Truyện đêm khuya – Tiếng sáo của sự yêu thương, phá đi mọi ranh giới, cao cả vị tha. Tiếng sáo thánh thiện, đẹp đẽ. Nó vượt qua tất cả sự tầm thường, nhỏ nhoi ích kỷ của người đời. Tiếng sáo lấn át thực tại, phủ trùm lên mọi phép tắc lễ giáo gia phong, lạc hậu, kéo người gần người hơn.
Ông Hoàng mặt đỏ gay, cơn giận bốc lên đỉnh điểm. Lần đầu tiên thấy con gái bỏ học đi chơi, ông bắt Nhi nằm sấp giữa phòng khách, vụt gãy liền hai cán chổi. Nhi không thấy đau, chỉ nghe bên tai tiếng sáo gọi bạn văng vẳng.
Và tiếng sáo hằng đêm vẫn thánh thót du dương mời gọi, nó không phải vọng từ phía bến Thổ Ngạn, tiếng sáo cất lên ngay bãi cát ven sông sát nhà Nhi. Cánh cửa vững chắc và bị khóa chặt không ngăn được tiếng sáo, nó len lỏi vào mọi ngõ ngách, bao trùm toàn bộ căn nhà. Nhi không chịu nổi, cô sẽ phá vỡ mọi cách ngăn rào cản. Tiếng sáo hứa hẹn, tô vẽ bao điều tốt đẹp ở tương lai. Ở bên tiếng sáo, Nhi thấy hạnh phúc, cô quyết theo tiếng gọi con tim.
* *
* * * *
Làng Thổ Ngạn yên bình, dân quanh năm sống bằng nghề chài lưới và trồng dâu nuôi tằm. Vào tuần trăng trước, bỗng xuất hiện một chàng trai ở thượng nguồn dòng sông xuôi về đây, người ấy tên Thi, thường đánh cá bằng mủng nên có biệt danh Thi “mủng”. Anh có biệt tài thổi sáo rất giỏi, tiếng sáo của anh khiến cô bé con ông bí thư huyện ủy tên Nhi, cứ đêm đêm lại ra ban công. Hình như lần đầu tiên trong đời Nhi nhận ra một điều gì đấy ở đời sống này.
Thúy Nhi sinh ra trong gia đình trí thức có tiếng ở bến Ngạn, cô được giáo dục một cách rất riêng biệt. Nhi sống trong nhung lụa và khuôn phép. Từ học hành, công việc, tương lai cô đều được định sẵn. Nhi ngoan ngoãn, chăm chỉ. Đống sách vở chình ình lúc nào cũng muốn nuốt sống cô bé. Nhi yêu Toán, Văn, Lý, Hóa hay các môn đó yêu Nhi?
Khoảng trời riêng duy nhất của Nhi là tiếng sáo của bà. Hồi trẻ, bà ngoại cô là diễn viên của đoàn văn công quân đội, chuyên đi biểu diễn cổ vũ các đơn vị chiến đấu dọc Trường Sơn. Tiếng sáo của bà là niềm động viên, an ủi thương bệnh binh trong những lúc ngặt nghèo nhất. Bà thường kể cho Nhi nghe rất nhiều chuyện, nhưng rất ít chuyện trong chiến tranh mà bà cô đã trải qua. Chuyện của bà là những chuyện về thế giới thần tiên kỳ ảo qua cổ tích. Nhi nhớ tất cả nhân vật, từ chàng hoàng tử cho đến kẻ thứ dân. Bây giờ, tiếng sáo đêm trùng lặp với những câu chuyện kể… Nhi tưởng tượng đến chàng Trương Chi. Bà nói rằng, trời ban cho chàng tiếng sáo nhưng nàng Mỵ Nương yêu tiếng sáo, nàng không chấp nhận dáng hình xấu xí của người đánh cá nơi bến sông.
Nhi không thắc mắc về sự xuất hiện tiếng sáo. Hằng đêm, cô ngồi đó để được nghe người nghệ sĩ vô danh thả mình vào không gian cô tịch. Với cô, tiếng sáo kia như là một món quà đêm mà dòng sông ban tặng. Bến Thổ Ngạn yên lặng trong đêm, chỉ còn lại những con sóng vỡ òa xô vào bờ lấp lóa. Chẳng hiểu sao, sau một thời gian bỗng vắng tiếng sáo – món quà đêm của dòng sông, của Nhi. Cô mỏi mòn chờ đợi, tội nghiệp! Cô thấy mình khác lạ. Nhi bỗng thương nhớ, càng về khuya càng cồn cào khắc khoải. Nhi không hiểu mình đã yêu tự bao giờ, một cảm giác cháy bỏng thiêu đốt Nhi. Đêm nay Nhi vẫn dõi sang bờ Thổ Ngạn, lòng thầm hỏi: “Trương Chi hỡi, sao chỉ mỗi tiếng sáo? Khuôn mặt chàng vì đâu không như người bình thường?”. Trong sóng nước, tiếng sáo đang ngân cao bỗng trầm xuống như thay lời đáp: “Ồ không. Thế gian nhân vô thập toàn. Trời xanh còn ghét ghen huống chi bụng dạ con người. Nếu trọn vẹn thì cuộc đời này liệu còn có ý nghĩa gì nữa…”.
– Con không ngủ đi còn đứng đấy làm gì? – Tiếng ông Hoàng sang sảng khiến cô giật mình. Cô biết cha rất nghiêm khắc, chưa bao giờ Nhi được tự do thoải mái ngay cả trong suy nghĩ và ước mơ của mình! Nhi miễn cưỡng khép cửa trong ánh mắt dò xét ngờ vực của cha. Cô thương xót Trương Chi trong tiếng sáo của bà.
Tiếng cha vẫn rành rọt: “Con gái, cha rất phiền lòng vì con trong mấy ngày qua. Sắp hết năm học rồi, cha không muốn bất cứ lý do gì làm ảnh hưởng tới kết quả học tập. Dù con có oán trách hay không, – ông Hoàng nhún vai đứng dậy, giọng dứt khoát – từ mai, con không được phép ra ngoài ban công nữa. Cha sẽ đóng chốt tất cả các cánh cửa”.
Đêm thứ năm. Phía bên kia sông vẫn chỉ vọng lại tiếng gió, tiếng sóng và tiếng lao xao. Nhi cồn cào, cô muốn phá tan sự bí bách của bốn bức tường trong căn phòng kín mít. Nhi muốn nhìn ra phía bờ sông, Nhi chán ghét cánh cửa, chúng như những tay vệ sĩ của thủy thần sừng sững chặn đứng tầm nhìn của cô. Nhi không chịu nổi, cô loay hoay kiếm tìm. Phải rồi, vẫn còn. Đó là hai ô thoáng sát trần nhà, độ cao của nó không ngăn được Nhi. Chiếc ghế chồng lên bàn học vừa đủ giúp Nhi thỏa cơn khát thèm, dù ô thoáng có bé nhỏ, nhìn ra khó khăn. Trăng mười sáu vằng vặc lấp lánh đổ ập xuống, hàng ngàn đồng tiền vàng loang loáng mặt nước. Chưa bao giờ Nhi thấy trăng đẹp đến thế. Giá lúc này tiếng sáo cất lên… Nhi còn nhớ như in lúc sắp kết thúc câu chuyện, bà bảo: “Trương Chi tuy tuyệt vọng nhưng không nản, chàng tìm mọi cách để tỏ bày tình yêu của mình”. Đúng. Trương Chi vẫn thổi, tiếng sáo vương vất ào ạt bổ vây lầu son gác tía của Mỵ Nương, tiếng sáo đau đớn rớm máu. Chàng đã vắt kiệt tình yêu, sự thổn thức tự con tim mà thổi! Nhưng Mỵ Nương không nghe thấy gì cả.
– Nhi, con đang làm điều quái gở gì vậy? – Cả cha mẹ cô đều thảng thốt kêu lên – Để mẹ gọi bác sĩ. Bà không phải gọi, mai tôi xây kín tịt là xong. Ông Hoàng chắc nịch.
Nhi lơ đãng, cô đang dồn tất cả tâm trí vào số phận bi thảm của chàng Trương. Câu chuyện dân gian có đoạn kết thảm khốc. Chàng Trương Chi tuyệt vọng ôm mối tình đơn phương cùng tiếng sáo trẫm mình giữa dòng sông trăng. Nhi bỗng thấy giận Mỵ Nương, cô cay đắng cho giọt nước mắt của cành vàng lá ngọc rỏ xuống. Người chết rồi còn bày đặt khóc lóc. Đối với cô, giọt nước mắt ấy là giả tạo, ngụy biện cho trái tim băng giá tàn nhẫn. Xưa nay thế gian toàn trọng vẻ hào nhoáng bên ngoài, có mấy ai để ý giá trị thật, đẹp đẽ trong sáng ẩn dưới lớp vỏ thô giáp xấu xí? Cô hiểu, lúc đó Trương Chi dường như không thể chịu đựng được nữa, chiếc chén lưu ly đã tự vỡ tan!
Nhi thương Trương Chi, cô yêu người thổi sáo bến Thổ Ngạn. Nhi lo lắng bồn chồn. Gần một tuần vắng lặng tiếng sáo. Anh gì ơi, sao vắng lặng hoài vậy. Em yêu anh. Em không phải là Mỵ Nương. Tiếng sáo của em ơi, hãy vút lên đi.
Nhi trốn học, cô tìm cách sang bờ bên kia. Nhi đi tìm Trương Chi của riêng Nhi. Bờ Thổ Ngạn nắng chênh chếch, bến sông vắng vẻ thanh bình. Nhi hỏi mãi mà chẳng ai biết về người con trai thổi sáo. Cả làng Thổ Ngạn không biết thổi sáo. Nhi buồn lạc lõng xa vắng. Cả tháng nay, đêm nào tiếng sáo cũng véo von thánh thót, không nhẽ chẳng ai nghe thấy ư. Hay là ma mị? Đang bần thần thì một chú bé quần áo lấm lem nhưng có đôi mắt rất sáng, thấy Nhi luẩn quẩn dò hỏi thì khẽ bảo: “Chị tìm ai? Ở đây không có nghệ sĩ nào cả, chỉ có anh Thi đánh cá hay thổi sáo thôi, anh ấy đang ở xưởng đóng thuyền cuối xóm ấy”. Nhi ngờ vực, chẳng biết người mình tìm có phải chàng trai này không? Thấy người khách còn hồ nghi, chú bé hồn nhiên kể tiếp: “Anh Thi ở mãi xóm Thượng, mới về đây hơn một tháng, anh ấy thổi sáo và hát hay lắm, mấy hôm nay mủng hỏng phải đóng mới. Chị cứ qua xem có phải người chị cần tìm không, để em dẫn đi”. Nhi hồi hộp, trống ngực đập vội vã. Phải chăng là đây, chàng Trương Chi chài lưới mà cô thầm yêu trộm nhớ bấy lâu. Chàng Trương Chi trong truyện bà kể.
Khu bãi đất rộng ngổn ngang, chỗ kia thì gỗ, chỗ này thì nan. Ngay trước mép nước có mấy con thuyền đóng dở. Máy cưa hoạt động rèo rèo chói tai. Nhi kiên nhẫn ngắm tự đằng xa, tự nhiên mất hết can đảm. Cô đến gặp anh ấy có việc gì nhỉ, người ta mà biết chắc buồn cười lắm. Có ai vượt sông với mục đích dở hơi như mình không?
– Em tìm anh hả? – Anh thanh niên bận chiếc áo kẻ xanh nhẹ nhàng hỏi.
Nhi cúi mặt lí nhí: “Dạ, anh có phải là người thổi sáo đêm dưới bến sông không ạ”
– Phải, Thi, Thi “mủng” đây. Em là …
Nhi ngước nhìn lên. Bỗng cô thảng thốt: “Ôi không”. Trước mặt cô là một người thanh niên cao ráo, thân thiện. Nhi lại hét lên: “Không, anh không phải Trương Chi”. Rồi cô quay người lại, chạy như có ai đuổi về phía bến khiến người bận áo kẻ xanh hết sức ngạc nhiên, anh cứ ngây ra vì không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao.
Nhi vội vã leo lên thuyền, hối hả giục bác lái đò chèo thật nhanh sang bờ thị trấn. Nhi không chấp nhận một Trương Chi thanh tú. Người thổi sáo trong dân gian và trong trí tưởng tượng của Nhi đã mặc định xấu xí … Anh đẹp trai, có tài kia còn cần gì tình yêu, sự cảm thông của Nhi nữa? Hóa ra câu chuyện dân gian là hoàn toàn bịa đặt. Không có chàng Trương Chi đau khổ, càng không có chiếc chén lưu li nào vỡ vụn cả.
Anh chợt thấy cô gái có gì đó rất quen, liền mạnh tay chèo, anh gọi: “Em gái ơi, chờ anh với”. Nhưng thuyền Nhi vẫn lao vun vút sang bờ. Thi ngừng chèo, anh rút cây sáo ra thổi. Tiếng sáo mạnh mẽ át tiếng sóng, không gian bốn bề ngập tràn giai điệu gọi bạn tha thiết. Thúy Nhi đã leo lên bờ, định chạy một mạch về nhà, cô không muốn gặp người trong mộng. Nhưng bất giác tiếng sáo giữ chân Nhi, cô không sao bước được nữa. Thoáng chốc Thi đã đứng trước mặt cô, ánh mắt dịu dàng trìu mến phủ toàn thân Nhi.
Từ hôm ấy, anh Thi “mủng” vượt sông sang thị trấn chăm như người làng đi chợ.
* *
* * * *
Ông Hoàng bất lực nhìn dây thu lôi sau nhà, nó cong queo bởi một lực bám rất lớn. Trên tường, vết chân người còn rất mới. Ông không hiểu vì đâu con gái mình lại nổi loạn và hư hỏng nhanh đến thế. Lúc trưa nghe cô giáo chủ nhiệm thông báo tình hình học tập của con mà lòng như xát muối. Bắt đầu từ đó, Nhi bị quản lý chặt chẽ hơn. Anh lái xe thêm nhiệm vụ đưa đón, giám sát. Liền mấy ngày, Thi không sao tìm Nhi được. Anh thắc mắc, không hiểu sao gia đình lại khắt khe với cô đến thế.
Cô trằn trọc, nghĩ mãi mà vẫn chưa ra cách gì để gặp người yêu. Chiều nay Nhi nhận được mẩu giấy của Thi từ nhỏ bạn cùng lớp. Nét chữ nguệch ngoạc, Thi nói anh bị hấp dẫn bởi đôi mắt của cô, đêm nay, Thi tha thiết muốn gặp. Nhi nằm suy nghĩ mông lung, mọi đường thoát đều bị cha vô hiệu hóa, giờ chỉ còn cổng phụ. Chợt mắt sáng lên, phải rồi, khóa có hai chìa, một theo chùm cha giữ, cái kia dưới nhà kho…
Đêm trăng êm đềm tựa bức tranh thủy mặc, dòng sông Ngàn óng ánh dát vàng chẳng khác thân mãng xà quanh co. Dưới bến, những con đò đã gác mái, dập dềnh say sưa ngủ. Gió mát quá, hàng cây đôi bờ trở mình thức giấc hưởng ứng xạc xào hát. Thi chèo thuyền ra giữa sông rồi thả trôi theo dòng nước. Ngồi cạnh Thi, Nhi thấy anh thật chân thành, cô hạnh phúc vì có anh. Nhi sẽ phá bỏ rào cản lễ giáo gia phong, cô nguyện sẽ theo Thi suốt cuộc đời. Con thuyền tự do trôi dạt, tiếng gió rào rào xô con nước vỗ vào bờ đất ràm rạp. Bầu trời như được đẩy lên thật cao, không gian rộng mãi ra khiến đôi uyên ương bé nhỏ lại. Thi lái con thuyền hướng về doi cát giữa sông, nơi có căn lều tạm và cây cỏ um tùm. Thi ngồi cạnh, mắt âu yếm nhìn cô gái. Nhi im lặng hướng về xa xăm, cô hồi hộp, trống ngực đập rộn rã.
Nhi không nhớ anh Thi đang nói gì, một lát cô thấy anh đưa cây sáo lên môi. Tiếng sáo làm cô bồi hồi, ký ức xa xưa vọng về, Nhi nhớ bà. Từ ngày bà mất, đây là lần đầu tiên cô lại được nghe tiếng sáo ngay bên tai. Nó du dương, ấm áp, cảm giác bồng bềnh trong trẻo khỏe khoắn theo từng nốt nhạc…“Thuyền là thuyền ai lơ lửng mà bên í ì kia sông. Có lòng là đợi khách í ơ hay à không í ơ hỡi à thuyền. Vì anh đây í a nhớ bạn, vì anh đây í a đợi bạn …”. Nhi buột miệng: “Anh thổi bài Đêm qua nhớ bạn đi”. Thi ngạc nhiên: “Sao em biết bài đó”. “Dạ, em nghe bà ngoại. Bà em thổi sáo và hát hay lắm”. Thi lại thổi. Nhi nhẩn nha hát theo:“Đêm í hôm qua, mình tôi nhớ bạn a lính, a lính tình tang, này a có a tôi buồn …”. Nhi ngồi cạnh Thi mỗi lúc một gần. Cảm giác âm ấm từ cơ thể người con trai khiến cô xao xuyến, gió mỗi lúc một mạnh hơn ùa vào mái tranh khiến tóc anh bồng bềnh. Trăng đã lên cao soi rõ từng viên sỏi trên lối đi, tứ bề vằng vặc đẫm ướt ánh trăng. Dưới sông, con nước hiền hòa miệt mài chảy.
Ánh trăng chênh chếch, cả căn chòi sáng bừng lên. Thúy Nhi chợt thấy anh Thi thật đẹp trai, cánh tay rắn chắc điều khiển cây sáo theo khúc nhạc uyển chuyển, điêu luyện. Nhi thấy một anh Thi hoàn toàn khác, không giống với anh Thi “mủng” vất vả xuôi ngược với tấm lưới bắt từng cái tép con tôm. Trước mắt cô là một nghệ sỹ đang sống hết mình với nghệ thuật. Bỗng tiếng sáo im lặng. Không biết tự bao giờ, Nhi nằm trọn trong vòng tay của Thi. Bất giác chiếc cúc ngực bật ra, Nhi nhắm nghiền mắt chờ đợi. Trong ánh trăng, Thi chợt nhận ra một vẻ đẹp thánh thiện từ cô gái. Nhi thật ngây thơ trong trắng. Nhi đúng là cô gái của ngày xưa. Thoáng chốc Thi chợt nhớ tới những lời tâm sự của Nhi, tới căn nhà ba tầng bên kia thị trấn, nơi đó là một gia đình quyền quý, có người đàn ông cực đoan đến hà khắc. Đời anh vấp váp nhiều, anh rất hiểu cái giá phải trả cho mọi hành động sai lầm. Giờ đây trong tay anh một trái cấm, nhưng Thi không thể … Thi cúi xuống, Thi đã đặt lên trán Nhi một nụ hôn.
