RadioVn.Com – Chiều. Chiều nhanh. Nhanh đến nỗi vừa ngẩng lên nhìn núi, cúi xuống đã chẳng rõ bàn tay mình. Sương như hồ loãng, bến sông lạnh hun hút. Đoàn người ào ào xuống đò. Vừa phóng hết tầm mắt ra chẳng thấy bóng một người nào, thế mà giờ ở đâu ra lắm thế. Như đi ăn cướp. Gã rủa thầm. Đò này về đâu? Không ai trả lời. Kịch đường rồi, may ra sang bên sông còn có chỗ trọ qua đêm… Gã dợm chân bước xuống. Con đò oằn mình nhích ra khỏi bến. Càng ra xa, sông càng lạnh buốt. Gió rít bên tai, bao nhiêu con người ngồi cạnh nhau mà hơi ấm vẫn bay đâu cả. Gặp những lúc có xoáy nước, đò chòng chành, va vào nhau thấy giá điếng cả người. Không ai nói gì, cứ như một khối băng lầm lũi đi trên sông vậy. – Đò về đâu thế các bác? Tất thảy đều ngồi im, đầu cúi về đằng trước, người khẽ đung đưa theo sóng nước. Mặt nước đen ngòm, mấp mé, nhìn như mép đò lún cả xuống dưới. Vài giọt gió đánh bắn lên lạnh thấu tới xương. Răng môi va nhau lập bập.
[jwplayer config=”custom” file=”https://dl.dropboxusercontent.com/u/204035476/V2_24_06_22H00_%C4%91%C3%B2-%C4%91%C3%AAm.mp3″ image=”http://www.vnradio.vn/Uploads/Images/655-xin-loi-a-y-e.jpg”] Tải về
Cơn bực bội ở đâu xồ đến. Gã đứng hẳn dậy, chân nhấc chân dậm. Đò chòng chành chao đảo. Toán người hoảng loạn nghiêng bên này bên kia, cố sức giữ yên đò. – Ngồi yên. Ngã hết xuống sông bây giờ. Tiếng người lái rít lên như mũi khoan. Bốn phía sương mờ. Gã móc trong túi ra chiếc Iphone to bằng bàn tay, nhưng nó đã hết sạch pin tự bao giờ. – Nào! – Người lái đò hô hiệu lệnh. Lũ người đùn đẩy, huých lẫn nhau. Tiền đò chứ gì. Gã móc túi. Chợt ục một cái, đò rơi vào xoáy, vừa hết cảm giác hẫng thì lại đến tê rần như va phải đá. Nắm tiền trong tay gã bay lại phía sau, mất dạng. Toát mồ hôi lạnh. Gã chợt nhớ đến câu thơ tả Lưu Sa Hà trong Tây Du ký mà suốt thời thơ bé gã đọc đến thuộc lòng: “Lông ngỗng không nổi được, bông lau cũng phải chìm”. Đò chậm dần, có lúc như dừng hẳn. Gã dướn người nhìn. Tuyệt nhiên không có bất cứ mái chèo nào. – Thế ông làm sao? – Xung quanh bắt đầu có tiếng rì rầm. – Có mỗi lần con mụ vợ thằng cai xây dựng gọi tôi lên, nhưng tôi thề, vừa nhìn thấy cái váy ngủ hớ hênh của mụ tụt xuống là tôi chạy liền. – Hỏng à? Nhiều tiếng xì xào, có cả tiếng cười rinh rích. – Chả hỏng. Cũng chả điên. Mình phận “ngu cu đen”, mồ hôi mồ kê lấm lem chua lòm, vào đến căn phòng thơm phức, mát lạnh, được bà chủ trắng nhễu nhãi thèm thuồng, cũng tăng sĩ diện cái thằng đàn ông, cũng muốn tỏ bản lĩnh hùng dũng lắm chứ. Cả đời chắc gì được lần nào làm cái việc ấy cho ra làm như thế? Ở quê, mẹ đĩ lúc nào chả khê khê mùi cám, ngai ngái mùi bùn, cả mùi phân lợn phân trâu, mùi mồ hôi tắm nước phèn lờ lợ. Nhưng nghĩ đến mẹ đĩ lại thương. Nó quần quật nuôi lợn thả cá, trông con nuôi mẹ cho mình đi làm, mong chồng ra thành phố để có ngày đổi đời. Rồi nghĩ nó cũng ngu, cũng khổ. Ai bảo đi lấy thằng phụ hồ mà còn mơ ước cao sang. Giờ thành ra thế này… – Tử tế nhể. Phải tôi, tôi đã quất liền. Mỡ đến miệng mèo còn kén… – Thì tôi cũng vậy thôi. Vợ chê nghèo, bỏ đi. Uất. Thế là tối ngày say xỉn, quậy trả thù đời… Đò lại bắt đầu lấn nước, nhích lên từng chút một. Tiếng nói chuyện lúc đều đều, lúc trầm bổng, văng vẳng bên tai. Gã gục đầu vào gối định chợp mắt một lúc mà không tài nào ngủ được. Bây giờ là mấy giờ? Chịu. Bốn bề chẳng có lấy nổi một ánh sao. Điên! Gã rủa chính mình. Đang yên lành, sung sướng có người cung phụng từ tách cà phê đến cuộc điện thoại, lịch họp, lịch ăn cơm, lịch tiếp khách, bỗng dưng xách ba lô lang thang ở cái xứ khỉ ho cò gáy này. Phải. Đúng ra giờ này, gã có thể ung dung ngồi tại vị trí của mình, sai nhân viên chuyển đi một số tiền, thế là xong. Chỉ tại những giấc mơ. Đêm nào gã cũng mơ. Những cơn mơ hành hạ, dày vò khiến gã không thể nào chịu nổi. Gã quyết định đi. Gã bảo vợ đi khảo sát vài địa điểm để tính kế hoạch mở chi nhánh nhà máy tại các địa phương. Sao đi một mình, vợ gã hỏi. Trống dong cờ mở làm gì, thông tin anh nắm hết rồi, lẳng lặng đi một chuyến, coi như vi hành, thế mới chắc ăn, gã nháy mắt. Tranh thủ đổi gió luôn chứ gì. Vợ gã gặng. Đúng, đổi gió thật, không phải gió máy. Gã cười khi khí. Vợ nhìn gã, cái nhìn sâu thẳm, nhưng cũng chỉ biết thở dài. Mụ thừa biết, lời nói của mụ chả ăn thua. Chỉ sức khỏe của mụ mới khiến gã lo ngại. Con gái gã suýt mất mẹ từ khi mới lọt lòng. Bác sĩ cấm vợ chồng gã không được chửa đẻ gì nữa. Gã ngậm ngùi, nâng vợ như nâng trứng. Bị vứt bỏ bên vệ đường, gã được một gia đình khá giả – giờ chính là bố mẹ vợ gã – nhặt về nuôi. Ông bà có mỗi mụn con gái, bị động kinh từ lúc lên ba. Hai ông bà rất lo khi khuất núi, chỉ còn mỗi gã là chỗ dựa, gã mà đi lấy vợ, chị dâu nào chịu ở chung nhà với một đứa em chồng, ruột thịt chẳng phải, thi thoảng lại lên cơn co giật, khác gì nuôi báo cô? Gã quyết định trả nghĩa ông bà bằng việc xin được cưới con gái của ông bà làm vợ. Đám cưới, bố mẹ cho vợ chồng gã dăm sợi dây chuyền làm vốn. Đứa con gái đầu lòng ra đời, bố mẹ vợ tặng thêm cái sổ nhà đất sang tên cho vợ chồng gã. Rồi cứ thế, cuộc sống qua đi. Vợ ốm con đau, vài lần dây chuyền ấy cũng quy ra thành thuốc hết. Gã nai lưng gánh mọi sự trong nhà. Vợ gã sau đận đẻ, môi thâm mắt trắng, gầy như sản hao. Mãi sau có của, thuốc ta thuốc tây uống hàng vốc, lại biết son phấn ăn mặc, trông cũng không đến nỗi nào. Khổ nỗi, cứ trái gió trở trời là lại tím tái mặt mày, ngã lăn ra, co giật, vào viện nằm vài tuần. Lúc ấy, gã đôn đáo hết đưa đón con lại chăm sóc vợ, lại điều hành công ty. Có khi đang họp với đối tác phải vứt cả đấy về đưa vợ đi cấp cứu. Vì thế, gã sợ vợ ốm ngang sợ phá sản. Vì thế, chả dại gì mà làm mụ phiền lòng. Còn có yêu đương hay không lại là chuyện khác. Ôi, yêu… Gã đã từng nghĩ đàn ông như gã, vợ con có rồi, sự nghiệp bắt đầu lên như diều gặp gió rồi, suốt ngày chăm chút gia đình, công việc, làm gì có thời gian cho những điều vô bổ khác. Vậy mà, khi gặp nàng, gã mới biết, hóa ra mình còn thiếu nhiều thứ lắm mà thứ thiếu nhất là tình yêu, thứ mà bao lâu nay gã chưa biết mặt mũi, mùi vị nó ra sao… Rầm… rầm… rầm… Hàng loạt tiếng động khô khốc khiến gã giật mình, ngơ ngác nhìn quanh. Toán người cũng nhớn nhác, bám cả vào nhau như bầy kiến gặp nước. Khực! Khực! Giống như đò lướt trên bãi đá ngầm, liên tiếp những cú nảy tưng, tê rần, tê dại…. Người lái đò giơ cao tay. Con đò cũng như theo đó mà từ từ chậm lại. Mép đò mấp mí mép nước. Người lái đò cau mặt, xắn tay áo rộng thùng thình để lộ cánh tay xương xẩu khô đét búng nhẹ xuống nước.
Minh họa: Lê Anh Vân
Con đò tiếp tục lấn sóng lướt đi. Tiếng rì rầm như xưng tội lại bắt đầu. “Ai chả thích ăn thịt chó. Người có người khôn, người ngu, chó cũng có chó khôn, chó ngu. Chó ngu hay khôn gì cứ quẳng ra miếng mồi thơm lừng tẩm hóa chất Tàu vào là mũi hỉnh lên hết. Chén, đứ đừ, cho vào bao, vác đi, bán lấy tiền, ăn nhậu, sướng gấp vạn lần đi cày ruộng. Bị bắt, bị đánh hội đồng, không cho đi cấp cứu…” Câu chuyện mà gã đang nghe phải dừng lại dở dang vì đò đã cập bờ. Đám người lục tục lên. Đi qua lão lái đò, họ đều cúi gập người rồi nhả vào tay lão một cái gì đó tròn tròn màu đen to bằng đồng xu. Vẫn là đạo tặc, gã nghĩ, dù cũng có chút lương tâm. Trên bờ, một tay thanh niên với cái đầu nhuộm đỏ, cắm tai nghe, mắt lim dim, cả người cứ gật gù, giậm giật theo nhạc. Tay thanh niên rút cuốn sổ trong túi áo ra, gõ gõ vào bàn, chiếc bút xoay nhoay nhoáy vòng đi vòng lại giữa các ngón tay vô cùng điệu nghệ. Mỗi cái tên xướng lên, một người bước qua, y lại gạch một cái. Một chiếc xe bus to đùng lừ lừ bò đến, từ trong xe, một gã tay trần, trọc đầu, xăm trổ vằn vện nhảy ra, gườm gườm nhìn mặt từng người. Gã rùng mình, toát mồ hôi lạnh. Tay thanh niên ngoáy bút ngoái cổ xuống đò. Như bị thôi miên, gã lập cập bước lên. Đang lúng túng, vì chẳng biết bỏ vào tay lão lái đò cái gì, thì gã đã bị lão ẩy trở lại. Con thuyền quay mũi chở gã về bờ bên này. Đò vẫn mấp mé mép nước. Gã khẽ nén tiếng thở ra trân trân nhìn vào vô định. Lẽ ra gã không nên yêu nàng. Lẽ ra gã chỉ nên “bóc bánh trả tiền” với nàng như bao nhiêu cô gái khác. Nhưng đôi mắt hoang dã ấy. Mái tóc dày đen nhức và cả cái dáng điệu lúc nào cũng trễ nải xa xăm như còn một cuộc sống nào khác ở phía xa xôi mơ màng chờ đợi nàng chứ không phải nàng thuộc hẳn về thế giới này, cuộc sống này, khiến gã không sao dứt ra được. Nhìn nàng, gã quên đi cái cảm giác tranh giành, đấu đá cật lực vì đồng tiền bao trùm, ngự trị lên gã suốt từ lúc mở mắt cho đến lúc đi ngủ. Bất chấp gièm pha kích bác của bạn bè, gã thuê nhà, chu cấp tiền nong để nàng từ bỏ hẳn con đường cũ, để nàng chỉ là của riêng gã. Nàng không phải chân dài, nàng cũng không phải diễn viên, nàng cũng không trắng bóc, không sành điệu như các cô gái của bạn gã. Nàng ngăm đen, nàng phồn thực, nàng bản năng, nàng ương bướng đến mức bất trị. Có lúc gã thấy mình như nằm trên một cánh đồng mây bông. Có lúc gã thấy mình như được cưỡi trên một con ngựa chứng. Có lúc gã thấy mình như bị cuốn phăng theo một dòng lũ xiết. Có lúc gã thấy mình như bị bỏ rơi, nhưng cũng có lúc gã thấy mình như bị vắt kiệt đến giọt cuối cùng. Cái lạnh của sông khiến gã rùng mình khẽ so vai, co mình lại như một con sâu đang cố chui vào kén. Yêu một người khác ngoài vợ mình… Tội lỗi ư? Không, nếu chỉ có ngần ấy thì gã đã thanh thản hơn nhiều… Cái khởi nguồn lỗi lầm lớn nhất đời gã bắt đầu là khi nàng thông báo có thai. Có thêm con, điều đó gã vô cùng muốn. Nhưng liệu có phải đó là kết quả của tình yêu mà nàng dành cho gã không? Gã không dám chắc và cũng không ai dám khẳng định ngoại trừ nàng. Có thể nàng cố tình có con để ràng buộc gã. Nàng muốn nhiều hơn những thứ nàng đang có. Sự tranh đoạt từ gã đã nhiễm sang người nàng, hay nàng đã có sẵn mầm mống này từ lâu trong người mà gã mờ mắt không biết? Đó là điều thứ nhất gã nghĩ đến. Điều thứ hai gã buộc phải nhớ, đó là tính mạng vợ gã. Một khi sự vụ vỡ lở, vợ gã có mệnh hệ gì thì đến bố mẹ vợ – người gã đội ơn suốt đời cũng khó mà sống nổi. Rồi con gái gã. Rồi cả gã cũng lao đao. Một chuỗi những lí do càng xâu càng dài khiến từng sợi dây thần kinh trong đầu gã trĩu xuống. “Bỏ”, đó là từ gã thốt lên với nàng. “Không”, đó là từ duy nhất nàng nói, cho dù gã có trổ tài thuyết phục đến thế nào đi chăng nữa. Hết ngọt lại đến sẵng. Không ăn thua. Gã bỏ mặc nàng. Gã không liên quan gì nữa. Gần ba tháng sau, nàng liên lạc, bằng một số điện thoại khác. Nói con trai. Gã rưng rưng, suýt đổi ý. Nhưng đúng lúc đó gã lại đang chăm vợ ở bệnh viện. Một bàn tay xanh ngắt của vợ níu lấy tay gã, còn tay kia gã áp chiếc điện thoại vào tai nặng trĩu. Bên cạnh, đứa con gái đang ngơ ngác nhìn. Đằng sau, bố mẹ vợ sụt sùi không dám thở mạnh. Gã thẳng tay xóa số điện thoại đó đi. Cứ tưởng vậy là xong, không ngờ mấy ngày sau, một số điện thoại lạ lại khiến gã giật thót mình.
Đò đêm
Con trai gã đang chờ chết. Lần ấy nếu nàng bỏ nó, tức là nàng trực tiếp giết nó. Còn nếu lần này gã không can thiệp, tức là nó chết bởi tay gã. Vấn đề của thằng bé chỉ là tiền. Điều này thì gã có thừa. Nhưng can đảm của gã thì bay đi đâu sạch. Cứu nó, tức là nguy cơ mà gã cố gạt bỏ năm năm về trước vẫn còn đó. Mọi tội lỗi của gã vẫn có thể phơi bày bất cứ lúc nào. Và bi kịch giáng xuống sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều lần việc ỉm đi. Một lần nữa gã lại cân nhắc. Một thằng bé, cho dù thằng bé ấy nối dõi dòng giống nhà gã thì vẫn không thể nặng hơn những gì gã đang có. Đò dường như mỗi ngày một đi nhanh hơn trong dòng miên man của gã. Nàng đã bỏ đi từng ấy năm. Nàng làm gì để nuôi con? Hay nàng quay về nghề cũ? Không hiểu sao mỗi khi ý nghĩ ấy nhen lên, lòng gã lại sôi lên như lò lửa. Gã nhớ đến những cảm giác sau khi ân ái với nàng. Mỗi lần là một khoái cảm khác nhau chứ không trôi tuột đi như đơn giản chỉ là một cơn trút xả năng lượng. Thích nhất là sau khi xong, gã nằm ôm nàng từ phía sau. Nàng thở đều đều, những đường cong nhịp nhàng lên xuống, uốn lượn. Tấm lưng nóng hổi khiến nàng và gã như một khối gắn liền với nhau. Hơi ấm của nàng khiến gã như được truyền thêm sinh khí, mạnh mẽ và sảng khoái… Năm năm qua, có lúc gã đã thở phào. Gã nghĩ, mình đã cứng rắn đúng lúc. Biết không moi được gì của gã, nàng hẳn đã tìm đến một phòng khám tư nào đó. Các cô gái như nàng đâu ngại gì những chỗ này. Rồi nàng có thể về quê, lấy chồng. Hoặc cũng có thể dạt sang vùng khác. Rồi gã lại giật mình. Có thể nàng tính nước bài cao hơn. Năm năm trước đứa con chỉ là giọt máu, gã có thể gạt đi không đắn đo. Nhưng bây giờ, đứa bé là một thằng con trai, hẳn gã sẽ phải xót tình máu mủ. Gã cho người bí mật tìm đến bệnh viện nàng nói. Kết quả là những bức ảnh chụp nàng và thằng bé. Cả hai đều gầy gò lam lũ. Nàng già và sạm đen như một nông phụ. Thằng bé chính là bản sao của gã khi suýt chết đói bên vệ đường mấy chục năm trước. Đôi mắt nó, nhìn hướng nào cũng thấy xoáy những mũi dùi vào tim gã. Cái hình hài kia được tạo thành từ sự yêu thương nhưng lớn lên trong hao khuyết. Chả bù cho con gái gã, lớn lên trong nhung lụa, cái gì cũng biết, cái gì cũng đòi. Nó bảo gã: “Không sành điệu thì ai biết con là con gái đại gia”. Nhìn nó, gã biết chẳng trông mong gì sẽ gánh đỡ tiếp cơ nghiệp mà gã đang tạo dựng. Chẳng cơn cớ gì mà bao đời nay người ta cứ mong có con nối dõi. Tấm ảnh con trai và nàng, gã cất sâu trong đống tài liệu ở công ty, nhưng từng đường nét yêu dấu kia gã thuộc đến độ cứ nhắm mắt vào là hiện lên mồn một trong tâm trí. Cả ảnh chụp bệnh án. Thằng bé mang họ của nàng. Gã thấy nhói đau. Cơn đau cũng lại nhắc gã về sự hiện diện của những người bên cạnh gã. Gã không thể liều mình đánh đổi được. Chóng mặt, chếnh choáng, xây xẩm, bẫng hẫng. Gã như đang ở trong một chiếc vòi rồng. Hóa ra đò đang xoay tít. Bọt nước ngầu bắn lên mù mịt, găm vào da lạnh như vụn băng. Gã bám chặt lấy đò, thét lên gọi lão lái: – Làm sao bây giờ. Lão cứ ngồi yên thế à? Lão lái đò vẫn khoanh tay, ngồi vững như bàn thạch. Bàn tay buốt cứng đờ ra, sắp không thể điều khiển nổi. Gã sắp văng ra khỏi đò, bắn vút vào lòng sông như vật thể lạ trượt ra khỏi cỗ máy li tâm khổng lồ. – Lão làm gì đi chứ! Chẳng lẽ lão không có tim à? Làm gì đi chứ! Chẳng lẽ không có tim à? Câu nói vừa vuột ra dành cho lão lái đò không ngờ khiến lòng gã nhói đau. Câu đó, đáng ra phải dành cho gã mới đúng… Cứu đứa con? Công khai sự tồn tại của nó hay chờ bị phát hiện? Tổ chức tang lễ vợ ở bệnh viện hay ở nhà? Bỏ mặc nàng và thằng bé, kiên quyết giữ bí mật đến cùng? Ngần ấy câu hỏi cũng như những vòng xoáy xiết dữ dội, bỏ gã vào giã, nghiền, nghiến cho kì nát mới thôi. Có còn cách nào khác nữa không? Còn không? Gã nhìn xuống dòng xoáy, một ý nghĩ lóe lên. Gã buông hai tay, nhắm mắt lại, chờ được đón nhận cảm giác cuối cùng của cuộc đời. Phực. Đang rơi tự do bỗng gã thấy toàn bộ sức nặng của cơ thể treo cả trên một cánh tay. Ngước nhìn lên, giông gió mịt mùng, cánh tay gã lại treo vào một cánh tay khác, khô khẳng, gầy đét. Mũi đò chúc hẳn xuống như đứng trên một vách núi. Gã giãy giụa điên cuồng nhưng cánh tay như bộ rễ cổ thụ nghìn năm kia vẫn trơ ra. Rồi cả thân hình gã đong đưa, đong đưa, đong đưa, theo đà văng, rơi phịch trở lại đò. Lão lái đò gí sát gương mặt lạnh lẽo vào mặt gã: – Định trốn à? Tưởng chết mà dễ à. Quay về mà chịu đựng, mà giải quyết nốt đi. Giông gió tắt hẳn. Đò đi như chạy, chẳng mấy chốc đã cặp bờ. Ánh mặt trời lóe lên phía đỉnh núi đã chiếu vào mắt gã. Sương tan nhanh y như lúc đến. Lại một dòng người nữa ùa qua gã, chen chúc xuống đò. Gã rùng mình, rảo bước lên quán nước bên gốc gạo nở hoa đỏ ối. Đỡ chén nước chè nóng từ tay bà bán nước, gã uống đánh ực, bỏng môi. Trời ơi, cái nóng bỏng sung sướng! Gã bồi hồi nhìn con đò đang từ từ rời bến. Đò có mái chèo, người lái đò đang gò người ra khua cật lực. – Tôi thấy bác chờ đò từ sáng sớm, sao lại không xuống đò? Là tiếng bà bán nước. Gã tránh câu trả lời bằng câu hỏi: – Bến này là bến gì, sông này là sông gì hả cụ? – Bến này bến Lú, sông này sông Mê. – Ngày có mấy chuyến hả cụ? – Từ sáng đến chiều 9 chuyến. – Đêm không đi hả cụ? – Chết chết, ai dám đi đêm. Chập tối là tôi phải dọn hàng rồi. Không còn ai dám bén mảng đến nơi đây đâu. – Không tin cứ thử mà xem. Một tay mới bước vào quán, đón chén nước chè trên tay bà cụ, đế vào. Gã nhìn tay này qua hơi nước trà nóng, thấy ăn mặc sang trọng như một ông lớn, lúc quay ngang thì trông bặm trợn hùng hổ mà cười thầm. Gã móc chiếc điện thoại ra thấy mấy cuộc gọi nhỡ. Không cần mở xem, gã đút nó vào túi và đứng dậy
Tác giả: Hương Thị