Truyện đêm khuya Online – Khi truyền hình phát đi hình ảnh chiếc máy bay đâm thẳng vào toà tháp đôi phía bên kia bán cầu thì gã đang ngồi một mình. Cái quán trà ngoại thành lâu ngày có in từng vết dép, từng vết tay gã miết trên mặt bàn. Mọi người trong quán đều kêu lên thất thanh : Trời, khủng khiếp, thật là dữ dội. Tay giảng viên khoa lịch sử tợp một ngụm trà lớn trong tách và dự báo, đó là phát đạn báo hiệu cho một cuộc chiến tranh. Còn một người khác, nói bằng thứ giọng nửa Nam nửa Bắc vội vàng thanh toán tiền: Tôi phải về, tiếc quá vì trà hôm nay thật ngon. Ông biết không, anh bạn tôi vừa bay qua New York ngày hôm qua. Cầu cho anh ấy tránh được rủi ro. Nói rồi cái giọng pha trộn lẫn lộn giữa các vùng quê hương ấy cũng tan dần theo tiếng xe vút xa nơi đầu phố. Ông chủ quán tạt ngang qua bàn gã: Cậu thấy thế nào ? Gã vẫn không ngừng miết tay trên mặt bàn: Cháu nghĩ rằng, đó là một sự cố trong suy nghĩ của con người. Không, đừng quy chụp, anh bạn trẻ. Chỉ là của một số người. Vâng, như thế thì chuẩn xác hơn. Bác thanh toán cho cháu đi, trời cũng khuya lâu lâu. Rồi gã nổ máy ra về, chiếc Viva không biển số chạy vè vè dọc các phố. Từ các quán cà phê internet, rất nhiều người tụm đầu quanh màn hình để tìm thông tin về vụ tấn công bất chợt. Nếu là mọi khi gã cũng đang ngồi trong quán để lục tìm hình ảnh và thông tin cho số báo sớm mai. Nhưng hôm nay trong đầu gã cũng có sự cố. Gã chỉ hay bị sự cố kể từ lúc đi làm, từ lúc công việc thành bầy trẻ con nhèo nhẹo suốt ngày đòi gã phải lo ăn lo mặc cho chúng đến nơi đến chốn. Gã thường phải giải quyết dứt điểm, thường bị sếp nhắc nhở và đồng nghiệp ghen tỵ theo một thói thường nhật nhất của con người. Và cứ đến lúc ấy, cứ đến lúc lũ trẻ thả gã vào một cái hố tăm tối thì hắn vùng chạy ra ngoại thành. Gã ngồi lỳ ở đấy, ngồi lỳ trong cái quán trà buồn buồn thích hợp cho những kẻ thất tình, những kẻ ưa suy nghĩ hay cả nhưng cô cậu học trò vơ vẩn buồn nỗi buồn chưa được thực sự làm người lớn. Gã ngồi đấy, chán chê mê mỏi và thả dọc cuộc sống theo một lối nghĩ tự nhiên. Mới như hôm qua, gã là một kẻ chiến thắng đến cơ quan nhận việc. Nhưng hôm nay, khi gã hiểu ra mật đắng thì cuộc sống đã bắt đầu xoay vào nhịp bình thường, mặc cho gã vẫy vùng, mặc cho gã khốn khổ và bất ổn.
Gã đi lang thang trên phố, hàng cây sao đổ những bóng dài như những hình nhân. ánh điện loang lổ buông trùm lên vai hắn. Bất giác hắn thấy mình là kẻ lữ hành mang trên đôi vai gánh nặng của kẻ khác. Cô độc.
2 – Nhà bé tí xíu. Tầng một bốn mét, gác xép cũng tương tự. Tầng một là toa lét, một khu bếp mi ni, thêm cái bếp ga và rất nhiều mỳ ăn liền, kèm đấy là ngổn ngang những gói cà phê tan gã pha vội vàng mỗi sáng trước giờ đến sở làm. Khi chiếc xe được tống cổ vào nhà với sự khổ sở của cánh cửa quá hẹp thì dường như bốn mét tầng một đã được nêm chặt. Gã leo lên cái thang gỗ và chui vào ổ riêng tư. ổ riêng tư có một chiếc tủ lệch, cái chỗ lệch để treo quần áo còn chỗ không lệch hắn để cái máy vi tính, toàn bộ không gian còn lại là một chiếc nệm và một chiếc chăn. Mấy ông bạn thi thoảng có đến, nhậu say khướt rồi lăn lóc vào nhau trên chiếc nệm cũ kỹ đó. Lúc đó họ bắt đầu lên lớp ông em nhỏ dại. Hừ, mày kiếm tiền làm gì, mày nuôi cái thằng nhóc con hoang ấy làm gì ? Tại sao đến giờ này mà mày vẫn bình chân như vại ấy nhỉ, phải cuống cuồng lao vào tình yêu đi chứ. Lúc đó gã cười phá lên. Những ông già túng bấn, những ông già phải tùng tiệm trong cả tình yêu để gọt chân cho vừa giày ơi, tôi đã có con đường khác của mình rồi. Gã thầm nghĩ vậy. Nhưng không bao giờ gã nói vậy. Gã không bao giờ để lộ ý định của mình. Gã cứ cười ngây thơ vô số tội vậy thôi. Và cũng ngày cũng tháng đều đặn qua. Gã nhủ mình, chưa chết được.
Gã về đến nhà thì cô đã đến từ lúc nào. Chiếc ấm nước đang sôi trên bếp, tiếng vo vo vui tai. Cô đang lúi húi rửa lại những ly tách cáu bẩn cả tuần nay. Má cô hồng lên ấm áp, mái tóc mượt và dài. Cuối thu trời se se như những ngày tình yêu đang đến gần. Gã vòng tay từ sau lưng làm cô giật mình. Anh về muộn thế, em đợi anh từ chập tối. Sao không gọi điện cho anh, hôm nay có một biến cố lớn xảy ra em ạ. Có liên quan đến chúng ta? Không hẳn thế, thôi nào, có gì cho anh ăn không đây? Gã thường vậy. Và cô biết không nên hỏi thêm. Cô đưa cho gã ly trà Tà Phìn và một chiếc bánh ngọt. Cô đã mua nó từ chiều và không muốn nhìn thấy gã trong vẻ đói mệt bơ phờ thế này. Có lẽ mai em sẽ đi tìm cho anh một cái nhà mới, khả dĩ hơn. Không cần đâu, anh sợ một không gian quá rộng. Em bỏ hắn ở nhà một mình lâu thế à? Vâng, hắn say sưa cùng lũ bạn, một lũ choai ấy mà, chúng chưa có khái niệm gì về gia đình đâu. Thế sao em lại lấy hắn? Vì em cần phải thế. Vì em yêu anh. Gã cười, nhìn cô trong chiếc áo màu xanh trời. Anh sợ em sẽ kiệt sức đấy. Không, em có anh rồi. – Anh không giúp được gì nhiều cho em, đó là một yếu điểm. Em không cần gì cả, em sống bằng những gì em nghĩ, thế thôi. Họ ngồi trên tấm nệm chít, mùi nước hoa xịt phòng quá đậm, không gian nhỏ hẹp bỗng hơi ngột. Nụ hôn với gã lúc nào cũng vậy, là lạ, say mê và lẫn lộn trong hoảng sợ. Gã cuống quýt, vội vàng. Khi chiếc khuy áo cuối cùng đã bật tung ra, hắn chợt thấy những vết xước trên ngực cô. Những vết móng tay. Tội lỗi. Gã khựng lại rồi bật tung cửa sổ. Trên cao những vòm cây vẫn loang lổ ánh đèn. Và xa hơn, sâu hơn, những vì sao đêm đang nối nhau thành những hình thù kỳ dị, đẹp mê mải. Cô bảo, anh không cần thương hại em đâu. Cuộc sống của em thế, đã từ lâu rồi. Gã bảo, không, anh phải đưa em về. Cái thằng mất dạy! Cô níu tay gã, không, hãy để em tự lo cuộc sống riêng của mình. Em đã đủ tự tin để giải quyết mọi chuyện. Thế là cô ra về. Đêm đã rất khuya. Chiếc Chaly bé nhỏ vè vè trên đường. Cô độc. Một lúc, như bừng tỉnh, gã vội vàng phóng xe theo sau. Cô dừng lại, lấy chìa khoá mở cửa. Trong nhà phát ra tiếng nhạc lộn xộn rẻ tiền. Rất ồn ào. Cô khép cánh cửa màu nâu xỉn. Lại im lặng. Khép lại cả rồi. Sau cánh cửa ấy là cuộc sống của cô và đứa con trai của hắn. Sau cánh cửa ấy cô đã thành thiếu phụ. Thiếu phụ nhốt sau cánh cửa màu nâu xỉn. Thiếu phụ tuổi hăm hai.
Gã lại đi lang thang, tự dưng không muốn về nhà nữa.
Qua cầu Chương Dương, gã ngồi trên thành cầu nhìn ra sông Hồng mênh mông sao đêm. Sông như một mái tóc đen thẫm dài miệt mài. Gã đã từng cùng cô ngồi trên cầu thế này, cô hay nhìn ra phía những ngọn đèn xa tắp. Em sẽ là Rose, còn anh là Jack, nào anh cầm tay em đi. Như thể chúng ta đang đứng trên boong tàu Titanic. Ngày đó sao mà đẹp, nhưng nó ngắn ngủi như những giấc mơ hiếm hoi của gã. Lúc nào gã cũng nghĩ đến ngày tháng đó. Chỉ tiếc nó không thể trở lại, nó không bao giờ thuộc về gã cả. Ngày đó sao gã không mạnh mẽ hơn, không quyết liệt hơn. Ngày đó hắn thực sự chẳng có gì. Tình yêu vốn không dễ vượt qua những ngáng trở, nhất là nó lại mang cái bản chất mong manh cố hữu của tình đầu. Nhưng gã đã cùng cô sống hết mình. Ngày cô lên xe hoa, gã mang đến những bông hồng sũng nước. Con đường đưa cô dâu mới mênh mang làm sao, những đứa trẻ ngồi cạnh chú rể cô dâu tung lên những mảnh kim tuyến li ti lấp lánh. Đẹp thật, tất cả như những cuốn phim mực thước của Hollywood. Gã phải gửi chiếc xe mini cà tàng tại nhà bạn và lên đường cùng anh xe ôm. Anh ta cười, cậu bị cô ta “đá” phải không? Nào biết ai đá ai ? Cô nhìn gã qua màn voan mỏng. Cô đẹp và u buồn. Đôi mắt đen thẳm như hai dấu chấm. Chú rể thỏ non ngáo ngơ cười bên cạnh. Và cả hai đại gia đình hể hả. Đẹp đôi. Môn đăng hộ đối. Gã đi cùng cô đến khi cánh cửa màu nâu khép lại. Gã quay về, bó hoa sũng nước nằm im lặng trước thềm nhà. Gã khóc, như một đứa trẻ đầy tội lỗi.
Một tháng sau ngày cưới, cô đến nhà gã thông báo tin vui. Gã im lặng nhìn những con chữ đen thẫm trên nền giấy, những dòng chữ đầy triết lý về cuộc đời. Hôm nay gã phải thi môn đạo đức học. Cô bảo, anh phải cười vui đi chứ, tình yêu của chúng mình cơ mà. Em có biết em sẽ rất vất vả không. Anh hay nhỉ, hạnh phúc của em đấy chứ. Anh cứ cười lên, có phải em đến ăn vạ anh đâu. Biết thế, nhưng gã không mấy tự tin khi đặt tên cho thiên chức của một người đàn ông có con. Gã chưa nghĩ được điều này. Khi ấy gã mới mười chín tuổi. Một hình nhân lòng khòng như cây sậy và đôi kính cận đục lờ. Nhưng lúc đó cũng như bây giờ, chưa khi nào cô nói thôi yêu gã. Chỉ biết thế, chứ làm sao cắt nghĩa được người ta yêu nhau vì lẽ gì. Ngày cô sinh con, gã linh cảm có điều gì bất thường đang diễn ra. Khi ấy, gã đang đi thực tập. Từ một đầu rất xa thành phố, gã rón rén gọi điện thoại về cho cô. Gã phải nhờ cô bưu điện nhấc ống nghe. Một lúc sau cô mệt mỏi hỏi, ai ở đầu dây đấy ạ ? Gã run rẩy, em phải không, anh linh cảm có điều gì đó bất thường. Vâng, em sinh con… Vâng, con trai. Đẹp như một bức vẽ. Gã nghẹt thở. Niềm vui dấm dúi qua ống nghe. Thế nó sẽ tên là gì, em ? Tên nó là Thiều Quang! Thiều Quang? Vâng, anh có nghĩ nó rất đẹp không? Anh không biết, lúc này anh chẳng nghĩ được gì cả. Tiếng nó khóc đấy phải không? Thôi anh dập máy đây, mai anh gọi lại. Anh không thể nói gì lúc này em ạ.
Hàng ngày gã chờ đến 3 giờ chiều. Khi ấy cô sẽ ôm con ngồi bên máy điện thoại. Và gã gọi điện, mặc cho chồng cô gằn hắt và say rượu từ sáng tới chiều khi thằng con sinh ra không có nét hình của bố. Gã hỏi thằng bé thế nào rồi? Là câu hỏi ấy thay câu “em thế nào rồi” khi yêu nhau. Thằng bé biết bò, biết vịn thành xe đẩy rồi biết đi. Hôm mẹ dẫn nó đến nơi bố bảo vệ luận văn, thằng con khúc khích cười. Nó lên tặng hoa cho bố, nó vọc vạch nói, cháu chúc mùng chú. Gã ôm lấy nó, bạn bè vây quanh gã, bảo chụp hình kỷ niệm đi. Bức hình ấy khá đẹp, thằng bé có hai chiếc răng cửa toe toét cười. Cô bảo, em nói đưa thằng cu về nhà ngoại chơi. Lâu rồi, chồng em mải đi chơi với bạn, cũng không để ý đến nó nữa. Chồng em bây giờ toàn ngủ lăn ngủ lóc ở đâu ấy, có về nhà cũng sặc sụa mùi rượu và lăn ra ngủ. Có hôm người ướt sũng, nôn mửa ra toàn thịt chó với mắm tôm. Em lại phải dọn làm thằng cu khóc váng nhà… Gã bảo, anh nên làm gì ? Cô điềm tĩnh, anh lo công việc của anh đi. Em kể thế không phải để than khổ, là em nói để mà nói thôi. Em có cuộc sống của em. Và em cần anh như vậy. Làm sao mà gã điềm tĩnh đón nhận sự sắp đặt của cuộc đời như cô được ?!
Ra trường, gã lang thang tìm việc. Người ta nhìn gã với vẻ mặt thương hại. Làm sao có thể kiếm được công việc cho ra hồn giữa ngồn ngộn người, ngựa xe áo quần và đủ thứ tiện nghi cũng như phẩm chất cơ quan họ đưa ra kia chứ. Nhiều đêm mò mẫm trên đường về nhà, gã muốn trốn khỏi mặt đất cho đỡ cơn buồn chán. Thất nghiệp. Gã sống dựa vào những món tiền còm, đâu đó người ta đăng một bài báo hay một cái đoản văn. Gã muốn thoát khỏi điều đó. Và gã nghĩ mình phải đi.
Ngày gã lên máy bay đi làm thuê xứ người cô không đi tiễn được. Thằng cu bị sốt phải vào bệnh viện. Gần như gã bật khóc. Con người đa cảm trong gã vùng sống dậy. Gã đứng tần ngần đó, mặt dại đi, thèm cháy lòng một cánh tay giơ lên vẫy. Và máy bay từ từ cất cánh. Gã cảm nhận rất rõ mình đang rời xa những điều nhỏ nhặt và rất đỗi thân yêu.
Đi! Đi tìm đôi cánh nâng lên những khát vọng. Đi! Đi cho quên dần những ám ảnh u buồn. Chiếc máy bay hôm ấy ném gã đến miền đất lạnh và hai năm sau gã mới gói gọn được cuộc đời mình cho một chuyến trở về. Hai năm. Cuộc sống mới với những biến động mới trên một đất nước xa lạ làm hắn nhiều khi sợ hãi đến rùng mình. Nhưng hắn biết mình phải quen. Và giữa băng tuyết, gã đã đi qua những mối tình chớp nhoáng. Những mối tình sa đoạ trong rượu vốt ka mạnh và tiếng cành cây lép bép cháy trong lò. Nó trôi vuột trong nhịp sống hàng ngày và gã đã quên hẳn câu chuyện đó trong một suy nghĩ thoáng qua. Nhưng gã cũng không ngờ, để về sau nó là cái cớ để xoá đi tất cả những gì gã cố công giữ lại. Gã miên miết ra về. Phải về thôi. Về để gây dựng lại những khát vọng đã cụt cánh.
Về. Điều đầu tiên gã nghĩ đến là báo cho cô biết. Khi ấy thằng cu đã ba tuổi. Nó nói mẹ nó đi với bố rồi. Bố mẹ đi đâu con có biết không? Cháu không biết, đó là chuyện người lớn. Gã vịn vào chiếc xe chở hàng, thở dốc. Gã lại về con phố cũ rích của mình, tìm bà chủ nhà cũ. Bà đã cố công dọn lại cái nhà kho cho gã ở đến bây giờ. Còn khi ấy, bà mừng rỡ nắm tay gã như gặp lại đứa con trai. Gã tính đến thăm cô ngay, nhưng rồi ngần ngại. Gã đi lênh tênh trên phố, những bông hoa sao rơi nhẹ trong gió chiều. Và một chiếc Chaly vè vè sau chân gã. Là cô. Gã há hốc mồm, nhìn người phụ nữ một con hai mươi mốt tuổi, mặn mà và xinh đẹp. Sao em biết là anh về ? Em linh cảm điều đó. Linh cảm ? Anh đã gọi điện từ sân bay, nhưng Thiều Quang nói hai vợ chồng em đi rồi. Vâng, chúng em đi hoà giải ở phường. Cũng không có gì đáng nói cả, tất cả là cuộc sống riêng của em. Anh khoẻ chứ ? Anh già đi nhiều. Anh sẽ làm gì vào những ngày tới ? Làm gì à ? Anh sẽ kiếm một mái nhà và đi làm báo. Công việc anh yêu thích thì anh sẽ phải theo đuổi. Anh không muốn lãng quên điều gì.
Gã không lãng quên điều gì. Nhưng điều tưởng cố quên được thì lại hiện về đúng lúc gã không ngờ nhất. Gã nhìn người đàn bà có mái tóc vàng hoe và đôi môi màu rượu chát. Gã gặp lại bà ta trong quán rượu. Và tất cả lại bùng phát trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ. Không có tình yêu nào hiện hữu ở đó, chỉ có sự đụng chạm của hai thân xác thiếu vắng sự âu yếm vỗ về. Sự cuồng loạn trong hắn như một sự trả thù. Rồi mệt mỏi, gã ngủ lăn lóc. Và sáng mai tỉnh dậy, gã thấy cô đang đứng đó, kề bên là khăn bông và nước lạnh, lo lắng và vỗ về. Gã biết mình đã mất đi khá nhiều. Mất mà không thể nói. Gã im lặng ra về. Thua cuộc. Gã nhìn lên những con dốc, thấy sức mình có hạn mà dốc sao quá dài. Những cuộc tình như thế trôi đi theo nỗi ám ảnh tuyệt vọng và những hoài niệm buồn. Một khi nó quay về chỉ làm gã đau buốt. Nhưng gã thấy khó chui ra khỏi tổ tò vò. Cô bảo, em rất buồn, nhưng em không cản đâu. Anh đã khuyên em rất nhiều điều hay rồi. Anh tự khuyên mình một lần đi. Gã không nói gì, mắt gã chú mục vào đêm. Hôm ấy trời cũng thật nhiều sao, những hình nhân xếp trên thiên hà, đẹp mê mải.
3 – Gã khéo léo gửi thân được vào một toà soạn. Người ta nhìn gã với ánh mắt khó hiểu. Một thằng cha chưa già nhưng đầy sương gió, hắn sẽ khuấy động bầu không khí tĩnh lặng của một tờ báo phân phối. Rồi đơn kiện, rồi giải quyết khiếu nại…, tất cả sẽ rất rùm beng. Gã sẽ nổi tiếng đây. Và người ta xét nét gã. Thằng cha này, tại sao hắn lại đi làm thuê cho nước ngoài ? Sao hắn lại chấp nhận lăn lóc như vậy khi hắn đã cầm trong tay một tấm bằng cử nhân? Hắn là con ông gì, bà nào mà lại đơn giản vào cái cơ quan phân phối chỗ ngồi này ? Tất cả… Cái vòng xoáy tròn của những cuộc chuyện nơi phòng ban cơ quan làm gã bắt đầu thấy mệt. Thằng cha này, hắn có một thân một mình, việc gì lại phải thương hại. Sức vóc có, khả năng có, quen lăn lóc rồi, có trù dập hắn thì hắn cũng không chết được kia mà. Người ta quan tâm đến cái cô gái mảnh mai mỗi buổi sáng đứng trước chiếc gương cổng cơ quan để tô lại son trên đôi môi bóng loáng và dịu dàng vào phòng nộp hai cái tin nguồn gốc rất… có vấn đề. Hay người ta quan tâm đến cái ông già kia, đã có quyết định hưu rồi nhưng vẫn hăng tiết vịt đi viết bài chống tiêu cực, bị chúng nó đe doạ cho về xanh mặt lại hậm hự với anh em đồng nghiệp ở cơ quan. Hay chuyện một cô sồn sồn rồi nhưng lại chưa có một mảnh tình vắt vai, bị treo bút mấy tháng vì đạo bài, sáng nào cô cũng đến cơ quan, leo từ tầng một lên tầng tám, vào mỗi phòng mấy phút, hỏi thăm người nọ, gằn hắt người kia và mỗi ngày cô sẽ tự hoàn thành “chỉ tiêu” của mình là phải gây gổ bằng được với một đứa cộng tác viên mới. Đại loại thế. Và gã, gã đi trên một cái dây. Không lùi được. Phải tiến, bằng tất cả sức lực. Cùng rất nhiều những điều đau đầu khác. Nhưng phải đi.
4 – Luôn rình rập đâu đó trong cuộc đời gã những biến cố dập dồn. Gã không thể nghĩ được điều gì khả dĩ khi cả thành phố nóng lên bởi những thông tin hàng ngày về một cuộc khủng bố vào Nhà Trắng và nguy cơ một cuộc tấn công mới, đặt an ninh thế giới vào mức báo động cao. Những câu chuyện vặt vãnh không còn thu hút mấy người rỗi việc ở cơ quan, người ta nói nhiều về Bin Laden, về những lực lượng súng ống vũ khí đến tận răng đang tấn công hàng ngày vào vùng núi đá Apghanistan. Và gã hay lên quán trà ngoại thành hơn. ở đó người ta hay nói đến những nguyên nhân và dự báo những biến cố mới. Vẫn những gương mặt cũ và vẫn góc ngồi hoen gỉ của gã mọi khi. Rồi người ta thấy một đám thanh niên tiến lại. Chú rể non tơ hất hàm nhìn gã. Từ từ hắn tiến lại, tôi muốn nói chuyện với ông, ông nhà báo dởm ạ. Vâng, cậu muốn nói điều gì ? Muốn nói gì, thằng chó, mày là thằng chó, mày đã đem mọi bất hạnh đập vào đầu tao. Này, anh bạn, có lẽ chúng ta phải đấm nhau đấy. Mày thách tao phải không? Mày thách tao thì tao cho mày biết… Gã biết mình sẽ chiến bại. Nhưng gã có niềm kiêu hãnh của một con người. Kết quả của những trận đòn hội chợ ấy khiến hắn thành một bệnh nhân. Ngày ngày nằm trên giường, hắn nhận ra cuộc đời mình sao phù du, sao lỡ cỡ, không khớp được với mảnh đời nào. Cô không đến thăm gã được. Hình như cô bị quản thúc rất chặt. Gã không lấy đó làm buồn. Thời gian cô và gã gần nhau chẳng có bao lăm. Nhưng gã vẫn hạnh phúc và cô chưa bao giờ thấy tình yêu của gã dư thừa và nhàm chán.
Cho đến khi chiếc điện thoại réo lên khúc nhạc Hồ Thiên Nga quen thuộc, gã biết cô đã làm một việc vượt mọi ngáng trở rồi. Em không phụ thuộc ai cả, em sẽ đến với anh. Rồi em sẽ đi… Vâng, không ai có quyền giữ nó lại. Nó là của em, của riêng em. Cô đến, áo màu xanh biêng biếc và má trắng hồng. Hai mắt cô long lanh nước. Và thằng cu, chững chạc như một cậu trai thực thụ. Nó mới năm tuổi chứ mấy. Nhưng nó bảo, chú bị ốm thế này chắc là chẳng đi được với mẹ con cháu đâu. Gã gượng ngồi dậy. Cháu đi à? Cho chú đi cùng đi. Thằng cu lắc đầu, chú nên ở nhà. Cô ngồi nhìn gã, rồi cười. Anh có biết trận đòn này với anh rất xứng đáng không. Em đã bao biện cho anh rất nhiều lần, nhưng nếu em là hắn em cũng làm như vậy. Đó là lòng tự trọng. Gã hỏi, em đi thật à. Cô nheo mắt. Vâng, em đi đây, đi về nơi ấm áp. Thế mà em lại bảo…? Vâng, em không muốn mọi thứ đóng kín lại sau rất nhiều biến cố. Em yêu anh, nhưng anh đã không còn là của một mình em nữa. Hãy cứ là thế này, dễ nhìn nhau hơn. Để mà sống nữa. Gã nhìn hai mẹ con cô khuất sau cửa phòng bệnh. Thế là cô đi thật. Bóng người thiếu phụ hăm hai tuổi đổ dài. Một lần nữa gã biết thêm vị nước mặn mòi tràn nơi khoé miệng. Mặn chát. Gã vẫn độc thân.
Tác giả: Dương Bình Nguyên – Giọng đọc: Minh Nguyệt
Từ khóaDương Bình Nguyên Minh Nguyệt truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …