RadioVn.Com – Thỉnh thoảng ban đêm, con Út lại ú ớ mơ ngủ. Có lúc, nó khóc nức khóc ngạt hồi lâu mới nín. Những lúc ấy, Thêm lại vuốt ve, cưng nựng. Khi con bé ngủ trở lại cũng là lúc Thêm không sao ngủ được nữa. Cả Lợi cũng thức. Song cả hai đều rơi vào im lặng đến ngột ngạt. Rồi Lợi cũng quay vào ôm chặt lấy Thêm. Bàn tay anh lần lần lau nước mắt cho cô.
Ban ngày, con Út có vẻ nhu mì, ngoan ngoãn. Miệng nó lúc nào cũng reo réo: “Má Thêm ơi! Má Thêm!”. Cô đi đâu, nó bám theo ngoăn ngoắt. Bảo gì nghe đấy. Dạ dạ vâng vâng. Đáng yêu vô cùng. Vậy mà ban đêm, nó lại trở về với những giấc mơ đẹp đẽ từ hồi má Thản nó còn sống làm Thêm đắng đót. Trong giấc mơ ấy, trong lòng nó như chưa có cô. Cô vẫn là người xa lạ trong căn nhà này. Trong giấc mơ ấy, nó gọi má nó ơi ới như sự việc vừa xảy ra trong ngày.
Con Út là đứa hồn nhiên thông minh. Gặp chuyện gì nó cũng hỏi. Chuyện gì, Thêm cũng giảng giải để nó hiểu. Còn chuyện, cô có phải là má của nó không thì Thêm không thể. Không sanh ra nó. Nó kêu là cô, là bác như người hàng xóm, vẫn phải chiều nó, đáp lời. Rồi lớn nó sẽ hiểu. Còn bây giờ, bảo đúng, bảo phải thì nó cãi lại: “Không phải, ai sanh ra mới được gọi là má. Má Thản mới là sanh ra Út”. Bảo không phải nó cũng bắt bẻ: “Sao ba bắt nó kêu dì Thêm là má…”. Cứ nhon nhỏn như thế, sao bắt lỗi được nó. Chỉ có bắt lỗi mình. Chỉ có đắng đót phận mình.
Má con Út mất đã được gần hai năm. Hình như, ông trời có sự bù trì. Lúc còn sống, vợ chồng Lợi, Thản sống rủ rỉ, tâm tính hợp nhau lắm. Đi đâu cũng kẹp đôi, kẹp ba. Đặc biệt, con Út được cưng chiều vô cùng.
Từ lúc má mất, nó không thích làm dáng nữa. Không vừa ý cái gì, nó nguây nguẩy, phụng phịu. Lúc giận dỗi, nó la lớn: “Má Thản ơi! Má Thản ơi!”. Hồi trước, mỗi lần nó la, má nó ở đâu vội chạy về ngay. Song hình như, má nó vẫn về như trước đây mà mỗi nó mới nhìn thấy. Vì thế, loáng sau nó đã vui vẻ đến lạ lẫm. Nhiều lúc, nó lẩm nhẩm hoài như đang nói chuyện với má nó.
Lúc Thêm về, con Út nhất định không theo cô. Nó cứ quấn riết lấy ba Lợi như thể dì Thêm sẽ lấy hết ba của nó. Mấy đêm đầu mới cưới, nó vẫn đòi ngủ cùng với ba. Thế là, vẫn ba người một giường như ngày má Thản nó còn sống. Nó nằm cạnh ba Lợi. Chờ nó ngủ quên, Thêm mới đổi chỗ để nằm cạnh nó. Thi thoảng ngủ say, nó quờ quạng rồi ôm lấy Thêm. Nó vẫn nhớ hơi của má nó.
Thương thì thương thật. Song, nhiều lúc cũng giận. Giận. Nhưng rồi lại nín nhịn chứ đâu có dám mắng, dám đánh. Nó cũng yêu má Thêm nhưng sự hồn nhiên con nít thì không ai dạy. Thi thoảng, nó lấy má Thản ra để so sánh. Chẳng ai được như má nó. Thêm đã cưng chiều, vậy mà, Lợi còn chiều con hơn. Nhiều khi Lợi cưng chiều quá mức. Vì thế, con bé càng ngày càng được thể, ỉ lại, nhõng nhẽo. Nó cứ sai dõng lấy cho Út cái này, lấy cho Út cái kia, ba nó lại ngừng tay để lấy cho nó. Những lúc ấy, cô bực với nó thì ít, bực với ba Lợi nó thì nhiều. Cô muốn rèn nếp cho con bé có ý thức tự lập. Sang năm, nó đã đi học lớp một rồi. Nhà neo người, tập làm cho nó quen. Nhất là sau này có thêm em bé. Song nhiều lúc, Thêm cũng sợ Lợi hiểu lầm. Giá nó là con đẻ của cô, chắc cô không chiều như thế, có lúc sẽ mắng chửi, sẽ cho vài ba vụt. Coi nó như con đẻ để đe nẹt bằng roi vụt cũng không thể, sợ chuyện thị phi, hiểu lầm của người khác. Có lần, giận quá, cô định nạt dữ. Vừa chạm vào tay nó. Ánh mắt nó như có tia lửa điện xẹt qua. Ánh mắt ấy chính là ánh mắt của Thản trên ban thờ. Ánh mắt ấy như soi rọi thấu tất cả mọi việc trong gia đình. Vì thế, Thêm chưa bao giờ cảm thấy thoải mái trong tâm tưởng. Cô muốn làm, muốn được tự do, muốn không ai để ý, ngăn cản công việc, vậy mà… Chuyện vợ chồng, nhiều lúc cũng gượng gạo. Sống cuộc sống của mình mà như sống thêm cả cuộc sống của người khác. Lựa người sống. Lại lựa cả hình cả bóng người đã mất. Tại sao Thêm lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này? Cuộc sống thật phức tạp. Sợi dây tình cảm xưa vẫn níu chặt ba người trong ngôi nhà như hồi Thản còn sống. Nhà như có bốn người.
***
Từ khi vợ mất, người đàn ông trong Lợi không kêu than, vật vã mà nuốt nỗi đau vào bên trong. Vợ chồng như thân thể gần chục năm trời. Nay như bị chặt đứt mất một nửa. Còn nỗi đau nào sánh bằng. Đã thế, chưa có người đàn ông nào yêu vợ như Lợi. Sống với Thản gần chục năm song chưa một lần anh đánh cãi làm cho Thản khổ. Khi Thản ốm, anh chăm sóc tận tụy ngày đêm. Thản mất, anh tưởng như gục ngã không đứng dậy nổi. Nhưng rồi anh lại gượng dậy vì còn con Út, vì trách nhiệm với Thản. Anh đã dặn lòng bao giờ con Út khôn lớn trưởng thành mới tính chuyện. Vậy mà, số phận đã cắt đặt anh đến với Thêm nhanh quá.
Quả thực, khi cưới Thêm là anh chiều lòng người sống. Bố mẹ hai bên khuyên nhủ. Họ đau lòng vì người đã mất. Họ cũng xót xa cho người sống cảnh gà trống nuôi con côi cút, lủi thủi. Vả lại, chưa qua sông sao biết dòng trong đục. Lấy Thêm rồi, Lợi mới thấy ân hận. Thấy như người mắc lỗi với Thêm, với cả Thản. Tuy thương Thêm, cố vượt lên để bù đắp cho Thêm song hình bóng Thản vẫn không thể khuất lấp. Bóng Thêm vừa ra thì bóng Thản lại vụt về quanh quất. Nhà luôn có hai người đàn bà. Anh biết Thản không ích kỷ. Khi biết mình lâm bệnh không qua khỏi, Thản đã dặn dò anh lấy người về cho vui cửa vui nhà. Vì vậy, Thản có về ngôi nhà cũng là nhớ chồng thương con, chứ không có ý làm hại Thêm. Lợi cũng thấy khó hiểu khi có chuyện gì, anh lại mong Thản về. Thấy bóng của Thản anh lại yên tâm, bớt lo lắng hơn. Như chỉ có Thản mới hiểu được anh. Sự thực, Thản vẫn tồn tại rất rõ ràng. Ban đêm thì trong giấc ngủ. Ban ngày, không thấy bóng Thản thì lại thấy hình của Thản trên bàn thờ vẫn dõi xuống. Trong câu chuyện, nếu anh không nhắc thì con Út lại nhắc đến má nó. Anh biết lỗi với Thêm nhiều lắm song chỉ biết xin Thêm tha thứ và hiểu anh. Vậy mà… trong đêm ấy, lúc hai vợ chồng âu yếm, anh đã gọi tên Thản. Thêm đã rụng rời đẩy anh ra rồi chạy ra sân khóc. Thêm cứ đứng như một cái cây rung lên bần bật mà không thể lay chuyển nổi.
Người đàn ông ấy vẫn còn một nửa yêu thương khác! Người đàn ông vẫn tôn thờ quá khứ, kiệm lời yêu thương như sợ chạm vào cõi khác. Sự vun vén, chiều chuộng của Thêm như chỉ làm khác đi, làm xáo trộn những gì đã cố hữu tồn tại trong ngôi nhà này gần chục năm trời. Biết sống sao cho vừa khi người sống vẫn ôm ấp bên mình một quá khứ đắng đót? Biết làm sao khi cắt duyên người trần mắt thịt đã khó, nay lại là cắt duyên âm – dương. Cách sông cách biển còn đến được với nhau. Nữa là cách âm, cách dương, chỉ có khuất mặt nhau chứ đổ nước, dập lửa vẫn không thể dập được tình cảm, nhất là nghĩa vợ chồng, tình thâm mẫu tử… Tuy bề ngoài, Thêm cố tỏ ra bình thường để lo cho ngày giỗ của Thản được chu toàn. Song, bên trong, cô luôn bị ám ảnh bởi hình bóng người đã khuất trong ngôi nhà, bị đè nặng cái đêm hôm ấy. Cô chỉ là người thân của ba người trong ngôi nhà này.
Thản chết đúng ngày rằm tháng Bảy. Vì thế, lo hai mâm cơm bên nội, bên ngoại nhà Thản, Thêm còn sắm sanh thêm mâm thanh bông hoa quả, ít bỏng nhuộm xanh nhuộm đỏ để cúng vong đường vong chợ. Đây là giỗ Thản lần thứ hai. Nội ngoại hai bên ai cũng vẫn bùi ngùi đau xót khi nhìn lên bàn thờ người phụ nữ gương mặt còn quá trẻ, mái tóc dài xanh rờn mà đã âm dương cách biệt. Ai cũng nói vài ba câu chuyện để cố tình nguôi ngoai. Cơm nước xong, mọi người về hết. Còn má của Thản ráng lại rồi gọi cả hai vợ chồng vào nói chuyện. Nhắc đến chuyện cũ, má của Thản lại rưng rức hồi lâu. Rồi má cầm tay Thêm:
– Con ạ! Má hiểu và thương con. Con hãy thương con Út, thương thằng Lợi. Nếu nó sống không ra gì thì nó đã không phải là con của má. Nó là người tình nghĩa sâu sắc nên má thương quý thằng Lợi như thằng Hai Phước… Má đau cho con Thản bao nhiêu thì má cũng thương chúng bay bấy nhiêu. Gắng sống để cho vui vẻ… Má không trách gì Ba Lợi. Song người chết đã chết, đã xanh mồ yên phận. Người sống phải sống. Sống cho mình, cho vợ, cho con. Đừng để vợ con suy nghĩ úa mòn. Rồi sanh lấy vài đứa cho vui vầy. Sống với người sống đã khó, sống với người chết càng khó hơn…
***
Thêm đã không thể gượng dậy. Những lời động viên của Lợi, những lời săn sóc của con Út như chà thêm nỗi đau. Cả đêm cô cũng không chợp mắt lấy vài phút. Thương cho hai con người đang nằm cạnh. Thương cho mình. Vết thương cứ ngâm ngẩm. Thiệt thòi tình cảm vợ chồng đã đành. Nhưng, còn nỗi đau trong lòng mà không cất ra được. Lấy chồng cũng bằng ấy tháng ngày, người ta đã sắp có con bế con bồng. Còn cô, ngày càng hao mòn. Lỗi tại cô, đã muộn chồng lại hiếm con. Phải có đứa con mới thay đổi được hoàn cảnh. Niềm vui của đứa con mới nhạt nhòa dần quá khứ. Đứa con sẽ là sợi dây nối để gia đình gắn bó với nhau hơn. Đã hơn nửa năm rồi. Lỗi cả phận làm vợ. Lỗi cả phận làm mẹ. Chẳng lúc nào đầu óc được thanh thoát. Không vương chuyện này lại vấn chuyện kia. Chẳng thể vui được cho mình sao có thể vui cho người khác. Cảm giác, mỗi ngày cuộc sống như chìm dần xuống một cách nặng nề, ngột ngạt. Cô không còn đủ can đảm nghị lực để đối mặt với hiện tại, để làm thay đổi cuộc sống.
Cả đêm, Lợi cũng trằn trọc. Những giọt nước mắt lặng lờ của Thêm làm anh cặng đắng. Ngày rầu rầu, đêm rơi nước mắt vì anh, vì cái gia đình này. Người đàn ông như anh không xứng đáng. Anh chưa tìm được con đường để giải thoát tình cảnh này.
Lợi hốt hoảng chạy đi tìm Thêm. Vừa chợp mắt. Vậy mà, Thêm đã gỡ tay anh ra từ lúc nào. Anh chạy dồn một mạch ra cánh đồng. Mỗi khi có chuyện gì, Thêm đều ra thắp hương trên mộ của Thản. Chạy được một quãng, anh khựng lại. Sớm thế này chắc Thêm không ra đó. Anh liền chạy một mạch lên bờ đê đi xuống bến sông. Vừa lên khỏi bờ đê, khuất khỏi rặng tre, anh đã nhìn thấy bóng của Thêm đang tụt cuối con dốc. Những lo âu tự nhiên tan biến. Niềm vui ào đến. Anh đứng lại gọi thật to:
– Thêm ơi! Thêm ơi!…
Gió át cả tiếng gọi. Con thuyền đang cập bến.
Lợi đứng lại gào lần nữa nhưng ở xa quá, tiếng gió mạnh vẫn át đi làm Thêm không hề nghe thấy.
Dù chạy thật nhanh nhưng Lợi đã không kịp. Thêm đã lên thuyền. Con thuyền chở độc mỗi mình Thêm bắt đầu rẽ nước sang bờ.
Xuống chân con dốc, Lợi đứng lại bắc loa tay gọi thật to:
– Thêm ơi! Đò ơi!
Lần này, cả lái đò, cả Thêm cùng nghe tiếng.
Con đò lừng khừng rồi lại rẽ nước sang ngang.
– Đợi chuyến sau!
– Cho tôi sang chuyến này! Thêm ơi! Quay lại đi!
Không có thêm tiếng nào đáp lại.
Không gian yên tĩnh như chưa bao giờ lọt một buổi sớm nào như sớm nay. Con thuyền, dòng sông, người lái đò, người sang đò, người đợi đò, bờ bên này, bến bên kia… tất cả đều cô đơn đến rợn ngập. Bờ bên kia, người đàn bà mang theo tất cả nỗi tủi hờn đắng đót. Bờ bên này, sự trống rỗng đến vô hồn trong lòng người đàn ông. Anh đứng chôn chân mép nước. Mắt tối sầm lại. Giữa khoảng không gian mịt mù, anh chỉ nhìn thấy một bóng sáng đang chập chờn di chuyển, mỗi lúc một xa hơn. Bóng sáng ấy như mê hoặc, như vẫy gọi, như chỉ đường dẫn lối cho người đàn ông đuổi theo. Chẳng còn cảm giác bến bờ, sông nước, người đàn ông ấy cứ đi. Bất chấp sức cản của gió, của nước, của cát lún dưới chân, người đàn ông ấy cứ lầm lũi, bì bõm như một cái xác không hồn. Đi mà không biết là mình đang đi. Chỉ biết hướng theo cái bóng đang xa dần kia mà thôi. Bóng người đàn bà đã bỏ anh giữa dòng! Bóng người đàn bà đã không còn yêu thương! Người ấy đã không còn chấp nhận và tha thứ cho anh. Sống với chồng mà chồng như người xa lạ. Một ngày lửa ấm tình nồng. Vậy mà, hơn nửa năm sống với nhau chồng vẫn chưa thật gần gũi yêu thương. Không thấy vui đâu. Chỉ thấy buồn lay lắt. Không thể chịu đựng, cô ấy đã phải ra đi. Chính anh! Anh đã làm khổ cô ấy, làm tan đàn xẻ nghé. Chính anh! Người đàn ông vô tâm đã không hiểu hết lòng vợ. Vô tâm đến mức nhiều lúc không nhận ra chính mình…
Tự nhiên, cái bóng chùng chình, chênh chao rồi vỡ òa trên sóng rập rờn cập với một dải bờ. Rồi cái bóng ấy một mình thấp thoáng lên cao dần. Nỗi đau trào lên như một vực xoáy nhỏ dìm người đàn ông ngã khuyụ xuống, chìm nghỉm. Rồi vực xoáy lại hất tung lên. Người đàn ông loạng choạng, ngả nghiêng rồi lại tiếp tục đi. Khi anh đứng thẳng dậy cũng là lúc cái bóng sáng ấy đã quay lại xuống thuyền, đang quay về bên này. Càng tiến gần, bóng sáng ấy càng lớn, phá vỡ dần không gian đặc quánh, mịt mù trước mặt. Anh cố vẫy vùng bơi qua vực xoáy để chụp bắt bóng sáng ấy.
– Anh Lợi ơi! Đừng đi nữa. Em quay lại đây!
Trong cơn vẫy vùng, người đàn ông ấy đã nghe thấy người đàn bà gọi tên mình. Ngụp lên khỏi mặt nước, anh đáp lại:
– Thản ơi! Tha lỗi cho anh!
Vừa thốt xong câu ấy, người đàn ông như sực tỉnh, rụng rời. Ngã rụi.
Sự vô tình của bản năng như một vực xoáy lớn khủng khiếp đã xô quật tới tấp. Cho dù người đàn ông có mạnh mẽ, có ý chí nghị lực phi thường đến đâu cũng bị sức mạnh của vực xoáy ấy quật quã, bầm dập đến vụn vằn, tan nát… Đó là người đàn bà hiện tại của anh. Là vợ anh. Cô ấy đang trở lại với anh. Là Thêm. Vậy mà… anh đã sai! Sự nhầm lẫn không thể tha thứ! Tại sao? Anh ngửa mặt lên trời gào thét như con thú bị thương đến bất lực…
Bình minh đã chiếu những tia nắng đầu tiên xuống mặt sông lấp lánh. Vang vọng những cung bậc âm thanh dồn dập Ơi… Ơi… Ơi!.. lao xao cả sóng nước, âm âm cả mặt sông, như làm rung lên những sợi nắng vàng óng ánh đang xuyên chiếu mặt nước.
– Anh Lợi ơi! Đừng đi nữa! Nguy hiểm đấy!
– Anh Lợi ơi! Đứng lại chờ em!
– Anh Lợi ơi! Em vào đón anh đây!…
Người đàn ông như bừng thức trước ánh sáng rực rỡ ấy. Anh đã nghe rõ từng tiếng yêu thương, nhìn thấy con thuyền nhỏ đang lướt nhẹ thênh thênh trong ánh bình minh rạng ngời.
Anh cố nghển cổ lên khỏi mặt nước rồi bắc loa tay lên gọi:
– Thêm ơi! Đứng lại chờ anh. Anh sang đón em!
Nói rồi, người đàn ông sải những sải tay dài bơi giữa dòng sông. Nước tung lên trắng xóa. Dòng nước mát lạnh như tiếp thêm sức mạnh mẽ cho người đàn ông. Trên dòng sông này, anh đã rước Thêm lên thuyền về làm vợ. Giờ đây, anh lại đi đón cô. Nhưng lần này, anh đã trườn lên những con sóng, đạp lên những cọn nước, bơi những sải bơi dài, mạnh mẽ để đón cô.
Ra đến giữa dòng, thuyền của Thêm cập sát. Lợi bám vào thành rồi nhảy phắt lên. Con thuyền tròng trành tưởng như lật nghiêng. Nước té vào. Thuyền chao đảo làm Thêm cũng suýt ngã. Lợi đã kịp lao đến ôm chặt lấy cô. Nước chảy ròng ròng từ người Lợi thấm đẫm cả người Thêm. Hơi ấm mạnh mẽ lan tỏa từ người Lợi sang cô. Thuyền vẫn chênh chao. Gió cản bốn phía làm con thuyền xoay tròn giữa dòng rồi lại tiếp tục quay trở lại.
Lợi vẫn ôm riết Thêm. Họ im lặng nghe từng hơi thở mạnh, từng giọt nước rơi tóc tách xuống thuyền, nghe gió man mát thổi, nghe tiếng rì rào của hai bên bờ ngô đang mùa bông trổ. Họ im lặng, xốn xang, hòa quyện, như chưa bao giờ ở bên nhau, chưa bao giờ hạnh phúc đã đầy như thế, như bắt đầu ngày Lợi làm chú rể, Thêm làm cô dâu.
Hà Nội, Rằm tháng Giêng
Tác giả: Trịnh Minh Hiếu – Thực hiện: Vân Anh