Bài nổi bật

Phía Chiều Không Tắt Nắng – Vũ Lệ Ngân Hương

Nghe đọc truyện đêm khuya VOH – Nắng chiều đang hắt vàng đầy trên bậu cửa. Ngôi nhà hướng Tây đang hứng đầy nắng mùa đông làm cho ngôi nhà thêm ấm áp.
Chị Then đang xếp lại những chiếc áo, chiếc khăn cho vào tay nải. Đã được gia đình cậu chủ trang bị cho túi du lịch rất đẹp nhưng chị vẫn để dành. Vẫn đựng đồ vào chiếc tay nải màu trứng sáo quen thuộc từ lâu. Chiếc tay nải bằng vải dù thật bền.
Khi bé Hân nhìn thấy mẹ xếp quần áo vào tay nải thì đang vui vẻ chơi, mặt nó xịu xuống, vì biết mẹ lại sắp phải đi. Con bé ngoan ngoãn, trầm tư, ít hờn dỗi hơn những đứa trẻ khác. Có thể nó đã quen vắng mẹ hay nó hiểu dù có dỗi hờn thì sự thể cũng không thể khác đi. Con Vện nhỏ nhớ lâu thật.
Chị đi mấy tháng mà khi chị về chưa đến đầu ngõ nó đã vẫy đuôi mừng quýnh. Còn khi chị chuẩn bị đồ thì nó ra dụi dụi vào chân chị như thể biết chủ lại sắp đi xa. Bà ngoại mắt kèm nhèm vẫn đang ngồi bện chổi.
Những sợi rơm vàng óng, mềm mại đang quấn quýt bên nhau. Mùi rơm nếp thơm thơm làm chị Then thấy buồn quá đỗi… Không biết lần này đến nhà chủ mới tính khí thế nào. Dì Thảo đang thổn thức trong buồng.
Hôm nay dì ấy không ngồi thêu. Biết chị sắp đi, dì đã nấu cơm tươm tất chờ, nhưng khi thấy chị chuẩn bị tay nải thì dì không cầm được nước mắt. Thảo vừa ở bệnh viện về, sức khỏe đã dần ổn định hơn.
Phía Chiều Không Tắt Nắng – Vũ Lệ Ngân Hương
Cô nhìn theo chị mà nghẹn ngào nước mắt. Nếu không bị bệnh thì giờ Thảo đã là một cô giáo. Việc học còn dang dở thì cô mắc bệnh cứ đi viện suốt. Chị Then phải đi nuôi Thảo ròng rã mấy tháng liền. Nếu cô không bị bệnh lâu như vậy thì chị Then cũng đã là một cán bộ xã yên bề gia thất.
Những ngày phải rời xa con nhỏ, mẹ già để lên thành phố nuôi em, chị Then đã tìm được công việc ôsin bệnh viện. Và thế là nhà có tiền lo cho Thảo chữa bệnh, lại có tiền gửi về nuôi mẹ già. Bé Hân hờn dỗi:
– Sao mẹ cứ bỏ con đi mãi thế? Ở nhà, con với bà và dì Thảo nhớ mẹ lắm.
Nhìn con gái ánh mắt trong veo, hàng lông mày gọn ghẽ, chị Then lại nhớ đến lần tình cờ gặp người đàn ông tốt bụng ấy. Người ấy đã giúp chị chữa bệnh cho Thảo. Họ đã có bao dự định, vậy mà một tai nạn giao thông đã cướp mất anh.
Anh đã vội vã đi quá sớm để bé Hân chào đời mà không được thấy mặt cha. Con bé giống anh như đúc. Trước khi đến với anh, nhiều người bảo chị dại khờ sao không đi kiếm chỗ đàng hoàng, kinh tế khá để người ta còn chu cấp cho, mặn mòi đằm thắm như chị thiếu gì người mê mệt.
Nhưng vì còn vất vả lo cho em ăn học để đỡ đần mẹ già nên chị chưa tính chuyện gia đình. Khi chị tìm được bến đỗ thì Thảo đổ bệnh, rồi anh lại đột ngột ra đi. Tai họa dồn đến làm xáo trộn những yên bình trong ngôi nhà nhỏ.
Bao dự định đành gác lại, chị Then đi làm ôsin. Nhưng công việc cũng không mấy suôn sẻ. Vì cái sự đảm đang, mặn mòi của chị cũng gây không ít phiền toái, rắc rối. Mấy lần trước đi ôsin chị cũng khó xin việc.
Người nào cũng cảnh giác cao vì sợ ông chồng mình quên đi trách nhiệm khi có cô ôsin tên Then trong nhà. May mà chị đã kiếm được nghề ôsin bệnh viện. Được cái chăm sóc bà cụ này cũng dễ chịu hơn, bị tai biến nhưng bà cụ ăn ngủ đúng giờ, chỉ không đi lại được, con cái cũng tốt bụng quan tâm.
Hai người con cuối tuần vào thăm mẹ, họ cũng quan tâm chứ không hay hạch sách như nhiều nhà khác. Thế rồi bỗng dưng bà cụ bị tai biến tái phát. Cụ mất đồng nghĩa với việc chị Then không còn việc ở gia đình đó nữa.
Cả nhà đi làm rồi còn trông ai bây giờ. Dù rất quý mến chị Then nhưng chị đành ngậm ngùi chia ly. Cô Vân, chú Tân vẫn ghi địa chỉ của chị, nói ít nữa cần nhất định lại tìm đến chị. Chị Then lại đến một nơi ở mới, làm việc cho nhà chủ mới rất bận rộn.
Vì gia đình kinh doanh, chị phải nấu nướng cho đại gia đình và kiêm việc trông thêm em bé 2 tuổi. Công việc bận rộn, chủ nhà lại quá khó tính, chê chị đủ đường rồi tìm cách đuổi khéo chị đi.
Cũng may chị Then lại gặp được gia đình cậu chủ Tôm, cả nhà đều nhân hậu, tốt bụng, không phân biệt chủ với người làm. Cuộc sống có sự tôn trọng lẫn nhau nên chị Then cũng cảm thấy thoải mái và có phần yên tâm với công việc của mình.
Những lúc gia đình có việc gấp, vợ chồng chú Hiếu, cô Mai đều thu xếp, bố trí cho chị về quê thu xếp ổn thỏa rồi lại tiếp tục. Cuộc sống những tưởng cứ trôi đi suôn sẻ như vậy và chị Then cũng thấy cuộc sống đỡ bi quan.
Sức khỏe dì Thảo cũng dần ổn định hơn, bé Hân lớn hơn một chút, cũng biết giúp bà, giúp dì việc nhà. Ngồi nghĩ mà chị ứa nước mắt vì nhớ con, thương em, thương mẹ. Bé Hân bé bỏng, ngoan ngoãn đáng yêu là thế đã phải xa mẹ mấy năm.
Hơn một tuổi, nó vẫn hàng ngày quen ấp mặt vào bầu sữa mẹ vậy mà lúc ngực còn căng tức sữa chị đã phải rời con bé lên thành phố xa lạ nuôi em nằm viện, rồi chị phải làm đủ công việc để kiếm tiền lo cho mấy bà cháu nhưng cũng không đủ, vì số tiền mổ cho dì Thảo phải vay hoàn toàn, lại còn tiền thuốc thang.
Thế rồi chị gắn bó với nghề ôsin nên ở nhà cũng ổn định hơn. Hy sinh thân mình chị chả tiếc, chỉ thấy nhớ thương con. Nhớ đôi môi mọng đỏ còn đang ngậm bầu sữa mẹ nóng hôi hổi mà chị không nỡ dứt nó ra. Nhưng chị không thể không đi.
Nhớ những ngón tay mũm mĩm của nó vẫn mân mê ngực áo chị, nhớ những sợi tóc tơ khi chị cọ vào mặt nó.
Đôi mắt trong veo cứ nhìn chị không hiểu tại sao. Lúc ấy nó mới bắt đầu tập đi, được mấy bước ngồi phịch xuống, thế mà như cảm nhận được điều gì nó luống cuống bò vội theo chị như thể chị sẽ xa nó lâu lắm. Vậy mà chị xa nó lâu thật. Chị thèm cái mùi thơm từ hơi thở mùi sữa của nó, muốn được ấp con vào lòng mà hít hà, âu yếm.
Thấm thoắt, con bé đã 6 tuổi. Tủi thân, có lần về ra trường mầm non đón con. Cô giáo gọi Hân ra mẹ đón về. Con bé ngơ ngác ra ngoài hiên rồi lặng lẽ đi vào. Lần ấy chị đi lâu không về, con bé đã không nhận ra chị. Không hiểu tại sao lần này, chị lại mất việc.
Khác những lần trước, người không đồng ý cho chị ở lại chính là cậu chủ mà chị hết mực yêu quý như con mình. Chiều nay chị về. Chị ôm bé Hân thật lâu như để bù lại những tháng ngày xa cách. Nó vui mừng lắm vì nghĩ chị sẽ về hẳn với nó. Nhìn ba bà cháu mà chị Then ứa nước mắt.
Trời mùa đông không có nắng, mưa rét u ám phủ kín lối về. Những hạt mưa mùa đông đang bay, cây cối khô cằn, những hạt mưa phủ đều trên mái ngói bám đầy rêu ngả màu nâu thẫm, ở giữa những khe nhỏ mưa đọng lại lâu lâu lại nhỏ thành giọt rơi xuống bậc hè như những giọt nước mắt của người già, chậm chạp, khó khăn.
Những bông cúc mùa thu còn sót lại, khô cằn vẫn vàng thắm. Mùi thơm thoang thoảng. Mẹ bỏm bẻm nhai trầu hỏi:
– Thế công việc con Then thế nào? Độ này kém việc hay sao mà về? Nếu khổ quá thì hết nợ rồi về với mẹ. Không phải lo, tao biết mẹ con xa nhau lâu, con Hân nhớ mẹ, nhưng ở nhà có bà có dì rồi, nó không thiếu tình thương.
Mày lại bị người ta coi thường hả, khổ thân con tôi. Đáng lẽ phận mày không khổ. Chỉ vì lo cho mẹ, lo cho em. Mày đi tao cũng lo đủ đường. Đời bao nhiêu cạm bẫy. Nghe đài ở nhà tao biết hết. Thành phố giờ phức tạp lắm.
Dì Thảo đã nấu cơm xong. Cả nhà cùng ngồi ăn cơm. Chị nhân hậu quá, chị mặn mà quá, chị đảm đang đáng mến quá nên không hợp với cái nghề ôsin thì phải. Ông chủ quý mến quan tâm đến chị quá chị cũng bị ghen tuông mất việc.
Phía Chiều Không Tắt Nắng – Vũ Lệ Ngân Hương
Chị chu đáo quá yêu thương bọn trẻ như yêu con mình. Thế rồi mẹ chúng lo bị mất vị trí độc tôn số một. Thế là chị lại được đưa khéo về quê. Vì cậu dù mới 6 tuổi đã được chị truyền tình yêu thương và sự đồng cảm.
Cậu thương chị mà thành ra không thương chị, làm chị mất việc một lần nữa. Cậu chủ 6 tuổi không nhận chị nữa vì một lần đi chơi về cùng ba mẹ thăm gia đình chị, cậu chủ rất thân con bé Hân, hai đứa quấn quýt chơi với nhau cứ ríu rít không muốn rời.
Chả biết chúng nó nói với nhau những gì. Lúc lên xe, cậu chủ nhất định không chịu về. Thế rồi cậu một mực không cho chị ở lại nữa. Hỏi gì cậu cũng không nói.
***
Sáng nay trên đường tới trường, ghé vào quán phở nóng hổi trên đường, hai mẹ con tôi cùng ăn và trò chuyện. Người ra vào đông đúc, tấp nập.
Những bát phở nóng hổi nghi ngút khói thơm, sợi bánh phở trắng ngần gợi nhớ sự ấm áp làng quê. Tôi dường như tạm quên đi cái giá lạnh mùa đông. Cu Tôm bảo mẹ, mẹ ơi con nhớ bác Then lắm, con lại muốn về quê bác Then chơi nữa cơ.
– Thế sao con lại không đồng ý cho bác ở lại, con lại nhất định không đồng ý cho bác ở nhà mình. Bố mẹ đã tìm người mới rồi. Giờ con đổi ý à?
Tôi không hiểu tại sao con mình lại có thái độ như vậy. Thằng bé vốn rất quý mến bác Then, bác chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ của thằng bé.
Bác lại rất hiểu tâm lý trẻ con. Mấy hôm nay, bé Tôm ở nhà buồn ra mặt, ngủ không ngon vì bác ôsin của gia đình nghỉ việc, về quê. Chính cậu cứ nằng nặc đòi đuổi bác. Vợ chồng tôi gặng hỏi thế nào cháu cũng không nói.
Chúng tôi bàn nhau định hỏi cho ra nhẽ nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy cũng không thể hỏi trực tiếp chị Then. Từ khi về ở với gia đình tôi, bác không khi nào để chúng tôi phải phàn nàn về điều gì. Bác rất chu đáo, tận tình làm vợ chồng tôi rất yên tâm.
Vậy có chuyện gì uẩn khúc đây. Hỏi bác thì không tiện, vì tôi biết bác dễ xúc động, hỏi điều gì không phải lại làm tổn thương bác. Bác Then bằng tuổi chị tôi. Vợ chồng tôi vẫn quen gọi chị là bác thay con. Nhiều lúc nhìn bác, tôi thấy thương vô cùng, biết hoàn cảnh bác ở quê rất khó khăn.
Dù vậy bác luôn lo công việc chu đáo. Tôi cũng tiếc rằng chưa có nhiều thời gian tâm sự cùng bác. Trong cảm nhận của tôi giao bé Tôm cho bác tôi luôn cảm thấy yên tâm. Vợ chồng tôi phải lo việc công ty, đi công tác suốt, thằng bé bám bác giúp việc lắm.
Mấy hôm nay, vợ chồng phải gác bớt công việc, thay nhau đưa con đi chơi, dỗ dành mãi mà nó vẫn khóc lóc. Vậy mà hỏi mãi thằng bé không nói, vợ chồng tôi đành ngậm ngùi nói khéo cho bác Then về quê.
Ở cùng bé Tôm, bác Then luôn yêu thương chăm sóc nhưng cũng không quên dành thời gian nhắc nhở vợ chồng tôi thể hiện tình yêu thương với con và duy trì sợi dây gắn bó trong gia đình. Và tôi hiểu được rằng người phụ nữ nông thôn ấy thực sự là một người mẹ tuyệt vời.
Vì vậy, dù có bận rộn tôi vẫn cố dành thời gian cho con, nói yêu con, hỏi về một ngày của con, xem con có gì vui buồn để bé cảm nhận được tình yêu, sự quan tâm của mình. Và thằng bé là một đứa trẻ rất tình cảm.
Tôi cứ băn khoăn không hiểu được, không lý giải được. Sau lần vợ chồng tôi đưa bé Tôm về quê thăm gia đình bác, những tưởng tình thân sẽ thêm gắn kết, ai ngờ sự thể lại đến nông nỗi này. Tôi cũng buồn thẫn thờ chứ nói gì thằng bé.
Bác Then đi, tôi cứ chòng chành như phải rời xa một người thân yêu, một thành viên thực sự của gia đình. Tôi băn khoăn mãi rồi cũng quyết định hỏi bác lý do tại sao. Và chính bác cũng không biết vì sao cậu chủ lại có thái độ như vậy.
Tôi đã bảo bác đừng gọi bé Tôm là cậu chủ nữa, nó dễ sinh thói kiêu căng, tự phụ. Nhưng bác Then không chịu, bác bảo gọi như vậy quen rồi, chứ cậu chủ rất ngoan và đáng yêu.
***
Trời chiều, những cơn gió mùa đông lạnh buốt. Chị Then xách làn đi chợ. Vẫn công việc cũ nhưng đến gia đình mới làm việc, chị vẫn chưa thấy quen.
Qua trường mầm non, chị lại thẫn thờ nhớ con. Rảo bước qua những hàng quán ven đường có mùi khói xen lẫn mùi ngô nếp nướng thơm ngậy làm chị mường tượng khung cảnh làng quê khi xưa.
Khi còn nhỏ, mùa đông này chị cùng lũ bạn vẫn chơi trốn tìm trong những luống ngô cao ngập đầu người. Mùi hương ruộng đồng cây cỏ bao bọc lũ trẻ. Hoa ngô xơ xác xào xạc theo gió đồng.
Những ruộng đất mấp mô luống cày thẳng tắp khô trắng mùa đông đang phơi ải. Cánh đồng mùa đông trầm ngâm, u sầu để đón chờ một mùa vụ mới. Khói chiều trên bếp bay lên trong buổi chiều nhạt nắng.
Chị nhớ những sợi khói chiều mùa đông hôm về quê. Hình ảnh hiếm hoi mà chị không tìm thấy nơi thị thành. Cái nét buồn buồn trong mắt Then, cử chỉ thân thương khi bé Tôm vẫn ôm chị, sà vào lòng chị cảm thấy ấm áp vô cùng.
Chị nhớ những người thân yêu, nhớ ruộng vườn, bậc thềm, bờ cỏ, nhớ cái nắm tay ấm áp của thời thiếu nữ trong nắng chiều đông. Không gian phố phường đông đúc mà chật hẹp, chị miên man quên cả lối rẽ về ngôi nhà, nơi làm việc mới.
Về phần bé Tôm, đã có người giúp việc mới nhưng dường như cả nhà không ai quên được bác Then. Cu Tôm buồn, thẫn thờ. Tôi thương con mà không biết làm thế nào. Khi mẹ con đang ăn tối, bỗng cu Tôm bảo tôi:
– Mẹ ơi, con nhớ bác Then lắm.
– Sao mẹ không cho bác Then đem bạn Hân lên chơi với con? Con bảo rồi mà bác Then không chịu cho bạn ấy lên. Hôm về quê, bạn Hân bảo nhớ bác Then lắm, bạn không muốn cho bác đi nữa. Con đã hứa với bạn ấy rồi.
– Tại sao con lại làm như vậy?
– Vì con thương bạn Hân. Bác Then hư, không ở nhà với bạn Hân, bỏ bạn ấy ở nhà buồn. Bạn Hân nhớ mẹ nên hay khóc lắm. Đêm nào bạn ấy cũng mơ thấy mẹ. Con không muốn bạn Hân khóc nên không cho bác Then ở nhà mình nữa. Nhưng giờ con lại nhớ bác Then.
Tôi ngỡ ngàng không biết làm thế nào bây giờ?
***
Chiều nay, trên đường đi làm về, tôi gặp lại chị. Tôi vội vàng đuổi theo mà không kịp. Chị khuất vào dòng người. Vậy là chị vẫn trong thành phố này.
Ánh nắng lấp lánh buổi chiều mùa đông đang hắt lên ấm áp. Tôi đã không nghĩ đứa trẻ 6 tuổi, không nghĩ con trai mình lại biết quan tâm đến người khác như vậy. Đức tính ấy có lẽ cũng ảnh hưởng một phần từ cách chăm lo của chị đối với thằng bé.
Vợ chồng tôi cũng đã quan tâm đến gia đình, hoàn cảnh chị Then nhưng tôi đã không nghĩ đến chuyện những đứa trẻ phải xa mẹ sẽ buồn như thế nào? Tất cả tình thương yêu con chị đã dành cả cho bé Tôm nhà tôi.
Tôi cứ trôi theo dòng người, theo cái dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn ấy mong tìm thấy chị. Chắc chị đã rẽ vào ngõ nào đó trong thành phố này rồi. Tôi vẫn thấy những tia sáng mùa đông hắt lên những ngôi nhà cao tầng, nơi phía chiều không tắt nắng!
Tác giả: Vũ Lệ Ngân Hương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *