Bài nổi bật

Cơn đau dĩ vãng – Trung Sỹ

Ba người lính, ba người bạn chí cốt trong truyện ngắn của nhà văn Trung Sỹ, mỗi người đều rời chiến trường với những thương tích chiến trận, xót xa cơn đau dĩ vãng khi trở về đời thường. Thời tuổi trẻ, họ là những người lính chiến đấu quên mình vì lý tưởng. Rời quân ngũ, nhập dòng sinh nhai nhưng vẫn còn đó trong con người tất bật mưu sinh bản chất người lính trận – tình cảm, lãng mạn, trọng nghĩa tình. Chúng ta không khó để nhìn thấy một phần hình ảnh của các nhân vật Bình, Việt, Ngọc trong những bóng dáng áo lính cũ đẫm mồ hôi trên chiếc xe thồ ba bánh giữa phố phường hôm nay. Trong chiến trận, họ can trường một mất một còn, về đời thường, họ cũng như bao người, sấp ngửa vì miếng cơm manh áo. Có bao bao góc khuất trong những mảnh đời xô dạt. Những trang văn Trung Sỹ khi đắm chìm cảm thương, xáo động, lúc gọn gàng, tỉnh táo, thẳng băng – Đó là những tiếng nói từ bên trong lẫn bề ngoài, là dĩ vãng hòa lẫn với thực tại. Mất mát cơ thể, chứng tích một thời sôi nổi quên mình chỉ người trong cuộc mới hiểu thấu. Giữa các diễn biến sòng phẳng, gấp gáp mà người lính dự phần, những cơn đau lại dậy lên, nhắc nhủ về thời khắc đau thương mà hào hùng từng trải đời lính. Một tiểu cảnh vỉa hè, một hắt bóng tưởng rất đơn sơ mà chất chứa bao tâm tư, nỗi niềm là thế…(Lời bình của BTV Võ Hà)

Thời tiết ngột ngạt trước trận gió đông chuyển mùa. Áp cao nén không khí quánh đặc, ẩm ướt và bức bối. Buổi chiều nồm thiu, nhớt nhoét như đống lá gói bánh giò rấp vội góc quán vỉa hè. Mặt chiếc bàn nhựa dấp dính những đám bọt bia tràn. Chuyến tàu hỏa cuối ngày như một con sâu khoang lười biếng ì ạch leo cầu đá Phùng Hưng, lúc khuất lúc hiện sau những tán bàng tía đỏ.
Việt thờ ơ nhìn con sâu sắt nặng nề bò qua mái phố, im lặng nhấm nháp cốc bia hơi chờ bạn. Chẳng phải đợi lâu, hai chiếc xe ba bánh đã tấp lại bên kia đường. Các ống nhựa tròn ngất ngưởng, thò dài ra phía sau xe tựa nòng sơn pháo. Tiếng kéo ga “pành pành” rít điên cuồng như họng đại liên trước khi máy tắt. Hai người đàn ông kỳ dị trong bộ đồ lính cũ nhàu nhĩ sải bước sang đường, kéo ghế ngồi.
Người đàn ông có bộ mặt cười là Bình. Rừng khộp Campuchia năm 1980. Tăng…ùng…phát B41 địch phục kích bắn gần. Tử thần bay sạt mặt. Hú hồn! Quả đạn chống tăng nặng hai ký rưỡi chỉ lệch sang phải chục phân nữa đơn vị sẽ báo Bình mất tích. Nếu ôm cả trái nổ lõm ấy hình hài còn gì nữa cho anh em thu gom tìm kiếm? Không trúng nhưng cánh đuôi trái hỏa tiễn cũng kịp xòe ra, rạch từ mép đến mang tai Bình một vệt chém sâu hoắm. Pho tượng thần Bayon bị đạn 12.7 ly xé rách mép trên núi Oudong ngày đó giống hệt Bình lúc mới ra viện, thiên thu ngạo đời một nụ cười vếch mép. Việt vẫn đùa: “Rạp xiếc nên thuê mày làm hề”.
Bình trở về phố cũ trong giọng nói khác, khuôn mặt khác. Hồn Trương Ba da hàng thịt nhưng bà già vẫn nhận ra thằng con trưởng. Bình chán cái bản mặt mình trong gương. Đi làm về muộn, vào toilet đêm nhiều lúc thảng thốt giật mình như có ma hay người lạ vào tắm cùng. Bình đâm sợ, có khi cả tuần không tắm. “Tắm nhiều thịt nó nhạt”, Bình cười hề hề giải thích với vợ. Như thương xót Bình, suốt những mùa hè mùa đông bao cấp, nước máy Hà Nội chỉ ri rỉ chảy.
Người thứ hai là Ngọc, với chiếc kính đen độc nhãn tự tạo che một bên mắt hỏng. Mảnh đạn M79 nổ trên bờ công sự đã lấy đi của Ngọc một con mắt. Còn hai con mắt khóc người một con. Còn hai con mắt một con khóc người. Lời một bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh vận vào đời Ngọc theo đúng nghĩa đen. Ngọc giải ngũ, từ trại an dưỡng thương binh về xin cưới Hương, người bạn gái cùng lớp dấu yêu xưa khi nàng đã kịp góa chồng và có một con gái riêng. Chính Ngọc đã viết thư dứt tình với Hương sau những trận đánh khốc liệt đầu tiên trên chốt biên Tây Ninh. Ngọc sợ không về được thì đời nàng sẽ khổ.
Biết trăm sự tại mình nên Ngọc nể Hương bao la một trời. Nếu đong đếm được mất mát bằng nước mắt, như mụ béo chủ quán kiêm ghi phơi đề đang đong bia kia, đời Ngọc sẽ viên mãn gấp đôi người khác. Hồi tại ngũ nó là thằng mau nước mắt. Việt từng chứng kiến Ngọc mếu máo dừng lại giữa cuộc hành quân đuổi địch. Nó thương con gà rừng đang ngắc ngoải nằm trong ổ. Con gà mẹ bình thản tuẫn tiết, nằm ấp ổ trứng giữa rừng khộp rừng rực cháy lan đến, không chịu bỏ đàn con chưa nở. Nay Ngọc chỉ khóc bằng một con mắt. Mà nói cho cùng mắt cũng chỉ là cơ quan tiết lệ, còn sự xót xa nó nằm khóc sâu ở trong hồn.
Việt cúi xuống kéo lại chiếc tất tụt qua đoạn chân giả, cụng ly với hai thằng bạn nhậu. Ba người im lặng uống. Lính cùng đoàn vào biên giới Tây Nam, kẻ trước người sau lần lượt dính mảnh văng số phận. Đời thường mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre. Không chết là may, anh em ngày về còn trông thấy nhau, dù đui què mẻ sứt cũng coi như lãi.
Chẳng có nghề ngỗng chuyên môn gì, như nhiều thương binh khác, Việt cùng hai đứa Bình, Ngọc tậu chiếc xe ba bánh chở hàng làm kế sinh nhai. Những chiếc xe “Hợp tác xã vận tải 27-7” bé nhỏ, luồn lách khắp nơi trong phố cũ. Chúng giống nhau đều cùng một khuôn: Dây dù buộc hàng chằng ngang dọc, võng lính mắc toòng teng, chiếc radio bán dẫn lủng lẳng treo trên giá khung luôn mở hết volume “Đời mình là một khúc quân hành”, và trên sườn xe đỏ rần khẩu hiệu “Thương binh tàn nhưng không phế”. Từ khi xe tải to chở hàng cồng kềnh bị cấm vào trong phố, loại xe ba bánh nhỏ với các anh tài thương binh càng lắm người nhờ cậy. Chốt công an giao thông thường ngó lơ những lúc xe họ quá tải diễu qua.
Chiều nay ba người ngồi đây theo lời hẹn của Lộc, thằng em lứa sau cùng đơn vị chiến trường. Bình bồn chồn sốt ruột, chốc chốc lại liếc cái đồng hồ SK bốn đinh mặt lửa. Ngọc chột chăm chú lấy thìa vớt con ruồi say đang ngắc ngoải trong cốc bia, khoái trá phán điềm lộc lá sắp đến. Ngọc vừa thổi phù phù cho con ruồi khô cánh, vừa xuất bản miệng bài thơ đề ứng tác trước các thực khách nhẵn mặt. Thơ đề của Ngọc nổi tiếng linh nghiệm ở quán bia vỉa hè này.
Chiều nay quán nhậu cây bàng
Cứu con ruồi chết đời đang có màu
Gió đề từ cõi thẳm sâu
Thổi tai thày phán vài câu mượn hồn
Ba năm trấn thủ lưu đồn
Miếng da lừa vá càn khôn rách lòi.
Xong đoạn thơ, Ngọc ngẩn người vỗ đùi đánh đét quát giật giọng: “Bà chủ đâu, ghi tôi con 35. Bạch thủ con 35!”. Đám vô công rồi nghề năm xu bia một hào lạc ngồi chầu các bàn bên cạnh reo à lên, tơi tới a dua đánh theo Ngọc.
Hết tuần bia thứ ba Lộc đến thật. Chiếc xe Camry 2.0 trờ tới êm ru, bộ lễ phục phẳng phiu mới tinh cười xởi lởi bước xuống xe. Việt nhìn đôi quân hàm, hỏi xóc: “Mới vượt cấp trung tá hả? Năm ngoái tao thấy vẫn đại úy mà”. Bông lúa viền quanh huy hiệu thương binh trên ngực Lộc lung lay, điệu cười xí xóa: “Đi kiếm cơm buộc phải thế, chứ em bao giờ cũng là thằng đệ binh nhất tụt tạt của các đại ca. Việc mới phải nhờ các đại ca đây”
Chẳng có gì mới, nó đến nhờ “đi chốt”, là đi giữ đất cho người ta như thằng Bình hay đùa cợt. Từ hồi đất đai lên sơn sốt, việc này ngày càng có nhiều người nhờ bọn Việt. Một lô đất bên khu đô thị mới đang tranh chấp giữa chủ đầu tư với người mua. Do đóng tiền không đúng tiến độ hợp đồng, chủ đầu tư sang tên ngay cho người khác trả cao hơn. Bên mua hiện đang thuê một số thương binh kéo đến trụ sở dự án gây áp lực đòi lại. Bên dự án lại thuê Lộc đứng ra tổ chức lực lượng bảo vệ. Thời buổi đất lên giá vù vù, của một đống tiền.
– Trăm sự em nhờ bản lĩnh các huynh đài. Đây là 30 triệu tạm ứng đợt đầu. Đúng 7 giờ sáng mai các huynh có mặt tại lô đất đó nghe.
Nó đứng dậy, trịnh trọng đưa mỗi người một chiếc phong bì dày cộp, gọi chủ quán thanh toán trước cho cả nhóm rồi xin phép rút lui. Chiếc Camry bóng lộn nhanh chóng vút đi êm ru.
Cơn gió bấc đầu tiên thoảng về. Hơi lạnh mỏng tang không muốn ai nhìn thấy, lén chui qua ngõ nhỏ gầm cầu. Bóng tối xạc xào đu trĩu dưới tán bàng già, loang chiếm khoảng vỉa hè nhớp nháp. Trong ánh đèn đường vừa bật sáng, Việt thấy mặt thằng Bình tấy đỏ nụ cười đến tận mang tai. Nó khoái trá mở phong bì, le lưỡi nhấm nước bọt đếm cẩn thận từng tờ xanh polyme mới cáu cạnh.
Ngọc chột càng uống càng chìm. Thằng “nhà thơ đại đội” này vốn đa sầu đa cảm và nói lắm, chiều nay vào cầu lộc bỗng im như thóc. Hay nó lại đang làm thơ? Việt vẫn thuộc lòng bài thơ chia tay Hương nó viết, ghi trong nhật ký những ngày đầu ra chốt Bến Cầu.
Kia núi Bà Đen.
Thảng thốt chiều hôm
con sáo báo tin
địch cày bung chốt.
Xách khẩu B41
tôi đi về núi Bà Đen.
Lội qua đồng mưa
phập phồng loài gió lạ.
Bưu trạm Gò Dầu hạ
Lay lắt đáy bòng
chiếc phong bì rỗng không
Viết tháu đôi dòng
giục em đi lấy chồng
Ngày mai lại qua sông
sông Vàm Cỏ đông
bám càng chuyến xe lam
lắc lư lên chốt.
Mai vào Chiphu
phụt tiễn tình yêu
vài trái B41.
Bài thơ dứt tình độc địa nhát gừng, chẳng giống các bài thơ in trên báo nhưng sao nhớ lạ. Nhớ cả những chuyến xe lam nhờ dân chạy ra đường biên ngày ấy. Những gì gắn với cuộc đời riêng thằng lính, có cả số phận mình trong đó thì người ta nhớ lâu. Bây giờ dẫu không còn xe lam lên chốt thì vẫn còn xe ba bánh kiếm ăn lăn trên các nẻo đường. Những cái chốt lần hồi cơm áo gạo tiền đắp đổi mãi không xong.
Việt đút chiếc phong bì vào túi, gọi to chủ quán tiếp thêm tuần bia, xua cái cảm giác ngại ngùng trước mặt bạn bè. Ngày thường, mấy anh em trong nhóm vẫn chia sẻ, hỗ trợ nhau vô tư những lúc khó khăn. Hôm nay nhận phong bì của Lộc, thằng em “quân hàm dỏm, thương binh chạy” như Việt vẫn chửi, thấy trớ trêu cuộc đời ngập hết trong hồn. Đánh qua đường sắt Oudong, đoàn lính mới của nó mới bổ sung vào. Bị thương cùng trận với Việt hồi chiến dịch Amleang. Khi trái cối 82 ly chớp nổ, Việt hoa mắt ngã xuống, vẫn còn kịp nghe nó hớn hở la lớn phía sau: “Trúng mánh mẹ ơi…!”
Dính mảnh cối bé bằng hột đậu vào phần mềm bắp chân. Loại khinh thương nhưng nó la ồi ồi như sắp phải cưa giò. Về phẫu trung đoàn chưa đầy tuần, vết thương đã kín miệng, quân y cho Lộc ra viện, dành chỗ cho các thương binh mới. Nó cậy pin thối, xà bông đắp vào cho loét ra, rên rỉ khai thêm: “Em bị sức ép, đầu óc vẫn váng vất chóng mặt lắm bác sĩ ơi”.
Chủ nhiệm quân y trỏ Việt đang băng kín, nhẹ nhàng bảo: “Cậu này đi trước hứng hết mảnh cho em. Trái cối nổ cách em cả chục mét thì sức ép gì? Hay em bị sức ép súng AK?”. Nó mừng cuống lên: “Đúng rồi anh! Em xài AK, bị sức ép AK”. Cả trạm phẫu cười nôn ruột. Từ đó, mọi người gọi nó là thằng “Sức ép AK”. Ra viện trước Việt, nó không về đơn vị, biến mất tăm dạng. Nghe nói nó chuồn ra Bắc, nhà nó gồng, chạy cho nó về một đơn vị thu dung ở hậu phương.
Chuyện cũ chiến trận bỏ qua. Đánh nhau rã rời, trời kêu ai nấy dạ, coi như thằng ma lanh có số may mắn, nhưng Việt ghét nó cái tính khoe khoang, nổ một tấc đến giời. Những lần hội họp cựu chiến binh đơn vị đầu tiên, nó còn không dám bén mảng. Mấy kỳ gần đây bắt đầu lân la đứng lên tài trợ, phát biểu hùng hồn hơn đài, trong khi mấy đứa chí cốt, đánh nhau chết bỏ lại ngậm mồm chẳng biết nói gì. Những thằng lì lợm chiến trận về đời thường lại chẳng giỏi giang kiếm tiền bằng mấy anh láu cá, thậm chí quỹ hội thường niên có khi còn xin khất.
Mấy lần Ngọc chột bảo thẳng mặt Lộc: “Lễ phục oách quân hàm dỏm đeo cho oai với ai ngoài xã hội kệ mày. Đừng có đeo đi họp hội trước mặt bọn tao. Ngứa mắt lắm!”. Nó vẫn hì hì cười nhăn nhở: “Các huynh có chửi em cứ chửi, nhưng em vẫn là thằng cùng đơn vị với các anh, trót dính vào đời các anh rồi. Các anh có huân huy chương đủ loại đeo, thì cứ coi em như cái nốt hắc lào đeo nốt vào cái bẹn đời thằng lính vậy. Lính phải có lác, chẳng bỏ em được đâu!”.
Việt không ưa những bộ lễ phục cứng đờ gò bó. Lính trận về hưu không cần lễ phục nhưng cần tiền. Nhận tiền của một thằng đàn em kém phân, nghe nó giao nhiệm vụ chẳng phải là một điều dễ chịu. Ngày trước mình dạy nó kinh nghiệm chiến trận, bây giờ nó dạy lại mình vốn liếng lẽ đời. Chiều trước lúc ra đây theo hẹn, thấy ông loay hoay xỏ bít tất cho chiếc chân gỗ, thằng cháu ngoại bi bô: “Chân gỗ không biết lạnh, ông đi tất làm gì”, thì Việt cũng có cảm giác tủi thân giống như lúc cầm cái phong bì này. Khoản trợ cấp thương binh may đủ đóng tiền điện với mua bình gas hàng tháng là vừa xoẳn, mà trên đời còn bao nhiêu thứ phải tiêu tiền. Chiếc xe ba bánh kia đã nuôi cả gia đình, nuôi mẹ con mày trong những ngày khốn khó đó con yêu ơi! Việt ôm thằng bé vào lòng. Rồi lớn lên con sẽ hiểu. Có những vết thương, những nỗi đau phải biết che đi để vượt lên sống bình thường. Không biết các ông chủ dự án ngày mai có gọi vụng đám mình là tụi “chân gỗ”, như đã có lần Việt nghe thoáng có ai ở đâu đó từng đã gọi.
Tợp một hơi hết cốc bia, Việt cúi xuống kéo lại bít- tất bên chiếc chân giả theo thói quen, dù chiếc bít tất màu xanh ô liu vẫn nghiêm ngắn ôm tròn chiếc chân vô cảm. Buổi chiều ở quân y viện tiền phương, khi mở mắt tỉnh lại, thấy người y tá gói một chiếc cẳng nát đưa ra khỏi lán mổ. Nhìn xuống đùm băng trắng toát, không thấy chân đâu, Việt đã thảng thốt gào lên đau đớn: “Em lạy anh! Trả lại chân cho em. Ối anh ơi..!”.
Ở đây có nhiều những cái chân hoại tử bỏ đi như thế, nào biết chân ai? Nước mắt Việt ứa ra, nhìn theo một phần thân thể con người cùng anh y công đi ra hố chôn bệnh phẩm. Chiếc chân cha sinh mẹ dưỡng, lẫm chẫm tuổi ấu thơ trong bức ảnh vẫn treo trên tường, giờ nằm lại trong một cánh rừng khộp vô danh xứ người. Đêm đêm, tiếng súng vệ binh vẫn đì đoàng nổ ngoài trảng tranh Tà Chét, xua lũ chó rừng, kỳ đà lẻn vào đào bới kiếm ăn ở các hố chôn chi cắt lọc.
Hồi mới từ trại an dưỡng về nhà, trong những giấc mơ, Việt vẫn thấy mình còn đủ cả hai chân. Bàn chân đạp pê-đan trống bass ban nhạc trường cũ vẫn đang giần giật giữ nhịp. Lại có lúc thấy nóng rực chỗ bàn chân vô hình ấy, như đang chạy trên vỉa hè nắng hun những chiều đá bóng. Nửa đêm giật mình choàng dậy, cúi nhìn trân trân xuống khoảng chăn lép, lại thấy hẫng hụt nhớ cái chân xưa. Cái chân mất có chữ “Thương Mẹ” ôm tròn một trái tim, tụi bạn quân trường đốt muội quai dép xăm cho.
Việt chưa quen với bộ vó thửa vô cảm. Hình như người ta hay để ý chăm chút đến cái phần đã chết, đã mất đi hơn cái phần đang tồn tại. Cái chân vô hình vẫn đau dù người ta đã chôn nó cách đây cả ngàn cây số. Bác sĩ quân y giải thích đó là hội chứng “đau chi ma”, nỗi đớn đau từ những chi đã bị cắt bỏ, được ghi rõ trong y văn thế giới. Cơn đau có thể có nguồn gốc từ tủy sống và não bộ. Các phần của não, nơi đã từng kết nối với các dây thần kinh của chi đã cắt cụt vẫn phản ứng nên thương binh vẫn cảm thấy đau, một nỗi đau dĩ vãng mà trí nhớ vẫn còn lưu giữ.
Đầu mỏm chân cụt ngứa ran và lại bắt đầu nhức nhối. Mỗi lần xuất hiện cơn đau, không cần nghe đài báo thời tiết, Việt biết sắp trở trời. Mà đang trở trời thật. Bầu sương mịt mờ nồm ẩm trên phố ban chiều đã biến thành những giọt mưa rơi mỗi lúc một mau. Màn mưa kéo sụp thấp những mái hiên hiu hắt. Cây cầu đá thực dân xám mờ, buốt giá trong trận bấc cường ào ào kéo về.
Bình uống chừng tới độ, khoái trá dằn mạnh cốc bia cạn lên mặt bàn vỗ ngực bồm bộp:
– Anh em ta đã đi giữ đất cho Tổ quốc, giờ lại nhận nhiệm vụ đi giữ đất cho các nhân dân giàu có. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng. Ha ha ha…
Ngọc chột say la đà, lè nhè méo tiếng chửi Bình:
– Kẻ thù nào hả? Anh em ta cả đấy. Tiên sư thằng ngu!
Không biết ngày mai đụng độ có gặp thằng nào cùng đơn vị bên phe kia không? Thế đấy! Từ đang là đồng đội sinh tử, giờ lại phân đôi chiến tuyến chỉ vì miếng cơm manh áo đời thường. Gió ù ù buốt tai. Việt lạnh sởn gai ốc ngoảnh sang, thấy Bình vẫn thờ ơ nhìn ra ngoài phố như không có chuyện gì xảy ra. Trong mắt đám khách quen ngồi đây, Ngọc chiều nào chẳng say như chiều nào. Còn với Bình, chẳng có gì quan trọng và thiết thực hơn việc kiếm đủ tiền nuôi hai thằng con lộc ngộc đang học đại học.
– Đau lắm nhục lắm bây ơi…! Còn ngồi đấy mà cười à? Đ…mẹ thằng sức ép AK!
Ngọc chột bỗng lảo đảo đứng dậy, rút phắt cái phong bì trong túi ném thẳng ra ngoài đường. Chiếc phong bì vỡ toang. Những tờ giấy polyme mệnh giá 500 ngàn bay tung trời trong mưa gió. Chủ quán hốt hoảng, quát vội đám nhân viên bưng bê chạy ra nhặt lại tiền cho ông thần say khách ruột.
Bình vẫn thản nhiên toác mồm nụ cười vĩnh cửu, đếm cẩn thận gói tiền ướt đẫm chúng vừa gom lại cho Ngọc chột, đút vào túi mình, dặn Việt:
– Giờ tao chạy xe của nó, đưa thằng say về cho con Hương. Mày ở đây trông hàng chờ tao. Tí nữa mình cùng về.
Hai cái bóng kỳ dị liêu xiêu dìu nhau ra khỏi quán. Việt tợp cạn cốc bia, vô thức cúi xuống kéo bít tất cho chiếc chân giả. Đoạn chân ma chiều nay lại nhức nhối cơn đau dĩ vãng.
TRUNG SỸ

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *