RadioVn.Com – Cái rương ấy, Tân chịu khó tha từ Hà Nội vào để rồi bỏ xó đấy. Một năm sau, dọn dẹp buồng chứa đồ dưới tầng hầm, chị người làm khuân nó lên, cho ra ngoài sân, toan thải. Nom như cỗ áo quan. Đứa con gái lớn của Tân nói đùa. Còn vợ anh thì bảo là cái thứ này lạc vào biệt thự nhà mình chẳng khác gì một cái bát cóc gặm được tìm thấy trong dinh ông Thạch Sùng.
Thực tình là Tân cũng nào có thiết, nhưng chẳng lẽ không giữ lấy một tị ti gì kỷ vật của mẹ. Vả lại, mẹ mất rồi, nhà của cha của mẹ mình đã bán đi, mà mọi thứ trong nhà mình cứ để vất vưởng hết cả đó, chẳng buồn bê đi một thứ gì, không chừng mình sẽ mang tiếng là hợm. Chị gái của Tân bảo thế. Ông anh của Tân lựa chiếc ti vi. Bà chị chở đi cái tủ lạnh. Còn Tân thì mãi khi sắp lên ta-xi ra sân bay mới đành miễn cưỡng chọn lấy cái rương kê kề giường mẹ. Xoàng xĩnh, nhưng nó là vật đã từng theo Tân đi trọ học sơ tán suốt mấy năm cấp Ba. Hơn nữa, chẳng cồng kềnh nặng nhọc gì, rương loại nhỏ, nhẹ không.
Gọi con
Tân bảo chị người làm lau sạch bụi bặm rồi tìm cách cậy cái khóa tí xíu đã mất chìa. Nắp rương mở ra, nhẹ hắt lên mùi băng phiến. Chẳng có gì ngoài thư từ với giấy má, tất cả đã úa vàng. Sổ học bạ, sổ liên lạc, những bằng khen và chứng chỉ học sinh giỏi của anh chị em nhà Tân. Một cuốn an-bom khổ nhỏ kẹp rời rạc những tấm hình cỡ bằng con tem. Dăm lá thư của anh trai Tân gửi từ Liên Xô, của chị gái Tân từ Đông Đức và của Tân từ Tiệp Khắc. Đáy rương còn một bọc gì đấy nữa nằng nặng, khá dày, có lẽ cũng là một xấp thư được gói kỹ trong giấy báo. Rồi một cuốn sổ gạo. Một tệp những phiếu vải, phiếu thực phẩm đã cắt gần trụi các ô. “Mẹ nhà mình lắm cái lỗi thời không tả được”, Tân thường nghe bà chị gái than vậy. Bao nhiêu những sự khổ sở một thời, người ta đã loại hết, mẹ mình cứ giữ rịt. Nhìn căn hộ thì thấy thôi, đồ đạc toàn những thứ già ngang một đời người, bài trí cũng đã mấy chục năm rồi không xê xích. Con trai, con gái ai nấy nhà lầu biệt thự và đều thiết tha được rước mẹ về ở cùng, nhưng bà cụ cứ dứt khoát là không đi đâu khỏi cái tầng tư khu tập thể. Già cả như thế, lụi cụi một mình, mà nhất định không muốn nghe tới chuyện thuê “ô sin”.
“Nhưng mà sợ nhất vẫn là cái tính mẹ nhà mình lúc nào cũng đăm chiêu ít lời”. Bà chị phàn nàn. “Con cháu khó nghĩ hết sức. Lựa lời hỏi xem có điều gì khiến mẹ không hài lòng thì mẹ lắc đầu rằng không. Mà sự thực là thế. Nhà mình trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình. Anh cậu, rồi cậu, rồi chị, đều thành đạt, dâu rể cũng vậy, và lứa cháu nữa, đều khá, đều ngoan ngoãn, giỏi giang, đều tương lai rất sáng. Thành thử hỏi rằng vì sao mà mẹ nhà mình cứ rầu rầu, lặng lặng và cứ thích thui thủi thế, thì chịu thôi, không tài nào ai hiểu nổi. Hay là tính nết mẹ nhà mình đã cố hữu như vậy rồi từ xưa?”.
Chị không nhớ thì tất nhiên là Tân càng không thể nhớ hồi xưa mẹ thế nào, vui nhiều hay buồn nhiều. Nhưng Tân công nhận là trong tuổi già thì mẹ mình đúng là có sự gì không ổn thật. Về sức khoẻ của mẹ thì Tân luôn an tâm. Mẹ chưa mắt mờ chân chậm, cũng chưa lẫn đâu, đừng lo, chính mẹ vẫn bảo với anh thế mỗi lần anh từ Sài Gòn ra đến vấn an. Về mặt tình cảm thì phải nói là ông anh, bà chị của Tân ở Hà Nội và cả Tân, dù cách xa trong này, đều thực sự một lòng hiếu thảo. Còn về mặt vật chất, đừng nói bây giờ, ngay từ thời bao cấp, ba anh chị em Tân đều có mức sống cao hơn người ta, cả ba đều dư khả năng lo cho mẹ không phải thiếu thốn một thứ gì. Và càng về sau này lại càng có điều kiện chăm lo cho mẹ đầy đủ hơn. Vậy thì vì sao mẹ không vui cơ chứ. Mà ngại nhất là trông cụ cứ càng năm càng buồn bã hơn. Cũng như ông anh, cũng như bà chị, Tân chịu, không hiểu.
*
* *
Tất cả những lá thư gói chung trong tờ báo cũ để dưới đáy rương đều là của mẹ gửi cho em trai của Tân. Trên tất cả các phong bì, tên người nhận đều là Nghĩa, tất cả đều được kiên nhẫn gửi tới một số hiệu hòm thư duy nhất, và tất cả đều là những lá thư do bưu điện huyện Lương Sơn kiên nhẫn gửi trả lại. Tất cả còn để nguyên chưa được bóc ra.
Tân không vội mở xem lá thư đầu tiên. Anh ngồi im ngẫm nghĩ cố hiểu cho ra sự lạ lùng này. Đúng là Tân từng có một cậu em trai, nhưng đã từ lâu lắm rồi. Đến nỗi, có lần làm lý lịch tự khai, Tân đã quên không ghi Nghĩa vào. Có lẽ cả ông anh bà chị của Tân cũng vậy. Quen nói ba chị em mình , dần dần trong tâm thức họ hình bóng người em út cứ lẳng lặng phai mờ, rồi tắt hẳn đi lúc nào không hay. Tất nhiên là thoảng hoặc Tân cũng chợt nhớ. Và anh gắng mường tượng lại gương mặt Nghĩa, mà không được. Chẳng hiểu sao trong thời thơ ấu anh chị em nhà Tân đều có ảnh cả mà lên đến tuổi thanh thiếu thì hầu như không bức nào. Chỉ mỗi Tân còn lưu được một bức chụp vào ngày Tết năm 17 tuổi. Có thể là Nghĩa đến tuổi ấy cũng có gương mặt như vậy. Trong bức ảnh đã úa vàng, Tân đứng một mình bên cây bàng trụi lá trước mặt tiền tiều tụy của chung cư. Trên thềm vương đầy xác pháo. Tân diện áo bông, cổ quấn khăn phu la, gương mặt sầu tẻ, gượng gạo đang rụt rè mỉm cười với ống kính. Nụ cười trong ảnh có thể ví như một cái bọt khí còn sót lại của quãng đời thanh thiếu, từ dưới đáy sâu của thời gian đã quên lãng lạc lõng nổi lên. Bây giờ Tân chẳng thể nhớ được gì về chặng đời trước cái năm 17 tuổi anh lên đường du học ấy.
Có gì trong những năm ấy nhỉ? Chiến tranh, sơ tán, nỗi sợ hãi. Không chỉ là sợ bom đạn, mà còn nỗi khiếp hãi cảnh sống nghèo nàn kham khổ. So với các gia đình khác trong khu tập thể, gia đình Tân thuộc diện khá nhất. Nhưng xét cho cùng thì vẫn là thế cả thôi, mức sống gia đình cán bộ trong một đời sống tập thể chung đụng cau có, ảm đạm, sờn nát và buồn ê ẩm, không có gì đáng cho người ta phải nuối tiếc mà nhớ nhung hồi tưởng. Tân chỉ nhớ là hồi đó anh không có nghĩ ngợi nào khác ngoài học và học, học thật giỏi, hạnh kiểm thật đẹp để xong lớp 10 được đi học nước ngoài như anh trai, như chị gái.
Gọi con
Sang Tiệp tròn một năm, Tân được thư của mẹ báo tin Nghĩa vào bộ đội. Nhận giấy gọi vào Bách khoa trước giấy gọi nhập ngũ vậy mà Nghĩa nhất định không nghe theo lời bàn của cha mẹ. Cái thằng ấy tính nó như thế từ bé. Tân không nhớ cụ thể chỉ nhớ là từ bé Nghĩa đã sinh nhiều rắc rối cho gia đình. Khác với các anh chị, Nghĩa thường xuyên trái ý cha. Ông rất hiền, rất trầm tính, nên có lúc nào ông bực dọc, ông nổi cáu có thể biết ngay là vì thằng Nghĩa. Như trong lá thư của mẹ gửi Tân, thì việc Nghĩa khăng khăng khước từ giấy gọi đại học đã khiến hai cha con xung khắc đến mãi tận hôm Nghĩa lên đường. Mẹ thì tất nhiên là thương xót hết mực thằng con út không có được đường đời dễ dàng êm thấm như các anh chị của nó. Bà cho Tân số hòm thư của Nghĩa và hối thúc anh viết ngay gửi sớm để em nó mừng. Bà kể là đã lên thăm Nghĩa ở trại luyện tân binh trên Bãi Nai – Hòa Bình, thấy nó vất vả, gian khổ, thương lắm. Hồi đó, đọc biết thế, nhưng bây giờ mở xem lá thư mẹ viết cho Nghĩa mới thấy thấu cái tình thương xót của mẹ đối với nó.
“Người ta bảo là ở rừng thì dù nhọc mệt thế nào cũng chớ có ngủ trưa, vì bị ngã nước đấy con ạ. Hại sức lắm, mà mẹ thì ở xa chẳng lo được cho con… Mẹ lại thường hay nghĩ đến cái tính liều của con. Con ơi, có báo động dù chưa tiếng tàu bay vẫn phải tăng xê xuống ngay. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Thương mẹ thương cha con phải tự thương xót lấy mình con nhé…”
Chỗ quà này mẹ gói ra hai mầu để con phân biệt. Gói bọc giấy xanh là kẹo, bánh, thuốc lá thì con mời anh em bè bạn với cấp chỉ huy. Riêng thuốc lá mẹ mong con hút ít. Nghe nói nơi các con đóng binh người dân tộc nấu rượu sắn nhiều lắm, mẹ lo. Uống rượu, hút thuốc hỏng đời con ạ. Còn trong gói đỏ là kim chỉ, đá lửa, pin, cặp ba lá, con phải cất kỹ. Các thức ấy không vặt vãnh đâu, ở Hà Nội đã khó kiếm, trong Khu Bốn với bên Lào lại càng quý báu. Nặng thêm một chút nhưng con gắng mang. Phòng khi ốm đau cảm cúm, nhất là chẳng may mà sốt rét thì đem đổi lấy thịt thà rau quả mà bồi dưỡng cho chóng lại. Mấy bà trong khối phố có con đi bộ đội trước con họ bày kinh nghiệm cho mẹ như thế…”.
Tân không hiểu gói quà ấy có đến tay Nghĩa không, bởi rõ ràng tất cả những phong thư anh đang thấy đây mẹ anh đều đã gửi lên Lương Sơn khi mà đơn vị của Nghĩa đã rời đi. Tất cả đều bị gửi ngược về hoàn trả, nhưng mẹ vẫn nhẫn nại viết và nhẫn nại gửi cầu may tới cái hòm thư đã hoang phế đó. Mấy bức đầu mẹ anh viết ngắn như là viết vội để gửi đi gấp. Không viết gì nhiều, những thư ấy chỉ hối Nghĩa mau biên thư về cho cha mẹ hay số hòm thư mới với lại hiện đang ở đâu, sức khoẻ thế nào. Nhưng theo dần năm tháng chiến tranh, thư của mẹ ngày một nhiều trang hơn và ngày một buồn bã hơn. Gửi đi bao nhiêu nhận lại bấy nhiêu, những lá thư của mẹ càng về sau càng như nhật ký, như là để gửi tới chính mình. Chữ mẹ nắn nót, dễ đọc dẫu mầu mực đã phai, dòng nối dòng đều đều, miên man che giấu niềm vô vọng. Mẹ kể rằng đêm qua mẹ nhìn thấy Nghĩa nhưng chưa kịp gọi thì đã tỉnh, tỉnh dậy thì đã chẳng còn lại gì, chẳng níu giữ được gì nữa cả, trong phòng tối đen, ngoài trời còi báo động hú vang.
Khác với mẹ, cha chưa bao giờ thấy Nghĩa trong giấc ngủ, nhưng lại hay thoáng thấy con trai út của mình ngoài phố. Mẹ Tân viết thế. Một lần, buổi tối, cha đưa về nhà một anh bộ đội trạc tuổi Nghĩa mà ông vừa gặp ở ga Hàng Cỏ. Nhác thấy anh ta giữa đám đông trước cửa ga, đang ngồi trên tàu điện ông vội kêu người lái phanh gấp rồi lật đật xuống toa, lật đật chen tới chỗ anh ta, vừa chen vừa hớt hải gọi Nghĩa. Ông luôn nhầm như vậy. Nhìn xa thì anh bộ đội nào cũng giống Nghĩa, nhìn gần thì chẳng nét hao hao nào nữa. Lần ấy, mẹ dồn hết phiếu thực phẩm cả tháng soạn bữa cơm thật tươm đãi anh bộ đội. Cha giữ anh ngủ lại, sáng hôm sau tiễn anh ra bến Kim Mã, xếp hàng mua vé cho anh rồi dắt anh lên tận chỗ ngồi trên xe. Anh lính trẻ ấy bị đạn tiện mất một bàn tay và anh bị mù cả hai con mắt. Lại có lần cha thấy Nghĩa ở một bức ảnh in trên báo Quân Đội chụp các chiến sĩ thông tin đang trong phiên trực tổng đài điện thoại, mẹ cũng muốn tin như thế. Nghe nói được ở trong binh chủng thông tin thì dù sao cũng đỡ hơn là ở bộ binh. Nhưng sáng hôm sau ngắm lại tấm hình cha lại lắc đầu bảo rằng không phải. Và rồi cứ buồn thỉu đi suốt mấy tháng trời vì điều đó.
Từ ngày Nghĩa lên đường đi Bê, cha mỗi năm mỗi yếu, sức lực lặng lẽ hao mòn. Rồi vốn chỉ là một cái u nhỏ mà phát thành ung độc sưng lớn sau lưng. Bệnh viện thiếu thuốc thiếu giường, mẹ đưa cha về chữa tại gia. Mà với cảnh ngộ đau ốm cơ cực thế thì chẳng cần sơ tán về vùng quê làm gì, đành liều, hai vợ chồng già bên nhau bất chấp máy bay Mỹ. Bom nổ, nhà cửa rung chuyển, vôi trần rụng lả tả. Đường điện thành phố bị phá hỏng liên miên nhiều ngày, ban đêm tối đen, nóng nực, ngột thở. Mẹ thức quạt cho cha. Bị sự đau đớn hành hạ, cha rộc rạc tiều tụy, thuốc uống vào nôn ra hết. Nhưng đến tuần cuối cùng thì chừng như đỡ đau, gượng lên ăn được chút cơm và có thể ngồi dậy. Song suốt mấy ngày liền ông không ngủ. Ông nói muốn được thức trắng cho tới giờ nhắm mắt. Đêm xuống, mẹ pha cho cha một ấm trà rồi đỡ ông ra ngồi ở bên bàn kề cửa sổ. Trong bóng đêm của thành phố chiến tranh, cha chờ đón cái chết theo cái cách như vậy. Cha mất lúc rạng mai. Ông ngả người vào lưng ghế, nhè nhẹ nắm lấy tay mẹ và thì thầm gọi con, Nghĩa.
Tất cả những điều ấy chưa từng bao giờ mẹ viết trong thư gửi ra nước ngoài cho Tân và anh chị của anh. Sau này cũng không bao giờ kể ra lời. Vậy mà bây giờ nhận lấy chiếc rương này thì câu chuyện dài triền miên đêm này qua đêm khác, năm này qua năm khác mẹ đã kể với người con út, Tân lại phải đón lấy. “Khổ thân các con sinh ra gặp thời loạn lạc …”, lá thư ấy mẹ viết vào ngày cuối tháng Chạp năm 72. Đất trời bùng cháy, thành phố đổ vỡ, nhưng mẹ không rời Hà Nội. Hơi bom phá toang cửa kính, mẹ vẫn đêm đêm yên lặng ngồi chỗ ngày trước cha vẫn thường ngồi, và vẫn như hồi cha còn sống, mẹ pha một ấm trà để lên khay trên bàn giữa hai cái tách hạt mít. “Đêm qua bom rơi quá gần, thế mà cô bé Loan tầng dưới lại chạy lên đây ngồi cùng với mẹ bên cửa sổ. Loan cùng lớp với con, còn nhớ không, Nghĩa? Loan sắp tốt nghiệp Đại học Quân y và cũng sẽ vào trong ấy. Nó nói vào đấy với con. Mẹ nhớ ngày con lên đường, cả con cả Loan đều còn nhỏ dại lắm, vậy mà nay Loan nó đã lớn phổng lên, một chiến sĩ xinh đẹp và can đảm biết nhường nào… Trước kia, đối với mẹ, sinh con trai con gái đều quý. Nhưng bây giờ nhìn cảnh bom đạn mù trời, mẹ nghĩ giá hồi đó con sinh ra được mang phận con gái thì hơn. Thời loạn thân gái cũng chẳng sướng gì, nhưng dù sao nếu phận gái thì chắc không đến nỗi bây giờ con biệt âm vô tín. Mẹ biết chắc con còn sống, nhưng giờ đây con ở phương nào vậy con? Sao con lại có thể im lặng lâu như thế hở con? Không một bức thư, không một tin tức nhắn nhe nào cho mẹ, sao thế hở con, Nghĩa ơi? “.
*
* *
Nghĩa ơi. Tiếng gọi ấy là lời cuối của lá thư cuối cùng mẹ của Tân viết gửi người con trai út. Không còn lá thư nào viết vào những ngày tháng sau đó nữa. Có lẽ vì sau đó là năm 73, hòa bình. Anh chị em Tân lần lượt đỗ đạt trở về.
Có những người con sáng giá như anh chị em Tân, mẹ là một bà mẹ hạnh phúc hơn bao bà mẹ khác. Nào ngờ mẹ không hề biết thế là hạnh phúc. Gương mặt mẹ suốt bao năm trời đến tận khi nhắm mắt xuôi tay luôn lẳng lặng một vẻ chờ đợi âm thầm, rụt rè và vô vọng. May thay, cũng giống như những bức thư mãi mãi ở yên dưới đáy rương bên đầu giường mẹ, nỗi đau lòng của mẹ không bao giờ thốt nên lời, người ta không biết tới. Nông nỗi thương tâm bất động của một người già có cái đáng quý là không làm ai phải để ý, bởi để ý tới thì không khỏi đau thắt trong lòng và không sao mà có thể bình tâm để yên ổn sống một cách dễ chịu cho nổi.
Tác giả: Bảo Ninh – Người thực hiện:
Từ khóaBảo Ninh gọi con truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …