Bài nổi bật

Chuyện Cũ Hà Nội – Tô Hoài

RadioVn.Com – Ba mươi sáu phố phường, Cái tàu điện, Phố Mới, phố Hàng Đào, phố Hàng Ngang, phố Nghề, Hội Tây, Bà Ba (Bé) Tý, Tiếng rao đêm, Cơm đầu ghế, Chiếc áo dài, Ông Hai Tây, Cây Hồ Gươm v.v… Chỉ nêu vài tên bài như thế cũng thấy sự hiện diện đa dạng của cái nội thành đa đoan lắm chuyện. Phố Hàng Đào với những “mợ Hai” khinh khỉnh, vàng ngọc đầy cổ đầy tay, phố Hàng Nganh với những chú tây đen thờ lợn, chủ hiệu vải, sinh hoạt bí hiểm song cũng đa tình, Phố Mới có nhà cầm đồ Vạn Bảo “lột da” dân nghèo, có cả chợ đưa người, một thứ chợ môi giới thuê mướn – cả mua bán – những vú em, thằng nhỏ, con sen… những thân phận nghèo hèn đem thân làm nô bộc cho thiên hạ.
Rối cái tàu điện leng keng, những ngày Hội Tây bên bờ Hồ Gươm, những tà áo dài từ thuở thay vai và nhuộm nâu Đồng Lầm đến áo Lơ Muya sặc sỡ mối thời trang một thời…
Cái hay ở Tô Hoài là những cái lăng nhăng sự đời ấy (chũ của Tản Đà) đã có ít nhiều người ghi lại. Chuyện ông Hai Tây làm xiếc, Bà Bé Tý lên đồng… sách báo đã từng đề cập. Nhưng lần này Tô Hoài lại nhìn ra những nét hoạt kê mới, hay cũng đã nhiều người viết về quà Hà Nội nhưng cái bài Chả cá, Bánh cuốn, Phở của Tô Hoài có những thông tin hay, mới mẻ, ngay như Nguyễn Tuân cũng chưa phát hiện hết. Cũng như các loại tiếng rao hàng ban đêm thì Thạch Lam đã ghi chép vậy mà ở Tiếng rao đêm của Tô Hoài vẫn có nhiều ý tứ mới.
Như vậy đó, với vài nét kí họa, Tô Hoài đã vẽ được cái thần thái của một thành phố nghìn tuổi đang đô thị hóa gấp gáp trở thành nửa Tây nửa ta, nửa cũ nửa mới, nửa sang nửa quê…
Có một Hà Nội nhố nhăng như thế thì cũng có một Hà Nội lầm than.
Cảnh lầm than ấy càng rõ nét hơn ở các làng quê ven nội. Thợ cửi, thợ giấy làm quần quật ngày đêm mà vẫn đói khổ, rồi nạn Tây đoan sục bắt rượu lậu và những người dân lành đói khổ phải nhận đi “tù rượu thay” để vợ con ở nhà có người chu cấp. Sự bần cùng ấy hằn sâu nhât strong chuyện Chết đói. Nạn đói năm 1945 đã làm vợi đi của làng Nghĩa Đô bao người. Ngay cả tác giả và bạn văn Nam Cao nếu không có một người quen ý tứ trả công dạy học lũ con ông ta bằng gạo thì “không biết chúng tôi có mắt xanh lè giống thằng Vinh hay dì Tư không, hay còn thế nào nữa…”
Trong sách còn một mảng kể về phong tục. Nhiều cái nay không còn. Như các đám múa sư tử thi đêm Rằm Trung Thu ở những phố Hàng Ngang, Hàng Đường và đánh nhau chí tử, quang cảnh những ngày áp tết dường như cả nước kéo về Hà Nội… Ở ven đô thì hội hè đình đám, khao vọng, đám ma… Các bài Làm ma kho, Thẻ thuế thân, Khổng Văn Cu vừa bi vừa hài. Có một bài tuyệt hay, đó là bài mô tả đám rước Thánh Tăng. Đích thị là một lễ hội phồn thực có từ đời nảo đời nao mà tới tận thời Pháp thuộc vẫn còn tồn tại, lại ở ngay sát nách kinh kì. Bấy nhiêu hình ảnh không bao giờ xuất hiện nữa nhưng tôi cứ nghĩ rằng ngày nay, ít ra thì những nhà làm phim lịch sử, viết truyện lịch sử, dựng kịch lịch sử rất cần đến. CHUYỆN CŨ HÀ NỘI chính là một tập kí sự về lịch sử…
CHUYỆN CŨ HÀ NỘI còn có thể coi là một tập điều tra xã hội học về Hà Nội thời nửa đầu thế kỉ XX bằng văn chương. Bất luận bạn đọc ở giới nào cũng có thể tìm được những điều mình cần biết mà chưa biết…
————–
Tác giả: Tô Hoài – Thực hện: Kim Phượng, Xuân Khoa

Xem thêm đề xuất

Khi đồng minh tháo chạy – Nguyễn Tiến Hưng

RadioVn.Com – Nguyễn Tiến Hưng nguyên là cựu Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *