Bài nổi bật

Chờ Đợi – Thái Bá Tân

Như rất nhiều cặp vợ chồng khác thời chiến, họ lấy nhau, ở với nhau một thời gian rồi mỗi người một nơi, chồng chiến trường, vợ hậu phương. Và cũng như hầu hết những người vợ khác cùng cảnh ngộ, nữ nhân vật của chúng ta phải chịu đựng tất cả những gì mà chiến tranh có thể bắt người phụ nữ chịu đựng.
Một mình làm lụng, nuôi con, nhớ thương và chờ đợi. Chờ lặng lẽ, tấm tức, cho tới khi cuối cùng chồng cũng trở về, nếu may mắn còn sống, hoặc tới khi có người mang đến tờ giấy báo tử.
Ở nơi khác việc này có thể mang một ý nghĩa có màu sắc bi thương hơn, nhưng ở Việt Nam đó là chuyện bình thường. Bình thường vì nó xảy ra với quá nhiều người, quá thường xuyên, đến mức dần bị xem như việc đương nhiên.
***
Hai người đều dân Hà Nội gốc và con nhà gia giáo, có học. Họ cưới nhau chưa đầy một tháng thì cách mạng bùng nổ. Lúc đó anh vừa tốt nghiệp trường luật. Theo dự định, bố anh, một luật sư nổi tiếng và giàu có, sẽ gửi anh sang Pháp tập sự một thời gian rồi trở về làm việc ngay trong văn phòng ông. Trước đó, mọi việc với anh đều suôn sẻ và sẽ tiếp tục như thế, nếu không có cách mạng.
Minh họa: Tuấn Anh
Cách mạng biến anh từ một trí thức – cậu ấm thành chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, rồi tháng 12 năm 1946, anh theo các đồng chí của mình lên chiến khu. Vợ anh ở lại Hà Nội trông coi cửa hàng nữ trang nhỏ thay cho bố mẹ đẻ đã già. Chị xinh đẹp, nết na, được giáo dục theo lối phong kiến dù xuất thân từ một gia đình buôn bán đã mấy đời. Học xong tú tài, chị an phận thủ thường sống lặng lẽ với bố mẹ, chẳng có ước mơ, dự định cao xa nào ngoài mong ước yên bề gia thất, và chị đã được toại nguyện với người chồng chị cho là lý tưởng. Tất nhiên chị chưa thể hình dung những năm dài phía trước cái gì đang chờ đợi chị, hay chị phải chờ đợi cái gì.
Như những người vợ khác có chồng đi bộ đội, chị chờ chồng. Chồng đi được mấy tháng thì chị sinh con, con gái. Bố mẹ chị lần lượt qua đời chẳng bao lâu sau đó, để lại hai mẹ con chị với cửa hàng ế ẩm thời chiến. Toàn bộ gia đình nhà chồng, phần thất vọng vì có anh con trai duy nhất theo Việt minh, phần sợ chiến tranh nên đã sang Pháp sống. Họ cho chị ít tiền gọi là “giúp nuôi cháu”. Từ đấy, chị chẳng biết tin gì về họ.
Còn tin chồng thì thỉnh thoảng vẫn được các liên lạc từ chiến khu mang về. Thư cuối cùng nói anh được phân công tác mới và do vậy từ nay không trực tiếp chiến đấu nữa. Chị lấy thế làm mừng, hy vọng anh sẽ sống để trở về với vợ con khi chiến tranh kết thúc.
***
Sau chiến thắng Điện Biên, chị thấp thỏm chờ đợi, hết ngày này sang ngày khác. Mỗi lần nghe có tiếng chân ngoài ngõ là chị lại cuống lên, bỏ cả việc đang làm chạy ra, để rồi lại thất vọng. Khoảng hai tuần sau khi bộ đội tiếp quản thủ đô, có người đến đưa cho chị tờ giấy, báo tin “Chồng chị đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ”.
– Hy sinh? Tức là chết? – Cầm tờ giấy trên tay, chị bàng hoàng hồi lâu không nói nên lời – Nhưng chồng tôi có trực tiếp chiến đấu đâu mà hy sinh? Có lẽ các anh nhầm…
– Anh ấy hy sinh thế nào chúng tôi không biết, nhưng nhầm thì chắc chắn không. Không được phép nhầm trong những việc thế này – Nhóm người kia đáp.
– Các anh có thể cho biết thêm tin về chồng tôi được không?
– Rất tiếc không thể. Chúng tôi chỉ biết anh ấy là người rất tốt, rất dũng cảm, thông minh… Chị có thể tự hào về anh ấy. Người ta đang làm thủ tục tặng huân chương cho chồng chị. Chúng tôi xin chân thành chia buồn với chị và gia đình. Tổ quốc, nhân dân sẽ không bao giờ quên ơn những người đã đóng góp xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chị hãy can đảm vượt lên mất mát, đau thương mà sống. Nếu khó khăn, tổ chức sẽ giúp đỡ. Xin chào chị.
Nhóm người kia ra đi, để chị đứng ngây giữa nhà với tờ giấy định mệnh trong tay. Có vẻ như hiểu được ý nghĩa câu chuyện, con gái chị chạy lại mẹ khóc. Chị thì vẫn chưa khóc được, chưa tin, chưa muốn tin những gì đã xảy ra.
***
Mấy ngày sau, với sự nôn nao của một người vợ, chị tìm đến những nơi cần đến để hỏi thêm về tin tức của chồng. Nếu đúng là anh đã hy sinh (là điều chị cảm thấy khó tin: anh ấy chẳng bảo đã chuyển công tác, không còn trực tiếp chiến đấu đấy sao?), thì hy sinh như thế nào và ở đâu, để sau này còn bốc mộ đưa về Hà Nội.
Vốn ít nói, nhút nhát, giờ chị như người khác hẳn, đôi khi còn to tiếng với người chị đến hỏi chuyện. Tuy nhiên, ở đâu chị cũng chỉ nhận được những câu trả lời chung chung. Chị đòi được gặp cấp cao nhất, và người ta cho chị gặp.
Đó là một người đàn ông đứng tuổi gầy đét với nét mặt khắc khổ, giọng dễ nghe và đặc biệt có nụ cười dễ mến. Chị ngạc nhiên khi thấy ông ta không mặc quân phục mà lại mặc bộ đại cán, còn mới nhưng hơi rộng so với khổ người.
Ông lắng nghe chị một cách chăm chú, không ngắt lời lần nào, chốc chốc lại gật đầu tán thưởng. Được nụ cười dễ mến kia khích lệ, chị nói liền một mạch, nói hết những điều chị nghĩ rồi ngồi im chờ được giải thích.
Ông “cấp cao nhất” ấy không trả lời thẳng những câu hỏi của chị. Thay vào đó, ông lịch sự mời chị uống nước, lựa lời an ủi thật tế nhị. Rồi ông thong thả nói rất lâu về những thuận lợi và khó khăn của cách mạng trong giai đoạn mới, cả về tình hình thế giới, cứ như ông đang trong một khóa tập huấn nào đó.
Chị thất vọng, lơ đãng ngồi nghe về những cuộc chiến đấu công khai và bí mật, về việc trong chiến tranh nói riêng và hoạt động cách mạng nói chung, điều gì cũng có thể xảy ra, thậm chí cả những điều không ai nghĩ tới. Ông còn nói về sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ, về lòng thủy chung và những kiên nhẫn chờ đợi của những người vợ…  Khi nói những lời này, ông dừng lại nhìn chị khá lâu như ngụ ý điều gì đó.
“Không lẽ ông ta muốn bảo mình tiếp tục chờ đợi, – chị chột dạ, tự hỏi – Chờ đợi cái gì khi chính ông ta vừa nhắc rằng chồng mình đã hy sinh?”. Chị định hỏi nhưng nghĩ ngợi rồi lại thôi.
Tiễn khách ra cửa, ông đặt nhẹ bàn tay gầy gò lên vai chị và nói thêm, như câu nói chị đã nghe từ nhóm người mang giấy báo tử đến nhà.
– Tổ quốc sẽ mãi mãi ghi công những người đã hy sinh cho cách mạng. Chị hãy can đảm vượt lên đau thương, mất mát mà sống. Có gì khó khăn, chúng tôi sẽ giúp đỡ. Xin chị nhớ cho, chúng tôi luôn ở bên cạnh chị.
Chị không thật hiểu ông ta nói thế nghĩa là gì. Cả những lời lúc nãy chị cũng không hiểu. Lúc đầu chúng có làm lóe lên đôi chút hy vọng, rằng biết đâu chồng chị có thể chưa chết nhưng vì lý do nào đó người ta không muốn chị biết sự thật. Hay anh ấy mất tích, đào ngũ, hoặc thậm chí phản bội chạy sang phía giặc? Nếu vậy sao còn định tặng huân chương? Chị biết xưa nay gia đình những kẻ phản bội vẫn bị đối xử rất nặng.
***
Lễ truy điệu và truy tặng huân chương cho chồng chị được tổ chức, đủ đại diện các cấp, rất long trọng. Chị cảm thấy hình như còn có đôi chút phô trương.
Rồi thời gian và cuộc sống vất vả lo toan hằng ngày cũng làm chị nguôi ngoai dần. Chị lặng lẽ sống cùng con gái như bao gia đình khác. Với tư cách là vợ liệt sĩ, mỗi năm hai lần, vào dịp tết âm lịch và ngày 27 tháng 7, chị đón khách đến thăm hỏi và tặng quà, trong đó có cả ông cấp cao với nụ cười dễ mến. Không bao giờ ông quên động viên chị “vượt lên đau thương mất mát để tiếp tục sống”. Có lần ông còn nhắc đến cả hai tiếng chờ đợi. Nhưng chị đã không còn băn khoăn vì nó.
Qua mấy đợt cải tạo công thương nghiệp, cửa hàng nữ trang nhỏ bé của chị vẫn được để yên như bởi lệnh ai đó từ trên xuống. Tuy nhiên, do khó khăn thời hậu chiến và cả lối sống mới khắc khổ, nữ trang đã trở thành thứ xa xỉ không cần thiết. Chị mấy lần định chuyển sang nghề khác mà chưa được. Không ít lúc chị lâm vào cảnh túng quẫn thực sự, và thật kỳ lạ, những lúc ấy chị thường gặp may bất ngờ. Như đang khi cửa hàng ế ẩm nhất thì bỗng có người khách đến mua với số lượng lớn mà chẳng cần mặc cả. Hoặc trên đường, chị bất ngờ nhặt được chiếc ví đựng đầy tiền. Vốn trung thực, chị mang đến nộp công an. Mấy ngày sau công an lại đem nó đến cho chị, bảo không tìm được người mất, chị cứ giữ mà dùng.
Lúc đầu còn cho là chuyện ngẫu nhiên, nhưng sau nhiều lần, chị đâm nghi ngờ. Chị nhớ lại những lời bóng gió “Chúng tôi luôn ở bên chị và giúp đỡ khi cần thiết” người ta đã nói. Nếu muốn thì tại sao không đàng hoàng giúp mà phải dùng đến cách phiền toái đáng ngờ ấy? Có lần đi chợ về, thấy một người đàn ông đánh rơi cái gì đó xuống đường, chị cúi nhặt lên. Lại chiếc ví đựng tiền. Chị vội vã kêu to, đạp xe theo người kia để trả lại, nhưng anh ta làm như không nghe, phóng xe mất hút như bị ma đuổi.
Chị biết ơn những người giúp đỡ chị, nhưng không muốn được tiếp tục theo cách này. Nó có cái gì đấy bí ẩn và đáng sợ. Nhưng bất chấp ý muốn của chị, thỉnh thoảng chị vẫn có khách sộp, thỉnh thoảng vẫn nhặt được tiền. Có điều, chị không còn mang lên đồn công an nữa.
***
Năm tháng cứ thế lặng lẽ trôi qua. Chị cũng lặng lẽ hòa mình vào nhịp sống chung của xã hội. Những kỷ niệm xưa cứ phai dần, phai dần. Thực tế nghiệt ngã buộc người ta phải sống bằng hiện tại. Chị ngạc nhiên thấy rằng càng ngày chị càng ít nghĩ về chồng. Giờ chị đã thực sự tin anh đã hy sinh và đã thôi chờ đợi. Điều này giúp chị thanh thản.
Thế mà đúng lúc chị đang hưởng sự thanh thản ấy thì người ta lại nhắc chị về anh, về  những hy sinh cao cả… Lần nữa người ta lại nhắc đến hai chữ chờ đợi…
Một lần, chị hỏi thẳng ông “cán bộ cấp cao nhất” khi ông đến thăm và tặng quà:
– Có chuyện gì các anh cứ cho tôi biết đi, đừng úp mở như thế. Có phải chồng tôi đang làm một nhiệm vụ gì đấy bí mật, phải không?
Ông kia ngồi im hồi lâu, đến khi đứng dậy ra về mới nói, giọng buồn buồn:
– Không, chồng chị đã hy sinh. Tôi khẳng định với chị. Nhưng…
***
Lúc con gái chị vừa học hết phổ thông, bà mẹ chồng từ Pháp về thăm trong một đoàn Việt kiều yêu nước. Bà cụ, lúc này đã già yếu lắm rồi, khẩn khoản xin chị cho mang cháu sang Pháp học đại học và để sống cùng bà, vì chồng bà đã chết. Thoạt đầu, nghĩ đến việc phải xa con, chị hoảng sợ, từ chối. Nhưng trước những lời van vỉ của mẹ chồng và cũng vì tương lai của con, dần dần chị xiêu lòng. Dù đồng ý, chị vẫn thầm hy vọng người ta sẽ không duyệt cho nó đi. Thế mà nó vẫn được đi.
Vậy là chỉ còn lại mình chị. Năm tháng tiếp tục trôi qua, lặng lẽ như chính cuộc đời cô đơn của chị. Có lẽ nó vẫn tiếp tục như thế nếu không có một người đàn ông xen vào. Đó là một cán bộ miền Nam tập kết góa vợ, trạc tuổi chị, lúc này đã ngoài bốn mươi. Chị quen với ông ở nhà một người bạn. Cũng có thể do người bạn kia chủ ý sắp xếp.
Họ cảm tình với nhau, và sau một thời gian ngắn, ông này “xin được cưới chị làm vợ”. Một cuộc sống mới dường như đang mở ra trước mắt chị. Thế rồi bỗng dưng, chính cái người vừa hăm hở muốn tổ chức lễ cưới càng sớm càng tốt ấy lại cứ cố tình né tránh chị. Cảm thấy bị xúc phạm, chị quyết định hỏi cho ra nhẽ. Vất vả lắm chị mới tìm được ông ta và hỏi thẳng:
– Có ai đó không muốn cho anh lấy tôi à?
Ông kia chỉ buồn rầu nhìn chị như người có lỗi. Thế là chị hiểu ra. Mối nghi ngờ đã được khẳng định.
Ngay hôm sau chị đến gặp ông “cán bộ cao cấp”. Ông này không có vẻ ngạc nhiên khi thấy chị tìm đến, dù đây là lần đầu chị làm thế sau bao nhiêu năm.
– Tại sao các ông không cho tôi lấy chồng?
– Chị bình tĩnh ngồi xuống, uống chén nước đã – Ông kia thong thả đáp – Chị biết đấy, chúng tôi không thể ngăn ai đó lấy vợ lấy chồng. Chuyện riêng tư mà…
– Nhưng các ông đã không cho anh ấy lấy tôi.
– Anh ấy bảo với chị à?
– Không, anh ấy không nói thế, nhưng…
– Chị thấy chưa – ông cán bộ ngắt lời chị – Chúng tôi chỉ mong điều tốt cho chị, người vợ thủy chung của một chiến sĩ cách mạng…
– Vậy suốt đời tôi phải thủy chung với người đã chết cách đây hai mươi năm sao?
Chị khóc rồi bỏ chạy ra ngoài. Chị cảm thấy căm ghét con người tốt bụng, bí ẩn và đáng sợ này. Suốt đêm hôm ấy chị thức trắng. Chị trách ông cán bộ miền Nam quá hèn, trách ông cán bộ cấp trên độc ác, trách chồng sao sớm hy sinh, nếu thực sự anh đã hy sinh sao lại khiến chị phải suốt đời đau khổ.
Mấy ngày sau, chị lại “tình cờ” nhặt được ví tiền. Không thèm giở ra, chị giận dữ vứt ngay vào thùng rác.
Nửa năm sau, tình yêu lại đến với chị. Vốn xinh đẹp, lại dịu dàng tế nhị, với chị chuyện này không khó. Trong chị, sự chua xót của người đàn bà bị xúc phạm tự lúc nào biến thành sự phản kháng, gần như thách thức. Chị muốn tự quyết định đời mình và sẵn sàng đấu tranh vì nó.
Người chị yêu và cũng rất yêu chị lần này là một nhà khoa học bốn mươi lăm tuổi nhưng vẫn chưa vợ. Anh cận thị nặng, ít nói và thường hỏi những câu rất buồn cười. Chị thấy yêu cặp kính dày và những câu hỏi ngô nghê ấy. Anh sống trong căn phòng tập thể mười hai mét vuông, sách vở chiếm hơn nửa. Chị nghe nói vậy chứ chưa bao giờ đến nhà anh, và cũng không cho anh đến nhà mình.
Hai người chỉ hẹn nhau trong công viên hay một hàng kem nào đó, vào buổi tối. Chị khéo léo che giấu tình yêu một thời gian khá lâu, cho đến một hôm, khi đang đi dạo cùng anh bên bờ hồ Thiền Quang, linh tính mách chị đang có ai theo dõi. Chị kéo anh ngồi xuống quán nước bên đường. Người kia cũng dừng lại, vờ lơ đãng nhìn quanh. Họ đi, anh ta cũng đi theo. Chị lo sợ, bảo người yêu sáng hôm sau xuống ngay Hải Phòng quê ngoại chị, và hai người sẽ tổ chức lễ cưới ở đó. Anh kia không hiểu, chỉ lắc đầu cười chị có những ý nghĩ kỳ cục.
Mấy hôm sau, đến lượt người yêu của chị tìm cách lánh mặt. Anh viện đủ lý do để thanh minh nhưng chị không nghe. Chị cũng chẳng buồn tìm gặp ông “cán bộ cấp cao” kia nữa…
***
Cuối tháng 5 năm 1975, có một người đàn ông đến tìm chị, lúc này đã là bà.
Từ lâu tiếng chân người ngoài cửa đã không còn làm bà chú ý. Thui thủi một mình, bà sống lặng lẽ, câm nín như chiếc bóng. Có thể vì thế mà bà trông già hơn tuổi, thân thể héo hon, tóc bạc gần hết, và mặt có quá nhiều nếp nhăn.
– Ai cần gì thì vào đi, cửa mở – bà thờ ơ nói.
Người bước vào là chồng bà. Cả hai đứng lặng, nhìn nhau hồi lâu. Họ đã nhận ra nhau, mỗi người đeo đuổi những ý nghĩ riêng và không ai dám lên tiếng trước. Cuối cùng ông nói, khẽ đến mức chính ông cũng không nghe rõ:
– Xin bà tha lỗi cho tôi. Tôi biết bà phải chịu nhiều đau khổ. Tôi thương bà lắm nhưng chẳng giúp được bà. Tôi hoạt động bí mật trong lòng địch. Hoàn cảnh bắt buộc thế. Tổ chức cũng rất thương bà, nhưng…
– Trời ơi, sao các người ác thế! Tôi có tội tình gì mà các người làm khổ tôi thế! – Đôi mắt bà từ nãy đến giờ nhìn ông trân trân, ráo hoảnh, bỗng giàn giụa nước. Bà khóc, khóc thật to mà không hề sợ hàng xóm nghe thấy.
Chồng bà đứng im, mắt cũng rưng rưng. Ông hiểu. Ông cứ để bà khóc, chừng nào còn nước mắt.
Rồi bà nhìn thẳng vào ông, nói một thôi không nghỉ những gì bị nén trong lòng bao nhiêu năm. Trông bà thật dữ dằn, đáng sợ.
– Các ông không chỉ lừa dối mà còn coi thường tôi. Tại sao không cho tôi biết ông còn sống? Sợ tôi không giữ được bí mật sao? Sợ tôi tố giác với địch sao? Các người bảo  thương tôi. Thương kiểu ấy à? Nếu biết ông chưa chết, tôi sẵn sàng chờ ông, ba mươi năm, năm mươi năm, cho đến tận khi chết mà không kêu ca lời nào. Đằng này…
– Thì giờ tôi đã về đây với bà – Ông rụt rè cắt ngang.
– Các người bảo mình chiến đấu vì nhân dân. Thế tôi không là nhân dân sao? Sao các người không nghĩ tới hạnh phúc của tôi?
– Thì tôi có sướng gì hơn bà. Tất cả chỉ tại chiến tranh.
Bà im lặng, lấy khăn lau nước mắt.
– Tôi biết, ông cũng khổ, có thể còn khổ hơn tôi. Nhưng ông không nghĩ rằng cả tôi và ông sẽ đỡ khổ hơn nếu tôi được biết sự thật?
– Có thể bà nói đúng, nhưng đây là nguyên tắc. Không ai được phép biết tôi còn sống ngoài bản thân tôi, bộ trưởng và người lãnh đạo trực tiếp của tôi…
– Là cái ông gầy gầy mặc áo đại cán ấy?
– Ông ấy là một vị tướng.
***
Sau đó, bình tĩnh trở lại, hai người nói chuyện suốt đêm. Không biết họ nói với nhau những gì, chỉ thấy hôm sau ông chồng lại xách túi trở về cơ quan. Ở đấy, người ta bố trí cho ông một căn phòng vừa làm việc vừa làm nơi ở, với một cần vụ lo việc nấu ăn, giặt giũ.
Ít lâu sau ông xin nghỉ hưu vì lý do sức khỏe, được phong hàm đại tá.
Còn bà, vẫn ở nhà mình, tiếp tục sống như bao năm đã sống. Thỉnh thoảng ông đến thăm bà, lần nào cũng mang theo những món quà nhỏ mà ông biết bà rất thích. Ông cư xử,  nói năng như một người khách và cũng được đáp lại theo cách ấy. Còn vị tướng nọ thì nghe nói có lần tới thăm, nhưng bà không tiếp, nên sau chẳng đến nữa.
Cứ thế thời gian qua, hết năm này đến năm khác. Cả hai người giờ đã là những cụ già trên dưới tám mươi. Các cụ vẫn mạnh khỏe, minh mẫn và thỉnh thoảng vẫn gặp nhau. Có lần người ta còn thấy hai cụ chống gậy dạo quanh hồ Hoàn Kiếm.
***
Là hàng xóm của cụ bà, thỉnh thoảng tôi được cụ nhờ đến nhà cụ ông nhắn tin hay mang chút quà vặt nào đó. Đôi khi chỉ là tấm bưu thiếp hay một bông hoa. Chỉ một chứ không phải cả bó, và luôn là hoa hồng màu trắng. Vì sao tôi không biết và cũng chẳng bao giờ hỏi cụ.
Có lần tôi đùa cụ:
– Cụ ghê thật. Thù dai thế. Cháu phục cụ đấy.
Cụ nhìn tôi không đáp. Tôi cứ tưởng sẽ bị cụ mắng. Nhưng không, cụ chỉ cười, nụ cười móm mém thật đáng yêu.
– Cậu mới lớn, lại đàn ông, hiểu gì đàn bà mà đòi ý kiến.
Tác giả: Thái Bá Tân – Thực hiện: Hải Yến

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *