Nghe đọc truyện đêm khuya vov2 – Thiên truyện ra đời vào những năm 30 của thế kỷ trước nhưng chúng ta vẫn thấy tinh thần và cách thể hiện đầy mới mẻ, hấp dẫn. Đó là vì bút lực tầm cỡ của Thế Lữ đã chạm vào cõi thẳm sâu trong mỗi người theo một cách cổ điển rất riêng. Cho nên dù nhiều người có thấy bình thường, dửng dưng trước chuyện ngoại tình nhan nhản trong xã hội hôm nay, lòng vẫn chùng xuống bởi “Một chuyện ngoại tình” cách đây gần một thế kỷ của nhà văn tự coi mình như “quán trọ đời người”.
Hai người lấy nhau đã gần sáu năm.
Người đàn bà đã thay đổi nhiều về hình dung cũng như về tính nết.
Có thể gọi sự thay đổi ấy là một tiến bộ mau chóng về thời Âu hóa văn minh.
Cô gái nhút nhát, từ xưa chưa hề bao giờ ra khỏi cái tỉnh nhỏ là nơi cô sinh trưởng, quanh năm ẩn náu bên mình bà mẹ góa cần kiệm nuôi nhau trong bóng một ngôi hàng con con, đến bây giờ đã nghiễm nhiên trở thành một thiếu phụ sắc sảo lịch thiệp, một “nữ lưu tân nhân vật” hoàn toàn.
Đó là nhờ ở khiếu dễ hóa của người đàn bà, ở cái thông minh tinh ý mà cô Lan sẵn có, nhất là ở cái ý muốn nhiệt thành gây dựng của chồng cô ta.
Toán quả là một người chồng chu đáo. Đứng đắn, chí thú, yêu đời theo một quan niệm giản đơn, có tham vọng nhưng có mực thước, anh chàng này để cả lý tưởng vào sự tô điểm cho hạnh phúc gia đình. Toán mồ côi sớm, được một ông chú họ cấp đỡ, được học ít, nhưng giỏi học tắt, và đến năm hai mươi ba tuổi, thi đỗ, có việc làm chắc chắn, là lo ngay đến chuyện kiếm một người vợ xinh đẹp.
Toán biết Lan do một dịp về chơi Hưng Yên và được bà con mách mối. Anh ta mến phục cuộc đời cần cù của bà mẹ cũng như yêu thương cái nhan sắc hiền hậu của cô con. Địa vị của Toán được nhà gái coi bằng con mắt rất trọng vọng ngay từ cuộc ướm hỏi ban đầu, và đến khi “ông phán tòa sứ” Hà Nội trẻ tuổi ấy về cưới Lan, thì tất cả mọi người quen thuộc của hai họ ở Hưng Yên đều mừng cho Lan là gặp bước may quá chừng tốt đẹp.
Hôm cưới, sau khi đã nhắc lại cho con gái nghe hết những điều khuyên răn quan trọng, bà mẹ bảo riêng Toán:
– Em nó vụng dại lắm. Cậu nên dạy dỗ cho nó biết cách đối đãi với họ hàng. Tôi chỉ có mình nó, được phó thác nó trong tay cậu, cũng lấy làm yên tâm. Nó không được như người tỉnh thành, vợ cậu chẳng khác gì mẹ vợ cậu đâu, nó quê mùa lắm.
Toán cũng biết người mà anh ta chọn làm vợ không có một tý gì là tân thời. Học thức đơn sơ, sự giáo dục chỉ khuôn trong nền nếp cổ, nói năng thật thà và cử chỉ mộc mạc, Lan sẽ là một nét nâu sồng lạ mắt đặt vào giữa những hình sắc đô thị hào hoa. Nhưng Toán không hề lấy làm bận lòng. Riêng vẻ đẹp ý nhị của Lan cũng đủ thay thế cho những đức tính khác mà Toán sẽ hun đúc dần cho vợ. Khuôn mặt Lan nét thanh và dịu, đôi mắt Lan lắng chìm một màu tình tứ kín đáo dưới hàng mi cong và dài, cặp môi Lan đằm thắm ngậm một thứ duyên thầm lặng đôi khi hé ra lóng lánh ở miệng cười răng đen.
Một chuyện ngoại tình – Thế Lữ
Toán ngắm vợ nhiều phút sững sờ, và khoan khoái nhận thấy mỗi lúc một hiển nhiên thêm rằng mình chiếm được trong tay một thứ ngọc báu chân chất hiếm có.
Bạn đồng sự của Toán đều khen Toán là có diễm phúc. Một ông phán già vui tính, một bữa đang giờ làm việc thấy Toán giở xem lại bức ảnh đầu tiên anh chụp chung với vợ, cũng phải gật gù:
– Vốt phăng mà ăn mặc tân thời vào thì đến hoa khôi Hà thành cũng khó mà bì kịp.
Toán cũng nghĩ thế.
Anh tìm được một hình ảnh mà anh tự thấy hay: Lan của anh mới chỉ là cô gái giũ lụa ở thôn Trữ La, chưa là nàng Tây Thi ở cung đình nước Việt.
Rồi Toán để tâm “cải hóa” Lan.
Toán mua các sách quốc ngữ về cho Lan đọc; cắt nghĩa cho Lan những trang tuần báo tranh ảnh của Pháp nói về “đời sống mới” về thời trang. Anh rèn tập cho Lan ham chuộng những lối cư xử ăn nói của người “tỉnh thành”. Anh lựa những lời khôn khéo để Lan sớm thấy sự quê mùa trong cách xưng hô của Lan lúc ban đầu. Lan dần dần quên hẳn được tiếng “nhà” mà cô ta vẫn hay dùng, cho đó là tiếng gọi chồng âu yếm nhất. Đến lúc vợ chồng gọi nhau là “mình” khi thân mật, rồi lại gọi nhau bằng tên nữa thì Lan đã bỏ hết mọi vụng dại và khép nép của cô gái quê. Toán không ngại tiếp đón đãi đằng cả những bạn hữu sang trọng nhất. Một đôi khi (lúc đó đã ở với nhau được hai năm, Lan đã cạo răng và chỉ ưa mặc quần tơ trắng) chồng đã thấy hãnh diện đi chơi với vợ ở một vài đường phố đông người. Lan mặc trang phục mới càng tôn vẻ đẹp của thân hình. Cô ta đánh phấn rất khéo. Son phấn với quần áo đổi mới được cả cử chỉ và tính nết con người. Lan đi đứng lẹ làng trên đôi giầy gót cao, nói năng hoạt bát đủ mọi điều và tỏ ra lịch thiệp không thua kém một ai trong hàng phụ nữ có chồng địa vị cao sang hơn Toán. Các bạn mới quen gia đình Toán không ai có thể ngờ được rằng vợ của Toán đã là cô dâu e thẹn với bộ yếm sồi váy lụa ngày nào. Đến Toán cũng phải ngạc nhiên. Anh thường bảo vợ:
– Lan chắc quên mất Lan trước kia rồi đấy nhỉ?
Cô trả lời:
– Lan chả quên. Toán quên thì có. Lan vẫn nhớ mãi hình ảnh Lan ngày mới yêu Toán vì đấy là kỷ niệm sâu xa nhất trong đời của Lan.
Toán mỉm cười. Câu nói văn hoa và trơn tru này chính là thứ văn chương Lan vẫn say sưa đọc.
Những cử chỉ âu yếm mới lạ, những cách vuốt ve mê mải bạo liệt, trước kia khiến người thiếu phụ rất đỗi sượng sùng, bây giờ lại chỉ làm rung động Lan trong chừng mực vừa phải…
Một buổi ẵm tấm thân lả lướt và thơm tho của Lan, Toán nhìn vào đôi mắt tươi cười của vợ và hình như thoáng nhận thấy một vẻ lạnh lẽo thờ ơ, anh bỗng gọi:
– Lan!
– Gì thế Toán?
– Lan ơi!
Đôi mày Lan nâng cao lên đợi chờ và ngạc nhiên. Lời nói của Toán có một giọng tha thiết khác lạ.
– Lan ơi! Mình yêu anh chứ?
Lan phụng phịu ra bộ dỗi và lững lờ uốn éo trong tay chồng. Lan bao giờ cũng bảo Toán:
– Em chỉ biết yêu mình. Cả tâm hồn em, cả thân thể em là của mình.
Lan biết ngăn đón cả sự ngờ vực của Toán:
– Lòng em trong sạch như nước suối. Em thấy mình cứ phải gặng hỏi, em khổ lắm! Ước gì ở đời này chỉ độc trọi có hai đứa chúng ta…
Toán ôm chặt lấy Lan, nhưng anh thở dài, và xót xa nghĩ đến hồi yêu thương thứ nhất.
Anh nhớ lại những bữa tiệc, những buổi chiếu bóng, chiêu đãi đặc biệt; trong đó nhan sắc của vợ anh lộng lẫy trước những vẻ nhìn tối tăm vì ghen ghét và những ánh mắt lóng lánh vì ước ao…
Anh điểm lại những mặt bạn hữu từ sơ đến thân, những người đã được lời chế giễu chê bai của Lan làm cho anh hớn hở. Một khóe mắt, một miệng cười mỉm, một bàn tay mềm mại giơ ra bắt… Những hình ảnh đó tản mạn ở bao nhiêu trường hợp đã qua, nay hiện lại cả trong trí người chồng và rõ rệt lên, có một ý tứ bây giờ mới nhận thấy.
Sự ngờ vực gieo trong lòng Toán. Mầm độc nở lên rất mau như có tay tình ma vun tưới. Toán khổ sở ghê gớm và âm thầm.
Anh tự nhủ rằng Lan không lừa dối anh bao giờ. Không! Lan không có lý nào hết yêu anh! Vả lại chứng cớ đâu? Nhưng Toán không thôi dò xét. Anh ôn lại từng cử chỉ, từng lời nói của Lan khi anh ở ngoài về, khi Lan đi chơi một mình về nhất là sau khi Lan vắng nhà buổi tối. Anh trách anh vô lý. Lan cũng đã phải bực tức với anh, và có phen phải khóc lóc. Anh yêu Lan đắm đuối hơn trước, dữ dội hơn trước. Nhưng anh càng đau đớn hơn. Cả trong lời phân trần của Lan anh cũng thấy có ý khác.
Một buổi tối thứ bảy, Toán tìm ra được nguyên do sự ngờ vực của mình.
Tối hôm đó, anh cùng Lan vào nhà hàng Gôđa phố Tràng Tiền. Lúc trở ra. Lan đi trước, anh còn ở lại trả tiền rồi ra sau. Một người quen mới trông thấy Lan, tưởng cô đi một mình, vội vã lại gần Lan và tỏ ra một sự mừng rỡ hơi ngoa, nếu chỉ là bạn thường như mọi người khác. Thái độ ấy tuy ghìm giữ lại ngay, nhưng Toán đã bắt chợt được hiệu tay chận ngừng, kín đáo của Lan và một vẻ bẽn lẽn thoáng qua của người bạn.
Toán bắt tay người bạn kia vui vẻ như mọi lần. Anh có được những câu chào mời tự nhiên và một cách biểu lộ vô tâm rất khôn ngoan khiến chính anh cũng phải lấy làm lạ.
Toán ngạc nhiên hơn nữa khi nhận thấy tâm hồn mình sao mà lại bình tĩnh được đến thế và lại như thênh thang nhẹ bỗng hẳn đi.
Từ giã người bạn rồi, anh ân cần hỏi ý kiến Lan về những thứ hàng vừa mua hoặc những chuyện may sắm khác. Đối với Lan, với điều bí ẩn của Lan mà anh vừa chợt biết, anh có một thái độ nhã nhặn kín đáo của người lịch sự khi biết chuyện riêng của người ngoài. Anh biết cách lánh xa đi – lánh mặt với những bước rút lui rón rén. Anh cũng “không trông thấy” hai ba lần Lan nhìn trộm anh, anh ngạc nhiên rất giỏi khi Lan đả động tới các bạn hữu để dò ý anh. Phải, Toán cố đóng vai anh chồng mù tịt không biết gì, mà đóng một cách thực tài tình. Anh dụng công phá tan bằng hết đám mây lo ngại đi cho Lan.
Vì anh có một chủ ý.
Đêm hôm ấy, Toán nghe vợ nhắc lại những lời âu yếm nét mặt lộ ra được hết vẻ cảm động sung sướng và trong những ý chua chát, anh nhận thấy mức độ can đảm lặng lẽ của mình. Anh đáp lại sự vuốt ve của Lan cũng bằng những cử chỉ nồng nàn và khi hôn lên miệng Lan trước khi vợ vào phòng, Toán nghĩ đến cảnh tượng giống như lúc này, Lan ngả nghiêng trong tay người khác.
Một chuyện ngoại tình – Thế Lữ
Hơn một tuần lễ không có gì lạ trong sự chung đụng của hai vợ chồng. Lan vẫn có những cớ rất chính đáng để vắng nhà, Toán hỏi chuyện và đôi khi lại nói khôi hài để Lan cười nữa. Những thứ quà kẹo bánh mà Lan thích, Toán vẫn không quên mua về, và lúc đưa cho Lan, anh vẫn trêu chọc để vợ nhắc lại những cử chỉ và những lời nũng nịu. Lan yên tâm lắm. Lan không lo giữ gìn nữa. Toán biết đã đến lúc thi hành cái mưu của mình.
Đó là một cái mưu cổ điển.
– Lan ạ, chiều thứ bảy anh phải đi Nam Định.
Toán vừa nói vừa thản nhiên đưa bức thư của người bạn mời anh xuống Nam để bàn một chuyện cần.
– Chiều thứ bảy anh đi, sáng hôm sau về ngay. Nhưng thế nào anh cũng mua nhiều quà cho Lan…
Lúc ấy là chiều thứ sáu.
Toán không nhìn cái mừng rỡ có thể trong mắt Lan. Anh bảo thằng Quýt đi giục quần áo ở thợ giặt, nói to mấy ý nghĩ thầm về cái công việc dưới Nam Định và dặn Lan sắp va ly cho anh.
Chiều thứ bảy, khi xe lửa chạy và nhìn tay Lan vẫy tiễn chào anh, Toán tính lại thời kỳ ân ái của mình với Lan: năm năm và hơn bảy tháng. Thực là ngắn ngủi, vì cái ý định anh sắp thực hành sẽ kết liễu cuộc nhân duyên này. Toán đau đớn không nặng bằng tủi hờn. Cô gái tỉnh nhỏ kia đền đáp tấm tình quảng đại và chân thực của anh bằng sự lừa dối mà anh vẫn chỉ lường được ở bao nhiêu đàn bà khác. Anh không thể là người có độ lượng tha thứ. Anh cũng không để một điều tội lỗi qua khỏi hình phạt. Toán có lối hình phạt đặc biệt – không phải để trả thù cho tình ái: nó đã chết, mà để trả thù cho lòng tự ái bị trọng thương.
Anh xuống ga Thường Tín đi ô tô hàng ngược về Hà Nội và nghỉ trong một khách sạn đến tám giờ tối. Anh ăn cơm ở đó rồi thuê xe xích lô về chỗ ở của anh: bên một ngả đường vắng vẻ ngoại ô, một biệt thự nhỏ nhắn, tĩnh mạc và đủ mọi tiện nghi “để anh dựng tổ hạnh phúc”. Nhà anh chia làm hai gian ngoảnh mặt ra đường. Một gian là phòng ngủ có lối ra đằng sau. Toán biết sự lợi hại của những đường lối đó.
Xem đồng hồ mới hơn tám giờ rưỡi. Đường tối và lặng lẽ như giữa đêm khuya. Anh xuống xe xách va ly thong thả bước về và thấy ánh sáng đèn ở bên phòng của Lan lọt qua cánh cửa chớp. Anh đứng lại im lìm như cái bóng và nhận thấy tiếng Lan thỏ thẻ từng đoạn trong tiếng thì thào đàn ông.
– Họ không đợi muộn hơn.
Anh nghĩ thầm thế và tưởng tượng đến những rung động của vợ anh trong sự ôm ấp của người chiếm quyền anh lúc đó. Toán rất bình tĩnh. Anh biết lòng yêu đến lúc ấy thực đã chết hẳn. Sự căm hờn của anh là một mối thù ghét lạnh. Như thế ghê gớm hơn. Không một chút vội vàng. Toán còn nhìn lên một vài điểm sao trên bầu trời sâu tối. Anh biết rất rõ ràng những điều anh dự định và anh sẽ làm theo với một thứ tự tinh tường.
Toán lặng lẽ cười cả miệng để sửa soạn giọng nói. Anh trở lại phía đầu đường cách nhà độ hơn chục thước rồi bắt chước tiếng một người Sài Gòn thuê nhà ở gần đó, anh hỏi thực to:
– ủa lạ nãy! Thầy Hai ở mô dìa tối vậy?
Rồi đổi giọng thường, anh tự đáp:
– Ông Tư! Tôi đi Nam Định về đây…
Câu chuyện cứ điệu ấy tiếp theo. Một mình anh đóng hai vai để diễn một lớp kịch ngắn.
– Đi Nam chi vậy? Đi hồi nào?
– à đi có việc cần! Nhưng xong rồi. Tôi đã tưởng đến mai mới về được.
– Hổng đi với cô Hai sao?
– Không, Lan ở nhà. Ông Tư đi đâu thế? Vào tôi chơi đã rồi đi.
– Tôi đi dạo chút cho khỏe… Tôi dô bây giờ muộn rồi… Thầy dìa nghỉ thôi nghe.
Một tiếng cười vui vẻ, rồi:
– Xe, đi mạy!
Toán lúc đó mới lộp cộp bước về bấm chuông gọi.
Câu chuyện vừa rồi anh cố ý kéo dài để cho người trong biết anh về, có đủ thì giờ để “thu xếp”. Anh mong rằng người đàn ông không quá hấp tấp đến nỗi bỏ lại một vài tang vật và nhất là đừng quên cầu cứu tới lối cổng sau. Anh lại hữu ý gọi luôn để “người kia” đừng chạy lên đường vội. Mọi việc xem chừng nối tiếp nhau đúng như anh tính trước. Lúc thằng nhỏ vừa ngáp thầm vừa mở cửa thì anh hỏi rất tự nhiên:
– Mợ ngủ rồi à?
– Vâng, mợ con ngủ rồi.
– Cậu mở va ly bỏ quần áo ra cho tôi, đem nước uống lên rồi cho cậu đi ngủ.
Toán vào phòng Lan, mỉm cười cúi xuống nhìn vợ. Lan nhắm mắt, bằn bặt ngủ trong đám gối nệm rất gọn ghẽ. Cô nhíu mày lại, nhẹ nhàng giật mình khi tay chồng đặt lên vai cô.
– Lan ngủ sớm nhỉ. Em tôi ngoan quá. Việc Nam Định của anh xong rồi…
Lan hỏi trong tiếng ngáp:
– Mình! Mình về chuyến tàu nào thế?
Anh âu yếm đáp lại sự mừng rỡ của vợ và miệng cười không lộ một chút gì là mỉa mai. Toán cáo mệt, buồn ngủ, hôn vào trán vợ rồi ra. Lúc anh bỏ áo ngoài. Toán mới mím bên mép thành một cái cười khóe miệng.
Toán say sưa hưởng lấy cái thú ác nghiệt vỗ về mơn trớn Lan. Trong ba hôm – khi cái lo sợ vẫn chưa hết hồi hộp trong tâm thần Lan – anh nghỉ ở nhà, luôn luôn ngồi cạnh người thiếu phụ mà anh hỏi han, anh dỗ dành để nghe những lời giả dối ngọt ngào và để xem những điệu bộ thân yêu bất đắc dĩ. Toán thường nhìn rất lâu vào đôi mắt vợ. Anh cười để trông thấy sự hốt hoảng trong đó. Rồi điên cuồng, anh ôm ghì lấy tấm thân run rẩy, ngửa đầu vợ trên lưng ghế và dữ dội gắn một cái hôn mải miết lên miệng Lan. Nén tất cả sự ghê tởm trong lòng và giữ giọng thật ôn tồn, Toán nói với vợ những lời ca tụng quá đáng:
– Mình ơi! Lan của anh, Lan quý báu của lòng anh, anh có diễm phúc không biết ngần nào…
“Lan của anh ơi! Vợ yêu dấu, vợ trung thành của Toán…
“Anh tự phụ vì có người vợ trong trắng, trinh bạch, hiền đức như Lan của anh…”
Những lời kiểu cách đó, sau cùng, khiến cho Lan sinh gờm sợ. Lan không thể đừng đoán thấy một sự gì khác thường…
Có lúc người thiếu phụ tưởng chừng chỉ là một xác thịt để đợi chịu sự vầy vò của Toán.
Lan lúc nào cũng e dè, luôn luôn lo nghĩ. Thái độ Toán ngày một thêm kỳ quặc.
Giữa lúc tư thế thân cận, Lan hỏi liều một câu để dò ý Toán thì người đàn ông thốt nhiên cười gằn một tiếng, buông Lan đó, đi ra. Một lần Toán đáp lại những lời êm ái của Lan bằng một câu vu vơ:
– Anh mới khám phá được những điều bí hiểm nhất của lòng một con người! Thật đấy Lan của anh ạ!
Lan không dám hiểu rõ hơn câu nói ấy. Lan chịu những thống khổ độc địa thái quá. Toán không để cho Lan biết chắc chắn bề nào. Sự ngờ vực này tai quái như một ác bệnh.
Sau cùng, sau hơn một tuần lễ nhục nhã, ê chề mà không dứt khoát ra sao, Lan tái người đi khi thấy Toán yên lặng bước về tay cầm một con dao săn lưỡi nhọn sắc và sáng loáng. Linh giác của Lan mách bảo, hay một tia lửa lạnh trong mắt Toán đã khiến Lan thấy sự chẳng lành? Lan nhìn trộm Toán luôn và lấy hết sự can đảm để giữ cho giọng nói khỏi run, cô ta hỏi:
– Anh mua cái này đấy à?
Thì Toán nhìn vợ một cách lạ lùng. Anh im lặng nhếch miệng cười và thực không có cảm giác nào rùng rợn hơn – một giọng Sài Gòn từ miệng anh thốt ra, đáp lại:
– Phải đa! Qua mua đặng làm kỷ niệm cho mình đó.
Những câu sau, cũng bằng thứ tiếng Sài Gòn mà Lan đã nhận biết – và đã hiểu – là những lời tương tự như thế – ngọt ngào và ghê gớm; nhưng Lan không còn nghe được rõ ràng.
Một thế giới đã khuynh loạn trong tâm thần Lan. Hai mắt đầm đìa nước mắt cô đợi chờ lưỡi dao kia cắm ngập vào trái tim mình. Trong sự kích động bi đát của phút nghiêm trọng cuối cùng, cô đợi hình phạt tội lỗi mình bằng cả tâm hồn thảm thiết, đê mê, và ngà say trong một thứ cam tâm khoái lạc, thần bí.
o O o
Nhưng Toán không động tới mình vợ.
Toán để yên cho Lan sống cùng nhà và – anh rắp tâm thế – ở ngoài cuộc đời của anh.
Rút từ tập truyện ngắn
Bên đường thiên lôi, 1936.
Tác giả: Thế Lữ – Thực hiện: Hồng Huệ