Bài nổi bật

Chuyện Thằng Lai – Phạm Phát

Truyện đêm khuya – Chẳng ai được chọn cha mẹ cũng như được chọn nơi mình sinh ra.“Con không chê cha mẹ khó….”- Đó là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua nhân vật Lai. Chân dung nhân vật Lai được khắc hoa có sự kết hợp hài hòa giữa chất phương Tây và phương Đông, giữa hiện đại và truyền thống: vừa năng động , nhanh nhậy, tự lập cao, tác phong cung cách làm ăn công nghiệp vừa chăm chỉ, căn cơ, siêng năng. Tính toán làm giàu nhưng không quên nguồn cội. Ít chữ nhưng lại biết lễ nghĩa.

Hắn là thằng con lai. Mẹ hắn là một phụ nữ ở vùng cát Quảng Nam bị Mỹ hiếp, dính bầu đẻ ra hắn.
Ông ngoại hắn chỉ có mình mẹ hắn, ngoài ba mươi mà chưa chồng. Thương con gái mồ côi mẹ, chừ lại gặp chuyện éo le, ông khuyên nhủ con gái:
– Thôi, xấu hổ chi con, tại chiến tranh chớ tại chi mình, ai nói chi kệ họ, con ráng giữ rồi đẻ ra để cha nuôi cho. Hắn cũng là con người, lại cũng là hột máu của mình, nhà mình lại đơn chiếc một cha một con, biết đâu ông trời ổng cho mình đó con…
Nghe lời cha, cô gái cúi mặt che bụng chịu đựng. Ơn Trời, mẹ tròn con vuông, tọt ra thặng cu gần bốn cân, khóc oang oang.
Ông ngoại ngồi ngoài phòng sinh nghe thấy, cười hề hà, bảo:
– Thấy chưa, hắn khóc tiếng Việt mình đó, oa… oa, cha tổ thằng cu, ha ha…
Tới ngày đầy tháng, đích thân ông ra chợ mua sắm đầy đủ lễ vật về, áo dài khăn đóng cúng vái rất kỹ lưỡng, cầu xin mười hai Bà mụ phù hộ cho cháu ông lanh ăn lẹ lớn, lớn lên thành người Việt mình đàng hoàng. Rồi ông đặt tên cho hắn là Phan Lai. Phan là họ nhà ông. Ông bảo với con gái: ngoại của hắn là đây mà nội của hắn cũng là đây. Con ráng nuôi hắn, sau này về già con nhờ. Rồi ông mà trăm tuổi thì hắn bưng nồi hương cho ông chứ còn ai vô đây?
Rồi đúng như lòng mong ước của ông ngoại và mẹ hắn, hắn lớn như thổi. Và càng lớn hắn càng giống một lính Mỹ nào đấy. Da trắng như bạch tạng, tóc râu ngô, mắt xanh lơ lơ, mỗi khi hắn nhìn ai thì người đó thấy như hắn dò xét họ điều gì. Được cái là từ ăn mặc cho chí chơi bời thì không khác sắp nhỏ hàng xóm. Thương nhất là lúc ngồi trong mâm ăn, mới tí tuổi đã biết gắp miếng ngon bỏ chén ngoại, cơm ghế khoai, rau lang luộc chấm mắm cái cứ bưng chén lua ào ào. Buồn cười nhất là khi nói chuyện với hắn, mặt mũi thì rặt thành phố mà giọng nói thì nhà quê một cục, ngó như một thằng bé giả.
Ngày đầu đi học, ông ngoại đưa tới lớp. Cô giáo sợ cháu mặc cảm, e dè, ra tận cửa đón vào. Không ngờ mới thả xuống đã sà vào giành đồ chơi của bạn. Rồi mẫu giáo, cấp I, cấp II cứ mỗi năm một lớp, còn được chọn vào đội học sinh giỏi toán của trường. Đi học một buổi, một buổi ở nhà quơ củi, chăn bò. Một lần để bò ăn lúa bị người ta dắt bò. Nghe lời ông hắn đến nhà người giữ bò vòng tay cúi đầu:
– Con xin lỗi ông. Con gửi bò cho thằng bạn ngó dùm chạy về nhà coi chừng siêu thuốc cho mẹ. Không ngờ thằng nớ ham chơi, để…
– Thôi thôi, biết thương mẹ rứa là tốt, ông tha cho… Rồi ông vào nhà lấy hai cái bánh, bảo: Hôm nay nhà ông có giỗ…
Lai ngửa hai tay nhận bánh: – Con cảm ơn ông. Rồi dắt bò về.
Cho đến một hôm…
Hôm đó, đi học về, vừa bước vào nhà, hắn thấy khang khác. Ông thì ngồi nhà trên lặng lẽ hút thuốc, mẹ thì ngồi dưới bếp thút thít, thấy hắn bước vào thì khóc to thành tiếng. Hắn hoảng sợ, quăng cặp sách chạy đến ôm mẹ: – Mẹ ơi, có chuyện chi rứa mẹ?
Một chặp lâu, mẹ hắn mới lau nước mắt, hỏi chậm rãi: – Con ơi, con muốn đi Mỹ không?
– Đi làm chi mẹ?
– Đi tìm cha con…
– Không, không! Không đi mô hết!
Hắn vừa dậm chân sừng sộ vừa khóc rồi vùng vằng ra ngồi dưới gốc cau ở góc sân. Bỏ cơm.
Tối hôm đó, hai ông cháu lên gường một lúc thì ông bảo hắn: – Con nè, chừ chính phủ Mỹ muốn đưa những đứa con lai về Mỹ. Có một nhà ở Sài Gòn muốn đưa mẹ con ba cây vàng để xin con về làm con, cho học tiếng Mỹ để cùng gia đình họ sang Mỹ. Ông thương hai mẹ con đứt ruột. Nhưng con nè, họ biểu: con có đi luôn đâu, cũng tỉ như đi du học, lâu lâu lại về. Nhà họ cũng rứa ngại chi. Với lại con tính, nhà mình đang khó, mẹ con lại đau ốm, không tiền thuốc thang.
Thằng bé nghe ông nói, nghe chừng xuôi xuôi, không nói gì, rồi cũng lăn ra ngủ.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng nhà Sài Gòn đến. Hết vợ đến chồng dịu dàng thuyết phục hắn. Hắn cũng chỉ im lặng. Nhưng mọi việc sau đó diễn ra suôn sẻ.
Và quyển sách đời hắn từ đó, mở qua một trang mới. Năm đó hắn 15 tuổi, đang học dở lớp 9.
***
Vợ chồng nhà Sài Gòn chẳng ai xa lạ, chính là vợ chồng nhà Kim, bạn thân của gia đình tôi, đã mua Lai về làm con, cho học tiếng Anh trong hai năm trước khi qua Mỹ.
Qua Mỹ được vài ba năm chi đó, vợ chồng Kim về Sài Gòn, ra thăm tôi.
– Ông biết không – Kim kể – Hồi mới qua, vợ chồng tôi cứ phập phà phập phồng lo. Thiếu chi những đứa lai, lúc còn ở nhà cứ má má con con, khi qua đến bên nớ rồi, hắn dở quẻ “bà nớ mô phải má tôi”. Rứa là xôi hỏng bỏng không. Còn thằng này thì thương lắm. Ở nhà ăn ở với nhà tôi răng thì qua bên nớ vẫn y rứa. Hắn nói với bà xã tôi: “Ở nhà con có mẹ, qua đây con có má, má với mẹ bằng nhau. Ở nhà con không có em, chừ con có đến năm đứa em, ai sướng bằng?”.
Vợ chồng tôi cũng không phân biệt con nuôi con đẻ, phân theo tuổi nó là anh cả, và sắp con tôi cũng “chịu” anh cả lắm. Qua đến đó chúng tôi về định cư ở Houston bang Texas, cho gần gia đình bà xã tôi.
Vừa ổn định chỗ ở xong, cả nhà xáp vô làm ăn luôn: tôi nhận đi cắt cỏ cho các nhà vườn, bà xã làm neo(1), thằng lớn đi bỏ báo, sắp nhỏ đi học. Thằng Lai lúc thì phụ ba, khi thì giúp mẹ. Hắn í à, khéo tay lắm, mới mấy tháng đã được khách hàng khen, chẳng mấy chốc đã thành thạo. Khi đã thành thợ chính rồi, má hắn lập cho hắn một cuốn sổ giao hắn tự ghi công, đến cuối tháng trả lương sòng phẳng. Hắn cũng thích vậy, bảo: “Ba má cho con tập tự lập nhé. Rồi còn phải cưới vợ nữa chứ”.
Tưởng hắn nói chơi, không ngờ mới hơn một năm, một hôm hắn ngỏ ý với vợ chồng tôi muốn xin ra ở riêng.
“Chớ con định ở chỗ nào?” – má hắn hỏi. Hắn chỉ nói hai tiếng “có chỗ” rồi dẫn cả nhà ra xem. Một ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo bỏ hoang giữa một khu vườn rộng. Mọi người nhìn ngôi nhà sắp sụp trố mắt nhìn hắn. Chưa kịp hỏi thì hắn đã nói con tìm hiểu kỹ rồi. Nhà này là của vợ chồng một người Mỹ, nửa đêm không hiểu vì sao người chồng lăn đùng ra chết, người vợ bỏ đi mấy năm nay không thấy trở lại.
Mấy đứa em hắn lè lưỡi: “Anh định đến ở đây? không sợ hả?” – “Sợ gì?”. Mấy đứa em gái la lên: “Sợ ma!?” – “Không có ma! Mà có anh cũng chẳng sợ!”.
Má hắn bảo: “Con đã suy nghĩ kỹ chưa?”. Hắn nói chậm rãi: “Con đã tính rồi. Ở đây về nhà mình chỉ vài tiếng xe đạp. Lúc rảnh rỗi, con tranh thủ đạp xe đến sửa sang dọn dẹp, trồng rau… Con sẽ làm cho ngôi nhà này hồi sinh. Chỉ xin ba má liên hệ nhà chức trách xin phép cho con, xin các em ủng hộ anh”.
Kim bảo:
– Bà xã tôi quá bất ngờ, thậm chí hơi sốc vì lâu nay thấy hắn làm ăn ngon lành, cũng có ý định giúp hắn vừa làm nghề vừa tập quản lý shop, đợi đến lúc đủ lông đủ cánh thì giao hẳn cho nó lập nghiệp.
Nhưng tôi thì không quá bất ngờ như bả. Lâu nay, cứ chiều chiều hắn một mình đạp xe ra ngoại ô, tưởng hắn đi chơi. Không ngờ hắn đã lặng lẽ chuẩn bị trước. Tôi chú ý hắn ngay từ hồi còn ở nhà, trong cái vóc dáng vị thành niên của hắn đã bắt đầu chớm nở, những ý tưởng vượt tuổi tác.
Vì thế tôi bàn với bà xã và các em, hết sức giúp hắn. Nhưng hắn bảo: “Con chưa ra ngay đâu, con sẽ làm cho ngôi nhà đó không còn là nhà hoang nữa mới đến ở”.
Và không phải đợi lâu, khoảng năm sáu tháng sau, nhà cửa tinh tươm, vườn tược tươi tốt. Sướng mắt nhất là cái giàn bí trước nhà, ngó y chang cái giàn bí của ông ngoại hắn ở quê, những quả bí mập mạp, xanh bóng chen nhau thòng xuống, ăn không hết hắn mang cho những nhà lân cận.
Đến cuối năm đó hắn mới đến ở. Đến hôm trước, hôm sau treo biển làm neo, lấy tên shop neo FANLAI. Chưa bao lâu, khách đến nườm nượp, phần lớn khách quen, còn có vẻ nhộn nhịp hơn shop neo của má hắn.
Chừ thì ngon lành rồi. Chưa đầy hai mươi mà ngó cung cách làm ăn của hắn đã khác mình. Tuồng như có sẵn trong máu hắn một cái gì đấy của xã hội công nghiệp. Hắn bảo với tôi: “Ba thấy con làm ri được không, các bà các chị các em ở Mỹ đến làm móng, con học tiếng của họ, khách hàng nhất là các cô trẻ thích học nghề, con dạy nghề cho miễn phí luôn, nhưng cứ mỗi tháng phải đến làm cho con một ngày, mà cũng chỉ trong năm đầu thôi”. Tôi hỏi: “Có ai học không?” – “Khối đứa, có đứa đã thành nghề đến làm cho con rồi đấy”. Ông tính hắn có ghê không? Lại còn ri nữa: Khi đã có người đến làm rồi, hắn giao shop cho họ coi, tranh thủ làm việc khác. Trồng rau, nuôi gà, đi nhặt vỏ đồ hộp. Một bao tải khoác vai, mũ lưỡi trai hất ngược ra sau, lúc đi bộ lúc đạp xe, lượm vỏ lon về đổ dồn đống ở góc nhà. Không khác chi một thằng ve chai Việt Nam trên đất Mỹ. Các em hắn chê “Bôi bác quá ông ơi”, hắn chỉ cười. Hắn rỉ tai tôi: “Dưới đống vỏ đồ hộp là cái “két” của con đấy, hằng ngày kiếm được đồng nào con bỏ vào một hộp bánh nhét dưới đó, cuối tuần mang về gửi má giữ hộ”.
Kim còn kể nhiều chuyện về thằng con lai của anh ta. Cứ sau mỗi chuyện thú vị, Kim lại lắc đầu kêu: – Cái thằng kỳ cục hết chỗ nói!
***
Bẵng đi trên chục năm. Trong thời gian đó, nhà Kim có về nước đôi lần nhưng chỉ ở Sài Gòn rồi đi.
Tết vừa rồi, hai vợ chồng về ăn tết ở Hội An có ra thăm tôi. Chuyện thằng Lai ngày trước Kim kể với tôi, tưởng đã quên đi, nay gặp lại Kim, bật nhớ. Tôi hỏi: – Thằng Lai răng rồi?
– Kỳ cục lắm, Kỳ cục lắm! Chừ không ai gọi thằng Lai nữa mà là David Phan.
– Vẫn làm neo chứ?
– Chuyện neo niếc để bà xã tôi hôm nào ở Huế vào bả kể. Còn David bây giờ thì… kỳ cục lắm ông ạ – Rồi Kim kể say sưa, phải súc bình trà đến mấy lượt.
Trước hết là chuyện vợ con của hắn. Ra ở riêng không bao lâu, một hôm hắn về bảo “Xin ba má cho con lấy vợ” – “Thiệt hay giỡn mi?” – “Dạ thiệt” – “Có sớm không?” – “Dạ, con quá hai mươi rồi. Với lại con cần có vợ sớm, vì mẹ con đau yếu, ông ngoại già quá rồi, con lại ở bên này, phải có người chăm sóc ông và mẹ” – “Vợ nào mà chăm sóc…!” – “Dạ, vợ Việt Nam, cưới xong vẫn ở Việt Nam, thỉnh thoảng con về” – “Bao giờ cưới?” – “Lúc nào ba má về được, con theo về cưới!” – “Cái thằng này! Vợ đâu mà sẵn rứa?” – “Dạ, con đã chuẩn bị một năm nay. Con ra tiêu chuẩn cho mẹ con ở nhà kiếm” – “Tiêu chuẩn thế nào?” – “Dạ, đơn giản thôi, ba điều: Một là: không cần đẹp nhưng đừng xấu, phải khỏe để đẻ và nuôi con. Hai: biết giữ tài sản, biết làm cho tiền đẻ ra tiền. Ba: biết thương mẹ và ông ngoại. Dạ chỉ rứa thôi”.
Tôi và má hắn ngã ngửa nhưng phải nghe hắn, chứ biết răng chừ.
Cuối năm đó cưới, cưới là vợ có bầu. Đến chừ hắn đã có ba đứa: hai trai, một gái. Bốn mẹ con hắn chưa một lần qua Mỹ. Hắn bảo: “Sẽ qua nhưng chừ chưa phải lúc”.
Vợ hắn từ một cô bạn học cùng học một trường, cùng đi chăn bò hồi nhỏ nay trở thành một nàng dâu đảm đang, quản lý cơ ngơi bạc tỉ mà hắn bảo “đáng điểm 10”.
Tôi nghe cũng bắt “ngã ngửa”, hỏi chen:
– Hắn làm gì mà giàu nhanh rứa?
– Thì ông tính: ở bên nớ hắn có tiêu chi, tích cóp được đồng nào gửi về nhà, mua đất ở Hội An. Lúc đầu mua miếng nhỏ, được giá bán mua miếng to hơn, đến nay hắn đã có một miếng đất lớn, ở một nơi đắc địa, không bán mà ký hợp đồng cho thuê 10 năm lấy tiền trước, bỏ ngân hàng. Chưa kể đất chung quanh nhà ông ngoại hắn, hắn đã mua thêm nay rộng rãi, vuông vức lắm!
Tất cả hắn chỉ đạo vợ hắn gần như hằng ngày, tiền bạc phải có sổ sách, chứng từ, chi tiêu theo đúng tiêu chuẩn cho người lớn cả trẻ con. Đúng là đâu ra đấy.
À, có một chuyện này tôi quên nói: Sau việc cưới vợ đẻ con, hắn làm gì ông biết không? Sửa nhà cho ông và mẹ và…làm luôn nhà thờ tộc Phan. Lần đó hắn về, ra Hội An thuê người vẽ kiểu, có ý kiến đến từng chi tiết – Có một đôi liễn treo trước bàn thờ, theo mẫu: “Ân quốc, ân gia, ân phụ mẫu/ Tạ thiên tạ địa tạ tiền nhân”(2). Hắn bảo sửa lại: “Ân quốc, ân gia, ân… hiền mẫu”. Chứ hắn có cha mô mà… phụ mẫu? Không biết hắn học ai mà rành vậy!
– Thật hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nghe tôi bình luận vậy, Kim bảo, rồi còn bất ngờ với hắn dài dài. Ông tính: hắn văn hóa chưa hết cấp II mà trí thức của mình chừ nói chuyện với hắn phải cẩn thận. Ban ngày làm “neo”, lượm lon bia, đêm vào máy đọc sách!
Thấy tôi cứ lắc đầu một cách thích thú, Kim bảo:
– Chưa hết. Nghe đây rồi coi có tin được thì tin. Từ hồi qua Mỹ, hắn về nước nhiều lần, nhưng có ba lần gần đây nhất, trước khi lên máy bay hắn đưa cho vợ chồng tôi giữ, cái gì ông biết không, di chúc!
– Trời, di chúc?
– Đúng, di chúc của hắn để lại cho vợ con, ngộ nhỡ…
Đến mức này thì tôi không còn ngạc nhiên nữa mà… tá hỏa! Kim bảo khi nhận cái di chúc đầu tiên, má hắn la dữ và khuyên hắn không nên làm chuyện xui xẻo. Hắn bảo: “Tổng thống mà có lúc còn bị nạn, huống chi… Cái gì cũng phải phòng trước là hơn”.
– Có nhớ nội dung các di chúc của hắn? – Tôi hỏi dồn.
– Hai cái trước thì không. Cái gần đây thì nhớ. Hắn chỉ dặn một việc: tương lai của ba đứa con hắn.
Thằng đầu Phan Nhất Việt đang học Đại học Nông nghiệp, phải trở thành nhà nông học giỏi, về nhà cưới vợ, chăm sóc ông và ba mẹ, hương khói cho ông bà nhưng quan trọng là phải biến vườn ông thành một nhà vườn kiểu mẫu theo phương pháp hiện đại.
Thằng em Phan Hậu Việt, đang còn học phổ thông trung học, phải vào Đại học Kinh tế, chuyên ngành quản lý du lịch, cưới vợ học du lịch càng tốt, xây khách sạn trên miếng đất Hội An, phải làm cho khách sạn mình thành khách sạn nổi tiếng ở phố cổ.
Bé út Phan Mỹ Duyên đang học phổ thông cơ sở, phải học giỏi để vào ngành sinh hóa ở Đại học Bách khoa, sẽ được sang Mỹ học cao hơn nữa để nghiên cứu chế tạo mỹ phẩm bằng cây cỏ Việt Nam và tiếp quản cơ ngơi của ba, xây dựng thành một mỹ viện ở Houston.
Và… – Kim đột ngột dừng lại như đang có vật gì vướng trong cổ, một lúc sau mới tiếp – Câu cuối cùng trong cả ba di chúc đều ghi thế này:
“Nếu tôi chết hãy đưa tôi về nằm ở quê ngoại tôi”.
 
_____
(1) Làm neo (nail): nghề làm đẹp móng tay, móng chân (HV).
(2) Ơn nước, ơn nhà, ơn cha mẹ/ Tạ trời, tạ đất, tạ người xưa.
Tác giả: Phạm Phát – Giọng đọc: Hồng Huệ

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *