Viết về người lính năm xưa nhưng tác giả Nguyễn Tham Thiện Kế không đi vào những trận chiến đấu, mất mát hi sinh mà lựa chọn đề tài một chuyến đi bắt lính đào ngũ. Những ai trốn lính hay trốn nghĩa vụ quân sự là một tội không hề nhỏ. Họ bị kỉ luật quân sự, bị coi là hèn nhát và khiến gia đình, họ hàng xấu hổ. Với một đề tài có phần nghiêm túc, nặng nề như vậy nhưng tác giả lại viết với giọng văn khá hóm hỉnh. Hóm hỉnh từ danh xưng gã, hắn hay trong nhiều chi tiết của quá trình về bắt lính đào ngũ. Hai người đồng đội từng chia nhau miếng cháy giờ “gã” lại phải đi bắt “hắn”. Mà “hắn” trốn về quê không phải vì hèn nhát mà để dự đám cưới chạy. Bắt đồng đội trong ngày cưới thật đúng là một nhiệm vụ không hề thoải mái tí nào. Hắn càng dở khóc dở cười không dám nói thật nhiệm vụ khi mọi người nồng nhiệt đón tiếp anh lính được cử về mừng cưới đồng đội. Chỉ có hai người trong cuộc là “gã” và “hắn” mới hiểu rõ sự việc mà thôi. Nhiều chi tiết đời thường được tác giả đưa vào câu chuyện giàu cảm xúc. Như cô dâu chú rể cưới mà không có hoa khiến hắn phải nhanh trí hái bó hoa dong riềng ngay bên sông, hình ảnh “gã” và “hắn” lóng ngóng dùng kim băng cài lại áo cho cô dâu hay ánh mắt của cô gái dân quân nhìn gã không chớp mắt. Cuộc sống nơi hậu phương trong chiến tranh được thể hiện sinh động qua đám cưới của “hắn”. Cuộc sống vật chất khó khăn nhưng tình cảm hàng xóm láng giềng, tình cảm gia đình, tình cảm tiền tuyến và hậu phương thật ấm áp, chân tình. Những nỗi buồn, mất mát hi sinh trong chiến tranh cũng được tác giả nhắc đến khá nhẹ nhàng. Truyện ngắn khiến không ít người nghe, người đọc bật cười rồi lại rơm rớm nước mắt thốt lên rằng “đó đúng là một thời để nhớ”. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
1. Thả balo, ngồi quán nước trước ga xép trung châu, gã phân vân không biết đến địa chỉ nào trước: Ủy ban xã, xã đội trưởng hay nhà đương sự.
Sông Thao sau triền ngô, vạt chuối, bãi dong riềng hoa đỏ hoa vàng run chen ngàn lau, rợn sóng. Phù sa ngái hăng. Gió phộc phạch mái gồi. Đèn dầu cháy rom lúc rạng ngày. Triền núi bờ bên, lạnh nghiêm, bỗng lộ đường hào chữ chi, như đất đang xối máu.
Nhận nhiệm đi bắt đào ngũ, bộ ba có một tuần hoàn thành.
Rời trung tâm huấn luyện chập tối, họ cuốc bộ gần sáng thì đến thị xã VY. Chưa kịp nghỉ, chuẩn úy và trung sĩ tái ngũ đã kéo nhau ra góc riêng hội ý. Chạnh lòng. Gã thấy mình rõ hơn trong vai kẻ dẫn đường.
Đương sự cũng tổng động viên, sắp tròn tuổi lính như gã. Cao như cây chuối hột, trắng, môi đỏ, ria xanh mượt. Có xu hướng suy đồi vì hay ê a nhạc vàng nhạc xanh bất cứ đâu. Chính viên(1) đã lườm, định cạo mấy lần.
Ngực ém ảnh người yêu, bọc túi nilon, một cô gái kiểu thành thị, tóc bombe, ngực đầy, áo len cao cổ, sợi dây chuyền bé xíu buông ngoài áo, hễ vắng là hắn lôi ra áp tấm ảnh lên môi, mắt nhắm nghiền. Hành quân dã ngoại, hắn và gã ngủ tráo đầu dưới mái hiên nhà dân, sau bữa tối chia nhau mẩu cơm cháy đút túi quần. Ấy là chuyện trước khi gã được điều lên làm văn thư tiểu đoàn.
Như tằm rụt trong tấm áo bông chần đã phòi ra ở khủy và đôi vạt, khăn nhung the bạc phếch, bà cụ chốc lại vung chiếc vỉa tre tam giác đập hoặc xua ruồi trên đĩa sắt tráng men trứng vịt luộc quả xanh, quả trắng và khay củ dong riềng gọt sơ nửa giống chuối xanh nửa giống đá cuội, túi kẹo dồi, mấy trái hồng chín. Chiếc hộp gỗ, nắp kính bày thuốc lá, loang ngấn trà và cứt ruồi. Hai hộp sữa Ông Thọ bọc năm lần bảy lớp nilon, chẳng biết từ củ tỉ nào.
Định bóc lương khô, nhưng chần chừ… gã nhón quả trứng vịt, gỡ tiếp hai củ dong riềng rồi thêm quả trứng luộc. Trứng vịt thả đồng, béo ngẩn. Dong riềng đất bãi có khác, nhiều bột tắc cổ, ngọt như pha đường, phiền là xơ mắc kẽ răng. Cốc vại nước nụ hoa chè sao khô, tẩm mật mía gừng. Gã ổn hơn bao giờ. Xin phép bà cụ ra sau quán múc gáo dừa nước mưa trong chiếc vại bó đai dây thép, đánh răng, rửa mặt sáng sủa, gã mới thấy tự tin hoàn thành sự vụ bị ấn vào.
Sau hội ý, viên chuẩn úy và viên trung sĩ kéo nhau đến trước gã, xoa nắn quân phục. Quanh một hồi, rồi than đã quên mùi vợ con. Nhân cớ bắt đào ngũ tụt tạt tí. Sau đận này đến phiên thay quân. Nghe nói Vị Xuyên máu trộn bột đá vôi đóng gạch được. Chuẩn úy chuồn Bắc Ninh, trung sĩ lỉnh Hà Đông. Nhiệm vụ trông cả vào gã. Miễn là gã chịu động não một chút, đương sự đã có danh sách cử đi học A trưởng. Nên cứ quân luật mà làm.
Chuẩn úy vẽ lối:
– Cậu điều nghiên, la cà quán xá dò khắc ra đầu cua tai nheo. Nhớ áp sát, không cho đối tượng trốn. Cỡ như cậu, ngán gì chuyện này.
Cỡ với chả kích. Trung sĩ hùn đủn, lửng lơ:
– Ngày xưa chống Mĩ, bọn anh bùng đôi ba ngày là thường. Quan trọng khi giáp mặt địch thì xiết cò phóng lê cho chuẩn.
Phân tâm. Chuẩn úy bảo làm nghiêm. Trung sĩ thì lấp lửng.
Gã phải theo ai đây?
Túi áo ngực hình như vẫn nóng, mỗi bên sột soạt tờ mười đồng hồng phấn của chuẩn úy và trung sĩ dúi cho. Hơn một gia tài. Lúc đó, gã từ chối cho phải lẽ, thì hai cấp trên cười hởn, tiêu cho hết. Nhớ làm công tác dân vận chu đáo, đừng tay không đến nhà đồng đội. Nếu còn thời gian, thì cũng nên tranh thủ đôi ngày. Miễn là đúng giờ đúng buổi có mặt tại đơn vị cùng bọn anh.
2. Tàu hàng xuỳnh xuỵch kéo xuôi. Nhấp nhổm gã định đứng dậy. Bà cụ nhắc nếu qua sông phải chờ thêm non tiếng. Đủ chuyến người ta mới chèo. Ô, sao không hỏi luôn bà quán nhỉ. Gã khấp khởi. Vừa lúc, chí chóe tiếng con gái. Bỗng hiện ông xã đội trưởng sùm sụp mũ cối, xà cột da, bên tay áo trái rỗng thắt nút, lắc lư dẫn toán dân quân đeo súng, vác bia kéo nhau qua cửa quán, quành xuống bãi sông tập xạ kích. Đám gái, giày vải, xanh tuya rông thắt eo, khiến thềm ngực vồng căng, quai súng thít chéo qua cứ rung rinh như vẫy chào. Ríu ran truyền nhau cách ăn gian nheo mắt ngắm bắn cho xong đôi lượt rồi về dự đám cưới. Nhắc đến từ cưới, mặt gã ran lên, lo âu không thể lí giải.
Phát hiện chàng lính chẫu hẫu theo, cô nào đó đáo để:
Hỡi anh ngẩn ngớ ngồi kia
Sao anh cứ ngắm về phìa chúng em…
Gãi đầu, gã quay mặt vào trong quán. Bà cụ thở dài:
– Cậu chấp bọn nó làm gì. Gái non mẩng mà chẳng ma nào rước. Trai làng trận mạc vãn.
Thuận miệng, gã hỏi về đám cưới:
– Thì đám cưới cậu Tùng nhà ông giáo Chi với cô Sông Thao, con gái ông giám đốc nhà máy giấy Ngòi Lửa trên đầm Trân Châu ấy.
Suýt nữa gã ô lên. Bà cụ quán, vẫn hơi hả đưa chuyện. Nghe nói đám cưới to lắm. Nhà gái con một. Cậu Tùng được cấp trên cho tranh thủ về có ba ngày, chưa muốn cưới nhưng nhà gái ép quá. Bởi cuối năm ông giám đốc nghỉ hưu. Nợ miệng thiên hạ mãi, chẳng nhẽ đến lượt mình dấm dúi.
Tay này trốn về hú hí gái trong lúc gã sặc mồ hôi, lưỡi lấm thao trường. Kể cũng tệ. Hay cu cậu nghe sắp lên trấn chốt. Phải dùng quân luật thôi, tư cách đàn ông thế là hèn, gã cũng cần công bằng cho chính gã. Ngày nhập lính, nội ngoại thầy mẹ các chị các em hời gọi gã như tiễn vào chỗ chết. Trào nước mắt, không quay mặt, gã nghiến răng, đã chấp nhận đời lính nghĩa là chấp nhận sống chết số phận định.
Lơ đãng, gã hỏi tiếp địa chỉ ủy ban, nhà xã đội, bà cụ giật mình, dằn chiếc vỉ ruồi:
– Này, có phải bộ đội thật không mà cậu hỏi dò linh tinh?
Bị dồn, gã huơ huơ tờ giấy có dấu đỏ của đơn vị, nói là được cử về dự đám cưới của đồng đội tên Tùng.
Kịp tươi ngay lại, bà cụ một điều quý hai điều quý cho tình bộ đội. Chẹp miệng, bà quán kể nốt. Chẳng là nhà máy giấy và xã hợp nhất khối quân sự. Mọi khi, con bé Sông Thao vẫn là lượt diễu qua đây, tập bắn. Dân kế toán mà. Nó phải hơi nhau từ ngày thằng Tùng ở nhà. Ông xã đội lại là ông chú bên nhà chồng. Cậu cứ theo bờ sông đến đường ngang, đừng tạt phải là vào chợ, nhớ rẽ trái ra bờ sông, chỗ nào nhiều nhãn, thấy ngôi nhà xây mái ngói vảy, đích là cơ ngơi nhà ông giáo Chi đấy.
3. Áo ghile lưới sau lưng kaki vàng đất vạt trước bốc mùi mồ hôi lạ, khét như lông bò phơi nắng, chiếc máy ảnh Zenit, cờn bao da, lúc lắc trước ngực, trong vai phó nháy, gã lần theo con dốc nghiêng xuống bãi cát nơi cặp đôi đang chờ chụp ảnh kỉ niệm.
Toan tính, nếu gã lên huyện đội trình giấy cũng mất cả ngày. Cuốc bộ bao giờ mới đến nơi. Mà vào ủy ban hay xã đội, thì rút dây động rừng. Lẽ nào ông chú kín miệng. Tay Tùng chuồn mất, toi công.
Lặng lúc, gã xách hai hộp sữa Ông Thọ mới bước vào khoảng sân gạch, chăng kín vỏ chăn hoa đào, phông màn trưng đôi chim bồ câu xốp tô phẩm màu, bên dưới biểu tượng cặp đôi trao nhẫn, tên cô dâu chú rể uốn lồng nhau như ngọn mây vung vít. Đầu Akai tời băng cối nhạc vàng. Mùi hành hoa nức dồi nóng, mùi chả nướng xiên than hoa mỡ cháy. Nơi góc bàn trên hè, bác nông dân, đội mũ len chuyên rượu trong chum sành ra những chiếc vỏ chai rượu quốc doanh.
Nhác thấy gã, cô bé mắt hạt nhãn, nhìn sững rồi lảnh lói:
– Thầy ơi, người của đơn vị anh Tùng về đây này.
Táo tác người nhà đám gọi chú rể, chú rể đâu, đón khách quý. Nhưng chú rể vừa dẫn cô dâu xuống bãi sông chuẩn bị chụp ảnh cưới. Mọi người túa ra, kẻ ôm, người đẩy gã vào trong nhà. Một không gian cổ kính kiểu nhà khung gỗ kẻ truyền, tường xây vữa mật, bao trùm sập khảm xà cừ, tủ chè và trường kỉ. Ông giáo Chi, hiệu trưởng cấp III trường huyện về hưu chưa lâu, nhưng râu cằm đã kịp thưa bạc. Nhận quà của đơn vị con trai, ông giáo chớp chớp mắt và lau kính.
Ông đang tiếp anh phó phòng văn hóa huyện, lỉnh kỉnh đồ chụp ảnh. Vài câu giao đãi, gã đã nhận được sự chiều quý của ông giáo Chi. Đương nhiên là cả anh phó nháy nữa. Nhanh trí, gã chọn một cách tiếp cận mà đương sự không thể trốn mặt hoặc thoái thác.
Vấn đề được gã giải quyết với ông chủ của chiếc máy ảnh, sau một cuộc trao đổi riêng.
Cuối bãi cát, cặp uyên ương chỉnh trang cho nhau. Thấy gã, họ tươi cười giơ tay xin phép, hãy chờ thêm đôi chút hãy tác nghiệp. Chăm chú sửa khăn cho cô dâu, chú rể tranh thủ vít lại gần hôn chớp qua lần voan. Ý tứ cô dâu nghiêng tránh âu yếm đẩy khẽ chú rể. Lộn ruột cho thằng trơ trẽn, và điểm mười cho cô dâu nết na. Bừng đỏ, ánh mắt cô dâu bỗng chạm mắt gã. Tự dưng cuống suýt làm rơi máy ảnh. Gã cười cười, nhưng nhói lòng, cô dâu hiền thục chứ không xinh rực rỡ. Vẻ thùy mị, chịu đựng, khiến cho người ta nao lòng. Hơi tị với kẻ tốt số. Xoay mặt, gã rút thuốc lá phì phèo. Thuốc lá ông giáo Chi mời gã. Đứng xa xa. Lòng gã bỗng dịu. Ngắm sóng dong riềng đang độ hoa, chẳng khác hoa lay ơn là bao. Cũng hồng, cũng đỏ, cũng vàng, chứa giọt mật ngọt như mạch nha mỗi ống hoa. Một sắc hoa đồng bãi phù sa, ngây thơ và cam chịu.
Không hiểu sao, gã ái ngại cho cô dâu, xinh thế kia, vơ đâu chẳng sẵn người yêu. Chả trách thằng cha này liều mình phá quân kỉ.
Không lẽ xông đến hùng hồn đọc lệnh yêu cầu hắn ngay lập tức trở về đơn vị. Nghĩ cũng khoái. Hả hê và bõ tức, nhưng để làm gì nhỉ. Gã sẽ tốt hơn chăng? Nếu tình thế ấy xảy ra, cô gái kia thì sao? Chịu, gã lắc đầu. Nhưng để hắn chạch trơn buột thoát thì cũng không thoải mái.
Yêu nhau cưới lúc nào chẳng được. Cưới chạy bố vợ hưu hay chạy chú rể đi trận có khác gì nhau. Gã tin giáp mặt, dẫu có nhận ra, hắn cũng không bỏ cô dâu mà chuồn. Thôi, đã diễn thì diễn cho tận cuộc. Bọn có tình yêu, đứa nào chẳng rên rẩm, “đưa nhau đi đến cuối cuộc tình”. Gã sẽ giúp một phen.
Cô dâu áo dài vàng mơ, khăn voan tím buông trùm tới vai, dép nhựa hồng. Chú rể thụng xỉn áo veston, ve to như bàn tay, chắc là mượn của ông giáo. Chemise kẻ trắng đen, nơ đen, quần dạ Tàu cấp tá nâu sậm, giày da bò hạ sĩ quan Liên Xô.
Bỗng cô dâu ớ lên: Chết em. Chú rể và gã cùng giật mình. Khư khư giữ một bên sườn áo, cô dâu tái mặt, một chiếc móc cài đã phản chủ bung đâu mất, do lúc vặn mình né cái hôn. Một thứ gì cứ sáng lóa, thoát ra khỏi bàn tay che vụng về. Đần thộn, chú rể liền túm hai mép tà, nhìn quanh cầu cứu. Gã cũng ú ớ, chưa gặp tình huống này bao giờ. Sao đàn bà con gái ai cũng lắm ghim lắm móc, lạ thật. Bỗng cô dâu hoa tay choi choi chỉ vào gã: Cái kim băng, cái kim băng kìa.
Thì ra trên mép túi ngực áo ghile có cài chiếc kim băng thay cho chiếc cúc bấm bị hỏng. Gỡ chiếc kim băng, gã tiến lại đưa cho hắn. Thằng cha ý tứ xoay mặt lại với cô nàng che chắn, sợ ánh mắt gã. Kẹt, chiếc áo ôm eo cô dâu khít khao, không thể một tay giữ, một tay cài kim băng. Mà cần những hai người làm việc đó. Kẻ giữ người cài. Hắn căng thẳng, hết khụt khịt lại è hèm hai tay khư khư níu giữ, còn gã cũng hồi hộp vì chưa bao giờ tiếp cận cơ thể thanh nữ gần sát đến cảm nhận được cả mùi cơ thể. Hương thơm da thịt, cứ khiến gã nổi cơn hắt hơi. Thật khỉ. Trong lúc cô gái thí thót thở, gã sợ sẽ xiên mũi kim vào cái vệt trắng run rẩy. Phỉ phui, lập cập mấy lần, gã trút được gánh nặng cài kim băng.
Trong lúc quay đi, gã ngạc nhiên, sao lại có thứ chú rể gà mờ. Sờ sờ người cùng đơn vị về truy bắt mà không linh cảm gì. Không hẳn, chắc hắn đang say tình, đang chờ đợi đêm tân hôn. Đồ đàn ông mất khôn lụy tình.
Hai nhân vật loay hoay lựa tư thế tạo dáng sao cho đẹp và còn thoải mái. Chẳng dễ. Long lanh thế kia mà trông thiếu thiếu thứ gì ấy nhỉ, gã ngớ ra là vì thiếu hoa cưới. Nếu không có tấm khăn voan tím trùm kia thì đỡ chối. Ngày trọng đại trăm năm, sao không chu đáo. Đã chuẩn bị phó nháy mà không chuẩn bị hoa. Có thể họ quên ở nhà.
– Này, hoa hoét đâu mà không biểu diễn.
Gã ồn ồn nhắc.
– Cưới chạy thì lo sao kịp bác ơi.
Bác cháu củ khoai. Gã bực. Cô dâu hờn mát.
– Em đã nhắc, nhưng anh quên đấy chứ. Cứ bảo yên chí yên chí…
Gã sáng lên vẩy tay, ý giả bảo họ cứ chờ đấy. Cả hai chưa hiểu chuyện gì, thì gã đã phăm phăm rẽ vào bãi hoa dong riềng.
4. Đèn măng-xông treo bốn góc rạp cưới, trắng nhức sáng, lòng vòng côn trùng to nhỏ bu quanh. Kẹo nuga hoa hồng, bích quy hương thảo, thuốc lá Du Lịch. Đầu Akai lúc èo uột bolero lúc rậm rựt Modern Talking. Ông xã đội trưởng chủ trì hôn lễ. Gã chẳng biết ông nói gì. Nhưng họ hàng, lần lượt người lên trao quà cưới. Chậu nhôm, nồi nhôm Liên Xô, quạt con cóc, khăn, nôi, nồi quấy bột, bình sữa bú…
Đến lượt gã lên nói thì mọi ánh mắt dồn vào, hội trường im phắc.
Đứng hình vài giây, rồi gã cũng thưa gửi thận trọng thay mặt đơn vị về mừng đám cưới của một đồng đội ưu tú. Và nhận nhiệm vụ, tháp tùng đồng chí Tùng ngay sáng mai phải trở về đơn vị kịp tựu trường hạ sĩ quan.
Tiếng vỗ tay rào rào. Gái làng, trai công nhân giấy ào ra nhảy phừng phừng khua như cào cào châu chấu dance-pop. Cát bụi quẩn mù, lá nhãn khô vấn vít dưới chân giày vải, chân dép nhựa giậm nhịp. Trên hiên, ông hiệu trưởng và ông giám đốc như đang trên mây nhìn đám trẻ bung nở sắc màu.
Chú rể dắt cô dâu, đi từng dãy bàn cụng chén vại rượu cam.
Đám gái dân quân nháy nhau, lần lượt cầm chén đầy cứ nhằm chú rể mà cụng. Cô dâu cười gường gượng. Đỡ giúp được đôi chén, bước đi đã chật chưỡng. Chẳng còn cách nào, chồng đỡ eo vợ, hễ chén nào đưa đến trước mặt là tợp hết.
Ông phó phòng văn hóa, chờ đến lượt trổ tài, hết nằm rạp, lại trèo lên chạc cây nhãn tìm góc. Đèn flash chớp lóe. Cao hứng ông ta giơ tay lên chém chém.
Ba năm du kích nằm kề
Không bằng bộ đội nó về một đêm.
Dù bán thời chiến, bữa trưa tiệc mặn đã mời nới luôn cả xóm và nội tộc. Nhận ra gã, cụ già bán nước, áo the bỏm bẻm trầu cười rạng, hai tay chắp trước ngực cầu chúc lời nhà Phật. Cô gái dân quân, “ngắm về phìa chúng em”, thì nhìn gã ngẩn ngơ không chớp. Giá như thời gian còn thêm, thì gã sẽ chẳng dại gì mà không “bắt đèn”. Gã không sợ cô buồn mà sợ mình sẽ nhớ nhung một người dưng thì khổ. Đời lính, ai mà chẳng có chỉ huy. Việc của ngày mai thì chỉ huy đã giao rồi…
Người ta chèo kéo gã ngồi mâm trên sập gụ giữa nhà. Ông giáo Chi, ông giám đốc nhà máy giấy người Nghệ. Ông văn hóa nhiếp ảnh, và vị xã đội trưởng ống tay áo rỗng. Ở quê, ngữ gã thì còn khuya mới đến lượt ngồi vị trí đẳng cấp này. Khoác tấm áo nhà binh, tự dưng thiên hạ trọng thị…
Chợt nhớ lại lúc băng vào vườn dong riềng, gã chỉ tâm niệm là đã mất công chụp thì phải kiếm đủ phụ kiện tử tế thì mới có tấm ảnh đẹp. Cô dâu mà không ôm hoa thì khác gì trà mốc. Cao lút đầu, loạt xoạt những bông hoa tím, đỏ, vàng, phấn trắng phong nguyên, những cánh hoa như móng tay thiếu nữ tô màu yểu điệu trên bàn tay xòe nét mở đầu cho một vũ điệu giữa gió mưa mà chẳng nệ phai nhan sắc. Những đàn kiến gió như bụi cám, chạy giật cục hăng say loăng quăng hút mật chạy lạc cả lên tay gã.
Lá dong riềng bọc hoa dong riềng, gã đưa cho chú rể. Hắn ta lí nhí cảm ơn, dịu dàng trao bó hoa, mắt không rời cô dâu đang quệt má chùi những hạt mưa lay phay hay vì trào dâng xúc cảm.
Đốt phăng cuộn phim, gã không tin lắm tài chụp ảnh của mình, nhưng nếu in tráng soi cẩn thận chắc vẫn nhiều pô bắt mắt. Những tấm ảnh mà gã không nhiều cơ hội ngắm lại. Cơ bản là bảo đảm một dấu ấn kỉ niệm. May mà những bông hoa dong riềng tím, hợp tone với chiếc khăn trùm tím. Những bông dong riềng vàng thì tệp với chiếc áo dài vàng…
Lựa cô dâu leo dốc về trước, gã níu tay hắn lại. Bỏ chiếc mũ vải tùm hụp trên đầu ra. Đã định quát thật gằn, để hành hắn cho bõ công phục dịch. Nhưng không hiểu sao, gã lại nhỏ nhẹ:
– Tôi đây, ông mãnh…
Biến sắc, Tùng nới cổ áo. Héo rũ.
– Lúc ông chạy đi ngắt hoa, tôi ngờ ngợ điều gì khang khác. Cái kiểu nhịp chân một hai một…
Hắn co chân sút hòn đá trước mặt, vèo ra mặt sông, hàm đanh lại:
– Ông đã cất công đến tận nhà, tôi hiểu rồi. Giờ ông định xử tôi thế nào?
Định bổ cho hắn một câu nghiệt ngã, cay độc, nhưng lưỡi gã cứng đờ. Mãi mới ấp úng như chính gã mới là người có lỗi.
– Tôi làm thế này chưa đủ sao?
Hắn thở thượt:
– Mày nghe chiến sự thế nào không?
Định buột lời chuẩn úy là trên biên máu trộn bột đá vôi đóng gạch được. Nhưng gã ậm ừ ra dấu hắn hãy mau theo cô dâu.
Gã vừa phát biểu xong, ông chú xã đội trưởng hấp tấp kéo gã ra gốc nhãn ngoài cổng. Mặt ướt đẫm, nồng nã hơi rượu, tay trái cầm ống tay áo thắt nút lau mồ hôi:
– Thằng Tùng có chuyện à?
Gã lắc đầu mệt mỏi.
– Chắc chắn, nếu không thì cần gì cậu phải tháp tùng nó ngày mai. Cậu nói thật đi, để tôi trị nó trắng mắt.
Một mực gã vuỗi. Ông chú thở dài:
– Trước trận mạc còn chuồn về cưới vợ. Chặc.
5. Bốn giờ sáng, gã và vợ chồng hắn đã rời nhà ông giáo. Chuyến xuôi tàu chợ duy nhất là lúc 5 giờ kém 15. Nhẩn nha cuốc bộ xuống ga cũng vừa. Chẳng kịp lót dạ, hai chiếc balo lèn gói xôi và chả xiên, mang theo ăn đường.
Chung với ông giáo Chi trên chiếc sập khảm, gã thiếp được giấc con con. Kê đầu gối gỗ, nằm nghiêm, tấm chăn mỏng vắt ngang bụng, hai tay vắt chéo đặt trên, thi thoảng ông giáo lại thở dài. Trong khi gã cố hình dung cảnh tượng trên chiếc giường gỗ rải quạt trong chái buồng của vợ chồng trẻ, nhưng chỉ là khoảng nhờ nhờ. Như ảo giác trong cơn mơ.
Rảo trước, gã kệ cặp đôi tranh thủ nắm tay, trò chuyện vớt vát tí nào hay tí ấy. Mưa sương đì độp. Hơi xuân đã nhuốm nồng. Dòng Thao lặp phặp sóng. Những bãi chuối, bờ lau, dải dong riềng rưng hoa rung rinh. Nhà ga cuối vệt đường tàu, mờ nhổn như đống xà bần.
Cảm thấy trống sau lưng. Gã ngoảnh lại, thì hai kẻ đang đứng ôm nhau bên mép vạt hoa dong riềng. Lối rẽ xuống thao trường tập bắn. Tiếng khóc nghẹn ứ, tức tưởi. Giọng đàn ông nhíu nhịu dỗ dành. Dính vào đàn bà khổ thế. Gã thấy mình may mắn.
Lóc cóc chạy lên, hổn hển, hắn bối rối.
– Lỗi với vợ quá ông ạ. Đêm qua tôi say bí tỉ, không thể nào ngóc đầu nổi. Gần sáng tỉnh tỉnh thì đúng lúc ông gọi ra tàu.
– Sao ngu vậy. Uống phải biết sức mình chứ.
– Thì ông thấy đấy, cả họ nhà gái nó quây. Không uống mất mặt lắm. Giờ Sông Thao đang bắt đền…
Gã rút tờ giấy giới thiệu trong túi, xé vụn trước mặt hắn. Thả vào gió. Những mảnh giấy nâu vàng bay như xác lá. Gã tiếc công sức o bế hắn. Cái thằng đần.
Đẩy hắn về phía vợ, gã quay đi, ngao ngán chẳng biết vui hay buồn.
– Nhanh lên, liệu mà dạy nhau.
Trời rạng dần, vẫn một màu đu đủ ương chín.
Bà quán chẳng dọn hàng. Gã ngồi đợi hắn cho đến khi đoàn tàu chợ đỗ ghé lúc 5 giờ kém 15 rời ga. Chuyến tàu hàng rồi chuyến tàu nhanh rồi chuyến tàu quân sự đổ xuôi. Hơn 8 giờ hắn mới chui ra từ bãi dong riềng, cô vợ cúi mặt che nón phía sau. Hắn nghiêm nghị trong bộ quân phục nhàu nhò vương cánh hoa dập vỡ nửa như vết son nửa như dấu máu…
Tối mịt thì gã và hắn cũng hội quân với chuẩn úy và trung sĩ ở ga VY. Bám tàu hàng, chờ tới thị xã hô nhau nhảy đại xuống đầm nước sát đường tàu. May lành lặn…
Ngay đêm ấy, gã nhận lệnh lên sư bộ, về phòng tuyên huấn. Ba vị kia tức tốc theo đơn vị lên thế chân cho sư đoàn bạn suốt cả năm đồn trú, phản công đã hao quân kiệt sức trên các đỉnh núi ở Vị Xuyên.
Vĩ thanh
Gần bốn mươi năm sau, gã binh nhất chụp ảnh đám cưới là phóng viên hồi hưu. Nửa tháng trước, người ta gửi thông báo yêu cầu trưng tập ông xác minh một trường hợp quân nhân chờ truy tặng. Rồi một cuộc gọi, ông tiếp tiến sĩ sử học Hồng Hà tại gia.
Người đàn ông không thể rời, những bức ảnh đen trắng cũ được phục dựng màu công nghệ số, trượt trên màn hình smarphone như cuốn phim tốc độ nhanh cho hình ảnh chuyển động chậm.
Cặp đôi đứng trước mặt. Nàng ôm bó hoa dong riềng, gượng cười. Còn tay chồng vênh váo. Khư khư ôm vai vợ, cứ như là sợ ai cướp mất.
Sau đận ấy, ông mất dấu cả ba. Không ít đại đội, tiểu đoàn xóa phiên hiệu, tên người, giăng mắc trên gai đá, đỉnh mây. Cũng đôi lần ông ngang nhà ông giáo Chi. Rặng nhãn và ngôi nhà, doi cát, dải hoa dong riềng mất dấu. Người ta đã bê tông hóa bờ sông. Trắng xám. Ga xép chuyển dịch, lui xuôi vài cây số.
– Đúng, bác là người chụp những tấm ảnh này.
– Vâng, cảm ơn bác. Bản quyền những tấm ảnh này từ nay phục hoàn cho bác.
Nhìn vẻ mặt, ông đoán cô gái muốn nhiều hơn thế.
Nét của cha, dáng của mẹ.
Sắp tới đây, người ta sẽ tìm đến ông minh xác việc có hay không cha cô từng đào ngũ, để quyết định mức truy tặng.
Nghẹt giọng, cô đứng dậy, nhìn ra cửa sổ. Không có vườn hoa dong riềng nào cả. Người phóng viên già trầm lặng.
– Bố cháu đàn ông lắm…
Muốn ngăn cựu phóng viên lại, nhưng sau bao nhiêu cố gắng, cô bỗng rã rời. Quan trọng là cha đã trọn bổn phận người lính. Chưa bao giờ thấy được hình ảnh người cha theo cách mà cô muốn, một người bình thường. Vâng, nếu cha không sai lầm thì hôm nay không có cô đứng đây. Rằng một phần cuộc đời ông đã qua, nhưng dấu tích còn hoàn nguyên.
Sông Thao, xuôi chảy xạc xào bờ bãi, cô về trên thổ ngơi hoài tạo nên da thịt mình mà hình dung trước những bông hoa dong riềng giữa cỏ lau.
Tháng 9/2021
N.T.T.K
——–
1. Chính trị viên đại đội (gọi tắt).