Bài nổi bật

Mùa Muộn – Đỗ Chu

RadioVn.Com – Chị Chiêm than thở, đồng ta giờ khác lắm, đến con bống cũng chả còn anh ạ. Anh Tường chân co chân duỗi trên võng, lừng khừng hỏi lại, vậy tìm đâu ra chim ngói mang lên làm quà, chắc mua dọc đường.
Muộn nhưng mùa vẫn còn, và vẫn đến. Và còn mùa thì rồi sẽ còn những bống, những bang. Mà mùa còn là do còn người ấy và tình ấy. “Chim trời vẫn giữ nguyên nhịp điệu đi về từ muôn thuở, chỉ cung cách sống của con người là đã khác, khác nhiều quá”. Nhưng cái tình của con người không khác, chỉ vậy thôi, là vẫn đằm thắm, vẫn trai gái yêu thương, dù cho đã qua chiến tranh thương tật, dù cho đã qua những khúc sông con thuyền, dù đã tuổi chiều xế bóng. Tình yêu, đã là tình yêu, thì ở tuổi nào vẫn tình yêu, muộn hay sớm vẫn là tình yêu. Giọng điệu văn Đỗ Chu cứ miên man, mướt mải theo người ấy, tình ấy, mà xóa đi những nghịch cảnh đời người qua chiến tranh, qua đảo lộn xã hội. Khúc kết truyện thật là “bạo”, nhưng vẫn theo cách Đỗ Chu, để người đọc yên lòng là cuộc đời rồi vẫn chảy theo dòng của nó, chẳng ai ngăn cản được. Tôi đọc truyện, tin là bống bang sẽ theo về cùng người, mùa có bao giờ là muộn.
Nhà phê bình văn học
Phạm Xuân Nguyên
Trên núi ông Đụng sau làng người ta đã xây một cột điện cao thế to nhất vùng, bên kia sông, trên núi bà Đón cũng có một cột như thế. Ở trên đỉnh mỗi cột có mắc một ngọn đèn thắp suốt từ chập tối đến sáng hóa ra các loài chim bay đêm cũng ưa ánh sáng, lũ chúng cứ nhằm ngọn đèn mà lao tới, ngọn đèn được bảo vệ bằng lưới thép, đâm đầu vào đó nhiều con gãy cổ gãy cánh, sáng ra hôm nào cũng thấy chim rơi cả bãi. Đám trẻ trong làng gọi nhau mang bao tải lên núi nhặt chim mang xuống tỉnh bán cho lái chim, lái chim mang đi khắp nơi, cho nên chỗ nào cũng thấy có quán chim trời là bắt đầu từ làng ta mà ra. Hiểu rồi, vậy là tháng hai tháng ba đều đặn, vẫn có từng đàn le le mồng két bay về, bước vào gặt mùa tháng 9 tháng 10 vẫn có những đàn chim ngói trốn đông. Chim trời vẫn giữ nguyên nhịp điệu đi về từ muôn thuở, chỉ cung cách sống của con người là đã khác, khác nhiều quá.
Anh Tường níu vào dây võng, lóng ngóng ngồi dậy, bỏ thõng hai chân xuống đất. Rồi anh cười, hai tay đưa ra như gọi chị, nào giúp tôi ra giường để ngắm mấy con ngói cho đã, lâu lắm rồi không thấy tăm hơi chúng, cũng nhớ. Chị Chiêm quàng tay ra sau lưng anh, từng bước từng bước dìu anh tới giường. anh ngồi xuống mép chiếc giường một, đặt ở đuôi giường là mươi con ngói mình mẩy tướp máu lông cánh tơi tả. Chị bảo, em dặn các cháu dành cho những con còn khỏe. Ờ, thấy rồi, nhìn vào mắt chúng là biết vẫn đang còn sống cả, nhưng thương tích đã đầy mình. Anh bỗng im bặt vì chợt nhận ra những con chim đang được nhốt trong một cái lồng quá chật, nó là một cái lồng cũ, nan chuốt cầu kỳ, nút mây buộc cũng cầu kỳ, nó là những nan tre cật tự tay anh vót, là những nút mây già, nút hoa thị ngoài anh ít ai bện nổi. Cái lồng năm xưa nuôi một chú sáo non anh đã gửi lại chị buổi anh ra đi. Thuở ấy có lắm cuộc ra đi, động rời làng đi xa là người ta nói tay ấy đã ra đi. Có người tưởng công cán gì gớm lắm, dân làng đồn ông ấy đang chỉ huy cả một đại đoàn, về sau có ai đi dân công hỏa tuyến về mới vỡ nhẽ, chỉ huy cái đếch gì, đang thồ lợn nuôi một đống con trên Thái kia kìa. Lại có người ngày hòa bình mò về làng dạy trẻ con múa “són mi rê đồ”, kể chuyện Điện Biên quân ta bò thế nào, quân địch chạy thế nào làm cả làng há hốc mồm nghe. Về sau có người lên Phổng Mẹt mua sắn mới biết anh ta đang đứng lơ xe cho công ty xe khách, gặp người làng tảng lờ không chào. Có một nhà chị xinh gái nhất vùng được tuyển vào văn công quân khu, son phấn nhảy múa túi bụi, cả làng lấy làm mừng như vừa có người được vời vào cung làm phi làm hậu, được vài ba năm lại nghe tin đã được thuyên chuyển qua ngành hậu cần, xuống bếp nấu cơm.
Ngồi trong đám cỗ có cụ nghẹn ngào bảo làng ta nằm trên một trạch đất rộng, bắc là Cai Kinh, nam là Tản Viên, đông là Yên Tử, tây là Tam Đảo. Nó đúng là đất rồng, nhưng khốn một nỗi rồng thì phải có đầu có đuôi, có chân có móng, có rốn có vây, làng ta rủi lắm chẳng sánh nổi với ai trong thiên hạ. Có người hỏi đế, giọng cũng nghẹn ngào không kém, vậy ông cho làng ta nằm ở chỗ nào thì bảo? Còn chỗ nào nữa, nó là cái lỗ đít, cái trôn con rồng chứ còn chỗ nào!
Hôm sau ra đồng đám đông lại một dịp kháo nhau. Ông ấy già mà chẳng đâu vào đâu, cứ rượu ngà ngà là chỉ được cái nói xằng. Không hẳn thế đâu nhé, ông cụ là người biết việc âm dương nhà ấy mấy đời làm thầy phù thủy, xem đất xem cát, vốn dòng con cháu của Tả Ao tiên sinh từ trong Thanh mò ra ngoài này chứ không phải vừa. Lại có người chép miệng, nghĩ thật viển vông, nhận là rồng làm gì cho khổ, chi bằng cứ xin làm con trâu, con trâu chịu thương chịu khó, cứ nom vào mắt nó mà xem, có con vật nào có đôi mắt buồn mà hiền đến vậy. Chuyện làng chuyện xóm lắm lúc nghe mà chán cả tai. Một hôm lại có tin anh Tường nhà ông Tưởng hy sinh ở Điện Biên Phủ rồi, anh ấy ôm bộc phá lên đồn Tây giật nụ xòe xong không chạy kịp, thế là mất xác. Tin ở đâu ra hay lại nói xằng. Tin từ tỉnh từ huyện chứ còn từ đâu mà hỏi gặng thế. Chị Chiêm chạy đến đằng ấy tìm ông cụ thân sinh ra anh muốn lựa lời xem thực hư ra sao. Ông cụ điềm nhiên ngồi chẻ lạt trước thềm, ngẩng lên thấy Chiêm thì bảo, cháu ngồi xuống đây nghe ta nói, thằng Tường nhà ta không sao cả, cháu chớ nghe dại. Vậy bác đã đi hỏi mấy ông thày bói trong làng hay chưa? Ta không ưa bói toán, chẳng cần hỏi ai, ta cứ nghe tự lòng ta mà biết. Mấy hôm sau có đội cải cách ở đâu rầm rầm kéo về, ông cụ lập tức bị vu là địa chủ cường hào gian ác. Có anh đội cho gọi chị lên giác ngộ, cô là con cái bần cố, sao phải chịu đâm đầu vào làm dâu nhà ấy, mai cô đứng ra đấu địa chủ Tưởng làm gương cho cả làng, đến ngày chia quả thực không ai quên, tự khắc có trâu cày ruộng cấy. Cô cãi, ở vào hoàn cảnh này, liệu anh có dám đứng ra đấu bố anh không, tôi thì không dám. Anh đội mắt long sòng sọc, lừ lừ ngắm người con gái từ đầu tới chân, phẩy tay quát lớn, thôi bước, một phần tử ngoan cố, mất lập trường giai cấp. Ông cụ bị đuổi khỏi nhà, ra ngoài soi lựa một góc vườn mà ở, chị Chiêm một lần nữa lại ra đó tìm gặp, vẫn thấy một ông già ngồi bên đống lạt, trong tay là một con dao. Chả biết dùng gì đến lạt mà quanh năm rỗi lúc nào là thấy ông cụ lại ngồi chẻ lạt. Lạt chẻ xong buộc từng bó gài lên gác bếp, ai cần thì cho. Hay là rơi vào cảnh gà trống nuôi con mà ông đã chẻ lạt cho đỡ buồn. Buổi ấy ông vẫn điềm nhiên như thường, ông chỉ vào mô đất dưới gốc trám mà bảo, cháu ngồi xuống nghe ta nói, thằng Tường vẫn còn sống, ta đã nói nó còn là nó còn. Có điều việc nước khó bàn, cháu là phận gái mỗi tuổi mỗi già, không đợi được mãi, gặp đận nhục nhã này ta không muốn sống nữa, còn cháu thì phải đi lấy chồng, xem ai con nhà tử tế thì lấy. Mai này nếu ông trời cho gặp lại nhau, thằng Tường nó sẽ hiểu hết mọi nông nỗi, cháu nói lại lời ta nhắn, ở đời người lớn không chấp vặt, người lớn nghĩ lớn, ta tin nó là thằng biết sống.
Sau lần đó ông biến đâu mất, làng nước chịu không rõ sự thể, nghe như ông đã nhảy xuống cửa Lục đầu, dạo ấy lắm người nhảy xuống cửa Lục đầu. Mấy năm sau chị mới chịu lấy chồng, lấy một người ở làng bên. Vợ chồng sinh được một đứa con trai, đứa con năm sáu tuổi thì bố nhập ngũ, vào Nam chiến đấu rồi mất trong đó. Chị bị làng xóm chê là có số sát phu, hai lần góa bụa, ý là muốn kể cả trường hợp với anh, tuy chưa ăn hỏi cưới xin nhưng cũng đủ chứng cứ để xem là một đời chồng. Ngày sắp đi lấy chồng chị đã thả cho con sáo muốn bay đâu thì bay, chỉ giữ lại cái lồng. Con sáo non lúc lớn lên biết nói, nó nói liến thoắng làm chị sốt ruột sốt gan, “có khách có khách, sắp về sắp về”. Mỗi lần dắt con về thăm ông bà ngoại, nhìn vào cái lồng trống không treo ở đầu hồi, chị lại thầm gọi, sáo ơi sáo, còn sống mày cố mà đi tìm anh ấy về đây cho tao. Thầm gọi thế chứ chả tin là còn, vậy mà vẫn còn và đã về thật. Anh Tường bước vào cổng làng vừa lúc mấy chị em xã viên xúm xít đẩy xe lúa từ ngoài đồng vào sân kho hợp tác. Hôm ấy chị Chiêm cũng đến để góp công đỡ cho mẹ già. Thoạt tiên chị không nhận ra anh, xung quanh chẳng ai nhận ra anh. Ai ấy, một người lạ đến làng ta làm gì ấy.
Anh ra đi năm 20 tuổi, đi là đi luôn một mạch, chả thèm lai vãng, cũng chả thư từ nhắn nhe, sống chết ra sao không ai hay. Ngày về nom héo hắt như một ông lão, một ông lão mới ngoài 40! Vào tuổi anh khối người vẫn đang sức dài vai rộng, ra đường đám con gái theo đầy, mà người ta cũng nam chinh bắc chiến như ai chứ kém gì. Ở làng trên vừa có một ông cấp tá góa vợ tuổi tác còn nhiều hơn anh, về làng đem một đứa cháu gái gọi vợ mình là cô lên sống chung với nhau trên thành phố, họ hàng bảo chú rể lấy con anh vợ là phạm pháp, nhưng ủy ban bảo được, đóng dấu đánh xoạch một cái, thế là xong. Với anh mọi việc xem chừng đều muốn khó. Ở quê mươi ngày, mấy ngày đầu la cà quanh quẩn, hết ngồi với người già lại rủ rê lang thang cùng lũ trẻ con, gặp đâu ăn đấy, tiện đâu lăn ra đấy, kêu đau mình mẩy suốt đêm trăn trở không chợp mắt nổi.Người ấy áo quần bộ đội mới toanh nhưng chẳng mũ nón gì, cũng chẳng thấy có mang huân chương, cấp bậc gì. Một ông lão tóc bạc lưng còng, nước da sốt rét, đôi con mắt sốt rét, vàng vọt và mệt mỏi. Người lính già xăm xăm bước trong ngõ, chào hỏi ân cần quá, rồi theo xe lúa người ấy đến ngồi tựa lưng vào cây cột thềm nhà kho. Chị nhìn ngắm lúc lâu, sao dáng ngồi của ai mà nom quen quá. Đến lúc người ấy nở một nụ cười với chị thì chị hiểu ra ngay đấy là ai. Chị chỉ kịp bưng mặt kêu lên một tiếng “trời ơi” rồi gục xuống đống lúa. Đấy là một ngày vào cuối năm 1975, anh không phải là những người đầu tiên mà cũng chưa phải đã là những người sau cùng từ mặt trận trở về.
Anh bảo mấy chục năm qua đã quen treo mình lên cây mà ngủ, giờ nằm giường không quen, muốn ngủ yên là phải có võng. Chị chạy ra phố huyện tìm một cái võng đay mang về mắc lên hai cột gỗ xoan đào cho anh nằm. Bố chị cũng đã mất, nay chỉ còn mẹ già, để anh ở đấy là tiện nhất, có người trò chuyện thâu đêm, có chị chạy đi chạy, lúc bên con cái lúc bên anh. Cũng có đêm chị đến nằm chung với mẹ, nói chuyện với anh, anh đòi chị kể những chuyện từ bao giở bao giờ, nếu anh không hỏi thì chị cũng không còn nhớ làm gì nữa. Anh nói tôi muốn ra nằm một đêm ở nhà cũ liệu có nên không, chị cân nhắc lúc lâu rồi bảo, không nên, nhà mình giờ biến thành kho hợp tác, trong đó chất đầy những thóc, những phân hóa học và thuốc trừ sâu, loại DTT độc hại vô kể, mang ném xuống ao đến đỉa còn chết mất giống, sức anh thế không ai dám để vào nằm đấy đâu. Anh lại nói, thế còn mấy cây duối ngoài bãi ma, chỗ ngày trước ấy, giờ vẫn còn hay mất hết rồi. Vẫn còn, vẫn còn đủ, có điều không rậm rạp như trước nữa, phần do thiếu củi đun người này chặt một ôm người khác chặt một ôm, phần do ban chủ nhiệm quyết định biến chỗ ấy thành nơi chứa trâu, đàn trâu sau buổi làm về nằm đó nghỉ ngơi, đói quá phải ăn cả lá duối, cọ lưng cọ bụng vào thân cây làm còi cọc, xác xơ ráo cả. Ngày anh ấy nhà em nhận được lệnh mai phải lên huyện gấp để đi chiến đấu, đang cày ngoài bãi soi bằng con trâu kềnh to nhất làng, anh ấy nói oang oang, được thôi, ông sẽ đi, nhưng trước khi đi cũng phải được ăn miếng thịt trâu luộc! Anh ấy tìm sợi dây thép cứng uốn làm cái móc thọc sâu vào đít nó, ngoáy mấy vòng rồi giật cho đống ruột xổ tung ra, con trâu kềnh hung hãn bậc nhất vậy mà chịu bị quật ngã quay lơ trên những luống cày, nó thở dốc một hồi rồi ngắc ngoải. Ông chủ nhiệm cho người lên xã báo tin trâu bị trúng gió xin phép được mổ kịp thời. Thịt xả ra nong đem phân phối từng nhà, kèm thêm xâu lòng và tiết luộc, xâu nào xâu ấy rất đều, là do nhà em đứng ra chia, anh ấy tính nết có phần nóng nảy nhưng được cái ngay thẳng lắm. Ngót chục năm ăn ở với nhau, giá hỏi có yêu không thì đành phải nói rằng cũng chả yêu là mấy, cũng là chỉ riêng mình hiểu với mình, nhưng thương thì nhiều, thương quá, người ấy sao chất phác thật thà làm vậy. Anh thử nghĩ mà xem, liệu có phải là anh ấy đã chịu chết oan chết uổng hay không?
Người ấy nếu còn thì cũng biết thương vợ thương con chứ chẳng phải hạng nhỏ nhen hẹp lượng gì. Giờ thì đang nằm mãi tận đẩu đâu, còn anh lại về, em cũng chẳng biết tính thế nào cho phải, em chỉ nguyện làm em gái anh, được sống nốt tuổi già cùng anh. Thầy lúc sắp đi có dặn lại anh là người biết sống, vậy anh sẽ hiểu lòng em. Ròng rã ngần ấy năm, mỗi khi qua vùng bãi ma em lại liếc nhìn mấy lùm duối, lúc nó xanh um tùm, lúc nó phờ phạc dở sống dở chết, nghĩ đến cái bận anh lôi em vào đấy, em là con bé quê kệch vừa kịp lớn lên vẫn chả rõ mô tê làm sao, chỉ thấy hãi hùng. Ôi trời đất, con bé chỉ còn biết ôm mặt nấc lên, nó bắt đền anh, thùm thụp đấm vào lưng vào ngực anh. Để đến lúc anh đi xa rồi mới thấy nhớ, nó biết là nó đã mang lòng thương yêu anh, yêu thương cái con hùm ghê gớm ấy cho đến hết đời mất thôi.
*
Thực ra anh Tường không phải lính Điện Biên, lính Điện Biên là phải đánh Điện Biên, mà lúc ấy anh lại đang lăn lộn bên Thượng Lào. Trước khi bước vào chiến dịch lớn, nhằm mở rộng hậu phương quân ta đã làm một cuộc truy kích vũ bão, đuổi giặc chạy dài từ Thượng Lào tới Hạ Lào. Người đuổi cứ đuổi, kẻ chạy cứ chạy, ở trong cuộc mà cũng chẳng kịp hiểu ra làm sao. Mấy viên sĩ quan Pháp đầu đội mũ đỏ, gù lon tả tơi vừa thở vừa ngửa mặt lên trời chửi đổng, “đ… mẹ Việt Minh, đánh đấm kiểu đếch gì thế không biết”! Đang thừa thắng đuổi giặc bỗng có lệnh hỏa tốc gọi đại đoàn quay về, riêng anh và mươi người nữa ở lại nhận nhiệm vụ mới. Từ đấy họ thuộc quân số của Bộ Tổng. Anh Tường tới lúc đó tính ra đã có hai tuổi quân, là tiểu đội phó một tiểu đội quân báo biết vẽ bản đồ địa hình, biết điều tra nắm bắt tình địch, biết đọc viết mật mã và đánh điện tín tạch tè, chứ chưa biết gì chuyện đặt bộc phá giật nụ xòe như người làng đồn thổi. 20 năm ấy có biết bao nhiêu là chuyện để kể lại cho người đời biết. 20 năm sống ở rừng, chiến đấu với đủ thứ giặc, vật lộn với những cơn sốt rét, với mưa bão, với đói rét, với thú dữ, với cái chết, nếu trong số các anh có ai biết viết hồi ký thì có lẽ cuộc phiêu lưu ba chìm bảy nổi của tiểu đội trinh sát ấy sẽ là một pho sách lớn của những người anh hùng. 5 người nằm lại, hai người ngã xuống bởi đạn bom, một người chết đói, một người chết sốt rét, một người bị rắn độc cắn, một người bị hổ vồ. 5 người trở về, tất cả đều là thương binh bậc cao, tất cả đều ra quân với hàm thượng tá. Có thế thôi và câu chuyện về họ sẽ mãi mãi nằm trong im lặng bởi không một ai trong số họ biết viết hồi ký và cũng không một ai muốn kể lại những gì mình đã nếm trải và làm được. Họ vẫn đang nằm đung đưa trong chiếc võng dã chiến ở căn buồng chật hẹp trên tầng thượng một ngôi nhà tập thể nào đó, một khu chung cư nào đó.
Mỗi năm một hai lần Tường lại phải vào nằm ở khoa xương của Quân y viện 108. Được gần các thầy thuốc, xem họ chẩn đoán bệnh tật, anh dần dần tích cóp được ít nhiều kiến thức. Có vị giáo sư đầu ngành một hôm đã nói với bọn anh, không phải ngẫu nhiên mà sống lưng lại được gọi là xương sống, thiếu nó con người không đứng lên được, trăm thứ bệnh đều bắt nguồn từ nó mà ra. Vào tuổi cánh ta xương cốt mệt mỏi rồi, ngay đến kim loại cũng có sự mệt mỏi nữa là ta. Thuốc thang dù hay đến mấy cũng chỉ đóng vai trò bổ trợ, cái quyết định nằm ở tinh thần vận động của mỗi cá nhân. Phải vận động không ngừng, phải thường xuyên khua chân múa tay. Mạnh mẽ lên, ngồi giữa vợ con bạn bè hay đi ngoài đường, mặc, cứ thấy buồn bực là khua khoắng. Họp hành chỗ đông người vẫn có cách không ngồi yên, cái cổ khẽ lắc bên trái, lắc bên phải, cái đầu ngửa lên gập xuống, những ngón tay xòe ra cụp vào, hai bàn tay sờ nắn chỗ này chỗ khác. Tóm lại, một câu là cần phải có ý chí tấn công, nên nhớ đã bệnh xương cốt là khó lòng chữa khỏi, phải xác định chịu đựng chung sống, từ đó nghe ngóng tìm cách đẩy lùi nó từng bước.
Thằng Chiểu con trai của Chiêm sau mấy năm nhập ngũ làm lính thông tin, đì đùng vài trận trên biên giới, được chuyển ra làm thợ trong một công ty thuộc ngành điện lực. Một hôm nó cầm về hai chiếc máy điện thoại, đặt một cái dưới quê, một cái trong phòng Tường. Nó nói, con bây giờ tạm gọi là đã trưởng thành, có vợ có con, vợ chồng chúng con bắt buộc phải có di động, di động lợi hại vô cùng. Riêng với ông bà, ông đầu sông bà cuối sông, cũng bắt buộc phải trang bị hai chiếc để bàn. Đây là máy của ngành chúng con sản xuất, nó đặc biệt độc đáo, thời buổi cạnh tranh lành mạnh mà không ăn đứt người ta tất người ta sẽ ăn đứt mình, ông nhỉ. Đây ông xem, nó là một chiếc máy liên lạc không cần dây dợ, không cần ăng ten, đi đâu xa chịu khó bỏ vào cái túi xách theo, tính năng chẳng khác nào cái di động. Sau khi bấm đủ số, nhìn vào màn hình sẽ nổi lên dòng chữ nhắc ông nhập mật khẩu. Mật khẩu đặt bốn số không, rất đơn giản và bí mật. Nhập mật khẩu rồi lại có mấy chữ khác nổi lên, đang liên lạc, vậy ta phải đợi thêm một chút. Nếu đầu kia không ai nhấc máy thì sẽ có một dòng, cuộc gặp tạm hoãn, chưa liên lạc được xin quý khách vui lòng gọi lại sau, còn nếu như vì tuổi già sức yếu, nhớ nhớ quên quên, mắt mũi kèm nhèm bấm thiếu số thừa số thì sẽ có nhắc, số máy không có xin quý khách vui lòng gọi lại.
Tường nghe thằng bé thuyết trình một hồi thì bảo, chúng mày chỉ vẽ sự, tao nghe rườm rà, cái máy này chỉ hoạt động một khi xung quanh có sẵn sóng vô tuyến, về những nơi xa xôi không phải đâu cũng dùng được. Thằng bé đứng ngẩn ra, rồi nó cười xòa, hóa ra ông biết tỏng cái mẹo của chúng con. Bây giờ con thử máy, gọi về xem bà đang làm gì ông nhỉ. Đằng kia lập tức có tiếng bà văng vẳng, tôi nghe đây. Bà đang làm gì đấy, con Chiểu đây mà. Tao đang quấy bột thổi cơm hầu vợ con mày chứ còn làm gì nữa. Vậy bà nói chuyện với ông nhé, ông dạo này đi đứng nhanh nhẹn lắm rồi. Tường đón lấy ống nghe. Ông đấy à, có khỏe không? Tạm được, thế bao giờ bà mới lên với tôi? Gặt hái xong rồi, đang nóng lòng đợi trời cho mưa xuống để làm mầu mà vẫn chưa thấy, vậy nay mai tôi tranh thủ mang mấy con ngói lên thăm ông. Cảm ơn bà. Dập máy.
Thằng Chiểu thấy mình đã hết việc, nó vội vã chào Tường rồi vù luôn. Còn lại một mình, chả biết làm gì, ông toan nhấc máy nói chuyện thêm với bà lão nhưng ngập ngừng lại buông tay khỏi ống nghe. Suốt ngày hôm sau vẫn thế, ông cứ đi ra đi vào, thấy căn buồng sao trống trải. Lần đầu tiên sau mấy năm dọn đến đây, giờ ông mới có cảm giác đơn chiếc. Đã đơn chiếc bao nhiêu năm rồi có sao đâu, vậy mà nay bỗng đổi tính đổi nết. Nghe các nhà chuyên môn nói tuổi già đến con người ta thường đổi tính đổi nết, đang hiền lành hóa dữ tợn, đang xuề xòa xong thôi hóa cầu kỳ khó chịu, đang chừng mực điều độ hóa thèm khát buông tuồng. Ôi chà, cái tuổi ngoài năm mươi trở đi người ta gọi là đã lên lão, nó cũng là một bước thử thách nữa của con người. Sau đấy liệu có còn những bước khác không, lại cứ phải đợi xem sao.
Chị Chiêm xách lồng chim ngói bước lên 4 tầng cầu thang, gặp ai cũng mặn mà chào hỏi, chị đã quen với thông thổ nơi này, đã nhớ tên từng người hàng xóm và mỗi lần tới đây chị thấy ấm cúng như đang về nhà. Có bà chị sống ở tầng dưới thoáng trông thấy bóng Chiêm liền gọi lại rỉ tai, tôi nom bà dạo này đẹp ra, như hồi xuân thì phải. Chị đỏ mặt lí nhí một lời cảm ơn. Sống ở tập thể làm sao mà tránh nổi chứ, con ruồi bay qua người ta đều biết, người ta đi guốc vào bụng mình, hoặc là khuyến khích, hoặc là sẽ dè bỉu, chỉ hai khả năng ấy thôi. Trong ánh mắt xung quanh nhìn vào chị hiểu hai đứa mình đang được khuyến khích, chỉ riêng điều ấy đủ khiến chị quý mến và muốn gần gụi với nơi này. Và chị thầm hiểu mình đang bước gần đến hạnh phúc. Bản thân những điều đó tự nó cũng đã là một hạnh phúc rồi.
Để anh ngồi một mình, chị thay quần áo, sau đó chui vào bếp. Chỉ một loáng mùi thơm của thức ăn trên chảo đã làm cho căn buồng nhỏ tràn ngập cảm hứng. Đứng ngoài hiên tưới táp cho mấy chậu cây cảnh, ông lão hàng xóm lên tiếng tức thì, nhà tay Tường xào nấu gì mà mùi hành thơm nức. Mời bác qua xơi nước, có vài đôi ngói em vừa mang từ quê lên bác ạ. Đã có chim ngói rồi đấy, nhanh thật, mới hôm nào thu mà nay đã lại thu.
Với Hà Nội cả năm đây là những ngày thời tiết đẹp đẽ nhất, mát mẻ khô ráo, lòng người thanh thản nhẹ nhõm, có chạy ra phố gặp nhau còn muốn dừng lại chào hỏi hoặc đưa tay lên vẫy vẫy. Đêm xuống anh Tường giục chị Chiêm lên giường sớm. Chị Chiêm sau khi tắm gội để nước gột rửa mang đi mọi nỗi vất vả dọc đường, trong bộ đồ ngủ lụa tơ tằm Hà Đông màu hạt dẻ, chị hiện ra trước khung cửa như một người khác chứ không còn là chị của mọi ngày. Con người ta hoàn toàn có thể xấu đi trong chốc lát và cũng có thể đẹp lên trong chốc lát. Bộ đồ chị mặc đêm nay là tự tay anh Tường đã chọn mua trong siêu thị mấy hôm trước, khi anh có chút việc vào trung tâm thành phố. Có hai nét ở chị để anh thấy người mình thương yêu cần phải được chăm sóc nhiều hơn nữa, rất nhiều. ấy là nét hồn hậu mộc mạc mà thị thành không có, thứ hai là nét duyên dáng bẩm sinh không son phấn tô vẽ, nét này quý vì luôn luôn hiếm ở đời, trời cho ai thì người ấy may mắn mà có đấy thôi.
Ông bác sĩ đầu ngành nói thế nào nhỉ, mạnh mẽ lên, phải có ý chí tiến công, ông này thế mà hóm, càng nghĩ càng thấy lão ta thâm hậu. Anh vòng tay kéo chị quay lại phía mình, ngọn đèn ngủ như một trái ớt đỏ cuối phòng mờ tỏ, khuôn ngực đầy đặn của chị phập phồng nồng ấm, nó tỏa sáng, là thứ ánh sáng của mảnh trăng lẩn trong đám mây loãng như sương. Chị khẽ dặn anh hãy nhẹ cái tay, phải rồi, như thế, cứ thế… Anh đang là ngày xưa của em rồi đấy.
Dạo mới về, vẫn căn phòng này, anh bắt chị đứng úp mặt vào tường, hai tay vịn vào tường, còn anh lòng khòng áp ngực mình lên lưng chị rồi anh làm cái việc người ta vẫn gọi là đánh chịn. Chả ra làm sao cả, thương anh quá, nhưng làm thế đâu có hay. Chị vừa chiều anh vừa lặng lẽ khóc vì chạnh thấy tủi thẹn. Chúng ta là người cơ mà, anh ơi, như thế đâu phải cách của người. Suốt một kiếp này em vẫn chỉ quanh quẩn với quê nhà, chả được như ai học hành bay nhảy, đừng để em đến một ngày phải biến đi như cái bống trong đồng. Đến cái bống cũng không còn sống nổi là nghĩa làm sao.
Đợi năm tới Tết ra em sẽ kéo anh về gây bống, thương cho những cái bống cái bang.
Tháng 12 – 2009
Tác giả: Đỗ Chu – Thực hiện: Hải Yến

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *