Bài nổi bật

Nhân tài về quê – Phan Ngọc Chính

Các bạn thân mến, nhân vật chính của câu chuyện là chàng thanh niên nhà nghèo, học giỏi phải đối mặt với bao điều khó ngờ tới khi bắt đầu đi làm. Cần vốn là người hiền lành, chăm học, là niềm tự hào của gia đình, làng xóm. Tuy nhà nghèo nhưng cha mẹ vẫn cố gắn cho Cần ăn học thành người. Với tấm bằng đỏ xuất sắc ngành phát triển đô thị ở nước ngoài, Cần háo hức mong tới ngày mình đi làm để áp dụng những gì đã học vào cuộc sống. Nghe lời sắp xếp của bố, Cần về quê với suy nghĩ vừa gần gia đình vừa có cơ hội phát triển quê nhà. Nhưng anh không được phân công đúng ngành nghề chuyên môn của mình. Cần phải đối mặt với những điều phức tạp của đời sống công chức nhiều góc khuất. Những mối quan hệ nhất thân nhì quen, tệ nạn chạy việc, quan hệ cấp trên cấp dưới, quan hệ đồng nghiêp vô cùng phức tạp khiến chàng trai hiền lành, thật thà bối rối. Đó là những điều khác hẳn những kiến thức mà Cân được học trên giảng đường. Có những người nhanh chóng thích nghi với guồng máy làm việc như vậy. Cần thì ngỡ ngàng và có phần lạc lõng nên dần dần lạc nhịp so với mọi người. Anh được điều chuyển vài vị trí khác nhau, vài công việc khác nhưng đều không phù hợp. Rồi cuộc sống cứ cuốn anh đi khiến Cần quên dần những kế hoạch, hoài bão thời mới tốt nhiệp đại học. Đùng một cái, Cần bị tố cáo nhận hối lộ trong lúc làm việc. Một cú vấp có thể khiến cuộc đời công chức của anh chấm dứt. Rồi cuộc điện thoại bất ngờ đầy ẩn ý của chị Hiền. Trước biến cố đầu đời, Cần đã dừng bước không trượt dài vào cám dỗ tình tiền. Mất 3 năm học nhiều bài học đường đời, Cần quyết định tiếp tục làm lại từ đầu với đề án ấp ủ ngày ra trường. Truyện ngắn viết rất chân thực, sinh động phản ánh được những góc khuất, những mặt tối của môi trường làm việc phức tạp. Nhiều tài năng không được trọng dụng hoặc bị sắp xếp nhầm chỗ, sai chuyên môn. Những tệ nạn này vẫn tồn tại ở nhiều vùng, nhiều ngành nghề khác nhau ảnh hưởng tới sự phát triển của xã hội, của đất nước…(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Cần bật dậy vớ chai nước tu ừng ực rồi lại nằm vật ra ghế. Cái gì thế này, mình đang ở đâu đây? Xung quanh vắng lặng chỉ có tiếng máy điều hòa chạy sè sè. Ánh đèn đỏ lờ nhờ khiến cậu dần nhớ ra căn phòng nửa quen, nửa lạ. Chợt có tiếng guốc nhè nhẹ, một cô gái xuất hiện, xé chiếc khăn giấy ướt, luồn tay qua cổ cậu. Tỉnh rồi à cưng, để em lau cái mặt cho mình ngon giai hơn nhé. Gì mà chưa chi đã say mèm, phí rượu, phí cả người ta chờ đợi để được phục vụ mình. Cô gái áp bộ ngực khủng vào sát mặt Cần, môi má nhòe nhoẹt màu son, bộ váy ngắn hết cỡ khoe cặp đùi trắng nhễu nhại. Mùi nước hoa rẻ tiền nồng nặc. Tự nhiên người Cần thũng ra như trút hết sinh lực. Trưa nay mình lại uống quá nhiều. Dở tệ. Như nhớ ra điều gì, cậu dợm nhìn xung quanh: Mấy đồng nghiệp đi cùng tôi ở đâu? Cô gái cười ré. Yên tâm nhé anh yêu. Giờ này họ đang tăng hai với các hot girl quán em. Gỡ cánh tay mềm rượt sang bên, Cần mở cửa bước vào nhà vệ sinh. Cô cứ ra ngoài đi, tôi muốn trong này một mình. Tiếng xối nước ràn rạt. Cô gái với theo hờn mát. Chê con này già chứ gì. Thì cứ ở đấy nhá, chờ bà chủ đổi cho đào trẻ. Chẳng để ý tiếng guốc lộc cộc dằn dỗi, Cần vã nước lên cổ, lên gáy. Nước lạnh làm cậu tỉnh hơn. Đồng hồ đeo tay chỉ ba giờ chiều. Giờ này về cơ quan cũng chẳng đâu vào đâu. Mấy cái kết luận thanh, kiểm tra chỉ cần copy với thay đổi số liệu. Thôi thì làm cuốc xe ôm về nhà trọ nghỉ luôn cho khỏe.
Đúng lúc đó, điện thoại của Cần đổ chuông. Ai nhỉ? Số máy của bà Thành rỗ phó phòng tổ chức. Chắc lại sai bảo hay nhờ vả việc lặt vặt gì đây. Cứ chờ đấy nhé. Mai thì đã chết ai nào.
Ở cái cơ quan này, em mà mẫn cán quá chỉ ôm thiệt vào thân, là đầu sai của đám lãnh đạo. Cứ nhìn đâu xa, mấy đứa trẻ thạo việc đều na ná mấy chân sai nha, không hơn. Chị không muốn em cuối cùng lại phải rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc đó. Một lần, chứng kiến những sự nghịch mắt, chướng tai, chị Hiền đã dặn kĩ Cần trong sự bực bội, khó chịu. Thì như thằng Hưởng phòng nhân sự, em biết chuyên môn chính là gì không, là rót rượu, chia bài cho các anh, các chú. Từ ngày điện thoại có chức năng quay phim, mấy lão ấy không còn dám tụ tập ở phòng họp cơ quan chơi tá lả buổi trưa. Giờ nhà lão Thì là nơi chứa chấp nhóm đỏ đen công sở. Cứ bảo chỉ giải trí tí ti, đen một trưa cũng đi cả tháng lương còm. Mấy triệu với các lão là nhỏ, nhưng với bọn em thì sao? Đến như thằng Cừ phòng hành chính chuyên nghề đóng luận văn, làm tiểu luận với đi học hộ các sếp mà năm rồi cũng trượt cái nâng lương trước hạn. Đáng tội, nó cứ chắc mẩm ngoài suất đấy còn có chuyến đi nước ngoài, đùng cái, một cú điện thoại, thế là cái Vụ thế chỗ. Mà cái Vụ thì em biết “cơ” nó rồi. Vừa mới chân ướt chân ráo về cơ quan mình đã đường hoàng vào tốp chuyên gia đi châu Âu học hỏi kinh nghiệm. Nó khiến bà Thành rỗ tức nổ mắt nhưng chỉ dám ra giọng bỉ bôi sau lưng thôi. Trước mặt đố dám. Nó mà về “gáy” một tiếng thì có khi tháng sau bị điều chuyển xuống huyện. Xuống huyện là toi đời, về được mà giữ chân phó phòng chẳng dễ, tốn cả mớ chưa biết chừng. À, riêng chuyện này, chị hỏi em thật nhé, có đúng là em chẳng cần ai đỡ đầu và vào cơ quan này không tốn một đồng đối ngoại nào không?
Thực ra, chị Hiền đâu phải là người đầu tiên ở cơ quan hỏi Cần câu đó. Nhớ buổi đầu về cơ quan, sau màn ra mắt bằng dăm trái bưởi quê, trước khi phân công công việc cụ thể, ông Khường thủ trưởng đã gọi riêng Cần vào phòng giọng tỉ tê, nỉ nả. Chú hỏi thật, mày là con cháu sếp nào ở tỉnh hay mãi tận trên kia? Để xem nào, Hàn Thanh Cần, kể ra họ cũng hơi hiếm đấy. Thôi đúng rồi, cháu họ hàng thế nào với anh Lĩnh dưới Chướng Khê nhỉ? Cùng họ, cùng tên đệm, trúng phóc rồi còn gì. Kì tới anh Lĩnh hết đợt luân chuyển, chắc sẽ về lại tỉnh ta thôi. Lúc đó, thằng cháu sẽ chuyển đi chứ ở gì mãi đây với bọn chú nữa hả. Những câu hỏi rồi tự trả lời tới tấp của ông sếp khiến đầu Cần rối, chẳng biết mở miệng sao. Cậu chỉ thấy trước mắt, khuôn mặt người đàn ông nhiều thịt, bóng nhẫy cứ lật khật vẻ gần gũi, thân thiết. Cắp mắt lươn ti hí chớp chớp, đoạn nhoẻn cười khoe bộ răng rin rít vàng ố nước chè với sự xám xịt vì ám khói thuốc. Hôm nào nói với chú Lĩnh là chú Khường hỏi thăm nhé. Chú Khường nể gương rèn luyện phấn đấu của sếp Lĩnh lắm đấy. Người tài đức như vậy nhất định sẽ còn tiến xa…
Đã mấy lần Cần định bộc bạch thực cháu chẳng có ai quen trên tỉnh, ở trung ương với Hà Nội càng không. À, đúng ra, có mỗi chú Xoa, hàng xóm ở quê, ngay sát vách nhà, là chuyên viên một cơ quan đoàn thể. Cần nhớ hôm nhận quyết định tuyển dụng theo diện thu hút nhân tài, ông Từ bố cậu thịt hai con ngan to làm mấy mâm mời cả xóm chung vui. Bác Mừng trưởng họ trịnh trọng thắp hương cẩn báo tổ tiên, từ nay họ Hàn có một suất đinh không làm cán bộ huyện xã làng nhàng mà ở tận cơ quan hàng tỉnh. Rõ ràng là đáng tự hào lắm. Làng này xưa nay đã ai có vinh dự ấy đâu. Không những vậy, còn diện trải thảm đỏ, thu hút nhân tài mới mát mặt chứ lị. Hôm đó, chú Xoa trên tỉnh về quê cũng sang cụng chén chúc mừng. Lúc ngà ngà say, cầm tờ quyết định của Cần, chú nửa đùa, nửa thật. Tờ giấy này giờ có giá không dưới năm trăm đâu. Mà là năm trăm triệu các cụ ạ. Mấy cụ đang ăn nghe vậy chống đũa há hốc mồm. Gì hả? năm trăm triệu, mua được hàng chục sào ruộng ở cái làng này, hơn cả đám hương lí thời trước. Vậy là nhờ trên rộng cửa đón nhân tài, phúc đức ấy mới đến với họ Hàn. Rồi thằng Cần sẽ phú quý, hiển vinh làm rạng danh cho làng, cho họ.
“Làng này đã ai làm được thế đâu.” Điều đó Cần được nghe các cụ trong họ nói về mình lần đầu từ kì hai năm cuối cùng cấp một. Cậu học sinh con nhà nông ở cái làng thuộc diện xa và lạc hậu nhất huyện bất ngờ đạt giải nhì môn toán toàn tỉnh. Thầy chủ nhiệm mặt rờ rỡ đã đành, thấy hiệu trưởng còn hỉ hả hơn thế. Lần đầu tiên trường có học sinh đạt giải cấp tỉnh, chứng tỏ chất lượng đào tạo có bước đại nhảy vọt. Tờ trình xin xây lại nhà hiệu bộ và nâng cấp phòng học sẽ có thêm sức nặng để được duyệt. Trong lúc cao hứng, thầy hiệu trưởng rút ví móc ra tờ tiền đưa tới sát mặt Cần. Thầy thưởng nóng cho em. Cầm tờ bạc mệnh giá lớn trên tay, Cần chưa ý thức được thành tích mình đem lại cho trường và các thầy lại quan trọng đến thế.
Lên cấp hai, cậu ra trường huyện, được ở trọ tập thể. Bà Từ bán lợn sắm cho con cái xe đạp Thống Nhất mới kính coong. Cuối tuần, Cần đạp xe về quê trên con đường đê uốn lượn bụi mù bởi xe công nông đầu ngang. Tới đoạn đường làng khúc khuỷu, cậu đi chậm, cất tiếng chào các bà, các bá đang vãi phân, quất trâu dưới đồng. Ai nhìn lên cũng nức nở khen ngợi thằng bé học giỏi nức tiếng lại ngoan ngoãn, lễ phép.
Tiếp đà phấn đấu đó, lên cấp ba Cần học trường chuyên tỉnh khi có giải quốc gia. Giờ đây cậu là niềm tự hào của các thầy trường huyện. Cuối tuần, cậu về quê tha gạo, muối, rau củ lên nấu cơm cùng bạn, chắt chiu khoản học bổng nộp vào một trung tâm Anh ngữ. Thầy chủ nhiệm bảo, các em phải biết nhìn xa, nếu ngoại ngữ giỏi, một số thành viên lớp ta đủ sức săn học bổng du học. Kì hai năm cuối cấp, niềm vui vỡ òa với Cần khi hồ sơ dự tuyển của cậu đạt điểm rất cao kì tuyển sinh của một trường ngoại quốc danh tiếng. Bài luận về hành trình vượt khó, vươn lên của cậu bé nghèo nông thôn được đánh giá mang yếu tố quyết định. Nhưng liền đó, vấn đề nan giải cũng tức khắc nảy sinh. Lấy gì chi trả cho ít nhất là năm học đầu tiên đây? Dù học bổng trăm phần trăm thì còn tiền trọ, tiền sinh hoạt phí đều là những khoản đắt đỏ. Sau lúc chia vui, các thầy và bạn bè xúm lại tìm hướng tư vấn, hỗ trợ cậu. Một bạn mách, có anh khóa trước cũng đang theo học trường này, các thầy thử liên hệ để nhờ giúp đỡ bạn ấy xem sao. Một hồi thông tin trao đổi với học trò cũ, thầy dạy toán phấn khởi tuyên bố anh khóa trước đồng ý bao toàn bộ tiền trọ cho Cần năm đầu. Một việc lớn ý nghĩa, coi như xong.
Đêm đó, sau khi tiễn họ hàng, xóm mạc đến chúc mừng người đầu tiên trong xã giành học bổng du học, gà gáy báo canh hai mà ông bà Từ vẫn thao thức chưa ngủ. Bà Từ thẽ thọt, con đỗ đạt, vui lớn nhưng giờ lấy tiền đâu để nó đi học hả ông. Thì tôi cũng đang tính nát nước đây. Bà để tôi nghĩ đã nào. Này nhé, để có tiền cho con ăn ở sáu tháng đầu, ta phải bán cặp trâu và nghé thôi. Tối qua, bác Mừng trưởng họ bảo nếu chú cần, anh cho vay cặp bò sau này thằng Cần thành tài đi làm trả anh cũng được. Rồi ông Kỷ, trưởng thôn, bạn đồng ngũ của tôi rỉ tai, gia đình mình thuộc hộ cận nghèo, nay mai thiếu quá xin chuyển sang hộ nghèo, làm cái sổ xin vay chính sách cũng giải quyết được thêm mươi triệu…
Vượt trên kì vọng của gia đình, họ mạc, chỉ mới sử dụng hết cặp bò vay của bác Mừng thì ở phương xa, Cần báo về quê đã đi làm thêm tại một tiệm đồ ăn nhanh, thù lao đủ trang trải mức phí sinh hoạt. Về kết quả học, cậu luôn đạt điểm A các môn. Năm thứ hai, cuối tuần cậu theo bạn bè về nông trang cắt cỏ, hái nho, tiền công đủ trả phí thuê nhà, thậm chí còn dư chút đỉnh. Bốn năm trôi qua, cậu cầm tấm bằng đỏ đại học và nộp đơn xin vào làm ở một tập đoàn đa quốc gia.
Chuẩn bị chính thức đi làm thì Cần nhận được cuộc gọi quan trọng của bố. Ông Từ điện sang mừng rỡ nói với con, thu xếp về nhanh bởi có một cơ hội làm viêc quá tốt ngay quê hương. Thì đây, báo đăng trang nhất tin tuyển dụng công chức, không phải dạng tầm thường như xưa nay vẫn làm. Lần đầu tiên tỉnh tuyển loạt công chức diện chiêu hiền, đãi sĩ, trải thảm đỏ đón nhân tài, tốt nghiệp đại học nước ngoài nghiễm nhiên có suất xét thẳng. Cơ hội trở thành cán bộ hàng tỉnh ưu tú chưa bao giờ rõ ràng, hấp dẫn và đáng tự hào thế này… Nhưng ở bên này, con được công ti tuyển dụng hứa trả mức lương hấp dẫn bố ơi. Cần giấu bố việc cậu muốn ở lại còn có thêm lí do không muốn xa Hoa, cô bạn gái cùng trường, học dưới cậu hai khóa. Không nhưng gì hết, hay ho gì đi làm thuê cho đám tư bản, chỉ được mỗi có tiền. Về mà cống hiến cho tỉnh, cho quê hương rồi thì tất cả sẽ đến. Nhanh lên con nhé, đừng để bố, bác Mừng và cả họ, cả tổng thất vọng đấy.
*
*        *
Ấy vậy mà sự quan tâm, có phần chăm chút của thủ trưởng Khường với Cần thay đổi một trăm tám mươi độ kể từ khi Cần thật thà nói rõ gia cảnh, xuất thân. Vẻ mặt lạnh lùng, ông Khường buông lời giao việc thủng thẳng: Cháu về phòng hành chính, từ nay đầu giờ buổi sáng xem có thư tín, báo mới gửi đến thì phát cho các phòng. Sau đó qua chỗ chị Tình xem có công văn, báo cáo nào cần phô tô thì phụ chị ấy sao lưu. Lúc rảnh rỗi hơn, xem anh Đàm, chú Biên cần soạn văn bản gì thì phụ giúp vài việc. Cứ như thế đã.
Đã một lần, đứng trước sếp Khường, Cần lấy hết can đảm hỏi điều mà từ ngày được phân công về đây, cậu luôn day dứt, trăn trở. Thưa chú, cháu học ngành phát triển đô thị sao tỉnh lại đưa về một đơn vị chẳng có gì liên quan? Không rời mắt khỏi màn hình đang mở một trò game, ông Khường tỏ vẻ khó chịu. Đi mà hỏi tỉnh. Tôi chỉ được giao nhận cậu chứ có ai bảo gì với tôi đâu… Mà đã nói rồi, các cậu với mớ kiến thức bên Tây là hay lí thuyết suông lắm. Ừ thì nhân tài, ừ thì tỉnh trải thảm đỏ đấy nhưng khối người thời đầu, việc dễ cũng vẫn “bó tay chấm com” kia kìa. Nhiều sở ngành thấm rồi. Học khác, làm khác. Cái bệnh chung của các cậu là nóng vội và rất dễ kiêu ngạo.
Ở mình nó thế, để tồn tại được, em phải biết thích nghi thôi. Đó là điều mà chị Hiền, người lãnh đạo duy nhất trong cơ quan thẳng thắn nói với Cần khi thấy cậu trầm tư, nghĩ ngợi. Là cấp phó của ông Khường, nhưng chị Hiền không quan cách, lạnh lùng như mấy vị trưởng, phó phòng dưới quyền. Buổi đầu tiên gặp người đàn bà tuổi chừng bốn nhăm, dáng phốp pháp, sang trọng nhưng ẩn chứa chút cá tính, ngang ngạnh, lại là lãnh đạo đơn vị, Cần khép nép gọi cô. Cô cháu gì, cứ chị em cho tiện. Đám trẻ cơ quan này đứa nào cũng xưng hô chị em với tôi. Chứng kiến sự lúng túng, e ngại của cậu chuyên viên trẻ, chị bật cười. Không phải căng thẳng quá vậy. Dần dà sẽ ngấm văn hóa riêng ở đây. Về công việc, có khó khăn gì giúp được, cứ nói với chị nhé.
Còn gì quý hơn khi một người lãnh đạo mở lời với cán bộ trẻ vừa chân ướt chân ráo vào cơ quan như thế. Tuy nhiên, Cần biết vị trí của mình, đâu dám lại gần, cũng chẳng dám làm phiền gì chị Hiền, chỉ thầm quý trọng chị theo kiểu “kính nhi, viễn chi”. Ngược lại, chị Hiền thực sự quý và có ấn tượng tốt về cậu kể từ lần chứng kiến Cần nói tiếng Anh như gió, trên tài cả cậu phiên dịch đi cùng vị chuyên gia nước ngoài ghé qua cơ quan làm việc trong sự ngỡ ngàng, ngơ ngác của toàn thể đơn vị. Không chỉ đóng vai phiên dịch bất đắc dĩ, Cần còn tranh luận với vị chuyên gia kia vài vấn đề về kĩ thuật rồi quay sang giải thích cho mọi người hiểu thêm. Kể từ đó, thảng hoặc những lần Cần mang báo mới đến phòng, chị bảo Cần ngồi lại giải nghĩa giúp vài bài đọc hiểu Anh ngữ của lớp cao học tại chức mà chị đang theo để hoàn thiện bằng cấp. Có lần, nghe Cần giải thích mãi mấy từ tiếng Anh cơ bản mà chị vẫn bất lực không hiểu, quay sang hỏi han cậu về cuộc sống, công việc. Lương khởi điểm công chức, ở bên kia về em có cảm thấy sốc? Kể ra ban đầu, em cũng khá sốc khi tháng lương công chức ở ta chỉ bằng tuần làm thêm xứ người. Cán bộ trẻ, phải thuê nhà trọ, chắc là khó sống nhỉ? Em thu xếp khéo cũng tạm ổn, giống như thời đi học trường chuyên thôi. Về là em đã xác định tư tưởng, với lại tự nghĩ mình trẻ, đã có đóng góp được gì đâu mà đòi hỏi hưởng thụ. Ừ, suy nghĩ được vậy là rất khá. Nhưng sao chị thấy em luôn có vẻ ưu tư, đượm buồn.
Vậy là có bao nhiêu điều day dứt ủ kín trong lòng, không kìm nén nổi, Cần được dịp dốc ra chia sẻ với chị. Lúc xác định về nước tham gia dự tuyển công chức, em đã nung nấu xây dựng một đề án đưa mô hình đô thị sinh thái kết hợp du lịch bền vững đang thịnh hành ở các nước Bắc Âu về báo cáo các chú, các chị. Em học về quản lí đô thị nên tâm đắc, đi sâu nghiên cứu lĩnh vực này từ thuở mới sang. Về quê em mới thấy du lịch tỉnh ta đầy tiềm năng mà khai thác tự phát, bừa bãi quá. Cả một hệ thống danh thắng, cảnh quan, khu vui chơi giải trí đến dịch vụ cứ như mớ bòng bong, mạnh ai nấy làm. Quy hoạch có cũng như không. Hệ thống quản lí ơ hờ còn chủ kinh doanh thì ra sức chặt chém. Cứ ăn xổi thế này, làm sao phát triển bền vững được. Bởi vậy, em mong muốn một ngày không xa, đề án của em được tỉnh mình xem xét, áp dụng. Khi đó, thành phố tỉnh lị là hạt nhân, các địa danh du lịch xung quanh là vệ tinh kèm hệ thống dịch vụ tiện ích phù hợp, chan hòa với thiên nhiên. Trước mắt, về kinh tế có thể chưa đem lại sự đột biến nguồn thu, nhưng tương lai không xa sẽ là điểm nhấn lớn, đặc biệt là khắc phục bệnh ăn xổi, phá nát cảnh quan danh thắng.
Để cảm xúc trong chàng trai trẻ lắng xuống, chị Hiền nhìn xa xăm, gương mặt đẹp, nặng tô vẽ, phấn son trầm đi. Những điều em nói rất đúng. Dù tỉnh ta chưa có ai xây dựng được một đề án mang tính chiến lược, có cơ sở khoa học kèm số liệu minh chứng rõ nét như em, nhưng vấn đề các địa danh đang bị phá nát thì đã không ít người nhìn ra. Thấy, nhưng để làm được là khó lắm em à. Rồi thời gian sẽ giúp em dần hiểu…
Còn lí do tại sao em học chuyên ngành về quản lí đô thị lại được phân công về một đơn vị không liên quan như cơ quan ta ư? Gần đây chị mới rõ, chương trình tuyển dụng nhân tài này là sáng kiến của ông Túy thời còn lãnh đạo tỉnh. Nó mang tính truyền thông, đánh bóng và đua theo mấy nơi. Vậy nên đài báo mới vào cuộc và đưa tin rần rần. Sau một hồi ghi điểm, ông Túy về bộ, mấy chục biên chế rải đều các sở, ngành. Mọi chuyện rơi vào lãng quên.
*
*        *
Cậu Cần tốt nghiệp đại học bằng đỏ ở nước ngoài mà về cơ quan ta, giao toàn việc hành chính lặt vặt thật khó có thể chấp nhận. Một lần họp lãnh đạo cơ quan, chị Hiền đã lớn tiếng cật vấn thủ trưởng Khường. Ông Khường thở dài, cơ quan ta đang thừa người, phân việc gì cũng khó. Để không mang tiếng tôi bạc đãi nhân tài, thôi điều cậu ấy về mấy phòng do chị Hiền phụ trách. Vậy là Cần được chuyển phòng…
Ở cơ quan này, dù là phó nhưng chỉ riêng chị Hiền là ông Khường phải nể. Sở dĩ vậy bởi ông chồng già của chị vốn là một cựu lãnh đạo tỉnh từng rất có quyền lực. Hai mươi năm trước, một lần về huyện công tác, ông phải lòng cô văn thư trẻ hơn mấy chục tuổi, rồi hai bên lén lút qua lại. Ngày cô báo mình có mang con trai, ông về đâm đơn li dị bà vợ già chỉ sinh một bầy vịt giời. Bà vợ già ban đầu không chịu, định tổ chức đánh ghen nhưng rồi anh em trong họ xúm lại khuyên nhủ, chị phải kìm chế để giữ uy tín, sự nghiệp, thể diện cho anh. Vậy là mọi chuyện êm xuôi, chị Hiền lên tỉnh với vai phu nhân, được đưa đi học, rồi lên dần các vị trí quản lí. Chị tính thẳng, không quen ngọt nhạt, thậm chí có lúc còn nóng nảy, đốp chát. Dù ông chồng về hưu đã khá lâu nhưng thủ trưởng cơ quan nào chị qua cũng ngại, không mấy khi muốn đôi co, va chạm. Chị biết cái thế của mình nên sẵn sàng sẵng giọng mỗi khi thấy nghịch nhĩ, ngứa mắt. Bởi vậy mà trong phân công phụ trách, mảng của chị luôn có sự ưu ái nhất định. Được cái, chị sống với cán bộ dưới quyền tốt tính nên nhiều người quý mến, đặc biệt là cánh trẻ…
Về với mảng chị Hiền phụ trách, Cần được xếp vào phòng thanh, kiểm tra. Dạ, hay cho em về bộ phận nào có chuyên môn sâu được không chị ơi? Cần thẳng thắn đề đạt. Chị Hiền khẽ cau mày. Công việc này trước mắt có thể không mấy hợp với em nhưng có cái hay là ít nhiều sẽ giúp em cải thiện thu nhập và mở mang quan hệ. Đang tuổi thanh niên, lương công chức khởi điểm, xa gia đình, chị hiểu nó khó khăn thế nào.
Cậu được bà Hiền ưu ái đặc biệt mới về được phòng này biết chưa? Anh Xu, trưởng phòng một lần đã nói vậy với Cần. Như cái Lài kia, bố nó gặp rồi gọi cho bà Hiền mấy lần xin nó về phòng này mà bà ấy đã gật đâu. Nhưng em thấy cứ thế nào ấy, làm thanh, kiểm tra gì mà chuyên “bới lông, tìm vết”, xuống cơ sở là tìm mọi cách để bẻ hành, bẻ tỏi người ta. Rồi đà đận đưa đẩy, rồi chủ khách thết đãi, lần nào cũng có phong bì cầm về. Có cái phong bì em mở ra bằng cả tháng lương công chức. Nhận tiền kiểu này, em thấy nó cứ không chính đáng, đàng hoàng… Cậu đúng là lẩn thẩn và hâm thối. Bỏ ngay suy nghĩ dớ dẩn, dở người đó đi. Đi làm không để kiếm tiền thì còn muốn thế nào. Đừng nói với bà Hiền suy nghĩ ấy mà bà thấy uổng công quan tâm đấy. Sống ở đời một mình một kiểu… rồi thì chẳng thể tồn tại nổi đâu. Hãy vứt ngay cái mớ chữ trời tây mà chăm chú vào việc. Cần cúi mặt, lần đầu tiên cậu không dám hé thêm nửa lời.
Thời gian trôi đi, công việc ở phòng mới khiến cậu quen hơn. Lâu dần, cái đề án mà cậu nung nấu những ngày đầu nhận việc, được xếp vào một góc bàn, không còn khiến cậu bận tâm. Ở phòng mới, có thêm đồng ra, đồng vào, cậu ăn mặc bảnh bao, thi thoảng gặp lại đám bạn cũ, ai cũng khen trông phát tướng, phong độ hơn hẳn thời bên tây mới về. Vài cô trong cơ quan lén nhìn cậu với cái nhìn ao ước nỗi thầm thương, trộm nhớ.
Dạo này chị Hiền cũng thường vắng mặt ở cơ quan vì nhà chị xảy ra biến cố. Ông chồng già của chị bất ngờ bị đột quỵ, phải nhập viện điều trị dài ngày. Chị xin bảo lưu kết quả cao học, nghỉ cả tháng chăm chồng trong viện. Hôm anh em trong phòng tới thăm, nhìn chị gầy xọp, mắt thiếu ngủ, mặt nhợt nhạt, hình thức trể nải vì lo lắng, ai cũng thương cảm, ái ngại.
*
*        *
Chưa kịp vẫy xe ôm để về căn phòng trọ thì cuốc điện thoại thứ ba của bà Thành rỗ khiến Cần không thể không nghe. Đầu dây bên kia, giọng bà Thành nói như ra lệnh. Cậu ở đâu, về cơ quan ngay, sếp Khường triệu tập họp gấp. Họp để xử lí việc của cậu. Rắc rối to rồi. Mươi phút nữa phải có mặt đấy.
Cần về đến nơi trong hơi men váng vất đã thấy ban lãnh đạo cơ quan ngồi đầy đủ chờ đợi. Chị Hiền cũng vừa vội vàng ở bệnh viện vào, mặt không cả kịp trang điểm. Mắt chị thâm quầng, lộ rõ nét mệt mỏi, căng thẳng, lảng ánh nhìn nửa bám víu và dò xét của cậu. Ở một góc phòng, bà Thành rỗ cầm bút ghi biên bản, vẻ ngoài toát lên sự đắc ý, giễu cợt. Kéo cặp kính cận trễ xuống, ông Khường ra chiều suy tư, dằn vặt nhưng khóe mép khẽ nhếch lên, cố giấu đi sự thỏa mãn hể hả. Lâu nay cứ nghĩ chị Hiền cho anh em kèm cặp, cậu Cần sẽ trưởng thành, xứng đáng là hạt giống đỏ, đúng như kì vọng tuyển dụng vào cơ quan ta. Thì đây, kết quả là đây, dù muốn hay không chúng ta cũng phải nhìn nhận. Dưới cơ sở họ gửi lên một số bức ảnh có cảnh cậu Cần nhận phong bì khi đi thanh, kiểm tra. Mấy tấm hình này mà đến tay đám phóng viên báo chí, chẳng những uy tín cơ quan ta đi tong, những danh hiệu khen thưởng đợt tới mất sạch mà có khi công an còn tìm hiểu, vào cuộc. Nghĩ đến uy tín đơn vị với tương lai cán bộ, tôi phải vận dụng các mối quan hệ trên dưới, mới được họ đồng ý cho xử lí nội bộ…
Cuộc họp chớp nhoáng nhưng đúng trình tự, nguyên tắc đến mức không ai có thể ý kiến thêm. Thủ trưởng Khường kết luận. Thú thực, chẳng vui vẻ gì khi phải ngồi với nhau xử lí những sự việc này. Tuy nhiên, để làm gương cho cán bộ, công chức với lại bảo vệ uy tín cơ quan, chúng ta không thể bỏ qua. Việc sai phạm của chuyên viên Hàn Thanh Cần, tôi đề nghị phải nhận hình thức kỉ luật cảnh cáo. Với đồng chí Trương Thị Hiền, là lãnh đạo trực tiếp phụ trách mảng việc có cán bộ sai phạm, là người tôi giao dìu dắt, bồi dưỡng cậu Cần, bởi vậy cũng không thể đứng ngoài. Tôi đề nghị, đồng chí Hiền nhận hình thức kỉ luật khiển trách. Các đồng chí có ý kiến gì không?
Bước ra khỏi cơ quan với tờ quyết định kỉ luật trên tay, Cần đi lang thang vô định. Gần ba năm làm việc, kết quả là tờ giấy A4 này đây, một điều không thể ngờ mà cậu phải đối mặt. Tự nhiên, cậu muốn hét lên, muốn trút ra bao điều dồn nén, uất ức trong lồng ngực mà sao chẳng thể cất lời. Nhớ tới những hoài bão, khao khát làm việc ngày mới trở về nước, bất giác cậu cười khẩy, lòng chất chứa sự cay đắng, chua chát. Biết nói với bố mẹ, bác Mừng và họ mạc, làng xóm thế nào? Rồi các thầy trường chuyên và bè bạn trong, ngoài nước? Chưa biết đi đâu, làm gì để trút bỏ nổi buồn tê tái, thì điện thoại lại từng chặp rung chuông. Số của chị Hiền. Từ đầu dây bên kia, giọng người đàn bà nẫu nuột, xa vắng. Em đến nhà chị đi, chị muốn gặp và tâm sự với em…
Từ ngày ông chồng đổ bệnh phải nhập viện, cấm khẩu và có tiên lượng xấu, cậu con trai đi du học xa, căn biệt thự nhà vườn đẹp và sang trọng nổi tiếng chỉ có mỗi người đàn bà thi thoảng đáo về những lúc quá mệt mỏi. Cánh cổng sắt hoa văn, bề thế nhiều ngày khép im ỉm, nay hé mở ơ hờ. Chị Hiền đón Cần ở cửa. Cậu thoáng ngỡ ngàng khi hôm nay chị trang điểm tỉ mỉ, khuôn mặt đẹp trở lại như những ngày chị đi làm trước đây. Cả chiếc váy ngủ xanh lơ có thắt đai lưng lộ tấm thân đàn bà mềm mại cũng khiến chị toát lên nét hấp dẫn kì lạ. Chị kéo ghế lại gần Cần rồi với chai Whisky đã vơi một phần, rót ra hai li. Uống với chị đi em. Ừ, li nữa đi, chị buồn quá. Em biết không, sự việc xảy ra chẳng phải lão Khường nhằm vào em đâu mà là muốn chơi chị. Từ lâu, lão đã muốn dằn mặt chị để có cớ điều chuyển, ôm về mấy phòng, trong đó có phòng thanh, kiểm tra. Lão ức vì mấy lần đề nghị đưa người lão nhận về phòng này mà chị phản kháng, không chịu. Cái bóng của ông lão nhà chị vẫn khiến gã nể, sợ. Vậy mà ông ấy vừa đổ bệnh…
Chị Hiền lại rót thêm rồi dốc cạn li rượu.
Em biết không, ở cơ quan mình ai cũng bảo chị sướng, có số hưởng. Nhưng nào ai biết chị có nỗi khổ riêng. Những năm gần đây, ông lão nhà chị tuổi cao, sức khỏe đi xuống, ngày càng khó nết và bẳn tính đã đành, ngay sinh hoạt vợ chồng cũng không còn hòa hợp. Chị có chồng mà lâu lắm chưa được gần đàn ông. Nhiều khi, chị cô đơn trong chính căn nhà của mình. Nào uống đi, uống cho say. Hôm nay, em ở đây với chị nhé…
Cần sỗ sàng đẩy người đàn bà ra vì chợt nhớ còn điều gì đó đang canh cánh đợi mình. Phải rồi, đó là lời nhắn của Hoa, cô bạn gái cậu về một cuộc gọi tâm sự một quyết định quan trọng cho tương lai. Hoa vừa cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học loại ưu bên kia. Cô không giấu mong muốn được về làm việc trên quê hương Cần để hai đứa hướng tới ngôi nhà và những đứa trẻ.
Biết nói gì với Hoa lúc này?
Phải rồi, Cần sẽ nói Hoa cứ về đi. Bạn bè học cùng với Cần về ở những tỉnh, thành phố khác chẳng con ông này cháu ông kia vẫn được tạo điều kiện làm đúng chuyên môn, phát huy hết những điều đã say mê theo đuổi nơi xứ người đấy còn gì. Thằng Vinh, thằng Giang, cái Tâm, cái Hà, cái Nhung…, có đứa đã được đề bạt lên làm trưởng phòng, tương lai phó giám đốc, giám đốc sở trong tầm tay. Khi biết hoàn cảnh bị chèn ép ở đây chúng rủ Cần về làm chung, Cần cứ đắn đo, nhưng giờ phải quyết thôi, không làm tỉnh này thì làm tỉnh khác, đâu cũng trên nước Việt mình cả.
Lặng rời căn biệt thự nhà vườn sang trọng khi trời đã tối sẫm, Cần trở lại cơ quan. Ông bảo vệ già ân cần mở cổng, cảm thông việc đám cán bộ trẻ hay để quên đồ. Cậu đáp trả lễ phép, mở cửa phòng, bật máy tính và nhanh chóng viết đơn. Đơn xin thôi việc. Đọc lại một lần nữa trước khi kí, cậu cẩn thận để ngay ngắn trên bàn, không quên chặn một chiếc bút cho tờ đơn khỏi rơi.
Ra khỏi cơ quan, cậu rảo bước thật nhanh.
Đề án ngày mới về nước cắp ở nách như cựa quậy…
P.N.C

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *