RadioVn.Com – Mây bay cuối đường của Sương Nguyệt Minh là một trong số ít tác phẩm được tuyển chọn đưa vào chương trình dạy học ngữ văn địa phương, bậc THCS tỉnh Ninh Bình. Truyện được lấy bối cảnh từ thập niên cuối của thế kỉ XX. Đó là khi đất nước bước vào thời kì đổi mới thì mỗi làng quê, ngõ xóm cũng bị cuốn theo guồng quay đó như một tất yếu lịch sử. Làng Sơn Hạ nhỏ bé, giấu mình, im lìm trong vùng đất bán sơn địa heo hút trong truyện của Sương Nguyệt Minh cũng đang trở mình. Giống như bao làng quê khác của nông thôn Việt Nam lúc bấy giờ, sự đổi thay trong nếp nghĩ, lối sống của lớp trẻ nông thôn ở vào thời điểm đất nước đang chuyển mình và hội nhập thật không dễ dàng. Nó kéo theo bao hệ luỵ và đôi khi không tránh khỏi sự trả giá cho những đổi thay theo thời cuộc ấy.
Câu chuyện được mở đầu bằng sự thất vọng của Gấm- nhân vật người kể chuyện. Anh Toàn- người yêu của Gấm, hẹn sẽ trở về đón cô ra thành phố nhưng anh đã lỗi hẹn. Vậy là ước mơ về chàng hoàng tử sẽ quay trở về làng rước cô Tấm vào cung chỉ còn là mơ ước. Gấm buồn, nhưng không tuyệt vọng. Cô vẫn chờ Toàn quay trở lại và luôn nung nấu ý định bỏ làng ra thành phố. Lời khuyên bằng chính sự trải nghiệm của người cha: “chả nơi nào bằng quê hương” cũng không làm cô nản chí. Trước cô, anh Toàn, cô Thao, chị gái của cô và cả vợ anh Sang nữa, họ không chấp nhận thân phận người nông dân tù túng nơi làng quê chật hẹp. Chị gái Gấm từng bảo: “Tao đi cũng là vạn bất đắc dĩ, ở làng Sơn Hạ này thì cô Tấm vẫn chỉ là cô Tấm thôi. Chẳng bao giờ thành hoàng hậu đâu”. Họ muốn lên thành phố để đổi đời.
Con đường từ quê lên tỉnh của họ mỗi người mỗi khác, nhưng tựu chung lại đều giống nhau ở mục đích kiếm tiền: Bao giờ có nhiều tiền, họ mới trở về làng. Nhưng để đạt được mục đích ấy thật không hề suôn sẻ, dễ dàng. Bởi cuộc sống nơi phố thị không hẳn là mơ ước cho tất cả mọi người. Câu chuyện của vợ chồng anh Sang là một ví dụ: Sau khi vợ bỏ gia đình, bỏ làng ra đi, anh cũng bỏ làng lên thành phố tìm vợ. Anh tìm kiếm việc làm, kể cả làm cửu vạn. Thất vọng, anh phải quay về làng mang theo mặc cảm như người có tội: “không muốn vác cái mặt này để người làng dòm thấy”. Người vợ của anh cuối cùng cũng quay trở về làng khi cái bụng đã chửa to kềnh càng. Tình huống họ gặp lại nhau tình cờ ở sân ga thật trớ trêu, đúng lúc anh Sang quyết định bỏ hết tất cả để đi theo Gấm. Họ cùng nhìn nhau câm lặng…
Với Gấm, con đường lên tỉnh của cô cũng mờ mịt, bảng lảng như mây bay cuối đường. Bản thân cô cũng không biết phải thay đổi số phận bằng cách nào? Chính Toàn là người đã gieo vào lòng cô bao viễn cảnh tốt đẹp của cuộc sống thị thành, nhưng buồn thay, anh lại làm cô thất vọng. Anh không giữ lời hứa, không còn nhớ đến quê. Sự lỡ dở trong cuộc tình với Toàn đã làm Gấm lỡ một chuyến tàu trong cuộc đời. Trở về với thân phận gái quê, gặp Sang, người có cùng cảnh ngộ, cô đã cảm nhận được chất mộc mạc mà sâu lắng của tình quê, tình người. Họ đã tìm được sự đồng cảm. “Gấm cảm thấy có cái gì vỡ oà trong lồng ngực” khi cô nhận được sự cảm thông, trìu mến nơi anh. Một cái gì tươi mới, trong trẻo, đầy hứa hẹn đang định hình
Nhưng với nghệ thuật viết truyện già giặn, tác giả không để cho tình cảm nhân vật phát triển theo chiều hướng dễ dãi. Gặp Sang, tình cảm chân thành cùng với tiếng đàn bầu thổn thức của anh đã đem đến cho Gấm những cảm giác ngọt ngào. Tình cảm với quê hương yêu dấu thức dậy trong cô. Mọi dấu hiệu thân thuộc của quê hương với cô đều trở nên tha thiết và gắn bó. Cô nhận thấy mình có một quê hương nghèo mà ấm áp tình người. Tình cảm với Sang cũng từ đó mà nảy mầm…
Cứ như vậy, qua lời trần thuật của nhân vật tôi, đặc biệt là qua những dòng hồi ức về quá khứ, ta cảm nhận được diễn biến tâm trạng khá phức tạp của nhân vật. Gấm- một người con gái giàu tình cảm, yêu gia đình, quê hương nhưng lại luôn nung nấu một ước mơ ra thành phố để thay đổi thân phận. Khi anh Sang tự nguyện cùng cô lên chuyến tàu mới thì họ vấp phải nghịch cảnh: vợ Sang đã trở về một cách không bình thường. Nhìn thấy tình cảnh của chị ta, cô giật thột nhìn xuống bụng mình…và cô lại lỡ tàu. Giấc mơ ra thành phố của cô đã khép lại. Có thể đó là chuyến tàu cuối cùng trong cuộc đời cô. Cũng có thể cô vẫn hy vọng ở một chuyến tàu khác…cách kết thúc truyện cho ta hiểu tất cả đều có thể xảy ra.
Không gian nghệ thuật của câu chuyện đư ợc thu hẹp lại trong một làng quê nghèo thuộc vùng đồng chiêm trũng với tất cả xấu tốt, dở hay thời mở cửa. Bên cạnh đó, tác giả còn chú ý khắc hoạ một không gian khác, đó là không gian con đường. Con đường lên huyện trở đi, trở lại trong truyện, vừa như một biểu tượng cho sự đổi thay của làng quê thời kì đổi mới, vừa có ý nghĩa như sự khởi đầu của mọi ước mơ. Từ khi con đường bắt đầu làm, cho đến khi làm xong thì bộ mặt làng quê cũng dần thay đổi: quán xá, phòng hát karaôkê, nhà mái bằng mọc lên như cái phố chợ. Giao lưu kinh tế được mở rộng, người người hối hả làm giàu, sự gắn bó với làng quê cũng nhạt dần. Người chị gái của Gấm sau hơn mười năm bươn chải nơi đất khách quê người, đã trở về làng với một xe chất đầy hàng hoá, rồi chị lại ra đi đem theo người làng lên làm cho cho công ty của chị. Nhưng lần này đi “không thấy chị nhìn thôn xóm, núi đồi, đầm ruộng như lần trước”. Cả Gấm nữa, khi đi rồi cô mới giật mình vì: “chưa nhìn đồng đất, làng xóm trước lúc ra đi”. Vậy là, người ra đi thì hăm hở, quyết tâm nhưng khi trở về thì “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, như lời bài hát vọng ra từ phòng karaôkê nhà cô Thao. Đó như một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa.
Với lối viết nhẹ nhàng, lời văn trong sáng, Mây bay cuối đường của Sương Nguyệt Minh đã đem đến cho người đọc những suy nghĩ và trải nghiệm thú vị về những vấn đề tưởng như đơn giản nhưng không hề giản đơn trong cuộc sống. Truyện có kết cấu hợp lý. Nhiều đoạn miêu tả cảnh vật và tâm trạng khá đặc sắc. Đặc biệt, tác giả đã rất khéo léo khi sử dụng những chi tiết lặp như là một nốt nhấn để níu kéo ràng buộc nhân vật và xâu chuỗi mạch truyện. Chi tiết Gấm đánh xe trâu tiễn Toàn lên tỉnh và cô muốn bỏ hết để đi theo anh. Chi tiết này được lặp lại khi Gấm theo xe trâu của anh Sang ra ga định lên thành phố và ở giây phút quyết định, anh Sang cũng muốn bỏ hết tất cả để đi theo Gấm…
Hình tượng mây bay ở cuối con đường được lấy làm mở đầu và kết thúc truyện như một sự mở ra và khép lại giấc mơ không có hồi kết của nhân vật tôi- giấc mơ lên thành phố thoát khỏi thân phận người con gái ở làng. Giấc mơ ấy vừa gần gũi vừa xa lắc như Mây bay cuối đường.
Tác giả: Sương Nguyệt Minh – Người thực hiện: NSƯT Hà Phương