Nhi nghe bên tai tiếng anh thầm thì: “Tiếng sáo hay nhất vẫn là từ cuộc sống hiện tại. Anh tiếc là không thể cho em được tiếng sáo ấy. Đêm nay anh chỉ có thể tặng em bản tình ca độc tấu sáo”. Nhi hụt hẫng, nhưng khát vọng yêu thương làm cô dạn dĩ, Nhi say đắm ôm anh thật chặt, áp đầu mình vào bộ ngực vạm vỡ của người con trai hàng chài.
Anh dắt cô về phía đầu doi cát, dưới ánh trăng dần dần hiện ra một rừng lau lách đang xạc xào trong gió, cả hai cùng ngồi xuống. Thi hiểu tâm trạng của cô và anh lại đưa cây sáo lên thổi. Tiếng sáo nghĩa tình sâu lặng khiến Nhi nhớ về câu chuyện của bà thời thanh xuân, và đó cũng là câu chuyện duy nhất bà kể mà Nhi nhớ được tiếng sáo của bà trong chiến tranh. Đó là buổi chiều khốc liệt của trận đánh, đơn vị bà tới biểu diễn hy sinh gần hết chỉ còn đồng chí giao liên Ninh bị thương rất nặng. Khi tiếng súng đã ngớt, bà cố gắng đưa người chiến sĩ ấy rời trận địa nhưng Ninh bảo: “Đừng, đừng đưa đi đâu cả, tôi không qua nổi đâu”. Rồi cố gượng nắm tay cô văn công thều thào: “Chị ơi, sáo, chị thổi đi”.
Bất giác đổ hai hàng lệ, bà vội lục ba lô, kỳ lạ thay, cây sáo vẫn còn nguyên. Trong không gian sầu thảm vương đầy tử khí, bốn bề khói cuộn nghi ngút, tiếng sáo cất lên. Đất trời dịu lại, bên sông những con sóng cũng thôi đánh vào bờ, mấy con quạ đang quàng quạc đâu đó bỗng im đi. Cả vạt rừng nén cơn đau bom đạn lặng lẽ chìm trong tiếng sáo. Người nghệ sĩ điều khiển cả không gian cùng hòa một bản tình ca chiến địa, có tiếng quê hương cùng các làn điệu dân ca tha thiết, có tiếng à ơi mẹ ru con ngủ, và vang vang từng lớp chiến sĩ xung phong. Mặt đất vần vũ, đau thương, căm hờn. Chiều tà nắng dần khuất, từng lớp mây khổng lồ sà thấp xuống mặt đất lởm chởm hố bom. Gương mặt Ninh rạng ngời, đôi mắt trong veo với cái nhìn tha thiết, người chiến sĩ trẻ nở nụ cười mãn nguyện, biết ơn. Bỗng tiếng sáo khựng lại, bà lặng mình nhận ra Ninh đã hi sinh. Bà ôm chặt tấm thân đầy máu và khói đạn nấc lên: “Ninh ơi…!”
Quá nửa đêm, Thi đưa Nhi sang bờ thị trấn, họ chia tay trong niềm lưu luyến khôn nguôi. Nhi hy vọng, một ngày nào đó tiếng sáo bên kia sông sẽ sở hữu riêng cô, chỉ có tiếng sáo là hiểu, yêu thương cô, và là động lực giúp Nhi vượt qua vấp váp cuộc đời.
Nhi nén lòng lấm lét trở về, cả nhà vẫn đang chìm trong giấc ngủ.
Mấy hôm sau, bến sông một lần nữa bặt tiếng sáo. Liền ba ngày trống vắng, Nhi hết chịu nổi, cô lại sang sông. Chú bé hồn nhiên hôm nọ cho biết, anh Thi “mủng” đã về xóm Thượng. Nhi chết lặng, những giọt nước mắt rơi lã chã. Cô thất thểu quay lại, con thuyền tròng trành, chậm chạp rời bến. Nhi trở về, cô biết giờ chẳng còn ai để tâm sự sẻ chia với mình nữa. Cha mẹ cô, tuy nuôi con bằng vật chất đủ đầy nhưng chưa một lần biết mơ ước khao khát của cô là gì. Nhi tận cùng trong nỗi cô đơn!
Vừa về đến cổng, Nhi sững lại bởi tiếng quát tháo bên trong: “Cô cút đi, đồ đĩ thõa”. Chưa bao giờ Nhi nghe giọng cha khủng khiếp đến thế, Nhi không thể tin nổi vào tai mình, cô rón rén nhìn qua khe cửa. Mẹ cô đầu tóc xõa xượi khiến cô sửng sốt. Nhi rùng mình, cô không còn nhận nổi ra mẹ mình nữa. Thường ngày, bà là một mệnh phụ quý phái, cao sang. Những gì cô thấy hiện tại chỉ là một người đàn bà tội nghiệp, dúm dó, nhàu nhĩ chẳng khác gì kẻ hành khất mà cô vẫn gặp đâu đó ngoài đường. Còn cha, Nhi càng không thể nhận ra. Ông đang đứng giữa nhà, vẻ mặt cau có giận dữ.
Hình ảnh người cha nghiêm nghị, tài ba biến mất, trước mắt Nhi là một hung thần, đang sẵn sàng thi lệnh bổ cây tầm sét xuống đầu tội nhân. Cô định ào vào nhưng giật mình bởi tiếng quát dữ dội: “Để xem cái thằng khốn nạn ấy nó rước được bao hôm”. Những phép tắc với ngọn roi thường ngày khiến Nhi khiếp sợ, cảm giác hai cán chổi vụt liên tiếp đến gãy vẫn còn như xé nát da thịt, cô run rẩy bất lực đứng chôn chân bên ngoài cánh cửa rất lâu. Bỗng cha bước ra, ông nhìn thấy con gái liền quay vào ngay. Chỉ một loáng, căn phòng cũng như chủ nhân gọn gàng như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Mẹ Nhi đón con bằng nụ cười khắc khổ, miễn cưỡng. Bà cố giấu khuôn mặt sưng húp bằng lớp son phấn lòe loẹt và mái tóc ép loăn xoăn lòa xòa.
Nhi chán nản lết về phòng. Cô nằm bất động mặc cho những giọt nước mắt chảy dài trên má. Các cánh cửa được tháo mở tự bao giờ, trên viền gỗ vẫn nguyên lỗ chỗ vết đinh sâu hoắm vừa nhổ. Bên ngoài ban công vẫn êm đềm con nước chảy, cả tiếng gió, tiếng xào xạc của khu vườn cùng tiếng xi xao của trẻ nhỏ phía Thổ Ngạn vọng lại. Nhưng Nhi không nghe, không thấy gì cả. Với cô, tất cả cánh cửa của đời cô đã bị khóa chặt rồi.
Mấy hôm nay ông Hoàng lặng lẽ theo dõi, tất cả thái độ và hành động của Nhi, ông đều biết. Tự nhiên ông thấy thương con, lòng canh cánh. Tuần trước họp phụ huynh, ông đã nghe cô chủ nhiệm chia sẻ: “Giáo dục con cái như việc nuôi nhốt chim thú là một sai lầm, hành động đó chỉ khiến con em mất đi kỹ năng sống”. Câu nói này khiến ông suy nghĩ rất nhiều. Ông nhớ thằng cu Bách con anh Hợp trưởng phòng, nó nghịch rách giời, vậy mà năm nào nó cũng là học sinh giỏi. Ông đến nhà chơi, thấy cu cậu rất hoạt bát, cái gì cũng biết, nói năng ứng xử khôn ngoan lanh lợi. Vừa rồi nó nhận học bổng của một trường danh giá ở thủ đô.
Cách đây mấy năm, khi tranh luận với anh Hợp về phương pháp dạy con, ông có ý phê bình cấp dưới về sự buông lỏng quản lý và nuông chiều con thái quá, nhưng nay ngẫm lại ông đã lầm. Ông nhận ra con gái mình rất ngờ nghệch, ngoài kết quả học tập ra thì Nhi hầu như không biết thêm điều gì. Lúc nào nó cũng tỏ ra nhút nhát, e dè, chậm chạp. Thảo nào lũ bạn đều gọi nó là Nhi “tồ”. Ông đã quyết định tháo mở tất cả cánh cửa, đục thông các ô thoáng, thậm chí còn cài thêm các chìa khóa cổng vào chùm khóa của con. Ông nghĩ, người vợ bao năm đầu gối má kề còn không giữ được thì với con, mọi sự ngăn cấm giam hãm đều là vô nghĩa.
Ông Hoàng đến sát bên con gái nhẹ nhàng hỏi: “Đã khuya rồi sao con chưa ngủ? Mấy hôm nay cửa không khóa mà con không đi chơi đâu ư?”
Nhi ngước nhìn cha nhưng cái nhìn mãi tận đâu đâu, cô nói vu vơ: “Cha có nghe thấy gì không?”
Ông Hoàng rất đỗi ngạc nhiên, cố dỏng tai lên mà không hề nghe thấy gì. Ông chạy ra ban công, chẳng có gì ngoài tiếng gió và sóng nước ì oạp. “Tiếng gì thế con?”. “Tiếng sáo”. Ông Hoàng căng tai căng óc ra mà vẫn chẳng nghe thấy gì. Song có lẽ lần đầu tiên ông cảm nhận được tiếng thở của dòng sông.
Màn sương vẫn sầm sập trùm xuống. Trời đất bao la, gió vi vu ào tới khu vườn xào xạc lá. Nhi vẫn nghe tiếng sáo vang vọng,Tiếng sáo sẽ nâng đỡ cô trong suốt cuộc đời này.
Đêm trăng cuối tháng mờ mờ ảo ảo, ngoài ban công gió rì rào mát rượi, tiếng nước vỗ vào bờ nghe ì oạp. Làng Thổ Ngạn bên kia sông vẫn im lìm. Bên tai Nhi văng vẳng tiếng sáo. Tiếng sáo nơi cô gần gũi, hòa cùng nhạc nền thiên nhiên tạo thành bản tình ca lúc thánh thót, khi trầm lắng. Tiếng sáo của sự yêu thương, phá đi mọi ranh giới, cao cả vị tha. Tiếng sáo thánh thiện, đẹp đẽ. Nó vượt qua tất cả sự tầm thường, nhỏ nhoi ích kỷ của người đời. Tiếng sáo lấn át thực tại, phủ trùm lên mọi phép tắc lễ giáo gia phong, lạc hậu, kéo người gần người hơn. Nhi gượng dậy, cô thấy nhẹ bẫng. Nhi không còn hờn giận, tiếc nuối. Tiếng sáo làm cho cô hoàn toàn đắm mình trong nỗi yêu thương.
Thúy Nhi mải miết chạy đuổi theo tiếng sáo giữa bao la và ngập tràn trăng, nước! Chỗ ấy dịch sang phía bờ tả là bụi dành dành rất lớn, đang trổ hoa trắng muốt và thơm ngát.
Trại sáng tác Nghi Sơn – Thanh Hóa, ngày 8.7.2016
TVN
Tác giả: Trương Vân Ngọc – Tổ Ngữ Văn – Giọng đọc: Hải Yến