Bài nổi bật

Nhảy Trên Cạnh Huyền – Nguyên Hương

RadioVn.Com – Ngày đầu tiên tới trường khuyết tật để dạy học, tôi rất phớn phở, hình dung mình là thầy giáo của mấy chục đứa…
Tưởng tượng mình đứng trên bục giảng oai vệ đã đời rồi thì tôi lo lắng lỡ tụi nó ngủ gục hết thì làm sao? Tôi quá biết là thầy giáo thật sự thì chỉ cần đằng hắng một tiếng thì học trò tỉnh ngủ ngay lập tức, còn thầy giáo kiểu gia sư thì phải chiều chuộng học trò mới được.
Tôi không phải là thầy giáo thật sự cũng chẳng phải thầy giáo kiểu gia sư. Dì Hân nói tôi là Tình Nguyện Viên, Tình Nguyện Viên tôi phải vừa là thầy giáo vừa là gia sư vừa là bạn bè. Tôi chưa biết rõ cái kiểu đó ra làm sao. Để rồi coi.
Nhưng mà làm sao để biết tụi nó ngủ gục? Đó mới là vấn đề.
Đạp xe tới gần cổng trường, tôi chậm lại. Hôm nọ sau khi dì Hân nói thì tôi đã đạp xe tới đây để nhìn ngó rất kỹ rồi, nhưng lúc này đây bỗng muốn nhìn ngó lại thêm lần nữa, hồi hộp, chỉ vài giây nữa tôi trở thành một Tình – Nguyện – Viên thật sự. Mấy hôm nay tôi mới chỉ là Tình Nguyện Viên tưởng tượng thôi.
Ba dãy phòng làm thành hình chữ U, giữa chữ U là khoảng sân hình chữ nhật có vạch sơn trắng như sân bóng đá. Hai cạnh chữ U mỗi cạnh có năm lớp, và cạnh đáy là khu văn phòng. Đầu chữ U phía bên này là vườn hoa có mấy cái ghế nhựa hình con vịt con thỏ con ngựa, đầu chữ U bên kia có bốn cái bập bênh sơn xanh đỏ, ba cái xích đu màu hồng màu tím và một cầu tuột bằng xi măng màu xám.
Tất cả chói lên óng ánh dưới nắng trưa.
– Ngừng lại.
Tiếng kêu vang sau lưng khiến tôi vội bóp thắng xe thắng kít, ra là lo nhìn ngó tôi đã đạp xe bon qua cổng.
– Đi đâu vô đây? – Ông bảo vệ nhướng mắt nhìn tôi.
– Dạ cháu đi dạy – Tôi chững chạc trả lời và thấy tự hào về mình quá.
Cái nhướng mắt chuyển thành nụ cười:
– Tình Nguyện Viên mới hả? Dạy đứa nào lớp nào?
Tôi “dạ” để trả lời cho câu thứ nhất, và ậm ự trong cổ vì chưa kịp hiểu ra câu thứ hai.
Khi hiểu ra thì tôi rơi tõm xuống hụt hẫng. Vậy, tôi đi trên hành lang lớp học và ngó lên tấm bảng gắn bên trên cửa để tìm lớp Khiếm Thị 5 như dì Hân hướng dẫn thì một cô giáo xuất hiện ở cánh cửa không gắn tấm bảng nào, cái bụng bầu to tướng cho tôi biết ngay đó là cô Tuyền mà tôi đang tìm.
– Dũng phải không em?
– Dạ – Tôi trả lời và cùng lúc đó tôi ngước nhìn thấy tấm bảng “Lớp Khiếm Thị 5” ở ngay tầm mắt.
Cô Tuyền vẫy tay:
– Phòng bên này nè em.
Tôi đi tới. Căn phòng vừa giống thư viện vừa giống nhà kho. Ba bức tường là kệ sách và bức tường còn lại là kệ đựng băng đĩa, ở một góc phòng bừa bộn những chồng giấy A4 nhìn như văn bản bỏ đi và rất nhiều tập vở cũ. Cái quạt tường quay rè rè thổi những tờ giấy nằm trên cùng phập phồng hé ra rồi xẹp xuống rồi lại hé ra.
Giữa phòng có một cái bàn và hai cái ghế đẩu. Đang ngự trên một cái ghế là đứa con trai còm nhom khuôn mặt xương xương và trán nhô ra, mớ tóc lỉa chỉa trước trán góp phần tăng thêm sự còm nhom bằng cách dính bệt lại và chia thành ba phần như một cái nĩa.
– Đây là Phú, chắc cô Hân đã kể cho em nghe rồi phải không?
Tôi không biết nên gật đầu hay lắc vì dì Hân chỉ nói chung chung “Có cô bạn của dì dạy ở trường khuyết tật cần tìm người dạy kèm môn toán, cháu dạy được không?”.
Cô Tuyền nói tiếp:
– Phú à, đây là anh Dũng. Từ nay hàng tuần anh Dũng sẽ dạy kèm em học môn toán vào chiều thứ ba và thứ sáu.
– Em chào anh Dũng – Phú quay cổ hướng khuôn mặt về phía cửa, chắc là nó tưởng tôi đứng ở cửa trong khi tôi đã đi tới gần cô Tuyền ở ngay trước mặt nó.
– Chào em – Tôi nói.
Vẻ bất ngờ vì tôi ở tầm gần, Phú xọc tay vô tóc và làm cho cái nĩa thành mớ lông nhím.
– Vậy há. Buổi đầu tiên thế nào cũng lúng túng một chút – Cô Tuyền nhìn tôi với nụ cười khích lệ – Cô dạy ở lớp năm gần đây, có gì cần hỏi thì tới đó gặp cô nghe.
Nói xong cô Tuyền đi ra cửa, để lại tôi với nỗi thất vọng vì số lượng học trò khác quá xa tưởng tượng.
Đợi cô Tuyền đi xa hẳn, tôi bắt đầu:
– Có một mình em cần dạy kèm môn toán thôi hả?
– Dạ một mình em thôi.
Giọng trả lời đầy tự hào, hai con mắt trắng đục bất động nhưng hai hàng lông mày thì nhướng lên thấy rõ hai đầu lông mày nhúc nhích vẻ phấn khích lắm. Tôi tưởng là mình dạy kèm học trò yếu, nhưng có vẻ là để cho học trò giỏi thêm thì phải.
Tôi hỏi:
– Em thường được mấy điểm môn toán?
– Em toàn được trên tám điểm môn toán số, nhưng toán hình thì được ít điểm lắm vì em không nhìn thấy được.
– Ít điểm là bao nhiêu?
– Bốn điểm… ba điểm…
Câu trả lời lí nhí trong cổ. Nếu tôi bị bốn điểm ba điểm thì tôi cũng lí nhí, nhưng mà giọng tự hào ban nãy là sao?
Câu hỏi vọt qua miệng tôi:
– Môn sử môn văn môn địa em thường được mấy điểm?
Hai hàng lông mày nhúc nhích mạnh hơn và nụ cười rộng miệng lộ hàm răng đều đặn khiến vẻ rạng rỡ lấp đầy hai gò má hóp của Phú:
– Dạ mấy môn đó em toàn được tám chín điểm.
Biết ngay mà. Vẻ rạng rỡ tự tin của Phú khiến tôi nhớ tới Kim Chi lớp phó học tập của lớp tôi.
Phú ngập ngừng tiếc rẻ:
– Cô Tuyền nói nếu em học tốt môn toán hình thì em sẽ là học sinh học hòa nhập đầu tiên đạt loại giỏi.
Tôi thắc mắc:
– Học hòa nhập là sao?
– Khuyết tật như em được nhà nước nuôi ăn ở và học riêng trong trường chuyên biệt năm năm tiểu học, lên lớp sáu thì mấy đứa tụi em phải học chung hòa nhập với học trò ở trường bình thường.
– Khó hả? – Tôi buột miệng.
– Dạ không khó.
Câu nói làm tôi chưng hửng. Phú hồn nhiên:
– Trong lớp chỉ có mấy bạn học giỏi thật sự, còn lại thì em không ngán. Nhiều bạn còn hỏi bài em nữa mà – Ngừng, rồi sực nhớ ra, Phú hạ giọng – Trừ môn toán hình.
Tôi cười, nhìn hai hàng lông mày của Phú cau tít lại trong nỗi khổ tâm vì môn toán hình khiến mình không được kiêu hãnh toàn tập.
– Vậy thì bây giờ mình học toán hình. À, trước tiên là anh kiểm tra thử cả toán số – Tôi nói và dâng lên nỗi tò mò muốn biết một học trò khiếm thị thì viết ra làm sao – Tìm số tự nhiên x, biết mở ngoặc đơn x trừ bốn lăm đóng ngoặc đơn nhân hai mươi bảy bằng không.
Tôi đọc chậm vì đợi tay Phú thò vô hộc bàn lấy giấy bút, nhưng câu trả lời vọt ra ngay khi tôi vừa ngừng lời:
– X bằng bốn mươi lăm.
– Tiếp bài nữa nghe – Tôi đọc một bài khó hơn – Tìm số tự nhiên n, biết n cộng ba chia hết cho n cộng một.
Phú đặt lên bàn cái dùi và một cuốn tạp chí. Tôi hiểu ra những chồng giấy A4 và tập vở cũ nằm ở góc để làm gì, học trò khiếm thị viết bằng dùi đục và không cần giấy trắng.
Phú hạ cái dùi xuống nhưng chưa cần đục lỗ nào trên trang giấy thì đã tìm ra đáp số:
– n bằng một.
– Thêm bài này nữa – Tôi đọc – Khi chia số tự nhiên a cho hai mươi bốn ta được số dư là mười. Hỏi a có chia hết cho hai và chia hết cho bốn không?
Tiếng sụp sụp sụp vang lên, tờ giấy đầy những cái lỗ li ti. Tôi đang tự hỏi “Học trò nộp bài thì làm sao mình đọc được đây?” thì giọng Phú ngập ngừng:
– A chia hết cho 2 nhưng không chia hết cho 4, phải không anh?
– Ờ đúng rồi.
Tôi phân vân không biết có nên khen một tiếng “giỏi” hay không, rồi tôi quyết định nín lại, sợ học trò sinh tính kiêu căng thêm nữa thì phiền.
– Bây giờ mình chuyển qua toán hình nghe – Tôi nói.
Tôi thò tay vô túi lấy ra mấy miếng nhựa hình tam giác và tứ giác và hình tròn. Trước khi tới đây, tôi đã lên mạng tìm hiểu về cách dạy môn toán hình cho học sinh khiếm thị cho nên tôi đã chuẩn bị chu đáo.
Tôi rải những miếng nhựa xuống bàn ngay trước mặt Phú:
– Em hãy lấy ra một hình một hình tam giác vuông.
Phú bặm môi nghiêng đầu lắng nghe âm thanh của những miếng nhựa khi chạm mặt bàn. Rồi mười ngón tay lần mò cầm lên từng miếng, rờ rẫm…
Những ngón tay Phú phân vân giữa hình tam giác đều màu cam và tam giác vuông màu tím, Phú lần ngón trỏ và ngón cái để so các cạnh. Rồi Phú thả tấm nhựa màu tím xuống và tiếp tục mân mê tấm màu cam. Vẻ tự tin tắt dần, Phú căng thẳng cau tít hai hàng lông mày.
Tôi nhắm mắt lại và hai tay hú họa cầm lên hai miếng, hình thoi và hình bình hành, nếu không từng nhìn thấy nó thì tôi có phân biệt được không?
Tôi mở mắt ra và nhìn thấy mớ tóc rối trước trán Phú rung rung. Tôi biết Phú đang sợ. Hồi đó, trước khi là học sinh giỏi, gặp thầy giáo nghiêm khắc tôi cũng rất sợ và quên béng những gì mình đã học thuộc làu.
– Em đừng sợ. Chính nỗi sợ khiến em mất bình tĩnh và không còn sáng suốt – Tôi nói và nhận ra mình vừa lập lại lời cô giáo chủ nhiệm hay nói mỗi khi hay tin lớp phó học tập Kim Chi đứng ngay đơ trên bảng đen. Vậy, chính Kim Chi cũng có khi phải đứng ngay đơ.
– Dạ… – Phú ấp úng, rồi thả miếng nhựa màu cam xuống, rờ rẫm tìm lại và cầm lên miếng màu tím.
Sợ Phú lại thả nó xuống, tôi nói nhanh:
– Đúng rồi đúng rồi. Em giỏi lắm.
Phú thở ra một hơi dài như xong một việc nặng nhọc, rồi Phú rờ rẫm cầm lên miếng nhựa màu xanh:
– Đây là hình vuông phải không anh Dũng?
Tôi định khen “giỏi lắm” nhưng rồi tôi lại nói khác đi:
– Nếu anh nói đó không phải hình vuông thì em có dám quả quyết là đúng không?
Phú há miệng ra… Rồi mím môi lại.
***
Hiểu về góc tù góc nhọn thì dễ nhưng sử dụng được cái thước đo độ mới là, trong khi tôi đang còn loay hoay với cái thước thì Kim Chi đã điều tra tường tận về Phú – Học sinh lớp sáu trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu. Phú là học sinh mù duy nhất của khối sáu và thường xuyên được cô giáo chủ nhiệm nêu tên trước lớp để làm gương cho các bạn lười và đúng là rất đáng tiếc vì học kỳ một vừa qua Phú bị điểm thấp của môn hình học kéo văng ra xa loại giỏi.
Ngôn ngữ trên lớp tôi nói đó là “xém giỏi”, có đứa còn nói “sượt giỏi”.
Mặc dù chỉ xém sượt thôi nhưng trường chuyên biệt đã giành cho Phú vinh dự được thay mặt học sinh khiếm thị và khiếm thính và thiểu năng đọc thư cảm ơn quý phụ huynh và ân nhân trong lễ sơ kết học kỳ một. Trong lá thư dài ba trang a4 đó, phần của Phú chiếm trọn nguyên trang giấy để kể về quá trình học hòa nhập của mình. Đi học mà không kể về việc học, việc học là chuyện sau cùng, đầu tiên là việc phải nín tiểu vì không định hướng được đường ra nhà vệ sinh cũng như nhiều lần bị va đụng những cánh cửa và lan can cầu thang, không phải học trò nào cũng biết đằng trước mình là một đứa mù cho nên trò chơi rượt bắt cứ lao tới…
Buổi lễ tại trường chuyên biệt thật quá đặc biệt. Phụ huynh nào cũng đi lại gượng nhẹ nâng niu như sợ mình đạp lên cái gì đó giòn và mỏng để rồi khi vô hội trường họ vỗ tay thật nồng nhiệt sau mỗi tiết mục văn nghệ, khiếm thị thì hát còn khiếm thính thì múa và nhảy híp hop. Phần đọc thư của Phú cũng xứng đáng được coi là một tiết mục vì tiếng vỗ tay hoan hô kéo dài rất lâu và tôi nghe những phụ huynh ngồi gần thì thầm trò chuyện mong con mình mai mốt cũng kiên cường như Phú.
Kết thúc buổi lễ, tôi đón Phú ở phía sau sân khấu:
– Em đọc hay lắm. Hôm nay anh sẽ khao em một chầu kem. Ra vườn hoa đợi anh lấy xe đạp nghe.
Tôi đi ra bãi để xe. Quá nhiều xe, tôi tới sớm cho nên bây giờ cái xe đạp của tôi ở tận trong cùng, phải đợi lâu ơi là lâu.
Tôi đạp xe tới chỗ Phú đang ngồi ở cái ghế con thỏ ở vườn hoa, dáng ngồi lom khom lạ lùng. Tôi thấy buồn cười, sau khi đọc một bài diễn văn gây xúc động vậy thì người ta cũng dễ bị xúc động lắm.
Một đứa từ vườn hoa bất ngờ lao ra khiến tôi phải gấp rút bẻ tay lái. Nó khựng lại nhìn tôi bằng hai con mắt trợn trừng như nhìn thấy ma, nó chạy vút đi.
Phú cúi gục xuống, hai tay ôm quanh đầu. Tôi kêu to:
– Phú.
Phú vẫn ôm đầu và cúi xuống thấp hơn.
– Phú. Anh Dũng đây. Có chuyện gì vậy?
Phú ngẩng lên, máu đỏ lòm bê bết quanh mũi và miệng.
***
Thủ phạm là thằng Vinh lớp năm câm điếc, thằng nhóc nhìn tôi như nhìn thấy ma vì nó biết là tôi kèm cặp riêng Phú thân thiết với Phú. Tôi hiểu ra là nó sợ tôi binh thằng Phú mà cho nó một trận.
Thật lòng là tôi cũng muốn cho nó một trận vì quá bất bình, nó bự con, còn Phú thì gầy gò. Quá vô lý là sau khi phạt thằng Vinh úp mặt vô tường một buổi thì cô hiệu trưởng ra lệnh cho ông bảo vệ theo dõi nó để đừng xảy ra chuyện thêm lần nữa. Hình như nó cũng hiểu là cô giáo sẽ không nặng tay với nó cho nên cứ nhơn nhơn.
Dì Hân hoảng hồn khi biết tôi muốn đánh thằng Vinh. Tưởng tượng, tôi, cháu của cô giáo Hân, lại dính tới một vụ đánh đấm. Mà đánh ai kia? Một đứa câm điếc.
– Không – Dì Hân kêu lên – Cháu tới đó để kèm môn toán thì cứ kèm môn toán thôi, đừng có làm anh hùng thấy chuyện bất bình. Đừng làm mang tiếng Tình Nguyện Viên. Đừng có làm rối thêm. Để đó từ từ có dịp cô Tuyền sẽ lựa lời khuyên nhủ. Cô Tuyền thương học trò lắm cho nên tụi nó đứa nào cũng nghe lời cô Tuyền, thằng Vinh cũng vậy. Chẳng có lý do gì đâu, chỉ là thằng Vinh ghen tỵ vì thằng Phú mấy lần được lên sân khấu đọc diễn văn còn nó thì chưa bao giờ…
“Và chắc chắn là không bao giờ”, dì Hân thở dài ngậm lại phần còn lại của câu nói trong miệng.
Phần ngậm lại đó khiến cơn tức trong lòng tôi tiêu tan. Tôi mơ hồ hiểu ra tại sao cô hiệu trưởng không nỡ phạt nặng thằng Vinh dù đánh bạn đổ máu là một tội đáng bị đuổi ra khỏi trường.
Mỗi lần nhìn thấy tôi đạp xe qua cổng, thằng Vinh vội chạy về hướng khác. Tôi nhìn theo nó, tiếc là mình không biết múa dấu để nói với nó là không việc gì phải sợ tôi. Rồi tôi nghĩ ngợi lung tung, tiếc thêm là mình không biết múa dấu để dạy kèm thằng Vinh vài bài toán, ờ… nghe nói thằng Vinh học toán rất kém.
Chẳng biết cô Tuyền đã khuyên nhủ gì thằng Vinh chưa, nhưng mà cô đã đau bụng đẻ rồi. Sự vắng mặt dài ngày của cô Tuyền càng khiến Phú rơi vào học hành sa sút vì càng sợ bị đánh bất ngờ. Góc tù góc nhọn… tôi đã tìm ra cách là khứa dấu ở từng vạch đo độ của cây thước để Phú rờ mà nhận biết nhưng Phú vẫn sai tòe loe.
Thôi, học không vô thì ra sân chơi thể dục thể thao cho đỡ căng thẳng. Tôi nhìn sân trường có những vạch sơn trắng như sân bóng đá. Bóng đá thì phức tạp vì cần rủ thêm nhiều đứa và phải xin phép các cô giáo. Và lỡ mà tụi nó húc nhau đổ máu mũi như bị đấm thì thật là.
Tới trường, tôi đem theo mấy cái bao đợi hết giờ thì rủ Phú ra sân chơi nhảy bao bố. Môn này chỉ hai đứa cũng đủ để thay đổi không khí. Đó là tôi nghĩ vậy, nhưng tôi vừa hướng dẫn Phú chui vô cái bao và hai đứa nhảy được vài vòng thì mấy đứa đang chơi nhảy dây và đá cầu gần đó túa lại quanh Phú và tôi làm thành hai đội ủng hộ.
Tôi làm bộ té nhào để nhường Phú phần thắng. Tiếng ú ớ và vỗ tay đập chân rào rào khiến Phú toét miệng cười. Lâu lâu rồi tôi mới nhìn thấy hai hàm răng đều đặn của Phú trong nụ cười chiến thắng rạng rỡ, rồi tôi nghĩ, cô hiệu trưởng cho Phú lên sân khấu đọc diễn văn có lẽ cũng là muốn khoe học trò của mình có hàm răng đẹp. Tôi nhận ra từ khi xảy chuyện thằng Vinh đánh Phú, tôi đâm ra hay nghĩ lan man.
Tôi té thêm một cú nữa để nhường Phú thắng thêm lần nữa, nhưng lần này thì tôi té vụng quá nên bị lộ. Mấy đứa câm điếc chỉ trỏ và xua tay hỉ mũi lia lịa chứ không vỗ tay, tiếng ú ớ í ó khiến Phú ngạc nhiên ngừng nhảy để nghe ngóng. Tôi đang lúng túng thì cô hiệu trưởng xuất hiện, thật bất ngờ, cô vui vẻ nói:
– Cô rất thích trường mình tập thể dục thể thao nhưng mà bóng đá bóng chuyền cầu lông không phải em nào chơi cũng được, nhất là các bạn khiếm thị. Cô muốn tổ chức một cuộc thi mà tất cả đều tham gia được như là.. ờ… trò nhảy bao bố này. Toàn trường sẽ được chơi với nhau. Rất hay phải không?
***
Sân trường trở thành bãi tập nhảy bao bố. Nghe Phú kể là mấy đứa tập luyện ráo riết lắm, cả bọn con gái cũng hào hứng. Từ chiều tới tối vang tiếng bịch bịch bịch…
Như mọi môn thể dục khác, bọn khiếm thính có lợi thế hơn. Khiếm thị nếu không có người hướng dẫn thì dễ cụng đầu nhau.
Dĩ nhiên tôi sẵn sàng là người hướng dẫn cho Phú.
Tôi đứng ở mốc về đích và hò reo “Hướng này, Phú ơi… hướng này nè…”, Phú sẽ theo tiếng reo của tôi mà nhảy tới. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế thì Phú nhảy theo đường xiên dần.
Tôi ấn miếng nhựa hình tam giác vuông vô tay Phú;
– Học lý thuyết đã biết cạnh huyền dài nhất rồi phải không? Bây giờ lấy ngón tay mà đo để so sánh có phải cạnh huyền thật sự là cạnh dài nhất trong ba cạnh không? Nhảy xiên dần tức là nhảy trên cạnh huyền, làm cho con đường dài hơn, mất thêm thời gian.
Phú gật đầu. Nhìn hai hàng lông mày nhúc nha nhúc nhích tôi không biết nó còn đủ tỉnh táo để nghe tôi nói gì không. Tôi hét lên:
– Phải nhảy theo đường thẳng, đó là đường ngắn nhất. Nhảy về hướng giọng nói của anh, hiểu chưa? Nhớ là giữ sức bằng cách tiếp đất bằng đầu ngón chân, đừng có nện xuống bình bịch. Hiểu không? Nghe mấy đứa nện bình bịch bình bịch em dễ tưởng là ngon lành lắm nhưng chỉ là mít rụng thôi.
Phú thở phù phù ngọ nguậy hai bàn chân trong bao, vẻ mặt hiện rõ quyết tâm.
Mà toàn trường đều quyết tâm.
***
Bình thường, mỗi tuần tôi chỉ tới trường khuyết tật vào hai buổi chiều thứ ba và thứ sáu, chức vụ huấn luyện viên nhảy bao bố khiến tôi chiều nào cũng đi, hậu quả là còn cả mớ bài tập hóa chưa làm xong. Và xui xẻo là thầy giáo kiểm tra vở để lấy điểm mười lăm phút.
Kim Chi trố mắt nhìn điểm bốn trong vở bài tập hóa của tôi. Đứa nào trố thì tôi mặc kệ, tôi sẽ cố gỡ điểm trong bài kiểm tra một tiết nhưng với Kim Chi thì tôi phải giải thích lý do rõ ràng. Lớp phó học tập của tôi… à, của lớp tôi sẽ không chịu thôi trừng mắt trước bất cứ lý do nào không chính đáng bởi vì điểm số của tôi sẽ góp phần xếp loại tiết học ghi rõ trong sổ đầu bài.
– Trường của thằng Phú tổ chức cuộc thi nhảy bao bố – Tôi nói.
– Tớ biết.
Khuôn mặt Kim Chi kiểu như biết tất cả mọi thứ trên đời rồi, nghe tôi nói chỉ là vì lịch sự mà thôi.
– Tớ phải làm huấn luyện viên cho thằng Phú nhảy bao bố, suốt tất cả những buổi chiều.
– Hả? Cậu…
Vừa cao giọng thì Kim Chi hạ tông trở lại bình thường ngay, cứ như là không gì trên đời này đáng để xúc cảm. Giọng Kim Chi tỉnh bơ:
– Tớ không chấp nhận đó là lý do chính đáng. Tại sao cậu không rủ thêm bạn bè, như tớ đây, chia ra mỗi đứa làm huấn luyện viên một buổi chiều? Cậu giỏi toán lắm mà sao không tính được cách hợp lý để cậu có thời gian làm bài tập và bạn bè của cậu được tham gia một việc có ích? Nói đi, khi nào diễn ra cuộc thi nhảy bao bố đó?
– Ngày mai – Tôi trả lời.
Kim Chi nhún vai như tôi là một đứa quá ngố và sự đã rồi.
– Chúc cậu và học trò của cậu chiến thắng.
***
Đúng là con gái. Tôi tưởng sau lời chúc đặc sệt tính xã giao đó thì Kim Chi sẽ không thèm để ý nữa, nhưng nào ngờ hôm sau Kim Chi có mặt khi tôi đang chuẩn bị cho trận gay cấn nhất – Phú là một trong năm đứa vô tới vòng chung kết và tôi đang lo lắng quá chừng. Phú rất kiên cường nhưng trải qua bốn vòng loại liên tiếp là quá sức đối với tấm thân gầy gò của nó. Áo quần Phú ướt nhẹp mồ hôi, tóc tai dính bết lại và lồng ngực phập phồng như gió thổi.
Nhìn nụ cười Phú rạng rỡ trên khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, Kim Chi phấn khích mở nắp cái túi điệu màu hồng đeo bên hông lấy ra cái huy chương vàng:
– Tớ có đem theo quà tặng rất hay cho học trò của cậu nè. Tớ tới trễ là vì phải lên siêu thị mua cái này đó.
Tôi ngẩn người, cái huy chương vàng óng ánh trong nắng chiều khiến tôi cảm động và càng thêm lo lắng.
– Cậu thật là chu đáo – Tôi nói – Tớ chẳng nghĩ ra được gì hay ho.
Kim Chi cười:
– Cậu lãnh điểm bốn môn Hóa là quá hay ho rồi.
Lúc này đây mà nhắc tới điểm bốn đó thì rõ ràng là Phú phải đoạt được huy chương vàng, nếu không thì thật đáng đời đứa giỏi môn toán mà không biết tính.
Tiếng trống vang lên báo hiệu bắt đầu. Tôi vội vỗ vai Phú và chạy về vị trí của mình ở vạch đích đến.
– Anh ở đây… Phú ơi… hướng này… – Tôi la lớn.
Phú là đứa khiếm thị duy nhất trong vòng chung kết cho nên chỉ có một giọng tôi vang lên. Cô hiệu trưởng đã ra lệnh không được ồn ào khiến các bạn khiếm thị không nghe được.
Được phần ba đường, Phú vượt lên dẫn đầu và tôi đang có hy vọng trở lại thì Phú bỗng loạng choạng nhảy xiên về bên phải đúng lúc thằng Vinh từ phía sau nhảy tới.
– Phú ơi… về bên trái – Tôi hét lên.
Thằng Vinh nghiêng hông ẹo qua một bên, cú né trong tích tắc không lời lẽ nào tả được, mớ tóc lỉa chỉa của Phú chạm vành tai của thằng Vinh trước khi cái đầu của nó ngoắc về bên trái theo tiếng kêu của tôi.
Thoát khỏi cú va chạm, thằng Vinh vọt lên trong lúc Phú bị chậm lại một bước và bước chậm đó kéo Phú xuống vị trí cuối.
Tiếng trống mừng người chiến thắng vang to, Thằng Vinh tươi cười giơ cao hai tay lên trời.
Nỗi thất vọng của Phú khiến tim tôi nhoi nhói. Không có nụ cười rạng rỡ, nhìn nó gầy gò làm sao.
Tôi kéo Phú đi ra khỏi cái bao rồi choàng vai nó:
– Mình được chơi rất vui phải không? Nếu em thấy mấy đứa kia to khỏe cỡ nào. Em là con kiến thi với con voi.
– Anh không cần an ủi em đâu – Phú nói.
Cầm cái huy chương vàng trong tay, Kim Chi nhìn Phú, rồi nhìn tới thằng Vinh đang vui sướng toét miệng cười. Chiến thắng của thằng Vinh đem về cho lớp năm khiếm thính một thùng bánh đậu xanh, quà của nhà tài trợ là xí nghiệp bánh kẹo. Quà đủ cho học trò cả trường, nhưng tất cả sẽ được nhận bánh sau bữa cơm chiều, còn ngay lúc này thì chỉ một mình lớp của người chiến thắng được ăn bánh trước. Phần thằng Vinh được thưởng riêng một hộp bánh to.
Kim Chi lại nhìn Phú rồi nhìn tôi, vẻ bối rối.
– Tớ xin lỗi… Tớ chỉ nghĩ tới học trò của cậu. Nhưng bây giờ thì… – Kim Chi ngập ngừng – Tớ nghĩ là… thằng Vinh xứng đáng nhận cái huy chương vàng này.
Một lần nữa, cái huy chương lại ánh lên lấp lánh trong nắng chiều và sự phản chiếu óng ánh của nó thu hút ánh nhìn của bọn khiếm thính. Tiếng reo ú ớ vang lên và những cánh tay chỉ trỏ về phía cái huy chương. Đúng rồi, hộp bánh thì rất ngon nhưng thể dục thể thao thì huy chương mới là đúng điệu.
Tôi cầm lấy cái huy chương từ tay Kim Chi. Phú không nhìn thấy. Ngày mai hay khi nào đó, nghe kể lại, chắc chắn là Phú sẽ rất buồn khi biết cái huy chương chuẩn bị cho mình mà đứa được vinh dự đeo là thằng Vinh.
Nhưng mà phải vậy thôi. Kim Chi nói đúng, thằng Vinh hoàn toàn xứng đáng.
Tôi cầm huy chương vàng đi tới chỗ thằng Vinh. Nó chằm chằm nhìn tôi rồi liếm môi nhìn cái huy chương đang tròng qua cổ nó, tay nó cầm hộp bánh chợt thõng xuống. Tôi nghe hơi thở nó thật mạnh.
– Chúc mừng em – Tôi nói và ước gì thằng Vinh nghe được lời tôi nói – Từ nay thấy anh đừng có tránh né nữa nghe.
Thằng Vinh nheo mắt nhìn môi tôi mấp máy, rồi bỗng nó ào tới đặt hộp bánh vô tay Phú và quay lưng bỏ chạy.
Tác giả: Nguyên Hương – Thực hiện: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *