RadioVn.Com – Thẩm cầm trên tay hai tấm vé, lật đi lật lại đọc hết những dòng chữ in phía trước, phía sau. Chưa mua thì muốn mua cho được, mua rồi lại tiếc tiền. Với mức lương khởi điểm chỉ hơn một triệu một tháng, bỏ ra ba trăm để mua hai tấm vé xem ca nhạc một đêm là việc Thẩm chưa bao giờ làm. Đi chợ Thẩm chịu khó mặc cả từng mớ rau, nắm hành, củ tỏi. Người con gái thôn quê sinh ra đã có bản tính đó. Với lại, Thẩm lương thấp, phóng túng một tý là thiếu cái ăn, chưa nói gì tới việc không còn tiền để mua sắm thỏi son môi rẻ tiền, chiếc áo con và đồ vệ sinh phụ nữ… Thứ gì cũng cần, cái nào cũng không thể thiếu. Không mua thì háo hức, mua rồi thấy xót ruột. Ba trăm ngàn nghĩa là mua được nhiều bó rau muống, có cái luộc trong nhiều ngày. Ba trăm ngàn nghĩa là mua được nhiều quả trứng vịt. Ba trăm ngàn mua được một bộ đồ khá bắt mắt, có khi còn thừa vài chục. Thẩm lắc đầu cố xua những ý nghĩ ấy ra khỏi đầu. Cứ tiếc tiền thế này, tối nay đi xem còn gì mà hay được nữa. Anh ấy ở đâu? Người gì mà cứ vào giờ làm việc là tắt máy điện thoại. Người ta cũng tập trung tư tưởng, cũng làm việc, có ai tắt máy như anh ấy đâu. Nói dại, sau này lấy anh ấy mình có bị xe tông bấm máy kêu cứu chồng cũng “xin quý khách vui lòng gọi lại sau.” Đã bao nhiêu lần vui bè bạn, Thẩm bấm máy muốn gọi anh đến chung vui đều tít tít rồi tịt. Hết giờ, có dỗi hờn, anh cười “bận quá”. “Trăm vạn người cũng bận có ai tắt máy như anh? Giữa giờ làm việc cũng khối người có mặt ở quán xá đấy thôi. Cuối năm họ cũng tiên tiến, chiến sĩ thi đua, cũng khen thưởng ào ào tiền bạc”. Anh lại cười: “Họ khác mình khác”. Cứ mua liều hai cái vé thế này, anh ấy mà nói tối nay bận họp thì đổ sông đổ bể cả đống tiền. Dù thế nào cũng bắt anh ấy đi xem. Dứt khoát lần này Thẩm không nhường, không thể nhẹ dạ được.
Thẩm đến phòng bán vé khá sớm đã thấy ở đó đông đặc, nhốn nháo người. Cửa phòng bán vé đóng, phía trên cao treo một tấm bảng có dòng chữ bằng phấn đỏ viết nguệch ngoạc: Hết vé. Nhiều người chửi: Có bán đâu mà hết. Vé tuồn hết cho đầu nậu. Bọn cò, mỗi thằng một nắm, kè kè bên hông, một thằng một bị. Một gã chờ sẵn, nhe hai hàm răng vàng khẹt thuốc lá, chìa ra trước mặt Thẩm cả tập vé. Mua đi em, vé quầy hết từ lúc chưa bán, còn mong chi nữa chợ tình mà mong. Anh kiếm đôi ba đồng, cũng mưu sinh cơm gạo thôi mà, nộp trên nộp dưới, chia năm xẻ bảy đâu ăn một mình. Tối nay toàn là ngôi sao ca nhạc, toàn là vũ đoàn lừng danh lần đầu đến tỉnh ta, ân tình bao giờ trở lại. Em chần chừ chốc nữa cạn vé giá lên, biết đâu một vé sẽ vài trăm. Bỏ lỡ cơ hội nghìn thu sẽ tiếc, vạn kiếp sẽ hờn.
Thẩm nghĩ thằng cò này ăn nói chẳng ra sao, quảng cáo không ra quảng cáo, nói hề không ra thằng hề. Lời có nghĩa và lời vô nghĩa cứ xen kẽ lẫn nhau. Hắn cứ nói liên hồi tới khi Thẩm mở ví rút ra ba trăm ngàn. Hắn dúi vào tay Thẩm hai tấm vé còn trút một câu không hiểu ý gì: Thế là nghĩa tình trọn vẹn, nghĩa tình trăm năm.
Lần đầu tiên nhiều ngôi sao ca nhạc về thị trấn xép của Thẩm. Những ngôi sao này Thẩm chỉ nghe, chỉ thấy qua băng hình TV. Cứ mỗi lần một người trong bọn họ xuất hiện là khán giả, phần lớn là lớp trẻ, xao động, hồ hởi, phấn khích. Hàng ngàn cánh tay giơ cao tung vẫy. Người ta hát theo, gào tên ca sĩ, tung hoa, vỗ tay và khóc. Sáng hôm sau người ta kéo tới, lượn lờ ở cổng khách sạn để mong gặp thần tượng của mình, được nắm tay, chụp ảnh chung, xin chữ ký. Ai được diễm phúc đó sẽ phấn chấn cả tuần, cả tháng. Ngồi dưới màn hình, nhiều lúc Thẩm cũng mơ ước được hòa nhập vào không khí đó. Đóng chặt cửa phòng, yên tâm không có ai nhìn thấy, Thẩm khe khẽ hát theo, hai tay giơ cao, lắc lư theo nhịp sóng của khán giả. Ở thành phố sướng thật. Cái gì họ cũng đầy đủ, cũng đi trước.
Mơ ước của Thẩm sắp thành hiện thực. Các ca sĩ đã hiện diện ở thị trấn này thật. Suốt hai ngày nay, xe của đoàn nghệ thuật vòng quanh thị trấn, vòng về nông thôn quảng cáo. Lớp trẻ như được thổi hồn, sống động hẳn lên. Đâu đâu cũng thấy ảnh các ca sĩ ngôi sao. Đối diện với những bức ảnh là tốp tốp những người hâm mộ, những lời bình luận ngợi ca, khâm phục.
Khúc Tình Ca Hò Hụi ( ảnh minh họa )
Thẩm bỏ ra ba trăm ngàn, tự an ủi, ở Sài Gòn giá vé chợ đen của những đêm nhạc thế này có khi lên tới tiền triệu. Cũng là một lần được mục sở thị, biết đâu còn lâu lắm, nhiều năm lắm mới có dịp như thế này. Thẩm mơ tới tối nay sẽ dựa vào anh, sẽ nắm chặt tay anh giơ cao trong không khí, được khóc, được cười, trong ánh đèn màu nhấp nháy và tiếng nhạc dội lòng. Chắc chắn, đêm nay sẽ là một đêm kỷ niệm không bao giờ quên.
Thẩm loay hoay bấm điện thoại gọi Soạn. Thẩm bực mình vì anh vẫn chưa mở máy. Thẩm ngẩng đầu lên đúng lúc Soạn xịch xe tới:
– Tối nay em đi xem với anh không?
Bao dự định trách móc, hờn dỗi bay đâu hết, Thẩm vui mừng:
– Dạ, chúng mình cùng đi xem. Em mua vé…
– Có ai bán vé đâu mà mua?
– Em mua vé chợ đen. Mọi người đều mua vé chợ đen cả.
– À, là em nói tới cái buổi ca nhạc quảng cáo ầm ĩ hai ngày nay chứ gì? Có gì ở đó mà xem. Lời hát thì thằng này xào nấu lại ý tứ của thằng kia. “Yêu! Yêu! Yêu đi em!” cứ như là giục nhau đi ăn cướp. Thô thiển tới cái mức là yêu nhau thì tam tứ núi cũng trèo, ghét nhau thì ném đã vỡ đầu nhau ra. Có gì hay ở hạnh phúc tan vỡ, tình yêu không thành mà xúm nhau vào đó khóc than rên rĩ, cho ra lò một lô một lốc những bài hát cứ như sản xuất công nghiệp, ca sĩ thì mới lọt vài đợt thi đã lăng xê thành sao. Sao gì chẳng lấp lánh một chút nào…
Soạn càng nói, Thẩm như thấy những cục nước đá đâu đó trong người mình tan chảy, rưới tắt niềm đam mê nóng hổi từ sáng tới giờ.
– Nhưng mà, anh rủ em đi xem cái gì?
– Về quê anh sẽ biết. Đây là một đêm trở lại của hàng chục năm đứt đoạn. Em sẽ được nghe một thứ nghệ thuật thực sự nghệ thuật. Sẽ được đắm mình trong những lời hát và giai điệu mê hồn. Sẽ được…
Thẩm ngắt lời:
– Em đã hứa với bạn bè là cùng đi xem. Chúng nó đang chờ.
– Hay là em gọi chúng nó cùng đi với chúng ta.
– Không đời nào chúng đi với anh. Em biết bọn bạn em. Chỉ có tai nạn giao thông què giò chúng mới bỏ cuộc vui đêm nay. Em đã mua lỡ hai vé chợ đen, mất những ba trăm ngàn.
– Tiếc thật, nhưng mà ở đây ba trăm, ở dưới đó xứng đáng giá chín trăm. Đi xem dưới đó ta còn lãi sáu trăm. Dưới đó sân khấu ngoài trời, thiên nhiên kỳ ảo. Dưới đó ánh trăng, sông nước, người hát và người nghe hòa đồng làm một. Dưới đó…
Thẩm thấy nghi ngờ. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê này. Thẩm đâu có thấy một thứ nghệ thuật sân khấu gì hơn cả tân nhạc mà các ngôi sao sẽ biểu diễn đêm nay. Ở dưới quê lại càng không có ca sĩ sao, không có dàn nhạc và nhạc công. Nếu mời một đoàn nghệ thuật lừng danh nào đó, thời kinh tế thị trường này làm gì có chuyện miễn vé. Đêm nay dưới đó là gì?
Chẳng biết do Soạn kéo nhẹ tay hay do vô thức, miên man giữa nuối tiếc một đêm ca nhạc mong chờ, mất ba trăm ngàn tiền vé và nỗi nghi ngờ những gì sẽ diễn ra dưới đó, Thẩm ngồi lên xe máy của Soạn tự lúc nào. Anh vừa rồ ga vừa dặn:
– Anh đi hơi nhanh hơn mọi ngày một chút. Về chậm, không nghe được lời chào của người dẫn chương trình sẽ tiếc.
Khúc Tình Ca Hò Hụi ( ảnh minh họa )
* * *
Đường về quê là đường đất. Càng gần quê càng khó đi. Chiếc xe cứ chồm lên, nghiêng ngả như con ngựa ăn phải cỏ độc. Hai lần Thẩm rơi mũ. Một lần chòi chân xuống đất, bụi gai lột mất dép và để lại ở mắt cá Thẩm một vết cào rướm máu. Nắng quái chiều gắt đến khó chịu. Cát trắng lại hất ngược nắng trở lên. Nắng trời, nắng đất tấp vào mặt, vào người Thẩm. Gần biển gió đậm đặc hơi nước mặn. Kiểu này, chỉ vài giờ là da đen như da chó nướng. Hai con người ngồi rất gần nhau trên một cái yên xe máy nhưng ý nghĩ, tình cảm của họ lại xa vời nhau. Soạn đang vui vì thuyết phục được người yêu về với nguồn cội. Nàng sẽ hiểu biết thêm một giá trị văn hóa Dân gian để rồi có thêm niềm tự hào quê hương. Anh tưởng tượng rằng, sau đêm nay, nàng sẽ nói: Quê mình nghèo nhưng quê mình có di sản văn hóa độc đáo. Một cồng chiêng Tây Nguyên, một ca trù xứ Bắc, một hát xoan Phú Thọ… đã thành văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hò khoan, hò hụi của quê mình sao không?
Thẩm lại ân hận bỏ một cuộc vui để về cái xứ khô cằn, cát bay, cát lấp. Thẩm yêu Soạn nhưng chưa bao giờ thấy anh là người lý tưởng. Con trai bây giờ ăn mặc phải mốt, hành xử phải ga lăng. Soạn thì nửa mùa. Nói anh cục mịch cũng không phải, trí thức tân thời cũng không. Đêm ngắm trăng với nhau, Thẩm cần một vòng tay ôm, những cái hôn cháy bỏng, Soạn lại nói về những dự định tương lai: Em ạ, hai chúng mình phải cố để là hai thạc sĩ, và sau này nữa sẽ là hai tiến sĩ. Thời bây giờ, tốt nghiệp đại học chưa đủ tài để làm việc. Ngày 8/3, ngày sinh nhật Thẩm, lọ hoa trên bàn lại cắm hoa của những chàng trai khác. Anh không thuộc bài hát trẻ nào khi vào phòng karaoke, không có cà vạt nào khi đi lễ hội, có lần bực quá Thẩm nói bạn bè em bảo anh nông dân quá. Soạn không giận, lại cười, anh con nhà nông dân chính hiệu mà. Bố là lính, mẹ là thanh niên xung phong. Sau chiến tranh hai ông bà về làm ruộng. Nhiều lúc Thẩm tủi thân, mình là con gái thời hiện đại lại không được như bạn bè, yêu một chàng trai thời hiện đại. Bạn bè của Thẩm có đứa nói: Tình yêu là sự chọn lựa, vừa ý, hợp tình thì thủy chung, không hợp ý, không hợp tình thì “bai”. Thẩm cũng từng nghĩ như vậy, buồn tủi, nhưng không “bai” được. Cứ bùng nhùng, vướng víu như sa vào mạng nhện. Nghe nói cái tình của đàn ông như con cọp, ra khỏi cửa, đạp ngọn lá là quên. Sao mình không phải là đàn ông để quên quách cái thằng cha này cho nhẹ xác.
Gửi xe Honda vào một nhà vệ đường, Soạn nói:
– Từ đây ra ngoài đó phải lội bộ. Lần sau về quê, em đừng mặc váy
Nghe tới lội bộ Thẩm đã bực trong người, lại đến chuyện cái váy. Mặc váy thì đã sao? Anh không thấy hàng loạt con gái bây giờ ra đường tồng ngồng quần cộc, áo dây, vẫn khối thằng con trai liếc đến lé mắt đấy thôi. Quê với tỉnh, có quê mùa, quê cạch. Soạn cười, lại nói cái câu muôn năm của anh: Họ khác, mình khác.
Mặt trời chỉ nửa con sào là lặn mà nắng ở đây vẫn khủng khiếp như được bắn ra từ một khẩu súng phun lửa ở lưng trời, cát dưới chân được nung nóng suốt ngày hè phả lửa lên. Thẩm hoảng sợ, bao tay ngắn, không có tất cao cổ, thế này thì ngày mai cô sẽ thành mọi. Chân mỏi rã rời, những nốt đỏ li ti nổi lên thành đám. Giá như có một chiếc xe trong tay, từ đây ra đường trục rải nhựa, Thẩm sẽ “bai”. Anh khác, tôi khác! Thẩm ghìm nước mắt, bây giờ không có đường lùi.
Một bãi bùn khá rộng, lầy nhầy, nước lấp xấp chắn ngang lối đi. Soạn lội xuống, quay lưng về phía Thẩm: “Anh cõng. Em không lội được đâu, bãi lầy nhiều đỉa lắm”. Thẩm rùng mình quàng vội tay lên cổ Soạn, cố co chân lên khỏi mặt nước.
Thẩm không thấy trăng đẹp mặc dầu ở đây là nơi ngắm trăng lý tưởng. Thẩm chỉ thấy nơi đây rờn rợn, hoang sơ, phía xa là những bờ bụi khum khum như ma rình. Những ngôi mộ to, nhỏ, cái cao, cái thấp sè sè. Mấy cây hương cháy muộn thi thoảng lại chớp sáng, âm hồn lẩn khuất đâu đây.
Có gì đây mà Soạn náo nức? Một vạn thuyền chài đậu sát với nhau, mũi thuyền hướng ra ngoài cắm sào. Đuôi thuyền dính vào bờ lở. Dân thuyền chài ngồi phía lái, hướng mặt lên bờ. Dân trên bộ chen chúc nhau ngồi trên bãi cỏ hướng mặt xuống thuyền.
“Thưa bà con, hàng chục năm nay, theo cái mới, nới cái cũ, bây giờ chúng ta lại hát hò hụi, hò khoan. Nhất định từ nay về sau chúng ta sẽ mãi mãi hát hò hụi, hò khoan. Tiếng hát thân thương của làng quê ta”.
Tiếng vỗ tay rôm rả. Thẩm ngạc nhiên khi thấy Soạn vỗ tay như muốn chồm lên phía trước. Lời dẫn chương trình chỉ có thế mà Soạn đã giục Thẩm đi mau kẻo không nghe được. Nghe nó cục mịch như hình thể người dẫn chương trình. Hình như anh ta mặc nguyên cả bộ áo quần vừa đi cày ải về. Mọi người cũng mặc như anh ta. Phía lái chiếc thuyền cuối vạn chài, một lão ngư mặc quần đùi, ở trần, vắt vai một chiếc khăn dài, rung rung chòm râu. Không đợi ai giới thiệu, một chị ngư dân đã cất giọng: “Thuyền em lên ngược về xuôi… vung chài.. bắt cá…” Hàng trăm người cùng cất lên: “Ơi dô khoan! Hụi là khoan!” Cứ mỗi khúc hát, mọi người lại ơi dô khoan, hụi là khoan. Thẩm cảm thấy điếc tai nhức óc. Lạ thay, Soạn cũng nhập cuộc cùng mọi người. Anh mê say, mắt ngời sáng như hai đốm sao nhỏ: “Ơi dô khoan, hụi là khoan, hết hụi ta hò khoan”. Soạn gào mỗi lúc mỗi to. Anh không có năng khiếu hát hò. Cái cổ anh dài ra, qua ánh trăng Thẩm thấy những đường gân nổi chằng ở cổ Soạn. Bỗng chốc Thẩm thấy anh xấu trai chứ không đẹp như mình tưởng.
Muỗi đốt. Giữa hàng trăm người ở đây chỉ có Thẩm là nước da trắng, mỏng, lạ hơi, muỗi cứ bâu vào. Kiến bò rờ rờ lên đùi, bò vào trong váy. Ở chỗ đông người làm sao thò tay vào trong váy. Thẩm cứ sờ nhẹ ngoài váy, dùng ngón tay đè từng con mà bóp. Còn chút may là loại kiến gì ở đây không đốt, nó chỉ bò, chỉ chui rúc rờ rẫm. Thẩm muốn giục Soạn về nhưng Thẩm biết bây giờ chỉ có sóng thần, động đất mới lôi anh ra khỏi cái bãi sông chết tiệt này. Thôi thì người ta bị ngục tù khổ hình cả chục năm, mình cắn răng cam chịu một tối để rồi đứt đuôi con nòng nọc. Giờ này các bạn của Thẩm trên phố thị đang nhập hồn vào đêm ca nhạc, được vui, được cười, tiếng nhạc ở đó đang bừng lên trào sôi, lay động những tâm hồn tuổi trẻ. Thẩm thì đang rơi nước mắt, đang đắng cay, tủi cực.
Không có một câu hò hụi nào lọt được vào tai Thẩm trọn vẹn. Với Thẩm bây giờ mà nghe “tình tính tang, tang tính tình” đã chán nữa là “bơ dô khoan, hụ là khoan”. Thẩm chỉ thấy rằng, người này vừa dứt lời, người kia đã cất tiếng. Không có chuyện chèo kéo, đùn đẩy như các buổi văn nghệ ở cơ quan Thẩm. Hình như ai cũng mong đợi đến lượt mình. Một giọng bà già yết ớt. Một giọng khỏe của anh trai cày. Một giọng ăn sóng nói gió của anh chài lưới. Lại giọng the thé của chị chạy chợ… Soạn cũng hòa giọng hết cỡ, với hàng trăm người hát đệm, xôn xao mặt nước, xao xuyến những con đò. Ơi dô khoan! Hụi là khoan, hết hụi ta hò khoan!…
Thẩm cảm thấy hình như Soạn không còn nhớ bên cạnh anh còn có sự hiện diện của người yêu. Anh ta vô tình không biết Thẩm đang bị muỗi đốt, đang bị kiến bò, đang đinh tai nhức óc, đang khóc thầm cực khổ. Anh ta càng hát càng bềnh bồng trôi về một miền xa lạ. Nơi ấy có anh và những người hát hụi, không có Thẩm. Miền đất của anh, Thẩm khó cùng chung sống.
Trên đường về Soạn hỏi: “Em không thích hát hụi phải không?” Thẩm muốn hét lên cho bỏ tức: “Anh hãy đem cái hát hụi của anh về luộc mà chấm muối. Món ấy tôi không xơi được”. Soạn vẫn nhẹ nhàng: “Hát hụi mà em, đó là một làn điệu dân ca của quê mình, của người Việt thuần Việt, không một chút lai căng. Là cái vốn văn hóa của cha ông để lại cho con cháu. Phải đặt hồn mình trong đất trời sông biển rộng rãi, phải cảm thông với người lao động một nắng hai sương mới cảm hết cái hay. Hò hụi là của người lao động hát ca lao động”. Soạn còn nói nhiều về hò hụi, lời anh nói ra bao nhiêu, Thẩm để cho nó rơi xuống mặt đường, lấm láp và mất đi trong khói bụi.
* * *
Thẩm tắt máy điện thoại. Cô cần một thời gian để suy nghĩ, có thể tìm ra một lý do xác đáng để chia tay anh nhẹ nhàng. Thẩm không mấy khi vào phòng karaoke. Một giờ hát mất tới sáu chục ngàn chưa kể những nước giải khát, hạt dưa, trái cây, cái gì cũng đắt gấp ba, gấp bốn giá chợ. Đồng lương ít ỏi không cho phép Thẩm chơi hoang. Gần thì bực mình nhưng xa Soạn, Thẩm thấy trống vắng, chông chênh, ray rứt, có cái gì đó bất ổn.
Vừa bước vào phòng karaoke, mấy cô bạn gái gần như cùng hỏi một lúc:
– Sao không rủ anh ấy cùng đi cho vui?
– Chúng mày đừng nhắc tới ông ấy nữa, tao rầu cả ruột đây. Chỗ ông ấy ngoài bờ sông.
Vờ như không để ý nhưng ngay từ giây phút đầu tiên, Thẩm đã chú ý tới Thăng. Anh ta mặc một chiếc áo cộc tay màu xám, đôi giày đen bóng lộn. Giá như Soạn cũng biết diện như Thăng. Trời đã ban cho Soạn một hình thể khôi ngô tuấn tú, mỗi tội anh luôn ăn mặc xuềnh xoàng. Vài cử chỉ bình thường của Thăng, bật nắp lon bia, dúm vài hạt dưa bỏ vào tay Thẩm và mấy ngón tay xoay xoay chiếc micro, đủ để nhận biết anh là người sành điệu. Có phải Thăng là mẫu người mà Thẩm tìm tòi, khao khát. Soạn được như Thăng thì Thẩm hạnh phúc biết ngần nào.
Thăng chuyển micro vào tay Thẩm. Thẩm lẳng lặng cầm lấy, bao nhiêu kỷ niệm buồn với Soạn cứ hiện lên. Thẩm hát bài Đêm buồn và thấy như ai đó đã sáng tác cho riêng mình. Bài hát trách móc sự vô tình của anh, là nỗi trống trải và đau khổ trong đêm cô đơn, là lời vĩnh biệt một mối tình, là hy vọng mong manh một chút tình phía trước. Thẩm đặt micro xuống mặt bàn. Tiếng vỗ tay của bạn bè nổ lốp bốp kéo Thẩm về thực tại, nếu không Thẩm sẽ gục xuống bàn để khóc. Thăng nhẹ nhàng đặt trước mặt Thẩm một bông hoa hồng. Thẩm chưa kịp nói lời cảm ơn, Thăng đã đặt một nụ hôn lên má sát đôi môi. Thẩm và các bạn gái của Thẩm thường bình luận: những cái hôn xã giao như vậy là ăn gian. Nhưng lúc này Thăng có ăn gian hơn nữa, chắc Thẩm cũng không đẩy anh ra. Nhưng mà sao trước mặt Thẩm không phải là hoa của Soạn, cái hôn không phải là cái hôn của Soạn?
Thẩm đang mơ màng. Tiếng vỗ tay lại dào lên lốp đốp. Thăng lại bước qua phía người bạn gái của Thẩm, lại đặt một bông hoa trước mặt và một cái hôn xã giao ăn gian. Thẩm hụt hẫng như nhìn thấy một sự phản bội. Bông hoa pha lê của Thăng vừa tặng Thẩm chưa định hình đã rạn nứt, đổ vỡ. Lại một tràng vỗ tay, lại một bông hoa và một cái hôn ăn gian. Thẩm thấy nhức đầu, chóng mặt. Thăng là loại đàn ông ga lăng không dành riêng cho một cô gái nào. Hắn ta, nếu được sẽ kéo bất cứ cô gái nào vào phòng hát tặng hoa, ôm hôn và lên giường. Nếu được lại kéo một cô gái khác lên giường. Soạn không bao giờ là người như thế.
Thẩm lấy cớ nhức đầu về trước. Cô từ chối ý muốn đưa về của Thăng. Thăng xin số điện thoại, Thẩm đọc và cố ý đọc chệch hai số cuối.
Thẩm dắt xe ra đường, vừa rút chìa khóa ra khỏi túi đã nghe tiếng Hoài mắng: Giờ này mà mày còn hát với hò à? Anh Soạn bị tai nạn, đi nghe hát hụi dưới quê lên bị một gã say rượu tông xe vào viện rồi. Không mau mà đi cứu anh ấy, ngày mai mang hương ra nghĩa địa thì ân hận cả đời đấy con ạ.
Thẩm hoảng hồn, không kịp hỏi làm sao mày biết tao ở đây? Anh ấy bị có nặng không? Sao mày ăn nói độc mồm độc miệng vậy? Thẩm ân hận như chính mình gây ra tai nạn cho Soạn. Thẩm rú ga, quặt phải.
* * *
Thẩm lao vào phòng cấp cứu, nhận ra ngay Soạn giữa bao nhiêu người bệnh. Chiếc giường lò xo anh nằm được quay cao đầu. Đầu Soạn quấn băng trắng. Máu đỏ thấm ra bên ngoài loang lổ. Thẩm nhào tới ôm lấy anh mà khóc. Soạn ôm lấy Thẩm, áp nhẹ má em vào má mình, vỗ nhè nhẹ tay lên lưng Thẩm.
– Đừng khóc, anh bị nhẹ thôi mà, chỉ xây xát phần mềm.
Đêm ấy Thẩm thức suốt đêm bên cạnh Soạn. Lại nghe anh say mê nói về hò hụi:
– Nếu như quan họ, chèo là những làn điệu dân ca êm ái, có ưu thế biểu đạt tình cảm lứa đôi thì em ạ, hò hụi của quê mình khỏe khoắn, phóng khoáng lắm. Hát hò hụi, lưỡi cuốc nhờ thế mà bập sâu hơn xuống đất, mái chèo thêm sức mạnh, đẩy con thuyền vượt nhanh lên phía trước. Cất tiếng hò hụi là trút được những nặng nhọc, u sầu trong mỗi người, lại được sống phóng túng với trời đất. Hát hò hụi bao giờ cũng phải có số đông. Mọi người xích lại gần nhau hơn…
Thẩm thấy đôi bàn tay Soạn như ôm chặt Thẩm hơn. Hình như anh cũng như Thẩm, muốn hòa tan vào nhau để trở thành một khối tình tròn trịa, sâu lắng. Cũng là chất giọng ấy, những con người ấy, sao bây giờ Thẩm nghe, Thẩm thấy ấm áp, yêu thương, sâu lắng, diệu kỳ. Phải chăng bây giờ cái tình của anh mới đến độ chín, hay bây giờ Thẩm mới cảm nhận được? Thẩm cảm thấy sung sướng, hạnh phúc. Soạn của Thẩm là con người sinh ra từ chất liệu dân ca, của hò khoan, hò hụi. Đó là tiếng hát của những người như anh, những người sống thật với chính mình, thủy chung với sông nước, với đồng quê.
Thẩm ôm lấy Soạn, lại vùi đầu vào anh và dặn:
– Anh phải nhớ nghe chưa, lần sau đi nghe hò hụi không được đi một mình.
Tác giả: Lê Văn Thê – Diễn đọc: NSUT. Việt Hùng
Từ khóaLê Văn Thê tình ca truyện đêm khuya Việt Hùng
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …