Truyện đêm khuya vov2 – Nhân vật “tôi” và Nhân là hai người đàn ông làm việc cùng một cơ quan. Họ làm việc không có chủ đích, không hi vọng, không niềm vui. Họ tìm đến rượu, thuốc lá để tiêu sầu, để trốn chạy với thực tại. Nhân vật “tôi” đã hình dung số phận mình nhạt nhòa, vô vị, đến cái tên mình cũng bị nhòa lẫn với bao nhiêu người khác. Và rồi Nhân (bạn anh) một ngày biến mất, như một cách thoát khỏi cuộc sống này.
Chỉ trong một ngày mà tôi gặp đến hai người tự nhận mình mất phương hướng.
Thứ nhất là Nhân – bạn thân, cùng cơ quan. Thường thì anh điềm đạm, ai nói gì cũng cười, đến con chó của bác bảo vệ nuôi ở phòng gác cổng cũng mến anh nữa huống gì. Thế mà, sáng sớm nay, tôi vừa ngồi chưa nóng chỗ trong góc riêng của mình thì anh đến, dáng vẻ hộc tốc khác thường. Tôi toan nhường ghế cho Nhân ngồi thì anh vội xua tay, đứng tựa hẳn vào khung cửa sổ phía sau lưng máy tính. Căn phòng có duy nhất một ô cửa sổ. Chẳng ai thích hợp hơn là một gã còn độc thân rít nhả khói sạm môi như tôi. Nhân xin một điếu. Châm lửa xong, anh quay hẳn người nhìn ra ban công. Bên ngoài ban công ở tầng lầu thứ 34 này, chẳng có gì cho người ta thấy rõ. Xa xa là những tòa nhà khác. Xa xa hơn nữa, cánh đồng hoặc cái gì từa tựa như thế, màu xanh vống lên dưới nắng sớm.
– Cậu được hưởng cái “viu” (view) tuyệt nhỉ! – Nhân không nhìn tôi – Giá mà cửa sổ phòng mình cũng như cửa sổ này…
– Mình được anh em cùng phòng ưu tiên đấy – Tôi huơ huơ bao thuốc trước mặt – Chỉ vì khói…
– Cũng có thể vì họ sợ độ cao. Cậu có sợ độ cao không? – Nhân hỏi.
– Mình ấy à? Độ cao ấy à? – Tôi cười cười – Đứng trên nền căn phòng tầng thứ 34 này và đứng trên mặt đất dưới kia có khác gì nhau đâu. Đều là đứng trên một cái gì đấy. Mà tại sao lắm người sợ cái độ cao chẳng phải của mình cũng chẳng phải do mình nhỉ?
Mất Phương Hướng – Trịnh Sơn
Nhân hắt hơi rõ kêu, không kịp giấu vào bầu trời mênh mông ngoài ô cửa. Hướng Đông Bắc. Nhưng chẳng bao giờ từ đây có thể thấy mặt trời mọc. Đèn điện sáng trưng từ khi ngày mới ửng. Trong thành phố hiện đại nhất nhì đất nước này, một vài khái niệm nguyên sơ và gắn bó nhất với con người từ thuở khai thiên lập địa bị chôn vùi ở đâu đó. Đã có lúc tôi nghĩ, mặt trời của tất cả những con người có mặt trong căn phòng này là chiếc tivi màn hình phẳng 39 inches treo giữa bức tường đối diện với ô cửa sổ của tôi. Nó được bật lên ngay từ lúc có người đầu tiên vào phòng và nếu không có sự cố mất điện thì chỉ được tắt đi khi người cuối cùng không bị đãng trí ra về. Âm thanh luôn ở chế độ im lặng. Phòng tôi, hình như chưa có ai đãng trí cả. Có đôi lần tivi không tắt đến sáng hôm sau, sếp hỏi nhân viên, nhân viên nhìn nhau – và kết cuộc là chẳng có ai đã quên tắt chiều hôm qua. Suốt một đêm, chiếc tivi ở một mình, người ở một mình còn buồn muốn chết chứ nói gì cả thế giới bị giam trong màn tối ấy. Tivi tự bật – là kết luận của sếp. Thế là ai cũng cười. Thế là bắt đầu ngày làm việc mới. Thế là tôi lại chúi mũi vào cái màn hình máy tính đặt trước cửa sổ, châm một điếu thuốc và nghĩ ngợi: nếu nó đã tự bật thì làm sao không thể tự tắt nhỉ? Đã dám tự bật mình lên thì cớ gì lại không dám ồn ào náo nhiệt mà cứ phải lặng câm?
Khẽ nép người để tôi len qua, cùng đứng bên ô cửa sổ nhìn ra khoảng không ngoài kia – Nhân mới thỏ thẻ, rất chậm:
– Mình đang mất phương hướng, cậu ạ…
– Mất phương hướng? – Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Chỉn chu một cuộc đời lành lặn tưởng như luôn luôn có kim chỉ nam trong hết thảy mọi việc lại còn có phương hướng nào khác để mà mất ư?
– Ừ. Mất phương hướng…
Lần này, Nhân nói nhanh rồi bước cũng nhanh, rời khỏi ô cửa sổ và rời khỏi tôi, không kịp có một tiếng chào, không kịp cho tôi cơ hội nào có thể thốt lại câu hỏi của mình. Ánh mắt rời đi của Nhân bỏ lại thứ ánh sáng ẩm ướt mùa hạ. Tôi cứ đứng như trời trồng ở đó cho tới lúc nhận ra mẩu thuốc lá thừa của Nhân ném ra ngoài vì lý do lạ kỳ nào đó mà chẳng rơi đi, nằm chơ vơ với phảng phất vài sợi khói ven bậu cửa sổ. Tôi thò tay ra nhặt nó. Đầu cán thuốc bẹp dí dấu răng. Cái gạt tàn trên bàn làm việc tôi là một món quà của Nhân. Khi ấy, Nhân bảo:
– Nó tuy cũ, nhưng có lịch sử oai hùng phết. Sếp tặng khi mình xây xong nhà mới. Giờ thì mình tặng cậu.
– Thế cậu gạt tàn vào đâu? – Tôi có vẻ băn khoăn.
– Ôi dào, cậu cứ lo bò trắng răng. Sếp tặng mình khi ông quyết bỏ thuốc. Mình cũng vậy thôi.
Nhân bỏ thuốc ngần ấy năm, nay lại hút. Vị sếp kia thì sao nhỉ?
Với nhiều người đã trót ngậm lên môi thứ trời đày tên gọi thuốc lá, bỏ được nó là việc trời ơi đất hỡi. Thuốc lá cũng như quyền lực, ma túy, rượu chè, cờ bạc, gái gú và mọi thứ khiến người ta mê đắm chôn thân vào – chỉ đoạn tuyệt được với nó khi đang ngủ. Ngủ bằng mắt. Ngủ bằng trí. Ngủ bằng tâm.
Còn tôi? Nói theo kiểu thời bao cấp, thuốc chẳng “nghĩa địa” gì! Dễ ợt. Tôi đã bỏ thuốc cả ngàn lần rồi. Ai không tin cứ hỏi cái gạt tàn này thì biết. Điều khổ sở nhất của kẻ muốn từ bỏ một thói quen hay một đam mê là chưa tìm ra được thói quen hoặc đam mê khác.
Nhân bỏ thuốc theo như anh nói, là phải họp hành nhiều, đi máy bay nhiều, tiếp khách cao cấp nhiều – toàn ở nơi dán nhãn VIP máy lạnh sang trọng. Hễ rút điếu thuốc ra khỏi bao, đưa lên môi định châm thì lại cảm giác mình như kẻ lạc hậu, ấu trĩ dưới bao con mắt xung quanh. Hễ thấy lạt miệng thèm thứ hơi khói thơm thơm đắng đắng khét khét kia thì lại va ngay vào những bức tường trắng toát lạnh căm chỉ duy nhất mang một thông điệp “NO SMOKING”. Đứng trước tấm biển vẽ điếu thuốc bị gạch chéo, người nghiện thuốc dễ nhẫn nhục mà nhận mình là kẻ tội đồ như đứng trước Chúa. Thế là không chỉ Mười điều răn, mà cả trăm, cả ngàn điều răn từ bác sĩ, vợ cho đến mẹ vợ, báo đài truyền hình cho đến cơ man bạn bè đồng nghiệp hàng xóm láng giềng ùa ra như thác mùa lũ. Đã có lần Nhân bảo tôi:
– Mình chẳng hề bỏ thuốc vì lý do sức khỏe đâu, cậu ạ. Càng đặt ra nhiều lý do nên bỏ thuốc, càng cho ta thêm nhiều lý do để hút thuốc.
– Thế, cậu chưa bỏ thuốc? – Tôi đùa, chìa bao thuốc cho Nhân.
– Không – Nhân xua tay – Mình chưa bỏ thuốc. Nhưng, mình không hút thuốc nữa…
Lúc ấy, tôi thấy Nhân lạ quá. Chúng tôi đã từng rất hiểu nhau. Khi ngậm điếu thuốc trên môi thì ai trông cũng giống nhau. Bỏ thuốc rồi thì lập tức mỗi người mỗi vẻ.
Hết một buổi sáng, tôi chẳng làm nổi việc gì nữa. Cái màn hình máy tính trước mặt. Ô cửa sổ trước mặt. Cả hai đều có thể mở ra một bầu trời nào đó. Mà, chật chội lòng tôi bây giờ, đang đóng chặt cửa, nhốt hai tù nhân là Nhân và chiếc gạt tàn.
Đi hết các phòng ban tìm Nhân, không thấy. Hỏi thăm mấy người bạn thường gần gũi với Nhân, đều không biết thêm gì. Tôi xin nghỉ buổi chiều và xách cặp ra về. Rõ ràng là thang máy đi xuống nhưng mỗi lần đi xuống, tôi vẫn nghĩ mình đang đi ngang qua rất nhiều cuộc đời khác. Bên vệ đường dưới chân tòa nhà hai tầng hầm và 34 tầng lầu, tôi rồ ga chiếc xe máy trực chỉ đường Nguyễn Du. Nắng xối như mưa trên đầu. Một đêm nọ say quá, cũng trên con đường mang tên thi hào vĩ đại này, tôi đang cố cầm cự với tay lái giữa dòng người hối hả, cầm cự với men rượu đang từ dạ dày bốc lên tâm trí – muốn xóa nhòa biên giới giữa tay ga và tay thắng, chợt Nhân hỏi:
– Sao chẳng ai nghĩ nên đặt tên một con đường nào đó là Thúy Kiều nhỉ? – Hai tay Nhân xiết chặt hông tôi, đầu rướn lên trước, miệng kề sát phả hương nồng cay vào tai tôi. Người đi đường dễ nghĩ hai gã này là “gay” cũng nên.
– Chắc là vì, nếu đặt tên Thúy Kiều, lại phải có Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh. Lại phải có Sở Khanh, Tú Bà, Hồ Tôn Hiến… Thành phố này có khi loạn cả lên…
Nhân cười sằng sặc:
– Người ta sẽ alô cho nhau rằng “tôi đang ở vòng xoay Thúy Kiều, góc cắt Từ Hải – Hồ Tôn Hiến đây”, sướng thật… – Nhân lại cười. Hình như, ít khi anh cười hồn nhiên thống khoái và không kém phần khả ố như thế. Vài người đi xe kề bên nhìn chúng tôi. Họ chẳng thể biết được hai gã say có thể ngã bất cứ lúc nào đây – đang có cái ảo tưởng khôi hài là đem cả mười lăm năm đoạn trường của nàng Kiều về mảnh đất này.
– Mày muốn sướng thì cứ mặc sức mà tưởng tượng, chứ đừng bấu hông tao nhột quá không chạy xe nổi, Nhân ơi! – Mỗi khi say lắm, tôi và Nhân mới mày mày tao tao.
– Tay mày thì mày cứ lái đi, mắc mớ gì tới tay tao mà không cho tao bấu? – Nhân lại cười.
Cứ thế, Nguyễn Du nuốt lấy chúng tôi như bóng đêm đang hiếp đáp những bóng đèn cao áp quá tải đứng thu lu hứng sương. Sáng hôm sau, thường là ở phòng khách nhà Nhân, chúng tôi lại thức dậy với nỗi ngạc nhiên dường như khủng khiếp lắm trước mắt vợ anh.
– Đêm qua nhà ta có hội hè gì hở em? – Nhân bẽn lẽn hỏi vợ khi tôi mắt nhắm mắt mở đếm nào là ly cốc chén đĩa chai lớn chai bé hầm bà lằng trên sàn.
– Khách của nhà các anh sang trọng thật! Nào là đại thi hào, nào là chân dài Kiều Kiều Vân Vân, nào là anh hùng tứ chiếng… – Chị vừa kể lể, giọng mềm mại dỗi chồng, vừa cặm cụi dọn dẹp – Nhà các anh đi mà rửa mặt, tắm gội cho khỏe rồi ăn sáng. Nước nóng đã sẵn trong bồn rồi đấy.
Vợ Nhân vốn đảm đang và hết mực yêu chồng. Tôi ngường ngượng lê thân vào phòng tắm. Nước sẽ gột sạch cơn say ê chề và bụi đường váng vất. Nước đang tiêu hủy cơ thể ôi thiu tôi dần dần, từng phần một, từ đỉnh đầu tới tận gan bàn chân và tất cả trên đường đi của nó. Nước là phương thuốc giản dị nhất tôi có thể có. Nhân có vậy không?
– Con người ta cứ phải đổ hàng đống tiền để say rồi lại dốc túi gấp nhiều lần hơn để giải say là cớ làm sao nhỉ? – Khuôn mặt buổi sáng của Nhân tươi tỉnh hẳn trong gương khi tôi đứng chải lại mái tóc mới ngoài ba mươi mà đã lắm sợi bạc của mình.
– Cũng may là chúng ta có nước! – Tôi lùi khỏi tấm gương để nhường chỗ cho một ngày mới bắt đầu.
Thể nào vợ của Nhân cũng đang tất bật chuẩn bị món ăn sáng cho cả nhà. Chưa bao giờ tôi nghe chị hỏi, Nhân và tôi đã gặp nhau thế nào và làm sao mà thân nhau? Cho đến bây giờ đây, khi mặt trời đứng bóng trên đầu, khi tôi vừa rẽ từ Nguyễn Du vào đường phố nhỏ mà đêm nào đó Nhân đã đặt tên Phàn Cự – một nhân vật không hề được Thanh Tâm Tài Nhân lẫn Nguyễn Du nhắc đến – nhưng theo Nhân “nếu không có Phàn kia thì chắc gì Từ đã thành Từ, ngay đến thành người còn khó, huống hồ…” Vợ Nhân mang chiếc mặt khác hẳn mọi khi. Chị không vồn vã dịu dàng. Chị không mang ra thứ nước cam tôi rất thích, mà cứ ngồi ủ rũ trên salon như quên hẳn sự có mặt của tôi – cho tới khi lửng khửng đứng dậy lấy một chai rượu đã uống dởã của chồng đêm nào đó, mang ra bàn, ngồi phịch xuống ghế, bắt đầu mở nút, bắt đầu rót. Chị đã biết gì về Nhân rồi sao?
– Anh không quen uống rượu vào buổi trưa đâu – Tôi ấp úng.
– Nhà các anh cứ phải chọn ngày giờ để say là sao nhỉ? – Chị hơi cáu, nâng ly ngang ngực.
Tôi không thể làm gì khác. Chúng tôi cạn ly. Chúng tôi cạn ly. Chúng tôi cạn ly… Lúc này, Nhân đang ở đâu?
– Nhà các anh hễ tụ tập uống rượu hết chuyện đông chuyện tây trên trời dưới đất rồi thể nào cũng xoay ra nói xấu vợ. Hôm nay thì không nhé! Không nói gì cả – Chị như hiểu tôi đang muốn nói gì – Không hỏi gì cả. Chỉ có nhà các anh và con đàn bà đức hạnh này thôi… – Chị phá lên cười. Nước mắt chảy rõ. Hôm nay, vợ Nhân lạ dễ sợ. Chưa bao giờ tôi thấy chị đặt trên môi trên lưỡi mình những lời lẽ như vậy.
– Rượu trưa ngon thật – tôi moi từ góc tường hướng tây ra một câu sáo nịnh cho bớt phần im lặng – Nhưng, không nên uống nhiều…
– Uống nhiều thì sẽ say à? Say rồi sẽ tỉnh à? – Chị nói như khóc – Cho con này xin một điếu thuốc nào!
Tôi đâu thể chối từ. Cái gạt tàn đâu thể chối từ. Bây giờ, tôi mới để ý, cái gạt tàn thường ngày vẫn sạch bong trên chiếc bàn này hôm nay đang đầy ắp. Tác phẩm của Nhân đấy ư? Hay, phế phẩm công khai huỵch toẹt đầu tiên của vợ Nhân? Chị nhả khói như điên. Ho như điên. Nước mắt nước mũi trào cả ra. Ngực phình ra thóp lại. Bờ vai mảnh mai bị cơn run bần bật nhai ngấu nghiến. Đáng lẽ, tôi phải ôm lấy một người đàn bà như thế. Nhân cũng sẽ vậy. Nhưng tôi đã không. Trên bức tường hướng tây, tấm ảnh phóng to hạnh phúc cộng hưởng trong nét rạng rỡ đầy đặn của Nhân và vợ ngày cưới. Nhân có yêu người phụ nữ này không? Nhân có thể tưởng tượng ra người phụ nữ như thế này không? Tôi chưa bao giờ hỏi về hạnh phúc của Nhân – dẫu là thân nhau như môi với răng. Răng vẫn là răng và môi vẫn là môi. Chẳng ai hạnh phúc giúp ai được cũng như chẳng ai đau đớn hộ ai được.
– Em đang mất phương hướng, anh ạ… – Chị đã thôi vẻ bạo liệt như ban nãy.
– Mất phương hướng? – Tôi muốn nhảy chồm dậy. Trong lồng ngực. Hóa ra bấy lâu nay, họ đều có phương hướng hay sao mà giờ để mất? Phương hướng có hình có dạng có nặng có nhẹ có màu có mùi có vị không, để cho người ta cầm nắm như một tài sản riêng tư?
– Ừ. Mất phương hướng…
Tôi dắt lui xe khỏi cổng. Căn nhà thân thiết với gần như suốt cuộc đời tôi đến nay đang sở hữu hai con người tự nhận mình mất phương hướng. Vì Nhân đọc sách quá nhiều ư? Khắp các phòng đâu đâu cũng đầy ắp sách. Từ tôn giáo, triết học, phân tâm học, khoa học vũ trụ, khoa học con người, nghệ thuật, chính trị, xã hội v.v… Rồi vợ Nhân lại đốt thời gian bằng cách đọc lại những cuốn sách của chồng ư? Không thể nào. Sách có thể giam cầm người ta vào những mệnh đề luận lý mà nó đặt ra chứ dại gì sách làm cho người ta mất phương hướng?
Không phải sách, thế thì điều gì có thể làm cho Nhân – một mẫu người đĩnh đạc, đàng hoàng, tử tế, nghiêm ngắn và vợ mình – khác gì một nàng búp bê đoan trang hiền dịu đầy sức sống, cảm thấy mất phương hướng? Cuộc đời nhàn nhạt với bổn phận và trách nhiệm mà bên dưới là vực thẳm cồn cào đói nghèo và phía trên là thiên đàng lung linh quyền cao chức trọng? Tâm hồn phảng phất như một bản sao của tâm hồn nào đó, luôn chực chờ nảy nở tật nguyền trên từng vết mực in mà vẫn hằng khát khao tìm thấy bản thân mình như là một bản chính giữa muôn ngàn bản chính? Thời gian đang nhấm nháp từng chút từng chút tuổi người không thương tiếc ngày qua ngày tháng qua tháng và món quà duy nhất để lại là dấu răng nông sâu chẳng thể nào lường trước? Thuốc lá, rượu, tiền bạc, ngoại tình, ích kỷ… gom chung trong hờ hững định nghĩa “dục vọng” truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ giống nòi siêu đẳng cho đến giống loài giản dị thăm thẳm nhất thế giới này? Thế kỷ của nền văn minh ngụy tạo chỉ có vỏ bọc dán đầy niềm tin sặc sỡ còn rỗng ruột là chán chường và gục ngã trong cuộc đấu tranh sống còn mãi mãi không có ai được trao vương miện chiến thắng?
Còn gì nữa, có thể làm cho người ta mất phương hướng?
Tôi không ra Nguyễn Du mà rẽ sang một hẻm nhỏ nhắn hơn, hòa vào dòng người trên con đường khác. Từ đó về sau, không ai nhìn thấy Nhân nữa. Người đàn bà chia ngọt sẻ bùi của anh cũng thế. Mọi dấu tích về họ dường như được bàn tay nào đó tỉ mỉ vẽ lên tấm màn căng thành phố này và đột nhiên xóa đi không thương tiếc trong khoảnh khắc nào đó. Thi thoảng tôi có trở lại Nguyễn Du, ngõ Phàn Cự, mái nhà xưa. Chỉ để thấy mình đã trải qua một chặng đời nào đó mà chẳng thể nào nhớ lại được.
Cho đến một hôm, lúc tôi đang ngồi viết những dòng này, khi tôi đã xúng xính vợ con nhà cửa đèm đẹp như ai – vợ tôi đọc sách trên salon, nàng chợt nhắc:
– Nhân này, lâu không thấy bạn thân của anh ghé thăm nhỉ?
Tôi giật mình. Nhân không phải là tên tôi. Vợ tôi cũng chưa bao giờ gặp Nhân, chưa bao giờ nghe tôi kể về Nhân. Nhưng vợ tôi đã nói vậy rồi, thì tôi cũng coi như mình là Nhân, Nhân lại đang nói về một người bạn ngày xưa thường thức dậy sau một đêm say xỉn trong nhà mình. Tôi đáp giọng bình thường:
– Ừ. Anh ấy mất phương hướng…
Tác Giả : Trịnh Sơn / BTV Vân Khánh