RadioVn.Com – Tôi đã nói với cậu là tôi chúa ghét cánh nhà văn chưa?
Lão mới ngoài năm mươi. Người thành phố mà ngoài năm mươi tuổi coi như chưa được tính là già, còn phong độ chán. Nhưng nhìn cái tạng bủng bang cùng bước dật dẹo và nhất là cái mặt cả năm không rửa với chòm râu dài dài bàng bạc của lão thì ai cũng nghĩ lão phải bảy mươi hơn. Lão đâu phải tên là Khúng. Lão có một cái tên cũng nghe mạnh mẽ và đàng hoàng như ai. Nhưng hễ ai hỏi lão tên gì? Lão trả lời bằng một thái độ kiểu không quan tâm. Cũng không phải do mồm miệng lão móm mém. Lão nói không tròn âm nên rất khó nghe, do vậy ai cũng tưởng là lão nói tên mình là “Khúng”. Để có phần còn tôn trọng tuổi tác của lão người ta gọi lão là “Lão Khúng”. Lão Khúng ở vạ vật trong xóm Hòa Bắc. Xóm này thành khu tập thể với những dãy nhà năm tầng đã mấy chục năm nhưng vốn gọi là “xóm” nên quen.
– Cậu là nhà văn à?
Lão Khúng ể oải nghếch cặp mắt vằn đỏ lên hỏi lần nữa dò xét. Cặp mắt vằn đỏ không phải vì lão vừa uống rượu mà cái chính là hình như lão luôn mất ngủ. Mắt vằn đỏ của dạng người mất ngủ triền miên. Kể thì lão Khúng mất ngủ triền miên cũng phải. Lão đứng ngồi vạ vật rồi ngủ gà ngủ vịt không ra bữa và cũng chẳng ra buổi ở ngay trạm gác đầu cổng ra vào khu tập thể. Cái trạm gác này núp dưới tán rậm rì rì của cây si cổ, ban đầu nó chỉ là “Trạm bảo vệ” cho người dân của khu tập thể K. Sau này cái trạm gác ấy trở thành trạm “tuần tra nhân nhân” chung cho cả dân cư thuộc khối phố Hòa Bắc bao gồm khu tập thể Hòa Bắc và xóm Hòa Bắc cũ. Lão vạ vật ở trạm gác đó ngày ngày nhưng lại không chính thức là người của đội bảo vệ nên giấc ngủ cũng thất thường. Lúc đêm hôm vắng vẻ người ta mới cho lão vào nằm nhờ. Còn ban ngày hay chưa tới khuya lão phải gà gật kiểu nửa ngồi nửa đứng dưới mái hiên của trạm gác để nghỉ.
giọt rượu cuối cùng
Hôm nay trời lạnh khác thường. Lão Khúng co ro ngồi trên chiếc ghế nhựa, dựa lưng vào vách ngoài của trạm “tuần tra nhân dân”. Cái tạng vốn bủng bang nhìn lại thêm tiều tụy. Lão vòng tay ôm bụng chẳng biết vì bụng bị lạnh hay bụng đang đói cồn cào. Lão ăn uống chẳng ra bữa. Cái chính là lão bữa nào kiếm được gì thì ăn nấy. Nói vậy nhưng lão Khúng là người khái tính bậc nhất “Hà thành”. Lão không bao giờ thèm ăn của bố thí hay đồ thừa của nhà ai đó. Lão cũng chẳng bao giờ mò tới nhà người quen chứ nói gì tới nhà họ vào tầm nhà đó dọn mâm. Lão lại cũng chẳng thèm ngửa tay xin xỏ hay vay mượn.
– Cánh nhà văn các cậu xưa nay toàn viết truyện yêu đương nhăng nhít. Thế nên tôi chúa ghét.
Lão Khúng thật thà thú nhận. Thì ra lão cũng là người có chính kiến. Lão ghét các nhà văn vì các nhà văn chỉ toàn viết truyện mùi mẫn. Những chuyện đời thường trái ngang nhiều vô khối hay những chuyện đời lắm rối rắm ít đụng vào. Lão ghét việc nói chỉ có màu hồng. Hôm nay lão có vẻ nhàn. Thực ra lão nhàn quanh năm. Hú họa lắm mới có người đảo qua, họ nhìn lão ngồi gà gật trên yên của chiếc xe máy cà tàng mà phân vân hồi lâu rồi mới tần ngần kêu lão chạy cho “cuốc” xe ôm. Nhưng người kêu lão chạy xe cũng phải là những người bạo gan. Nói thực ngồi sau lưng lão cũng chẳng sướng gì. Sợ nhất là lúc lão bắt đầu cho xe chạy. Chiếc “Rim” đáng thanh lý lâu rồi cùng con người lão phải khật khưỡng mãi mới ổn định được. Nhưng mà lâu lâu lão cũng làm được đôi ba “cuốc”, nghĩa là lão còn kiếm được chút tiền.
– Tôi ở đây từ khi lên mười. Giờ thì bọn trẻ lên mười gọi tôi là ông.
Lão Khúng bắt đầu vào chuyện. Nghe lão kể chuyện coi như một cực hình vì lão một khi đã nói mà hứng lên thì vung tay chém ràn rạt. Cung cách đó chứng tỏ hồi còn trai trẻ lão là người ăn to và nói cũng lớn. Lão ở khu tập thể này từ hồi còn là một thằng trẻ con. So với đám trẻ con trong khu tập thể hồi đó thì bản thân lão và nhà lão có điều hơn hẳn. Thứ nhất là lão được ăn uống đầy đủ nên thể chất cũng kha khá. Thể chất ấy cho phép thằng bé con lên mười được lên mặt với lũ trẻ cùng lứa. Thứ hai là gia đình lão. Một gia đình vào loại có tiếng trọng trong khu tập thể. Cha lão, một vị lãnh đạo của một cơ quan thuộc nghành xây dựng. Còn mẹ lão, một bà cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm cỡ nhất nhì thành phố.
– Hôm nay tôi phá lệ đấy nhé.
Lão Khúng vẻ mặt còn khách khí chìa tay đón chén rượu được mời. Lão đưa nó lên ngang đầu môi thì dừng lại. Lão không uống ngay. Lẽ thường với những người lâu ngày ăn uống tạm bợ thì chuyện có chén rượu phải hứng chí lắm. Lão ngược lại, lão nâng chén rượu lên ngang đầu môi dùng mũi để hít hà mới lạ chứ. Lão Khúng hít hà đến sốt cả ruột. Hít hà cho tới khi đã hít hết hơi rượu trong chén lão mới ngửa cổ dốc thẳng vào cuống họng. Đấy là lão vừa dốc chén nước lã chứ rượu lão uống bằng cách hít hà từ đầu rồi.
– Rượu chẳng cay bằng đời.
Lần đầu tiên lão Khúng buông một câu chua chát. Dường như lão đã nhập cuộc chuyện nên mới thả lòng mình. Cha lão, một vị lãnh đạo cơ quan thuộc ngành xây dựng nên rượu chẳng thiếu cho dù thời đó gạo ăn còn khó nói chi đến rượu. Rượu trong nhà lão luôn có đủ cho bốn cha con lão uống mỗi bữa cơm chiều. Nói thêm về cha lão. Đó là một người đàn ông nghiêm khắc. Mỗi khi ông lừ mắt sau cặp kính cận dày cộm là anh em lão im thin thít. Ba anh em lão ngồi quanh mâm cơm cùng cha lão. Người đàn ông nghiêm khắc chỉ cho ba đứa trẻ ngồi hít hơi rượu chứ uống thì không. Cái chính là vào bữa cơm chiều bốn cha con phải ngồi bên mâm cơm cùng nhau.
– Cậu không ghi chép gì à? Mà ghi làm gì. Để tôi kể cậu nghe cho vui thôi.
Lão Khúng sau khi ngửa cổ dốc hết chén rượu thứ nhất vào cuống họng thì đến chén thứ hai lão lại trở nên thong thả. Lão chít chít đầu lưỡi và uống như uống từng giọt một. Sau tiếng “chít” lão mới khẽ khàng dùng lưỡi cuốn một giọt rượu nhỏ. Cách uống thật hiếm và lạ. Rất thanh tao mà cũng độc đáo. Bữa cơm chiều nhà lão luôn có rượu và luôn có mồi. Cha lão ngồi xếp bằng tròn, ba anh em lão cũng xếp bằng tròn. Cái mâm nhôm Liên Xô bầy toàn đồ nhắm nhìn mà thích mắt. Lão từ nhỏ đã khoái món đuôi lợn luộc chấm với muối ớt. Trong nhà lão có lẽ lão là người gần người cha hơn. Điều đó được thể hiện là cha lão luôn dành việc pha muối ớt cho lão. Chỉ có đĩa muối ớt do lão pha chế thì cha lão mới hài lòng.
– Chuyện dài lắm. Rượu cũng phải uống dè thôi.
Lão Khúng nhắc việc và nhắc luôn cả rượu. Từ ngày lão được cho tá túc nhờ ở trạm “tuần tra nhân dân” cánh bảo vệ không cho lão uống rượu. Lý do thật đơn giản vì trạm tuần tra còn kiêm luôn việc đăng ký khai báo tạm trú, tạm vắng cho khu phố. Đấy là nơi nghiêm minh. Lão ngồi ở đó coi như là “nhân viên” thì rượu uống sao tiện. Tối nay thật vắng vẻ. Những đứa trẻ bằng tuổi lão ngày xưa đều đã phải về nhà và học bài. Thời lão việc học cũng quan trọng nhưng không ráo riết như bây giờ. Nghĩa là bài tập xong thì nghỉ. Lão có biệt tài làm bài nhanh. Sau vài ba dòng chữ với những con số loằng nhoằng là lão kẻ vuông vắn ô ghi chữ “đáp số”. Cha lão nhìn lướt qua thấy vậy gật đầu. Lão được chạy chơi. Thực ra cha lão có nhìn vào bài vở cũng chịu. Hồi “tiếp quản” ông xốc ba lô theo đoàn quân bước đi mạnh mẽ, bước đi ấy đã làm xiêu lòng bao thiếu nữ Hà thành. Nghe đâu về Hà Nội một hai năm gì đó ông “xây dựng gia đình” với một cô gái Thủ đô. Chuyện bà vợ ở quê với hai đứa con gái đã lớn coi như tạm gác đó. Ông cần có con trai để nối dõi. May thật đấy. Mẹ lão đẻ liền tù tì cho cha lão những ba cậu con trai. Lão là con thứ hai.
– Nhà văn các cậu chắc hiểu đời lắm nhỉ?
Lão Khúng ngừng chuyện hỏi cắt ngang. Chắc lão hiểu như vậy nên mới “bày tỏ” chứ lâu rồi lão sống khá khép mình. Không giao thiệp. Ngồi ngủ gà ngủ gật chờ sáng. Chén rượu thứ hai cuối cùng cũng đã cạn. Lão sẽ đặt cái chén không xuống chiếc ghế nhựa Song Long không có ai ngồi ngay trước mặt. Mắt lão lảng nhìn ra ngoài vẻ không hỏi thêm mà cũng chẳng nói thôi. Xưa nay lão vốn thế. Tuyệt nhiên không xin xỏ. Cho dù chết đói đến nơi lão vẫn không thèm hé câu “xin”. Đấy là cái khí khái có lẽ ngoài lão ra chẳng có ma nào làm được điều đó. Nói chung là lão sống không chịu cúi mình.
Phải nói tối nay thật tình cờ. Khu tập thể im ắng một cách đặc biệt nên lão Khúng mới thổ lộ tâm tình. Người ta bảo “Lúc buồn nhất là lúc con người thật lòng nhất”. Lão Khúng đang buồn. Lần đầu tiên thấy lão buồn thực sự. Xưa nay lão không thấy bộc lộ nỗi buồn bao giờ. Cái chính là người quanh đây biết lão đã quá lâu. Ai còn lạ gì cái lão “nửa gàn, nửa mê” ấy nữa.
– Con cậu chắc còn nhỏ… Cậu đừng chiều nó quá.
Lão Khúng chợt quay phắt hướng của câu chuyện. Xem ra lão vẫn còn chút tình cảm con người. Những người trong khu tập thể này đều coi lão như người bỏ đi. Mà tội lỗi lại do chính lão làm nên mới chết chứ. Nhà lão đủ ăn đủ uống nên lão nghĩ việc học cũng nhàn nhạt. Cả ba anh em nhà lão chẳng có thằng nào học hành đến nơi đến chốn. Rượu thì đã có người cha đem về. Còn “mồi” thì khỏi phải bàn. Mẹ lão là cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm lớn nhất nhì thành phố nên những thứ “đầu thừa đuôi thẹo” trên mình con lợn nhà lão có cả đống. Mẹ lão sau buổi đi làm đem về nhà nào là đuôi, là móng giò, là tai, là mũi…. toàn những thứ đến giờ dân uống rượu còn khoái nữa là hồi đó. Thành thử được ăn lại ăn nhiều thì việc học chẳng có ý nghĩa gì. Hơn nữa cha lão ban đầu thì chiều chuộng ba anh em lão. Sau quay ra mắng mỏ thì đã muộn. Ba thằng con trai lộc ngộc hỏi đến chữ gì cũng lắc đầu.”Ngữ chúng mày đi bộ đội cũng không đắt” cha lão mắng thế rồi bắt từng đứa đi làm thợ. Được cái học hành lỗ mỗ nhưng tay chân cũng không đến nỗi vụng về. Hơn nữa thợ quét vôi thì cần gì học, cứ quét đại đi là được. Vôi ngày đó tuy không sẵn nhưng vương vãi cũng chẳng thiệt cho cơ quan. Lão và anh lão và em lão thành thợ quét vôi. Quét quanh quẩn những ngôi nhà do đơn vị cha lão thi công. ở công trường ai cũng biết anh em lão là con ai nên chẳng ai nói gì. Ngày ngày ba anh em lão đi làm. Tối về ngồi xếp bằng tròn uống rượu.
Nhà lão thực sự lâm vào khốn đốn từ sau ngày mẹ lão mất. Cha lão, một người đàn ông nghiêm khắc cũng đã về hưu vài năm. Người đàn ông nghiêm khắc ấy vẫn giữ nếp xưa. Nghĩa là bên mâm cơm tối bốn cha con ngồi xếp bằng tròn vừa ăn vừa uống rượu. Tuy “mồi” có thưa đi nhưng nhà lão chưa khi nào hết “mồi” cả. Mẹ lão thôi làm cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm do tuổi cao nhưng bà là người biết lo toan nên chăm chỉ ngồi hè phố G bán xổ số. Việc bán xổ số tuy lắm nắng nhiều mưa nhưng bù lại cũng có tiền tiêu vặt hàng ngày. Mẹ lão kiếm được đồng nào lại chiều chồng, chiều con mà mua “mồi” về. Chỉ tội ba thằng con trai lộc ngộc cả cũng thấy cần phải nhắc. Cha lão nhắc anh em lão chuyện lấy vợ.
– Vợ con là duyên số mà cậu. Mệnh hệ gì cũng đừng oán thán.
Nhân chuyện cha lão nhắc tới anh em lão lấy vợ mà lão Khúng lại đưa ra một câu chí lý. Thực ra là lão nói chuyện vợ con lão. Mẹ lão mất rất đột ngột. Buổi trưa hôm ấy bà kêu mệt nên về nhà nằm nghỉ trưa. Bà ngủ luôn giấc thiên thu khiến anh em lão vô cùng bối rối. Cái gia đình mấy mươi năm đều đều ăn uống bỗng chốc vắng bàn tay đàn bà làm bốn cha con lão lúng túng. Việc đầu tiên bây giờ là thằng nào đó phải lấy vợ. Vậy là thằng anh lão lấy vợ trước cho nó có trình tự. Khổ thân anh em lão. Tuy ăn uống đàng hoàng nhưng vốn dĩ đầu óc ngại học nên trí tuệ cũng ngô nghê. Vả lại cha đã về hưu, anh em nghề ngỗng coi như không có. Con gái Hà Nội khôn phải biết nên chẳng cô nào dại gì “đem lòng yêu thương” anh em nhà lão. Tìm mãi cũng ra. Anh trai lão cuối cùng nhờ mai mối tìm được một cô hơn ba bốn tuổi, người “xấu điên”, ế ẩm. Cô gái ấy người trong xóm Hòa Bắc cũ. Lễ cưới xong, cô gái “già” kéo thằng anh lão về trông nhà cho cô ấy. Thành thử chuyện kiếm “bàn tay phụ nữ” cho cha con lão coi như “hỏng”.
Vỏn vẻn chỉ hai tháng sau, cha con lão nhận được thông báo: anh lão bị bắt do buôn bán ma túy gì đó. Thì ra “cô gái già” cũng được cha mẹ dành cho một quán nhỏ để bán nước qua ngày. Cái quán nước nằm hút trong xóm Hòa Bắc cũ bỗng thành nơi mua qua bán lại những gói thuốc màu trắng cho dân nghiền quanh quẩn. Anh lão bị bắt khi vừa trao một gói nhỏ cho ai đó. Cha lão bị “sốc” thực sự. Quan trọng nhất là chuyện tai tiếng.
ở tù đâu như chưa được một tuần thì hung tin báo về: Anh trai lão chết. Hồi đó đã có người khuyên cha lão đi kiện. Chắc không bị công an nã tay mà chết thì cũng bị “đầu gấu” dằn no đòn mà chết”. Anh em nhà lão vốn quen ăn ngon nói to thì lão lạ gì. Thằng anh lão vào tù mà cứ “xưng xưng” bị xơi tẩn là cái chắc. Hơn nữa đi kiện chỉ tổ bẽ mặt thêm. Cha lão cúi đầu im lặng. Lão và thằng em kế cũng cúi đầu lặng im. Người thì đã mất rồi. Vả lại kiện cũng phải có tiền chạy kiện. Những ngày đó chẳng riêng gì nhà lão mà cả nước đều khó khăn. Đi kiện lại vác nhọc thêm vào thân. Đành nhẫn nhịn. Buồn thêm nữa là sau đó không lâu “bà chị dâu” cũng “đứt” quan hệ với nhà lão luôn.
Quả tình tuy ít chữ nhưng lão Khúng cũng biết xử thế. Cha lão tính khôn hơn. Ông cụ cho thằng em kế đi “lao động xuất khẩu”. Ngày đó nhà nào có con đi xuất khẩu lao động là nhất rồi. Cả nhà lo vay mượn, dồn tiền lo lót, cuối cùng thằng em lão cũng được “bay”. Đó là những ngày tuyệt diệu. “Bọn tây nó ngố lắm” thư gửi về nhà cho cha con lão thằng em lão đã nói hào hứng: “Mấy cái quần bò rởm bán đầy “chợ Giời” sang đây hết vèo”. Lão trở thành người “chạy hàng” cho thằng em hết sức mát tay. Tuy học ít nhưng chuyện săn đồ rởm lão lại “bén” và thành thạo. Những chuyến hàng gửi đi và nhận về những đồng Đô la “đều như vắt chanh”. Nhà lão giờ chỉ có hai cha con nên cũng phóng khoáng hơn.
Nhưng niềm vui “vắn chẳng tày gang”, thằng em lão không may sa lưới công an bên đó vì tội buôn bán hàng lậu. Tiền lại gửi ngược sang để lo “chạy” cho thằng em thành thử vừa ấm đã lạnh. Cha lão sụp xuống rồi đổ bệnh. Được cái lão biết vào bếp nên chuyện cơm nước cho người cha ốm nằm viện lão cũng vẹn toàn. Nhưng buồn nhiều quá mà cha lão mãi không bình phục. Lão nghĩ luẩn quẩn. Nhất là khi được tin thằng em sau khi thoát chuyện công an bên đó bắt thì vượt biên sang Tây Đức. Nó ngỡ sang đó có hy vọng hơn đâu ngờ sa vào tội “vượt biên trái phép”. Đã quẩn lại thêm quẫn. Nghe đâu thằng em lão bị giam ngoài đảo xa, ngày ngày trại chỉ cho ăn chứ không cho ra ngoài. Tương lai mù mịt hẳn. Thực ra trong trại cũng có người được tự do. Đấy là những người bày tỏ thái độ không “hài lòng” với quê nhà. Việc đó thằng em lão không dám. Gì thì gì thằng em lão còn biết phải trái. Nó chịu ngày ngày đứng nhìn biển xanh qua hàng rào kẽm gai và nhận khẩu phần ăn mỗi bữa. Chuyện “xuất khẩu lao động” cũng coi như xong.
– Ở đời sợ nhất là sự ngộ nhận.
Đêm khuya hẳn lão Khúng mới nói bộc bạch. Nhưng câu chuyện “tình yêu” của lão mới là chuyện đáng để nói. Hệt như trong những tiểu thuyết diễm tình mà ở đó lão đóng vai “chàng hoàng tử” ra tay cứu người đẹp đang bị “bọn ác hãm hại”. Lão cười khùng khục khi bắt đầu kể chuyện tình yêu của mình sau khi phán một câu “triết lý” xanh rờn. Rượu cũng lìm lịm nên lão chẳng cần giấu giếm. Lão thong thả nói bằng giọng của người đã đi qua cái sự từng trải của cuộc đời. Phải công nhận lão cũng khá rành rẽ. Chuyện cũ không oán trách. Chuyện mới không vội vàng. Lão đã quá hiểu đời cho dù chỉ là cuộc đời của mình lão.
Tối đó sau khi giắt màn cho người cha nằm ngủ xong xuôi lão mới đạp xe từ Bệnh viện Việt Xô trở về nhà. Chiếc xe đạp khô dầu kêu cót két nhưng lão vẫn vân vi huýt sáo. Đoạn đường chạy ngang bệnh viện nằm sát chân đê nên đã tối lại thêm vắng vẻ. Lão cũng có chút e ngại kiêm rờn rợn vì cho dù là đường nhưng lại là đường chạy ngang nhà tang lễ của bệnh viện nên có gì đấy khiến những người yếu bóng vía không dám qua lại. Lão đạp xe thật thong thả để vừa đi vừa nghe ngóng. Có tiếng ai đó gọi vọng từ gốc cây ra làm lão giật bắn, lão hoảng cả hồn. Toàn thân lão sởn da gà và lạnh toát. Tiếng ai đó gọi lần thứ hai thì lão cũng đủ tỉnh táo để biết đấy là người gọi chứ không phải “ma trêu”. Lão một chân chống xuống đất, một chân để sẵn sàng lên bàn đạp. Lão hướng mắt nhìn về gốc cây tối mù mù.
Một cô gái bước nhanh về phía lão. Thoắt một cái cô gái đã ngồi gọn sau lưng lão và bấu bàn tay vào mạng sườn lão thúc đạp nhanh rất quyết liệt. Như một cái máy và có cả vô thức nữa, lão cắm cúi đạp xe thật nhanh. Lão đưa cô gái trẻ về nhà mình. Từ bữa cha lão nằm viện lão toàn ngủ một mình nên chuyện đưa cô gái lạ lùng về nhà coi như cũng chẳng sao.
– Lòng tốt chính là con dao hai lưỡi.
Rất triết lý, lão Khúng bắt đầu nói tiếp.
Thì ra cô gái ấy vốn là một cô gái giang hồ. Ngay đêm hôm đó khi lão như thằng dại lột trần, lột truồng cô gái ấy trên giường lão đã thấy những hình xăm chim bướm trên bụng của cô gái. Lần đầu tiên lão được làm chuyện ấy nên nhiều lóng ngóng. Cô gái không nói gì và cũng chẳng chống cự. Cô mệt mỏi mặc cho lão muốn làm gì thì làm. Cô ngủ thiếp đi ngon lành trong khi lão bắt đầu lo sợ. Lão lo sợ nhìn hình xăm chim bướm trên bụng cô gái. Lão nửa muốn đuổi cô ta đi nửa thương hại muốn níu lại. Lão cúi xuống nhìn kỹ hơn khuôn mặt của cô gái. Trong giấc ngủ mê mệt nhưng được cưu mang nên trông cô gái cũng tồi tội. Một gương mặt đẹp đang giãn ra với một nụ cười trong mơ làm lão động lòng. Lão cả đêm hôm đó ngồi trên giường, toàn thân run cầm cập chỉ sợ cô gái đó bật dậy mà vùng chạy. Hình như tận sâu thẳm trong lòng lão đang lóe chút cảm tình với cô gái. Lão lơ mơ đoán định cô gái này đang cần có sự chở che của lão.
Mãi sau này khi ở nhà lão được vài hôm cô gái mới cho lão hay. Cô trốn từ một chốn ô uế ra. Cô muốn lão giấu cô trong nhà. Lão im lặng nghĩ ngợi. Nghĩ không lâu thì lão gật đầu. Cái chính để lão gật đầu là trong thâm tâm lão thấy chính lão mắc tội với cô chứ không phải người khác. Là con nhà tử tế nên lão cho rằng: một khi đã chung đụng thể xác rồi coi như là đã ràng buộc. Nói chung ở khía cạnh này lão là người có trách nhiệm.
Cha lão ra viện. Ông cụ ngẩn người nhìn cô gái trong nhà và đưa mắt cảnh cáo lão. Lão cười biết lỗi hơi lui ra rồi nháy mắt ra hiệu cho cô gái lạ. Cô gái quay vào bếp. Lát sau cô bưng ra một mâm cơm rượu rất chu đáo. Cha con lão lâu rồi thiếu bàn tay phụ nữ nên đón nhận cô như một thành viên. Vả lại lúc cô vào bếp lão đã nói sơ sơ về hoàn cảnh của cô. Cha lão, một người đàn ông nghiêm khắc nên nhiều chục năm trôi qua vẫn cảm thấy thiếu xót với bà vợ ở quê. Ông cụ hình như muốn chuộc lỗi đối xử tệ bạc với vợ con ở quê của mình.
Sau hai năm “trốn” trong nhà lão thì cô gái chính thức trở thành vợ lão. Thật ra thời gian cũng để người ta quên đi thân phận của mình. Cô gái những ngày ở trong nhà đâm xinh ra, trắng nõn và cũng mơn mởn. Lão không muốn mất đi sự “thơm tho” đó nên tha thiết đề nghị cô chính thức làm vợ. Một lễ cưới tằn tiện nhưng cũng đủ lệ bộ khiến cha lão như tỉnh bệnh tuổi già. Ông cụ chắc cũng mãn nguyện mà đồng tình. Những bữa cơm có bàn tay phụ nữ bao giờ cũng hơn bữa cơm do đàn ông chuẩn bị. Cô gái có bàn tay khéo léo của đàn bà và có cái nhìn “thấu bụng” những người đàn ông mà cô mang ơn. Gia đình lão vui vẻ hẳn lên và cũng ấm áp hẳn lên.
– Tôi không tin đời còn có chữ ngờ.
Cha lão cuối cùng cũng tìm về tiên tổ. Rồi thằng em kế lão nữa vì chẳng có tiền lại tha hương nơi đất khách quê người nên sinh bệnh. Ngày lão ra sân bay nhận “lọ tro” thằng em lão đã muốn chết. Khổ thân lão. Bà mẹ cả cùng hai người chị ở quê vốn “căm thù mẹ lão và anh em lão” đến xương tủy được tin dữ cũng chỉ nhắn người hỏi thăm qua quýt. Quả tình đàn bà một khi đã oán thì oán dai hơn đỉa. Lão cũng buồn nhưng cô vợ lão đứng bên cạnh ưỡn cái bụng lùm lùm. Lão sực tỉnh cúi bê “lọ tro” thằng em lặng lẽ về quê chôn bên cạnh mộ cha, mộ mẹ và mộ người anh của mình. Lão là người còn lại đau khổ nhất thế giới.
– Để tôi khuyên thật cậu nhé. Đừng tìm cái đã mất.
Lão Khúng đã mất mát quá nhiều. Cái còn lại quý giá bây giờ đối với lão là cô “vợ nhặt” cùng thằng con trai vừa sinh ra đã lóe lên hy vọng. Giời như đã rủ lòng thương lão. Thằng con trai kháu khỉnh và mau lớn trông thấy. Năm lão dắt con vào lớp Một thằng bé đã khiến các cô phải tròn mắt. Nó lễ phép khoanh tay chào từng cô một. Khác hẳn lão. Lão mồm miệng phùng phàng, vừa nói vừa chém tay ràn rạt làm mấy cô giáo trẻ nhìn mà hai hãi. Chỉ khi thằng con cất tiếng chào mấy cô mới nhẹ người đi. Mặt thằng bé khác hẳn mặt lão. Khuôn mặt trẻ con trong veo cùng tiếng “ạ” được mấy cô mở lòng. Với lại các cô biết không dại gì dây dưa với lão. Thực ra lão chỉ có bộ dạng làm người ta sợ chứ xem ra lão hiền và chăm chỉ. Lão có tài chăm chỉ cơm nước từ nhỏ nên khi có vợ rồi lão vẫn xăng xái vào bếp. Ban đầu gia đình nhỏ của lão sống khá hòa thuận. Cô vợ cho dù lánh đi mấy năm nhưng vẫn ngại ra ngoài. Cô sống kín đáo và hầu như chẳng bao giờ to tiếng với hàng xóm. Những người dân trong khu tập thể khen lão tốt số. Hình như họ cho rằng lão được “giời thương”.
Để giải quyết chuyện mưu sinh, lão Khúng làm nghề chạy xe ôm. Chiếc xe mua được từ người hàng xóm “nâng đời” xe nên họ bán rẻ như cho. Lão ban ngày chạy xe ôm tối về nhà ôm vợ xem ra cũng mát mặt. Nhưng nhu cầu gia đình mỗi ngày mỗi thêm. Vợ lão mạnh dạn rời khỏi nhà đi làm giúp mấy nhà hàng xóm. Đơn giản như trông con nhỏ hay nấu giúp bữa cơm. Được ra khỏi nhà người đàn bà ấy như lột xác. Hăng hái hơn và giao thiệp cũng rộng hơn. Lão coi đó là điều mừng vì chẳng lẽ vợ cứ quanh quẩn trong bốn bức tường mãi sao thấu. Phải công nhận vợ lão cũng là người lanh lợi. Giao thiệp rộng làm người đàn bà ấy mở tầm mắt cho lão. Vợ lão bàn với lão bán nửa căn hộ đi lấy tiền làm vốn kinh doanh. Lão gật đầu vì nghĩ đơn giản bán đi kiếm vốn trước. Làm ăn lãi lời chẳng mua được nhà to rộng hơn chứ lị.
Thế là nhà lão có ô tô con. Có xe con nhưng lão không biết lái nên phải thuê lái. Cũng chẳng sao miễn là xe ấy kiếm ra tiền về. Hà Nội ngày ngày nhu cầu đi xe càng nhiều. Xe đi lễ hội ngày xuân. Xe chở khách về quê dự đám hiếu. Nói chung khách đi xe rất đông. Vợ chồng lão hí hứng lắm. Cô vợ lại bàn tiếp bán nốt cả căn hộ. Chỗ ở ư? Thuê tạm còn hời chán.
– Cậu nhớ đừng để đồng tiền làm lú lẫn.
Thuê một chỗ để ở xong vợ lão mua liền ba chiếc xe con nữa. Nhà lão vênh vang hẳn lên. Dễ phải tính đến lập công ty mất. Lão khoái lắm. Việc của lão bây giờ không phải chạy xe ôm nữa. Lão làm chân “thư ký” ngồi tại nhà nghe điện thoại và báo cho vợ để vợ lão lên “kế hoạch” điều xe. Cũng phải nói thêm là lão rất thương vợ. Thằng con trai càng lớn càng ngoan nên lão lại càng “nể” vợ hơn. Có bữa thư thả lão cho cả vợ lẫn con về quê chào mẹ cả và chào hai chị. Con người ta kể cũng mau quên đi oán hận. Mẹ cả lão tuy rất già nhưng còn đủ sức nằm trên giường nghe lão kể chuyện làm ăn. Giữa cái thời buổi “sôi sùng sục” này ai không bung ra làm ăn mới là lạ. Người nhà quê chỉ nghe nói thế cũng thấy hoa đầu. Mẹ cả và hai chị lão đành biết ậm ừ mà nghe, họ hay gì đâu mà bàn với góp chuyện. Được cái hai chị lão cũng tuổi cao nhưng nghĩ đến “một giọt máu đào hơn ao nước lã” mà thân tình hơn. Vả lại lão đâu có lỗi. Lỗi của người lớn sao bắt con trẻ chịu. Thế là gia đình lão “đoàn tụ”. Cũng một phần nhờ vợ lão. Người đàn bà hình như đã chịu nhiều éo le hay thiệt thòi về mặt gia đình lại tỏ ra rất chu đáo với mẹ già và hai chị lão. Quà cáp rồi thăm hỏi thường xuyên hơn. Vợ lão được lòng lại được cả uy tín. Hễ vợ lão bàn bạc gì mà lão chưa thông thì vợ lão lại rủ lão về quê. Sau chuyến thăm quê về thì những việc vợ bàn lão đều nghe cả. Lúc ở quê các chị lão được vợ lão tỉ tê nên “thuyết phục” cậu. Việc bán cả căn hộ ở khu tập thể Hòa Bắc và mua thêm ba xe con một phần cũng nhờ vào “công” hai chị lão nói vào.
Đời lão mang số khổ về già. Một tay thày bói vô danh nào đó nhân chén rượu đã thì thào vào tai lão như vậy.
Có nhiều tiền là mơ ước của tất cả mọi người chứ đâu gì vợ chồng lão. Chuyện mua lại nhà cứ lần khân cho đến một ngày vợ lão “đánh cược” đổ hết vào chứng khoán. Mới đầu cũng thấy hời hời xem ra cũng dễ ăn. Dễ ăn thì làm tới, làm cho tới khi chứng khoán tiêu thì tiền cũng hết. Xe cộ trong nhà cũng kéo nhau sang tay người khác dần. Lại thêm ở lão có cái tính nể người. Có người cần thuê xe tự lái lão cũng gật tuốt. Thủ tục rất giản dị vì lão tin vào tờ giấy “chứng minh nhân dân” nhầu nhĩ mà những người đến gặp lão để thuê xe đưa cho. Chiếc xe cuối cùng còn lại đem cho thuê tự lái đã “một đi không trở lại”. Đấy là nguyên nhân chính khiến vợ chồng lão cãi nhau hàng ngày. Cãi chán không lại được mồm vợ, lão vung tay tát cho vợ một cái. Vợ lão dắt con vùng vằng nói chuyện sẽ bỏ đi. Đi đâu cũng chẳng rõ. Chỉ biết lão không giữ mà cũng chẳng đi tìm. Thằng con vừa lên mười tuổi, bằng đúng tuổi lão năm nào. Thằng bé khoanh tay “ạ” chào lão. Lão băn khoăn một thoáng rồi phẩy tay ý bảo thằng bé cứ nghe theo mẹ. Lão nhớ hồi trạc tuổi nó lão chỉ ăn với chơi nên chẳng chịu học hành. Lão không muốn thằng bé ở với lão sau lại học hành “lớp không ra lớp”. Lão cũng biết nhận thức.
Lão mò về tá túc ở trạm “tuần tra nhân dân” ở ngay đầu lối ra vào khu tập thể Hòa Bắc. Nơi này lão đã có những ngày tháng được sống và sống. Cái chính là còn có người nói “cũng biết” lão. Với lại trong ký ức của đứa trẻ lên mười, thì đây là nơi đầu tiên và là nơi cuối cùng lão biết đến đã từng là nhà của mình. May cho lão là vẫn còn chiếc xe máy cà tàng ngày nào. Lão không về quê như ai đó đã khuyên. Về mà làm gì. Có còn gì đâu mà về. Lão vốn tính khí khái mà, về quê trong nghèo hèn tuyệt nhiên là không được. Mẹ cả cũng đã mất. Hai chị cho dù là máu mủ nhưng “anh em kiến giả nhất phận”. Hai chị lão mắng: “Cậu được bố cho cậu hết. Cậu không biết giữ thì cậu chịu”. Lão nghe mà buốt trong ruột. Hình như hai chị lão cùng mối “oán thán” ngày xưa chỉ mới có nguôi nhưng chưa ngoai. Lão chấp nhận vạ vật như một cách tự hành xác mình hay như lão đã nghĩ “có số cả”.
– Cậu có đúng là nhà văn không đấy?
Thực ra lão là người biết điều. Thứ nhất coi như lão chẳng còn ai thân thiết chứ nói gì đến thân tình. Vợ lão chỉ là chuyện “gá nghĩa” nên lão cũng chẳng oán trách. Thứ hai lão bây giờ chẳng còn gì gọi là của cải ngoài cái thân hình bủng bang và dật dẹo. Đau nhất là chuyện thằng con. Thì như con vợ lão viết giấy để lại. “Nó không phải con ông đâu. Đừng tìm tôi và nó làm gì”. Tức là lão chẳng có gì để mà phải đi tìm cả. Có lẽ kiếp trước lão nắc nợ gì cô ấy? Lão hài lòng vì đã trả xong “món nợ kiếp trước”. Lão thấy sung sướng vì lúc này lão không phải lo cho ai. Lão sung sướng vì gì thì gì đời lão lão cũng đã “làm phúc” cho được một người, con vợ lão đấy. Lão đã làm được một việc mà lão cho là có ý nghĩa nhất trong đời.
– Còn ối người đàng hoàng hẳn đấy nhưng có ra gì đâu.
Lão Khúng vung tay chỉ bâng quơ ra ngoài. Trời đã sáng hẳn, rượu cũng vừa đến giọt cuối cùng và cặp mắt vằn đỏ của lão bây giờ mới cụp xuống, nặng trĩu. Nhưng vào giờ này ở trạm “tuần tra nhân dân” không ai cho lão vào ngủ cả. Lão cứ ngồi như thế mà ngủ trong cái thức chong chong.
(Nguồn: Văn nghệ số 42/2012)
Tác giả: Nguyễn Trọng Văn
Từ khóaNguyễn Trọng Văn truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …