Bài nổi bật

Đèn Không Tắt Sáng – Ma Văn Kháng

RadioVn.Com – 
“Con cháu thì mỗi năm một lớn lên, còn bà thì mỗi năm một già đi, rồi trở thành người thừa ra rồi. Đông đứng dậy, bỗng nôn nao vì một câu nói dường như bâng quơ của bà mẹ. Thật tình là Đông đã bị bất ngờ từ lúc bà cụ bắt đầu vào câu chuyện kể về lũ trẻ mỏ nhà bác Huấn. Giờ thì Đông hiểu. Một ánh hồi quang phóng chiếu những kỷ niệm buồn vui của đời người đã lóe sáng trong tâm thức mẹ và cuối cùng dẫn đến điểm tập kết là một nỗi buồn nhè nhẹ của một kiếp nhân sinh sắp mãn cuộc. Sắp đi qua rồi một cuộc đời dằng dặc những buồn vui sống động vô cùng giản dị mà thiêng liêng tốt đẹp xiết bao.”
Thật ra thì vẫn là sự thường tình quen thuộc. Vì bà cụ Vy chẳng đã từng nói, rằng tao có nhiều con nhiều cháu, đó là cái lộc trời cho, tao phải hưởng cho hết chứ. Và thông lệ là tuy ở hẳn với vợ chồng Nam, anh con trai thứ hai, nhưng cứ dăm bữa nửa tháng là bà lại chẳng lên thăm vợ chồng anh con út đó sao? Rất quen thuộc thôi cả cái dáng đi ở tuổi bảy mươi hai rồi mà đâu có thong dong, mà cứ cắm cắm cúi cúi, đôi khi liêu siêu vẹo vọ của con người có cái số vất vả lo toan. Thì cũng là thường tình thôi cái kiểu tay xách nách mang, những là túi vải to nhỏ quàng lưng, đeo vai, những là làn nhựa, làn mây cầm tay, những đồ đoàn lỉnh kỉnh bà cụ mang theo.
“Khổ! Mẹ mang những gì mà lắm thứ thế này? Ối, lại có cả một con mèo con! Sao mẹ không bảo bác Nam gọi điện cho anh Đông con mang xe đi đón? Để con xách đỡ cho nào?” Giấu cái nhìn ái ngại vì nhận ra có điều gì khang khác với thông lệ, miệng nói, Phong đã nhanh nhẹn giành lấy tất cả, túm gọn trong hai tay, phăm phăm đi trước. Còn bà cụ thì xắm nắm theo sau, vừa đi vừa kể lể phân bua. Rằng thì là tao có chân tao khác đi. Vả lại xe buýt xe ôm bây giờ rất sẫn, khỏi phải phiền hà con cái. Rằng thì là mèo mướp nhà bác Nam đẻ bốn con. Hai con mèo nhung. Một con tam thể. Một con nhị thể. Con tam thể này ăn được cơm rồi. Có con mèo nhà cửa nó mới vui vẻ, ấm áp, trẻ mỏ nó mới thuần hoà tính nết. Còn những thứ linh tinh lang tang ở mấy cái túi vải này là cho thằng Tu Ti nhà này và mai kia lên nhà bác cả Huấn thì cho con Hồng, con Hải, thằng Tuấn. Ở ngoại thành cái gì cũng dễ mua. Măng khô này. Lạc củ này. Đậu đen này. Trám tươi này. Cả mật ong rừng nữa. Gì cũng có!
– Lại còn cái gì nữa thế này, mẹ!
Đặt cái làn nhựa nặng trịch xuống sàn nhà, nghe tiếng cái vung đất đổ nghiêng, cạch một tiếng đùng đục, Phong ngẩng lên, hơi ngạc nhiên kêu. Và bà cụ liền cúi xuống, hóm hém cười:
– Cá nục kho! Vợ Nam nó bảo đem lên cho cô chú, cái Lương thằng Tu Ti ăn thử. Nó học đâu được cách kho cá ngon thật đấy! Chả có mùi tanh cá biển gì sất. Mà miếng cá ăn vừa thơm vừa bùi vừa ngậy như cá hộp, mẹ Tu Ti à!
– Thế anh chị Nam và hai cháu hồi này thế nào rồi, mẹ?
– Bác Nam được trên cho đi học chính trị dài hạn nên cũng nhàn hơn. Hai đứa trẻ lớn rồi, đứng đắn hẳn. Thằng Tiên biết nhặt rau quét nhà rửa bát. Còn cái Khánh thì sắp cai sữa rồi.
Bà cụ ngừng lời, đón cốc trà atixô cô con dâu út đưa, ngẩng lên nhìn quanh:
– Cái Lương dáng chừng về quê chơi với bà ngoại? Còn thằng Tu Ti đi nhà trẻ tối mới về, hả? Nó biết nói nhiều chưa?
– Cháu nói thành câu rồi, nhưng chậm mồm chậm miệng lắm. Lại còn ngọng líu ngọng lô nữa, bà ạ.
– Lầm lì sì ra khói là cái họ Đinh nhà mình đấy. Xưa bố Đông nó cũng vậy. Thế bố nó hồi này có phải đi động luôn không?
Người đâu sao thiêng thế! Bà cụ vừa nhắc tới tên, máy mắt nhìn ra cửa, đã thấy Đông, con trai út cao to nghễu nghện đội cái mũ bảo hiểm, dựng cái xe Hucky đánh cạch, bước vào chật ních cả khuôn cửa, cất tiếng gọi mẹ. Nghe trong tiếng gọi mẹ của chồng có chút nao nức và ngỡ ngàng, Phong đang lấy dây vải buộc con mèo con vào chân giường liền ngẩng lên. Chị bắt gặp ánh mắt nao nao như dò xét của Đông lướt qua gương mặt mẹ. Chút cảm giác khác thường của chị về sự xuất hiện của bà mẹ chồng gờn gợn ngay từ phút đầu tiên gặp gỡ như bắt gặp sự đồng cảm ở Đông.
Đông trút cái mũ bảo hiểm tròn thu lu và nặng nề, ngồi thụp xuống cạnh mẹ. Cử chỉ như muốn làm cho khuất lấp cái vóc dáng đồ sộ của mình bên hình sắc mẹ còm cõi, bé nhỏ và xác xơ. Thế đấy, gương mặt bà cụ dẫu đang trong trạng thái hào hứng vẫn thấp thoáng dấu hiệu tiều tụy, mệt mỏi hơi bất thường, nó biểu hiện ở đôi mắt nhờ nhệch, bàng bạc ánh nhìn, chỉ có thể nhận ra bằng cảm giác ngờ ngợ.
– Sáng nay toà soạn mất điện, con xin nghỉ lên thăm bác Huấn. Cũng đỡ hơn trước rồi. Học kỳ vừa rồi, cái Hồng đạt sinh viên xuất sắc, cái Hải và thằng Tuấn đạt học sinh giỏi. Bác gái… xem ra cũng nguôi ngoai tí chút rồi. Còn mẹ, hồi này còn bị ho nhiều không?
Câu chuyện từ nhà bác cả Huấn gợi lại nỗi đau về sự mất mát của bác trai hồi đầu năm, đột ngột chuyển đề tài. Và Phong đang định đi xuống bếp sắp bữa cơm chiều, đã phải dừng chân quay lại. Chút ngờ ngợ, ái ngại, phong thanh của chị kể từ lúc đón bà cụ đến thăm, lại như được một lần nữa xác nhận là có thật. Đông đã diễn tả chính xác nỗi niềm ấy của cả mình và vợ bằng động tác đột ngột nắm lấy đôi cổ tay mẹ rồi ngửa đôi bàn tay để đỡ cho hai bàn tay mẹ mỏng mảnh, gầy gùa như hai phiến lá; trong khi cặp mắt sâu trầm nhiễm đầy lo âu gần như đọng lại như muốn tìm kiếm nét khác thường về thể tạng và tâm thần đang bị giấu giếm trên gương mặt hốc hác của bà mẹ. Còn bà cụ thì ngay lập tức như  giẫy ra khỏi tay con trai, bai bải chối bỏ:
– Mẹ dứt hẳn cơn ho dai dẳng rồi! Bác sĩ chiếu điện xong, vỗ vai bảo: Cứ về ăn ngon ngủ yên bà lão nhé. Mỗi bữa mẹ ăn hai bát cơm đầy có ngọn nhé. Chỉ có điều, hồi này răng lợi kém quá. Vợ Nam nó phải mua cái kéo. Bữa ăn thịt cá rau, cái gì cũng phải cắt nhỏ ra mới ăn được.
*
Nhưng mà bữa chiều nay thật tình là bà cụ mới và được lưng cơm đã kêu no rồi. Và buông đũa bát xuống, lập tức thanh minh, chống chế rằng vì vừa nãy, trước khi lên đây vui miệng ăn khúc sắn dây vợ Nam đưa cho nên mới thế. Chứ mọi ngày, mẹ ăn là không biết no cơ. Nhất là có cá nục kho như bữa nay. Cũng chẳng thể ép bà cụ vì lúc ấy trời đã ngả tối, Phong đã đón thằng Tu Ti  năm tuổi từ  trường  mẫu giáo về. Và sau câu chào bà ngọng nghịu theo bảo ban của mẹ, thằng bé và bà cụ lập tức như dính lấy nhau, như gắn nhựa. Rõ máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đó chưa!
Thế đó, máu mủ ruột rà cũng có khác. Và bây giờ là bản độc thoại, lời nói chen lẫn tiếng nấc của bà. Bà kêu: Ối, em Tu ti của bà! Bà thương em! Bà quý em! Thế em có nhớ bà không? Em có nhớ bà chứ nhỉ! Nức lên từng hồi nghẹn ứ, từ lúc như giằng lấy thằng bé từ tay mẹ nó, bà cứ rung rinh liên hồi nó ở trên đôi tay gầy  gùa nhỏ bé của mình. Trong bà như vừa có cuộc hoá thân. Bà bỗng trẻ ra. Bà bỗng khoẻ lên, gầy còm bé nhỏ thế mà thằng bé phục phịch như ông phỗng cứ như tênh tênh trên tay bà. Bà xoay mặt nó ra phía trước để xem cho rõ mặt thằng chó con của bà. Bà áp vào má nó hít hà hàng thôi hàng hồi. Rồi lại âu yếm hỏi han, nựng nọt yêu chiều. Rằng thì là ở trường mẫu giáo mỗi bữa em ăn mấy bát cơm? Rằng thì là bà kho nồi cá nục cho em và chị Lương ăn đấy. Bà đem cả con mèo tam thể lên để nó chơi với em nữa kia. Rồi sau cái điệp khúc. Ối, em Tu Ti của bà! Bà thương em! Bà quý em, lại là những lời kể lể ríu ran. Nào là lần này bà sắm cho em hai cái quần đùi, hai cái áo phông in hình cầu thủ Rônanđô. Bà mua cho em một cái ô tô chạy bằng pin. Mà em có thích không, bà cho chị Lương một đôi khuyên, còn em, bà cho em một cái lắc vàng ba đồng cân nữa đây này? Một thác ngôn từ độc thoại. Một suối nguồn dào dạt yêu thương. Chằm bặp, vồ vập cứ như là cả năm cả đời chưa hề được gặp nhau. Cứ như là có gì có thể là trút hết cho nhau. Cứ như là chẳng bao giờ còn có cơ hội được sống bên nhau nữa rồi!
Cho tới lúc thằng Tu Ti ngả đầu vào vai bà, mắt gà gà, bà liền vội tậc tậc lưỡi khốn thương em, khốn thương con chó con của bà và ngả người thằng bé vào lòng mình. Trời vào phần đêm với tiết thu muộn lành lạnh cùng sương bay lăn tăn ngoài sân nhà. Thời tiết như tạo bối cảnh xum họp gia đình. Đông và vợ ngồi ở bàn nước. Bà cụ bế thằng cháu nội ngồi ở trên giường. Ti vi không bật. Im ắng chạy suốt căn buồng rộng để bà tiếp tục câu chuyện về những người con người cháu của bà.
Bà nói: Thằng Tiên nhà bác Nam nó khảnh ăn lắm. Nhưng hồi này ở với bà thì cũng đã khá hơn rồi. Vừa rồi tăng được hai cân. Vì mỗi ngày bà nhồi cho nó đủ hai quả trứng, hai xâu thịt nướng, một lạng giò, hai bát canh rau. Còn cái Khánh, buồn cười, đang nửa đêm cho con bú, mẹ lại phát đánh bộp một cái vào mông con, quát: “Nhả ra, ai bảo mày cắn tí tao!” Ai đời con bé mới  năm tháng tuổi đã mọc răng! Hoá ra là nó mọc nanh, bà phải lấy kim khều mãi mới hết. Phong kêu: Thằng Tu Ti nhà con chín tháng tuổi còn chưa mọc cái răng nào. Thế là chuyện chuyển sang nhà Đông. Bà bảo: Tao phục mẹ Phong đấy. Đàn bà mà gan. Đưa con Lương đi mổ ruột thừa ngày ấy mà bình tĩnh như không. Chẳng bù bố Đông. Thấy tao hớt hải vào bệnh viện tìm cháu liền ôm chầm lấy tao, mếu máo: “Mẹ ơi, mẹ giúp con!”
Thấy Đông im lặng, bà cụ quay sang hỏi chuyện bác Huấn. Đông mới nói được vài câu, bà cụ đã nước mắt chan chan, nói từ ngày bác cả Huấn mất, nghĩ thương con dâu đầu còn xanh tuổi còn trẻ mà đã phải chịu cảnh goá bụa, chẳng đêm nào mẹ không trằn trọc. Đông chưa kịp an ủi mẹ, bà cụ đã đưa khăn lau mặt và nức nở: “Ông An ơi, ông sống khôn chết thiêng, ông phù hộ cho tôi được tai qua nạn khỏi, mạnh chân khoẻ tay, để sống với con cháu thật lâu ông nhé…” Nghe trong giọng mẹ có nỗi thảng thốt và hoang mang cực độ, Đông bỗng  rờn rợn gai ốc cả hai cánh tay và lạnh buốt dọc sống lưng.
*
Thể chất vạm vỡ mà tình cảm thì yếu đuối uỷ mị vô cùng, Đông bỗng như ngập chìm vào bóng đen của nỗi khiếp sợ cố hữu vừa trỗi dậy. Mê mụ đi trên chiếc ghế tựa mấy phút, rồi choàng thức trong bàng hoàng, anh có cảm giác như vừa đi đâu xa lắm trở về. Căn buồng rộng sáng trắng ánh điện đêm. Giường bên hai bà cháu ôm nhau ngủ, phăng phắc bình yên trong một hình tượng gắn liền không ly cách. Dưới bếp lập loè ánh đèn vàng nhờ. Con mèo con đang nhỏn nhẻn ăn cơm trong cái bát nhựa cạnh chân tủ lạnh. Phong đang gằm mặt trên cái mẹt lớn với các gói bọc rúm rím khi nãy bà vừa mang lên cho.
– Em chia ít lạc, ít đậu để ngày mai nhân thể anh đèo bà lên thăm bác Huấn…
Nghe trong giọng nói của Phong có chút cay sè nghèn nghẹn, Đông liền chột dạ ngồi xuống cạnh vợ. “Có chuyện gì xảy ra thế, em?” Hai con mắt trầm cảm của Đông là thứ ngôn ngữ vô thanh. Và hình như không chịu đựng hơn được, Phong đã đứng dậy, đi ra cửa bếp, với cái khăn mặt ướt dăng trên sợi dây phơi. Chắc là Phong đã gọi điện xuống nhà bác Nam và thế là chẳng ai giấu được ai nữa rồi. Bà vừa đi khám bệnh, đi chiếu điện tim phổi về. Và bác sĩ ghé tai Nam bảo: Thôi, khỏi phải chữa chạy. Đưa cụ về. Cụ thích ăn gì cho cụ ăn cái ấy nhé! Bất nhẫn quá, nhưng chả lẽ cuộc gặp gỡ này hoá ra là để mẹ con mình vĩnh viễn chia tay nhau? Đông nghĩ, chống tay vào đầu gối đứng dậy.
– Phong à! Gia hệ bên mẹ anh, như định mệnh, chẳng ai vượt qua được tuổi bảy mươi hai cả…
Đông đã ra đứng cạnh vợ ở cửa bếp. Mưa đêm thu. Giọt hiên giỏ tóc tóc đứt nối như tiếng nói thầm vừa bật ra không thật hơi của Đông. Run rẩy, quay lại Đông nhận ra hai cánh tay Phong vừa giang rộng vòng qua lưng Đông, xiết về phía mình, một vòng ôm riết róng và êm ái.
– Anh ơi – Hai mắt đỏ hoe, Phong ngẩng lên, thút thít: Anh à, sinh ra con người, sinh ra tình yêu, rồi bắt con người phải ly cách nhau vĩnh viễn, sao ông trời độc ác thế! Lúc này, em cũng như anh thôi. Em yếu đuối, em sợ hãi quá.
Trong vòng tay Phong, Đông run từng hồi và nghẹn ắng. Anh thì có cứng cỏi gì. Bố anh mất khi mẹ anh mới hơn ba mươi bảy tuổi. Một mình mẹ góa bụa, với công việc vất vả của một người lao động chân tay, chắt chiu từng đồng bạc nuôi năm anh em anh, săn sóc hai ông bà nội già yếu. Mẹ đã khóc khô nước mắt hai người em anh, một hy sinh ở chiến trường Quảng Trị mùa hè năm 1972, một  mất tích ngoài biển khơi Phú Quốc một lần tầu đánh cá Quốc doanh gặp bão tố.
– Phong à. Em có biết anh nhận ra mình thương mẹ da diết hơn bao giờ hết từ lúc nào không? Từ cái hôm an táng bác Huấn trên nghĩa trang Yên Kỳ ấy. Lúc hạ huyệt bác cả, anh nghe thấy một giọng phụ nữ ở hàng mộ khu kế bên cạnh trong một hơi hờ dài: Ối mẹ ơi. Giờ con hiểu được lòng mẹ thì mẹ chẳng còn nữa. Thương nhớ này biết thuở nào nguôi…Và anh run lên bần bật từ cõi lòng thăm thẳm. Trời! Cái cuộc đời khủng khiếp và tàn nhẫn này. Mỗi người chỉ có được một khoảng thời gian  rất ngắn ngủi để sống cạnh những người thân yêu nhất của mình thôi, em à.
Vừa hết câu, nghe tiếng động bên giường mẹ và thằng Tu Ti, Đông vội quay lại. Bà cụ đã ngồi dậy đang ém chăn cho thằng cháu nội, rồi đưa tay lên quấn lại vành khăn trên đầu:
– Khuya rồi, sao hai vợ chồng chưa đi ngủ, mai còn đi làm chứ.
– Mẹ nằm ngủ với cháu  đi. Để con lấy thêm chăn nhé!
Phong săn đón. Bà cụ lắc đầu:
– Đủ ấm rồi. Mà này, thằng Tu Ti ngủ có lúc nghiến răng đấy. Mua cái lưỡi lợn cho nó ăn, mẹ Lương à. Rồi đưa tay che một cái ngáp nhỏ, bà cụ chẹp miệng: Mà nhắm mắt để đấy chứ có ngủ được đâu.
Đông ngồi xuống cạnh mẹ:
–  Để mai con đi cắt mấy thang thuốc an thần cho mẹ.
– Vẽ chuyện! Thuốc thang gì! Ngủ cả đời rồi. Nay nằm nghĩ ngợi vân vi, có lúc thấy buồn cười thật!
– Chuyện gì thế, hả mẹ?
Phong sán ngay đến vì nghe trong giọng nói của mẹ chồng thấy có âm sắc là lạ. Là lạ thật vì thấy hai con mắt bà cụ bỗng  lơ lẻo như mắt trẻ thơ. Và giọng nói thì thật sự là hết sức trong trẻo và vui vẻ:
– Nằm nhớ lại mới thấy trẻ  mỏ mỗi ngày một lớn một ngoan ra thật. Đấy, cái hồi vợ chồng bác cả Huấn mới từ Lạng Sơn chuyển về đây, lít nhít ba đứa con trứng gà trứng vịt, mẹ lên trông nom giúp, sao mà mới đây với đây mà đã năm bảy rồi.
– Hồi ấy, cái Hồng lớn nhất mới mười hai. Còn cái Hải, thằng Tuấn…
– Đứa lên chín, đứa lên bảy. Đứa nào đứa nấy cũng lồng hổng, mải chơi lại còn ương nghịch nữa. Bố Huấn nó tiếng là dữ đòn chúng cũng chẳng sợ. Bà lên ở với nó sáu tháng trời hò hét mỏi cả mồm cũng chẳng ăn thua. Ngày nào cũng như ngày nào, đi học về vứt sách vở đây là tót đi chơi. Hết đàn đúm trò chuyện, đá bóng, nhảy dây, lại ô ăn quan, tam cúc. Hồng ơi, bát đũa ăn từ buổi sáng không rửa! Bố mày về thì cái mông mày không ăn mấy con lươn từ cái roi kia thì tao chớ kể, con ạ. Cái Hải đâu, rửa tay xong vòi nước không khóa, để nó chảy long tong là thế nào? Mà đứa nào nhóm bếp dầu để nó cháy đùng đùng thế kia! Trời sắp mưa rồi, không lên sân thượng cất quần áo đi, Tuấn ơi. Mặc! Réo gọi chúng mỏi cả mồm mà chúng vẫn coi như điếc. Có khi lại còn cãi lại nhem nhẻm. Nhất hạng là cái Hồng. Bà  giỏi thì bà đi làm đi! Nhắc lần thứ hai thứ ba, rằng thì là mày đi chơi, để gà vào bới bếp thế kia, bố mày về thì mày dừ đòn đấy, nó liền dậm chân, quát: – Điếc tai! Bà hãy lo cho cái thân của bà đi! Bà chỉ lắm mồm!
Đông và Phong cùng phì cười. Bà cụ cũng bưng miệng cười theo.
– Thế thì thế nào con Hồng cũng ăn đòn của bác Huấn.
Phong đón lõng. Bà cụ hóm hỉnh:
– Còn phải kể. Tối ấy, chính là bọn trẻ con hàng xóm mách bố mấy đứa. Bố nó mới gọi Hồng lại, và giang tay cho một cái tát vẹo cả mặt. Là chị cả mà đầu têu cho các em hư theo, hả? Bà sợ quá, vội xin cho nó. Bố nó bảo: Bà cứ để con dạy nó. Không nó không thành người.
– Bố nó nói thế là đúng đấy bà ạ.
Phong chen vào câu chuyện. Bà cụ nhủm nhỉm:
– Xin cũng chẳng được. Bảo với mẹ chúng là thôi tha cho chúng, chúng non người trẻ dạ, chưa biết điều hay lẽ phải thì vào bữa, vừa bưng bát cơm lên, mẹ chúng đã đặt xuống, ôm mặt khóc ời ời. Cái Hải hỏi: Tại sao mẹ khóc? Thì mẹ nó nói: Tôi khóc trước để khỏi khóc sau, có hiểu không, hở lũ bất hiếu bất nghĩa  kia! Bây giờ, chúng bay còn hỗn, còn vô ơn với bà thế. Hỏi rằng sau này, ai dám đảm bảo: con cháu chúng bay sẽ không đối xử với tôi như chúng hiện đang đối xử với bà? Hỡi thằng Tuấn kia! Mày bây giờ bằng sào bằng gậy, mày dám ngoạc mồm ra thách đố bà, mày có biết lúc mày lên sáu tuổi, mày bị đau ruột thừa, tao và bố mày đi vắng, nếu không có bà cõng mày, lội trong mưa gió hơn cây số đến bệnh viện cấp cứu, thì mày còn được đến  bây giờ để hỗn láo với bà không? Còn con Hồng, con Hải, nỏ mồm cãi lại bà kia! Chúng bay biết ba đứa sinh ra, đứa nào cũng qua tay bà tắm rửa, bế ẵm, ru dín, chăm lo cho từng li từng tí không? Mày dám bảo bà lắm mồm. Thế lúc bé mày khóc lóc ỉ eo suốt ba năm trời vì ốm đau sài đẹn, ghẻ lở kềnh càng khắp người, ai là người ru mày ngủ, dỗ dành mày qua khỏi những khi đau đớn, hả đồ vô ơn bạc nghĩa! Sao lúc ấy mày không bảo bà im mồm đi cho mày khỏi điếc tai, hả con ranh con. Hừ, mày có biết cái hồi đói kém, bà phải bán cả chiếc nhẫn của hồi môn của bà để mua thêm khoai sắn độn vào cơm để nuôi bố mày với lũ chúng bay không?
– Thì đúng là tám chín đứa cháu nội của bà có đứa nào không qua tay bà bế ẵm nâng niu. Rồi bà còn đặt ấu danh cho nữa. Bà dí dỏm ghê cơ. Thằng Tuấn bà đặt là Tê Tê. Cái Khanh là Hiu Hiu. Thằng Hòa nhà mình  là Tu Ti. Cái Hồng giờ sắp ra trường, thành cô giáo mẫu giáo rồi, bà nhỉ?
Phong ngắt chuyện. Bà cụ gật đầu, chuyển giọng trầm trầm:
– Hai mươi tuổi rồi. Kể lại chuyện cũ, nó ngượng ngùng bảo: Hồi ấy cháu hư thế thật, hả bà? Thế đấy.  Con cháu mỗi năm một lớn lên, còn bà thì mỗi năm một già đi, rồi trở thành người thừa ra rồi.
Con cháu thì mỗi năm một lớn lên, còn bà thì mỗi năm một già đi, rồi trở thành người thừa ra rồi. Đông đứng dậy, bỗng nôn nao vì một câu nói dường như bâng quơ của bà mẹ. Thật tình là Đông đã bị bất ngờ từ lúc bà cụ bắt đầu vào câu chuyện kể về lũ trẻ mỏ nhà bác Huấn. Giờ thì Đông hiểu. Một ánh hồi quang phóng chiếu những kỷ niệm buồn vui của đời người đã lóe sáng trong tâm thức mẹ và cuối cùng dẫn đến điểm tập kết là một nỗi buồn nhè nhẹ của một kiếp nhân sinh sắp mãn cuộc. Sắp đi qua rồi một cuộc đời dằng dặc những buồn vui  sống động vô cùng giản dị mà thiêng liêng tốt đẹp xiết bao. Ôi, mẹ hiền, một bóng hình nhỏ bé và thầm lặng yêu thương nhung nhớ và xót xa! Ngập trong xúc động đến nghẹt thở, Đông quay đi, hai mắt đã cay xè.
– Thôi khuya rồi, mẹ nằm nghỉ đi. Để con bế thằng Tu Ti vào buồng .
– Cứ để nó ngủ với bà.
– Năm tuổi rồi thức giấc còn đòi sờ ti mẹ, bà à.
– Con cháu nhà này đứa nào chả thế. Cả cái tật ngủ nghiến răng nữa.
– Bà cụ  chép miệng vui vẻ, rồi tung cái chăn đơn đắp lên mình:
– Ừ thôi, mẹ cũng buồn ngủ rồi. Mai chắc cái Lương về nhỉ. Lâu không gặp  cháu thế mà nhớ nhớ là. À, Đông cứ để đèn sáng nhé. Để đứa nào ngọ nguậy thức giấc còn biết dậy để ru dín nó. Bao năm nay ngủ đèn quen rồi mà.
*
Mọi cái chết đều bất ngờ. Căn bệnh hiểm đã được y học hiện đại tiên báo không sai. Bà cụ Vy mất lúc ba giờ sáng. Cũng là lúc Phong thức giấc do linh tính báo hiệu. Năm giờ sáng cả đại gia đình gồm nhà bác  Huấn, vợ chồng Nam, và cả nhà Đông đã có mặt, kể cả cái Lương. Cái Lương tóc tai rũ rượi, ôm chầm lấy bà nức nở: Bà ơi. Thế mà cháu không biết bà lên chơi. Cháu không được gặp bà bà ơi. Phong nói trong nước mắt: Đêm qua bà còn nhắc đến con đấy. Rồi Phong phủ phục bên cạnh mẹ, hờ một hơi dài xót thương: Mẹ ơi. Hôm qua mẹ còn lên chơi, mẹ đi cắm cúi, mẹ mang cho chúng con bao nhiêu là quà, cả con mèo tam thể nữa. Đêm qua mẹ còn vui vẻ tỉnh táo trò chuyện, thế mà bây giờ mẹ lại bỏ chúng con mẹ đi.
Bạn bè, cơ quan, hàng xóm đến thăm viếng ngập nhà. Đông hai mắt đỏ hoe, nhưng để diễn tả sự ra đi đột ngột của bà mẹ, đã rành rọt kể lại tất cả những câu chuyện mẹ anh đã nói đêm qua. Các ông già bà cả nghe vậy đều gật gù: Sinh, Lão, Bệnh, Tử là bốn cái dấu mốc mọi người đều phải đi qua. Riêng bà cụ vì ăn ở phúc hậu, đạo đức vẹn toàn, nên Trời bỏ qua khúc đoạn Lão và Bệnh.
Ý tưởng nọ xem ra có lý. Và do vậy cái chết của bà mẹ dẫu có đau buồn, nhưng đã giảm thiểu đến tối đa vẻ bi lụy cố hữu. Thực là như thế. Vẻ bi lụy đã phôi pha nhiều. Vì trong tiếng khóc xót xa của Phong là toàn bộ hồi ức được kể lại của Phong, là tất cả câu chuyện Phong đã nghe bà cụ nói đêm qua, trước lúc bà đi về nơi vĩnh hằng. Và như vậy, còn lại trong tâm ức con cháu và mọi người là ảnh hình một bà mẹ chan chứa tình yêu thương, hóm hỉnh, mạnh mẽ sinh động, tràn đầy cảm hứng giữa cuộc đời. Như một ngọn đèn cháy bằng một năng lượng không hề biết đến lụi tàn. Một năng lượng vui sống và yêu đời bất tận. Một ngọn đèn không bao giờ tắt sáng!
 Tác giả: Ma Văn Kháng – Diễn đọc: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *