thế túi ni lông, hộp nhựa, bàn ghế nhựa. Tốt cho môi trường biết bao. Chúng ta sẽ mở xưởng dạy nghề làm sản phẩm tre cho dân, phát triển thu nhập thêm ngoài nghề nông…
– Nghe thì rất hay đấy – Nét mặt Ngân giãn ra chút chút – Nhưng em chưa hiểu việc có thể bán chứng chỉ giảm khí thải…
– Nôm na thế này – Hùng Sơn xòe hai bàn tay ra như mở hai cánh cửa lớn – Lũy tre xanh khổng lồ hằng ngày sản sinh rất nhiều dưỡng khí, và ta có thể bán ô xy cho những công ty khác, đó là quy định quốc tế. Khi chính thức làm dự án này, em sẽ có cơ hội hiểu rõ.
– Thôi được, anh dẻo miệng lưỡi đấy, gần thuyết phục được em. Em sẽ… tham gia sau khi thẩm định kỹ – Ngân nói vội vã, cô còn chẳng kịp ngại Hùng Sơn sẽ nghĩ cô dễ dãi quá.
– Phải quyết liệt và máu như vậy mới làm được. Anh thích tính cách đó của em – Hùng Sơn nói, tay gấp cuốn đề án lại. Anh thở phào.
Một cái rễ phụ đã nhổ bật lên rồi, còn cái rễ chính nữa là xong.
Chiến thuật chia để trị áp dụng khá giản dị, nhưng lại thành công. Tí tiền cộng tí năng lượng trí tuệ sẽ đẻ ra rất nhiều tiền.
Anh xách cặp đứng lên, nắng vẫn chói, nhưng chếch đi. Vài sợi gió từ ao làng lan tới, xoa dịu cơn phừng phừng bốc lên trên mặt Hùng Sơn.
Cả Ngân và cụ Gồi đều nhìn hút theo anh.
***
Tân ngồi trên cái cối đá lật sấp dưới gốc nhãn, bên ấm chè đặc, trầm tư suy ngẫm.
Thực ra quyết định đã đến với anh sau khi nghe người đồng nghiệp thuyết trình và đọc lướt dự án. Anh biết mình đã xiêu lòng trước ý tưởng hấp dẫn của dự án. Đây phải chăng là cơ hội trời cho để anh bứt lên trong sự nghiệp?
Hai mươi năm miệt mài nghiên cứu ở viện khoa học, anh cũng có mấy công trình bảo vệ thành công, nhưng sau đó bị xếp xó, và chẳng làm tên anh được giới khoa học hay giới truyền thông biết đến.
Về làng, chưa ngồi yên thì anh lại bị cuốn vào vụ phản đối doanh nghiệp phá núi Đụn. Tình hình đang căng, nếu anh rời đi làm việc khác, mất thủ lĩnh chắc gì người dân quê đủ quyết tâm giữ núi?
Nhưng tóm lại, cứ cho là đời anh bảo vệ được núi, nhưng đến đời con anh, chúng có còn muốn bảo vệ? Và anh sinh ra đâu phải để làm người giữ núi. Anh là nhà khoa học. Và trước mắt anh là một dự án khoa học ứng dụng, điều trong mơ của anh.
Tân uống cạn chén trà đặc, phủi quần đi ra ngõ.
Anh quyết rồi. Anh sẽ gặp Ngân, nhờ cô em họ trông nom điều hành nhóm đấu tranh với doanh nghiệp Hùng Sơn, bảo vệ núi Đụn. Còn anh sẽ trở lại thành phố, ký hợp đồng tiến hành ngay việc nghiên cứu.
***
Ba năm sau…
Trên chiếc taxi máy lạnh êm ru, Tân trở về làng. Nắng gắt trên cánh đồng, trên khắp các ngôi làng, nhưng không làm phiền được Tân.
Cái tên Trương Quang Tân giờ đã có giá trị một thương hiệu. Anh là nhà khoa học được giới truyền thông xưng tụng, giới khoa học khâm phục xen lẫn ghen tỵ.
Kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng của anh đã tạo bước đột phá, giải quyết được mối lo lớn: biến rác thải vô cơ thành sản phẩm kinh tế.
Sau mấy năm miệt mài nghiên cứu, Tân đã phát minh ra loại chất kết dính hoàn hảo và loại máy ép gạch siêu bền, siêu rắn. Những rác thải vô cơ không thể tái sử dụng, trước đây thường được đem chôn, gây ô nhiễm đất và nguồn nước, thì với công nghệ do Tân phát minh, sẽ được biến thành loại gạch đa năng, chuyên dụng trong các công trình kè biển, kè sông…
Dự án đã đến giai đoạn hai: xây dựng nhà máy sản xuất gạch từ rác thải vô cơ.
Tân đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện công nghệ, loại bỏ độc chất và từ tính trong sản phẩm, tiến tới việc có thể sử dụng để xây nhà ở.
Anh phải bỏ ngang công việc để về làng, vì Ngân vừa thông báo có một hợp đồng lớn mua gạch siêu bền.
Đang vui, Tân chợt sững người khi thấy phía bên phải làng anh, dãy núi Đụn gần như biến mất. Vài vách núi còn sót lại in một hình đứt gãy nham nhở lên nền trời xanh ngắt.
Ba cái xe bọ vẫn đang gục gặc há cái mõm tham lam gặm nốt những vách đá còn lại…
– Dừng xe! – Tân hét lên.
Tân mở cửa bước ra. Anh choáng váng trước cảnh tượng không thể tin nổi ấy.
Nắng gay gắt chọc vào gáy, vào cổ anh. Anh chui vào quán nước cụ Gồi, lôi máy điện thoại ra gọi Ngân.
Cụ Gồi hấp háy cặp mắt kèm nhèm đầy gỉ, đặt cái chén da lươn trước mặt anh.
– Lâu lắm không thấy cậu Tân về làng. Núi Đụn mất gần hết rồi. Ngày nào bà cũng ngồi đây trông ra, thấy nó hao dần đi, rồi sẽ biến mất…
– Vẫn thằng Hùng Sơn phá núi phải không bà? – Tân nôn nóng – Thế dân làng này không giữ nổi núi à?
– Dân đồng ý cho phá rồi – Cụ Gồi lắc đầu – Nhiều người còn cho cấy rẻ suất ruộng rồi đi làm công nhân cho Hùng Sơn. Tôi chả hiểu ra làm sao. Tôi già quá rồi, người mỗi lúc một quắt đi, óc cũng quắt đi, chả hiểu nổi chuyện gì ở làng này nữa.
Một xe bốn chỗ dừng xịch trước quán cụ Gồi, bụi đường mù lên phía sau. Một gã đầu trọc, cùng một thanh nữ tóc búi gọn, mặc áo xanh thanh niên xung phong bước ra khỏi xe.
Tân cau mày.
– Xin chào nhà khoa học! – Hùng Sơn cười lớn, kéo ghế ngồi cạnh Tân.
– Lại mày đấy à? – Tân cảnh giác kéo nhích ghế ra xa Hùng Sơn – Tao cũng đang muốn gặp mày hỏi cho ra nhẽ.
– Anh Tân làm gì mà căng thế. Lông mày xoắn cả vào nhau thế kia! – Ngân ra giọng vui vẻ.
– Trông cô hơi lạ đấy – Tân nhếch mép – Bí thư đoàn giờ theo đuôi đại gia, màu mỡ riêu cua gớm. Thảo nào hai năm qua chẳng thấy cô gọi cho thằng anh kiết này lấy một câu.
- Thì có việc mới gọi anh chứ – Ngân vênh mặt – Không dưng gọi làm gì cho tốn tiền, tốn thì giờ…
– Giọng điệu giống nhau gớm – Tân nhăn mặt- Bây giờ anh hỏi cô: Núi Đụn đâu?
– Thành xi măng gần hết rồi – Ngân nói nhanh – Thành nhà cửa, che chở cho người dân. Chắc anh không phản đối?
– Đừng dẻo miệng lấp liếm – Tân hạ giọng, mắt như nhìn vào đống phân – Cô tiếp tay cho thằng này phá hoại.
Hùng Sơn tóm lấy cái điếu cày, vẻ sốt ruột:
– Bây giờ vào việc chính. Tao sẽ nói để mày hiểu. Tao đã giành quyền khai thác núi Đụn, tạo việc làm cho ngàn người. Khi khai thác xong, tao sẽ dùng loại gạch siêu bền mày mới chế tạo, để xây nên dãy núi mới, theo kiến trúc tổ ong ngược. Mày sẽ nghiên cứu tiếp công nghệ xử lý xói mòn trong lỗ tổ ong. Còn giống cây ăn trái thuộc loại rễ cọc ăn sâu đã có Ngân lo, mục tiêu là có trái bốn mùa chất lượng cao cho xuất khẩu.
Lại soạt một cái, Hùng Sơn trải bản đề án ra trước mặt.
– Đất sẽ mang lên núi, đổ vào những lỗ tổ ong, rồi trồng cây. Sẽ xây nên một mô hình công – nông  nghiệp sản xuất trái cây tươi và đóng hộp ở xã. Dãy núi Đụn mới sẽ tiếp tục cho lợi nhuận.
– Mày bệnh gì vậy Sơn? Mở mồm ra là mày nói lợi nhuận, nói tiền…
– Ha ha ha! – Hùng Sơn cười vang, gập tập đề án lại – Tao mắc bệnh nhìn đâu cũng thấy tiền. Nhìn một hòn đá lăn lóc ven đường, tao cũng nghĩ sẽ làm gì để bán ra tiền, sinh lợi nhuận…
– Đến rác thải độc hại với môi trường mà anh Sơn còn nghĩ ra cách tận dụng – Ngân  chen vào – Dự án mà anh đang nghiên cứu, người đứng đằng sau là anh Hùng Sơn.
– Cái gì? – Tân chau mày – Chẳng lẽ Tập đoàn Green
Building, chủ đầu tư dự án gạch siêu bền ấy là do mày đẻ ra?
– Ờ, để sử dụng trí óc của mày kẻo phí – Hùng Sơn cười tít mắt – Thấy mày sống lăn lóc tao tiếc lắm. Phải nghĩ ra cái gì đó hợp với cái đầu to của mày chứ.
Quá bất ngờ, và cũng ghen tức đến nổ con ngươi, Tân đấm vai Hùng Sơn, gầm lên:
– Thì ra là mày, thằng chó đểu! Tao sẽ đốt cái hợp đồng chó đẻ ấy!
– Cảm ơn mày khen tao! – Sơn nhếch mép – Còn cái hợp đồng ấy không hề chó đẻ mà sẽ… đẻ ra gạch siêu bền. Chẳng quan trọng ai đứng trước ai đứng sau, miễn là đem lại quyền lợi cho thật nhiều người…
Tân nhăn mặt, hạ giọng:
– Mày… khó tiêu quá, Hùng Sơn! – Tân hét lên – Ngân, em làm ơn hốt cái thằng này hắt ra khỏi trái đất cho anh! Để nó ở đây thì các công trình của bọn đầu to mắt cận chúng anh làm sao tiếp tục ngủ yên trong xó tủ được nữa… Điên quá… điên quá!
Cả ba người gào lên cười.
Tiếng cười tan ra trong nắng vàng quanh quán.
Cụ Gồi cúi xuống, giấu mặt dưới nếp khăn đen, chế thêm nước cho đầy ấm tích.
Tác giả: Kiều Bích Hậu – Người thực hiện: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *