Người thiếu nữ trong tranh có khuôn mặt đẹp, nhưng hành động lại ngượng ngùng và lén lút như sợ người khác nhìn thấy cơ thể mình. Nói như thế có vẻ phi lý, đã là khoả thân làm mẫu cho người khác vẽ là dũng cảm lắm, làm gì có chuyện giấu giếm e dè. Nhìn vào bức tranh thì sự thật đúng là như thế, nó không giống với những bức tranh tôi đã nhìn thấy trên các tạp chí hay tranh ảnh. Mà đặc biệt chỗ khoang eo, nơi có đường cong tinh tế nhất thì tác giả lại che kín bởi những vòng vải trắng. Chủ nhà cho biết, bức tranh này ông đã mua của một ông già bán than tổ ong, ngày nào ông ấy cũng đẩy xích lô qua phố này. Đó là một người không có con, hai vợ chồng già thuê một phòng trọ ở giữa bãi nổi sông Hồng để đóng than kiếm sống hàng ngày. Nghe ông ta nói bức tranh này là kỷ vật cuối cùng về đời quân ngũ của ông ấy. Tôi bàng hoàng khi nhớ về những đồng đội của tôi.
Ngày ấy, chúng tôi cùng được triệu tập học lớp điều khiển máy qui hàng thông tin, đó là loại máy phát ra tín hiệu cao tần để dẫn đường cho máy bay lên xuống theo đúng hàng, đúng tuyến ở các sân bay. Giải nghĩa là thế nhưng chúng tôi cứ nôm na cho dễ hiểu là máy dẫn đường xa. Học xong, bốn thằng chúng tôi là Thiết, Tường, Châu và tôi được điều về Trung đoàn Sao Đỏ 921. Vinh dự lắm đối với chúng tôi là được về Trung đoàn Anh hùng mà cánh lính không quân quen gọi là Trung đoàn ông Luyện. Biết rõ trung tá Đào Đình Luyện làm Trung đoàn trưởng nhưng lính kỹ thuật như chúng tôi có được gặp ông bao giờ đâu.
Nơi đóng quân của chúng tôi là Đài K2 – Đài dẫn đường xa của sân bay Nội Bài thuộc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên. Cả bốn thằng chúng tôi đều từ các đơn vị lẻ của không quân, nhờ có học vấn và năng khiếu tý ty nên được chọn đi học lớp kỹ thuật, khi học xong thì tuổi cũng đã khơ khớ. Thằng nào cũng đã có vợ, đều do sự sắp đặt của bố mẹ ở quê. Tôi thì tháng tám năm 1970 về phép hôm trước, hôm sau hỏi, hôm sau nữa cưới. Bố mẹ còn khoẻ mà cứ như là cưới chạy tang. Mẹ tôi bảo “Phải tát cạn bốc lấy, không có thì biết bao giờ anh mới về”. Trời nắng như thiêu như đốt mà đón dâu giữa trưa có khổ không. Đêm tân hôn chui vào buồng cưới xây kín và bé tý như cái hòm chân, vợ chồng mỗi đứa một cái quạt nan cứ phành phạch cả đêm.
Tưởng là mạ già ruộng ngấu ai ngờ, cả bốn chưa thằng nào có lấy nổi một đứa con. Duy chỉ có anh Lộc – Trưởng đài là không bị sóng cao tần ăn mất đường con cái, vợ anh đã sinh được đứa con gái nhưng nó không thành người vì thiếu tháng. Trước khi được bổ sung về Đài dẫn đường xa này chúng tôi đều xác định rõ, sóng điện cao tần sẽ không cho chúng tôi có cơ hội làm bố khi còn trong quân ngũ. Biết rằng thế nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng, phần vì vinh dự lắm mới được làm lính ông Luyện, phần vì trách nhiệm của thanh niên thời chiến, cả phần vì muốn thử thách người vợ hậu phương, khi nao thống nhất đất nước sẽ đẻ bù cũng chưa muộn.
Dưới sự chỉ huy của anh Lộc, chúng tôi đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhưng cá tính thì mỗi người một nết. Thiết thích lắp đài điện, tăng âm đánh đàn nên bắt thân với cô Nga bán hàng điện máy của huyện. Hồi ấy pin con thỏ hiếm lắm phải có giấy phân phối mới được mua, thế mà Nga cứ tuần nào cũng dúi cho Thiết đôi pin. Phụ tùng như bóng bán dẫn, déc, kháng, tụ, Thiết cần gì là Nga có. Hai người hí hoáy với nhau cả buổi tối trong phòng đến “tiếng thơ” Nga mới chịu về. Còn Châu thì thích thuốc lá và chè nên cứ tối nào nghỉ trực lại nhảy phốc lên chiếc xe đạp thống nhất, cắm đầu cắm cổ đạp lên khu tập thể bách hoá huyện chui vào phòng cô Bảy tán hễu. Vì sắc cô Bảy quá khiêm tốn nên chẳng mấy khi có khách đàn ông, hơn nữa trong tủ cô Bảy lúc nào cũng có sẵn thuốc lá, chè, và kẹo lạc để nhử Châu cắn câu. Biết chúng tôi đều đã có vợ nhưng các cô vẫn muốn chơi thân, trai thời chiến ở lại hậu phương mà, hiếm vô cùng. Nhiều cô còn bóng gió xa gần “các anh nên thả cỏ các chị ấy ở quê cho nhà đỡ quạnh vắng – cá vào ao ta, ta được – chẳng có làm sao cả. Còn các anh điếc đặc thì vô tư đi …hí hí”.
Riêng Tường thì cả đài ai cũng phải bái phục cái tính máu gái của cậu ta. Trưa nào Tường cũng trèo lên đài quan sát, quay ống kính kiểm soát bầu trời OTK về phía hồ Đồng Sương của làng Trinh Tiết. Nơi ấy có trảng cỏ ven hồ như tấm thảm nhung xanh là điểm tắm “tiên” của các thiếu nữ làng chưa một lần vương vấn hương vị đàn ông.
Có lần anh Lộc đã nhắc nhở:
– Cậu Tường là nghiện xem hoa thưởng nguyệt lắm đấy nhé. Kính OTK là kính nghiêp vụ chứ không phải để quan sát nghiên cứu những chỗ người ta đã giấu kín.
Tường cự lại:
– Anh hiểu nhầm em rồi.
– Nhầm cái con khỉ, cùng là đàn ông cả tớ biết, mắt con trai, tai con gái mà, đã đành là thông cảm, nhưng nó cũng chỉ một vừa hai phải thôi, ai lại trưa nào cũng thế, bố thằng nào mà chịu được.
Tường gãi gãi đầu cười gượng…
Một lần vô tình tôi trèo lên đài quan sát, thấy Tường đang hí húi vẽ hình một thiếu nữ khoả thân, chốc chốc Tường lại dán mắt vào ống kính rồi lại lúi húi vẽ. À thì ra là Tường mượn hình mẫu để vẽ chứ không phải cậu ta máu me như tôi tưởng.
Bỗng Tường khẽ reo lên vì sung sướng: “Trời ơi, đúng là một toà thiên nhiên tuyệt diệu, lúc này vẽ mới đúng là phút xuất thần”.
Như kích thích sự tò mò, tôi vội ghé mắt vào ống kính… “Trời ơi là trời”. Trước mắt tôi là một cô gái chừng mười tám hai mươi gì đấy, không có một mảnh vải trên người. Cô ta đang nghiêng đầu nhổ lông nách, hai bầu ngực căng tròn nhoài ra như thách thức đôi mắt của tôi. Tường lấy tay khẽ dí cho ống kính chúi xuống một chút.
– Đây này, chỗ này mới tuyệt vời này. Phương vị ba độ đông, độ cao không phảy tám mét. Ông thấy không? đẹp như một bông hoa đồng nội
Tôi ngượng ngùng rời ống kính nhìn vào mắt Tường.
– Đẹp như bông hoa đồng nội, ông chỉ khéo tưởng tượng chứ tôi nhìn ghớm chết đi được.
– Ghớm chết. Thưa ông, trời chỉ ban loài hoa quyến rũ ấy cho phái đẹp thôi ông ạ. Chỉ có những ông ra vẻ ta đây mới có kiểu nói như ông thôi. Thích bỏ mẹ lại cứ… Ông nhìn kỹ lại cơ thể cô ấy xem, các đường cong eo tinh tế đến thế là cùng chứ còn thế nào hơn nữa nào.
Như được Tường đánh thức bản năng của đàn ông. Tôi lại úp mặt vào ống kính thì đúng lúc cô ấy nhìn thẳng về phía đài quan sát của chúng tôi. Tôi chột dạ vì khuôn mặt của cô ấy dính sát vào mắt tôi, cảm tưởng có cả hơi nóng phả ra từ gương mặt cô ấy. Hình như cô ấy đã phát hiện ra tôi đang nhìn trộm thân thể cô ấy. Tôi vội lấy tay bịt ống kính và nhìn về phía hồ Đồng Sương. Ồ hay thật, cô ấy chỉ bé xíu như bắp ngô và lung linh mờ ảo trong màn hơi nước bốc lên từ cánh đồng. Tôi thầm nghĩ, nếu không có ống kính thì làm sao nhận biết được đây là người hay con chồn, con chuột…
– Bức tranh của cậu còn thiếu một chi tiết hết sức quan trọng – tôi bảo với Tường.
– Biết rồi. Nốt ruồi son ở gần đỉnh non tươi bên phải chứ gì. Đây là tâm điểm của tác phẩm này đấy ông ạ. Tôi định đặt tên cho bức tranh là “Mặt trời lên trên đỉnh núi” ông thấy có được không?
– Được, được…
Tôi gật đầu tán thưởng thì tiếng chuông điện thoại dứt chúng tôi ra khỏi nhau. Giọng the thé của anh Lộc đang choang choác trong máy “Tất cả về vị trí, dẫn đường xuống cho ba chiếc T16”. Tường quay vội ống kính về hướng đường qui hàng. Tôi lao ngay xuống hầm trực máy phát sóng. Trong tôi dâng lên niềm tự hào về chiến công vừa qua của các chiến sỹ không quân quyết tử của ta.
Cách đây chỉ mấy ngày thôi, chín chiến sỹ của ta đã đứng thề trước đại diện Bộ Tổng Tham mưu “Thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Vũ khí của các anh là ba chiếc máy bay cường kích T16 cất cánh từ sân bay Nội Bài sang đánh bom xuống đỉnh Loong Chẹng thuộc cánh đồng chum Xiêng Khoảng. Theo tin tình báo của Bộ Tổng tham mưu, đỉnh núi này là cứ điểm tập trung số quân rất lớn của phỉ Vàng Pao đang khao quân để chuẩn bị tấn công quân Giải phóng Lào. Tuy rằng tốc độ máy bay cường kích T16 của ta chỉ đạt bảy trăm năm mươi ki lô mét một giờ, mà tốc độ máy bay tiêm kích F4H của địch lên tới ba nghìn ki lô mét một giờ, nhưng ta lại có lợi thế luồn được sau các đỉnh núi. Cái yếu tố dẫn đến thành công là bất ngờ và bí mật. Khi máy bay của ta bay trên đầu địch, bọn phỉ còn giơ áo, giơ mũ vẫy chào. Chỉ tích tắc sau những mái tôn trên đỉnh Loong Chẹng đã bay như bươm bướm trên bầu trời, khói lửa mù trời mù đất. Xong việc, máy bay của ta quay về thì địch mới phát hiện ra. Chúng cất cánh từ sân bay Cò Rạt (Thái Lan) đuổi theo nhưng không kịp vì máy bay của ta đã xuống sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá) rồi. Kết quả trận ấy ta toàn thắng.
Sau lần Tường nghỉ phép trở lại đơn vị. Tường đưa cả vợ lên theo. Anh Lộc cho gọi tất cả bốn chúng tôi để họp bàn việc riêng của Tường. Trước mặt chúng tôi, rõ ràng là bức tranh Tường vẽ hôm trước mà tôi đã được xem. Nhưng cô gái trong tranh lại quấn rất nhiều vòng vải ở bụng và buộc rất kỹ. Bức tranh có tên “Mầm sống mong manh”. Thực sự chúng tôi chưa thể hiểu nổi nội dung cuộc họp và anh Lộc sẽ kỷ luật Tường như thế nào về bức tranh khoả thân ấy. Không khí cuộc họp trầm và nặng nề ghê gớm. Mọi người hết nhìn nhau rồi lại nhìn vào bức tranh, lại nhìn Tường. Anh Lộc giục: “Nào, cậu Tường có nguyện vọng gì thì cứ đề đạt đi xem nào”.
Dù mặt có hơi biến sắc nhưng Tường vẫn đứng dậy, tiến về phía bức tranh. “Thưa các đồng chí, đây là hình ảnh thật của một cô gái có tên là Tân ở làng Trinh Tiết. Vì quá cả tin và yêu đương quá chớn nên đã phải gánh hậu quả như thế này đây – Tường chỉ vào những lớp vải quấn ở bụng – Cô ấy đang nén thai đấy các đồng chí ạ. Gã thanh niên là tác giả của cái thai đã bỏ mặc cô ấy rồi cao chạy xa bay. Tôi nghĩ cái mầm sống đang lớn dần giờ bị bó lại không cho phát triển, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, đứa bé sẽ thành quả trứng ung trong bụng cô gái. Vợ chồng tôi biết rằng mình không thể có con nên đã thống nhất tìm gặp cô ấy, xin cô ấy giữ lại cái thai, tôi xin nhận trách nhiệm là bố đứa bé, đề nghị các đồng chí ủng hộ vợ chồng tôi”…
Cuộc họp tan, chúng tôi ai cũng ngỡ ngàng về quyết định táo bạo của Tường.
Sau ngày vợ Tường trở về quê. Tường phải chấp nhận những ánh mắt coi thường khinh miệt của những người dân làng Trinh Tiết. Tường dành dụm đường, sữa, tem gạo, phiếu thực phẩm để lên cửa hàng huyện mua về bồi dưỡng cho Tân. Khi thì cân đường, hộp sữa, vài ba lạng thịt, mấy bìa đậu phụ. Còn Tân vì ngượng với dân làng, đặc biệt là làm xấu cả tên làng Trinh Tiết nên không dám ngó mặt ra khỏi ngõ, muốn mua cái gì, mẹ Tân đều phải cắp nón ra đường. Nhiều đêm khuya Tường mang đèn pin đi soi cá, kiếm được con cá nào Tường mang về đơn vị mổ ngay rồi ướp muối, sáng sớm lại xách vào cho Tân. Nhờ có sự chăm sóc và động viên của Tường nên Tân đã từ bỏ ý định phá thai và trả thù kẻ bạc tình. Ranh giới giữa Tường, Tân và bà Tộ (mẹ Tân) được xích lại gần hơn. Có những đêm, Tường xách cá về thẳng nhà bà Tộ để nấu cháo cho mẹ và Tân ăn. Bà Tộ đã không giữ được nổi cảm động, bà bảo:
– Ngủ lại đây đi con à. Cái Tân đêm nào nó cũng khóc và thương cho con lắm. Nó chỉ muốn có con ở lại bên cạnh nó thôi.
Tường đỏ mặt:
– Dạ, con cũng biết thế, nhưng kỷ luật của đơn vị không cho phép đâu bầm ạ:
– Anh Tường ơi, vào em bảo cái này.
Tiếng gọi của Tân từ trong buồng mát nhẹ như làn gió biển. Bà Tộ giục:
– Kìa cái Tân nó gọi con đấy.
Ngập ngừng mãi Tường mới dám vào buồng. Tân đang ngồi ủ rũ giữa giường, thấy Tường vào, cô tươi tỉnh hẳn, rồi kéo cái gối dịch vào cho Tường ngồi.
– Anh Tường ơi, anh có thương em không?
– Sao em lại hỏi anh thế? Có thương em thì anh mới chấp nhận sự thật để vào chăm sóc em chứ.
– Thế có nghĩa là anh chỉ cần có đứa con thôi sao. Còn em…?
– Em nghĩ thế là sai rồi, có em thì mới có con, lẽ nào anh lại vô tình với em được chứ.
– Nhưng em thấy anh cứ xa lánh em thế nào ấy, chẳng có tình cảm gì cả.
Nói xong Tân ghé đầu vào vai Tường, Tường thấy lòng mình xao xuyến lạ vì hơi thở thơm mùi con gái. Da thịt này, mái tóc này, hàm răng này, đặc biệt là đôi mắt, thứ gì trên cơ thể Tân cũng tươi non mơn mởn và khác lạ. Tự nhiên Tân nhăn mặt nhưng miệng lại tươi duyên đến lạ lùng, đôi mắt Tân nhìn xuống bụng và ánh lên niềm vui:
– Đấy đấy, con nó đang đạp đấy anh ạ – Tân vén áo lên, hình như cái chân của đứa bé đang làm cho bụng Tân phập phồng – anh có thấy không – Tân cầm bàn tay của Tường đặt vào bụng.
Như được động viên sự liều lĩnh, Tường cúi xuống ghé tai áp vào bụng Tân nghe ngóng. Tường nghe rõ cả tiếng trượt chân của đứa trẻ như tiếng nhảy của con ếch trong túi vải. Tường reo lên sung sướng.
– Nó đạp khoẻ lắm em ạ.
Tân thấy sung sướng và hạnh phúc vô cùng. Đã bao nhiêu tháng qua, Tân thấy cô đơn, đau khổ trước sự ghẻ lạnh của mọi người. Tân áp chặt má Tường vào bụng và di đi di lại. Lúc này Tường thấy máu trong cơ thể mình chạy nhanh hơn và hình như hơi run. Sức mạnh nội lực của một cơ thể đàn ông cường tráng bắt đầu trỗi dậy trước sự đồng tình của đàn bà. Người ta bảo “Thứ nhất bụ sữa, thứ nhì chửa non” quả không sai, ít nhất là đối với Tân lúc này. Bất chợt Tường giật mình, bên tai văng vẳng tiếng nói của ai đấy. “Đừng làm như thế Tường ạ. Mày có biết rằng vợ mày đã tuyệt đối tin tưởng ở mày không”…
Chiến tranh leo thang ra miền bắc của Mỹ ngày càng ác liệt. Đài trực dẫn đường K2 luôn ở tình trạng báo động. Nếu như ở các trạm ra đa như pháo cao xạ, tên lửa đất đối không, khi bị máy bay địch bắn tên lửa có điều khiển thì ra đa có thể cắt sóng là máy bay địch không bắn trúng mục tiêu. Riêng đài dẫn đường K2 không thể ngưng hoạt động dù chỉ là một giây. Chính vì thế đài K2 rất dễ là điểm đến của bom đạn địch.
Non trưa hôm ấy, trời trong xanh như ngọc, lác lác trên thảm trời trong những sợi mây trắng mỏng tang chập chờn bay như khói thuốc. Bỗng trên thảm trời trong xanh vời vợi ấy xuất hiện thêm những sợi mây óng ánh bay loang loáng trên đầu. Anh Lộc ra lệnh: “Địch đã thả giấy bạc làm nhiễu ra đa của ta để thực hiện ý đồ không kích, tất cả các đồng chí về vị trí chiến đấu”. Tôi lao vội vào hầm trực máy, tia quét gần như không tác dụng trên màn hình lốm đốm trắng như chiếc bánh đa vừng, nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực loạn xạ. Đúng như dự đoán của anh Lộc, chỉ trong tích tắc tiếng nổ đã rền vang và kéo dài như đổ trời sụt đất. Tiếng chửi tục của Châu rít lên trong máy điện thoại “Chết mẹ mày chưa. Chết mẹ mày chưa”. Tôi ngó đầu ra khỏi hầm thì rõ ràng một chiếc A4 của địch bị lửa bao bọc đang lảo đảo rơi xuống. Chẳng rõ có phải chính nó vừa làm một quệt bom dài hay không?
Sau trận bom của địch ném xuống làng Trinh Tiết. Tôi cứ bị ám ảnh mãi hình ảnh ba cô gái làng bị sát hại trên thảm cỏ xanh mướt mát ngay sát hồ Đồng Sương. Khi ấy kẻng báo yên vừa dứt, Tường cuống cuồng bàn giao ca trực máy cho Thiết rồi lao vun vút về làng Trinh Tiết. Tôi chạy tắt cánh đồng vào làng để cứu thương. Chẳng biết linh tính thế nào, tôi nhìn ra phía hồ, thấy bóng mấy người vẫn nằm sát dưới trảng cỏ, quanh quất đâu đấy là mấy bộ quần áo hay vải vóc gì đó treo ở những lùm cây lúp xúp ven hồ. Tôi chạy gần đến nơi thì – chao ôi – một cảnh tượng đến rùng rợn. Ba cô gái máu me loã lợi, thân người trắng hêu hểu, nằm kề bên nhau trên trảng cỏ. Nói thật, mọi khi tôi bình tĩnh lắm, nhưng lúc này chân tay tôi cứ run bắn lên, trống ngực díu lại không thành nhịp, đầu gối tôi khuỵu xuống bên những cây dại ven hồ. Nghĩ quanh nghĩ quẩn tôi dứt khoát túm lấy ngọn cây lúc lác cố bật dậy, chỉ mong có một người nào đó đang ở gần mà gọi. Rõ ràng các cô đã chết, có cô hai tay vẫn còn giữ cái khăn tắm bưng kín phía bụng dưới. Vẫn còn nghi ngờ, tôi cứ hỏi vu vơ thật to, may đâu… “Có em nào còn sống không đấy?” không có ai trả lời, tôi hét thật to “Có cô nào còn sống không?”. Vẫn không. Chỉ có tiếng nhại lại từ mặt nước vọng lên âm âm u u. Đang loay hoay không biết phải làm thế nào thì “A đây rồi” may quá, tôi vớ được cái vỏ chăn trong đống quần áo có in dày đặc hoa hồng định trùm lên thân thể các cô rồi chạy về làng báo tin. Nhưng “Trời ơi” một hình ảnh còn hãi hùng hơn. Cô gái nằm nghiêng quay mặt về phía làng Trinh Tiết bị mảnh bom lia đứt một bên bầu ngực chỉ còn dính lại một đoạn da là rời hẳn. Bầu ngực ấy bị lật xuống treo lủng liểng trên những ngọn cỏ. Tôi đành liều cố lật em nằm ở tư thế thanh thản rồi úp trả lại dáng vóc nguyên sơ con gái cho em. Trùm chăn xong, tôi thấy mình có tội. Tôi lẩm nhẩm một mình “Hãy tha thứ cho anh em nhé, anh đặt tay vào vật báu thiêng liêng của em vì anh không còn cách nào lựa chọn, anh không muốn mọi người nhìn thấy em với hình hài quá thương tâm như vậy. Hãy tha thứ cho anh. Hãy tha thứ cho anh. Em nhé”…
Mấy ngày sau, Tường mang về một mảnh đuya ra bằng xác chiếc máy bay. Cậu ta hì hũi mài, rũa, gò được cái ống dài như bóng tuýp sáu mươi phân, có nắp đạy hẳn hoi. Tường định mang những bức tranh đang vẽ dở, trong đó có cả bức tranh cô gái có nốt ruồi son và những vòng vải quấn bụng cất đi. Cậu ta cuộn vào rồi lại mở ra ngắm nghía. Chợt vai Tường rung lên từng đợt, từng đợt. Những bức tranh nhoè dần trong mắt Tường. Tôi nhìn Tường, thương cậu ấy vô cùng. Tại sao cả những mảnh sắt vô tri vô giác kia cũng không muốn cho Tường làm bố. Cổ họng tôi tắc nghẹn không nói nổi một câu gì, rồi sống mũi tôi tưng tức và nước mắt cứ thế, cứ thế trào ra không làm sao kìm lại được…
Ngày mai, nhất khoát ngày mai, dù khó khăn đến mấy, tôi sẽ tìm gặp được Tường. Gần bốn mươi năm rồi chúng tôi không gặp lại nhau. Chỉ có điều tôi tự hào vì con cái đã phương trưởng thành đạt bao nhiêu, thì lại thấy ái ngại về Tường bấy nhiêu. Hơn sáu mươi tuổi mà vẫn phải lam lũ vất vả thế hả Tường.
Truyện ngắn của Lê Trung Tiết