Bài nổi bật

Day Dứt – Trần Quốc Quân

RadioVn.Com – Vừa nghe May rụt rè trình bày ý định ra chợ bán hàng, Thích sừng sộ: “Mày không kiếm được việc nào tử tế hơn à? Chường mặt ra đường thế, mày không thấy xấu hổ à? Cứ chịu khó đợi, tao tìm việc cho!”. Hôm sau đi làm về, chưa thấy mặt đã nghe Thích hớn hở: “Cái May đâu? Tao tìm được việc cho mày rồi. Hết ý con bà Tí nhé!”. May nín thở chờ đợi.
Thích cười tít mắt: “Một nhà hàng cần bồi bàn. Nể tao là chủ tịch ba hội đoàn, chủ quán mới tuyển mày, lương tháng năm trăm đô. Sướng nhé”. Nghe May xì rõ to, Thích cau có: “Ê! Con này làm cao. Mày chê việc hay chê tiền”. Việc thì May chẳng chê nhưng lương tính ra ít quá. Quần quật chạy bàn cả tháng không bằng nhẩn nha bán hàng chợ một tuần. Thích cụt hứng trong nỗi thất vọng tràn trề của May.
Tối nay May xin thêm lần nữa, nếu Thích vẫn không đồng ý thì từ mai May cứ lên chợ bán hàng. Trước tiên May sẽ bán hàng thuê. Khi nào đủ vốn, May sẽ tự làm riêng. May không thể vì anh Thích mà bỏ lỡ cơ hội đổi đời.
Nghĩ vậy, nhưng May thấy day dứt quá. Bởi chính anh Thích đón May sang đây.
Đi làm về, linh cảm bầu không khí như điểm lặng tâm bão, Thích mềm mỏng khác thường: “Anh chỉ muốn tốt cho em. Nếu em không đồng ý, anh chẳng ép”. Nói xong Thích vào bếp, lôi cuộn tiền năm nghìn đô bọc nilon, giấu trong lọ mỡ đưa cho May: “Em cầm số tiền này làm vốn! Bao giờ kiếm đủ trả anh cũng được”. Mạnh mẽ là thế, vậy mà May phải giơ tay quệt nước mắt.
Bỗng Thích đổi giọng: “Này! Mày lúc nào cũng phải nhớ, tao là chủ tịch ba hội đoàn, không được làm điều gì xấu mặt tao đâu đấy!”.
May bỏ nguyên một ngày lượn khắp chợ Sân vận động tìm mặt hàng. Cân nhắc kĩ càng, May chọn đồ lót. Cái Đào, bạn cùng làng chỉ cho May đến chỗ Tình Ngọt, một chủ lớn đánh đồ lót để mua hàng tận gốc. Ba giờ chiều chợ đã đìu hiu. May tất tả đến khu Nhà Gỗ kịp trước khi quầy Tình Ngọt đóng cửa. “Thương hiệu” Tình Ngọt ngộ nhỉ. Chữ Ngọt gắn sau tên Tình là từ hảo ngọt mà ra, May nghe người đời rỉ tai thế. Ông chồng nhà ấy đầu hói bóng, người lùn tịt, háo sắc lắm, May thấy thiên hạ đồn đại vậy. Thoa thêm lớp son lên môi, ngắm lại dung nhan, May hài lòng rảo bước.
Đang đóng gói hàng, thấy May tần ngần đứng trước quầy, Tình Ngọt dừng tay vồn vã mời vào. Không đợi May hỏi, Tình Ngọt liến thoắng giới thiệu mặt hàng. Ngắm các mẫu xi lip, xu chiêng, pyjama, váy ngủ bày đầy trên sạp, May tin mình tìm trúng ổ lớn. Ngó vào gian trong, thấy vợ đang mải đếm tiền, Tình Ngọt tiến sát May hít hà. Mùi nước hoa phảng phất lẫn mùi đàn bà khiến gã ngây ngất, chực đổ vào người May.
Mải vung tay hứa với May sẽ “giao hàng trước lấy tiền sau”, Tình Ngọt không biết Thần Giông Bão đứng ngay sau lưng. Nghe tiếng “E hèm!”, Tình Ngọt giật mình nhớn nhác. Tránh ánh mắt gườm gườm của vợ, bỏ mặc May, gã lủi ngay vào gian trong. Ánh mắt hai người đàn bà cùng quét lên người nhau từ chân lên đầu rồi dừng lại. May dửng dưng, trong khi vợ Tình Ngọt nảy lửa.
Vừa nghe May thản nhiên giới thiệu mình là em anh Thích chủ tịch ba hội đoàn, vợ Tình Ngọt nhe hàm răng hô toe toét đon đả. Áp tai vào khe cửa, thấy vợ hứa với May sẽ “giao hàng trước, lấy tiền sau”, Tình Ngọt bưng tay bịt chặt mồm.
May có ông anh “chủ tịch ba hội đoàn” thật lợi hại. Lại thêm tướng mặt tròn, mắt sáng, mũi cao, mồm rộng, môi dày, mày đậm, May được các chủ hàng tin cậy lắm. Năm nghìn đô Thích cho mượn chỉ đủ mua hàng, không đủ thuê quầy. Máu liều thuở nào nổi lên, May “nhảy dù” vào chỗ trống giữa ngã ba đường, trải giường, căng ô, bày hàng. Bảo vệ công ti quản lí chợ đành thu tiền chỗ, làm ngơ cho May đứng bán.
Mua tận gốc, bán tận ngọn, chi phí thấp, vị trí đẹp, hàng ngày May giao hàng đếm tiền mỏi tay, người quay như chong chóng. Tối về nhà, May đổ tiền thành từng đống trên sàn, rồi ngồi bệt xếp, đếm, cất. Đi làm cả ngày, sợ trộm cạy cửa nên cứ dư tiền May lại trả dần cho Thích. Lúc cầm trong tay khoản nợ cuối cùng May đưa, Thích băn khoăn: “Ơ, con này! Mày vay tiền để trả tao đấy à?”. Nghe May nói đó là số tiền làm ra chỉ trong một tháng bán hàng, Thích ngạc nhiên: “Thật không thể tin nổi! Rất may, dạo ấy mày không nghe tao”.
Có duyên với nghiệp buôn, cộng thêm tính liều lĩnh, May ném hết tiền kiếm được vào vòng quay. Gặp lúc thị trường cung không đủ cầu, hàng về đến đâu bán hết đến đó, May giàu lên như diều gặp gió. Từ cô xã viên đội chăn nuôi hợp tác xã, May sải những bước dài tới danh hiệu triệu phú đô la.
*
Tiền rất nhiều nhưng lạ một điều là chẳng ai chịu gọi May là Soái!
Một thứ bảy, Đào ào đến nhà May lê la. Đang dán mắt lên màn hình xem phim Hàn Quốc, bỗng nó quay sang May: “Ê! Tao bảo này! Tiền mày vừa tiêu vừa phá ba đời không hết, kiếm làm gì nữa? Theo tao, mày nên làm thứ gì khác đi!”. May ngơ ngác: “Thứ gì? Với tao chẳng thứ nào cao quí hơn lao động kiếm tiền”. Đào gạt phắt: “Mày đúng là trọc phú. Lợi phải đi đôi với danh mới sang. Bọn đàn ông bỏ tiền mua tiên, thì mày bỏ tiền mua quyền. Bây giờ phải cho bọn cùng lứa biết, mày lúc nào cũng nhất quả đất.”
Ngày xưa đi học, May chỉ làng nhàng tốp giữa nhưng đều đặn mỗi năm một lớp. Bỏ học năm cuối, May xin vào đội chăn nuôi hợp tác xã, làm đúng sở trường yêu thương súc vật. Phận đời đưa đẩy, nhiều đứa ngày xưa giỏi hơn May, ngoan hơn May cũng “tìm cửa” sang Ba Lan. Bây giờ bọn đấy nhìn May như nhìn mặt giời vời vợi trên cao. Cái Đào lại khích, muốn có chức phận ghi vào cạc vi-dít dọa thiên hạ thì “dứt khoát phải làm chủ tịch hội, hội nào cũng được miễn là có thành viên”.
Nghe Đào khuyên, May thích lắm nhưng vẫn phân vân. Cái Đào đoán ra ngay: “Mày chường mặt ra làm chủ tịch Hội, ông Thích đứng đằng sau chống lưng, sợ gì” .
Kế hoạch “phải làm chủ tịch hội. Hội nào cũng được miễn là có thành viên” của May đang từng bước trở thành hiện thực. Vừa rời cuộc họp trù bị về nhà, May nhấc ngay điện thoại gọi Thích nhờ thảo giúp điều lệ. Thích bảo, phải có tên hội mới viết được. Thích còn dọa thêm: “Đặt mỗi cái tên không xong thì chủ tịch gì”. Chuyện đặt tên hội cũng khiến May day dứt quá.
Ban đầu May đề xuất tên Hội Đồng hương Hà Nội. Nhưng dân Hà Nội hầu hết là người tứ xứ, đất ấy đâu phải quê của họ. Hà Nội là địa phương không có đồng hương. Cái Đào đề xuất tên “Câu lạc bộ những người yêu qúy Hà Nội”. Một chị tóc nâu môi trầm trông rất “Hàn Quốc” bác bỏ: “Mấy chữ những người yêu qúy nghe loằng ngoằng bỏ mẹ. Dân ta ai chả yêu quí Thủ đô. Đặt tên thế, người lào vào cũng được”. Bên dưới có tiếng lao xao: “Ớ! Người Lào vào cũng được thì thành Hội Đồng hương Đông Dương à?”. Đem chuyện đặt tên hội tâm sự với Thích, Thích băn khoăn: “Nhiều thành viên trong đó có chủ tịch nói Hà Nội thành Hà Lội. Đặt tên thế không ổn!”.
May hoảng, năn nỉ Thích nghĩ giúp cái tên khác. Tư lự một hồi, chợt Thích buột miệng: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Rồi Thích reo lên: “Ơ! Chuẩn con mẹ nó rồi! Câu lạc bộ Tràng An! Hà Nội ngày xưa là Tràng An mà”. Đầu đằng này May buông máy, nhảy chân sáo khắp phòng.
Thế là cái tên Câu lạc bộ Tràng An được thông qua, giải tỏa nỗi bức xúc cho số đông thành viên không thể uốn lưỡi nói l thành n.
*
Một thứ bảy khác, cái Đào lại ào đến nhà May lê la từ trưa tới tối. Đang nằm trên đi văng cắn hạt hướng dương phun vỏ vương vãi khắp sàn, cái Đào chợt xoay người về phía May thủ thỉ: “Mày ngày xưa yêu chó lắm, sao không nhân cơ hội này lập mẹ ra Hội những người yêu chó. Mày không nhanh tay, để đứa khác lập trước thì chỉ có nước ngồi khóc, nhá”.
May ngày bé tươi tắn, xinh xắn, như bông hoa rạng rỡ ngoi lên giữa đầm lầy. May có sức cuốn hút kì lạ với lũ trẻ trâu cả trai và gái. May hay bày cho chúng các trò nghịch ngợm, quậy phá. Bọn trẻ nể phục, tôn May làm thủ lĩnh.
Trái với tính ngổ ngáo, hỗn hào, phá phách với người, May lại nhẹ nhàng, dịu dàng, yêu thương súc vật hết mực. May luôn ước ao biến nhà mình thành vườn bách thú nuôi đủ các loài từ nhỏ như con thỏ, đến xấu như con gấu, hay dữ như con sư tử. Viển vông thế thôi, chứ thực ra ngày ấy, ngoài con trâu nhận chăn cho hợp tác xã và đàn gà cải thiện, nhà May chỉ nuôi thêm con chó vện và con mèo mướp.
Hôm bố dắt con nghé mới tách mẹ từ sân kho về nhà, May quấn quít không rời. Ngoài giờ đi học, May nuôi nó kĩ lắm. Con nghé bé tí, chưa nhú sừng lớn dần lên trong sự yêu thương, chăm bẵm của May. Thân nó tròn căng, da nó láng bóng. Một hôm đang thong thả gặm cỏ bên dòng mương đỏ quạch phù sa, con nghé ghé mõm ngửi đít con trâu cái đi ngang, bỗng lồng lên giật đứt dây thừng xỏ mũi. Mắt đỏ ngầu, hai con trâu quấn lấy nhau làm trò đực cái. Về nhà, May kể lại cho bố. Hôm sau chờ May đi học, bố đóng bốn cái cọc buộc chặt bốn chân trâu, rồi lấy dao sắc rạch da, moi ra hai hòn dái. Đi học về thấy bố lúi húi dưới bụng trâu khâu lại vết mổ, May vứt cặp, lăn ra khóc, bỏ ăn cả ngày.
Bố mua con vện ở chợ huyện lúc nó hai tháng tuổi. Mới xa mẹ, con chó con ư ử từ sáng tới tối. Hai hôm sau đói quá nó lăn vào tay May đòi ăn. Từ đó hai đứa ngủ chung giường, đắp chung chăn, quấn nhau suốt ngày đêm. Con vện lớn dần lên trong sự yêu chiều, chăm bẵm của May. Một hôm nhà có giỗ, khách ra vào ồn ào không ngớt. Bố May hớn hở nhờ mấy người đàn ông đè nghiến con chó ra làm thịt. Vừa khóc vừa gào, May lao vào hòng giải thoát cho con vện. Quyết tâm của con bé mười ba tuổi không chống nổi ý chí của đám đàn ông đang lên cơn thèm nhậu. May quì gối, lê chân, chắp tay lạy lũ người lớn tha mạng cho con vện. Nhưng từ bố đến chú, đến bác chẳng ai chịu nương tay. May lăn ra khóc, bỏ ăn cả ngày.
Tiếng gà gáy nối nhau truyền râm ran khắp xóm. Ông Bộc choàng tỉnh, hé mắt nhìn qua khe cửa sổ cạnh giường. Bên ngoài, phía chân trời hắt lên dải rạng đông màu cam rực rỡ trên nền mây phớt tím, bình minh đang lên. Lẫn trong tiếng gió hú nhẹ, ông Bộc nghe tiếng lá xào xạc, tiếng chim ríu rít trên cành mít. Kéo chăn định ngủ tiếp, bỗng ông Bộc mót đái.
Nhổm dậy thấy người ê ẩm, ông sực nhớ bữa rượu thịt chó chiều qua. Lâu lắm, ông mới được nhắm rượu nút lá chuối với rựa mận, dồi chó ngon thế. Đứng dậy vươn vai, ông uể oải lê đôi guốc gỗ ra vườn. Kéo trễ chun quần, ông đái tồ tồ vào cái vại sành. Chợt ông dụi mắt, bàng hoàng. Rõ ràng đêm qua quả mít vẫn chi chít trên thân cây, vậy mà bây giờ trơ trụi chẳng còn trái nào. Tưởng đang mơ, ông giơ tay véo má. Thế rồi tay run rẩy ông vẩy nước đái ướt nhẹm cả hai ống quần.
Nghe tiếng chồng than “Trời ơi! Sao lại thế này?” rồi tiếng trượt chân ngã huỵch, vợ ông Bộc hốt hoảng lao ra vườn. Nhìn hàng chục quả mít chỉ nhỉnh hơn nắm tay, cuống có vết chém sắc lẹm nằm vương vãi dưới gốc, bà chết lặng. Sau ít phút định thần, bà bắt đầu chửi. Tiếng bà lanh lảnh vang xa, như bài ca có cung bậc, có vần điệu trên nền “nhạc hiệu” gà gáy sáng. Tay chống nạnh, tay xỉa xói, bà nhảy tưng tưng:
Chém cha con phá vườn,
Chém mẹ thằng chặt mít,
Ở nhà bà nó là mít thơm,
Về nhà mày nó thành cứt thối,
Tối, tam đại nhà mày trợn mắt,
Ngày, tứ đại nhà mày hắt hơi,
Con trai chơi chết đằng chơi,
Con gái đẻ rơi, đẻ ngược,
Chân ra trước, đầu ra sau,
Hài nhi chết mau, chết trẻ…
Loi choi bên hàng rào chưa thỏa bà ra hẳn đầu ngõ, xắn áo vén quần, tay vỗ bèn bẹt, mồm chửi ra rả.
May ới đám bạn ra tận nơi xem bà thím “diễn tuồng”. Mỗi lần độc thoại đến đoạn “Hài nhi chết mau, chết trẻ…” bà thím dừng lại lấy hơi. Không cho bà kịp thở, May nháy mắt ra hiệu, bọn trẻ đồng thanh hô “Chết trẻ khỏe ma, về bóp cổ bà!”. Chưa lại sức nhưng tức khí nổi xung thiên địa, bà thím nhảy tưng lên. Bà lải nhải chửi lại từ đầu không sót một câu, không sai một chữ. Khi giọng khản đặc, nói không ra hơi bà mới thôi chửi. Miệng hổn hển, tay đấm lưng, thân khật khừ, bà lê chân về nhà.
Hôm đó May hỉ hả vì trả thù được cho con vện. Bởi, người trực tiếp cầm dao chọc tiết, xẻ thịt con chó chính là ông Bộc, chú họ của May. Hình ảnh con trâu, bốn chân bị trói vào bốn cọc, mặt đờ đẫn, mắt khép hờ vì đau và hình ảnh con vện trước khi bị thịt nằm ôm đòn tre tựa khúc giò, hai chân chắp lại như vái, đôi mắt ứa lệ van lơn, ám ảnh May không lúc nào nguôi. May càng ngày càng ghét người, yêu vật.
Tên Hội những người yêu chó do cái Đào đề xuất, May thấy không ổn, ai lại người yêu chó, bèn thêm chữ thích trước chữ chó thành Hội những người yêu thích chó. Nhưng tình yêu bao la đâu chỉ dành cho mỗi chó, May thay chữ chó thành động vật. Thế là Hội những người yêu thích động vật ra đời, do May làm chủ tịch. Nếu thăng tiến, có thể làm “Soái” được, May sẽ đề xuất điều luật cấm giết thịt muôn loài. Mơ tới ngày cả nhân loại ăn chay, May bỗng thấy bâng khuâng.
*
Càng ngày May càng nung nấu ý định mua đất, cất nhà tại Việt Nam để chuẩn bị trở về thực hiện hoài bão tại xứ sở “ăn bất cứ con gì ngọ nguậy”. Lần này May về nước cùng con trai mười tuổi. Xe chở hai mẹ con từ sân bay Nội Bài về Hà Nội chầm chậm lăn bánh qua đê Nhật Tân. Ngắm các bảng hiệu ven đường, con trai May đánh vần: “Thờ ít thít nặng thịt, chờ o cho sắc chó”. Bỗng thằng bé giãy nảy: “Ối giời ơi! Quán bán thịt chó hả mẹ? Người Việt Nam ăn thịt chó hả mẹ? Thôi! Con không ở đây nữa đâu, con muốn về Ba Lan ngay cơ!”. Vỗ về con trai, May thề phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia “Cơm không thịt” đầu tiên trên thế giới.
Trước tết ba ngày, May triệu tập hội nghị bất thường bàn biện pháp triển khai thực hiện nghị quyết. May muốn tiến hành ngay một hoạt động cụ thể. Trong lúc mọi người mải tranh cãi phải bắt đầu từ đâu, chợt nhớ tới lễ hội chém lợn truyền thống của làng, May đề nghị “ra quân đánh thắng trận đầu” ngay tại quê mình.
Chiều mùng năm Tết.
Với khí thế ngút trời, đoàn xe máy hơn chục chiếc phần phật cờ đỏ tung bay do May dẫn đầu. Trước cửa sân đình, nơi diễn ra lễ hội, dân làng giơ tay vẫy chào, dãn ra nhường lối cho đoàn xe nối đuôi nhau ầm ầm lao vào.
Xúng xính trong bộ quần chùng áo dài gấm đỏ, chân xỏ giày đen, ông trưởng ban lễ hội nói qua loa điện: “Nhiệt liệt chào mừng đoàn đại biểu Hội động vật Hà Nội về dự lễ!”. Tiếng vỗ tay rào rào hòa trong nhịp trống thùng thình.
Dựng xe tắt máy, May đi ngang qua hai con lợn múp míp nằm giữa sân, tiến lại gần dãy bàn ban tổ chức. Ông trưởng ban bỗng dưng hạ loa, ngẩn người. May cũng sững lại, ngẩn người.
– Ơ, cái May! Mày về lúc nào thế?
– Ơ, chú Bộc! Chú làm gì ở đây?
– Tao là Trưởng ban Văn hóa xã, Trưởng ban lễ hội.
– Cháu về lâu rồi nhưng ở trên Hà Nội, hôm nay mới về làng.
– Qúy hóa quá! Mày vẫn nhớ lễ hội chém lợn để về dự cơ đấy?
– Không! Hôm nay cháu về đây đề nghị làng mình bỏ hủ tục man rợ này đi.
– Ơ! Con này láo, sao dám báng bổ tổ tiên? Phong tục này có cả nghìn năm rồi đấy.
– Người văn minh tiến bộ ngày nay phải khác người lạc hậu cổ hủ ngày xưa.
– Thế người văn minh tiến bộ ngày nay có ăn thịt lợn không?
– Vẫn ăn nhưng không hành hạ lợn dã man thế.
– Ơ, con này! Mày mất mẹ lập trường rồi. Chỉ có bọn thực dân đế quốc mới dã man nhé, còn phanh thây lợn tế thần linh là tín ngưỡng, là văn hóa dân tộc. Tao hỏi mày, chém ngang lưng với chọc tiết dọc thì khác chó gì nhau?
– Cũng là giết nhưng hình thức mỗi thời mỗi khác, càng về sau càng phải nhân văn hơn. Hay là mình thay lợn thật bằng lợn hình nộm đi chú!
– Ơ! Con này hay nhỉ, nói thế chó nó nghe. Phải gây cảm xúc hứng thú cho người tham gia lễ hội chứ. Lợn hình nộm lấy đâu ra tiết để quệt tiền lấy may? Thôi, chúng mày lui ra để tao làm lễ khai đao!
– Không! Không được đối xử dã man với động vật!
– Ơ! Con này to gan. Mày có biết phép vua thua lệ làng không hả? Mày đòi phá bỏ tục lệ dân gian thờ thành hoàng linh thiêng, một tướng quân dũng mãnh của làng à?
– Thành hoàng làng mình bị đuổi cùng đường chạy lên gò Thượng trốn. Sắp chết đói bỗng có con lợn rừng chạy qua, chàng huơ đao chém ngang lưng. Nghe tiếng lợn rống, biết chàng còn sống, dân làng chất lửa đốt gò. Chàng bị thiêu chết vào giờ linh biến thành ma thiêng được dân làng tôn làm thành hoàng.
– Ơ! Con này phản động, dám báng bổ thổ địa thánh thần! Mày nghe ai nói thế?
– Dạ! Cháu nghe anh Thích kể ạ.
– Thằng đấy cậy nhiều chữ, chỉ bố láo nói xàm. Thôi, tránh ra cho tao khai đao mở hội!
– Không! Chúng cháu quyết không lùi bước!
– Mày không tránh ra để tao khai đao với lợn thì tao khai đao với mày đấy.
– Chú dám?
– Các đồng chí dân quân đâu rồi? Vào xử lí đám này đi!
 
Hàng chục trai tráng đổ xô ra, dồn Hội động vật Hà Nội vào góc sân. Riêng May giãy dụa chống lại. Bốn thanh niên lực lưỡng thay vì khiêng lợn lại khiêng May trên vai, diễu hành vòng quanh sân đình trong tiếng trống thùng thình.
 
Vụ May quậy tưng bừng tại lễ hội chém lợn gây tiếng vang lớn. Các báo, đài sục sôi với hiện tượng mới. Phố nhà May từ đó thêm ồn ào, náo nhiệt. Tuy nếp sống bị xáo trộn nhưng dân phố nhìn May đầy ngưỡng mộ.
*
Con đường từ chùa Phúc Đề về Hà Nội mây bay lãng đãng, nắng vàng trải nhẹ. Hai bên đường, cánh đồng vừa gặt còn vương hương lúa dìu dịu làm May thêm phần phấn khích. Sư cô Thích Đàm Linh đồng ý cho May diễn lúc tặng chùa một nghìn đô hỗ trợ trẻ mồ côi cơ nhỡ. May chỉ chi hai nghìn đô mà được lên truyền hình. Thả lỏng chân ga cho xe trôi thật chậm, May muốn tận hưởng tâm trạng này đến từng giây.
Đang lâng lâng như bay trên chín tầng mây, bỗng May hốt hoảng đạp mạnh chân phanh. Tiếng lốp ôtô rít lên ghê rợn trên mặt đường. Mùi cao su cháy khét lẹt. Mũi xe May cách đuôi xe tải vừa khựng lại chỉ nửa mét. May luống cuống mở cửa bước xuống đường. Trời! Một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt May. Ngay dưới bánh xe tải, thằng bé chừng mười tuổi đang giơ cánh tay về phía May cầu khẩn. Lái xe tải vội bỏ trốn. Đường vắng lặng, chỉ còn May với thằng bé đang quằn quại trong vũng máu lênh láng. Nghe tiếng đứt quãng “Cô ơi!… Cứu con”, May ớn lạnh. Nhìn thằng bé mồm ngáp ngáp, mắt đờ đẫn khép dần, May rùng mình. Bước đến bên thằng bé, định cúi xuống bế nó lên, chợt May khựng lại.
Liếc chiếc váy hàng hiệu mới tinh mặc trên người, ngắm bộ ghế bọc gấm màu be trong xe Mercedes mới tinh, May ngập ngừng nhìn thằng bé rách rưới bê bết máu, bụi. May muốn lôi thằng bé ra khỏi gầm xe, chở nó đến bệnh viện. Nhưng May sợ máu lắm. Trong bóng đêm mịt mùng, May thở dài, rồi ngồi vào xe. Chiếc Mercedes lùi lại, rú ga lao vọt về phía trước.
Lòng không yên, May dừng xe lại ven đường. Bước tới quán ăn còn sáng đèn, thấy bốn con chó thui vàng ươm treo lủng lẳng trước cửa như đang nhe răng, trợn mắt dọa mình, May thốt lên: “Ối! Vào nhầm chỗ rồi”. Định quay lại xe nhưng hình ảnh thằng bé tay chới với lịm dần chợt hiện lên, May quả quyết bước vào, lạc giọng: “Bác ơi! Đằng kia có thằng bé bị xe tải đâm sắp chết”.
Tiếng láo nháo gọi nhau lẫn trong tiếng xô bàn ghế, cùng tiếng chân chạy rầm rập. Ông chủ quán và đám khách nhậu thịt chó hối hả lao theo hướng tay May chỉ. Ngồi vào trong xe, May bần thần. Đóng sập cửa lại, May phân vân. Rồi May nổ máy, đạp chân ga. Chiếc xe Mercedes lao vào màn đêm đặc quánh.
Chút thanh thản thoáng qua, bỗng May thấy chân tay run rẩy. Không lái tiếp được nữa, May đỗ xe bên lề đường. Thẫn thờ nhìn vào bóng tối mông lung tĩnh lặng, May ôm vô lăng ngồi bất động.
May day dứt quá!
Tác giả: Trần Quốc Quân – Thực hiện: Hải Yến

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *