Bài nổi bật

Mắt trẻ thơ – Tác giả: Nam Ninh

Truyện đêm khuya – Thế giới trẻ thơ phải được sống trong tình yêu thương, chở che và bao dung. Chúng không thể lớn lên và chứng kiến tội lỗi của những người sinh ra chúng. Đằng sau song sắt và áo sọc, trẻ thơ đã mất đi tuổi thơ sáng trong và đẹp đẽ. Trả lại cuộc sống bình thường cho bao trẻ thơ là câu hỏi còn nhức nhối với trách nhiệm của mỗi công dân và toàn xã hội. Tuổi thơ không thể lớn lên trong sự bủa vây của tội lỗi, của sự xa lánh và song sắt. Câu trả lời thuộc về chúng ta….

Duy nhẹ nhàng đặt cây bút xuống bàn, đứng dậy vươn vai làm một động tác thể dục nhẹ, người thấy lâng lâng. Hóa ra khung cảnh, con người ở nơi rừng núi xa xôi này không đến nỗi như anh tưởng ban đầu, thậm chí còn đẹp và ấm áp tình người nữa. Duy ra ngoài đi bách bộ, như để thư giãn, nhâm nhi tìm thêm ý tưởng. Tại sao người ta không nói thẳng toẹt ra nó là nhà tù mà lại gọi là trại giam nhỉ? Một con đường thẳng tắp vào khu cơ quan, hai bên là hàng cây sắp thành cổ thụ. Rừng vải bạt ngàn, đường dọc, đường ngang đều đi trong lùm cây. Ở cái nơi tận cùng trời đất này, có đến vài ngàn tù nhân mà nhịp sống yên ả mới thấy lạ. Đầu óc Duy cũng thấy thoáng ra, sạch sẽ. Người lính già, ngòi bút có máu lửa của cuộc chiến tranh, xốc nổi và cảm khái, giờ cầm bút trong cảnh thanh bình, nhâm nhi đến từng câu chữ. Bài viết của anh đã được hình thành, mạch văn được chảy theo từng đề mục nhỏ, phục vụ cho cái đề mục lớn: “Ở nơi con người lầm lỗi”, đầy những vụ án thương tâm. Duy đi bách bộ ở nơi con người lầm lỗi, hít thở bầu không khí trong lành, thoang thoảng mùi hoa sữa. Như một thói quen anh tạt qua căng tin mua mấy gói kẹo rồi rẽ vào nhà trẻ, anh thích thú muốn ngắm lại đôi mắt trẻ thơ, bởi chúng vui nhộn vô tư, vô tư đến tội nghiệp. Duy thích trẻ thơ, hồi hành quân qua Tây Nguyên, nhìn bọn trẻ tròn quay, đen nhẻm, chúng nô đùa giữa thiên nhiên nắng chang chang và núi rừng hoang dã, Duy đã khao khát muốn ôm chầm lấy chúng. Về Hà Nội, sáng sáng đi qua nhà trẻ Hoa Hồng, Duy dừng lại ngắm nhìn chúng nô đùa bên chiếc đu quay, anh thèm khát những đôi mắt mở to của những đứa trẻ sống trong nhung lụa. Vậy mà số phận trớ trêu, trời không ban cho anh một đứa con. Vợ sẩy thai đứa đầu, Duy thấy lo, đến đứa thứ hai cả nhà tập trung cao độ chăm lo cho vợ anh theo hướng dẫn của bác sĩ vậy mà chưa đầy năm tháng lại sẩy thai lần nữa, vậy là có vấn đề về thể trạng của anh từ cuộc chiến, bác sĩ ái ngại khuyên vợ chồng anh nên tập trung chăm lo sức khỏe chưa nên có con vội. Vậy thì đến bao giờ? Năm nay Duy đã ngoài năm mươi tuổi, vợ anh ở tuổi bốn lăm. Trong chuyến đi thực tế của đoàn nhà văn lần này, ngay từ hôm đặt chân đến đây, nghe tin có nhà trẻ cho con của nữ phạm nhân, Duy đã thấy háo hức, cái háo hức càng tăng khi anh đến thăm chúng buổi ban đầu.
Anh giơ tay chào cô giáo và cô cảnh sát, rồi vào lớp mẫu giáo trước, nhóm trẻ này từ ba tuổi trở lên, mới được học trò chơi xếp chữ. Chúng líu ríu khi thấy Duy nghêu ngao hát từ ngoài sân cháu lên ba cháu đi mẫu giáo, cô yêu cháu vì cháu không khóc nhè…
Mắt trẻ thơ – Tác giả: Nam Ninh
*
* *
– Cháu chào ông!
– Cháu chào cán bộ!
– Cháu chào ban!
Duy trừng mắt, nhìn đám trẻ:
– Cháu nào lại nói chào ban đấy nhỉ?
Bọn trẻ nhao nhao chỉ thằng bé đứng nép bên cánh cửa. Mặt nó xị xuống, khoanh tay biết lỗi. Duy xoa đầu nó bảo không sao mà, anh đặt chiếc kẹo vào tay nó, cố làm ra vẻ như chính mình mới là người có lỗi chứ không phải bé.
– Là cháu quên đó thôi, phải không nào? – Duy ngồi thụp xuống cạnh thằng bé để nó yên tâm – lần sau không được gọi ta là ban hay cán bộ nữa nhé.
Duy nhìn thằng bé tội nghiệp, đôi mắt nó long lanh, ngấn nước.
Ngoài kia thấp thoáng dưới lùm cây là những tà áo sọc, màu quần áo đặc trưng mãi đến giờ anh mới quen mắt, tốp nam đi riêng, nữ đi riêng, họ đi làm ở những khu vực khác nhau, họ ở trại khác nhau, nhưng về chung một con đường. Lần đầu gặp họ Duy có chút ngỡ ngàng khi thấy họ đều cúi rạp đầu chào anh: “Cháu chào cán bộ”, Duy bật cười, “cháu”, già bằng tuổi bố mình mà cũng xưng với anh là “cháu”. Có người chào anh là ban, “cháu chào ban”, ban ở đây là chỉ Ban Quản giáo. Hoá ra đã hết giờ làm việc, đám phạm nhân đi làm đồng đã về. Bọn trẻ nhìn ra đã nhớn nha nhớn nhác mong mẹ. Hình như hôm nay anh đã viết mải miết đến cận hết ngày, chưa bao giờ ngòi bút xuôi xẻ đến thế.
Duy không thích lũ trẻ gọi anh là ban hay cán bộ bởi chúng không phải là tù nhân, chúng là con tù nhân, chúng không có tội. Suốt buổi sáng ngày hôm qua anh đã ở đây với lũ trẻ này, vui đùa với chúng, chia kẹo cho chúng, dạy chúng gọi anh là ông, là bác, là chú, là gì gì cũng được miễn không phải gọi là ban hay là cán bộ, anh muốn cái đầu non nớt kia thoát ra khỏi cảnh lao tù. Vậy mà hôm nay chúng lại quên, chúng len lét nhìn sang cô trông trẻ khiến Duy giật mình, hoá ra mình nói không chuẩn, mình khuấy vào đầu chúng đến mụ mị, ví như cô trông trẻ này, cô ta là tù nhân được mặc thường phục để ra trông trẻ, chúng gọi cô ta là gì? Gọi cô nuôi dạy trẻ là gì, gọi cô cảnh sát bảo vệ bọn chúng là gì ? Vì thế nên hôm qua anh đã cố dạy chúng như dạy hát mà chúng vẫn quên là có lý.
Cô trông trẻ là tù nhân, phạm tội chứa gái mại dâm bị phạt tám năm tù, bọn chúng vẫn gọi là cô, một điều thưa cô, hai điều thưa cô, còn cô giáo là viên chức của trại, dạy lớp mẫu giáo và nữ cảnh sát thỉnh thoảng chúng cũng gọi ban hay cán bộ.
– Dạ, thưa cán bộ, – Cô trông trẻ là phạm nhân nói – là cháu hay quên đó, cháu nó gọi theo mẹ chúng thôi cán bộ ạ.
Gọi thay cho mẹ chúng, hay! Duy thừ ra một lúc, định bảo cô tù nhân trông trẻ, cô thì biết cái mẹ gì, cái đầu của trẻ nó như tờ giấy trắng. Anh bức xúc phẩy tay, có cái gì đó lấn bấn ở chỗ này, khó lý giải ở chỗ này, anh lững thững quay ra gặp hai cô gái, một là cô nuôi dạy trẻ, người thứ hai là chiến sỹ cảnh sát. Đã qua một ngày làm việc nên đối với anh hai cô đã trở nên quen thuộc, với cái loại mồm mép như Duy thì một chốc đã thành quen chứ nói gì đã qua một ngày:
– Chào hai em.
– Em chào anh.
Duy quay sang nữ chiến sĩ cảnh sát tên là Diệu Thuý, cấp bậc thượng sĩ có chút bông lơi:
– Đêm qua cô phải thay ca hay làm một mạch đến sáng?
– Em mà được ngủ một mạch đến sáng á, coi giữ ở đây mà nó lấy trộm mất một đứa thì toi em, sợ lắm.
Duy đã viết một đề mục nhỏ cho cuốn sách: “Người canh giấc ngủ trẻ thơ” là hình mẫu của Diệu Thuý, Thuý trắng trẻo, xinh gái, nói năng dè dặt, đôi má bầu bĩnh thỉnh thoảng lại ửng lên khi anh pha trò. Nhiệm vụ của Thuý cùng một nữ cảnh sát nữa là bảo vệ lũ trẻ này, nhất là bọn trẻ lớp lớn nghịch như giặc, chúng được ăn ngủ tại đây, chỉ cuối tuần mới được mẹ đón vào trong trại.
– Nhân có hai em đây, anh muốn bàn một việc, – Quay sang cô nuôi dạy trẻ anh nói – Anh thấy để các cháu gọi mấy em là ban, có cái gì đó không ổn?
– Các em nó gọi theo cô trông trẻ mà anh.
– Gọi theo cô trông trẻ? Cô trông trẻ là phạm nhân, lại bảo nó gọi theo mẹ, mẹ chúng cũng là phạm nhân. Hi!
Cô giáo quay sang Duy chất vấn:
– Vậy anh bảo chúng em làm được gì?
– Làm gì nhỉ? – Duy lại ớ người, làm gì được nhỉ, nó là một thứ tự nhiên, tự nhiên đến vô tình vậy. Biết đuối lý nhưng anh vẫn cả quyết với hai cô – Nhưng mà chúng có phải là phạm nhân đâu?
– Ai bảo chúng là phạm nhân nào? – Nữ cảnh sát chất vấn lại.
Bị đưa vào thế bí, Duy giảng hoà:
– Anh cũng bí đây.
Nhìn hai cô mặt đỏ lên lúng liếng, Duy cười phá lên rồi cả ba đều cười. Không ai biết là mình cười cái gì cả. Xa kia là con đường rợp bóng cây chạy hun hút vào trại tù nữ.
Duy bảo hai cô, anh muốn chứng kiến cảnh các bà mẹ mặc quần áo đặc trưng vào đón con giờ này.
– Thì nhà báo cứ việc vào mà chứng kiến.
Nói vậy thôi, hai cô lại cùng anh đến trước cửa nhà trẻ nhỏ, nhóm trẻ lớn và trẻ nhỏ ở hai căn nhà cấp bốn, có chung một cái sân gạch đỏ, bọn trẻ hai nhóm nhìn thấy nhau, trêu đùa nhau hàng ngày. Nhóm trẻ nhỏ ở đây đứa nhiều nhất đến gần ba tuổi, có đứa mới chập chững biết đi. Hôm qua chúng nhìn anh như ở một thế giới lạ, nhưng hôm nay đã thành quen, nói đúng hơn là anh đã biết cách làm quen, vì thế có mặt anh bọn chúng vẫn trèo từ cũi nọ sang cũi kia nhoay nhoáy. Có cũi bỗng chốc dồn đến ba, bốn đứa, chúng chồng lên nhau nô đùa, cào cấu mặt mày, hoặc ôm nhau ngã lăn quay. Ở đây cũng có một cô là phạm nhân trông trẻ được mặc thường phục mắc tội lừa đảo, gây thương tích bị phạt đến hai mươi năm tù. Cô trông trẻ luôn chân, luôn tay, vừa nhấc chúng trở về cũi riêng, thì đứa khác đã trèo qua cái cũi sau lưng cô để sang với bạn. Chúng hiếu động quá. Riêng cái cũi đặt ở góc phòng, nhốt một cháu gái trông rất kháu khỉnh, cháu bị nhốt riêng lẻ vì bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ đã chuyển sang “ết”, cô trông trẻ bảo nó đã xuất hiện khối u nhỏ ở ngực. Cháu không ra được vì cũi cao quá, nhưng nó vẫn thò tay qua song gỗ bi bô với bạn. Mỗi khi có đứa đến nắm tay cháu gái, cô trông trẻ lại hét toáng lên. Nhưng bọn chúng cũng gớm, cứ lừa lừa, thấy cô quay đi là chúng lại chạy sang, phát vào tay bạn gái một cái. Cô giữ trẻ cho biết đã có ba cháu chết vì bệnh hiểm nghèo này, nên trông cháu vậy thôi, biết còn được bao nhiêu ngày nữa? Thấy Duy vẫn chăm chú nhìn cháu, cô ta bảo cô phải thường xuyên để mắt đến nó, ngộ có đứa nào lây nhiễm thêm thì cô lại mang thêm tội.
– Cán bộ ạ, nó quấn người lắm kia, nên ai cũng sợ.
Lúc Duy đưa tay định bế một cháu, tưởng hôm nay nó theo, ai ngờ nó vẫn ôm chầm lấy cô trông trẻ, mặt quay đi mếu máo. Cô ta bảo, nó chỉ quen người mặc áo sọc thôi, lạ như cán bộ là nó sợ. Duy thấy như hụt hẫng. Anh bực mình bước qua chắn song gỗ vào hẳn trong phòng, mở gói kẹo ra chia cho lũ trẻ, chỉ một lúc chúng đã trèo ra khỏi cũi, đứa bíu vai, đứa bíu cổ, trẻ con dễ xa mà cũng dễ gần, chúng thích chí cười, nói, ngọng líu ngọng lô, anh cũng xênh xang xòe cả cánh tay cho chúng nhảy vào lòng.
– Tên cháu là gì?
Cháu bé được anh hỏi, đôi mắt mở to ngơ ngác, quay sang cô trông trẻ. Cô trông trẻ thưa:
– Cháu tên Thuý Hằng ạ.
– Xinh lắm, – Duy hỏi tiếp – Mẹ cháu mắc tội gì?
– Tội cố ý gây thương tích ạ – Cô trông trẻ thưa.
– Còn bao nhiêu năm?
– Mười năm.
– Mười năm?
Thấy Duy thốt lên, con mắt Thuý Hằng lại nhìn anh ngơ ngác, nó đâu hiểu mười năm nghĩa là gì, nó bé quá, mới chừng hai tuổi.
Thằng bé bên cạnh, nhỉnh tuổi hơn, láu lỉnh, chưa hỏi đến nó đã tự khoe:
– Cháu giiếtt … ngưư …ờời ạ.
Huy trố mắt nhìn nó, hôm qua lũ trẻ lớp lớn cũng vậy, cứ hồn nhiên gắn tội mẹ của nó vào.
– Còn cháu trai này?
– Dạ thưa cán bộ nó tên Mạnh Hùng – Cô trông trẻ khoắn khoả trả lời – Mắc tội lừa đảo, còn có tám năm.
– Cô nhắc lại đi, – Duy cáu – là mẹ cháu mắc tội lừa đảo chứ không phải là cháu.
– Thưa cán bộ cháu xin lỗi ạ, là mẹ nó.
Duy hỏi cô trông trẻ về nhân thân từng đứa trẻ cứ như thói quen hỏi phạm nhân ở trong trại, tên gì? Tội gì? Còn bao nhiêu năm??? Còn cô trông trẻ gần như thuộc lai lịch từng đứa một. Hoá ra mẹ chúng, những người đàn bà khoác trên mình bộ quần áo đặc trưng, họ ở đủ các nhóm tội: buôn ma tuý, trộm cướp, tham ô, lừa đảo, nhận hối lộ đến cả giết người… Các cô trông trẻ cứ vô tư gắn mỗi cháu vào tội danh của mẹ chúng để trả lời mỗi khi có khách đến thăm. Hoá ra mọi người đến đây cũng độ lượng như Duy, đều hỏi thăm đến nhân thân của từng cháu.
– Còn bố nó?
– Dạ thưa cán bộ, cháu không biết ạ, ở đây không thấy đứa nào có bố đến thăm.
Nữ cảnh sát cũng xác nhận đúng là như vậy. Duy bực mình nghĩ bụng, chúng từ nách mẹ nó chui ra chắc! Như đoán được ý anh, cô giáo giải thích, có thể bố cháu ở nhà tù khác, có thể không nhớ rõ kẻ nào là cha, có thể bố nó đã chết vì bệnh ết. Cô giáo nói thêm:
– Người ta đã tách chúng ra đây nhưng nhà tù vẫn ám vào nó, anh bảo làm sao bây giờ?
– Ám vào nó?
– Anh bảo, xung quanh nó toàn màu áo sọc, sáng cảnh sát đẫn độ mẹ chúng đi gửi trẻ, tối cảnh sát dẫn độ mẹ chúng đi đón con về, mắt nó chỉ quen nhìn có thế.
Duy thở dài, chỉ cháu bé mắc bệnh “ết” là vẫn đứng trong cũi không được ra với bạn, vì thành cũi cao quá, nó thò hai bàn tay ra xin kẹo của bọn trẻ bên ngoài, Duy đưa cho nó phần hơn, mặt nó tươi tắn nhìn mấy cậu láu táu, chanh banh, toét miệng cười. Hai cô bạn tủm tỉm bảo Duy, ở nhà chắc anh là người cha mẫu mực. Duy bật cười, cười rõ to, cái miệng càng tỏ ra vô tư thì nó lại trở nên méo mó, anh đâu đã được làm cha!
– Cháu tên gì?
– Cháu tên là Kiều Loan ạ.
Anh thầm nghĩ, giá mà cháu không mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này nhất định lớn lên Kiều Loan sẽ là một thiếu nữ xinh đẹp, mắt nó trong veo.
Bọn trẻ tranh nhau ngồi vào lòng anh, đứa không được ngồi thì bá vai, bá cổ, Duy thích thú cười khà khà, bỗng chúng dừng cả lại, tai vểnh lên, rồi tất cả lao ra cửa, kẹo vung vãi xuống đất. Duy ngạc nhiên nhìn ra ngoài sân, hóa ra đã xuất hiện những tà áo sọc. Cô giáo mỉm cười thấy anh trơ trọi.
Người mẹ đầu tiên đến đón con là một phạm nhân người nhỏ thó, chiếc áo tù lụng sụng, mồ hôi còn mướt mơ, thấy Duy đang ngơ ngác, cúi đầu chào:
– Cháu chào ban ạ.
Một đứa trẻ lao vào lòng cô ta, cô ôm con, hà hít, rồi bảo thằng bé:
– Con chào các ban đi rồi về.
Đứa bé cũng biết khoanh tay:
– Coon… chào… baan… ạ.
Lại ban, Duy thấy bức bối trong người, anh hỏi mẹ thằng bé có phần gay gắt:
– Bao nhiêu tuổi rồi?
– Cháu ba hai tuổi ạ.
– Tội gì?
– Trộm cướp ạ.
– Còn bao nhiêu năm?
– Dạ, thưa ban cháu còn có tám năm.
Giời đất, tuổi ấy mà còn những tám năm tù. Người thứ hai lại là cô gái trẻ, nếu không phải khoác bộ quần áo sọc kia thì còn làm cho khối chàng trai bị hút hồn, mặt trái xoan, lông mày lá liễu, đôi mắt mộng mơ.
– Còn bao nhiêu năm?
– Mười bốn năm ạ.
– Tội gì?
– Ma túy ạ.
“Lại ma tuý” – Duy phẩy tay. Từ hôm qua tới giờ anh đã gặp không biết bao nhiêu số phận buôn bán ma tuý phải ngồi tù. Anh bảo cô gái, chịu khó mà cải tạo tốt để được về mà nuôi con. Mẹ con cô ta lại cúi đầu: “Cháu cảm ơn ban ạ”.
Nhìn bọn trẻ hau háu vồ vập mẹ, Duy thấy tội tội, chúng cũng có tình cảm như bao trẻ khác ở ngoài xã hội. Ở đây, mỗi cặp mẹ-con một hoàn cảnh, một thân phận, nhưng lũ trẻ thì vô tư như nhau, bình đẳng như nhau, được hối hả dụi mặt vào chiếc áo tù nhàu nát còn đẫm mồ hôi mà hà hít.
Mắt trẻ thơ – Tác giả: Nam Ninh
Duy bảo hai cô cùng lên lớp mẫu giáo để họ vào đón con cho nó tự nhiên, nhưng cái chính là để đỡ phải nghe cái tiếng của lũ trẻ tập nói hai tiếng chào ban còn ngọng nghịu. Ở lớp mẫu giáo có những chiếc ghế xinh xinh, nhỏ xíu, anh đặt chiếc mông to phè xuống một cái, nhún thử, hoá ra nó chắc lắm. Bọn trẻ chen nhau ra cửa hau háu nhìn sang lớp nhỏ, đôi mắt chúng mở to ánh lên vẻ thèm khát, bọn này lớn tuổi, nhìn xa hơn, ban nãy thấy thấp thoáng tà áo sọc từ xa đã thấy chúng nhớn nhác, chúng thèm khát được gặp mẹ như bọn trẻ ở lớp nhỏ, cũng là lẽ tự nhiên, đứa trẻ nào chẳng muốn có mẹ lúc này. Duy hỏi:
– Các cháu có thích mẹ đón về không?
Cả bọn lại đồng thanh:
– Có ạ!
– Có biết tại sao hôm nay mẹ không đến đón không?
– Chưa đến thứ bảy ạ.
Duy gật đầu:
– Ngoan lắm.
Bỗng cả bọn trẻ nhao nhao:
– Trói đi!
– Trói đi!
– Trói đi!
Duy hốt hoảng nhìn ra ngoài sân, một tù nhân mặt mày hớn hở, sợi dây vải tung tẩy trên tay, cô trông trẻ bế cháu gái trao cho cô ta, đó là cháu Kiều Loan mắc bệnh “ết” ở trong cũi riêng ban nãy, nó ôm chầm lấy mẹ, người mẹ đó hôn khắp mặt con bé, rồi đặt đứa con đứng xuống sân, đứa bé chụm chân, tay bám lên vai mẹ, nó không khóc, không cười, đôi mắt tròn vo ngơ ngác, rồi nhận ra Duy, nó nhoẻn cười, đôi môi rất xinh, đôi mắt nó ánh lên hãnh diện. Có thể nó hãnh diện hơn lũ trẻ lớn vì được mẹ đến đón, nhưng cũng có thể nó hãnh diện vì được mẹ nó quấn sợi dây vào chân, nó chụm chân lại để người mẹ cắm cúi quàng sợi dây lần lượt hai vòng, hai vòng qua hai cái cổ chân nhỏ xíu, rồi nút lại. Con bé như biết công việc đã xong, tay nó chim chim cổ vũ tiếng hô “trói đi” còn sót lại của mấy anh lớp lớn. Hoàn cảnh đó có thể hiểu đã diễn ra hàng ngày, đến vô tư, đến vô tình, vô tận! Duy thấy ong ong tiếng cô giáo bên tai:
– Ngày nào mẹ nó cũng phải trói đôi chân nó lại đấy anh ạ, sợ nó cào vào con người ta.
Cô cảnh sát giải thích thêm:
– Con bé này nó hồn nhiên lắm, thấy ai cũng vồ vập, vậy nên mẹ nó mới phải cảnh giác.
Duy chợt hiểu ra vội bật dậy, anh lập tức đi theo mẹ con người phạm nhân này, quên cả chào cô giáo, cô công an, quên cả xoa đầu các cháu ở lớp lớn. Người mẹ đó bế vắt đứa bé qua vai, vác nó trên vai, không bế cắp nách được như mấy cô phạm khác.
Xin phép người cảnh sát đeo súng dẫn độ đám tù nhân nữ đón con vào trại, Duy rảo chân theo sát cháu Kiều Loan, bật hỏi:
– Chị trói thế này nó không khóc hay sao?
Cô ta quay lại, thấy Duy, vội cúi đầu:
– Cháu chào cán bộ ạ.
Cháu nhỏ đặt bàn tay vào miệng mẹ:
– Chà…oo … ban cơ!
– Ngày nó mới biết đi, mỗi lần cháu trói nó cứ khóc thét lên, giờ nó đã quen rồi, mỗi lần đến là nó tự giác đưa chân ra cho cháu trói.
– Tại sao chị không bế cháu vào trong trại rồi hãy trói?
– Nó hiếu động lắm cán bộ ơi, bỏ ra là nó đòi tụt xuống đất, ai cũng sợ nó quấn vào chân – Cô ta kể – Có lần cháu đang dắt nó đi, bỗng nó thấy có chị bế thằng bé cùng nhà trẻ, nó chạy lại túm lấy mẹ thằng bé, cứ bíu lấy người ta đòi ôm lấy thằng bé, chị ấy hết hồn, thét toáng lên, thế là cả bọn xúm vào chửi cháu, chửi không tiếc lời, bốc cả đất cát, phân gio ném vào mặt cháu, mà có phải cháu cố ý đâu. Từ đấy cháu cứ trói chân nó lại là xong quách, cả lúc đi đường, cả lúc ở trại cho nó yên tâm.
– Ngoan nhỉ – Duy nghẹn ngào xoa đầu cháu bé, mắt nó mở to, tròn như viên ngọc – Bố cháu đâu hả chị?
– Bố nó chết rồi, trước giam ở trại T8, cũng tại ết đấy cán bộ ạ.
Suốt dọc đường đi Duy muốn khai thác thêm thông tin về người đàn bà này, nhưng mà để làm gì, còn làm gì được nữa? Cái đầu Duy lại thấy ong ong, loang loáng những đứa trẻ trần truồng nô đùa nơi hoang dã, những đứa trẻ háo hức bên chiếc đu quay, chúng được bế ra từ trong chiếc xe bóng loáng… Người mẹ hồn nhiên khoe: “Cũng may, hôm bố nó sắp chết người ta cho bố nó được nhìn thấy nó một lần”. Một lần? Một lần chết và một lần phải sống!
Đến cổng trại cô ta lại cúi chào Duy, con bé cũng cúi đầu “ạ” với anh một tiếng. Người mẹ xốc đứa bé vác trên vai tong tưởi đi vào cổng trại, trên vai mẹ, nó vẫy bàn tay nhỏ xíu, đôi mắt trong như ngọc đắm đuối nhìn anh như là thân thiện lắm. Duy cũng vẫy tay nhìn theo cái bóng xa dần, xa dần rồi trở nên mờ ảo.
*
* *
Trở về phòng nghỉ, cuốn sách đang viết vẫn mở toang, Duy khuỳnh hai cánh tay chuẩn bị vào cuộc. Nào, thì ta tiếp tục! Anh thư thái ngồi trước trang bản thảo, đôi mắt trân trân hứng tìm mạch viết, ngòi bút có máu lửa từ Cồn Tiên, Dốc Miếu… bỗng thấy run run, dòng chảy ban nãy như dồn nén, như sắp bung ra, như sắp tan ra, bay biến. Những ý tưởng đã bay ra khỏi đầu, đôi mắt cháu bé trong như ngọc, mở to, nó toét miệng cười, bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy, cái đầu khốn khổ của anh đang dở trò gì thế này? Anh huýt sáo vang, cố nhớ một giai điệu nào đó, lấp liếm bằng một bản tình ca nào đó, nhưng hình như nó vẫn cưỡng lại anh, mấy thằng trẻ con ở lớp lớn nó muốn bẻ ngòi bút của anh, nó vô tư đến lạnh lùng.
Trói đi! Trói đi! Trói đi!
Nó nói gì thế này, nó làm gì anh thế này?
Nhà văn bực mình quăng bút rồi ôm đầu đứng dậy./.
Viết tại trai sáng tác của NXB Công an nhân dân
Sầm Sơn 2009
Tác giả: Nam Ninh – Giọng đọc: NSUT. Việt Hùng

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *