Tiếng người dẫn chương trình rành rọt vang trên loa phóng thanh:
– Sinh viên năm thứ tư khoa Văn trường đại học X, Phạm Vân Ngọc với tham luận: “Sự hy sinh – Những giá trị đích thực của nó thông qua số phận người phụ nữ trong chiến tranh giữ nước”.
Đã gần hết giờ buổi sáng của hội thảo khoa học sinh viên khoa Văn các trường đại học. Hội trường ồ lên – Lại chiến tranh, đây có phải văn đàn đâu, lật xới làm gì mảng hiện thực cũ mèm ấy – Rách việc thế, chiến tranh thì can hệ gì đến hội thảo khoa học này – Mà biết quái gì về chiến tranh – Nữ sinh viên Vân Ngọc thoáng chút ngập ngừng. Rồi cô mạnh dạn từng bước một, đĩnh đạc tiến lên bục diễn đàn. Dáng vẻ dứt khoát ấy, cộng vào tà áo dài trắng tha thướt và một khuôn mặt đẹp dịu dàng, bất ngờ làm hội trường ồn ã ắng hẳn đi. Bằng một giọng run run, cô trình bày quan điểm của mình dựa trên các luận cứ khoa học đã được thử thách và một loạt dẫn chứng minh họa. Tham luận rất ngắn. Thoạt đầu chẳng có gì đáng nói. Hội trường im lặng. Thứ im lặng miễn cưỡng và có phần thờ ơ. Vấn đề không mới. Sự hy sinh ấy thời gian đã nghiền ngẫm nó đầy đủ. Chỉ đến phần cuối cùng của tham luận, nữ sinh đặt vấn đề trên nền một dẫn chứng cá biệt, lạ lẫm thì hội trường hoàn toàn sôi động. Có mặt ở cuộc hội thảo, ngoại trừ số ít các nhà văn, nhà lý luận, nghiên cứu và giảng dạy văn học, còn đa phần sinh viên. Cô ta nói gì thế nhỉ? Sao lại thế? Hơn một nửa số người có mặt rầm lên phản đối. Tham luận kết thúc trong tiếng bàn tán, bất bình. Cô gái sững sờ. Mặt cô từ đỏ bừng chuyển dần sang trắng bệch. Phản ứng mạnh mẽ và đột ngột của người nghe khiến cô chôn chân, chết lặng. Phải đến mấy giây cô mới bừng tỉnh được. Giọng nói ai đó căng như loạt liên thanh quất mạnh vào khuôn mặt đang ngơ ngác của cô: “Đảo lộn mọi giá trị. Không cần sự hy sinh nhơ nhuốc ấy. Điên!”. Cô gái rùng rùng người rồi đổ sập xuống. Một tích tắc. Cô bật dậy cũng rất nhanh, ào chạy khỏi hội trường. Vấp. Ngã. Lại vấp. Hội trường ắng đi, ngột ngạt. Không đành được, tôi băng theo. Có một cái gì đó ào ụp trên khuôn mặt ngây thơ của cô gái. Cô lau thật nhanh những giọt nước mắt đang tứa ra. Khoảnh khắc. Giọng cô gấp gáp:
– Chú! Chú từng là người lính, từng cầm bút. Chú trả lời cháu đi. Chiến tranh đã lâu sao mọi người quên nó nhanh đến vậy? Tại sao không chấp nhận sự hy sinh nhiều thua thiệt ấy? Đạo lý ư, chiến tranh mà, tại sao lại coi điều đó làm hoen ố chiến thắng? Trả lời cháu đi, kìa chú!
– Cha cháu là một trong những người đã trở thành đàn ông khi đi qua cuộc đời cô ấy. Chú đã biết điều đó. Sao chú vẫn im lặng. Chú cần phải biết thêm điều này. Mỗi khi gặp khó khăn tưởng chừng như phải gục ngã, bao giờ cha cháu cũng gượng dậy bằng được. Vì cái gì? Chính vì người đàn bà năm trước. Cho dù thời gian đã qua đi, nhân cách của cô ấy không hề bị hoen ố.
Im lặng.
– Tại sao thế? Không! không! chú trả lời cháu đi. Đừng im lặng, chú. Cháu van chú. Sao? chú nhẫn tâm thế. Độc ác!
Im lặng.
Tôi xiết chặt tay cô gái. Bằng một sức mạnh của sự đổ vỡ, cô vằng khỏi tay tôi và vùng chạy thật nhanh. Tôi đứng lại. Loa phóng thanh lại vang rành rọt:
– Sinh viên năm thứ tư trường đại học Z Nguyễn Trung Hiếu với tham luận: “Thi pháp ảo trong thơ điên của Hàn Mặc Tử”.
II
Năm ấy chị hai mươi hai tuổi và tròn một tuổi quân.
Đó là quãng thời gian ác liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ. Binh trạm của chị nằm kề sát mặt trận. Những đoàn quân sau chặng dài hành quân mệt mỏi, nằm tập kết tại binh trạm để rồi tỏa ra khắp các hướng chiến trường. Chị là chiến sĩ quân lương. Kho của chị nằm giữa một cánh rừng đại ngàn. Tiếng là đại ngàn song bom đạn đã phát đi quang quẻ những tầng cây rậm rịt. Vào đến đây số chiến sĩ nữ như chị thật hiếm. Cả binh trạm vài trăm con người chỉ có dăm người là nữ. Duy nhất chị là người thành phố. Chị không đẹp – Đấy là chị tự đánh giá mình. Điều ấy đúng, nếu như chị vẫn còn ở thành phố quê hương. Nhưng ở đây, giữa hoang vắng của rừng rú, giữa nghiệt ngã của chiến tranh với vóc dáng thon thả, tóc đen mượt, nước da trắng của người thành phố lại chưa trải qua sốt rừng, chị là người đẹp nhất. Sát kho chị có một con suối. Nước lặng phắc, trong vắt. Suối không sâu nhìn thấy cả ánh vàng dưới đáy. Chị có thói quen tắm buổi sáng. Vì thói quen này chị bị phê là tiểu tư sản. Cái đó là tất nhiên đối với người chiến sĩ nữ là người thành phố. Chị có học. Văn khoa hẳn hoi. Dở đại học thì tình nguyện đi vào chiến trường.
Sáng ấy!
Hình như đã sang thu, trời lành lạnh. Mặt trời chưa lên. Sương bàng bạc. Nước bàng bạc. Da thịt chị cũng bàng bạc. Tất cả bàng bạc một mầu tinh khiết. Chị bất động giữa dòng suối như một pho tượng tạc vào thiên nhiên, im lặng tận hưởng đến cùng ban mai trong trẻo. Không có chiến tranh, không có phiền não, không có ưu tư… Mọi thứ vào giờ khắc ấy, dường như bị đẩy lùi, tan biến. Chị khỏa nước thật nhẹ. Bỗng chị ngồi thụp xuống. Có tiếng soạt khẽ. Vút từ ngọn búi lồ ô ven suối một chú gà soạch thẳng vào rừng. Đã sáng. Chị từ từ xoay lưng lại. Linh cảm phụ nữ mách bảo có người nhìn trộm thân thể chị. Giọng nói trẻ xoáy vào hõm đá.
– Đẹp quá! Hệt như thần vệ nữ.
– Vệ nữ thì tao không biết nhưng hơn đứt bọn con gái quê tao.
– Mày nhìn trộm chúng nó à?
– Không, quê tao trai gái đều tắm chung cầu ao. Dưng mà không được trắng thế kia – Có tiếng thở dài.
– Lần đầu tiên tao được nhìn con gái rõ đến thế.
– Tao cũng vậy thôi.
– Tao chưa có người yêu đã đành. Còn mày, lẽ ra đã cưới trước khi đi B, tưởng mày phải biết?
– Mày ngu thế, dễ cứ yêu là lột trần con người ta ra được à? Đừng hòng! – Giọng nói trầm hẳn xuống – Nếu muốn, tao có thể đã biết được cô ấy. Tội nghiệp, cứ giục cưới, mày bảo mình đi biết bao giờ về. Con gái có thì, tao không muốn cô ấy cột vào mình, để phải đằng đẵng chờ đợi. Bom đạn thế này biết cái gì sẽ xảy ra. Tao nhất quyết không chịu cưới. Trước hôm đi hai đứa dắt nhau ra đồng bãi, ngồi đến sáng. Cô ấy tức tưởi khóc. Thương quá. Cô ấy bảo không cưới cũng được, cứ để lại cho cô ấy một đứa con. Chiến tranh kéo dài bao lâu mặc kệ. Tiếng tăm, dư luận mặc kệ. Khổ thế nào cô cũng chịu được. Cô sẽ nuôi con chờ đợi. Bao nhiêu năm cũng vẫn đợi. Thú thật, có giây phút tao đã xiêu lòng định tặc lưỡi. May kìm được. Chắc cô ấy sẽ hiểu. Sau này dù thế nào, tao cũng nhất định tìm về cô ấy. Chỉ tiếc, có mệnh hệ gì…
– Suỵt, khẽ chứ. Ai nghe được thì chết. Tao cũng đang định nói. Đất nước loạn lạc, mình thân trai xông pha mũi tên, hòn đạn là phải.
Nhưng bom đạn biết đằng mù nào mà tránh. Tao ở thành phố, nhà không đến nỗi, lại được chiều chuộng, cái gì cũng biết cả. Hiềm một nỗi, bây giờ có nằm xuống, mình, tiếng là thằng trai lừng lững mà chưa được thành đàn ông, kể cũng tiếc.
– Thôi ra đi mày, lấy nước rồi còn về. Từ từ thôi kẻo lộ, ngượng chết.
Chị không bỏ sót lời nào. Mắt chị hút theo bóng hai người lính trẻ. Chị đã quên bẵng họ vừa trộm nhìn chị. Đoạn đối thoại vô tình của hai người lính tác động ghê gớm đến chị. Người chị ớn lạnh. Chị rùng mình. Sao nước suối bỗng dưng lại lạnh buốt thế này? Toàn thân run rẩy, chị bấu chặt tay vào gờ đá sắc cạnh. Chị nghiến chặt răng, cố đẩy lùi cảm giác buốt tê tái đang dần chiếm cơ thể chị. Có thể thế được chăng? Tại sao chị không hiểu ra điều ấy. Anh ơi, linh hồn anh có phiêu bạt, lang thang ôm niềm tiếc nuối kia không? Chị thấy mình chới với. Không! Ngã xuống là chết. Chị vận hết sức gượng dậy. Lạnh quá. Người chị rùng rùng đón nhận trăm, nghìn mũi kim buốt giá đâm vào da thịt. Không biết bằng cách nào chị lên được đến bờ, mặc quần áo và lết về đơn vị. Chị ngã vật ra sạp hầm bất tỉnh.
*
* *
Chị thấy chòng chành. Người chị nảy lên rồi giần xuống. Bom gì lạ thế. Thôi chết, sao người chị lại trôi đi thế này. Sập hầm rồi. Không phải. Chị đã bị sập hầm một lần. Chị vẫn còn nhớ. Ngạt lắm. Toàn thân bị chèn cứng. Tay chị bươm bả, quào, móc. Tất cả tối đen. Chị gắng sức gào thật to. Không được. Chị cố gắng nghĩ đến một điều gì để dẹp nỗi sợ hãi. Mẹ chẳng hạn. Không, tội nghiệp lắm. Chắc chắn mẹ không thể chịu đựng được khi thấy tình cảnh này của chị. Bố vậy. Bố hy sinh ở Điện Biên. Chị chưa một lần biết mặt bố. Bộ đội hay nhỉ. Có dịp đáo qua nhà, gửi lại đứa con, rồi đi biền biệt không về. Không ổn. Bố lắc đầu: “Nhà có mỗi mình con, đừng chết”. Tốt nhất là nghĩ đến điều khác. Anh. Đúng rồi, anh cũng chết trong một trận bom tọa độ. Bom đánh trúng hầm. Đồng đội vất vả mới đưa được xác anh lên mặt đất. Tay anh vẫn khư khư chiếc bút máy Trường Sơn chị tặng. Có lẽ lúc ấy anh đang miệt mài với trang bản thảo. Nghĩ đến đấy, chị bỗng thấy trời lóe sáng. Chị nhắm chặt mắt. Có tiếng người lao xao. Đồng đội ơi. Người chị nhẹ bẫng. Sống rồi, chị òa khóc.
Ơ, sao người chị cứ trôi mãi thế này. À, chị đang đu quay ở công viên. Bị chóng mặt, sợ quá, chị thét lên gọi mẹ. Không phải mẹ. Mẹ không bao giờ áo trắng, mũ trắng. Tiếng ai đấy nhỉ? Lạ lắm: “Bốn mốt độ bốn. Mê sảng”. Bóng trắng nhòa đi. Chị trôi nhanh hơn. Hóa ra chị bị sốt. Đâu thế kia? Cầu Long Biên. Phải rồi. Vẫn còn khói bom khét lẹt. Cầu vừa mới bị bom bứng đi mất một nhịp giữa. Tiếng ai đó: “Trung đội khoa Văn đâu rồi? Nhanh lên. Văn với viết các bố là chúa lề mề đấy”. Cháy. Rốc két bắn vào khu lao động Phúc Tân. Cháy ghê quá. Chị chạy ra mép sông. Xác một con đò vật vờ trên sóng, một đầu dềnh vào bãi cát. Chị chõ loa xuống mặt nước: “Có ai bị thương không?”. Sông rền rền hú lại: “… Thương… Không…”. Chị bật cười. May, ai nhìn thấy thì chết. Đồng bào đang lâm nạn, mình lại cười, vô duyên thế. Anh vẫn mắng đùa chị vô duyên. Ghét thật. Đi mà tìm duyên khác mặn mòi. Mẹ bảo: “Con gái vô tâm hay cười, sau này lấy chồng sẽ khổ”. Mẹ ơi, thế thì con sẽ ở với mẹ suốt đời, lấy chồng làm gì cho khổ. Nhưng kệ, khổ mà được cười là tốt rồi mẹ ạ.
Chị vẫn trôi nhanh. Bây giờ có cảm giác chị bay thì đúng hơn, chị đã lên đến sân thượng. Anh đâu rồi, chậm thế. Ban nãy chị hỏi: “Có dám lên sân thượng chết cho tình yêu không?”. Trả lời: “Mai tớ đi B rồi. Sợ đếch”. Chị từ nơi trường sơ tán cố về kịp để tiễn anh. May quá, còn trọn cả một đêm. Ngồi cạnh nhau, chị muốn tựa vào anh mà vẫn cố tình nhích xa thêm. Điệu thế mới là con gái. Anh hỏi: “Học khổ không?”. Vờ vẫn, ai chả biết vừa tốt nghiệp đã được bổ làm phóng viên mặt trận. Đây mới năm thứ ba. Thời gian nhanh lắm nhé. “ờ nhanh, nào hôn đi”. Phải mọi khi xem, chị sẽ làm bộ giận. Còn hôm nay, chị ngả hẳn người vào anh. Người đâu tham thế, ngạt quá. Còi hú. Mặc kệ. Còi lại hú. Báo động cấp ba rồi. Mặc kệ. Xoẹt trên đầu, sao nó bay thấp thế. Đạn cao xạ lừ lừ bay, nở đầy trời. Bom nổ, hắt lên những quầng sáng vàng vọt. Ngôi nhà tầng chao đảo. Anh áp thân thể che kín người chị: “Xuống nhé?”. Không, chị lại cồn cào tìm môi anh. Mảnh văng rào rào. Anh gằn giọng: “Thôi đi xuống . Nguy hiểm lắm”. – “Anh sợ à?”. – “Không. Anh lo cho em”. Chị lắc đầu. Giọng chị xa xôi: “Em muốn ở bên anh mãi mãi”. Lòng chị rộn ràng, chị xiết chặt anh như muốn truyền sang cho anh tất cả những gì chị có. Tình yêu. Cả thành phố lửa cháy rừng rực. Sân gác thượng hồng lên. Bỗng chị thảng thốt:
– Không! Không được đâu anh.
– Anh yêu em!
– Đừng, đừng. Đó là điều thiêng liêng. Em không muốn nó xảy ra vào lúc thảm khốc này.
– Em yêu. Mai anh đi rồi. Vào lúc nào nữa?
– Bao giờ chiến thắng, anh về và cưới em.
– Nhưng bao giờ thì chiến thắng. Mười năm hay một trăm năm?
– Em không biết.
– Chả nhẽ chúng mình cứ phải đợi mãi?
– Đừng, đừng nói thế. Hãy tin em. Tình yêu của em.
Sau đó chị khóc rất lâu. Anh thầm thì xin lỗi. Không, anh không có lỗi gì cả. Chúng mình yêu nhau cơ mà. Em chỉ muốn…
Hừng đông đã rạng. Chị thấy thương anh vô cùng. Thành phố lúc ban mai trở nên yên tĩnh lạ thường. Dường như tất thảy những gì xảy ra trong đêm đều không phải là sự thật. Chị thấy tĩnh tâm trở lại. Anh cũng thế. Cái đêm đau đớn ấy của chiến tranh như đã lùi thật xa. Anh nồng nàn hôn chị. Chị hiểu rằng nỗi đau đớn của chia ly bây giờ mới thực sự bắt đầu.
*
* *
Trận sốt ác tính quật chị nằm hơn hai tháng trời tại bệnh viện của mặt trận. Bệnh tật tàn phá ghê gớm cơ thể chị. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng lắm. Câu chuyện xảy ra bên bờ suối sáng ấy hằn vết vào tâm hồn chị. Chị nhớ lại ngày nhận được tin anh hy sinh. Chị đã nấc lên. Nấc nghẹn ngào mà không hề có nước mắt. Thì ra thế, nước mắt không thể dành cho những nỗi đau đến tận cùng. Anh ơi, đau đớn quá. Thời gian nào có xa, mới chỉ cách đêm chia tay không đầy ba tháng. Người chị rộc đi. Chị sụm xuống. Có lẽ những ngày ấy nếu không có mẹ, chắc hẳn chị đã hoàn toàn gục đổ vì tuyệt vọng. Tấm lòng của người mẹ từng nếm trải đau đớn của mất mát, với nỗi cảm thông vô bờ, đã tỏa truyền hơi ấm, sưởi nóng trái tim, tưởng chừng đã lạnh băng của chị. Chị xin phép mẹ đặt ảnh anh lên bàn thờ bố. Rồi chị tình nguyện vào chiến trường. Mãi mãi chị biết ơn mẹ. Chiến tranh khốc liệt đã nhanh chóng cuốn chị vào guồng quay khổng lồ của nó. Chị hy vọng bằng trách nhiệm của người lính, bằng thời gian chị sẽ phần nào nguôi ngoai nỗi đau đớn mất anh. Nhưng buổi sáng khắc nghiệt ấy đã tàn nhẫn quất mạnh vào vết thương của chị. Vết thương chưa kịp lành miệng lại bật ra, túa máu. Anh có thế không? Nếu linh hồn anh đang lang thang với niềm tiếc nuối kia thì chị quả là có tội. Sao đêm ấy, chị không dâng hiến tất cả sự trinh bạch của đời con gái cho anh? Sao lại không? Chị ân hận quá chừng.
Ý nghĩa ấy ám ảnh dày vò chị. Buổi rời viện về đơn vị, một mình trên con đường mòn xuyên rừng, nỗi ám ảnh ấy càng gia tăng khủng khiếp. Cứ mỗi bước đi, chị lại thấy anh ở đâu đó. Lần thì chị thấy anh thấp thoáng sau một gốc săng lẻ già. Tiếng anh thoảng trong gió: “Anh yêu em”. Có lúc chị lại thấy anh bị treo lơ lửng giữa những tầng cây. Người anh đầy máu. Tiếng anh đứt quãng: “Bao giờ thì hòa bình hả em?”. Chị cố bước thật nhanh không dám trả lời. Trong hoang vắng của rừng, cái hoang vắng mà từ lâu chị đã quen thuộc không hề sợ hãi, nỗi ám ảnh ấy cứ lớn mãi, lớn mãi, dày vò chị không ngừng. Có lúc không đành được chị phải dừng lại. Vẫn anh, cánh tay băng bó và khuôn mặt đầm đìa máu, tay kia anh thả từng trang bản thảo. Gió tạt những tờ giấy về phía chị. Tiếng anh: “Đọc đi em. Nhật ký chiến trường đấy. Có em nửa phần trong ấy”. Chị ôm lấy đầu. Chị không thấy sợ hãi. Càng tuyệt nhiên không thấy trống vắng, cô đơn. ý niệm cô đơn kể từ ngày anh mất đã không còn tồn tại trong chị. Chị dừng lại giản đơn chỉ vì thấy tủi thân quá. Chị òa khóc. Lẫn trong nước mắt, trong tiếng nấc nghẹn ngào, là âm thanh tức tưởi: “Nhưng tôi có tội tình gì?”. Không có ai trả lời chị. Chị khóc càng lớn. Nỗi tủi quạnh dâng đầy. Khóc chán chị lại đi. Bây giờ chẳng có ai dỗ dành chị cả.
Mẹ ở xa quá. Chị đi đến bờ một con suối rất rộng. Trong veo. Chị ngắm mình dưới nước. Chị bàng hoàng không nhận ra nổi mình. Sau cơn sốt chị như già đi hàng chục tuổi. Chị thấy cả bóng anh bên cạnh, anh tư lự. Chị thảng thốt: “Anh chán em rồi sao?”. Thoắt cái bóng anh biết mất. Chị sợ hãi ngẩng tìm. Anh đã ở bên kia con suối. Tiếng anh xa rền: “Yêu em mãi đến ngàn năm”. Anh vừa dứt lời, nước suối bỗng réo ùng ục. Tiếng nó rên rỉ phía thượng nguồn. Đất dưới chân chị rùng rùng chuyển. Nước biến thành mầu máu đỏ, ào lên. Thôi chết, lũ, lũ lớn. Chị quáng quàng quay trở lại. Nước bén gót. Chị bám vội vào một thân cây leo thật nhanh. Bỗng chị giật mình. Có tiếng người ở trên cao: “Đừng sợ lính T10 đây. Chị ở kho binh trạm phải không? Lũ cường đấy, leo nhanh lên”. Nước tiếp tục dâng cao. Chị và người lính trẻ tìm được một chạc cây có thể nghỉ tàm tạm. Mưa tạt xối xả. Lẫn trong tiếng mưa, thoảng ầm ì tiếng động cơ máy bay C130. Tiếng ầm ì nặng dần. Phút chốc cánh rừng ngập nước bỗng run bần bật. Uột… ù… ộ… uột… Đạn bốn mươi ly vãi tung tóe từng tràng. Chị nép người dưới chạc cây. Một loạt đạn nổ sát sạt. Mảnh cây cứng ráp bị đạn băm trúng, văng khắp người chị. Lại một loạt đạn nữa gần hơn. Người lính đẩy chị xuống, lấy thân mình đè lên che cho chị. Chạc cây chao động. Một quầng lửa lóe sáng. Mái tăng hai người vừa căng để che mưa bị bốc gọn. Thiếu chút nữa cả chị và người lính trẻ đã bị hất tung xuống nước. Hơi thở người con trai xa lạ phả nóng rực một bên tóc chị. Chị có cảm giác mình đang ở trên sân thượng đêm nào và nỗi ám ảnh ấy lại ùa đến. Chị đột ngột quyết định. Chị vít mạnh đầu chàng trai áp vào ngực mình. Thực ra ý định dâng hiến sự trinh bạch của chị đã mãnh liệt ngay từ loạt bắn đầu tiên của kẻ thù. Có lẽ không phải thế, ý định ấy đã đến với chị từ trước. Nó hình thành ngay từ buổi sớm hôm nào bên bờ suối. Chị không hề đắn đo. Còn đắn đo gì nữa, biết đâu chỉ trong khoảnh khắc cả chị và người lính sẽ không còn. Chàng trai trẻ thế. Không, em ơi hãy nhận một chút ít tâm hồn chị để trở thành người đàn ông chân chính, để đừng phải mang niềm tiếc nuối đơn giản kia, nếu chẳng may em vĩnh viễn ra đi từ cuộc chiến tranh khốc liệt này.
Người lính thoáng chút ngỡ ngàng. Rồi anh chợt hiểu. Anh run rẩy áp thân thể thanh xuân của mình vào chị. Tràn ngập trong cảm giác hạnh phúc đến mãn nguyện. Chị nín thở cố giữ thật lâu niềm hạnh phúc ấy. Hạnh phúc ơi! Đấy là nỗi ám ảnh đã dầy vò chị. Đấy là mất mát chia ly làm đau đớn chị. Đấy là niềm nuối tiếc trẻ trai, chị cần san sẻ. Đấy là sự dâng hiến của chị. Hạnh phúc. Dòng máu ấm, âm ỉ lan tỏa khắp cơ thể chị. Nước bỗng rút. Mưa bỗng tạnh. Đạn ngừng nổ. Tiếng máy bay câm bặt. Và thời gian ngừng trôi.
Chị hoàn toàn mãn nguyện. Sau này, khi có những chàng trai trẻ đi qua cuộc đời chị, trở thành đàn ông, chị vẫn giữ nguyên vẹn được cảm giác mãn nguyện của lần đầu tiên dâng hiến. Người lính trẻ xúc động tràn nước mắt: “Chị, đời con gái của chị…”. Lúc ấy, chị khe khẽ lắc đầu. Hình như chị đã mỉm cười. Chị âu yếm vuốt tóc người lính. “Đừng khóc em. Kìa nín đi. Đàn ông sao lại khóc”. Chị thoáng thấy bóng anh. Mặt anh rạng rỡ. Nỗi ám ảnh nhẹ dần. Đúng là chị đã mỉm cười. “Suốt đời, không bao giờ em quên được chị”. Chẳng cần phải thế đâu em. Chị hạnh phúc lắm rồi.
Cảm giác mãn nguyện của hạnh phúc làm chị vững tin. Vững tin đến lạ thường. Ngay cả lúc chị đứng trước cơn giận dữ của đồng đội đang kết tội chị, chị vẫn thấy lòng mình thanh thản. Chị im lặng đón nhận sự giận dữ tất yếu ấy.
Chị không nói một lời thanh minh. Thanh minh điều gì nữa. Mọi thứ đã rõ ràng. Chị thấy thương đồng đội của mình. Họ tốt quá. Họ vất vả vì chị. Chị biết ơn họ. Đồng đội ơi, tôi xin gánh chịu tất cả. Chỉ đến khi người ta lôi ra từ bồng tay của chị vài thứ kỷ vật nho nhỏ những người lính để lại khi chia tay, thì lòng chị thực sự cồn lên. Mặt chị tái đi. Bất giác chị đưa tay áp vào vùng bụng. Ở đấy phát ra những nhịp thở mỏng manh, yếu ớt. Chiếc bút máy, tấm ảnh ghi dòng địa chỉ, một cánh bằng lăng ép khô, chiếc huy hiệu, cái lược từ xác máy bay, có cả một chiếc nhẫn bằng bạc để chị đeo kỵ gió… Từng khuôn mặt hiện lên. Họ đã trở thành đàn ông. Những người nào trong số ấy đã nằm xuống. Chị lảo đảo ôm chặt lấy bụng. Niềm hạnh phúc của chị đang quẫy đạp. Anh ơi, con của chúng mình…
*
* *
À ơi, con ngủ cho ngoan .
Chị sẽ được làm mẹ. Vào những lúc một mình, chị khe khẽ hát bài ru con. Chị mong nó sẽ là con trai để được mang hình hài anh. “À ơi con ngủ cho ngoan”, câu hát ấy lần đầu tiên bật ra trong giây phút chị dâng hiến cho người lính trẻ. Chẳng hiểu sao người lính mãi rúc khuôn mặt non tơ của mình vào ngực chị. Chị thấy âm ấm vùng ngực. Có một dòng máu rần rật chuyển.
Ngực chị cương lên. Chị thấy lòng ấm áp quá. Cảm giác lạ lùng lần đầu tiên òa đến khiến chị xao xuyến. Chị thấy thân thể mình lớn vút và hồn mình rộng ra, rộng mãi. Cõi lòng chị mênh mông, bao dung. Có một cái gì đấy nhè nhẹ, nhè nhẹ… động cựa nơi bụng chị. Cảm giác ấy rõ dần. Chị thấy váng vất. Ý nghĩ được hạnh phúc làm mẹ vụt đến lớn quá. Chị sẽ được làm mẹ! Và câu hát ru của ngàn đời ngàn đời, chẳng biết ký thác vào tâm hồn chị từ bao giờ, khoảng khắc ấy bật ra, ngân nga: “à ơi con ngủ cho ngoan”. Cả chị, cả người đàn ông đang thiêm thiếp trên ngực chị đều sửng sốt, lặng đi trước lời ru dịu dàng của mẹ. Hạnh phúc. Chị sắp được làm mẹ.
Đêm nay, chị cố thức để khâu xong cho con bộ quần áo lọt lòng. Giá không có chặp bom lúc nửa đêm hẳn chị đã hoàn tất công việc. Vừa khâu chị vừa khe khẽ hát. Chợt một bóng người lao vào hầm. Đèn pin lấp lóe rọi thẳng vào mặt chị. Chị dơ tay. Bộ quần áo bé xíu thành tấm chắn luồng sáng độc ác. Chị không lạ gì hắn. Người đó cùng đơn vị. Từ lâu hắn đã khao khát chị. Rất nhiều lần chị đã thẳng thừng cự tuyệt nỗi ô nhục ấy. Giọng hắn rít lên khác thường:
– Sao? Cô không biết gì à? Trận bom vừa rồi tám đồng chí của ta đã trở thành liệt sĩ. Vậy mà cô vẫn thản nhiên chuẩn bị cái công việc nhơ nhuốc kia. Thật xấu hổ.
Chị đứng phắt dậy. Chị có thể bị nhục mạ, có thể mất mát tất cả và chịu đựng đến cùng. Song, chị không thể để đứa con của chị, đứa con của những người lính bị xúc phạm. Ánh đèn pin quét xuống ngực chị. Linh cảm chẳng lành, chị lùi lại, lấy tay che ngực. Khoảng khắc của dục vọng. Người đàn ông sấn đến, hổn hển: “Tôi đã giữ cô ở lại. Tôi đã bỏ qua cho cô tất cả. Hôm nay chúng ta sòng phẳng. Cô hãy cho tôi điều mà những người lính khác được làm”. Một cảm giác kinh tởm ập đến. Làm sao chị có thể chấp nhận điều nhục nhã ấy. Chị phải đâu sống cho đam mê của bản thân mình. Giọng chị đau đớn van vỉ: “Xin anh đừng làm thế. Đừng làm nhục đứa bé. Đừng làm nhục những người lính đã từng làm cha của nó. Có thể trong số họ có người nằm xuống. Xin hãy để linh hồn họ thanh thản yên nghỉ…”. Chị chỉ kịp nói đến đây, chị bỗng thấy mình tối tăm mặt mũi. Chị bị quật xuống nền đất. Chị dãy dụa thật mạnh. Chị chồm dậy được, chị cố nhoài tay với khẩu AK treo trên vách. Không kịp. Một lần nữa chị bị quật ngã. Lần này mạnh hơn. Chưa bao giờ chị phải gánh chịu đau đớn đến thế. Con ơi! Thế là hết. Mẹ không giữ được con rồi. Tha lỗi cho mẹ.
Chị bươn bả chạy khắp rừng. Trong đêm tối, không xác định hướng chị vẫn lần tìm đến khúc suối dạo nọ. Ban mai. Sương bàng bạc. Nước bàng bạc. Da thịt cũng bàng bạc. Tất cả một mầu bàng bạc. Chị bất động giữa dòng suối như một pho tượng tạc vào thiên nhiên, im lặng tận hưởng đến cùng hạnh phúc và khổ đau vừa nếm trải. Chị khỏa nước nhè nhẹ. Chị áp tay vào bụng và chị hát thật khẽ: “À ơi con ngủ cho ngoan”. Chị thấy lòng mình ấm áp. Vào chính giây phút ấy, chị hiểu rằng, linh hồn anh không hề lang thang với niềm tiếc nuối. Anh đã bình yên an nghỉ. Và họ, những người đàn ông đi qua cuộc đời chị, có ai trong số đó đã hy sinh vì Tổ quốc, chắc chắn trước lúc vĩnh viễn ngã xuống họ đã nghĩ đến chị.
III
Khi tôi vào chiến trường, câu chuyện về người đàn bà ấy đã lan truyền khắp các hướng mặt trận như một huyền thoại.
Ở mặt trận phía Đông, người ta kể rằng, xác người đàn bà trôi dạt đến cuối nguồn. Phải đến tuần lễ sau mới tìm được. Không có một cỗ áo quan nào vừa thân thể chị. Phải hạ một cây dẻ to để lấy gỗ đóng hòm. Một trung đội công binh mất đến ngày trời mới hoàn thành nhiệm vụ. Đó là chiếc áo quan to nhất, xưa nay chưa từng có ở chiến trường.
Ở mặt trận phía Tây, người ta kể rằng, không biết bằng cách nào người đàn bà leo lên được và treo cổ chết trên ngọn cây chò lớn vài chục người ôm, cao đến trăm mét và sống đến ngàn năm có lẻ. Phải vất vả mới hạ được xác chị an toàn. Sau đó một hôm, không bom đạn, không gió, mưa, sấm, sét, bỗng dưng cây chò sập đổ. Trước đấy, kể cả B52 cũng không đánh gục nó.
Ở mặt trận phía Nam, người ta kể rằng, sớm ấy, bất thần bom tọa độ chụp xuống khúc suối. Xác chị văng thành ngàn, vạn mảnh. Sau đó khu rừng trở nên tốt tươi kỳ lạ. Hoa lá, cỏ cây, chim chóc chen chúc ríu rít. Bom đạn, chất độc tàn phá thế nào cũng không hủy diệt nổi.
Còn ở binh trạm, người ta xếp chị vào quân số mất tích. Không ai biết gì hơn về số phận của chị.
*
* *
Tôi không có cách nào để trả lời cô gái. Có điều, tôi nghĩ rằng, người đàn bà năm xưa hẳn phải có một khuôn mặt dịu dàng, thánh thiện như cô sinh viên năm thứ tư này. Tôi đành câm lặng chịu lời kết tội là kẻ độc ác của cô gái. Duy nhất, tôi chỉ có thể làm được mỗi một việc, là viết lại câu chuyện này để ít nhiều tôn trọng một sự thật. Quyền phán xét nó thuộc về bạn đọc.
PHẠM NGỌC TIẾN
Truyện ngắn “Họ đã trở thành đàn ông” của nhà văn Phạm Ngọc Tiến là một câu chuyện chiến tranh, kể về một nữ thanh niên xung phong ở một binh trạm. Điều day dứt và ám ảnh chúng ta chính là sự giằng xé nội tâm nhân vật này khi cô không dám trao thân gửi phận cho người yêu trước khi anh vào mặt trận. Cô đấu tranh với anh, với chính cô để giữ gìn đến ngày cưới. Nhưng, oái ăm thay, cay đắng thay, người lính ấy đã hy sinh, người yêu cô đã nằm lại chiến trường với lời hứa không bao giờ thực hiện được nữa. Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi. Cô chứng kiến những người lính trẻ măng tơ chưa biết sự đời là gì vì chưa trở thành đàn ông. Họ ra trận và sẽ không bao giờ trở lại. Họ đi vào cái chết một cách trinh trắng. Cô nghĩ, hãy cho họ trở thành đàn ông trước khi vào trận. Dẫu có hy sinh, cũng với tư thế một người đàn ông. Và từ đó, đêm đêm, cô trao tình thương cho các chàng lính trẻ. Ngày qua ngày, làm sao kể hết được bao nhiêu đêm, bao nhiêu lần, bao nhiêu chàng trai được hưởng tình yêu thương, hiến dâng của cô, và họ đã trở thành đàn ông như thế. Tứ truyện lạ, ấn tượng nhưng cứ băn khoăn day dứt. Người phụ nữ Việt Nam có truyền thống “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng”, vì đó mà hạnh phúc. Vì đó mà bất hạnh đau khổ nếu bị mất đi. Nhưng chiến tranh, giữa sự sống và cái chết, giữa còn và mất, người phụ nữ đã chọn cách hy sinh, là dâng hiến. (Lời bình của BTV Vân Khánh)