Bài nổi bật

Chị Bùi – Nguyễn Thế Tường

Truyện đêm khuya – Vẫn là câu chuyện về chiến tranh mà tránh được những motip cũ mòn bởi một đề tài quen thuộc, nhân vật chính – chị Bùi qua cách kể tự nhiên, giàu sức thuyết phục của nhà văn Nguyễn Thế Tường không còn mang tính hư cấu mà trở thành một chân dung đời thực gần gũi. Những tình tiết ở nửa cuối truyện đã làm nên sự khác biệt của số phận nhân vật chị Bùi. Đó là chi tiết chị Bùi tìm ra người chồng bệnh binh sau 40 năm biệt tăm tích và tình tiết con trai chị Bùi tìm về nguồn cội với gia đình người cha đẻ, như một sự tìm về bến đỗ bình yên…

Chị Bùi không biết gì nhiều về lịch sử và những tích tuồng về cái rẻo đất xương xẩu này. Đơn giản chị là một cô gái làng chài, sinh ra trên cát, bạn với con còng gió, với bông hoa muống biển, có tới trường làng cũng ngồi bệt ngay trên cát học được dăm ba chữ. Con gái miền biển tuổi mười lăm, mười bảy là đã được rắp ranh gả chồng, đẻ con, sáng sáng chiều chiều chờ chồng đi biển về là mang cá, mang mực ra chợ. Nếu một ngày chồng đi biển không về thì thắp hương khấn. Tìm được xác chồng dạt vào đã là phước, chôn cất, chờ ngày đoạn tang thì có thể tái giá. Nếu chồng bị cá mập, thuồng luồng nuốt chửng ngoài khơi không để lại “bóng chim tăm cá”, thì cứ thế ôm con mà chờ, góp thêm hình hài vào muôn nghìn khối đá trơ gan trước biển.
Ký ức của chị cũng có một người đàn ông. Người ấy đi qua thời thanh xuân của chị trong mười ngày đêm. Trong suốt 40 năm chờ đợi, chị cố lưu giữ một hình ảnh mờ nhạt như tia nắng vàng nhấp nháy nơi khóe miệng anh và một khoảng trống nhỏ trong bàn tay. Anh nói giọng Quảng, vùng phía Nam Trung Bộ. Một anh bộ đội miền nam tập kết sáng sủa, hiền lành, có cái răng bịt vàng và bàn tay trái cụt một ngón. Hiệp định Giơ-ne-vơ đưa anh ra bắc. Anh ở trong đoàn công tác về giúp làng chị tiến lên hợp tác hoá. Sáu tháng sau, từ nơi đóng quân, anh một mình về làng cưới chị. Họ sống với nhau đúng một kỳ nghỉ phép, gấp gáp tới mức chị chưa kịp đọc thuộc cái tên xã, huyện bản quán của anh. Rồi anh đi. Có một tiếng gọi nào đó, không cao giọng nhưng rất quyết liệt đã kéo anh bứt ra khỏi vòng tay mới chớm biết ái ân của chị. Và thế là đi mãi, đi biệt. Đó là vào năm Canh Tý 1960. Rất lâu về sau, trong những đêm dài cô đơn vắng lặng, chị nằm nhớ anh và mơ hồ hiểu cái tiếng gọi thiêng liêng kia mạnh hơn chị, có lẽ là… tiếng súng. Tiếng súng cứ vọng âm âm từ đầu bên kia vĩ tuyến 17, nơi quê hương anh. Cái âm hưởng hùng mạnh này đỡ chị, giúp chị níu giường níu chiếu chờ anh tới 15 năm sau.
Năm 1975, chiến tranh kết thúc. Từ phương Nam, nhiều người đàn ông trong làng chị trở về. Họ đi ô-tô, nhảy xuống trên đường quốc lộ, ngỡ ngàng một chút, rồi xốc ba lô theo lối mòn về làng cát. Có người đàn bà tóc xổ tung và một lũ con chạy bấp bổng như điên dại lao ra đón. Lại có những người đàn bà xao xác chạy theo hỏi thăm tin tức về chồng mình. Vài ba ngày lại có một cuộc hội ngộ như vậy. Nhiều người về da xanh mét, có người bị thương vào đâu đó nhưng ai cũng mừng vì chiến tranh đã kết thúc. Có lần vào buổi trưa, đang vắng lặng thì có tiếng quát tháo đầu làng. Mọi người chạy ra, gặp một thương binh chống tới hai cái nạng khó nhọc bước trên cát bỏng. Một người đàn bà nhào tới mếu máo… cười: Cụt chân cũng tốt, đi biển vẫn được ngồi lên thuyền kéo lưới ý mà. Lại một lần có chiếc xe hồng thập tự về tận ngõ xóm, có cả cán bộ uỷ ban, khiêng xuống một người ngắn cun củn cụt hết cả chân tay, mù một mắt. Lại một trận vang làng, khóc giàn giụa và cười cũng ra nước mắt. Được đúng một buổi rồi chiếc xe hồng lại chở anh đi.

Chị âm thầm chờ anh. Mãi không thấy: Anh không lớn lên ở đây, liệu có nhớ lối mòn trên cát mà về? Trong tâm tưởng chị không bao giờ nghĩ anh đã chết. Khác những người đàn bà hay ngóng lên phía Tây, lên đường quốc lộ, chị hay đứng ở rạn đá nhìn ra biển. Trong mười ngày ngắn ngủi ấy chị đã hai lần dẫn anh ra biển tắm, đã thấy anh bơi lặn như con tấy. Con tấy ở quê chị thường sống trên cạn nhưng lặn bắt cá dưới nước rất giỏi. Không hiểu sao chị cứ nghĩ nếu còn sống, anh sẽ về từ hướng biển. Nếu đã chết, xác anh cũng dạt vào từ biển. Đôi mắt chị nhiều lúc ướt nhèm nhìn một cái rều rác nào đó cũng giật mình. Rồi chị bỗng nhìn quanh. Lên rạn đá có bao nhiêu hình hài cũng đứng im như chị, cũng nhìn ra biển như chị. Chị hoảng sợ nghĩ, một mai không khéo mình cũng thành đá. Chị bèn ngồi xuống. Chị ngồi rất lâu. Tuổi xuân của một người đàn bà như gió thổi, như sương sớm thoảng qua trên đầu.
Trong bốn năm sau đó, bố mẹ chị lần lượt qua đời. Anh chị em trong gia đình dựng nhà mới. Trong ngôi nhà cha mẹ chỉ còn vợ chồng con cái anh cả và chị. Chị bỗng thấy thừa thãi, vướng víu như cái mụn cóc trên mặt, cái cối xay giữa nhà, xoay trở hướng nào cũng không ổn. Tới chừng nổ ra cuộc chiến tranh biên giới thì chị càng cảm thấy không thể ở mãi trong nhà cũ. Nhân có đợt giãn dân lên vùng gò đồi dưới chân đèo Ngang, chị đăng ký ngay. Những tháng đầu, chị cắm mặt xuống đào bới gốc sim, gốc me, khoanh một khoảng đất, dựng một mái lá. Chỉ mấy ngày sau, chị đã thấy dường như căn nhà quá rộng chỉ đặt mỗi cái giường đơn bằng gỗ mộc. Những đêm nằm thao thức nghe gió hú đồi hoang, chị hoang mang không còn thấy cái cảm giác cũ, cái rộn rạo, náo nức nơi người đàn bà, thường trở về đều đặn mỗi tuần trăng. Trong “tuần trăng mật” ngày ấy, cái “vườn xuân” của chị đã không kịp trổ một nụ hoa, hồng một trái chín. Cơ chi kỳ nghỉ phép của anh kéo dài thêm dăm ngày nữa!? Hơn 20 năm trời đằng đẵng chờ đợi, hàng trăm “hạt giống” không gặp được phù sa đã rơi rụng, vào khoảng không. Chị không nuối tiếc, chị bỗng giật mình. Đời người hữu hạn, tuổi xuân trong đời người đàn bà ngắn ngủi. Chị hay quyến bọn trẻ con vào nhà, mua kẹo cho chúng ăn. Nhưng, ăn hết kẹo, chúng lại kéo nhau đi bắt chuồn chuồn hái hoa dại ngoài đồi. Rồi trong đêm chị bỗng nhớ lại một ánh mắt, ánh mắt một người đàn ông, không phải người đàn ông chồng chị.
Chuyện cũng lâu lắm rồi, mỗi một mình chị biết. Hồi ấy, chồng chị đi mới được hai năm. Phong trào hợp tác hoá đang lên mạnh. Mỗi sáng, khi các thuyền đánh cá, câu mực trở về cửa lạch, chị cùng mấy bạn gái trong “hợp tác xã mua bán” về cân cá mực, mang lên nhập cho huyện. Những lúc ấy, chị mơ hồ thấy nóng nơi vành tai. Có khi ở vùng lưng, vùng ngực: Có một đôi mắt âm thầm, buồn bã bám riết theo chị. Ông ta là một trung niên đã ba đời độc đinh. Vợ ông lại sòn sòn đẻ bảy đứa con gái. Những năm ấy người ta rất hay bị lôi ra trước chi đoàn vì đã làm thinh trước vài câu ỡm ờ của ai đó. Có đến cả chục năm, chị loay hoay che chắn ánh mắt ấy trong khi “cô máy cái” của ông ta tiếp tục cho ra đời thêm ba, bốn thị mẹt , đủ một tá nhân mạng trong hộ làng chài. Chị thoáng nhớ đến cái sự này trong đêm nằm nghe gió giật liếp cửa, nghe lõm bõm tin chiến sự từ biên giới vọng về, khi cái rộn rạo trong tấm thân đàn bà của chị như lò lửa đang tắt dần. Chị bỗng thấy lo lắng. Một hai… năm sáu… mười một, mười hai tháng qua đi. Năm qua đi. Đã lâu chị không sinh hoạt ở đoàn thể nào. Đoàn thanh niên thì chị đã quá tuổi mà hội phụ nữ, hội bảo vệ bà mẹ trẻ em thì phải là bà mẹ, phải có trẻ em chứ. Đằng này… Thời gian gần đây chị hay đi lấy củi trên lưng chừng Đèo Ngang. Có thể vì mùa đông đang tới gần mà cũng có thể không phải vậy. Ở lưng đèo có đền thờ bà chúa Liễu Hạnh. Hàng năm cũng không thấy lễ hội gì, nhưng hương đèn thì ngày nào cũng cháy. Dựng gánh củi dưới bậc đá, chị sửa áo xống đi vòng cửa phụ vào điện chính đốt hương lên “Tứ phủ công đồng” từ Mẫu Thương Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa. Đâu đấy, lại ra ngồi trên bậc đá nhìn xuống làng. Trong hương khói mông lung chị mơ màng nhớ đến hai người đàn ông. Một người xứ trong, sống với chị một kỳ nghỉ phép rồi ra đi, biến mất vào giữa đất trời bom đạn. Một người ở gần đây, nơi làng cũ, cách một thôi đường. Người ngư phủ ấy cũng đang ngày một già đi, tuyệt vọng như chị.
Một ngày, chị sửa một cái lề bạc đội lên đèo vào đến Chúa Liễu. Chị đốt hương, dâng hoa, quỳ khấn rất lâu trước Mẫu Tứ Phủ. Chị nói gì với Mẹ Sáng Tạo, không ai nghe. Chỉ có tiếng gió ngàn xào xạc như vọng tiếng hương hồn các bậc anh liệt tiền bối của vùng đất binh đao máu lửa trả lời chị. Chị không hiểu gì lắm về đạo Mẫu, nhưng chị tin Mẹ đã hiển hiện, cai quản dải đất này hẳn rộng lòng mà chia sẻ nỗi chống chếnh trong chị, đủ quyền năng cho chị bước qua rào cản. Chị lại đốt hương khấn vái tượng Tứ Phủ Chầu Bài, Ngũ Vị Tôn Ông. Và cuối cùng chị dừng lại thì thầm rất lâu, tha thiết trước tượng Tứ Phủ Tam Hoàng, Tứ Phủ Thanh Cô thờ các cô cậu nhỏ tuổi. Rồi chị xin được âm dương, thỉnh ba nén nhang quày quả về. Tới nhà, chị lập một bàn thờ nhỏ. Dưới bát nhang thờ Mẫu, chị đặt một bát nhang nhỏ hơn, lại cắt ở đâu đó trong báo ảnh hình chiếc mũ tai bèo quân giải phóng, dán lên tấm bìa, phủ vải điều đặt lên thờ. Chị về làng cũ thắp hương khấn vái ông bà cha mẹ, lí nhí chào anh cả, chị dâu rồi cắp nón ngẩng mặt đi về phía cửa lạch. Nơi ấy, có những người từ biển đang về, có những người đang sửa soạn ra biển. Chị đi tìm một đôi mắt buồn.
Những cồn cát hoang vắng vùng duyên hải miền trung mọc đầy cây dứa dại, những cây phi lao đổ nghiêng gãy ngọn, những đám cỏ rười tươi tốt đã che chở chị. Những vùng đồi hoang với thảm cỏ sạch lác đác bụi sim, cây chổi, những cơn gió Tây Nam thổi ầm ào lang thang suốt đêm đồng lõa cùng chị.
*
Cái người nằng nặc kéo tôi về quê chị Bùi là một anh chàng dạy văn trung học cơ sở, một cộng tác viên quen thuộc của bản báo. Ngồi trên rạn đá dưới chân Đèo Ngang, Hiếu kể tôi nghe về cuộc đời người đàn bà trong phần chuyện trên đây. Quanh chỗ chúng tôi ngồi, nhấp nhô muôn hình vạn trạng những khối đá chả ra hình gì cứ như nhảy dựng lên trong mỗi đợt sóng biển. Người mới đến thì vậy nhưng ở lâu với đá như Hiếu nói, thì lại tưởng tượng ra bao nhiêu hình hài. Nào đá ông sư ngồi thiền, đá bàn cờ, đá ngất ngư như người say rượu, đá mồ côi như trẻ con, đá vọng phu như vợ mong chồng… Té ra trong hỗn hợp đá cũng cả một thế giới với bao số phận vui buồn. Hiếu đột ngột hỏi:
– Thế cậu có định viết không?
– Có chứ, sẽ viết hẳn một bài báo.
– Trời ạ, bài báo thì nói được cái gì. Chẳng lẽ lại tuyên dương hay phê phán một người đàn bà như chị Bùi.
– Ừ thì “triển khai” thành một bút ký mới đủ dung lượng – Tôi chống chế.
– Dung lượng! Dung lượng! Ông tưởng tôi không đủ dung lượng à? Viết một bút ký thì đâu đến lượt ông. Viết bút ký! Gọi tên những nhân chứng ra, rồi kể, rồi bình, hả?

Ừ nhỉ, anh bạn dạy văn nói đúng, chừng đó làm sao nói được đời người đàn bà trải qua chiến tranh. Không phải một mà là hai, ba cuộc chiến tranh trong một đời người: Chiến tranh vệ quốc, chiến tranh giải phóng, cuộc chiến biên giới với cả cuộc chiến trong quan niệm, trong nội tâm, trong huyết quản. Viết một bài báo, một bút ký về chị Bùi, còn bao nhiêu người đàn bà khác?! Phải bao nhiêu bài báo, bút ký mới đủ đây?!
– Tất nhiên, tất nhiên phải viết thành truyện – Đột ngột tôi cuống lên – Nhưng chị ta đâu, tôi cần gặp chị để… ít nhất là miêu tả chân dung, hình tượng…
– Chân dung thì tôi sẽ “miêu tả” giúp ông – Hiếu nói chậm rãi – khó quái gì cái chân dung. Một người phụ nữ miền biển chờ chồng bốn mươi năm thì chắc là không thể thi hoa hậu hoàn vũ, nếu không muốn nói là da dẻ sần sùi như quả mướp đắng, đen nhẻm, mặn mùi mắm biển và khô đét hệt tàu lá chuối mùa gió Lào. Còn ông ngư phủ có công tặng chị đứa con trai thì cậu chẳng cần gặp mà cũng không bao giờ gặp được nữa. Ông ta đã ở lại tít ngoài khơi trong cơn bão năm kia năm kia, cơn bão có cái tên ngoại văn nghe hay lắm. Nhưng không sao, chiều nay thằng cu đi học về, gặp nó, cậu tưởng tượng ra ngay thôi.
Cụ thể là thế này. Chính cái phần đằng sau là cái nút , Hiếu dành cho tôi viết trọn vẹn một câu chuyện.
Thằng con chị Bùi học liền bốn năm môn văn do Hiếu dạy, nay đã lên phổ thông trung học. Bởi vậy mà thành thân thiết. Cám cảnh mẹ góa con côi, Hiếu thường đến chơi giúp chị dựng cái giàn bầu, che lại chái bếp. Lâu dần, anh hiểu hết hoàn cảnh chị, định viết, nhưng sợ chị buồn, lại thôi. Giữa năm nay chị bỗng cho mời Hiếu đến nhà, chìa cho anh xem một bức thư. Bức thư đi quãng đường hơn 300 ki-lô-mét hết sáu tháng chín ngày. Nguyên do là thư gửi về quê cũ lại chỉ đề mỗi cái tên, bưu tá hỏi mãi không ra, đành vứt lăn lóc ở văn phòng xã. Mãi mới có người nhớ ra, mang lên, thư của ban lãnh đạo một đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội gọi là Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần”. Đại ý thư viết: “Thương binh 1/4 tên là… về điều trị từ năm 1963. Trong suốt 39 năm thường xuyên trạng thái mất lý trí, bỗng một buổi sáng tỉnh lại nói rành mạch rằng có vợ tên là… ở tại… Chị y tá nhanh tay ghi được trước khi anh lại chìm vào giấc mê thế kỷ. Ban lãnh đạo theo địa chỉ lên đây gửi hú hoạ, may ra… Nếu chị có chồng tên là… hãy đến Trung tâm Phục hồi… ở xã… huyện… tỉnh”.
Chị Bùi tiếp được thư ngồi lặng một buổi rồi bắt đầu đi… vay tiền. Khổ nỗi dân ở đây nghèo, không ai có nổi vài trăm tiền mặt. Chị Bùi bèn nhắn thầy học của thằng Mạnh. Và, Hiếu đã hăng hái, không phải cho vay tiền, mà là xin phép ba ngày đưa chị đi. Suốt đời giáo học dạy văn chương, Hiếu sẽ không bao giờ quên những gì trong buổi sáng ở Trung tâm điều dưỡng ấy. Có chừng mươi người mặc pi-gia-ma đang đi lại ngất ngư, lẩn thẩn quanh sân. Ông giám đốc chỉ vào một người nói:
– Theo hồ sơ trước đây chuyển tới thì đồng chí ấy tên là…
Chị Bùi đi như mộng du, chập chờn từng bước. Đằng kia, người đàn ông cũng đứng lại, ngơ ngác. Tất cả y, bác sĩ, điều dưỡng viên đều trong trạng thái như sắp ra trận. Có tới mấy phút, cả trời đất cây lá và cả gió đều thốt nhiên lặng đi. Bốn mươi năm, nỗi chờ mong kéo gần hết một đời người. Cái hình béo bệu thất thần kia là chồng chị?! Còn cách chừng hai mét, người thương binh bỗng nhoẻn miệng cười ngây dại phô hàm răng trắng hớn và chị Bùi lập tức dừng lại ngay, lặng đi một lúc rồi khẽ lắc đầu. Toàn thể những người có mặt như nín thở, không ai bảo ai đều bước nhanh về phía hai người. Chị Bùi thảng thốt:
– E không phải, không phải chồng tôi…
– Chị nói gì, không phải anh ấy à?
– Không phải, chắc chắn là không phải.
Cả Trung tâm điều dưỡng, cả Hiếu đều bàng hoàng ngơ ngác. Trớ trêu thay cho con Tạo , cho lịch sử cho thân phận con người. Thật đáng thương, thật nghiệt ngã cho nỗi chờ mong của người đàn bà. Lỗi này thuộc về ai đây?! Người đàn ông béo phị dáng đù đù trước mặt chị Bùi vẫn cười dài dại phô hàm răng trắng đều tăm tắp. Thế là chị vẫn một mực lắc đầu. Bỗng có người kêu lên một tiếng “chết!” rồi hối hả chạy đi. Lát sau, anh ôm ra một cái cặp ba dây phủ đầy bụi vứt cái “oạch” xuống sân. Người ta lật dở từng xấp, từng trang bệnh án, hồ sơ trợ cấp. Lớp lớp giấy má chồng lên nhau như sắp mủn ra. Cuối cùng, một người cầm lên cái lý lịch quân nhân lấy tay phủi bụi trao cho chị.
– Chị xem cái ảnh trên bìa này, may ra.
Chị Bùi trợn tròn đôi mắt nhìn đăm đăm vào bức ảnh rồi hối hả chạy tới chụp lấy đôi bàn tay người thương binh lập cập sờ nắn. Và rồi, trong phút chốc chị bỗng khuỵu xuống nức nở:
– Anh ơi, anh ơi, anh Doan..ơ… i! Em chờ anh mấy mươi… Em có tội với anh rô… ì, anh Do…an…
Thực ra, trong cái ngày đầu tiên gặp lại ấy chị Bùi vẫn chưa gần gũi anh Doan được nhiều. Chị cứ bần thần ngơ ngơ ngác ngác khiến mọi người đã trộm nghĩ không khéo cú sốc mạnh làm chị cũng tâm thần luôn. Mãi tới bữa cơm do ban lãnh đạo của Trung tâm mời, chị Bùi mới vỡ nhẽ rằng, anh Doan không chỉ bị thương vào đầu. Một mảnh đạn làm anh vỡ hàm, mất hết hai nửa hàm răng bên trái có cái răng bịt vàng. May mà còn hai bàn tay cụt một ngón.
– Gần đây – Hiếu kể tiếp – Chị có vẻ quyết tâm làm một việc gì đấy. Một hôm chị tới trường, gặp thầy hiệu trưởng xin cho mình được về ở hẳn nhà chị trông coi thằng cháu. Còn chị đã ra lại ngoài ấy rồi. Chị nói sẽ ở lại nuôi anh rồi lựa chiều đưa anh về.
Rồi Hiếu đột ngột hỏi:
– Này ông, người điên có già đi không?
– Có chứ – tôi trả lời không chắc lắm – vẫn cứ già đi nhưng tốc độ thì rất chậm, vì đầu óc họ hầu như không làm việc gì cả, cứ lang thang tuỳ hứng.
– Thảo nào, ông mà thấy hai người ngồi với nhau thì rất khó coi. Chị Bùi già như bà lão bảy mươi trong khi anh Doan cứ béo tốt phây phây dài dại. Chắc là bởi một người thì mỏi mòn chờ đợi, người kia lại cứ… vô tư…
Thực ra câu chuyện cũng đã có thể tới hồi kết. Nếu có thể dựng đề cương trình tự thì thế này: Năm năm chín – sáu mươi anh Doan – là một bộ đội miền nam tập kết đẹp duyên cùng chị Bùi. Sau tuần trăng mật, anh Doan lên đường làm nhiệm vụ ở đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí vào miền nam bằng đường mòn trên biển, bị thương, tâm thần nặng suốt từ bấy đến giờ. Chị Bùi chờ chồng 40 năm và bây giờ chị sẽ nuôi anh cho tới… răng long, đầu bạc.
Rủi thay hay may thay chị lại có một đứa con riêng. Có lẽ chính cậu học sinh lớp 12 này mới là đoạn kết của câu chuyện. Hiếu nói:
– Thực ra cái nhiệm vụ chị nhờ mình sau đây mới nặng chất hiện thực nhất.
Chị Bùi sửa một cái lễ tạ đức thánh Mẫu trên lưng chừng Đèo Ngang, cất bát hương và chiếc ảnh mũ tai bèo trên bàn thờ giữa nhà xuống, khóc nói với Hiếu:
– Chừ đây chồng tui đã về rồi. Tui phận làm vợ phải nâng khăn sửa túi cho chồng, chưa đưa anh ấy về được thì cũng phải ra vô nhiều lần. Thằng Mạnh đã lớn, tui nhờ thầy:
Chị cứ yên tâm mà đi lo cho anh, thầy trò tôi tự liệu được.
Chị Bùi im lặng một lúc mới nói vẻ quyết đoán:
– Thưa thầy! Đó mới là một lẽ. Còn chuyện này nữa nhờ thầy… Thằng Mạnh chưa hề biết cha hắn là ai, nay đã lớn đi học trường huyện, không khéo gặp phải chị em ruột cùng cha khác mẹ. Thanh niên bây giờ…
Hiếu đã hiểu, và ngoài cái chuyện viết lách trên đây anh còn nhờ tôi cùng đi, dẫn thằng Mạnh về nơi xóm chài có căn nhà người đàn ông quá cố, họ sẽ gặp bà mẹ đích và mười chị em gái của Mạnh để đàm đạo, xin ý kiến của gia đình về việc cuối năm thằng Mạnh làm lý lịch thi đại học sẽ khai họ và tên sao đây. Vẫn giữ họ của chị Bùi như thời mẫu hệ? Đổi sang họ của ông bố đẻ ngư dân đã qua đời hay lấy họ của người thương binh tâm thần quê một làng nào đấy ở phương nam xa xôi, nơi thằng Mạnh chưa một lần đặt chân đến.
Tác giả: Nguyễn Thế Tường – Giọng đọc: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *