Bài nổi bật

Hai Lúa Và Tôi, Và Vợ – Nguyễn Thị Thu Sương

Nghe đọc truyện đêm khuya – Ông ta tầm thước, da đồng, râu rễ tre, tay chai sần. Hôm đón tôi về ông vừa tròn năm mươi.
Vợ ông là một con chim câu già. Suốt hai ngày ông lên xã chuẩn bị thủ tục đón tôi, bà vẫn lui hui với heo gà. Ngay cả khi ông nói “sáng nay làm lễ đón nhận tại hội trường Ủy ban xã” bà cũng chỉ ậm ừ rồi quảy gióng gánh đi cắt rau về nấu cám heo.
Khỏi nói niềm vui của Hai Lúa. Ông nhét giấy chứng nhận vào túi áo, buộc tài liệu, phân bón lên chiếc “cánh én” rồi nổ máy. Ống pô lủng, cứ bành bạch bành bạch, vang cả xóm. Một con én già bất khuất.

Vợ ông vẫn chưa về. Hai Lúa bồng tôi đặt lên chiếc chõng tre trước hiên nhà. Bàn tay chai sần nhẹ vuốt tôi, Hai Lúa thì thầm: Hắc Mỹ Nhân! Hắc Mỹ Nhân! Ông Mai nói em ngọt lành vô cùng. Da thịt em mát lành quá.  Tui sẽ hết mình vì em. Hãy sinh con đàn cháu đống cho tui. Hãy đem cuộc sống mới đến cho tui!
Ôi! Khoan đã Hai Lúa! Ông không biết khúc dạo đầu rất quan trọng sao? Nó là cung bậc đẩy cảm xúc thăng hoa. Như vậy sự cho và đón nhận mới hoàn hảo chứ. Ôi! Hai Lúa! Con người ông đáng yêu mà cũng đáng trách lắm.
*
Việc đầu tiên của Hai Lúa sau khi đón tôi về là dựng nhà bên đồng Trâu, ăn ở hẳn với tôi. Đồng Trâu ở cuối làng, đất cát pha màu, bạc phếch bạc phơ. Trồng lúa lúa lép, trồng khoai khoai rèo. Tháp bầu, An Tiêm, Thủy lôi, Phù Đổng… là các loại dưa hấu đã được trồng ở đây nhưng bị bả trầu, phấn trắng, thán thư, bọ dưa… Còi cọc, không ra gì.
Hai Lúa quả là người đầy dự cảm, đầy niềm tin. Sau hai ngày tập huấn trên xã, những yếu điểm thâm căn cốt đế của đồng Trâu biến mất dạng. Cũng có thể ông có cái nhìn thấu thị ở tôi. Xin các bạn chớ nghĩ tôi là gái đẹp da đen. Hắc Mỹ Nhân là loại dưa hấu xanh đậm, mỏng vỏ, đỏ ruột. Ngon nhất trong các loại dưa hấu.
Hai Lúa chặt tre, che trại, rào ruộng. Thỉnh thoảng ông lại giở cẩm nang mà ông Mai đã trao hôm ở Ủy ban xã. Ông dò từng chữ, lẩm bẩm như thầy tụng: phơi ải rải vôi rồi lên luống, lót phân chuồng. Một sào 15 ký vôi, 700 ký phân chuồng. Rồi trải bạt giữ ẩm và cũng là để không cho cỏ dại mọc. Sau khi ương một tuần, lũ dưa con được hai lá thì đục lỗ bạt bỏ xuống.
Hai Lúa cắt lon bia, mài bén rồi ấn xuống bạt thành lỗ tròn, cách đầu mương khoảng 25 phân, đều đặn nhau.
Tối trổ nước vào, sáng tháo nước đi. Hai mươi ngày thì bón thúc đợt 1. Ba mươi lăm ngày thì bón thúc đợt 2. Bốn mươi lăm ngày thúc đợt 3. Bảy giờ sáng thụ phấn bổ sung… Mồ hôi mẹ mồ hôi con vã ra nhưng buông cuốc uống nước, ông cũng ngắm nhìn những đứa con của tôi với ánh mắt yêu thương. Tối tối, đầu thuốc trên môi ông như sao Hôm của cánh đồng vắng.
Sáng sớm vợ Hai Lúa ra đồng Trâu với đôi quang gánh. Khi nào cũng vậy, y như tạo hóa ban cho bà. Đôi quang luôn đầy vôi, phân NPK, U-rê, Ka-li, thuốc trừ sâu, cơm, nước, rau củi… Đặt gánh xuống là bà bầu đất, bấm nhánh, thụ phấn, sửa dây nằm song song nhau và thẳng góc với vồng đất.
Bà làm theo lệnh của ông nhưng vẫn hỏi: Sao phải mua bạt? Tiền đang không có. Tại sao đợt này 15 ký NPK và 2 ký U-rê? Tại sao lần này lại thêm 3 ký Ka-li? Hai Lúa nói người ta làm rồi, tiên phong rồi, thành công rồi. Mình chỉ áp dụng, kế thừa và phát huy… Bà bảo: chỉ thấy tốn tiền. Phân tro, giống má được cấp một nửa nhưng còn bạt, rồi… (cả chục thứ vợ Hai Lúa kể ra mà tôi không thể nhớ được) phải mua nợ. Nợ thì phải chịu giá cao…
Bà này! Rõ là lèo nhèo. Tôi nghĩ bụng. Hai Lúa thì vất con dế xuống đất, dẫm cho phòi ruột rồi trợn mắt lên: khi chưa có Hắc Mỹ Nhân, bà có dư được cắc bạc nào không? Có trí làm quan có gan làm giàu. Thả con chắt chắt để bắt con rô rô!
Chim câu già cụp cánh. Mà nói sao được khi Hai Lúa làm rất khoa học. Đồng Trâu đất cát pha màu, kém hiệu quả. Trồng vụ đông xuân thụ phấn cực một chút nhưng không bị mưa dông, đỡ bị thúi trái, lại vào dịp Tết. Tết thì nhà nghèo cũng cố mua lấy được một trái dưa hấu trước cúng ông bà sau ăn lấy hên. Xanh vỏ đỏ lòng mà lại. Hắc Mỹ Nhân mỏng vỏ, đỏ cùi, ngọt sậm. Là dòng dõi trâm anh trong các loại dưa. Một sào 400 gốc, tính rẻ cũng tấn rưỡi, nhân với giá bét là 5 ngàn đồng. Gần chục triệu. Một sào dưa bằng 2 sào lúa lại được hỗ trợ một nửa phân và giống rồi. Lúa làm gì được hỗ trợ. Rên hoài!
Không chỉ ưu việt ở chất lượng quả, Hắc Mỹ Nhân chúng tôi còn có thể trồng quanh năm. Chỉ có điều vụ đông xuân khó đậu trái hơn do mưa làm hư phấn. Cho nên sau khi thụ phấn bà dùng lá trâm bầu che nụ cái vừa được thụ phấn để che mưa.
Hết thụ phấn đến chọn trái. Ông bảo: chọn trái cách gốc chừng chục lá. Lấy trái có cuống to, dài, bầu noãn to, cân đầu cân đít! Đầu to đít tóp bỏ!
Lấy!…
Bỏ!…
Cắt chồi này để tập trung dinh dưỡng vào trái nè, đỡ tốn phân tốn tiền nè!
Cứ thế. Bà nhận thông báo và thực thi.
*
Vạn sự khởi đầu nan, huống gì đất đồng Trâu. Hai Lúa nói với vợ vậy. Cơ thể chúng tôi rất cần nước nhưng cũng rất dễ chết nếu bị ứ nước. Thời kỳ ra trái mà thiếu nước là trái còi cọc. Mà nhỏ trái là nhỏ tiền. Đầu mùa mưa trời cho mỗi trận rồi thôi, hồ Đồng Vàng thiếu nước, mương máng khô rộc. Vợ chồng Hai Lúa gánh nước sáng đến trưa, trưa đến chiều rồi cuối cùng vất gánh bỏ đi. Tôi nhìn “cánh én” lạch bạch mang họ đi về phương nam rồi nhìn lũ con mà thắt ruột. Mới ba ngày thiếu nước mẹ con tôi đã héo hắt, vật vờ như ma đói. Chóng thắm thì chóng phai, lời sấm của cha ông từ ngàn xưa. Nhưng tình yêu làm gì có tai có mắt, chỉ có trái tim. Thấy là vồ lấy để rồi những đứa con ngây thơ vô tội phải lãnh hậu quả. Mà ông bà nhà ta cũng nhiều chuyện, hay bóng gió, xa xôi. Thà cứ toạc móng heo: yêu nhanh thì hết sớm. Nói vậy thì ai dám ngất ngây để rồi những đứa con thơ vô tội phải lãnh hậu quả.
Bốn ngày rồi…
Ô! Phương nam vẳng tiếng én già. Đúng là én đã về! Lạch bạch nhưng vẫn mang xuân về! Theo sau vợ chồng Hai Lúa là hai ông lạ hoắc với một mớ ống nước. Sau một hồi đâm thọc, máy nổ bành bạch, nước trào ra. Hai Lúa nối thêm ống. Săm soi một hồi, ông nói: nước yếu quá. Khách nói máy “nửa ngựa” thì vậy thôi.
Nhìn dòng nước một lúc Hai Lúa bảo: Lấy cái “một ngựa”.
Gấp đôi tiền đó. Vợ Hai Lúa nói. Vay nóng bà Thí, lãi hai mươi, không bớt một phân.
Cái bà này, rõ là lèo nhèo. Tôi điên tiết.
Hai Lúa phẩy tay: Thay! Đúng ba mươi tết trả tiền. Sai lời làm con chó.
Mặt vợ Hai Lúa chảy dài. Tôi không muốn nghe đề tài buồn muôn thuở. Vả lại dòng nước mát lạnh như sâm đang làm cho tôi sướng tê người.
Chúng tôi ăn uống thỏa chí được chục ngày thì trời kéo mây. Vợ chồng Hai Lúa thức cả đêm, be bờ, đánh rãnh. Sau cả tuần vật vã trời lại sáng. Lại vét xới bùn cho đất thoáng khí. Một cuộc thập tự chinh của Hai Lúa ngay trên đồng đất của mình.
Có lần ông Mai đến thăm. Ông rất thỏa mãn với cuộc tác thành của mình. Xoa đầu vỗ mông mấy đứa con tôi, ông gật gù: Đúng tết rồi. Nhớ nghe, trước khi thu hoạch một tuần thì cắt nước để đảm bảo tỉ lệ đường và bảo quản tốt cho vận chuyển đi xa.
Nhìn Hai Lúa, tôi thấy mặt trời chân lí của ông đã mọc từ đồng Trâu.
*
Hai mươi lăm tết, Hai Lúa dậy từ nửa đêm để chuyển chúng tôi lên xe về CTO. CTO là tên giao dịch của chợ đầu mối. Nông sản khắp nơi đổ về đây rồi từ đây tỏa đi các chợ. Hàng hàng dãy dãy dưa, chuối, bưởi, cam, mận đào… Chỉ một loại cũng đủ loạn mắt. Trai khôn kén vợ chợ đông, Hai Lúa nắn nót viết lên tấm bìa cạc tông thùng mì tôm “Dưa hấu Hắc Mỹ Nhân” rồi trang trọng đặt trên cùng. Hai Lúa đáng yêu quá! PR tên tuổi em thế là nhất rồi. Vợ chồng Hai Lúa ngồi trước đàn con cháu đông đúc của tôi mời chào khách. Đã thống kê chi phí nên họ đồng thanh: năm ngàn một ký.
Năm ngàn! Người đầu tiên đứng lại ngắm chúng tôi. Vợ chồng Hai Lúa thi nhau tụng ca những phẩm chất thượng thặng của chúng tôi: mỏng vỏ, đỏ ruột, ngọt đậm, trồng đúng quy trình ATTP Toàn Cầu… Khách lật qua lật mấy đứa con tôi, nhắc lại điệp khúc “năm ngàn” rồi không hiểu sao lại đi.
Năm ngàn? Người thứ hai sau khi nghe vợ chồng Hai Lúa song ca cũng đi, mang theo ánh mắt điệp viên lừng danh 007.
Vợ Hai Lúa bổ đôi một quả để chứng minh những phẩm chất của Hắc Mỹ Nhân. Khách nhấm nháp gật gù nhưng rồi kêu như phải bỏng: bên kia người ta chỉ ngàn rưỡi.
Chấp nhận hi sinh để chứng minh dòng dõi thế phiệt của mình nhưng thiên hạ vẫn bỏ chúng tôi. Vợ Hai Lúa bỏ vào quang mươi đứa con của tôi gánh đi chào hàng. Tôi nhìn theo hút bóng. Đúng là kén vợ chợ đông.
Hai Lúa bám trụ, tiếp tục ngợi ca phẩm chất thượng thặng của chúng tôi.
Chợ đông quá! Mãi rồi vợ Hai Lúa cũng quay về. Nhưng không còn là chim câu già nữa mà là con quạ hung hãn. Lật nghiêng thúng, bà dằn từng tiếng: Này thì Hắc Mỹ Nhân này. Này thì Hắc Mỹ Nhân này… Sau mỗi tiếng “này”, một đứa con của tôi lăn lông lốc ra đất.
Hai Lúa lúng búng: sao vậy? sao…
…Này!… Vợ Hai Lúa thảy thúng.
Ôi! Đứa con tội nghiệp của tôi! Tôi thảng thốt.
Nhưng đứa con út của tôi không hề sợ hãi trước hành động đầy bạo lực của bà ta. Đáp lại sự lo lắng của tôi, thằng bé nhơn nhơn mặt như không hề quen biết. Trời ơi! Thương trường nghiệt ngã đến thế sao? Sau một buổi đem con ra chợ, tình mẫu tử trở nên lạnh giá vậy sao? Nước mắt tôi lăn dài.
Đứa con út của tôi nhìn khắp một lượt rồi cười khẩy: Cũng vậy cả thôi! Vậy cả thôi! Hừ! Một duộc mà bày đặt làm giá!
Trời ơi! Tôi muốn giáng một tát cho mọp cái đầu dưa của nó đi. Lẽ nào nó không thấy vợ chồng Hai Lúa đã tuốt sức suốt ba tháng trời? Lẽ nào mới gia nhập CTO nó đã không còn chút tình? Hay nó ấm đầu? Giọng nó như sũng nước.
Tôi toan chạy tới nó thì giật nảy mình. Vợ Hai Lúa gào lên: Ông coi đi! Hắc Mỹ Nhân của ông (bà ta đá vào đứa đầu của tôi) hơn của người ta (bà ta đá vào thằng con út bỗng dưng mất nết của tôi) cái chi? Hơn cái chi?
Cái gì? “Của người ta” là sao? Tôi ngớ ra.
Tai tôi lại chói lói âm thanh của quạ mất mồi: Ông chỉ cho tui coi! Chúng khác nhau cái chi? Chỉ ra coi!
Hai Lúa soi mắt vào đám con tôi rồi nhìn sang thằng con của “người ta” thở dài rất chung chung: vậy cả. Vợ Hai Lúa rít qua kẽ răng: Ông đầu tư gấp ba gấp năm rồi biểu tui bán với cái giá gấp ba gấp năm. Giống nhau mà đòi vậy thì chỉ người điên mới chịu mua. Cứ vãi ra ruộng rồi phun thuốc sâu, thuốc kích thích, tăng trưởng là xong. Cần quái chi sách với vở.
Tôi thở phào. Hóa ra thằng ôn không phải con mình. Nhà mình lành, làm gì có nhâng nháo, mất nết vậy. Nhìn kỹ tôi mới thấy con “người ta” không săn chắc, xanh đậm như chúng tôi. Con người ta được vỗ thuốc kích thích, không cắt nước trước ngày thu hoạch nên trông bóng bẩy nhưng không đằm thắm bằng chúng tôi. Ấy là chưa kể xanh vỏ mà chẳng đỏ lòng, chưa kể thuốc trừ sâu ngập ngụa…
Chỉ thấy tốn kém. Vợ Hai Lúa kéo áo lau mắt, sụt sịt: Đi xa dễ hỏng! Đi đâu? Chợ nhà đã được chưa mà đòi đi xa? Nửa đời rồi mà nghe chi lạ là xáp vô liền liền. Người ta nói đi rồi hãy chựng cũng ừ!
Không ưa tính càu nhàu của vợ Hai Lúa nhưng tôi thấy bà đúng. Hai Lúa thành công khi áp dụng kĩ thuật mới với đồng Trâu nhưng ông chưa tính đến đầu ra khi tham gia CTO. Nói theo các chuyên gia tình cảm, ông bỏ qua khúc dạo đầu…
Lời nói gió bay! Ai tin dưa ông sạch? Lấy chi để tin? Vợ Hai Lúa lồng quang gánh vào nhau, sụt sịt tiếp: Làm sao đây, bà Lì đòi tiền cám, bà Thí đòi tiền máy bơm, tiền ống, tiền bạt… Đã vậy còn đòi cho được “một ngựa”. “Nửa ngựa” thì chỉ mất nửa tiền. Có thua thì chỉ phải làm nửa chó, đỡ nửa nhục…
Xì mũi, kéo tay áo quẹt ngang rồi bà quảy quang gánh đi. Lần đầu tiên thấy vai vợ Hai Lúa nhẹ gánh nhưng lòng tôi trĩu nặng. Hai Lúa chạy theo vợ mấy bước rồi quay lại nhìn chúng tôi. Bước về chúng tôi thì ông lại nhìn về phía vợ.
Tác giả: NTTS – Giọng đọc: Thu NGuyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *