RadioVn.Com – Chiều đi học về, thấy mấy cái thau ứ hự nước múc sẵn để trước thềm là Mơ biết, tối nay mẹ lại say. Biết luôn xuống bếp lục trong gạc rê tìm tô cơm bới để sẵn, giở nắp cái chén kế bên múc đồ ăn xấp xấp lên trên. Rồi sau đó bưng nguyên cái tô đầy óc nóc chạy tuốt ra đầu hẻm. Vừa xúc ăn vừa coi mấy đứa trong xóm bữa nhảy dây, bữa năm mười đi trốn. Chừng chập choạng tối mới lò dò, tòng ten một bên tay bịch nước mía, một bên cái tô không lật đật chạy về. Để tiếp theo sau đó là cả mớ chuyện lật đật khác. Lật đật bật ti vi coi chương trình góc thiếu nhi hai mươi phút. Lật đật gài cửa trước cửa sau. Lật đật tắm qua quýt rồi tót lên bàn, mở sách mở vở, tìm thước tìm viết. Tới chừng cặp mắt hít rịt lại, mở hết muốn lên, lúc đó mới lừ đừ chậm chạp trèo trên giường. Nửa đuổi theo giấc mơ chơi rượt bắt um sùm với tụi bạn. Nửa ráng nhắc mình đừng ngủ, đừng ngủ mê quá nha. Để còn dậy mở cửa được lúc mẹ về gọi: “Mơ ơi! Mơ…”.
Tính vậy đó, nhưng rồi cũng lắm bữa Mơ để mẹ kêu khản giọng mà đâu có hay.
Sáng đeo cặp, mở cửa ra thấy mẹ nằm cong đầu cong đuôi trong cái võng dưới cây thị bên hông nhà, Mơ hoảng hồn chạy tới lay lay coi mẹ có sao không.
Dì Hồng đã dặn me say nhớ kêu mẹ vô nhà, để ngoài lỡ gió mấy nhập vô, trúng gió là chết có ngày. Dì làm Mơ sợ quá. Tối nào mẹ đi uống rượu, lúc trèo lên giường Mơ cũng dặn mình ngủ bằng một con mắt thôi. Con kia phải tỉnh tỉnh để còn kêu con này dậy cùng ra mở cửa. Nhưng cặp mắt Mơ lại không phải là hai đứa biết nghe lời. Bị mấy giấc mơ chạy nhảy, giỡn cười lôi kéo, chúng cứ nhắm tịt lại, ngủ vùi. Nhốt luôn mẹ bên ngoài như thế này đây.
Trưa Mơ ngồi coi mẹ lật tới lật lui mấy con cá khô phơi trong nia, đếm được cánh tay mẹ có bảy cái vết đỏ lét tròn tròn. Chắc tối qua mẹ nằm dưới cây thị làm mồi cho tụi muỗi. Mấy con đáng ghét đó, Mơ biết, nhà tụi nó đâu đó trong vòm lá xanh kia. Tối vù vù bay ra, con nào con nấy to to. Mẹ hỏi Mơ chiều nay con có đi học thêm không. Giọng mẹ khàn khàn như bị cái gì chận ngang cần cổ. Chắc tối qua mẹ kêu cửa quá trời. Buồn hiu, Mơ lấy cây sào khuơ khuơ loạn xạ dưới cây, miệng lầm bầm: “Đánh chết cha con muỗi. Đánh luôn con mắt mê ngủ!”.
Mẹ phơi cá nửa chừng, tưởng Mơ phá phách rầy:
“Con nhỏ này. Hết chuyện chơi ha. Rụng hết bông hết trái bây giờ.”
Giọng mẹ cứ khàn khàn hoài. Phải mẹ rầy Mơ đêm qua sao không mở cửa để mẹ ngủ ngoài trời, Mơ còn đỡ buồn hơn.
II
Năm Hạnh đậu xịch xe tải bên hông cái chợ đầu mối nằm ngay một đầu bùng binh chắn góc ngã tư đường. Hưng hửng sáng, đèn đường lẫn đèn chợ nhập nhòa trong ưng ửng ánh ban mai lên sớm. Ba bốn bạn hàng đã chờ sẵn sát thùng xe. Năm Hạnh sập cửa, một chân trên lề, một chân dưới đường, phụ hai thằng cháu dở xuống mấy thùng cá tươi hơn hớn, có con còn lật mình lật mẩy đụng nhau tanh tách. Những người đàn bà tay ngâm nước héo quắt queo đếm trả Năm Hạnh những tờ tiền đôi chỗ cũng nhèm nhẹp, lướt thướt.
Tay thu tiền hàng, miệng nói, mà mắt Năm Hạnh vẫn rảo được một đường thẳng băng vô tận cuối khu hàng cá. Chỗ đó mới chỉ có hai cái thau lớn bày tênh hênh với tấm thớt đá to sộ màu rêu mốc.
Bữa nay chắc Nhím lại say, ngủ trễ giờ dọn hàng nữa rồi đây. Tự nhiên Năm Hạnh muốn bỏ phắt cái việc đếm tới đếm lui đáng chán đang làm, đi liền tới đó, phụ Nhím kéo ra cái giỏ đựng dao lớn dao nhỏ. Rồi ù đi xách đôi nước về đổ mấy cái thau, thả bơi lờ đờ mấy con cá lớn quẫy đuôi. Rồi còn lần lượt phân loại, bày hết lên quầy đám cá nằm im lìm mà mắt trong veo. Trong như mắt Nhím mỗi lần ngước lên nhìn Năm Hạnh. Gương mặt đọng mồ hôi. Đọng luôn một khối gì xốn xang bứt rứt trong lòng Năm Hạnh suốt cả ngày.
Năm Hạnh muốn kinh khủng được bước qua bên đó. Để hỏi Nhím coi có cần khiêng tấm thớt đá tranh tránh ra chút nữa để thoải mái cái chỗ ngồi. Còn tấm bạt hơi xeo xéo kia nữa, che kiểu đó sao khỏi mặt trời dọi thẳng xuống đầu. Nhím có cần người sửa lại.
“Ai biểu làm mà làm chi vậy!”.
Phải không có bữa đưa Nhím về, chắc giờ Năm Hạnh đang nghe Nhím cằn nhằn câu đó với cái giọng nghe tới nghe lui cũng không thấy như đang bực bội chút nào.
Nén không nổi, Năm Hạnh để vuột ra tiếng thở dài, thõng thượt. Vẫy vẫy tay, Năm Hạnh đứng tựa vô cánh cửa xanh lè, ngó theo thằng cháu hì hụi khiêng một thùng cá săm săm xuống cuối khu hàng. Rít một hơi thuốc lợn phợn cả mùi buổi sáng lẫn mùi cá tanh nồng, lại một lần nữa Năm Hạnh nghe mình rơi một tiếng thở dài.
III
Nhím cũng không hiểu sao hễ bóng chiều chờn vờn, ngồi trong hàng nhìn ra, thấy gió đẩy tới đẩy lui mấy cái lá khô quắt khô queo trên mặt đường nhựa sì sì lại bả rã bời rời mọi ý nghĩ. chỉ còn trong đầu một thôi thúc: Chút nữa về phải uống cho thật say.
Nhím dọn hàng. Bảng lảng hên cánh mũi không phải mùi tiền, mùi cá tanh òm mà là thứ thơm thơm lúc hăng hắc lúc dìu dịu bốc lên từ những miệng chai được vặn bung nắp. Bới tô cơm để sẵn cho con, múc thau nước giữ mấy con cá sống bán chưa kịp hết, tong tong bên tai Nhím tiếng dòng trong vắng vắt chảy tràn từ một miệng chai qua đến miệng ly.
Nhím nghiện rượu mất rồi. Ngày trước, từ xế chiều đến tận nửa đêm về sáng, bia rượu đổ vào cổ họng như đổ nước mà Nhím có bị nghiện bao giờ. Rượu là kẻ đưa đường đắc lực, nhưng đâu khi nào Nhím coi là bạn như lúc này. Ngày đó, trong lúc Hồng và tụi bạn túm tụm nhau vạ vật chán chường bên bàn nhậu mỗi buổi ế khách, trời mưa; Nhím giành thời gian ngồi kết vòng tay, vòng cổ bằng hạt pha lê. Cái đeo chơi, cái bán cho mấy đứa bạn ở quán này quán kia, rồi còn nhờ ông khách ruột có quen mấy shop, mấy chỗ cho mướn đồ đám cưới chụp hình lấy hàng bỏ dùm. Kiếm vài ba đồng bạc không cần son phấn cho vui, vậy mà tụi trong quán xúm nhau đồn: bà Nhím tiền lủ khủ, không chừng mai mốt ra riêng mở quán làm chủ cho sướng thân.
Bà chủ lọt tai hết trọi nhưng giả điếc im re. Đến hai ba bữa sau mới làm bộ ngồi tâm tình thân thiết: “Thời buổi này làm cái gì cũng khó. Lạng quạng chân ướt chân ráo ra không khéo trắng tay. Chị mà có tiền hả? Chị để dành thủ là chắc đạn nhất hà!”
Nhím cười khan, định nói: Em có tiền cũng không ác đức đi làm cái nghề sống trên thân xác người ta như chị đâu mà lo. Nhưng rồi sực nhớ. Dù sao cũng chỗ chị em hàng xóm cũ. Cũng người đưa cả cọc tiền kéo cái án thiếu trách nhiệm, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng của ba Nhím xuống thành tám năm. Cũng người dạy Nhím vừa cầm míc rô vừa lả lơi ánh mắt. Dạy Nhím cách uống, móc họng ói, rồi lại uống, để rút càng nhiều càng tốt tiền khách chi cho khoản rượu bia. Cả cách chịu đựng những bàn tay cục súc luồn lách, nắn bóp bên trong váy áo mình.
Ngày đó, Nhím có bao giờ nghiện rượu đâu. Dù có ông khách bụng bự hói đầu hay nựng yêu gọi Nhím cái tên rặt mùi cải lương kiếm hiệp “Tửu Nương”. Thảng hoặc cuối tuần hay giữa tháng, ông lại lên mượn Nhím phụ ông đi tiếp khách một lần. Lần nào về bà chị cũng tít mắt với cái bao lì xì dày cộp, không biết Nhím cuộn riêng mấy tờ xanh lét đút trong ngực áo tròn căng.
IV
“Bỏ cái gì vô đây mà tao ghiền dữ vậy mày?” – Nhím hay cười giả lả thế trước bộ mặt Hồng nhăn riết mỗi lần để mà như giằng cái chai ong óc nước xuống bàn.
Quán nhậu Hồng mở trên cái nền nhà sang lại của Nhím dạo đó. Khách nào vô cũng thấy bà chủ mặt mũi tươi dựng đon đả hỏi chào. Trừ mỗi Nhím. Vậy mà hễ cần say Nhím cứ thích lọ mọ đến tìm Hồng.
Cũng bởi Nhím biết chỉ có nó, con bạn không thích nhìn Nhím khật khưởng lè nhè, hiểu vì sao Nhím cần say trong mỗi buổi chiều lơ phơ gió. Cũng mỗi nó, bặm môi bặm lợi kéo cái thân người chân đá, chân bước liêu xiêu là Nhím vào tắc xi. Rồi chồm qua cửa kính, nhét túi áo người tài xế mớ tiền đủ cho Nhím làm một cuộc hành trình vòng quanh qua mấy con phố rồi trở về.
Lần nào say Nhím cũng đều muốn lên một chiếc tắc xi. Tài xế lái mấy chiếc đậu quanh quanh khu vực quán Hồng quen mặt, hễ thấy bà chủ quán dìu bà bạn bợm nhậu bước ra, là trờ xe ngay tới. Mười lần như một, hành trình của người khách ngật ngưỡng say mèm chỉ là loanh quanh năm ba con đường vắng hoe, nơi trễ trễ một chút lại thấy sau vài thân cây lấp ló mấy cặp chân dài, váy ngắn. Rồi từ đó xe cặp bờ đê, leo lên một cây cầu dòm xuống thấy nhấp nhà nhấp nháy những tấm bảng hiệu từ chuỗi nhà hàng, karaoke máy lạnh mới khai trương. Cũng mười lần như một, xe lên đến đầu cầu là Nhím khóc. Không gào rống lên, nức nở hay thút thà thút thít, Nhím áp mặt mình vào sát mặt kính xe. Nước chạy ròng ròng từ mặt Nhím qua một khoảng kính nhòe nhẹt y hệt dính nước mưa.
Xe quành qua khúc đường gần sát chân cầu, Nhím dính mặt mình chặt hơn vào cửa kính, mắt trân trân vào một con hẻm nhỏ xíu gần như nằm trụm lụm trong bóng kềnh càng, lòa xòa cành lá của một gốc me tây.
“Anh đón em hồi đó ở chỗ này nè, anh nhớ hông anh?”. Khi Nhím chồm lên, lèm bèm bên tai câu hỏi nghèn nghẹn cũ xì, thì người tài xế cũng biết luôn: Quay đầu xe lúc này là vừa đúng số tiền được nhét trong túi áo.
Số tiền ấy mai chiều hôm sau liền được nhét lại vô tay bà chủ quán nhậu Hồng bởi một con nhỏ đạp xe lóc cóc. Cái xe đạp chút xíu, con nhỏ người cũng chút xíu, nhưng cặp mắt lại tròn to, trong vắt trong veo.
Hồng không dám cho con nhỏ, cũng không dám kêu thôi lại bỏ trong cặp đem về, sợ nó bị mẹ cho một trận đòn. Nghĩ tới nghĩ lui, đành mua một cái bùng binh, cuộn cục đút vô. Tết Hồng đập ra, dẫn con nhỏ đi sắm sửa búa xua đồ. Thanh minh với Nhím: “Nó nhín tiền ăn sáng gởi tao bỏ bùng binh được cả mớ, thấy nể chưa?”
Nhím có hầm hè trợn mắt với con thì Hồng cũng cười nhăn riết hai bên cái sống mũi đi nâng:
“Ủa. Dì cháu tui có quỹ đen quỹ đỏ thì kệ dì cháu tui muốn mua gì thì mua chứ ha!” Sau lưng Hồng, con gái Nhím cũng cười theo hích hích.
Con nhỏ mê dì Hồng ghê lắm. Lúc còn tí tẻo đã đu dì Hồng như con thằn lằn đu cái cột đình. Bập bà bập bẹ, tiếng mẹ chưa nói được mà thoáng thấy Hồng ở đâu là giơ tay rướn cổ theo, ngọng líu ngọng lịu đòi “ồng… ồng….”
Lớn lên thì khỏi nói. Một câu của nó với mẹ thế nào cũng dính dáng tới dì Hồng ở trỏng. Dì Hồng cho con hộp sữa tăng trưởng chiều cao. Xe xì rồi con qua dì Hồng chở đi học thêm. Chủ nhật này mẹ cho con qua ngủ với dì Hồng. Dì Hồng dặn con mẹ xỉn rượu, phải kêu mẹ vô nhà, kẻo gió…
Thấy con vậy, khi không nhiều lúc trong Nhím cũng tui tủi một cách kì cục. Hồng ẵm bé Mơ cho Nhím từ nhỏ đến lớn, Hồng ôm nó chạy từ đầu này tới đầu kia mỗi lần nó ốm đau quắt quẹo, Hồng hít hà như chính mình bị đau khi xoa dầu lên những vết roi lằn đỏ chót trên mông nó mỗi lúc Nhím giận lên. Hồng thương nó y chang đã rứt ruột rứt rà đẻ ra nó. Trách chi mà con nhỏ không coi Hồng còn cả Nhím.
Nó sao biết được chuyện hồi má mang bầu nó gần ba tháng, dì Hồng còn nằng nặc một hai kêu má nó bỏ đi. Dì ghét ba nó, ghét luôn cả đứa nhỏ là nó đang nằm trong bụng.
“Ích gì! Thằng đàn ông đó đâu có quay về…”
Nhưng Nhím thì dù lúc đó hay bây giờ, khi lòng tin chỉ còn là sợi chỉ mỏng tang sau đằng đẵng những tháng ngày, vẫn tin rằng một ngày nào đó ba nó sẽ về.
Anh ta đã hứa với Nhím rằng nhất định sẽ trở về.
Quê anh ta đâu đến nỗi xa xôi gì. Hai tiếng ngồi xe đò, nửa tiếng quanh co qua những con đường đất mấp mô. Nhím tới rồi, với tụi bạn trong chuyến đi chơi hè năm học cấp 3. Nhà anh ta vách đất, bà mẹ nghèo cứ đứng loay hoay trong cái bếp nực hầm vọng ra câu bối rối:” Thiệt tình… Biết lấy gì đãi mấy cháu đây!” .
Nhím nhớ căn bếp đó, nhớ nụ cười hồn hậu trên gương mặt người mẹ quê đó. Nên lúc anh ta xoa lên bụng Nhím da đã căng căng, giọng dàu dàu: “Ở nhà điện nói mẹ bịnh. Nhà cửa thì xập xịu đâu cầm cố được thứ gì. Em đưa anh ít tiền về thuốc thang cho mẹ, sẵn nói chuyện tụi mình.”
Nhím đã dốc cạn đến những đồng tiết kiệm cuối cùng.
Căn nhà Nhím cất định làm tổ ấm cho hai đứa lên được cái móng phải ngừng vì thiếu tiền, vì cả cái viễn cảnh Nhím ra vô một mình thui thủi.
Hồng giẫm đành đạch trên nền nhà dang dở, hết chửi Nhím ngu đến khăng khăng cho bằng được: “Mày bỏ con của quân lừa đảo đó quách cho tao!”
Nhím cố cười: “Đâu! Ảnh nói mai mốt ảnh về. Chắc ở nhà mắc cái gì.”.
“Mắc cái gì hả? Mắc đến mức điện thoại cũng không nghe? Mày chỉ nhà chả cho tao. Một chuyến đi là biết hết chớ gì!”.
Tới đây thì Nhím lặng phắt, không rặn ra được tiếng nào.
Một chuyến đi… Bảy tám năm rồi Nhím không dám cất chân. Sợ lòng bị cứa thêm một vết dao, điếng buốt. Để mỗi lần se sắt gió như buổi chiều người đàn ông ấy ra đi, Nhím lại say, lại nhất định trèo lên một chiếc tắc xi nào đó. Rồi lại chỉ lẩn quẩn lòng vòng vài ba con phố cũ mèm. Hỏi người lái tắc xi cũng một câu hỏi cũ mèm.
V
Lần đó, Năm Hạnh bị Nhím níu áo, vặn vẹo bắt trả lời cho bằng được câu vốn là để hỏi người lái tắc xi.
Năm Hạnh ngó cái miệng Nhím méo xệch, ngó cặp mắt tha thiết khắc khoải nhìn Năm Hạnh mà như đang nhìn một người nào.Nghe nhói lên trong ngực lúc gật đầu: “Ừa nhớ mà. Nhớ chứ sao không…”
Thiệt tình thì Năm Hạnh có nhớ gì đâu. Biết chi mà nhớ. Chuyện Nhím khi trước với người ta. Chuyện mấy người trong chợ đồn hồi xưa Nhím làm ở cái quán dưới chân cầu. Mớ quá khứ lăng lắc đó Năm Hanh đâu thiết tha gì tới.
Năm Hạnh chỉ biết Nhím hiện giờ. Nhím ngồi chợ từ lờ mờ sáng đến xế chiều, mùi cá thấm ngược thành mùi mồ hôi, mùi nước mắt. Nhím, mẹ đứa con gái có cặp mắt trong vắt tròn xoe, hay liếng lắc chọc Năm Hạnh: “Chú Năm Cá cho con năm con cá!” mỗi lần Năm Hạnh tới chơi.
Vậy đó mà Nhím không chịu hiểu cho. Nhím nỡ nào coi lòng Năm Hạnh là một cục đá trơ lì, cứ thẳng tay mà liệng xuống những câu dai nhách lè nhè:
“Cái hẻm mình gặp nhau lần đầu còn nguyên cây me tây đó anh thấy không? Nhớ hồi đó lúc mở cửa xe thấy nhau mà hai đứa ngại gì đâu. Dù gì cũng bạn học ba năm. Thấy bộ quần áo em mặc mà anh không hỏi em làm gì, không thay đổi ánh mắt nhìn từ đầu cho đến lúc em vẫy tay chào. Thiệt lòng em ơn anh biết bao nhiêu. Vậy nên rồi em cứ nhớ anh riết, nhớ hoài…”
Nhím nhớ người ta miết miết hoài hoài ra miệng chi mà Năm Hạnh lòng dạ nát như tương. Đỡ Nhím vô nhà xong cũng hết muốn ở lại, nói chuyện giỡn chơi như mọi bữa với bé Mơ. Lầm lụi, buồn buồn đi ra cửa.
Năm Hạnh biết sao được, trên giường Nhím quay lưng cắn một vành môi, đầu óc tỉnh như sáo. Lần đầu tiên Nhím giả bộ say. Từ mai chắc cuộc sống mẹ con Nhím hết bị một kẻ quấy rầy.
Bé Mơ cứ chiều đi học về, gặp mấy thau nước đầy ứ hự lờ đờ bơi đôi ba con cá mập thù lù bên trong, là biết mẹ không có nhà.
Mẹ đi xuống quán dì Hồng.
Nó bưng tô cơm ra ngồi dưới gốc thị, tặc lưỡi một mình như bà già: “Tối thế nào mẹ lại chẳng say…”
Trong lúc nó tặc lưỡi nói câu đó thì đúng thiệt trong quán nhậu Hồng, mẹ nó đang nện cộp xuống bàn một cái ly.
Trong cái chai gần Nhím nhất, nước cạn xịt gần chạm đáy, vậy mà Nhím vẫn chưa say. Càng uống, Nhím ngạc nhiên nhận ra mình vẫn tỉnh. Tỉnh, nên Nhím cứ thấy trước mắt một cái dáng lầm lụi cúi đầu, một thân hình lêu đêu dựa cánh cửa xe đốt hết điếu thuốc này sang điếu khác. Đốm lửa đưa lên đưa xuống mà khắc khoải buồn tênh trong hưng hửng ánh ban mai.
“Con người ta ai đi được hoài trong một chuyến xe. Cái gì qua được cho nó qua. Mày say quá khứ nhiêu đó đủ rồi. Lỡ chuyến này mày nghĩ đời mình còn nhiêu sức lực để mà chờ đợi kiếm tìm. Hạnh phúc có dễ đâu đến lại hai lần…”. Tự rót thêm cho mình vào một ly rượu sóng sánh đầy, Hồng ngồi trước Nhím, mắt đăm đăm.
Chẳng biết Nhím có để tâm gì đến mấy lời từ gan ruột Hồng không mà cứ lửng lơ thả cái nhìn đi nảo nơi nào. Im lìm đôi ba phút, bàn tay Nhím lại nghiêng xuống một cổ chai.
Mùi rượu trắng tràn ra, chan chát, nồng nồng.
VI
Man mát trời, đang lui cui xấp ra ba bốn bộ bàn ghế nhựa trước quán, Hồng chợt nghe gọi một tiếng gọi lảnh lót, trong vắt đâu từ phía mặt đường:
“Dì Hồng! Dì Hồng ơi!”
Ngẩng lên, Hồng thấy có chiếc xe tải nhỏ đang chạy ngang.
Thùng xe đóng nắp mới cóng hẳn hoi, chứ không trống hoắc trống hươ như mỗi sáng sớm Hồng thấy nó đậu ngoài chợ. Từ chỗ buồng lái thò ra một cái đầu trẻ con tít mắt tít mũi cười cùng bàn tay nhỏ xíu vẫy lịa vẫy lia:
“Dì Hồng! Dì Hồng! Ông ngoại về rồi. Con đi đón ông ngoại đây!”
Tiếng con nhỏ rõ ràng là một tiếng reo.
Người mẹ đang cho nó ngồi trong lòng dòm qua cái đầu trẻ con ngúc qua ngúc lại, tặng Hồng một ánh mắt đang cười. Hồng không thấy mặt người cầm tay lái phía kia. Nhưng biết thừa, nhảy nhót trong cái nhìn chăm chú vào con đường của anh ta là muôn vàng tia nắng lấp lánh.
Xe chạy vèo qua mất mà những hạt nắng chưa thôi kết tầng lơ lửng giữa không gian, trải cái bóng lụa vàng dìu dịu lên những nóc nhà.
Buổi chiều rơi, như hơi thở nhẹ nhàng. Không chờn vợn, không có cơn gió nào xéo xắt.