Bài nổi bật

Mùa xuân Lý Chiêu Hoàng

Hoàng đế Trần Thái Tông thao thức bao đêm. Ngài và Chiêu Thánh Hoàng hậu cùng ngự giường loan, gối phượng với nhau chín, mười năm rồi mà điều ngài mong ước vẫn chỉ là mong ước.
****
Biết bao vương triều trên thế gian này chỉ vì Hoàng hậu và các Phi, Tần chưa có tin vui mà sinh ra lắm chuyện. Lợi dụng việc này, có những kẻ rắp tâm nảy mưu gian buôn vua, bán chúa. Chúng mưu tính kẻ kế vị khi kẻ đó còn là cát bụi ở chốn hư vô chưa đầu thai vào ai. Việc làm ấy xem ra là huyễn hoặc. Nhưng tới một ngày nào đó, chuyện kinh thiên động địa ấy có thể sẽ xảy ra. Rồi quân thần đảo lộn, phụ tử lìa xa, phu phụ ly biệt, huynh đệ tương tàn huyết lệ. Nếu Chiêu Thánh cứ chưa được Trời, Phật trông xuống, chắc chắn những chuyện chẳng lành sẽ tới. Xa gần đã có những lời đồn đại… Thái Tông Hoàng đế cảm thấy ở đâu đó không xa, một trận cuồng phong sắp tràn tới…
Bỗng có tin như sét đánh bên tai nhà Vua. Một quyết định của Thái sư Trần Thủ Độ đưa ra khiến Trần Hoàng đế bàng hoàng! Đã hai mươi tuổi, lại là một hoàng đế anh minh, lẽ nào Thái Tông lại lấy chị dâu và cũng là chị gái Chiêu Thánh. Anh trai Ngài là Hoài vương có vui gì khi mất vợ? Công chúa Thuận Thiên – phu nhân Hoài Vương có vui gì khi cướp chồng em gái! Quyết định của Trần Thủ Độ đã tạo ra một mớ bòng bong về quan hệ nội ngoại tộc. Quân thần, phu thê, huynh đệ, tỷ muội đều bị đảo lộn. Cương thường, luân lý của Khổng gia trở thành trò cười. Một kẻ nông phu không biết chữ nhất một gạch nằm ngang, chữ nhị thêm một gạch ngang nữa cũng còn không dám cướp chị dâu làm vợ, huống hồ một bậc đế vương. Rặng liễu bên hồ trong vườn thượng uyển buông cành ủ rũ. Vầng trăng khuyết treo lơ lửng phía trời xa rải xuống trần gian một màu vàng nhờ nhờ khiến đêm đông càng thêm lạnh vắng. Trong tâm khảm ngài, một nỗi buồn bối rối dâng lên. Mười hai năm trước, Ngài cùng Chiêu Hoàng tác thành lúc hai người mới tám tuổi tính theo Nguyệt lịch của người Trung Hoa xưa. Nhờ cuộc hôn nhân đó, Ngài đã có được thiên hạ. Gái xuất giá phải tòng phu. Đương nhiên vợ không thể đè lên chồng. Từ ngôi nữ vương, Chiêu Hoàng tụt xuống ngôi Hoàng hậu. Hôn nhân của hai người chỉ là cái cớ. Ngôi chí tôn mới là cái đích của một đại thần triều Lý gốc gác họ Trần. Hai con rối do một người giật dây. Các trung thần nhà Lý đã nhìn thấy bóng đen đằng sau cuộc hôn nhân đó. Một triều đình mới sẽ được lập nên. Nhà Lý chấm dứt vai trò lịch sử. Cuộc đảo chính cung đình “êm ái” mang tính chất “Gia đình” ấy cũng đã có tới hơn một trăm năm chục cái đầu rơi xuống. Bởi họ phản đối cuộc hôn nhân cùng “Chiếu nhường ngôi” của Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh. Hàng nghìn người phải trốn biệt Hoàng tử thứ tám của triều Lý em vua Lý Huệ Tông là Lý Long Tường nhanh chân vượt bể trốn sang Cao Ly mới toàn mạng.
Mùa xuân Lý Chiêu Hoàng
Cuộc hôn nhân của Ngài với Chiêu Hoàng là một cuộc hôn nhân được dàn dựng công phu, kín kẽ đầy màu sắc ly kỳ do người cầm trịch cuộc chơi thêu dệt. Nào là nữ vương phải lòng bề tôi. Lại nữa, nữ vương té nước làm ướt áo người mình yêu. Đó chính là nữ vương bóng gió trao thiên hạ cho ý trung nhân. Nhưng có điều này là thực: Sau hôn nhân hai người lớn lên, tình yêu của họ đã nảy nở. Bởi Thái Tông tuấn tú, thông tuệ, còn Chiêu Hoàng dung quang như hoa, phẩm hạnh như ngọc, từ phú lưu thủy, hành vân. Dù tài hoa, đức hạnh như vậy nhưng Chiêu Hoàng rất khiêm từ. Hai người như chim phụng, chim hoàng mặn mà ân ái. Phải lìa bỏ Chiêu Hoàng đối với Trần Cảnh là đau đớn và phi lý. Ghê sợ hơn, Ngài phải lấy chị gái Chiêu Hoàng, vợ của anh trai mình, cướp cái thai trong bụng Thuận Thiên, lập lờ lừa thiên hạ. Thật vô luân! Muôn nghìn sau nước Nhĩ Hà cũng không rửa sạch vết nhơ. Còn Chiêu Hoàng, trước đã mất ngôi thiên tử, nay bỗng nhiên Hoàng hậu mất chồng, hỏi có bất công nào bằng?
Tin hơn sét đánh bên tai… Chiêu Thánh Hoàng hậu rụng rời chân tay! “Ta phải nhường chồng cho chị gái ư! Hoàng đế tụt xuống Hoàng hậu! Hoàng hậu tụt xuống Công chúa! Ta còn tụt tới đâu? Trời xanh éo le lắm và đời tàn ác quá!” Mất ngôi Hoàng hậu, mất chồng – điều này Chiêu Thánh chưa bao giờ nghĩ tới. Lý triều đã trải bát đế nhị bách dư niên, không có vị vua nào số phận éo le, bẽ bàng, tủi khổ như Chiêu Thánh. Thái Tổ Lý Công Uẩn có thấu cho hậu duệ của Ngài không! Chiêu Thánh đốt lò trầm ngoảnh về mảnh đất phát tích của họ Lý cúi đầu lầm rầm khấn vái trong dòng lệ lặng tuôn.
Vị Hoàng đế nhà Trần lặng lẽ bước tới chứng kiến việc Chiêu Thánh làm mà Hoàng hậu không biết. Chờ cho Chiêu Thánh khấn xong, Ngài bước tới hỏi: – Lòng ta tơ vò. Hậu nghĩ hộ, ta nên làm thế nào?
Chiêu Thánh quay lại vái lạy rồi đáp:
– Tâu Hoàng thượng, thần thiếp đã mang tiếng làm mất ngôi nhà Lý. Hậu thế sẽ nguyền rủa. Hận này thần thiếp sẽ mang xuống tuyền đài. Sự thể đã đến thế này, thần thiếp phó mặc cho cao xanh.
– Ta muốn Hậu nói, ta phải làm gì?
– Tâu Hoàng thượng, Ngài không bắt tội thần thiếp, thần thiếp mới dám nói.
Hoàng đế Thái Tông nói ngay:
– Chiêu Thánh là Hậu của ta. Chiêu Thánh cứ nói. Bắt tội Chiêu Thánh phỏng có ích gì!
Chiêu Thánh nghẹn ngào:
– Thần thiếp được Hoàng thượng ban mưa móc đã hơn mười năm. Một đời thần thiếp được hưởng bằng ấy ân tứ của trời là mãn nguyện lắm rồi. Nay đã đến nông nỗi này, Hoàng thượng quên thần thiếp đi, cứ coi như thần thiếp đã chết.
Mỗi lời của Chiêu Thánh như mỗi nhát dao cứa vào lòng Trần Hoàng đế. Cái con người mà Hoàng đế rất mực yêu thương đã phó mặc cuộc đời cho may rủi khi mới chớm hai mươi xuân. Nhưng Chiêu Thánh thật mẫn tiệp. Nàng đã nhìn thấu cuộc cờ. Chống lại người đã tạo ra tấn trò này là chống lại trời. Đến uy quyền tối linh, tối thượng của Hoàng đế cũng không lay được thế lực của người ấy. Ông ta như thạch thiên trụ. Chiêu Thánh làm gì được mà dám chống?
Đột ngột Hoàng đế hỏi Chiêu Thánh:
– Hậu có oán trách gì ta không?
– Tâu Hoàng thượng, thần thiếp chỉ biết đội ơn Người thôi ạ.
– Hậu có khuyên ta điều gì không?
Chiêu Thánh ngậm ngùi:
– Thần thiếp chỉ mong Hoàng thượng xứng đáng là con rể họ Lý.
Sững sờ giây lát, Thái Tông Hoàng đế cảm động nói:
– Cảm ơn Hậu. Trong lòng ta lúc nào cũng có một Chiêu Thánh. Những kẻ nào nói Chiêu Hoàng làm mất ngôi nhà Lý là những kẻ thật hồ đồ, u mê.
Năm Thiên ứng Chính Bình 1237, đang đêm Trần Thái Tông lặng lẽ bỏ kinh thành lên Phù Vân Tử quyết chí xuống tóc nương náu cửa Từ Bi, tránh điều vô luân, giữ tình huynh đệ, chung tình với Chiêu Thánh trong xa cách. Một mái cổ tự rêu phong giữa trúc reo, tùng biếc, suối chảy rì rầm của An Tử sơn may ra làm lòng vị vua trẻ dịu nỗi đau. Xa hồng trần đầy cạm bẫy, Ngài tưởng sẽ được yên thân gột sạch lòng phàm. Nào ngờ, cuộc vi hành của Ngài không lọt qua mắt tướng công Trần Thủ Độ. Trần Hoàng đế chưa kịp xuống tóc thì Trần Thủ Độ đã dẫn văn võ bá quan tới. Cái con người tuy dưới vua nhưng thao lược, quyền nghiêng thiên hạ nói:
– Hoàng thượng đang đêm bỏ đi chơi núi không bảo thần một tiếng. Thần lo quá sợ có điều sơ xảy nên phải đuổi theo. Nếu có chậm chân, Hoàng thượng tha cho thần tội chết.
Hoàng thượng nén giận đáp:
– Cả hai triều Lý, Trần không một ai dám đụng đến cái lông chân của ông. Vậy mà ông lại sợ ta sao?
Trần Thủ Độ đáp lại, lời sắc như dao:
– Nhà Lý mọt ruỗng dẹp đi cho dân đỡ khổ. Nhà Trần thay thế cho sông núi thái bình. Nếu nhà Trần không khéo léo giữ lấy ngôi báu, nghìn kẻ nhảy ra tranh giành, chém giết nhau, dân tình chết chóc khổ ải. Giặc Bắc nhân lúc ấy tràn sang. Sông núi Đại Việt rơi vào tay ngoại bang. Trăm họ lầm than. Thần sợ là sợ điều đó.
Hoàng đế Thái Tông lắng nghe từng lời rồi nói:
– Dẫu ít tuổi, trẫm cũng hiểu đôi điều. Ông không phải nói nữa.
Trần Thủ Độ đáp ngay, lời lẽ rất rành rọt:
– Tâu Hoàng thượng, thần không thể không nói. Những việc thần làm không phải vì thần. Việc thần làm hôm nay có trăm, nghìn người chê; muôn nghìn sau, vạn ức người chê. Chỉ cần có một người khen là thần hả lắm rồi. Xin Hoàng thượng hồi triều. Kinh thành không thể vắng vua.
Thái Tông nói rõ ý mình:
– Trẫm còn nhỏ dại không kham nổi việc lớn, các quan nên chọn người khác khỏi nhục xã tắc.
Trần Thủ Độ nghị luận:
– Hoàng tộc không thiếu người tài nhưng chân mệnh thiên tử chỉ có một. Chu Công Đán dẫu tài giỏi hơn Chu Văn Vương nhưng mệnh thiên tử không đóng vào Chu Công Đán…
– Nhưng ta không thể làm việc vô luân! Hoàng thượng khảng khái nói.
Trần Thủ Độ cười lạnh lùng:
– Suy nghĩ của bậc đế vương phải khác với chúng dân. Chị có khác gì em. Em nhường ngôi Hoàng hậu cho chị để ngôi rồng có người kế vị, nếu có loạn luân cũng là bởi lòng giời.
Hoàng thượng hỏi:
– Còn anh em ta thì sao?
Trần Thủ Độ đáp:
– Anh nhường vợ cho em, thần dâng vợ cho vua vì ván cờ giang sơn của dòng tộc mình dài ra, nếu là thần, thần vui mừng lắm.
– Ông không sợ Hoài vương dấy binh nước sẽ loạn sao?
Mắt Trần Thủ Độ long lên:
– Chống vua tội gì Hoài vương tất biết. Nếu vua thương thì hãy cho “Tam ban triều điển”.
Hoàng đế sẵng giọng:
– Đã cướp vợ lại còn giết chồng, huynh đệ cốt nhục tương tàn. Ông cứ bắt ta làm điều bất nghĩa.
Trần Thủ Độ ứng đối được ngay:
– Tâu Hoàng thượng, Doanh Chính giết Lã Bất Vi mới thành Tần Hoàng, Lý Thế Dân giết anh, giết em mới hưng nghiệp Đường triều. Bậc đế vương khác người thường là ở chỗ đó, làm chủ thiên hạ phải vậy. Còn bất nghĩa ư? Điều bất nghĩa nhất là không lo cho giang sơn vững bền, không làm cho thiên hạ thái bình, thịnh trị.
Thái Tông Hoàng đế dằn giọng:
– Ông nên nhớ, Thánh Hiền không dạy ta bất nghĩa với anh.
Cái con người đầy mưu lược của lưỡng triều tím ruột ngửa mặt lên trời than rằng:
– Thủ Độ ơi là Thủ Độ! Dù ngươi ngang trời dọc đất thì chữ trung quân vẫn đè nặng trên đầu. Ngươi chỉ là một con ngựa kéo cỗ xe giang sơn. Kế hay, mưu giỏi của ngươi không khéo chuốc tội vào thân và còn làm cho hậu thế nguyền rủa.
Trần Hoàng đế bực bội không đứng gần Thái sư nữa. Nhà vua xăm xăm bước lên phía trước rồi đứng tựa vào cây tùng lớn.
Quan Thái sư cảm thấy thất vọng. Ngài định buông tay để tháng ngày thong dong với đường hòe, dặm liễu. Ngài thầm nghĩ: “Ta đã hết lòng với triều đình này. Nhưng có kẻ ví ta như Lã Bất Vi, có kẻ lại coi ta như Tào Tháo. Chao ơi, ta ước ao được một phần của hai vị ấy… Nhưng ta ôm rơm thêm làm gì để càng rặm bụng và cho đời nay ghen ghét, đời sau đàm tiếu?”.
Bỗng quan Thái sư nghe thấy tiếng nói không biết từ đâu vọng tới: “Trần tướng công đấy ư. Tướng công là bậc thao lược quyền mưu, hùng tâm tráng chí bao trùm sông núi. Tướng công không lo trước liệu sau để nhà Lý nhường ngôi cho nhà Trần một cách êm thấm liệu nước Nam này có thoát được một cuộc huyết lệ tương tàn, liệu sông núi này có còn trong tay người Nam hay ngoại bang nhân lúc nồi da nấu thịt mà nhảy vào xéo giày bách tính. Nhưng sao nay tướng công lại thoái chí làm vậy? Bậc nhân giả phải nghĩ tới những điều thiên hạ chưa nghĩ tới, phải làm những việc vạn ức người không dám làm, miễn sao việc làm ấy tạo phúc cho lương dân. Nếu một người làm việc gì cũng sợ thiên hạ đàm tiếu thì người đó có bao giờ làm được việc lớn. Thói thường, người người đều nghĩ theo cách cũ, đi theo lối mòn, làm lại những việc thời trước đã làm. Thấy ai có ý lạ, cách làm mới là họ xét nét, dè bỉu. Nào là thánh hiền chưa dậy, nào là cổ kim chưa có ai làm, nào là… nào là. Nếu ai cũng e dè cả, liệu sông núi có lớn lên, sáng ra không? Tướng công cứ ngoảnh lại mà xem, khi Dương Thái hậu trao long bào cho quan Thập Đạo, bọn mọt sách, bọn tà tâm ùa lên chống đối, bêu riếu bà. Nào là bà quẳng cơ nghiệp nhà Đinh cho ngoại tộc. Nào là bà bất nghĩa, thất tiết… Bà đã bỏ ngoài tai tất cả. Thái Hậu họ Dương làm như vậy vì bà nhìn thấu phúc và họa của nước của dân đã bày ra trước mắt. Tình thế không cho bà lựa chọn khác được. Nếu Dương Thái hậu không gửi gắm đại sự vào quan Thập Đạo, liệu sông núi nước Nam có còn khi mà quân Tống đã rập rình ở biên thùy. Các bậc tu mi từ lâu cứ coi nhi nữ là thường tình. Nhưng việc bà làm trước chưa hề có, sau này chắc cũng sẽ không. Tu mi mấy ai sánh được như bà? An nguy sông núi chỉ trong chớp mắt. Bà không quyết không được. Đời thương, ghét, khen, chê mặc đời, phúc cho dân cho nước là bà làm. Vậy mà một người ngang trời dọc đất như tướng công trước việc nên làm thì lại nản lòng. Xem ra, chí tướng công không sánh kịp chí đàn bà. Ta chỉ tiếc cho công lao của tướng công đã phù rập triều đình bấy nay không khéo sẽ uổng phí bởi chính sự chùn bước của tướng công. Có xả thân mới thành nhân, còn muốn tìm sự an nhàn thì nói làm gì”.

Thái sư Trần Thủ Độ giật mình bèn hỏi;” Ngài là ai mà thông thuộc đại cuộc trước và nay của núi sông đến thế?”. Lập tức tiếng vọng từ xa dội lại: “Ta là ai ư? Ta là linh khí sông núi nước Nam. Ta cảm phục tướng công đã phò ủng nhà Trần. Nhưng ta buồn bởi tướng công có vẻ thoái chí. Song ta tin tướng công sẽ hồi tâm. Thôi, âm dương tương kiến thế là đủ rồi. Đừng hỏi gì ta nữa”.
Trần tướng công bàng hoàng như vừa qua một giấc mơ giữa thanh thiên bạch nhật. Ngài định thần rồi bước tới trước Hoàng đế nhà Trần cúi đầu cung kính: – Vì giang sơn nhà Trần, vì trăm họ trông ngóng… thần dẫu chết cũng không bỏ nước cờ đã lường tính.
Hoàng đế Thái Tông muốn được yên thân nơi rừng núi vắng bèn nói:
– Ý trẫm đã quyết, các người về đi. An Tử là nơi trời dành riêng cho Trẫm.
Trần Thủ Độ chớp chớp mắt:
– Vua ở đâu triều đình ở đấy. Tổng quản Thái giám đâu mau lo dựng cung điện trước chùa này. Ta về kinh thành mang quốc ấn cùng bài vị tổ tiên lên đây ngay.
Biết Thủ Độ không nhượng bộ, rồi câu nói của Chiêu Thánh bỗng vang lên trong lòng: “Thần thiếp chỉ mong Hoàng thượng xứng đáng là con rể họ Lý”, Thái Tông lúc ấy mới nhận ra ý nghĩa sâu xa trong câu nói đó. Ngài vái trời và khấn thầm: Xin trời cao soi xét. Nếu vì xã tắc mà phạm tội, Trần Cảnh này xin làm. Chiêu Hoàng ơi, ta không phụ lòng Hậu.
Năm Nguyên Phong thứ 7, Đinh Tỵ – 1257, mùa đông tướng Nguyên Mông là Ngột Lương Hợp Thai kéo quân sang đánh Đại Việt. Phòng tuyến Bình Lệ Nguyên – vùng Hương Canh, Vĩnh Yên ngày nay, bị núng. Hoàng đế Thái Tông Trần Cảnh xông pha tên đạn trực tiếp đốc chiến nhưng vẫn không ngăn được vó ngựa giặc Thát. Giữa lúc đó, có một dũng tướng như ở trên trời rơi xuống, một thương một ngựa tả đột hữu xung. ánh thương lóe lên như ánh chớp. Dũng tướng đi tới đâu, giặc tan tới đó. Vua rất đỗi ngạc nhiên thầm khen: “Người này chẳng khác gì Triệu Tử Long của Trung Nguyên xưa”. Nhờ có dũng tướng đó mà trận Bình Lệ Nguyên ta đại thắng. Hỏi tên họ, vua biết người đó là Lê Tần. Thái Tông chợt nhớ lại giấc mơ đêm trước. Ngài gặp một người khó đoán định được tuổi, rất già lại rất trẻ, uy phong lẫm liệt, tướng mạo, khẩu khí đế vương đã nói với Ngài: “Trần Cảnh đấy ư? Ta không nghĩ rằng ngươi cướp ngôi nhà Lý. Vận nhà Lý tận, con rể giữ ngôi rồng cho họ vợ là may. Vì Lý hay Trần đều là người Nam cả. Ngươi phải tạ lỗi với Trần tướng công. Triều đình phải có những người như Thủ Độ thì việc lớn mới mong thành. Đừng vì tật nhỏ mà bỏ tài cao nếu bản tâm người đó trung chính. Mưu cao, kế hay không đụng người này cũng chạm người nọ. Ông Hoàng bà Chúa cản trở việc lớn có lợi cho bách tính thì cứ dẹp họ đi. Ngày mai, người xông pha tên đạn sẽ có người giúp. Ngươi đừng núng chí…” Nhà vua chắp tay vái rồi hỏi: “Chẳng hay Ngài là ai mà lại an ủi Trẫm như vậy?” Người ấy đáp: “Người đã hỏi thì ta không giấu làm gì. Ta là người lập nên triều Lý”, Thái Tông sợ quá sụp xuống lạy. Lúc ngửng lên nhà vua không thấy Lý Thái Tổ đâu nữa. Thái Tông bừng giấc ngồi tới sáng rồi lao ngay ra phòng tuyến Bình Lệ Nguyên, quên khuấy giấc mơ. Phòng tuyến sắp vỡ, Lê Tần xuất hiện. Đức vua thầm nghĩ: “Người giúp ta đã được thánh thần báo trước là đây ư?”.
Mùa xuân năm Mậu Ngọ – 1258, Vua xét thưởng cho quân tướng. Lê Tần công đầu, được Vua ban danh là Phụ Trần, thưởng cho Chiêu Thánh Công chúa.
Bãi triều, Vua gọi Lê Phụ Trần và Chiêu Thánh lên hỏi:
– Chiêu Thánh và Phụ Trần thấy thế nào việc ta lo cho hai người?
Phụ Trần cung kính:
– Tâu Hoàng Thượng, hạ thần tuân chỉ. Nếu có trở ngại, trở ngại đó ở phía Chiêu Thánh Công chúa.
Thái Tông hỏi Chiêu Thánh:
– Công chúa có băn khoăn gì cứ nói để Trẫm biết cách lo liệu?
Chiêu Thánh buồn rầu nói:
– Tâu Hoàng thượng, hạ thần đâu dám kháng chỉ. Nhưng có điều này hạ thần xin được nói. Trong lòng hạ thần chỉ có Trần Cảnh. Kết hôn với Phụ Trần là phần bề tôi phải làm theo ý Vua.
Vua hỏi Phụ Trần:
– Chiêu Thánh nói vậy, tướng quân có phật lòng không?
Phụ Trần vái lạy nói:
– Đội ơn bệ hạ, hạ thần phải cảm ơn Chiêu Thánh. Tuân chỉ, hạ thần thành thân với Chiêu Thánh là vinh hạnh lắm rồi. Sau lễ tác hợp, Chiêu Thánh làm gì, đi đâu, hạ thần vui lòng chiều theo ý của Công chúa.
Vua cảm kích lắm nói:
– Chiêu Thánh yêu quý của ta, làm vua có cái khổ của làm vua. Ta vì xã tắc phải lìa xa Chiêu Thánh. Vì ta Chiêu Thánh hãy làm một phu nhân tốt của Phụ Trần. Ta tin rằng hậu thế không khắt khe với chúng ta đâu.
Chiêu Thánh ứa lệ nói:
– Có lời nào của Trần Cảnh, Chiêu Hoàng không nghe đâu. Lần này Chiêu Hoàng càng phải nghe, vì lần này là chủ ý của Trần Cảnh gả chồng cho vợ! Thế gian cổ kim có một. Như thế Trần Cảnh mới là Trần Cảnh. Tròn một năm sau, phu nhân Phụ Trần khai hoa sinh con trai là Lê Tông.
Thái Tông đến mừng nói:
– Trẫm mừng cho hai khanh. Mùa xuân lại bắt đầu với Chiêu Hoàng khiến lòng trẫm càng đau. Giá điều này diễn ra với Chiêu Thánh Hoàng hậu trước đây hơn hai mươi năm… Nhưng thôi, miễn là Chiêu Hoàng có mùa xuân.
Nghe tin phu nhân Phụ Trần sinh con trai, Thái sư cũng đến mừng. Ngài nói:
– Tôi biết phu nhân oán tôi lắm. Dẫu là vậy, phu nhân có tin vui, tôi không thể không đến chúc mừng.
Chiêu Thánh ngẫm nghĩ rồi thản nhiên nói:
– Đa tạ ông. Tôi vừa trọng ông lại vừa khinh ông. Trọng ông vì ông một lòng với nhà vua. Khinh ông bởi, vì một cái ngai vàng, ông có thể làm bất cứ một việc gì mà ông đã định.
Thái sư khẽ nhếch mép, nói:
– Nhưng với phu nhân kết quả rất mãn hậu. Duyên của phu nhân và Trần Cảnh chỉ đến thế, kéo dài thêm nữa, họa lớn hơn phúc chẳng những cho phu nhân mà còn cho cả trăm họ.
Chiêu Thánh cười, đáp:
– Tôi biết chứ. Họa hay phúc trong tay ông cả. Như tôi, tôi có xá gì. Tôi thương chồng nên làm theo ý Trần Cảnh. Tôi dám chống lại lắm. Nhưng tôi chống lại, ông không tiếc gì một con dao hay ba thước lụa… Đến nước ấy, ông và Trần Cảnh có thêm một hiềm thù lớn, chắc chắn không còn lương thần minh chúa nữa mà chỉ có thảm khốc. Cuối cùng, tội vạ đổ xuống đầu dân. Tôi yêu Trần Cảnh vô vàn nên tôi không thể làm khổ Trần Cảnh. Tôi phải nhường chồng là vì chồng chứ đâu có sợ lưỡi gươm của ông.
Trần Thủ Độ sững người. Kẻ đầu tiên ném vào quan Thái sư câu: “Tôi đâu có sợ lưỡi gươm của ông” lại là một giai nhân dáng mai, vóc liễu. Trần Thủ Độ cảm phục lắm, nói:
– Hôm nay, kẻ công bộc này mới biết được cái gan của Chiêu Thánh. Thủ Độ tôi kính phục bội phần. Chiêu Hoàng vì Trần Cảnh nghĩa là đã vì giang sơn Đại Việt. Bà là người biết tiến biết lui nên nước cờ giang sơn của tôi không bị rối. Bà đúng là một vị Thánh.
Rồi Trần Thái sư ngẩng mặt lên trời than: “Mong Hoàng Thiên soi xét. Nếu hậu thế có nguyền rủa thì hãy nguyền rủa Thủ Độ tôi, xin đừng ai đụng đến Nữ vương nhà Lý – Hoàng hậu nhà Trần.” Phụ Trần phu nhân cũng phải cảm động bởi câu nói ấy. Bà nhìn quan Thái sư. Hình như hai mắt Trần Thủ Độ rơm rớm nước…
Truyện ngắn của Phạm Thái Quỳnh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *