Bài nổi bật

Cõi Mù Sương – Khánh Liên

RadioVn.Com – Lần cuối con gặp mẹ con thế nào ư? Sao ai cũng hỏi về lần cuối hết? Khi một người ra đi hay biến mất, sao người ta không hỏi những kỉ niệm vui hay buồn ta đã có với người đó, mà lại hỏi lần cuối ta gặp người đó thế nào, ra sao?
Lần cuối con gặp mẹ Sương trong bệnh viện giống như bà ngoại vậy đó. Mẹ nằm ở khoa sản phụ. Mẹ cho em bú. Mẹ có khóc không ư? Chắc là khóc xong rồi. Con thấy mắt mẹ đỏ, đỏ bầm như máu ấy. Mẹ cho em bú thật lâu. Em đã no rồi, ngả người ra không muốn ngậm bầu vú căng sữa của mẹ. Vậy mà mẹ cứ ôm đầu em ấn vô, ấn mãi đến khi em bé khóc ré lên. Sau này em con lớn, em đâu biết rằng đó là lần cuối cùng em được bú dòng sữa ngọt ngào của mẹ, lần cuối cùng được dụi đầu vào bầu ngực căng tròn mềm mại kia. Mà, lớn lên, em còn nhớ cảm giác đó không? Em bé quá. Thời gian thì dài quá. Chắc gì em đã nhớ vị ngọt của dòng sữa mẹ lúc em bú đầu tiên hay bú lần cuối cùng. Như con đây, con bú mẹ từ khi lọt lòng đến lúc hai tuổi. Con may mắn hơn hai đứa em cùng mẹ khác cha của con mà con có nhớ vị của sữa mẹ như thế nào đâu? Con quên. Nhưng mà có nhiều thứ con nhớ, nhớ mồn nhớ một, nhớ rõ nhớ ràng.
Cõi Mù Sương – Khánh Liên – ( Ảnh Minh Họa )
Con nhớ nghĩa địa nơi mẹ và con ở. Nghĩa địa trên dốc cao. Người ta trồng trong nghĩa địa những hàng thông. Mộ người chết nằm xen giữa những gốc thông. Đêm nào con cũng nghe tiếng chim heo kêu. Có đêm cả chục con chim heo kéo về nghĩa địa kêu eng éc nhức tai nhức óc trong sương mù dày đặc. Những người lớn sống trong nghĩa địa phải đốt đuốc xua bầy chim heo đi.
Hồi đó cổ con nổi một cục bướu to. Ngày nào đi học về con cùng lũ nhóc sống trong nghĩa địa bày trò chơi giữa các nấm mộ. Tụi con hay chơi năm mười. Có lẽ trong nghĩa địa núp sau các nấm mộ rất khó tìm và thú vị nên tụi con cứ chơi cái trò ấy. Mẹ giống một vài người trong nghĩa địa, đi thu mua ve chai.
Con ước gì cổ con đừng nổi cục bướu to. Không phải vì bạn bè cười chê, mà vì nó mẹ con đã làm nghề khác. Mẹ sinh em bé cho người ta, sinh ra mà phải bỏ dở em giữa chừng. Em nào cũng bị mẹ dúi đầu vào bầu ngực, bắt bú lấy bú để. Nhưng cu Tin thì không có ai giật ra hết. Còn em bé trước thì có người giật ra, giành lấy, bế đi khỏi vòng tay mẹ. Ngày đó con hay hỏi mẹ rằng: “Mẹ ơi, sao mẹ không để em bé lại nuôi? Em bé dễ thương mà. Con thích em bé lắm. Mẹ có thể đẻ cho con một em bé và để lại nuôi có được không?”. Mẹ bảo đó là em bé mẹ sinh cho nhà người ta, không phải là em bé thuộc về mẹ.
Giờ con lớn con mới biết mẹ làm nghề đẻ thuê. Con nhớ bác Chiến nhà ở nghĩa địa gần nhà con. Mà cũng không phải là nhà. Toàn là ván ghép vá chùm vá đụp. Xứ lạnh, sáng chiều gì cũng sương mù, rồi mưa rầm mưa rỉ. Lạnh. Con lạnh lắm. Hồi đó con chỉ ước có một bếp lửa thật to trong cái chòi của mẹ con thôi. Nhưng chẳng có vì nếu không sẽ cháy hết. Nấu ăn mẹ phải nấu ngoài nghĩa địa.
Bác Chiến hay qua nhà con chơi. Một lần bác cứ nhìn cổ con và nói: “Em cứ đẻ cho người ta đi, nhìn cái cổ con gái em kìa. Con bé phải mổ chứ?”.
Cục bướu trong cổ con đổi bằng một đứa em. Con ghét cục bướu. Giờ cổ con nổi một chục cục bướu cũng được, đổi bằng con gặp mẹ và em. Em con bị bắt đi con chưa gặp thêm lần nào, ngoài cái lần mẹ dúi em vào bầu ngực. Lần nào trong bệnh viện mẹ cũng dúi em vào bầu ngực. Em thứ nhất, rồi em thứ hai. Sữa chảy ròng ròng ướt cả cái áo bệnh nhân của mẹ.
Con còn được gặp mẹ con không? Mẹ con mất rồi hay mẹ chỉ bỏ đi thôi, giống như ba ruột con bỏ hai mẹ con con ấy. Mà sao lâu quá rồi mẹ không trở lại. Con làm thiếu nữ rồi. Ngực con cũng nẩy căng rồi. Sao mẹ Sương con không trở lại?
2.
Có đến ba người đàn ông trong cuộc đời một người đàn bà. Như vậy chẳng phải quá nhiều sao? Trong khi tôi cần chỉ một người.
Ngày chồng tôi đi, tôi đứng trên con dốc, nhìn chồng đi con đường phía dưới. Lúc đó tôi linh cảm là chồng đi luôn và tôi ước gì anh ta đi luôn. Tôi thật tội lỗi! Một người vợ lại mong chồng mình đi luôn, biến mất khỏi cuộc đời mình. Ở lại có gì vui đâu?
Tôi ghét việc mình lấy anh ta làm chồng. Đòi tiền, uống rượu, đánh đập tôi và con gái… anh ta còn xát muối vào lòng tôi khi nhắc tôi là một đứa con bị bỏ rơi đầu đường xó chợ. Anh ta xúc phạm người mẹ đã sinh ra tôi, chỉ vì bà ấy bỏ rơi tôi. Tôi không xúc phạm bà ấy thì thôi sao anh lại có cái quyền đó? Mẹ tôi xấu hay tốt tôi còn chưa biết, sao anh ta lại phán xét? Tôi ghét việc anh ta động vào mẹ tôi và động vào quá khứ của tôi.
Một đứa trẻ bị bỏ rơi đầu đường xó chợ thì sao? Nó có lỗi gì chứ? Chỉ vì vợ mình bị bỏ rơi khi còn là trẻ sơ sinh mà anh ta lấy lý do đó để coi thường, đánh đập và nhục mạ vợ. Nếu không lớn lên ở đầu đường sao tôi gặp anh ta được? Anh ta có hơn gì tôi đâu? Đầu đường gặp xó chợ. Xó chợ gặp đầu đường!
Anh ta biết mẹ nhưng tôi không biết mẹ tôi. Anh ta căm thù mẹ mình nhưng tôi không ghét mẹ tôi. Anh bảo đứa trẻ nào bị vứt ra đường cũng đều do người mẹ không yêu thương nó, không muốn nhìn thấy nó. Nhưng tôi thì khác, chừng nào tôi chưa gặp mẹ tôi, tôi vẫn không kết án hay căm ghét, căm thù.
Và chồng tôi bỏ hai mẹ con tôi đi. Gái, bài bạc, hay cái quỷ sứ gì tôi cũng chẳng biết nữa. Thứ nào anh ta cũng lao vào, chỉ vì anh ta không trôi qua nổi cái cuộc đời buồn chán này. Anh ta dồn hết buồn chán cho tôi để ra đi tìm một cái gì đó khác. Có gia đình vợ con, anh ta lại trở thành kẻ xó chợ đầu đường. Anh ta chán ghét hai tiếng “hạnh phúc” hay “gia đình”. Anh ta chẳng tin ai hết. Thượng đế không tin, mẹ không tin, vợ con càng không tin. Anh ta bỏ đi tôi vừa đau vừa nhẹ nhõm.
Lúc này tôi đang đứng trên đồi cao. Tôi đi thật xa, chọn cho mình một nơi mà tôi nghĩ là cao nhất và đẹp nhất để từ bỏ thế giới này, cuộc sống này. Cái xứ này đi đâu cũng gặp thông. Nghĩa địa nơi xóm tôi ở cũng có thông và nơi tôi sắp rời xa cõi đời này cũng đầy thông nốt. Thông cao vút, lá chĩa lên trời, vi vu mỗi khi gió thổi. Cỏ cứa chân tôi. Những quả thông khô ẩn sâu dưới lớp đất mềm đưa con mắt nhìn tôi kinh ngạc. Rồi tôi sẽ giống những quả thông kia, chìm sâu vào lòng đất.
Phải chi người đó đừng gọi tên tôi vào buổi chiều u buồn đó. Anh là bác sĩ đỡ đẻ cho tôi hai lần, lần nào cũng mẹ tròn con vuông. Chui ra từ bụng tôi hai đứa con rồi. Có hai đứa con lẽ ra tôi dư tình mẫu tử. Vậy mà tôi thiếu. Vì tôi có được gần chúng nhiều đâu. Ngoài đứa con gái với chồng tôi, đứa còn lại, lọt lòng vài ngày là có người bế đi. Cha nó bế nó đi. Làm mẹ mà tôi lại thiếu tình mẫu tử. Còn anh, lại thiếu tình phụ tử. Là bác sĩ khoa sản, đỡ đẻ cho người ta hàng ngày, nhìn thấy những đứa trẻ lọt lòng mà anh chưa một lần thấy được con của riêng anh. Anh thèm và anh thiếu.
Rồi anh cũng thấy cảnh con tôi bị người ta đưa đi. Sửng sốt, anh nhận ra người đàn bà này làm cái nghề đẻ con cho người khác. Sao chiều đó anh lại gọi tôi? Đừng có tiếng gọi đó thì hay biết nhường nào! Tiếng gọi đó tạo ra một mầm sống nhưng cũng giết chết quá nhiều người. Có bao nhiêu người chết khi mầm sống đó ra đời? Chết tinh thần, chết thể xác, chết cả những hoài nghi về giấc mơ mà con người cố tình che giấu.
Người đàn ông cuối cùng là người tôi yêu nhất. Nhưng những tinh tế, ngọt ngào tôi hưởng từ anh (dù thuê mướn) lại trở thành những mũi kim khiến tôi không thể sống để nhìn thấy mặt trời. Những cảm giác đó, buồn vui đó, thăng hoa và bất hạnh đó… Anh không có lỗi, tôi không có lỗi nhưng số phận của chúng tôi có lỗi.
Tôi chưa bao giờ có được tình yêu của người đàn ông trong đời mình. Ba người đàn ông họ đều cần tôi vào một khoảnh khắc nào đó. Chồng tôi cần một người vợ nhưng không có tình yêu với tôi, hai người còn lại cần một đứa con. Còn tôi, tôi cần gì ư? Tôi cần bảo vệ những thứ có trong cuộc đời tôi dù cố tình hay vô ý. Tôi cần bảo vệ người mẹ của tôi (dù lúc đó tôi bị bỏ rơi và chưa gặp bà), bảo vệ con tôi khỏi căn bệnh hiểm nghèo, cần cho nó một chỗ ở không phải là trong nghĩa địa, sống với các nấm mồ. Ngay cả giây phút cuối cùng này tôi cũng bảo vệ một cái gì đó. Cái gì ư? Hình như là một giấc mơ. Tôi không muốn giấc mơ của tôi vỡ vụn. Tôi đã mơ những điều tôi trải qua là đúng. Nếu như không đúng thì cũng có lý do để biện minh là nó không sai. Nhưng hình như tôi đã sai rồi. Sai lầm sai lạc ngay cái buổi chiều người đàn ông cuối cùng gọi tên tôi…
3.
Xứ lạnh này sao nhiều bướm đến thế? Đúng rồi, thời tiết ôn đới mà, hoa cỏ thi nhau nở nhiều bướm là chuyện đương nhiên. Bướm vàng, bướm trắng, bướm đỏ, bướm hoa hòe hoa sói…
Nếu linh hồn con người ta là bướm thì trong những con bướm kia con bướm nào là em gái tôi?
Mẹ à – bà ngoại, bà nội cu Tin à – đừng buồn nữa. Mà không buồn sao được! Thôi mẹ ơi mẹ cứ buồn đi. Buồn xong rồi mẹ ngồi dậy dùm con nhé. Mẹ đã nằm như thế bao lâu rồi mẹ biết không? Nằm và khóc, dằn vặt bản thân mình.
Mẹ cũng đừng tìm dao nữa. Con đã cất hết dao trong nhà mình rồi. Cả chục lần mẹ xông ra chợ tìm ông thầy bói mà có thấy đâu. Mẹ đứng giữa chợ, tay cầm dao, mắt trừng trừng chửi ông thầy bói. Nếu ông thầy bói còn sống gặp một bà già cầm dao giống như mẹ chắc ổng cũng nhanh chân trốn rồi. Mẹ đi còn không nổi còn đòi trả thù ổng làm chi.
Quăng dao rồi mẹ lại nằm trên giường và khóc. Khóc nhiều như mưa ở cái xứ lạnh này. Mẹ không thể tự tha thứ cho mình nhưng mẹ ơi, mẹ cứ tha thứ đi. Ngày đó mẹ nông nổi và cuồng tín. Mẹ tin vào bói toán, thần linh. Mẹ nghe lão thầy bói ngoài chợ phán đứa con gái mẹ sinh ngày đó, tháng đó không nên nuôi, bỏ nó đi vì sau này nó sẽ làm sụp đổ cả cơ ngơi dòng họ. Cơ ngơi của một người đàn bà có gì? Chẳng có gì nhiều: là chồng, đứa con trai… Con gái cũng là con, sao sinh chi vào ngày dữ? Để mang trong mình tiếng xấu làm sụp đổ cả cơ ngơi nhà mình?
Mẹ nông nổi và cuồng tín. Mẹ đã bỏ em ở một chợ thật xa, xa đến nỗi mẹ chẳng nhớ đường quay lại để chỉ cho ba. Vì giận mẹ, lo cho đứa con gái tội nghiệp có cha mẹ mà trở thành kẻ bị bỏ rơi không cửa không nhà nên ba mất sớm. Sao mẹ thương con trai mẹ nhiều đến thế? Để bảo vệ cơ ngơi cho con trai mẹ thà bỏ rơi đứa con gái.
Và mẹ đã làm gì? Mẹ gần như xây hẳn một ngôi chùa để cầu nguyện cho đứa con gái tội nghiệp của mẹ mà không thể biết nó lưu lạc phương nào. Gặp nó mẹ cũng không chắc có dám nhận nó về nhà không, nhưng mẹ vẫn cầu nguyện cho con gái, đứa con tội nghiệp sinh vào giờ không nên sinh.
Ngay cả lời cầu nguyện cho em gái mà con – đứa anh trai cũng giành nữa. Sau này mỗi lần lên chùa mẹ chỉ cầu nguyện cho con. Mẹ cầu cho con có một đứa con nối dõi. Đứa con trai cưng của mẹ, là bác sĩ khoa sản, lấy vợ rồi mà không sản xuất được một đứa con nào. Mẹ không dám kêu con bỏ vợ, vì vợ con cũng là người mẹ bắt lấy. Mẹ bảo rằng lấy cô này, sinh ngày này, tháng này là tốt cho con. Mẹ lo hết mọi thứ cho con, lo cả chuyện vợ con không đẻ được cháu cho mẹ nữa. Người đàn bà này không đẻ thì người đàn bà khác sẽ đẻ.
Những lời cầu xin của mẹ nếu khắc lên vách chùa chắc nhiều hơn cả kinh mà Đường Tăng đi thỉnh. Cầu ngày cầu đêm, cầu đông cầu hạ.
Rồi mẹ có rồi đó – cu Tin. Thôi, mẹ nhớ tới đoạn ấy thôi đừng nhớ nhiều hơn được không hở mẹ? Những đau khổ mẹ nhớ làm gì? Mẹ nghe con, đừng nên nhớ.
Cõi Mù Sương – Khánh Liên – ( ảnh Minh Họa )
4.
Sao mà không nhớ, sao không nhớ cho được? “Sương” trong “sương mù” hay “sương” trong “sương mai”? Mẹ đã hỏi con “Sương mù” hay “Sương mai”? Con nói rằng chắc là “Sương mù” vì đời con chẳng có gì tươi sáng cả.
Lúc đó con đang cho cu Tin bú. Con mặc bộ đồ bệnh viện màu xanh nước biển nhạt, ngồi cam chịu trên chiếc giường. Vì sợ bị giật con đi giống như lần trước nên con ôm chặt cu Tin vào lòng, hôn lấy hôn để, dúi nó vào bầu ngực căng sữa của con. Con hoảng hốt nhìn mẹ: “Bác ơi, cho con xin thêm một giờ được không? Con muốn ôm con của con thêm một giờ nữa”.
Ừ, ôm đi con, cứ ôm thêm một giờ. Rưng rưng nước mắt con gần mở tung chiếc áo bệnh viện ra, để lộ hai bầu ngực tròn. Gì kia? Một vệt đỏ như là máu bầm, chạy dọc theo rãnh ngực của con. Mẹ sửng sốt nhìn trừng trừng vào ngực con.
Mẹ đã lột quần con ra trong sự hoảng sợ của con. Một vệt đỏ khác in trên mông con. Mẹ và con nhìn nhau. Cả hai đã hiểu!
Con à, ước gì mẹ có thể nhét con vô bụng lại giống như con muốn nhét cu Tin vô bụng lại. Mẹ và con – hai người đàn bà- đều muốn nhét con mình vô bụng lại, đẩy nó về thế giới hư vô kia. Phải chi ta đừng lôi nó ra, hai cái mầm sống tội nghiệp này. Con của mẹ và con của con. Nhưng hai cái sinh linh đó đã có mặt trên đời này rồi.
Mẹ đứng trân trân nhìn con. Mẹ ước gì mẹ đã chết. Còn con, con cũng trân trân nhìn đứa con trai của mình.
Nỗi đau khổ của con và mẹ có ví như cái gì mẹ chẳng thể nào ví được. Dao găm cũng không nhọn bằng. Lửa cũng không nóng bằng. Không từ gì diễn tả được hết. Nỗi đau khổ này sắc hơn dao, nóng hơn lửa địa ngục và cay đắng hơn tất cả mọi cay đắng nào mà mẹ biết.
Khi mẹ trở lại thăm con, con đã bình thản hỏi mẹ: “Mẹ ơi, khi mẹ bỏ con mẹ có đau lòng không?”. “Có chứ”. Mẹ nói. “Giống như mẹ cầm dao tự cắt ruột mẹ”. “Con cũng vậy, con cũng cầm dao tự cắt ruột con hai lần, chưa kể lần này nữa”.
Sao những lời đó lại là những lời cuối cùng của con? Lẽ ra con phải nói: “Tôi hận bà. Bà mà là mẹ tôi sao? Bà đã bỏ rơi tôi. Tôi có cha có mẹ mà lại lớn lên ở đầu đường xó chợ. Bà thật là độc ác”… Sao con chỉ hỏi: “Bỏ con mẹ có đau lòng không?” mà không phải để đay nghiến, căm hận, chỉ để chia sẻ là con cũng đau lòng hai lần rồi, hai lần, khi con giao con cho người ta, rồi thêm lần đau này nữa. Sao con bình thản đến thế?
5.
Trời lạnh quá! Đã quen cái lạnh của xứ lạnh mà Chiêu vẫn rùng mình trong buổi chiều đầy sương mù bao phủ. Sương phủ kín hàng thông, những tán thông chĩa lên trời giờ chìm khuất trong sương mù dày đặc. Con đường Chiêu vừa bước lên cũng mất hút. Ngôi chùa trước mặt mờ ảo ẩn hiện. Sân chùa bảng lảng lớp sương, màu như khói. Cây chìm trong sương, cỏ hoa chìm trong sương, cả tiếng chuông chùa cũng chìm trong sương nốt. Không có thứ gì muốn chống chọi, thoát ra khỏi lớp sương mù. Cái gì cũng an phận như hiểu rằng không thể thoát ra lớp sương mù này dù cố vùng vẫy thế nào, hay là ai cũng hiểu vẫy vùng làm chi cho mệt, vì sáng sớm mai, nắng sẽ lên, sương sẽ tự khắc tan. Sương phủ và sương tan là một quy luật của đất trời, của thời tiết. Chống lại thời tiết để làm gì thay vì thuận theo nó và hiểu quy luật của nó.
Nếu con người cũng hiểu những nỗi khổ của mình như quy luật của thời tiết thì hay biết mấy! Sau buồn sẽ vui, sau khổ đau sẽ hạnh phúc? Số phận con người có tuân theo quy luật như thời tiết không? Sao có những người khổ hoài, khổ mãi? Chờ cái khổ tan biến để kiếm chút hạnh phúc mỉm cười mà chờ hoài, chờ mãi. Sương mù của cuộc đời khó tan hơn sương thiên nhiên?
Một ni cô đi ngang qua sân chùa, dừng lại bên Chiêu:
– Chị mới tới à?
– Ở chùa có lễ cầu cho ai vậy em?
– Cho chị Sương. Hôm qua anh rể có tới đây, nhờ nhà chùa cầu cho chị Sương. Tội chị Sương quá! Em thương chị ấy lắm. Chị vào luôn không?
– Lát chị vào…
Chiêu nhìn theo cô em ruột của mình giờ trở thành một ni cô. Cũng vì buồn tình…
Sương à – cô út à – Tôi gọi cô là cô út nghe vì cô là em ruột của chồng tôi mà. Cô út thấy đó, giờ ai cũng thương cô hết. Mẹ, chồng tôi, ngay cả em gái tôi- một ni cô – chưa từng nhìn thấy mặt cô nghe chuyện cũng thương cô nữa. Mẹ không đi chùa được ngày nào cũng nằm đọc kinh cho cô út trên giường. Chồng tôi – anh trai cô út – là bác sĩ sản khoa và chẳng tin vào thần thánh nào. Vậy mà bây giờ lại đến nhà chùa xin cầu siêu cho cô út. Mà cũng tội cô út quá. Sinh ra lỡ mang vết đỏ kì lạ trên người nên thầy coi số nói này nói nọ, bị mẹ bỏ rơi. Sinh ra trong một gia đình giàu có mà cô út phải lớn lên ngoài đường. Là tiểu thư mà phải sống cuộc đời khổ sở không mẹ cha, bị người, bị chồng đánh đập và hắt hủi. Rồi phải đẻ thuê để có tiền chữa bệnh cho con, để mong mua được một miếng đất, một cái nhà thoát khỏi cái nghĩa địa đầy âm hồn. Lại còn oan trái đẻ con cho anh trai mình…Nỗi đau khổ, cay đắng của đời cô ai mà không chảy nước mắt.
Nhưng cô út à, còn có một nỗi khổ khác mà cô không biết, nhưng tôi thì phải giấu kín nó, giấu chặt trong lòng và không được ai xót thương. Nỗi khổ chồng tôi chia sẻ những giây phút với người đàn bà khác không đáng để so bì với những đau khổ của cô. Cô út không có được nụ hôn thi vị ngọt ngào như trong sách hay phim, không có được những phút giây được người đàn ông mình yêu chìu chuộng, không có được cái đỏng đảnh của quý bà khi sống trong nhà cao sung sướng. Nhưng cô út biết không, cô út còn tạo ra được ba mầm sống. Còn tôi, tôi hưởng hết những hạnh phúc của cuộc đời, yêu và được yêu, nhưng tôi lại không tạo ra được một mầm sống cho người đàn ông tôi yêu. Cô út có hiểu nỗi khổ của tôi không? Yêu chồng, được chồng yêu mà không thể sinh được đứa con nào cho người đàn ông của mình. Cây thì phải sinh trái. Cây không sinh trái đáng bị bỏ đi. Tôi là kẻ vô tích sự không thể sinh nở cho chồng. Sao tôi chưa bị bỏ đi? Sao tôi vẫn còn ở lại, hưởng những thứ mình đã hưởng trong lời lẽ gièm pha, ánh mắt khinh khi của mọi người và sự ghẻ lạnh của người đàn ông tôi yêu?
Cô út có hiểu nỗi khổ của tôi không? Người như tôi rất ít được đời xót thương hay được ai đó xót thương. Tôi không bị bỏ rơi là may lắm rồi. Cô út bị bỏ rơi trong khi không đáng bị bỏ. Còn tôi không bị bỏ rơi trong khi đáng bị bỏ rơi? Nỗi khổ nào buồn hơn hả cô út?
Tôi đi mãi đi mãi trong cuộc đời này, sáng cũng như chiều, chiều cũng như tối mà không tìm được cái bấu víu cho mình. Tôi là ai đây? Tôi sống để làm gì? Tôi tạo ra được thứ gì ý nghĩa và tôi đi tìm cho mình ý nghĩa gì đây? Thiên chức của người phụ nữ là tạo ra mầm sống. Tôi không tạo ra được thì tôi là ai?
Đời không xót thương tôi. Chẳng ai xót thương tôi. Tôi cũng không biết có nên xót thương mình? Nhưng cô út thấy đó, tôi vẫn sống. Khổ buồn gì tôi vẫn nhận lấy và sống. “Phải sống”- đó là từ ý nghĩa nhất mà tôi có thể làm được cho mình, dù tôi chẳng được ai xót thương.
Dù ở xứ nào, cô út cũng cố mà mỉm cười nghe. Tôi không thích tin vào chuyện đầu thai kiếp khác. Vì tôi thấy sống một kiếp là đủ rồi. Buồn vui gì tôi cũng chỉ muốn một kiếp thôi. Nhưng nếu có kiếp khác, nếu như cô út còn muốn đầu thai, tôi ước gì cô út hạnh phúc hơn. Mà chắc gì kiếp khác hạnh phúc vẹn toàn phải không cô út? Đời mà, không buồn cái này thì buồn cái khác, vui đó rồi sầu đó.
Sầu nào mà chẳng thiên thu
Sầu nào mà chẳng mộng du cõi tình
Phải vậy không cô út?!
Tác giả: Khánh Liên – Thực hiện: Hải Yến

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *