Bài nổi bật

Nước Mắt Muối – Nguyễn Thị Kim Thoa

RadioVn.Com – Mấy miếng cá kho chị vừa gắp bỏ vào chén làm đứa con gái bụm miệng chạy thẳng vào nhà vệ sinh. Đứng nhìn con bé cắm đầu nôn thốc nôn tháo, bất giác một nỗi sợ hãi trào lên thắt nghẹt tim chị.
Nỗi sợ dâng lên đầy ứ rồi bục ra, vỡ thành cảm giác giận dữ đến điên người. Thứ linh cảm đáng sợ này, chị nhất định phải kiểm chứng xem liệu nó có phải là sự thật.
Gần như lôi con bé xềnh xệch trên đường, chị hất cánh tay cố bấu lấy mẹ của con bé, xô nó về phía cô bạn gái đứng sau quầy cái tiệm thuốc tây xập xệ:
– Mày lấy cái que thử bày nó kiểm tra giùm tao. Con trời thần này chắc có thai rồi mày ạ! – Càng về cuối câu nói giọng chị càng run lên một cách đáng sợ.
Nước Mắt Muối – Nguyễn Thị Kim Thoa
Bạn thân thở dài đưa ra cái que nổi hai vạch ngang đỏ thẫm.
– Của nợ! – Chị nghe tiếng răng mình nghiến chặt vào nhau, nghe những mạch máu căng phồng lụp bụp vỡ dưới da.
– Đồ hư thân mất nết! – Bàn tay chị xáng lên, in dấu năm vệt đỏ lằn trên cái má bầu bầu trắng trẻo làn da con gái. Con bé rúm ró như chui tọt cả người vào cái hốc kẹt góc nhà, nhìn mẹ bằng đôi mắt sợ hãi mờ nước.
Giá mà chị có thể bóp chết nó, giá mà chị có thể đào lỗ chôn sống nó, hay hóa nó teo nhỏ lại mà nhét vào bụng. Giá chị không sinh ra nó, không banh da xẻ thịt trong đêm mưa gió đó để nó ra đời.
Nó ra đời làm gì, nó sống làm gì để chỉ toàn làm khổ chị.
Còn ẵm ngửa trên tay, nó không thương mẹ ốm yếu cạn sữa, cắn đầu vú chị đến bật máu. Lớn thêm một chút nữa thì tiêu chảy, phát ban, cảm sốt. Không giấc ngủ nào nó không để mẹ giật thót vì một tiếng nó trở mình hay một tiếng khóc ư ử trong mơ. Đến cả lúc mọc cái răng sữa đầu tiên, nó cũng bắt mẹ ngồi ôm mà hát ru hết mấy đêm ròng. Đầu nó nặng trịch làm tay mẹ, vai mẹ tê cứng ngắc, sáng mai ra đồng muối không cất nổi lên đôi gánh quen thuộc thường ngày.
Bà nội nói trẻ con chậm mọc răng thời dại dột ngu khờ. Hai tuổi, nó mọc cái răng đầu tiên, mẹ bên nó kệ nội nói ra nói vào, vẫn tin nó sau này giỏi dắn khôn lanh. Đêm vuốt đôi má phúng phính tròn đầy của nó, vuốt cái trán cao lơ thơ mấy món tóc đen mềm của nó, chị nghĩ đến một ngày nó mặc áo dài cô giáo hay áo trắng bác sĩ bước vô nhà, đứng trước mặt nội mà nói rằng:
– Nội thấy chưa, con gái của mẹ con nào có thua kém gì người!
Vậy đấy. Chỉ vậy thôi, mà đến cả nó cũng không để một mơ ước nào của chị được vẹn toàn.
Hết cấp một, rồi cấp hai, chị không nhớ đã giấu phiếu liên lạc của nó đến bao nhiêu lần. Mua dăm ba cuốn tập gói ghém sơ sài, chị nhét vào tay nó dắt đến bên giường bệnh mẹ chồng.
– Má coi cháu nội má kì này lại được lãnh thưởng. Giỏi ghê chưa? – Lời nói dối tưởng trơn nhẫy chui ra mà chát lè nơi cửa miệng.
Chị có muốn chăng, muốn như thế chăng? Làm lụng, báo hiếu, nuôi con. Những nỗ lực cuối cùng để chứng tỏ với bà mẹ chồng gần đất xa trời rằng mình không vô dụng, không sơ sẩy việc nào. Không phải đứa con dâu mẹ coi thường vì mấy ngày đầu không nấu nổi một bữa cơm, mẹ nhiếc móc chỉ vì một bàn tay mềm mại phồng rộp bỏng rát mà vẫn cuốc không xong được một góc vườn.
Trăm ngàn cái khổ, ấy vậy mà không cái khổ nào đánh quỵ chị bằng ánh mắt vằn lên ngang ngạnh thách thức của đứa con gái mười bốn tuổi:
– Chớ mẹ gạt nội thì sao, giờ tui xạo mẹ nghỉ học đi chơi điện tử có một bữa, mẹ làm gì chửi tui dữ vậy?
– Mất dạy! – Cái nắp xoong gang chị ném về phía con xẻ trên vầng trán cao chị từng vuốt ve, từng đặt lên đó những nụ hôn ấm áp tự hào một đường dài phụt máu.
Đi ngang qua buồng mẹ chồng, nghe con gái khóc thút thít với cái thân người bất động nhăn nheo một lớp da bọc xương: “Mẹ gì mà ác như dì ghẻ, con mà không thương nội, con bỏ nhà đi quách!”, ra ngồi ngó mấy cây chuối trổ quầy sau nhà, tự nhiên chị bật cười. Tiếng cười dài trong đêm cưa cứa lòng hơn tiếng khóc.
*
– Rồi giờ anh nói coi anh định làm sao? – Chị gằn giọng với thằng nhỏ mặt xanh lét ngồi nem nép một bên ghế. Cái mặt non choẹt lấm tấm mấy đám mụn đỏ ửng len lén ngó về phía bộ ván có đứa con gái đang nằm trùm mền i ỉ khóc. Chị thấy đôi tay nó xoắn vào nhau, vặn vẹo, bứt rứt. Mãi mới nghe nó tuồn ra được một câu lắp ba lắp bắp:
– Bác… bác… ch… cho con xin cưới em Nhi.
– Cậu đảm bảo thương nó, lo cho nó được hạnh phúc? – Chị hỏi thằng con trai trước mặt đúng cái câu mẹ chị nghiêm giọng hỏi anh mười tám năm về trước. Nhưng lúc đó không như thế này. Cô dâu tương lai không nằm ôm bụng khóc trong mền như con gái chị thế này. Chàng rể cũng không xanh xám mặt mũi, xoắn xít tay chân sợ sệt trước mẹ vợ thế này. Lúc đó anh ngồi bên chị, đối diện mẹ, đĩnh đạc và nghiêm chỉnh. Tay anh còn nắm chặt tay chị. “Tụi con thương nhau. Con sẽ dành hết cuộc đời để yêu thương, chăm sóc cô ấy. Con hứa với bác!”. Lời anh nói làm giãn trên gương mặt khắc khổ của mẹ chị một nụ cười nhẹ nhõm. Mẹ cười vì con gái không chọn lầm người, vì con rể tương lai hiền lành chân chất mà khi cần cũng quyết liệt đấu tranh để giành lấy tình yêu. Mẹ cười, dù ngày đưa dâu tiễn con ra đến ngõ, mẹ ôm chị khóc òa: “Dâu làng muối khổ cả đời con mẹ quá, con ơi!”.
Lời mẹ nói lúc đưa dâu ấy ai mà ngờ lại vận vào chị mãi cho đến tận bây giờ.
Lắm lúc một mình trao tráo mắt giữa khuya vì những kẽ nứt dưới gót chân, bàn chân rát rạt, vì tấm lưng, đôi vai ê ẩm nhức nhối, chị thấy mình đang trách mẹ. Phải chi ngày đó đưa dâu mẹ chúc chị một câu tốt lành, may mắn. Phải chi hồi đó mẹ cứ ngăn cứ cấm đến cùng chuyện anh chị đến bên nhau. Nghĩ rồi chợt giật mình, lò mò dậy châm đèn dầu đốt một nén nhang. Trên bàn thờ, ánh mắt người chồng trẻ nhìn chị như trách móc.
Bao năm rồi, tóc chị đen rồi lơ thơ điểm bạc, khóe mắt làn da chị khằn vết nhăn, mà anh vẫn thế. Vẫn trẻ trung, vẫn miệng mim mím nụ cười như những buổi chiều xịch xe về thấy chị lơ ngơ đầu cửa ngõ. “Sao? Vợ nhớ chồng ra đứng đón tận đây sao?”. Chị cười hiền đón bịch muối trên tay anh, gạt bỏ hết những lời cay nghiệt mẹ chồng vừa gieo vào đầu óc.
– Em coi. Ruộng muối nhà mình lần này kết hạt đẹp quá chừng. Nắng thêm mấy ngày nữa là có tiền mua cho mẹ dàn máy hát ka-ra-ô-kê rồi, hả con? –  Áp tai vào cái bụng chị nây nẩy tròn lên dưới lần áo, anh nựng nịu cười đùa.
Ông trời đáng lẽ ra phải cho mọi thứ dừng lại ở giây phút ấy. Một hạnh phúc đơn sơ, một mái nhà với người đàn ông chị yêu thương. Lẽ nào có như vậy thôi mà chị đã đòi hỏi quá nhiều. Như vậy thôi mà ông trời ghen ghét đổ mưa dầm dề biến cả ruộng muối trắng tinh trở thành nước, để mồ hôi người mồ hôi muối trộn vào nhau thành dòng mặn chát trở về biển lớn. Chồng xấc bấc xang bang chạy muối dưới mưa ròng. Đường ruộng be bét sình bùn, đường tráng nhựa về kho làng trắng xóa nước trơn nhầy. Mà mấy xe tải con từ xí nghiệp muối kề bên cũng ầm ầm cơn chạy muối.
Một chiếc lật bánh đổ nhào ở một khúc quanh, dưới gầm xe là cái xe máy bể tan nát, là muối rải trắng một khoảng đường ướt nhèm nước mưa. Nổi rõ lên trên cái màu trắng ấy là những vệt, những vũng đổ đọng, rồi loang ra rất nhanh một thứ màu đỏ loét. Màu của máu.
Mẹ chồng đã nói gì với chị sau đám tang nhỉ? Phải rồi, bà nói: “Đồ bất nhân. Tôi đã không cho nó rước cô về nhà mà nó đâu có nghe. Thứ đàn bà có nốt ruồi ngay đuôi mắt không phải quân lẳng lơ trắc nết thì cũng loại sát chồng. Trời ơi là trời. Mẹ con tôi nào có tội nợ gì cho cam!”.
Rồi bà còn nói gì lúc chị chấp nhận vào làm công nhân xí nghiệp muối?
“Con mẹ mày nó đi đêm với lũ giết cha mày, phá ruộng muối nhà mày. Quân ngũ chúng nó, con ác nhơn thông đồng với lũ ác nhơn!”. Duy chỉ có một lần đó, lần duy nhất chị đứng thẳng trước bà, bế thốc đứa con đang nằm lắc lư trong cái võng đối diện bà, bặm môi ngăn nước mắt chực trào:
– Mẹ làm tình, làm tội, nói con sao cũng được. Xin mẹ đừng dùng những lời như vậy trước con con. Trẻ con nó có tội tình gì….
Ôm con bé giật mình sợ hãi khóc trong tiếng mẹ chồng chửi rủa ồn ào, chị chạy thẳng ra ruộng muối. Vấp rồi gượng lại, gượng lại rồi vấp không biết bao nhiêu lần. Chợt muốn hét lên, muốn gào lên với ráng chiều đỏ quạch, với những bóng cây vẽ lên trời đám hình thù khô đét tong teo, với cả mặt ruộng đất đóng vẩy, nứt nẻ nhớ màu muối trắng. Từ ngày xí nghiệp muối cho chặn những con lạch nhỏ ăn nhờ nước biển hiếm hoi, đã ít dần những cánh đồng muối sống sót trong làng.
Là chị muốn bỏ cái nơi chồng chị sống chết vì nó hay sao? Là chị muốn còng lưng gánh muối lên đoàn xe mà một trong số chúng đã từng cán chết chồng chị hay sao?.
Chị còn chọn lựa nào khác. Ruộng muối chết. Những lá đơn trôi vào im lặng. Đất lại cất tiếng tiếc thương bằng việc quyết tâm ngậm mặn để không trồng tỉa được trên nó một loại cây.
Còn lựa chọn nào khác sao. Khi mẹ chồng không vác nổi một bó củi lỏng chỏng, con bé con đau bệnh liên miên, ba miệng ăn đổ riệt xuống đôi vai chị chưa một lần gánh nặng.
Và có chọn lựa nào khác nữa. Khi lão chủ quán cơm mà mẹ chồng bảo là chỗ quen biết bà con đút bàn tay nhẫy mỡ vào cổ áo chị một trưa đứng gió.
Đôi tay chồng nâng niu âu yếm khen mềm mại dịu dàng, đôi tay quen tạo những dòng chữ hiền hòa nghiêng nghiêng trên giấy, buổi trưa ấy vì lão trở thành đôi tay cầm dao dọa giết người.
Lão chủ tái mặt lập cập quỳ lạy chị như tế sống. Nghĩ càng buồn cười, chị đâu dọa giết ai, chị định giết chính mình kia mà. Giờ phút ấy không hiểu sao chị lại trở nên như thế, chỉ nhớ đến anh, nhớ đến hôm thất thần ngồi gom cho hết mớ lầy nhầy vung vãi ra từ cái đầu nứt toác của chồng, nhớ cả chén cơm mẹ chồng ném thẳng vào mặt: “Đồ lòng gan dạ sắt. Cô ngồi lượm óc cho chồng mà không một giọt nước mắt được sao?”.
Chân thấp chân cao về, nghe vẳng tiếng con khát sữa khóc ỉ ôi, áp chặt con vào ngực chị nghe lanh lảnh trong đầu tiếng gào thét chói tai: “Mày không được chết. Không được phép chết. Còn con mày đó, ai cho mày chết”.
 
*
Thằng con trai vẫn tiếp tục xoắn xít bàn tay trên vạt áo, mắt nhìn mấy ngón chân đang di di khổ sở dưới sàn nhà. Thỉnh thoảng, nó ngước lên rất nhanh, nơm nớp nhìn chị rồi lại cúi gằm xuống. Nồng nặc tỏa ra từ nó, thứ mùi đã bám riết đeo đẳng cả một thời thanh xuân của chị. Thứ mùi mà dù có tắm đến trăm nghìn thùng nước, kì cọ đến bong da rát thịt thì nó vẫn còn. Như ám, như hòa trộn vào trong máu chị: Mùi của muối.
Mùi ngập ngụa hết một ngày của chị. Lởn vởn trong mọi ngóc ngách căn nhà chị. Đặc quánh trong bộ quần áo xanh, đôi giày ống, đôi găng tay cao su thô kệch, cả cái nón lá vành lỗ chỗ tả tơi mỗi sáng theo chị ra khỏi nhà.
Thứ mùi chui rúc vào lớp gòn êm ái trong cái gối chị nằm. Lẩn khuất giữa đám mùng màn, mền chiếu, mỗi đêm bao bọc chị trong những giấc mơ lạnh lẽo khô khốc mà chát mặn, chát lè.
Nhiều lúc giữa đêm chợt dậy, chị thấy trong tấm gương ngang tủ áo một người xa lạ. Người đàn bà có đầu tóc xác xơ, da mặt nám đen khô khốc, đang giương đôi mắt mệt mỏi lom lom nhìn chị. Một đường trắng chạch đóng vệt dài từ dưới khóe mắt đến ngang cánh mũi. Chị đưa tay khư khư nó khỏi da thịt, một mảng nhỏ rơi xuống môi, liếm đầu lưỡi nghe mặn chát.
“Đến khóc còn ra muối kia đấy, mình à!”. Lấy xuống khung ảnh thờ, chị ngồi vừa nói chuyện với người trong ảnh vừa miết khăn lau mặt kính. Lau đến tận lúc lác đác vẳng tiếng gà báo hiệu tàn đêm.
 
*
 
– Thưa bác… – Thằng con trai chợt ngập ngừng lên tiếng, lôi chị ra khỏi mơ hồ lãng đãng một tiếng gà – Bác cho con về hỏi mẹ con…
– Hỏi hỏi cái gì! Về kêu mẹ cậu qua đây! – Đánh sầm tay xuống bàn, chị đứng dậy đi thẳng vào buồng, mặc kệ thằng nhỏ vừa giật thót mình ngồi ngây đơ ngờ nghệch ngó theo. Tiếng khóc i ỉ của đứa con gái vẫn ong óc dội giữa căn nhà trống hoắc.
– Chị lấy ít tiền mà lo cho em nó. Chị em cũng không có nhiều… – Tổ trưởng mắt một mí dúi vào tay chị cái phong bì cong veo. Nụ cười sau lớp khẩu trang dày cộp dồn hết lên đôi mắt long lanh dưới vành nón lá nghiêng nghiêng. Ai cũng nói hiếm đôi mắt một mí nào lại to lại đẹp như mắt tổ trưởng.
“Nhưng đàn ông có thằng nào thương mình mà chỉ nhìn có đôi mắt đâu mấy chị!”. Tổ trưởng nhẹ nụ cười, tay quạt lia quạt lịa nón lá dưới mái tôn hàng hiên kho muối một ngày chát nắng. Anh chàng lái xe ra vô nhà tổ trưởng lâu lắc đâu đó sáu bảy năm rốt cuộc cũng xin được về tổng công ty trên thành phố. Nghe đâu còn sắp cưới cháu gái một trưởng phòng. Cái nón lá trên tay tổ trưởng bữa đó ào ạt quạt mồ hôi, quạt bay quạt biến luôn cả nỗi buồn.
Ngày tổ trưởng gần sinh, bụng thè lè còn vác ra ngồi hốt muối. Chị em người nọ người kia rầy: “Không thương mày thì cũng thương con!”. Tổ trưởng cười tỉnh queo: “Con của thứ đồ bạc bẽo thương làm chi cho mệt”. Vậy mà giờ nắng chớm đứng bóng đã nhấp nhổm lén xoa xoa bầu ngực căng sữa: “Mấy chị làm tiếp giùm em. Chạy về cho thằng nhóc bú chút. Sáng giờ chắc đói lắm rồi. Tội nghiệp”. Ngó cái dáng tổ trưởng tất tả bỏ quang gánh, băng băng trên những đồng muối chứa chan nắng, có người đưa tay tém mớ tóc khô queo lên vành tai bết bát mồ hôi, đôi mắt kéo vệt chân chim nứt nẻ cho một nụ cười:
– Thấy nó mà phát ham. Phải chi cũng có ông nào bạc bạc với mình…
Bâng quơ đôi chút đó, rồi thôi. Rồi những tấm lưng lại oằn xuống để những đôi quang gánh đầy vun muối thẳng lên. Những long lanh trong đôi mắt thu lại nhường chỗ cho nắng, cho những con đường ruộng cỏ ngậm đầy muối, cho những trập trùng trắng xóa chạy vào trong những ánh nhìn.
Đồi muối xung quanh chị bao lần vun lên. Thanh xuân của những người đàn bà xung quanh chị bao lần vơi bớt. Cả chị cả họ đều không nhớ nữa. Chỉ biết đôi lúc chạm phải mặt nhau. Một gương mặt trần, không che đậy khẩu trang, nón lá. Một gương mặt hằn những dấu vết của thời gian. Chợt ngỡ ngàng, rồi thẫn thờ về lặng trước gương. Nhận ra thanh xuân mình dần chỉ là những đường nét mờ nhạt xa xôi.
Tổ trưởng ôm con đả đớt:
– Mai mốt cu Tí lớn lên làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ với mấy dì nghen. Mẹ với mấy dì gánh muối riết lưng ai cũng muốn gãy làm đôi rồi.
Chị rướn giọng để tiếng nói vẳng đến tận buồng trong:
– Ừa. Đẻ con trai dì còn có hy vọng được nhờ. Chứ thứ con gái khôn nhà dại chợ có đẻ nó ra cũng chỉ biết làm khổ mẹ mà thôi!
– Thôi chị… Lỡ vậy rồi. Cắn đắng nữa chi cháu nó tủi thân. – Tổ trưởng bấm cánh tay chị, nhẹ nhàng.
Bật ra một tiếng ho khan, chị vẫn nghe cảm giác tưng tức nghèn nghẹn trong lồng ngực. Cơn khó chịu này mấy ngày rồi sao mà không trôi đi cho. Cứ lắm lúc làm mắt chị cay xè, miệng chị chỉ muốn bật ra lời đay nghiến, chát cay.
Mai con bé về nhà bên kia rồi.
Nhà bên đó chị biết. Làng biển đó chị biết. Cũng những người đàn bà để xuân sắc mình rơi trên những ruộng muối, những tấm lưới cá và những buổi chiều hóng mắt đợi chờ về phía biển. Cũng những người đàn ông hòa trong nước biển mồ hôi và có khi cả máu của mình. Cũng những đứa trẻ đen nhẻm bụng ỏng eo lê la hết bãi đá này sang hốc đá nọ tìm gỡ những con sò. Cuộc sống đó đâu phải là cuộc sống chị muốn cho con gái chị, báu vật suốt một đời của chị.
Tâm trạng ngày xưa lúc mẹ để chị lấy chồng liệu có phải cũng ngột ngạt bức bối trong ngổn ngang âu lo như thế này chăng. Trách chi tiễn chị ra đầu ngõ bà lại khóc. Để nước mắt chảy vào đời chị, vào tuổi già bà luênh loang mãi không thôi.
 
*
Gà eo óc gáy tiếng một đầu làng. Con gái không biết nghĩ gì tốc mùng ngồi đờ đẫn miết trên giường. Rồi dè dặt, ngập ngừng nó lần sang giường mẹ, thẹn thò đưa cánh tay tròn lẳn vòng ngang bụng chị. “Mẹ nằm yên cho con ôm mẹ một lần”. Nước mắt bỗng đâu tứa ra đầm đìa trên khuôn mặt, không buồn quệt, chị cúi cái mặt tèm lem nước xuống tóc con. Mười tám năm rồi. Mùi phấn rơm, mùi những sợi tóc tơ mềm dịu thơm mùi sữa sao cứ phảng phất đâu đây. Từ màu tóc hung hung loe hoe vài sợi chị nuôi đến tóc bum bê tròn ủm kẹp được trên mái một cái nơ. Từ tóc ngắn buộc thun cháy vàng khè chị gỡ chải biết bao lần đến mái tóc dài đen mướt thiếu nữ. Sao lần nào áp mặt lên tóc con chị cũng nghe mỗi một mùi sữa non thơm dịu ấy.
Con gái vẫn không rời vòng tay mẹ cằn cỗi khô đét. Chị nghe lồng ngực già nua mình ướt đẫm dịu mát trong tiếng con thổn thức: “Mẹ đừng giận con nữa nghen mẹ. Con sẽ ráng sống hạnh phúc, mẹ à!”.
Ừ. Phải sống hạnh phúc. Thật hạnh phúc đấy con. Báu vật cả một đời của mẹ.
Con đường mẹ đi trúc trắc chuệch choạc mà sao con ngu khờ giẫm lên lại làm gì hả con? Mẹ muốn giận con. Muốn ghét con. Nhưng trái tim người mẹ nào sắt đá được với máu thịt mình đã dứt ruột ra. Một giọt nước mắt con chảy vào ngực mẹ là bao nhiêu chát mặn đắng cay, mẹ khóc vì thương, vì lo cho con ròng rã mấy đêm rồi, con làm sao biết được.
Nhắm mắt, những lời chị muốn nói với con cứ dồn lên, chất chồng nhiều thêm, nhiều thêm mãi. Tất cả lẫn lộn, đặc nghẹt tâm trí chị đến nỗi chị không biết phải bắt đầu từ đâu, tự lúc nào. Những lời nói treo dày trong mắt, trì níu nặng trịch làm những cơ mặt giần giật, chen chúc lắp kín khít nơi cửa miệng.
Cuối cùng, nghèn nghẹn, chị chỉ thốt được một câu: “Ừ. Mẹ biết…”. Rồi hững lại, nuốt trọn tất cả vào trong ý nghĩ, khi bên ngoài những tia sáng yếu ớt nhợt nhạt đầu tiên đã le lói qua khe cửa khép.
Vòng tay ôm con gái chặt hơn, chị nằm đợi mặt trời.
 
*
Đám rước dâu qua đồng muối giữa lúc nắng đương rót mật vàng chói lọi.
Màu nắng ngọt trộn lẫn hòa quyện, làm những ngọn đồi muối sáng lên lấp la lấp lánh trong ánh nhìn của chị dõi theo đoàn người dần đi về phía xa xa.
Màu áo đỏ cô dâu bắt nắng rực lên rạng ngời giữa bạt ngàn màu muối. Con bé cứ như một đốm lửa nhỏ trôi miên man giữa một dòng trắng mượt mà óng ánh.
Ngọt lửa nhỏ vẫn ngày ngày sưởi ấm trái tim chị. Xa mẹ rồi con có còn rực rỡ, lung linh.
“Giờ khóc được rồi đó. Chị khóc đi!” – Tiếng tổ trưởng thân quen khẽ khàng bên tai chị. Quay mặt, vẫn còn nguyên trên môi nụ cười lúc đưa con đi, chị thả rơi những giọt nước trào ngược ra khóe mắt. Những giọt nước cứ thế ròng ròng chảy trước những ánh mắt, những bàn tay đàn bà thô ráp khẽ vỗ về.
Con sẽ hạnh phúc thôi mà, phải không con? Khi nhận chén trà từ tay con trước bàn thờ bà nội, bàn thờ ba, khi tiễn con ra ngõ, mẹ đã chỉ nhìn con bằng một khuôn mặt rạng rỡ mỉm cười.
“Hạnh phúc nghe con, đừng như mẹ”.
Vẫn đứng bên cái cổng rào vòng vèo giăng mắc những hoa lá, những xác bóng bay sặc sỡ màu mè, chị thì thầm với chính mình, với ngọn gió lật phật luồn qua tấm biển Vu Quy đỏ thắm và với màu muối mênh mông trải dài trắng xóa đến tận chân trời.
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Thoa – Thực hiện: BTV. Nguyễn Hà – Giọng đọc: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *