Bài nổi bật

Nước Mắt Con Ngựa Giấy – Nguyễn Thị Thùy Linh

RadioVn.Com – Em được ba mẹ tôi nhặt về khi đang nằm thoi thóp trước cổng chùa vì đói. Hồi đó cứ vào ngày Vu Lan, những con người khốn khổ vô gia cư cũng lết đến ăn mày cửa Phật. Ánh mắt mẹ tôi đã kịp thấy em trong tư thế nằm cò quăm dưới một gốc cây cổ thụ. Em ngất đi vì đói và đã không cướp được cháo lá đa…
Tôi hơi rùng mình khi thấy đôi chân em teo quắt đan vào nhau, trông nó dị thường đến khó tả. Mái tóc râu ngô lòa xòa che lấp khuôn mặt xương xẩu và cái mắt lồi. Ba mẹ thở dài nhìn nhau. Rồi họ xốc em về nhà.
Từ ngày có em tôi vui hơn và cũng bớt nhõng nhẽo mẹ. Nhà mình nghèo, mọi sinh hoạt đều chật vật nhưng ba mẹ vẫn cố bù đắp cho em tình yêu thương mà em đang thiếu. Em mắc chứng teo cơ chân không đi được, suốt mấy ngày sau mỗi buổi làm đồng mệt nhọc ba vẫn hì hục lắp cho em cái xe lăn tự chế. Trông nó hơi thô kệch nhưng cũng khá chắc chắn. Em tập dùng tay nhiều hơn để điều khiển chiếc xe lăn. Cứ chiều chiều tiếng xe lăn của em lại lóc cóc vang lên dọc con đường làng đầy đất sỏi. Tôi đẩy em đi trong gió mát lành, hương cỏ ngọt. Chiếc xe lóc cóc reo lên những niềm vui của riêng nó. Ánh mắt em vẫn không thôi u buồn, nhưng tôi hiểu là nó đã được sưởi ấm dần lên. Em chỉ tay về phía những dãy núi xa xa đang nuốt bóng mặt trời xuống bụng và thẫm đen trong mắt lúc hoàng hôn, nói đó là vách ngăn với thế giới bên kia. Tôi bỗng thấy em già dặn và trầm mặc hơn tôi biết nhường nào.
Ba mẹ chỉ hỏi một lần duy nhất về gia đình em khi mang em về nhà buổi tối Vu Lan đó. Em thẫn thờ và ráo hoảnh, họ bỏ con đi rồi. Ba mẹ có thể nhận ra nỗi đau đang đóng vầng trong em, đứa trẻ không bao giờ biết cười. Vì vậy trong nhà từ đó không ai nói động đến nỗi bất hạnh này của em nữa. Em đã là thành viên của gia đình kể từ ngày về đây rồi. Ba mẹ yêu thương em như con ruột, dù có thêm em sẽ vất vả chật vật hơn. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe ba mẹ than trách về chuyện này. Chỉ thấy khắp sân nhà và nóc bếp rải thêm nhiều mẹt cá khô hơn trước, ba mẹ có hôm đi bỏ mối cá thông đêm trên chiếc xe đạp cút kít nặng è. Nhiều đêm mưa sấm chớp ì ùng, tôi và em co ro trên chiếc giường ọp ẹp, nức nở nghĩ đến ba mẹ và mớ cá khô trong đêm. Em bảo em thương ba mẹ lắm. Tôi nghe vậy cũng ấm lòng. Rồi lại run rẩy ôm nhau thật chặt như hai con chim non trống tổ đợi mẹ về.
Mùa Vu Lan năm ấy cả tôi và em cùng buồn. Tôi thẫn thờ đẩy em đi khắp các con hẻm nhỏ, tôi muốn em được đặt chân đến bất cứ nơi nào em thích. Tôi sẽ luôn nhường nhịn em. Tiếng chuông mõ lộc cộc vang lên từ nhà ông Kha Mộc. Em bảo muốn đến xem họ cúng và tiễn vàng. Cái này tôi cũng ít khi được thấy, vì nhà mình có bao giờ làm.
Nhà ông Kha Mộc bày mâm cúng trung thiên khá thịnh soạn ngoài sân. Bên cạnh là một con ngựa giấy màu hồng to. Nhưng lúc đó tôi chẳng nghĩ đến chuyện cướp chúng sinh như năm nào, tôi không thèm xôi gà oản bỏng nữa vì có một nỗi buồn đang ứ nghẹn trong cuống họng. Tôi đẩy xe sát cổng cho em xem hóa vàng. Ông Kha Mộc lầm rầm khấn vái rồi cẩn trọng đem con ngựa ra đốt trước, rắc đầy các thoi vàng xung quanh. Tôi bảo em con ngựa giấy này là để chở mã nên phải đốt trước. Lửa cháy lòa lòa sáng rực cả một vùng tối đang dần ập xuống. Bộ mặt con ngựa cũng bừng sáng đầy oai vệ trước khi biến thành tro bụi. Em bỗng thét lên nức nở. Con ngựa khóc. Con ngựa chảy nước mắt. Em lay mạnh người tôi, chỉ vào con ngựa đang cháy quá nửa, cất lên những tiếng ú ớ đầy kinh ngạc.
Minh họa: Đào Quốc Huy
Khuôn mặt em thảng thốt và co rúm lại, hai tay em run bần bật bấu vào thành xe lăn. Tôi đâu thấy nước mắt gì trên mặt nó đâu, nó là ngựa giấy mà. Đến ngựa thật cũng chắc gì đã có nước mắt. Em đau khổ quá rồi. Nhưng tôi không trách em hoang đường, không bảo em tưởng tượng. Vì làm sao tôi có thể hiểu nổi cái thế giới đầy phức tạp và bế tắc trong đôi mắt của em. Tôi bỗng gật đầu lia lịa như một cái máy và cũng rối rít theo em. Đúng rồi, đúng thật rồi em ơi. Con ngựa giấy biết khóc kìa. Nó đang chảy nước mắt kìa. Chắc nó đau trong lửa. Tôi chỉ muốn cho em biết rằng em luôn đúng, em có quyền được đúng. Sẽ không bao giờ có cuộc tranh cãi nào giữa em và tôi. Tôi muốn dành cả một ngày trọn vẹn thuộc về em, vì nốt hôm nay thôi, em sẽ phải rời xa gia đình bé nhỏ của tôi.
Ba bị cảm nhập não trong một buổi làm đồng ban trưa. Mẹ thân hạc một mình chống chèo không nổi. Tiền thuốc men cho ba và đủ các thứ bà rằn trên đời khiến mẹ tiều tụy đi trông thấy. Mẹ vẫn phải một mình thức rất khuya khâu giày vải cho người ta, mỗi đôi giày khâu được vài đồng bạc lẻ. Một ngày đi giao giày về mẹ buồn bã nói. Ăn thì bữa no bữa đói cũng xuôi. Nhưng cái chữ thì vẫn phải học cho nên. Mẹ sợ không thể cho cả hai con cùng đến trường được, lại còn chăm ba bệnh liệt giường. Nghe ai mách nước mẹ đành ngậm ngùi đồng ý gửi em vào trại trẻ mồ côi. Vào đó em sẽ được học cái chữ, cái nghề. Sẽ được quen nhiều bạn bè có cùng cảnh ngộ như em. Sẽ có tương lai hơn lúc này đây. Tôi thấy mình như bị ai ném tạch xuống mặt đất. Hẫng hụt vô cùng nhìn theo dãy núi xa xa đang trương mình nuốt bóng mặt trời vào cái bụng sẫm đen lúc hoàng hôn. Em đi mang theo cả chiếc xe lăn ba làm, mếu máo bảo rằng đó là món quà quý giá nhất sẽ giữ mãi suốt cuộc đời này.
*
Thằng Ba Toong tập tễnh bước vào nhà, vứt tạch cái gậy xuống đất rồi hằm hằm mở cái hộp giấy đã nhăn nhúm cũ rích đếm tiền. Cái mắt liên láu của nó bỗng đỏ sọng, lằn lên những tia máu ác độc. “Mẹ kiếp, vẫn chưa đủ” – Nó lầm bầm trong miệng rồi quay sang nhìn em, nhìn xuống đôi bàn tay yếu ớt đang run rẩy giữ chặt cái hộp giấy của mình. Thằng Ba Toong mắt đảo ngang dọc rồi bỗng rít lên một điệu cười đểu giả. Chia cho tao một nửa ngay con què. Em mím môi thật chặt, liên tục lắc lắc mái tóc râu ngô rối xòa, mặt em đanh lại và hai tay vẫn ôm riết cái hộp giấy. Bỗng một nhát gậy chát chúa giáng trực diện vào hai cánh tay gầy gò của em, đau rụng rời. Chiếc hộp giấy đổ ụp xuống. Những đường gân trên trán em nổi lên xanh lét, cơ mặt em liên tục co lại rồi dãn ra theo nhịp cái miệng uất nghẹn không phát ra được thành tiếng, hệt như người ta đang đóng kịch câm, một vở kịch đầy bi thảm. Nước mắt em cũng như khô lại, nó không thể tuôn ra trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ngày hôm đó em phải nhịn ăn và quỳ trong tư thế giơ hai tay đỡ cái hộp giấy ngoài trời nóng rẫy. Đó là hình phạt của “ba” em. Hình phạt cho những kẻ được giao phó đi ăn xin hay bán cao su thuốc lá vặt ngoài đường không đủ số tiền tối thiểu quy định trong ngày. Nếu được ít quá còn bị bỏ đói dài dài. Những tháng ngày khốc liệt đeo bám em kể từ ngày chia ly ấy. Đã hơn chục năm trời, ba mẹ vẫn luôn đau đáu nghĩ về em. Nhà mình cũng bớt dần chật vật. Ba bình phục lại phụ mẹ nuôi thêm bầy heo nái, rồi vẫn đi bỏ mối cá khô thông đêm. Tôi học xong cấp ba vào làm công nhân nhà máy giấy, thêm chút tiền phụ mẹ. Có lần cả ba mẹ và tôi tìm đến trại trẻ thăm em, mua cho em vài bộ áo quần và tôi còn kết tặng em chuỗi hạt cườm cườm em thích. Nhưng họ nói có nhà hảo tâm đến xin em đi rồi.
Một lần nữa tôi lại phải chịu sự hẫng hụt đến tột độ. Tôi vẫn mong chờ ngày này từ lâu lắm rồi. Nó còn mãnh liệt hơn cả sự mong chờ cái cỗ cướp chúng sinh trong cơn đói đêm réo gào trong bụng gấp ngàn lần kia. Tôi cứ cố hình dung ra khuôn mặt em, dáng hình em lúc ấy. Tôi cào vào khoảng không tìm khuôn mặt em đăm chiêu dõi theo dãy núi xế chiều. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp lại em nữa. Em ơi.
Sống trong một môi trường đầy nanh nọc và quỷ quyệt thế này em càng thêm cô độc. Nỗi nhớ ba mẹ và tôi vẫn quặn lại trong em mỗi đêm. Ở nhà mình dù còn kham khổ thiếu thốn nhưng thừa ấm áp. Em không bao giờ bị lạc lõng, bị hắt hủi sang một bên. Xóm giềng vẫn bảo em chơi với tôi như chơi với củ khoai mì, lành lắm. Và tôi sẽ luôn nhường nhịn em. Nhưng ở nơi này, trong một căn hầm thấp bé và tối tăm, bầy muỗi đói mồi vẫn xâu xé từng giấc ngủ của em. Những con rắn nọc thành tinh sẵn sàng phun nhả vào em. Em sống trong cuộc đấu đá giành giật sự tồn tại đầy mỏi mệt. Em không dám buông xuôi vì em còn chiếc xe lăn của ba bên mình. Nó luôn giục giã em phải bước tiếp, dù là lăn trong cuộc sống này.
Rồi một ngày em phải chứng kiến cái bi kịch từ chiếc hộp giấy. Đôi chân em teo quắt trên chiếc xe lăn tự chế và khuôn mặt em hiền lành nên mọi người qua đường vẫn ủng hộ mua tăm cho em nhiều. Có lần một đôi trẻ mới cưới đi ngang qua em, họ mua tăm và còn cho em thêm tiền. Cô gái chắp tay trước ngực nở nụ cười tươi rói nhìn chàng trai: “A Di Đà Phật. Hôm nay con đã làm được một việc tốt lành”. Chắc trong lòng hai người ấy nhẹ nhõm và an lạc lắm, còn em thì vẫn nặng trịch nỗi buồn, rầu rĩ bỏ tiền vào hộp giấy. Ba em theo dõi phía sau lấy làm hài lòng lắm. Hộp giấy của thằng Ba Toong hôm đó lại vơi. Nó vốn nhác lười và ranh mãnh nên chẳng bán, xin được mấy. Cò kè hàng giờ ở mấy quán ăn người ta sốt ruột và nóng mắt quá nên vứt vội cho vài đồng. Nó tập tễnh chống nạng bước về lè bè chửi. Mắt nó lại long lên nhìn cái hộp giấy của em. Và tất nhiên, lại giở bài cũ. Nhưng lần này, nó vừa chạm tay được vào cái vốc tiền trong hộp giấy của em thì một bàn tay khác, rắn đanh và thô kệch đã bóp lấy vai nó, giáng liên tiếp những cú tát như trời đánh.
Thằng Ba Toong ngã ngửa về phía trước, cái gậy trên tay nó văng ra xa. Hai chân nó run bần bật trước không trung như lên cơn sài giật. Nó bị trói xiết vào thân cây chuối hột. Một cái chân tật nguyền của nó lủng lẳng trên thân chuối. Đầu nó rũ ngặt về một bên. Đôi mắt trắng dã mở to không còn thần khí. Máu ứa ra từ mũi, từ miệng nó như con rắn bị người ta đánh dập đầu. Em không bao giờ có thể quên được cái hình phạt mà “ba” em dành cho những kẻ lừa gạt ấy. Từng ngày những hình ảnh man rợ quái đản theo nhau về cười sằng sặc trong bóng đêm lầm lũi mình em. Em trở thành cái bóng của chính mình. Nhận ra em là cái cần câu cơm đắc lực, “ba” em ngọt nhạt với em trông thấy. Em được ăn uống đầy đủ hơn, ít bị phạt hơn. “Ba” còn sắm cho em cái thòng tay bó bột giả què. Ba nhẹ nhàng bảo, cả chân cả tay nó mới thảm, người mới thương.
*
Em lơ mơ thấy những áo blouse trắng vội vã vào ra trong căn phòng cũng trắng toát sặc mùi clo. Một người đàn ông mũi lõ tóc xoăn tít, Tây thì phải, đang múa tay lượn những đường cắt tanh tách rất khéo trên đôi chân em. Em đau nhói rồi lại chập chờn thiếp đi. Lúc tỉnh dậy người em nhẹ nhõm vô cùng. Em ngạc nhiên thấy các khớp chân vận động một cách linh hoạt. Em thử nhón chân bước xuống giường.
Trời đất, em đi được rồi. Em sung sướng nhảy cẫng lên như một người vừa đón nhận món quà kỳ diệu của tự do. Có đôi chân này em sẽ được đến muôn nơi em thích, em sẽ chạy trốn khỏi ông bố ác độc hám lợi kia, sẽ phi nhanh về căn nhà bé nhỏ ở quê, nơi có ba mẹ và tôi. Và sẽ cùng tôi tung tăng khắp các nẻo. Mỗi đêm trăng rằm em sẽ quỳ gối làm ngựa hồng chở tôi loanh quanh cái sân nhà bé tí tẹo. Gió mát và hương hồng xiêm ngọt nức lùa vào tiếng cười cả em và tôi. Em sẽ cùng tôi chơi lộn cầu vồng mỗi khi trời tạnh mưa đến khi chóng mặt mồ hôi bết phờ trên trán mới thôi. Nhà mình sẽ lại rúc rích tiếng cười bên mâm cơm ngoài hiên buổi tối, trăng cứ vằng vặc chực bữa ngoài sân. Không ai cười chê em là trẻ tàn tật nữa. Em có thể diện những chiếc váy hoa xòe và múa. Bàn chân nhỏ nhắn của em xỏ vừa chiếc giày vải mẹ khâu nhún nhảy xoay tròn đôi chân thon. Em là vũ công nhé. Hoặc là vận động viên điền kinh. Mỗi ngày em phải luyện chạy thật nhiều mới có thể tiến nhanh về đích trước đối thủ. Đôi chân em cứ mải miết chạy, chạy mãi, rồi nó vấp phải một cái hố đen, rộng và sâu hoắm.
*
Tôi bỗng nghe thấy những tiếng tru tréo và đám người xúm đông xúm đỏ lại trước mặt, dưới chân cầu vượt liên tỉnh. Tôi không quá quan tâm vì cho rằng là cuộc ẩu đả của những người đàn bà đành hanh, hay những mâu thuẫn cá nhân muôn hình vạn trạng trong cuộc sống mà phải giải quyết bằng vũ lực mới xong. Nhưng định vọt ga qua đám đông huyên náo tôi bỗng khựng lại. Chiếc xe lăn. Chiếc xe lăn tự chế với những sợi ruy băng xanh đỏ thắt gọn gàng hai bên bánh xe làm sao tôi có thể quên được. Món quà và niềm hi vọng của ba cho đôi chân của em. Bây giờ nó đang bị người ta đạp chỏng chơ ngửa bánh lên trời, cái bánh xe xoay tít thảm hại như bị hàm oan.
Tôi lạnh toát sống lưng khi thấy người ta lột cái thòng tay bó bột khỏi cổ và tay em quăng ra đường, vả liên tiếp vào hai bầu má em. Họ rít lên những lời cay độc: “Cái con ranh lừa đảo. Mày ngồi đây nhàn hạ ăn cướp tiền thiên hạ sung sướng nhỉ. Bây giờ mày còn bỏ bùa vào thằng con trai bà. Nó mê mẩn mày đòi cưới mày làm vợ. Trời đất thiên địa ơi, bôi gio trát trấu là nhục. Tao đánh chết mày. Đánh chết mày”.
Tôi thất thần lao vào nào gậy gộc, nào nắm đấm, cái tát. Đứa em đáng thương của tôi. Đứa em bé bỏng của tôi. Sao ra nông nỗi này cơ chứ. Ở nhà mọi người vẫn an lòng em được sống no đủ, được thương yêu. Ai cũng nhớ em nhiều, chỉ sợ em buồn, em cô đơn với cuộc sống mới thôi. Nhưng làm sao tôi có thể tưởng tượng được cái khung cảnh khủng khiếp này. Em nguột đi trong vòng tay tôi. Máu của em và nước mắt của tôi tràn vào nhau. Tôi phẫn uất giẫm bẹp cái nón rách và cái hộp giấy đựng tiền quân lừa đảo trang bị cho em. Em của tôi, dù đói nghèo nhưng vẫn rất thánh thiện. Thứ bên người em dù chỉ đơn sơ nhưng cũng phải thanh tao như những sợi ruy băng tết nơ duyên dáng kia, chứ không phải mấy cái đồ rách rưới giả dối này. Nó không hợp, không đáng đâu. Em ơi.
Em ôm ghì lấy tôi, mạnh như thể sợ tôi tuột mất, lại cất tiếng nấc khô. Rồi em vội nhìn xuống đôi chân. Thế ra vừa qua chỉ là cơn mơ, đôi chân em vẫn chưa đi được. Em thở dài buồn bã. Tiếng khóc khô khốc của em rơi xuống cõi lòng tôi những chua chát. Thôi nào. Bi kịch sẽ dừng lại ở đây. Trong cái họa có cái may. Tôi sẽ đưa em về làng, về căn nhà nhỏ ấm áp của chúng ta. Em sẽ không phải phiêu dạt cái chốn nhẫn tâm này nữa.
Tôi bế em ngồi lên sau xe. Chiếc xe lăn vô giá ba làm tặng em đã bị một kẻ ác nhân nào đó rình rập lấy mất trong cơn hỗn loạn rồi. Đời vẫn cứ buồn nhiều như vậy. Nhưng dù sao ngày đoàn viên này cũng khiến tôi vui thót tim. Em ngồi sau xe ôm chặt lấy tôi. Bầu ngực em nhu nhú áp vào lưng tôi, tôi mỉm cười, em sắp thành thiếu nữ rồi. Xe mình đi ngang cánh đồng lúa vừa dậy thì xanh mướt tận phía chân trời xa, nơi dãy núi đen sừng sững vẫn kiên gan đứng đó hàng ngàn năm nuốt mặt trời lúc hoàng hôn. Làng khác nhiều, lũy tre thưa dần và nhà nhà rợp mái đỏ. Chỉ có cây đa cổ thụ đầu làng vẫn vậy. Lại một rằm tháng Bảy nữa. Tiếng chuông mõ cúng chúng sinh lại thê thiết vang lên từ một con hẻm nhỏ: “Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé/ Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha/ Lấy ai bồng bế vào ra/ U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng…”. Tiếng than não nề của thày cúng khiến tôi và em đều ứa nước mắt. Và như một phản xạ, bánh xe tôi lại lăn vào trước cổng ngôi nhà đang cúng chúng sinh. Em bảo tôi bài ca dao hay quá. Thực ra đây không phải là bài ca dao, tôi hồi bé vẫn tưởng lầm như vậy. Đó là “Văn tế thập loại chúng sinh” của đại thi hào Nguyễn Du, được áp dụng rộng rãi trong khóa lễ cúng chúng sinh rằm tháng Bảy, da diết và thân thuộc đến độ người ta nghĩ nó là ca dao thuở xưa chứ không phải tác phẩm văn học. Em say sưa nghe từng câu chữ. Tiếng chuông cuối rối rít vang lên gọi mời chúng sinh. Và ngựa giấy, vàng mã sẽ được đem ra đốt trong cái chậu nhôm rộng lòng đen sì.
Tôi vẫn biết em nao nức xem người ta hóa vàng con ngựa, vì có lẽ nó tượng trưng cho thế giới nội tâm đầy bất trắc của em. Các thoi vàng bắt đầu rải quanh dưới chân con ngựa giấy. Lửa châm bùng lên lách tách nổ.  Ánh lửa rọi vào khuôn mặt em hồng rực. Đôi mắt em nhìn trân trân vào mắt con ngựa, em đang tìm điều gì. Phải chăng là nước mắt. Tôi nín thở chờ một điều kỳ diệu nào đó phát ra từ em, dù tôi chưa từng thấy điều gì lạ cả. Và tôi sẽ sẵn sàng gật đầu đồng tình rằng em luôn đúng. Nhưng bỗng dưng gió mạnh lồng vào cái không gian riêng của em và tôi. Những thoi vàng cuộn lên theo gió. Nửa thân con ngựa đang cháy dở sáng lòa run rẩy. Rồi mưa. Mưa nặng hạt rơi sầm sập trên đầu. Con ngựa hóa dở trong chậu tắt ngúm dưới nước. Cái đầu chưa cháy kịp sũng nước rúm lại, rồi bị mưa tạt ngã xuống chậu. Cháo lá đa hai bên đường dềnh lên, trôi dạt về các ngả. Tôi và em run rẩy trú dưới tán cây me. Bốn mắt nhìn nhau đỏ ngầu.
Tôi hỏi em có thấy gì không. Em lắc đầu, rồi lã chã tuôn nước mắt. Biết nói sao nhỉ, lại một chiều ngâu buồn, có lẽ niềm an ủi nhất lúc này của tôi là em đã có thể khóc được. Tôi sợ nước mắt em khô mất. Thôi nào, cũng qua rồi. Đôi chân quắt queo của em lại đan vào nhau, rung lên từng nhịp. Chúng tôi cùng nhau khóc tràn vào mưa, như để rửa sạch những bụi bặm nặng nề vẫn còn lấn cấn trong lòng bấy lâu nay. Chắc em sẽ nhẹ nhõm hơn khi cùng dòng nước mắt mềm mại tuôn ra trong mưa. Và tôi cũng vậy. Chỉ có con ngựa giấy là không còn nước mắt.
Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Linh – Thực hện: Việt Hùng

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *