“Mật rắn” được viết từ năm 1988, đến nay đã hơn 30 năm, nhưng vẫn còn nguyên vẹn sắc thái tươi mới của đời sống, đủ gieo vào lòng người đọc người nghe những bâng khuâng về số phận, về sự lựa chọn của mỗi con người…
Tôi quen cậu ta lần đầu ở ngay cổng đền Ngọc Sơn. Chiều hôm đó, sau một ngày cắt tóc mỏi mệt, tôi thu dọn đồ nghề, ghì chặt sau xe đạp, lững thững dắt xe về Ðền, nơi cư trú của tôi. Một đám đông người tụ tập bên cạnh mảng tường “long môn hổ bảng”. Tôi lướt qua, không lưu ý, bơi vì một đám tụ tập hoặc một trăm đám tụ tập, chỉ là chuyện bình thường ở các khu vực náo nhiệt và nhiễu sự của bờ hồ.
Nhưng một giọng nói oang oang đập vào tai tôi, khiến tôi phải dừng lại.
– “Ai bị phong thấp, ngâm sẵn hổ mang. Ai bị da vàng, tìm rượu hổ lửa. Ðàn bà không chửa, chuốc lấy mang bành. Ðàn ông hoạt tinh, đừng quân rắn ráo…”
Người bán rắn là một thanh niên trạc ba mươi tuổi, y có khuôn mặt trắng trẻo học trò, vóc người thô to của một lực điền. Duy có đôi mắt tròn sáng, lúc nhìn xa thì hiền từ, lúc đảo quanh thì thật tướng cướp. Trên mình y đeo một chiếc túi vải thắt miệng ở trong thấy bùng nhùng động đậy, chắc là có vài chục con rắn. Còn trên tay y, một cánh tay trắng mịn, thì làng nhằng nhiều mảnh sẹo, như người phải bỏng. Bàn tay y nắm chặt. Ba kẽ tay kìm chắc ba cái đuôi của ba con mang – bành, cạp-nong và hổ-trâu. Thỉnh thoảng y lại giật tay, ba con rắn hướng ra ba phía, oằn mình, ngóc đầu phun phì phì. Qua mấy vòng người đang túm tụm, đôi mắt sắc sảo và ranh mãnh của y chợt nhìn thấy tôi. Lập tức, y lên tiếng xua đuổi những
người vây quanh :
– Xin mời các quý ông, quý bà giải tán ngay cho. Các vị xem chứ đếch mua, làm tớ quảng cáo khản cả cổ. Nào, xin mời đi ngay cho. Tớ có khách mua rắn đây rồi. (Hắn ôn tồn chuyển giọng nói với tôi). Mời bác, bác phó cạo, em chắc chắn là bác sẽ mua rắn cho em. Nếu em đoán sai, bác cứ vả vào mặt em !
Tôi vội vàng phân trần :
– Không, không. Chú cứ bán cho người ta đi. Tôi… cũng là nhân thể xem qua thôi.
Người bán rắn lắc đầu quầy quậy, cất giọng hóm hỉnh :
– ấy chớ ! Bác đừng phụ em. Hôm nay em bán rắn ở đây cốt chỉ đến bán cho một mình bác. Em sinh ra ở trên đời này, rồi làm nghề bán lũ sinh linh “nguy hiểm chết người” này, cũng chỉ vì mình bác. Sau khi bác mua rắn cho em, em sẽ giải nghệ. Bác không tìm thấy em nữa đâu. Bèo dạt mây trôi, bác ơi…
– Chú nói kiểu này với người thứ mấy mươi rồi ?
Người bán rắn vung mạnh cánh tay. Ba con rắn nhập làm một, bay thành một vòng rộng. Y cười. Tiếng cười sang sảng :
– Chịu bác. Em đã nói như thế với hai mươi bảy người rồi. Còn độc mình bác nữa là đủ “nhị thập bát tú”.
– Sau đó chú sẽ bán cho ba mươi sáu người thiên cang và bẩy mươi hai kẻ địa sát… Vậy ai là người mua cuối cùng ?
– Em một lần nữa xin chịu bác. Thôi, bác mua cho em đi. Từ sáng đến giờ em “dọi” lắm rồi. Một mẩu bánh mỳ cũng không.
Tôi đăm đăm nhìn y. Câu nói của y giẫm đúng vào lòng tôi. Tôi càng bùi ngùi hơn, vì qua cách nói năng của y, nếu không phải kẻ có học, thì cũng là người làu thông một số sách cổ của Tầu. Hắn đứng vụt lên. Cao lớn, khôi ngô, nón lá, áo nâu, râu quai nón lún phún, càng gây bất đắc chí trong thời Ðại Cồ Việt xa xôi.
– Bác xanh xao, uể oải thế kia là chân âm toàn thịnh, chân dương hữu khuy. Bác phải có rắn, rắn ngâm rượu, rắn nướng chả, lấy liệt hoả mà khu trừ hàn tà. Bác không mua rắn của em bác định ăn nem công chả phượng nào mới được chứ ?
– ừ thì tôi thua chú. Tôi sẽ mua. Tôi cũng đang bị phong thấp nó hành đây. Mỗi cái tệ, tôi không biết chần rắn.
– Bác có bình chưa ?
– Có đủ cả rượu nữa.
– Vậy em sẽ chần rắn cho bác. Bác lấy tam xà e không đủ. Bác lấy gìm em bộ ngũ xà hay hơn. Một mang bành, một cạp-nong, một hổ trâu, một ráo, một mai-gầm nhé.
Ðám người dãn ra. Chúng tôi chầm chậm đi qua cầu Thê Húc. Thấy bước chân của người bán rắn tập tễnh, khó khăn, tôi hỏi :
– Chân chú làm sao thế ?
– Thọt !
– Chiến đấu à ?
– Cũng có thể ví với chiến đấu được. Em bị rắn cắn vào mông. May mà có mẹo gia truyền, thoát chết, chỉ bị thọt thôi.
– Lúc nãy chú chào tôi là ông phó cạo. Sao chú biết ?
– Dân sinh sống quanh bờ hồ này, ai chẳng rõ bác.
– Vậy là chú cũng đã quẩn quanh khu vực này lâu rồi ?
– Cũng như bác. Dòng đời cuốn dạt chúng ta đến một chỗ.
– Chú ăn nói sách vở gớm. Học đến đâu rồi ?
– Em chẳng có bằng cấp gì cả.
– Không quan trọng. Trường đời sâu sắc hơn.
– Chính thế ! Biết bao người vĩ đại không mẫu văn bằng, học vị…
– Ðể xem chú có vĩ đại không đã. Hay chỉ là một thằng bép mép ! Mấy thằng bán lơ trắng lơ hồng nó còn dẻo mồm gấp mười chú.
– Chịu bác, nhưng loài người biết dùng nọc rắn để chữa bệnh cho mình. Lấy độc trị độc, đó chẳng là sự khôn ngoan tột đỉnh của con người sao ?
– Ðiều đó thì đúng là vĩ đại !
Chúng tôi về đến Ðền. Tôi vào phòng sửa soạn rượu vào bình. Người bán rắn thì ra cầu ao (lẽ ra nên gọi là cầu hồ) để mổ rắn. Y làm việc cực kỳ thành thạo. Chỉ mười lăm phút sau, năm cái thân rắn đã sạch sẽ, khoanh tròn trong bình thuỷ tinh và ngâm chìm trong năm lít rượu màu xanh nhạt. Tôi lặng lẽ quan sát anh chàng. Nhanh nhẹn, tuy què thọt. Giọng nói vừa trung thực một cách quê mùa, vừa quá ư láu lỉnh kiểu đường chợ, thành thử, không thể bỗng chốc đánh giá đúng thực chất con người này. Cảm giác của tôi là ở y có nét đáng thông cảm, tuy rằng không pải gây cho tôi một đôi điều ngờ vực. Thôi được, nhiều vải mai biết…
– Này, tên chú là gì nhỉ ?
– Chi bác ạ. Ðặng Quân Chi !
– Một cái tên rất hay. Ông cụ cậu là một nhà nho chăng ?
– Chính thế. Nhưng cụ em mất từ hồi em còn trong bụng mẹ. Ông chú em đặt tên cho đấy !
– Thế thì chú cậu cũng nho.
– Nho nheo gì. Ông chú em biết vài chữ đủ để đọc tên thuốc bắc.
– Ðọc được tên thuốc bắc là khá.
– Khá cái ăn mày. Ðọc được, không viết được, như các bà nhớ quân bài tam cúc thôi.
– Ông chú đặt cho cậu cái tên quá nhiều ý nghĩa đấy.
– Bác bảo sao ?
– Này nhé. Theo tiếng Việt, Quân Chi, nghĩa là hạng người nào. Theo nghĩa Hán, là bậc hiền ấy.
Người bán rắn cười ngặt nghẽo :
– Lúc nhỏ em chỉ là “Quân”. Từ khi bị thọt ông chú em thêm cho chữ “Chi” nữa. Bác có biết chữ nho không ?
– Như người ta thuộc quân bài tam cúc thôi.
– Có hi em khá hơn bác. Bác xem đây !
Nói xong, Quân Chi vạch ra đất hai chữ nho, cứng quèo quèo và xệch xẹo như đặt xếp bằng que vậy.
Tôi mỉm cười :
– Một chữ Hán, một chữ Nôm.
– Nho cả đấy, bố trẻ ạ.
– Không, một Hán, một Nôm. Ðây là hai chữ “quần che”, ông chú chơi sỏ thằng cháu.
– Như thế nào ?
– một là ông ấy ghét cậu…
– Ðúng ! Cực kỳ ghét. Em hay ăn trộm thuốc bắc của ông ấy.
– …Bảo cậu là loại lấy quần mà che. Hai là nói lái thì quần che tức què chân. Cũng có thể tán rộng ra là thằng quần chị, thằng quẫn chí, thằng…
Quân Chi thét to :
– Tiên sư cái thàng chú em. Ðúng là bọn nho thâm lắm. Chết chết, em xin lỗi bác. Nhưng quả thật thằng chú đểu cực kỳ… Mà thôi, muộn rồi. Em xin bác tiền rắn. Vợ con em nó còn đợi… Khi nghe thấy số tiền, tôi lạnh cả người. Một bộ ngũ xà tám chục đồng (tiền năm 1972) công chần rắn, rửa rắn hai chục nữa. Vị chi là một trăm. Vậy mà tìn công cắt tóc của tôi chỉ có ba hào một đầu người lớn, hai hào một đầu trẻ con. Phải lấy hết can đảm tôi mới giữ vẻ bình thản đặt vào tay người bán rắn một trăm đồng chẵn.
Quân Chi hởi hả cười :
– Còn mười cái mật nữa, bác lấy giùm em.
– Bao nhiêu ?
– Hai chục !
– Tôi hết cả tiền rồi.
– Tuỳ bác. Ngâm rượu mà không có vài chục cái mật rắn kèm theo thì chả khác gì ngâm… thịt ếch.
– Tôi tưởng mỗi con rắn có một cái mật chứ ?
– Mật là lộc của em. Em chỉ bán rắn không bán mật. Bác có thấy em rao bán mật rắn không ?
– Vậy là tôi mắc lỡm chú ?
– Luật giang hồ của dân bán rắn chúng em như vậy. Vì thế quê hương chuyên nghề bán rắn của em mới gọi là Lệ Mật.
– Ðúng là đồ… rắn độc.
Quân Chi trâng tráo thừa nhận :
– Cực kỳ độc bác ạ. Bác có chửi réo tên thành hoàng làng nhà em, thì lúc mổ rắn cho bác, em vẫn giấu mật vào mồm, có trời tìm !
– Thằng quẫn chí ! Thằng què chân ! Thằng quần che !
Người bán rắn cười ngặt nghẽo, cười chảy nước mắt, cười như chưa bao giờ được cười. Nghe tiếng cười ấy, lòng tôi dịu hẳn lại. Ðặng Quân Chi bỗng ngừng cười, thấp giọng bảo tôi :
– Nhưng em không tệ với bác đâu, mười cái mật rắn, em chỉ lấy bác một chục thôi. Bác thấy em chơi đẹp không ? Em nói thật nhé, bác yếu lắm, chân dương của bác hư thoát hết, phải đôn nhiệt hồi hoả mới mong khang cường và diên thọ, mà như vậy không gì bằng mật rắn.
– Bình rượu của tôi cần bao nhiêu mật rắn ?
– Một trăm lẻ tám, ứng với số sao thiên cang và địa sát. Sau khi nhồi vào bụng bác đủ trăm lẻ tám vị “anh hùng” này rồi, bác sẽ tha hồ tung hoành trong đám… chị em ! Hề hề…
– Chú là một trong những tên đầu bò mà tôi bắt gặp đấy.
– Em biết bác nghèo. Phó cạo thì giầu với ai được ! Vì vậy mỗi ngày em sẽ đưa dần cho bác mười chiếc mật rắn. Thế nhé. “Chào bác ! Gút bai ! Ôrơvoa ! Tái kiến !” – Lậy bác ạ !
Cuộc đời có nhiều cái tình cờ, cái ngẫu nhiên có lúc trùng lặp như cố ý bịa chuyện. Một bình rượu rắn muốn hết mùi tanh nồng, phải ngâm thêm táo tầu, đỗ trọng và cam thảo mà cũng phải sáu tháng mới có thể uống được. Bình rượu của tôi không ngoài quy luật ấy, nghĩa là còn niêm phong kỹ trong góc nhà. ấy vậy mà tôi tự dưng lại béo dần ra, rồi dần dần hồng hào sì phê thực sự. Hồi đó tôi ăn cơm tập thể ở phố hàng Giầy, mỗi bữa ba hào. Ðôi khi, người ta lại thấy trong những thùng mỳ sợi một xác cóc hoặc một xác chuột nhắt. Béo đẫy vì vậy chăng ? Ðặng Quân Chi vồ lấy cơ hội ấy. Mỗi làn quảng cáo tác dụng của rắn, cậu ta lại đem tôi ra làm thí dụ sống động. Y rêu rao thật vang cho mọi người nghe :
“Kìa kìa ông phó cạo, vốn gầy bủng gầy beo. Uống rượu rắn ít lâu, trở thành đô lực sĩ. Bây giờ ông béo ịt. Như chú khách Hàng Bồ. Rất đẹp lòng các cô ! Rất vừa ý các mợ !”. Với người khác, chắc chắn chỉ dùng đến một cái tát, còn tôi, tôi phải lạy van mãi, Quân Chi mới chịu ngừng rêu rao cái bài vè khả ố đó. Từ hôm bán rắn cho tôi, cậu ta coi tôi như người thân, ra vào trong đền như vào nhà riêng. Có lúc cậu ta lễ độ, có lúc cậu ta nhâng nháo, khiến mấy ông già ở trong đền vừa vui vẻ vừa khó chịu. Thực hiện cam kết với nhau, cứ cách vài ngày Quân Chi lại trao cho tôi một gói giấy, hôm thì tám, hôm thì mười cái mật rắn. Có lúc cậu ta đích thân đem tới cho tôi. Hôm nào bận việc gì đó, cậu ta bảo vợ cầm đến. Nói tới cái khoản “vợ” của cậu ta, kể cũng thật quái đản.
Một lần, tôi hỏi Ðặng Quân Chi :
– Chú có mấy vợ ?
Người bán rắn mặt tỉnh ănglê, trả lời :
– Em một vợ.
– Hình như ba vợ thì phải.
– Em lạy bác. Một vợ còn chẳng có kho mà mang nữa là. Em chẳng dại. Người ta có câu : “Một vợ, nằm ngủ khoèo, hai vợ ra chuồng heo, ba vợ ăn bánh…bèo”. – Thế sao mỗi lần mang mật rắn đến cho tôi, lại một cô khác mặt ? Một cô rỗ hoa má lúm đồng tiền, một cô gầy yếu nhẽo nhèo như cái giẻ vắt vai, một cô lùn choằn choằn, tròn xoe như hạt mít ? Nghe nói, các cô ấy đã đánh xé nhau, phải không ? Ðặng Quân Chi ngẩn mặt ra giây lát, vừa sượng sùng, vừa trơ trẽn :
– Em xin chắp tay lạy phục bác. Thôi thì bác “đại xá” cho em.
Cái thằng thổi sáo mù đặc kia còn cuỗm được cả hai chị em, huống chi em lừng lững một đất… “vua rắn độc” như thế này…
– Ðấy là việc của chú. Tôi không phản đối, cũng không khuyến khích. Ðào hoa lắm, thì tự khổ thôi.
Quân Chi tủm tỉm cười :
– Bừa phứa đi bác ạ. Thời buổi bom đạn ùng oàng như thế này, biết đâu ngày mai… à, mà em nghe người ta nói rằng bác cũng vốn là khách văn chương thất sủng phải không ?
– Liên quan gì đến việc này ?
– Em xin phép ra cho bác một vế đối. Nếu bác đối được, em thề có các vị thánh trong Ðền này, sẽ biếu không bác số mật rắn chưa giao đủ. Em lấy việc bản thân em mà ra đối nhé ?
– Hay đấy. Ra vế đối đi !
– Vậy bác nhớ kỹ nhé : Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả ! Nếu bác không đối được, em phạt bác, giá mật rắn bác phải trả gấp đôi em. Hai từ vợ cả, mang nghĩa đôi đấy bác ạ !
– Quả là thằng què chân láu cá, thằng đểu số một trên đời này. Câu đối của cậu oái ăm quá.
Ðặng Quân Chi cười ròn câng cấc :
– Bác cứ chửi đi. Em chỉ muốn chứng minh cho bác rõ em không đến nỗi quẫn chí như bác tưởng đâu.
– Thế cậu đã đối được chưa ?
– Em đã tự đối được.
– Cho nghe thử.
– Nhưng bác phải làm phần đối của bác.
– Ðã hẳn.
– Vậy thì : “Yêu đào, yêu liễu, liễu yêu chẳng nhẹ yêu đào”.
Tôi phì cười :
– Ðúng là cái thằng “quẩn chị” ! Cứ xét khẩu khí mày, mày quả là loại lăng nhăng đa tình quá. Nhưng hai từ “yêu đào” không ổn…
– Lăng nhăng đa tình đâu chỉ riêng em ? Khối ông nọ ông kia bẩn gấp trăm. Nào, đến lượt em rửa tai nghe bác.
Tôi mới thoáng nghĩ ra một vế đối có lẽ chưa chỉnh lắm. Này nhé “Rắn đầu, rắn mặt, rắn mặt cũng loại rắn đầu”.
Ðặng Quân Chi nheo nheo đôi mắt sắc sảo rồi nhẩy cẩng lên :
– Tuyệt ! Tuyệt ! Bác vừa nhắc đến nghề nghiệp của em, vừa chửi mắng khéo em. Thế mà bác cứ bảo chưa chỉnh. Thôi được, em chịu thua. Chán quá, định xoay bác, mà không xong. Sau khi người bán rắn tập tễnh đi ra, tự dưng tôi thấy buồn buồn trong lòng. Thằng cha cũng khá nhanh nhạy, nói theo kiểu cổ là khá mẫn tiệp. Cái gì đã đẩy hắn tới cảnh huống hôm nay ? Ðiều gì khiến hắn lênh phênh, bừa bãi, và dối trá ? Tôi thở dài. Cảm chuyện người. Cảm chuyện mình. “Một trăm linh tám vị anh hùng” mà Ðặng Quân Chi hoặc các cô vợ y giao cho tôi, tôi cẩn thận gói lại, cất đi. Mỗi lúc đưa mật cho tôi, Quân Chi thường khuyên tôi nên nuốt vào bụng, hơn là ngâm trong rượu. Tôi chỉ im lặng nhìn hắn, rồi lục tìm ví tiền lép kẹp của tôi mà trả đủ số. Hắn cũng im lặng nhìn tôi. Cả hai như âm thầm đối thoại với nhau, rằm : – “Tội nghiệp ông già phó cạo. Tôi thương ông, nhưng ông vẫn cứ lột sạch một ngày công vất vả của ông, tôi đói !” – “Này, thằng què ! Tao biết rõ mày đã đối xử thế nào cùng tao. Nhưng cầm lấy cho khỏi đói. Còn tao, tao chịu khó thức khuya, câu ít cá dưới hồ, cũng kiếm được vài đồng bạc. Ðừng lo cho tao !
Ðó, kẻ này biết rõ ruột gan kẻ kia ! Có một điều tôi thích thú ở Ðặng Quân chi là cái tài dệt chuyện của hắn. Dệt một cách bài bản, ly kỳ và thông minh nữa. Hắn không chỉ giỏi moi tiền của tôi, mà còn lột cả “chất xám” của tôi. Những đêm khuya rỗi rãi, hắn thường mò vào trong Ðển, kể mọi chuyện ba xí ba tú cho mấy ông già nghe, để rồi nằn nì tôi kể cho hắn một đôi điều có liên quan tới rắn. Tôi hào hứng kể với hắn rằng, theo một cuốn sách nào đó, người ta nói ở bên Mông Cổ có loại rắn tên là Ðôn-gôi Khốc-khôi được coi là độc nhất thế giới. Ðôn-gôi Khốc-khôi không cần cắn bập vào da thịt. Cách xa ba mét nó đã phóng ra nọc độc giết chết ngay lập tức từ người tới lạc đà, mãnh thú và chim ác. Vì thế từ nhiều năm nay, người ta biết rằng có tồn tại con Ðôn-gôi Khốc-khôi, song chưa thấy một ai thấy rõ hình thù và đời sống sinh thái của nó. Còn ở bên ấn Ðộ, có một giống chồn tên là Rích-ki-Tích-ki-Ta-vi, chuyên săn diệt rắn độc. Rích-ki-Tích-ki-Ta-vi, bằng một cú nhảy tuyệt vời lên khoảng không, lúc rơi xuống, bao giờ nó cũng ngoạm đúng và cắn nát cổ rắn. Vì thế, người ¡ng-lê, người Hà Lan, người Bồ Ðào Nha khi sang ấn Ðộ, đã không tiếc bỏ ra từng lạng vàng mua một con Rích-ki-Tích-ki-Ta-vi, để làm vệ sĩ cho họ. Ngày hôm sau, tại một ngã tư nào đó, lúc ngồi bán rắn, Ðặng Quân chi đã phồng mang trợn mắt kể cho mọi người nghe rằng chính hắn đã sờ thấy, đã ăn gỏi một con Ðôn-gôi Khốc-khôi có nguồn gốc ở sa mạc Gô-bi. To gan hơn, hắn còn kể : một vị tuỳ viên ở sứ quán Mông Cổ đã yên mến, đổi cho hắn một con Ðôn-gôi Khốc-khôi lấy hai cặp mang bành và hổ trâu. Gặp dịp thuận tiện sẽ còn mời hắn sang thăm Mông Cổ để biểu diễn kỹ xảo bắt rắn. Chà chà, cái thằng !
Bẵng đi nửa tháng trời không thấy Ðặng Quân Chi vào chơi trong Ðền. Kể cũng lạ, tự dưng tôi thấy bồn chồn đượm chút lo lo cho hắn, như tình cảm đối với chính người ruột thịt của mình. Không đừng được, tôi phóng xe đạp đi tìm một vài đầu phố, nơi hắn vẫn ngồi ba hoa với đám đông mua rắn. Tại một cửa hàng bún xáo, tôi gặp người vợ thứ hai cái cô gày yếu nhẽo nhèo của hắn. Cô đang vừa ho, vừa ngồi nhổ lông vịt, lông gan. Hàng chục con ngan và vịt đã cắt tiết, nhúng nước sôi, nằm trong một chiếc rổ lớn.
– Này, độ này chồng cô đi đâu thế ? – Tôi hỏi.
Cô gái không trả lời. Tôi lạ lùng và kiên nhẫn hỏi lại cô ta đến lần thứ ba câu hỏi ấy. Cô gái khó nhọc ngẩng mặt lên, nét mặt xanh xao, đôi mắt trắng dã như mắt lợn luộc, rồi cô cười khì một tiếng, khuôn mặt nhăn nhúm thảm thương :
– Ông hỏi “chồng” tôi ấy à ? Cái thằng tập tễnh trời đánh thánh vật ấy à ? Mời ông vào nhà đá mà tìm nó. Chồng ! chồng ! Pựt sì…
– Chuyện thế nào vậy cô ?
– Trời đất ơi, đã bở hơi tai ra, không thở được, còn đến quấy rầy. Ông có mắt không ?
– Mắt thì lúc nào tôi cũng có, ở trên mặt tôi đây này.
– Thế ông thong manh à, mà không thấy từ giờ đến chiều tôi còn phải nhổ lông, mổ lòng những ngần này ngan vịt, để cho bà chủ hàng có thịt bán bún ? Ông có biết thương người không?
– Bây giờ thì tôi biết thương đây – Nói xong, tôi rút ở túi ra và giúi vào tay cô ta tờ giấy hai đồng.
Nét mặt cô gái dịu đi, đôi môi cũng mất vẻ cong cớn. Cô nói :
– Nó đi tù rồi. Giam ở công an Hoàn Kiếm ấy. Nếu ông xót nó thì mời ông vào đấy mà tiếp tế cho nó.
– Rầy rà nhỉ ? Tội gì vậy ?
– Nổi cáu với khách, rồi quăng rắn vào mặt khách. Ðể cho mang-bành cắn vào mặt người ta.
– Chết ! Chết ! Mang-bành độc lắm. Người ta có việc gì không?
– Ông đi mà hỏi họ.
– Thế các cô… các cô… các cô vợ của chú ấy, có đi thăm hỏi chú ấy không ?
– Các cô nào, vợ nào ? Cả tôi nữa phải không ? – Cô ta nhìn tôi, lộ vẻ giễu cợt, khinh bỉ, rồi cười giòn một hồi.
– Ôi.. cái ông phó cạo tội nghiệp này, đúng là “người đời”. Chẳng có đứa nào là chồng, cũng chẳng có con nào là vợ. ái tình bờ hồ mà, ông ơi là ông ơi. Nhân đây, tôi xin có lời mách giùm ông nhé. Tôi hỏi ông đã nuốt hết mấy chục cái mật rắn chưa ?
– Chưa !
– Vì sao vậy ?
– Tôi ngờ ngợ có cái gì không ổn, nên không nuốt.
– Ôi, thế thì ông ở hiền gặp lành đấy.
– Thế à ?
– Chứ gì nữa. Toàn là mật vịt mật ngan cả đấy thôi.
– Mà thủ phạm tiếp tay cho hắn là cô ?
– Còn ai nữa.
– Sao cô nỡ thế ?
– Ðói mà, đức ông ơi .
– Một cặp canh ty rất đẹp đôi !
– Cũng cảm ơn ông có lời khen. Thôi, tôi trả lời ông vậy cũng bõ hai đồng bạc của ông rồi đấy.
– Tôi trả thêm hai đồng nữa. Cho tôi hỏi thêm vài câu.
Nói xong tôi lại rút đưa cho cô hai đồng nữa, bụng nghĩ “mất toi hai buổi công tác cắt tóc của mình”. Cô gái giật lấy tờ tiền, nhét vội vào cái coóc-xê trước bộ ngực lép kẹp, nhoẻn cười :
– Ông muốn lấy khẩu cung gì thì lấy đi, quàng lên kẻo tối.
– Chú ấy bảo quê ở Lệ Mật ?
Lại một cái cười ròn khanh khách của cô gái :
– Con dĩ mẹ cái thằng bịp ! Thưa với ông rằng : Lệ Mật là quê nhà tôi. Tôi về Lệ Mật lấy rắn, những con rắn vứt đi, người ta đã bỏ hết nanh liêm, rút hết nọc độc ấy mà, rồi bán lại cho nó, nó đem bán lại cho các người đấy. Còn quê nó ấy ư ? Có quỷ biết. Ông còn hỏi gì thêm nữa không ?
– Cảm ơn cô. Ðủ lắm rồi. Lẽ ra phải trả cô bốn chục mới đúng !
Lại chừng nửa tháng sau.
Một hôm tôi liều mạng sang bên huyện Gia Lâm vào giữa ban ngày. Tôi nói liều mạng vì hồi ấy máy bay Mỹ bắn phá dữ dội thành phố. Chẳng mấy ai dám đi cầu phao sông Hồng vào lúc chín mười giờ sáng cả, trừ một số cán bộ và bộ đội có công chuyện khẩn cấp. Cũng may không có gì xảy ra. Khoảng sáu giờ chiều thì tôi về đến nhà, người nhão nhừ mệt mỏi. Ðặng Quân Chi ngồi lù lù trên chiếc ghế đá ở ngoài dinh Trấn Ba.
Thấy tôi, hắn đứng lên, reo to :
– Ôi… Bác có mong em không ?
– Cũng có mong.
– Còn em thì nhớ bác quá.
– Cứ cho là như vậy đi ! Chú vui vẻ nhỉ ! Mà… xanh xao, bủng beo thế kia kìa !
– Chả sao, bác ạ. Em về Lệ Mật xây lấy ba gian nhà. Thì cũng phải lo cho có chỗ chui rúc chứ bác ? Giá mà bác về chơi thăm cơ ngơi nhà cửa của em. Cực kỳ, bác ạ!
– Toàn bằng đá ?
– Em nhờ đổ bê tông thôi.
– Có cửa sổ sắt ! Có người bồng súng đứng gác. Cơm bưng tận miệng, nước rót tận mồm, phải không ?
Ðặng Quân Chi tròn mắt, lè lưỡi đứng im. Tôi bảo hắn theo tôi vào phòng. Thuốc lá ! Trà ! Rượu ! Chúng tôi chuyện trò cùng nhau chừng vài tiếng đồng hồ. Ðặng Quân Chi uể oải ngáp dài, đứng lên vươn vai :
– Bác cho em suy nghĩ đã. Cảm ơn bác đã thực tâm cho em những lời vàng ngọc, bác đã lo cho em hơn cả mẹ đẻ của em. Nhưng em không về Gia Lâm đâu. Em tởm cái đời công chức lắm.
– Sao vậy ?
– Tâm tính em hỏng mất rồi. Vả lại, người ta nói : “Sập gụ nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội…”
– Bậy nào. Bên ấy là cơ sở sản xuất lớn. Người ta cũng chẳng thiếu gì kẻ đảm đương công việc. Chỗ họ quen thân với tôi, họ nể nhời mới nhận chú.
– Em chán ngấy rồi. Theo Phật chết đói, theo Quan chết đòn. Ðe thân về với triều đình. Hàng thần lơ láo phận mình ra sao ? Chắc bác lại cho rằng em bịp, nếu em nói trước đây em đã từng là uỷ viên văn xã của một huyện ?
– Không, về điều này thì tôi hoàn toàn tin.
– Vậy mà bác còn gò em ? Em hỏng mất rồi, không làm lại được đâu.
– Ngày xưa cũng có lúc tôi nghĩ thế.
– Thì ngày nay bác cũng vẫn là “trốn việc quan đi ở chùa” đấy thôi.
– Tôi khác, chú khác. Chú còn trẻ…
– Gần lửa thì mặt nào cũng rát như nhau. Mà kỳ quái thật, bác biết rõ ràng em lừa bịp bác từ đầu đến chân sao bác còn thương em ?
– Tôi cũng đã tự hỏi mình như vậy.
– Thể thì bác nhọc lòng làm gì ?
– Quả thực chú đã tệ bạc với tôi quá nhiều, chú què ạ. Có điều, chú đã bắt được tôi làm tù binh, kể từ hôm chú nói với tôi rằng chú đói. Từ bé đến giờ tôi cũng đã đói nhiều lần mà là đói khủng khiếp ấy. Chú thì chẳng biết gì về cái năm ất Dậu đâu.
– Ðối với em, những chuyện cổ tích ấy chẳng có ý nghĩa gì ! Và bác, em xin bác đừng đem những giáo lý khô khan, vô hồn ấy ra mà ràng buộc em. Trước hết, em chẳng có tài cán gì để mà đáng tiếc. Hai là, có tài thực sự cũng chẳng có ích gì. Ðời lộn xộn lắm, Bàng Thống bị tống về huyện Lôi Dương, nên Bàng Thống trở thành thằng nát rượu. Tần Cối được đặt lên ghế tể tướng, thì Tần Cối có dịp để tung hoành… Ngày mai, em lại đi bán rắn, bán mật rắn. – Nghĩa là lại bịp ?
– Rắn thực sự sao gọi là bịp !
– Rắn thật mật giả. Cái số mật ngan mật vịt ấy, tôi đã ném xuống hồ cho nó… bơi rồi.
Nét mặt Ðặng Quân Chi lạnh băng, không xấu hổ, không ân hận cũng không nhâng nháo và cũng không quỷ quyệt hơn.
Tôi không thuyết phục tu tỉnh nổi cho người bán rắn. Về sau, hắn đi đâu, tôi không rõ. Hắn trở nên ngay thẳng hơn, hay cong queo hơn, tôi không biết. Tôi hài lòng về mình. Tôi đã làm cái phần việc, cái nghĩa vụ trong phạm vi có thể của mình. Ðôi lúc nghĩ tới Ðặng Quân Chi, tôi cũng hơi buồn buồn. Nhưng biết làm sao được ? Những mảnh đời, trong đó có tôi, cứ việc tản ra, cứ việc tụ lại, theo gió, theo bão, cuộc đời rào rạt cuốn đi.
12-1988