RadioVn.Com – Gác máy rồi mà chị vẫn choáng váng, thực hay mơ đây? Nhìn đăm đăm chiếc điện thoại, chị ngắm nó như ngắm một vật thể lạ. Đã bao ngày chị sử dụng nó, nhưng hôm nay sao nó lạ thế. Nhấc tập giấy post-it, chị nhìn những chữ, những số mà chính tay chị vừa viết: khách sạn, tên phố, quán cà phê, địa chỉ… Đúng rồi, mọi chuyện là có thật, chị cứ nằm thế nếu như đồng hồ báo thức không réo vang đưa chị về thực tại.
Kéo tấm drap, vỗ chiếc gối, chị nhanh tay chỉnh lại giường cho ngay ngắn rồi lẩn vào phòng tắm. Những tia nước lạnh từ vòi hoa sen xổ xuống khiến chị tỉnh ngủ, nhưng trong đầu vẫn văng vẳng tiếng nói. Giọng nói thân thiết yêu thương mà bao năm nay chị không được nghe. Là anh thật ư?
Ra khỏi phòng tắm, chị hối hả chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Thực ra là chỉ cho ba mẹ con. Gille, chồng chị đang đi công tác ở Ai Cập, con trai lớn Vincent Phú Cường đã vào đại học Y, ở nội trú tận Bordeaux. Hiện chỉ còn chị, con trai thứ hai – Théo Phú Hùng và con gái út – Emilie Mai Hương. Vừa làm chị vừa nghĩ tới những câu chuyện xưa, những kỷ niệm đầu đời và mà chúng vẫn luôn ẩn mình trong một góc tâm tư chị.
Làm sao có thể quên sáng hôm ấy, dù đã hơn hai chục năm trôi qua… Phương Liên, cô bạn đồng nghiệp ghé tai chị, khi ấy mới ra trường vừa được tuyển vào tạp chí, nói rằng lên sếp gặp.
Mới vào làm, chỉ nghe nói mà vẫn chưa biết mặt sếp, chị hồi hộp gõ cửa nhè nhẹ.
– Vào đi, – một giọng nói không mấy thiện cảm vang lên.
– Chào chú ạ, chú… chú cho gọi cháu!
– Cô là Mai? Ngồi đi.
Anh chỉ hơi ngẩng lên, ngó qua chị đang đứng len lén, hai tay thừa thãi vân vê gấu áo, rồi cúi ngay xuống bản thảo để trước mặt. Vừa lia cây bút theo những dòng chữ mà chị đoán anh đang đọc rất nhanh. Chị không dám ngồi mà cứ đứng chăm chú theo dõi từng chi tiết và sự chuyển biến trên mặt anh.
Đó là một người đàn ông khá đẹp trai, cao và hơi gầy. Những đường nét hơi khắc khổ bị khỏa lấp bởi chiếc mũi cao gắn cân đối trên khuôn mặt hơi dài. Bờ môi dưới hơi trễ, cặp mắt dài có đuôi mà người ta thường nói là đa tình… Mái tóc bồng bềnh, tự nhiên, nhủ xuống vầng trán cao vuông vức…
Bỗng chị giật bắn mình.
– Viết bài thế thì có ma đọc! Bài viết không có hồn, câu văn lãng mạn nhưng nhạt thếch, thiếu tính thực tế, câu chữ lủng củng, bố cục lộn xộn, lại còn sai lỗi chính tả nữa… Viết báo thì phải khác viết tản văn, cô hiểu chứ hả? Mà trong cơ quan không có chú cháu gì hết… Chưa ai dạy cô điều này sao?…
Lúc đó, chị chỉ mong giá mà có một hố tử thần thật to mở ngay dưới chân để chị rơi tõm xuống… Nhưng động đất đã không xảy ra, nền nhà vẫn trơ lì một cách chắc chắn,… chỉ có một người đàn ông đang xả vào mặt chị những câu chữ hết sức “thực tế”. Thấy chị không phản ứng, anh từ từ ngẩng lên. Chị khi đó mặt đã đỏ như gấc, nước mắt vòng quanh… rồi bất ngờ chạy vụt ra khỏi phòng…
Chị tốt nghiệp khoa báo chí trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thời sinh viên chị đã từng cộng tác với nhiều báo và các bài của chị đã được đăng khá nhiều. Vậy mà hôm nay…
Chị không về phòng mà chạy ra khu vườn cơ quan, chọn một chiếc ghế băng nằm khuất trong góc, ẩn sau một búi cây, và bật khóc nức nở. Chưa bao giờ chị bị mắng mỏ một cách bẽ bàng nhường ấy. Tính tự ái và bốc đồng của chị bốc lên ngùn ngụt. Đến gần trưa thì chị đã quyết định: Làm việc dưới trướng một người cửa quyền hống hách như vậy thì chịu sao thấu. Ông ta còn chưa biết chị là ai. Chủ đề bài viết của chị là kêu gọi tình tương thân tương ái của bạn đọc dành cho vùng vừa bị lũ lụt. Chị đã đi thực tế năm ngày tại nơi đó, gặp gỡ nhiều người, rồi cả đêm ngồi viết… Cảnh đồng trắng nước trong, ánh trăng đêm bàng bạc tãi tơi bời trên những tán lá chuối nhấp nhô giữa cánh đồng toàn nước. Những bông lúa sắp chín nặng trĩu, bơi lượn lờ dưới làn nước sâu như loài rong biển, bà con nông dân, nước gập ngang người để mò cắt lúa, những thân chuối đóng thành bè để chở lúa, nổi chấp chới trên biển nước… cái chòi vịt chỉ còn nhìn thấy mái. Trẻ em thất thểu, người già thoi thóp, ngồi đợi cứu tế… Học sinh lội bì bõm để đến trường… Vậy mà…
Phải đổi cơ quan thôi!
Tổng biên tập Trần Thế Hinh hơi giật mình khi thấy cô gái trẻ không chào mà chạy biến khỏi phòng. Trước đó thì anh cũng đã nhận ra mặt cô đỏ bừng và cặp mắt ầng ậng nước. Nhưng anh không đợi một phản ứng nhường ấy từ một phóng viên. Với anh, người phóng viên là tinh thần phải vững vàng, không để cho tình cảm xen vào công việc. Ngòi bút của người phóng viên là phải thét ra lửa, mưa ra khói, phải tạt vào mặt người đọc những ấn tượng mạnh mẽ… Còn bài của cô Nguyễn Như Thế Mai này thì ủy mị, viết bài toàn thán từ, tính từ, trạng từ… Nhưng hành động nổi loạn của nữ phóng viên trẻ đã khiến anh ngồi từ từ đọc lại bài của cô.
Và anh thấy mình đã nhầm! Bài của Mai tuy không thét ra lửa, nhưng lại gieo vào lòng người đọc một sự thương cảm, đồng cảm sâu xa. Nó không ồn ào dồn dập táp vào mặt người đọc những lời lẽ đanh thép mà cứ ngấm dần, thấm dần để khiến ta nghẹn ngào bởi một nỗi đau và gợi lên tình tương thân tương ái…
Bao năm lăn lộn trên chiến trường, là phóng viên mặt trận, anh đã quen với tiếng súng đạn, tiếng bom rơi, nên những bài báo của anh cũng sặc sụa mùi trận mạc, khí thế hào hùng, tinh thần dũng cảm bất khuất của các chiến sỹ, đồng đội. Trong chiến trường, chim không hót, hoa không nở, chỉ có những cảnh tiêu điều, những hố bom sâu hoắm là mồ chôn những đồng đội vừa chia sẻ với anh thanh lương khô và tách trà chát tối hôm trước. Trong cảnh tan hoang, tung tóe những tờ thư tơi tả rách nát, bung ra từ ba lô của một đồng đội nào đó…
Anh thẫn thờ, chính cô gái trẻ kia đã nhắc anh rằng thời thế đổi thay, mỗi thời kỳ mỗi khác. Anh xếp gọn bản thảo và đi ra ban công. Mai đang ngồi ủ rũ nơi góc vườn, hai tay ôm mặt, vai rung lên! Anh thấy mình có lỗi…
Mấy ngày sau, anh nhận được đơn xin thôi việc của Mai. Anh ký mà chưa hiểu hết tâm tư nguyện vọng và lí do xin nghỉ việc của người dưới quyền mình.
Còn chị, hơn hai mươi năm sau, chị vẫn không lí giải nổi hành động bột phát ấy. Chị chỉ nghe theo cảm tính rằng mình phải tránh xa người đàn ông này, càng xa càng tốt!
Quê chị cách thành phố gần ba chục kilomet. Cụ tổ nhà chị làm nghề thuốc gia truyền, và đến đời bố chị vẫn tiếp tục nghề này. Quê chị nằm bên một triền sông lớn, với những bãi dâu ngút ngàn xanh mướt và có nghề truyền thống nuôi tằm tang. Chị thấy thích khi nhìn bà con hối hả trồng dâu vào khoảng tháng mười, đó là khoảng thời gian tốt nhất. Bãi đất phù sa bên sông khiến dâu phát triển rất nhanh, sau sáu tháng thì đã có thể thu hoạch lá dâu. Dâu vùng bãi nhiều phù sa nên năng suất cao. Lá to và mỡ. Tằm ăn ngon, chóng lớn, kén lớn, cho sợi tơ dài chính phẩm. Khi tằm chín lên né vào lúc 5 tuổi. Loại tằm chín này theo lời ông nội nói thì để dùng làm thuốc chữa tê thấp rất hiệu nghiệm. Trần tằm vào nước sôi rồi đem rang khô. Mỗi bữa ăn độ 5-6 con. Hai ba hôm đã thấy chuyển bệnh. Công việc chăn nuôi tằm khiến lúc nào mẹ cũng bận túi bụi, thật đúng với câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”… Chị thích mỗi buổi chiều thứ bảy đạp xe về nhà để phụ mẹ chăn tằm.
… Chị đi tàu điện đến chỗ hẹn. Băng qua cầu Garigliano, đi ngược về phía cầu Mirabeau, đến cầu Nghệ Thuật, rồi cầu Alma, tiến gần đến quán cà phê theo địa chỉ anh cho. Quán cà phê gần sông, nhìn thẳng sang tháp Ép Phen. Anh đã có mặt ở đó, trước li cà phê, thi thoảng ngó trước nhìn sau. “Vẫn luôn đúng hẹn nhỉ!”, chị nhủ thầm. Chị không đến thẳng chỗ anh mà dừng lại trên kè, sát mé sông Seine, cạnh một cây liễu rủ đang nhú những chồi non sau một mùa đông nghiệt ngã. Hình chị lung linh chập chờn dưới làn nước rập rềnh do con tàu Mouche vừa lướt qua gây lên những con sóng. Trên khuôn mặt ấy hiển hiện nụ cười của niềm tiếc nuối và những dòng nước từ từ lăn xuống từ khóe mắt. Chị cứ để mặc nó mà không thèm lau đi.
… Chị nghỉ việc nơi tòa soạn và xin vào một trường cấp I trong nội thành. Bước đầu chỉ làm trợ giảng. Và do có khiếu văn nghệ và biết chơi vĩ cầm, chị kiêm luôn phần phụ trách văn nghệ của trường.
Gần một năm sau họ tình cờ gặp lại. Trường chị tổ chức văn nghệ nhằm lấy tiền gây quỹ ủng hộ một trường dân tộc nội trú trên Cao Bằng và tạp chí của anh là nhà tài trợ chính.
Trời xui khiến sao mà cả hai được mời ngồi hàng danh dự. Ghế họ cạnh nhau. Vừa nhìn thấy anh, cảm giác tức giận hôm nào trong chị tưởng đã ngủ vùi giờ lại bùng dậy! Chị lấy cớ phải điều khiển buổi văn nghệ nên không thể, nhưng cô Hiệu trưởng bảo cứ lên “điểm danh” đã. Chị đành miễn cưỡng đi lên trong tiếng vỗ tay vang dội của đám học trò và đồng nghiệp, còn anh cứ nhìn sững chị. Anh nhất thời không hiểu một nữ phóng viên mà lại đi giảng dạy ở một trường cấp I… Và có lẽ anh còn lâu mới hình dung được rằng cô gái đó sẽ còn gây cho anh nhiều nỗi bất ngờ và truân chuyên trong suốt phần đời còn lại của anh… Từ một cô gái lúng túng hôm nào nay đã trở thành một phụ nữ đầy tự tin. Chị bắt tay chào anh như chào một vị khách quý của trường…
Đến phần biểu diễn văn nghệ thì anh thực sự ngạc nhiên trước tài điều khiển của chị. Một bầy chim non múa thật uyển chuyển dưới điệu nhạc vĩ cầm réo rắt của chị. Chị chơi say sưa, mắt không rời lũ học trò. Rồi đến mục hát đồng ca, múa tập thể. Chị đã thay bộ váy giống hệt các cháu nhỏ… Mục nào chị cũng biểu diễn hết mình, đầy nhiệt huyết như hòa hẳn vào đêm nhạc, hòa hẳn vào thế giới của những em học trò. Anh mong sau phần biểu diễn, chị sẽ lại đến ngồi trên hàng ghế đại biểu, ngay cạnh anh…
Nhưng chị đã không quay lại. Cô Hiệu trưởng thay mặt trường nhận quà của nhà tài trợ.
Anh đảo mắt kiếm tìm, chị đang đứng lẫn cùng đám học trò nhỏ bé của mình.
Tàn cuộc, anh nấn ná nhằm đợi cơ may gặp riêng chị, chỉ để nói lời xin lỗi cho buổi sáng hôm nào, nhưng vô vọng. Hình bóng chị như đã tan biến vào màn đêm thăm thẳm. Anh phóng xe về nhà. Đêm hoang vắng, con đường cạnh sông bây giờ sao mênh mông thế! Và rất vắng người. Chiếc xe đèn tròn của anh nổ máy phành phạch. Anh ngán ngẩm tắt máy, để xe trên vỉa hè và dạo bộ. Không gian giờ đây chỉ còn vang lên tiếng xào xạc của hàng cây bên đường và tiếng sóng từ sông vẳng đến. Tất cả chỉ còn như một bản hòa tấu buồn của Chopin. Những tiếng thở dài của sông, những con sóng trắng lăn tăn dạt vào bãi hệt như những dòng nước mắt từ đất ứa ra, đập vào bờ rồi vỡ òa trong tiếng nức nở… Tim anh nhói đau.
Sau bao năm mơ màng như trong cơn ác mộng, anh bỗng bừng tỉnh. Anh chợt khám phá ra điều thiếu vắng trong mình từ bấy lâu, và điều gì đã khiến tâm hồn anh trống trải và trở nên khô sảng… Trong anh bừng lên một ham muốn kỳ lạ. Anh phải gặp lại người con gái ấy.
Hai ngày sau buổi biểu diễn văn nghệ, bác thường trực đưa cho chị một phong bì cỡ lớn, chỉ đề tên chị. “Có người gửi cho cháu cái này”. “Người đó như thế nào hả bác?”. “Anh ta người cao gầy, mái tóc bồng bềnh…”. “Vâng, cháu biết rồi, cám ơn bác”.
Về nhà chị bóc thư. Là bản thảo bài viết về trận lũ lụt ngày nào của chị. Chị nhíu mày. Nhưng nhìn kỹ, chị phát hiện ra nhiều chữ bị gạch chân. Chị tò mò viết lại tất cả những chữ đó. Chị giật mình và không khỏi nhoẻn miệng cười vì trò chơi tinh nghịch mà thời sinh viên bọn chị hay sử dụng. Đó là một lá thư xin lỗi chân thành và lời cảm ơn chân tình vì chính chị đã khiến anh “mở mắt” và nhận ra những thiếu hụt của mình. Cuối bản thảo có vài chữ viết tay mong được gặp lại.
Chị bâng khuâng và nổi ý định muốn biết thêm về anh. Một con người khắc khổ nhường ấy mà biết trò chơi tinh nghịch này của sinh viên ư?
Tổng biên tập Trần Thế Hinh từng là phóng viên mặt trận, tốt nghiệp khoa Văn trường Đại Học S. Ngoài những bài phóng sự, kí sự về chiến tranh, đã từng xuất bản nhiều tiểu thuyết, có một số cuốn khá nổi tiếng, đã trở thành kinh điển về đề tài này… Đã có gia đình và một con gái. Vợ rất đẹp và hiện là giáo viên tại một trường đại học danh tiếng. Nhà gần trung tâm thành phố… Chị đọc những dòng thông tin ấy tựa như đọc một bài báo vặt. Không quan tâm nữa. Chị vùi mình vào những bản nhạc của Vivaldi, Mozart… Vả lại, chị chuẩn bị được nhận vào biên chế chính thức và sẽ đứng chủ nhiệm khối lớp 5.
Một buổi chiều, vừa dắt xe ra khỏi cổng trường. Chị thấy anh đứng đó. Ngỡ anh đợi ai nên chị len lén đạp xe đi mà không chào. “Chẳng có chuyện gì để nói”, – chị nghĩ bụng. Nhưng vừa đi được một đoạn thì anh nổ máy lao theo:
– Cho anh xin lỗi, – anh lúng búng nói.
Chị cứ cắm cúi đạp giữa dòng người đông đúc vào giờ tan tầm. Trời vào thu, gió mát từ sông thổi tới khiến mái tóc dài của chị tung bay lòa xòa, che ngang mặt khiến trong giây lát chị không còn nhìn thấy gì. Đúng đến ngã ba, một chiếc xe hơi vù vù phóng tới mà chị vẫn tiếp tục đạp nhanh. Anh chộp porte-bagage kéo mạnh lại phía sau… Chiếc xe hơi sượt qua mũi xe chị, phanh két. Cả người chị lẩy bẩy, mặt xám xanh vì sợ. Trong một quán cà phê gần đó, sau khi uống cạn ly nước lạnh mà anh kêu chủ quán đem đến, chị mới từ từ ngẩng lên cám ơn anh. Chiều đó, anh đưa chị về nhà.
Nhà chị thuê trọ nằm trong một ngôi làng ven đô. Căn hộ một phòng đơn giản thoáng mát, trên tầng 2. Chiếc vĩ cầm treo trên tường, giá nhạc dựng trong góc, một giá sách, một chiếc tủ và một chiếc đài radio, chiếc giường đơn gọn gàng trải drap trắng tinh, phẳng lì. Bàn làm việc kê cạnh cửa sổ. Một cây xoài lâu năm dưới vườn xòe lá chấp chới vào tận bậu cửa. Không gian yên tĩnh…
Chị pha nước mời anh. Anh thẳng thắn bày tỏ muốn được là bạn của chị…
Chị giật phắt người nhìn thẳng vào mắt anh mà không hiểu. Anh vội vàng sửa lại:
– Là một người bạn bình thường, mong em…
Từ đó, họ thường xuyên gặp nhau. Tình cảm anh dành cho chị không ồn ào xối xả, không ầm ầm như thác lũ mà chân thành, cứ ngấm dần, thấm dần, chắt chiu như những hạt phù sa bồi đắp cho bãi bờ quê chị. Để đến một lúc, chị chợt nhận ra là đã rất nhớ anh. Và anh là người đàn ông duy nhất chị mong gặp, để được nghe anh nói chuyện. Nấp sau dáng vẻ khắc khổ kia là một tâm hồn lãng mạn, giàu tình cảm, một tâm hồn đầy những dằn vặt trăn trở mà anh muốn chia sẻ cùng chị. Nhưng chị cố kìm lòng…
Anh kể cho chị nghe những lần đi công tác chiến trường, những lần nằm dán mình trong các hầm bí mật nhỏ xíu mà tai nghe rõ những tiếng chạy huỳnh huỵch trên đầu… Những lần ốm mà trạm xá quân đội chưa có thuốc tiếp viện, những lần được đón đoàn văn công vào biểu diễn phục vụ bộ đội nơi chiến trận…
Chị kể cho anh nghe chuyện làng quê và các trò chơi tinh nghịch của lứa tuổi sinh viên ra đời trong thời bình, cảnh trồng dâu nuôi tằm quê chị…
Hai con người, hai tính cách, hai cách kể chuyện khác nhau nhưng họ có chung một niềm đam mê, muốn được chia sẻ, muốn đem lại niềm vui cho người khác, họ bù trừ cho nhau. Nhiều buổi, chị chơi vĩ cầm cho anh nghe.
Anh kể chuyện đời mình. Tốt nghiệp đại học Sư phạm, anh hớn hở khoác ba lô về một trường cấp III vùng cao, gồm nhiều dân tộc thiểu số, để dạy học. Nơi đó còn thiếu thốn đủ thứ. Học sinh của anh rất lớn, nhất là những thiếu nữ. Họ chỉ kém anh vài tuổi và bạo dạn vô cùng. Trẻ trung và đầy nhiệt huyết, làm công tác đoàn nên ngoài giờ lên lớp, anh thường xuyên tiếp xúc với họ. Những cô gái dân tộc sẵn sàng cầm tay và tỏ tình với… thầy giáo! Nhiều lúc anh cũng… sợ! Nhân có đợt tuyển nhà báo mặt trận, anh tham gia và được toại nguyện. Rồi anh bị thương nặng, được chuyển ra Hà Nội điều trị. Lần đó, anh đã gặp Hoài Thu, người sau này trở thành vợ anh. Là một người “vừa ở trong rừng ra”, anh thật sự xúc động trước tình cảm và sự tận tình của cô gái thành phố. Cứ sau giờ lên lớp, Hoài Thu lại đến thăm anh… Sau mấy tháng bình phục, anh trở lại chiến trường. Thư qua thư lại vài năm, lần đó anh về phép, họ cưới nhau.
Là phóng viên mặt trận, anh đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, Hoài Thu học xong đại học, tiếp lên cao học, vẫn kiên nhẫn đợi anh.
Chiến tranh Tây Nam, chiến tranh phía Bắc kết thúc, anh trở về. Một bé gái xinh xắn ra đời trong niềm hân hoan của tất cả mọi người, nhất là anh. Chỉ khi ấy, cuộc sống vợ chồng mới thực sự bắt đầu và anh nhận ra bản chất thật của vợ mình. Không trăng hoa, nhưng Hoài Thu lại là một con người đầy tham vọng, cương quyết và độc đoán, luôn cho ý mình là đúng và lạnh lùng có hạng, thường xuyên vô cảm, ngay cả với người thân… Và cũng từ đó, địa ngục trần gian bắt đầu xây tổ ấm trong cuộc sống của anh. Anh không còn là chính mình nữa… Trong anh là cả một khoảng trống bất tận… Chỉ đến khi gặp chị, anh mới sống lại những tháng ngày hạnh phúc. Anh ngỏ lời yêu chị…
Chị bối rối… Nhưng không thể cưỡng lại được tình cảm của mình.
Mặc dù tất cả các lời hứa, mặc dù tất cả những tình cảm chân thành, tình yêu cuồng nhiệt anh dành cho chị nhưng trong sâu thẳm chị vẫn thấy có điều gì đó thật mong manh…
Mọi chuyện xảy đến trong cuộc đời đều đáng cho ta phải suy ngẫm. Người ta vẫn nói hình thức không quan trọng, nếu ta tha thiết với thứ mà ta yêu mến. Nhưng hình thức trong mối quan hệ của họ đó là anh đã có vợ, chị độc thân. Tương lai sẽ là bất hạnh thôi.
Trong suốt những năm tháng này, chị đã suy nghĩ rất nhiều để tìm ra một lối thoát cho cả hai. Và càng nghĩ, chị càng bế tắc… Và không ngờ, chính người đàn bà “tình địch” lại “mở mắt” cho chị để tìm ra lối thoát.
Hoài Thu là một người phụ nữ thông minh, đầy toan tính. Chị đã ngỡ nắm được Hinh trong tay. Tự tin đến mức nghĩ anh chỉ là của chị, bởi trong gia đình mỗi khi chị nói gì anh đều không phản đối, hay không có quyền phản đối. Chị cho đó là món nợ anh phải trả cho những năm tháng chị chờ đợi anh. Con gái được một tuổi rưỡi, trường có suất đi làm thạc sỹ ở nước ngoài, chị “xung phong” đi ngay. Anh phản đối thì chị cho rằng anh ngăn cản sự nghiệp của chị. Anh đành ngậm ngùi đóng va li cho vợ. Bàn tay nhỏ xíu của con gái vẫy chào mẹ trên sân bay khiến lòng anh nhói buốt…
Trong những ngày ở rừng, anh đã ao ước biết bao nhiêu cái ngày được sống trong khung cảnh bình an, một ngôi nhà nho nhỏ với tiếng trẻ bi bô và người vợ hiền dịu thông minh chia sẻ mọi thứ, trong cuộc sống và cả những ý tưởng. Điều đó hình như càng ngày càng trở nên xa vời. Bé Hòa Bình là nguồn an ủi sau những giờ bận rộn bù đầu ở cơ quan. Nụ cười của bé đem lại cho anh chút cảm giác bình yên trong ngày.
Lúc đầu, khi biết mối quan hệ của chồng mình với Mai, Hoài Thu nghĩ đó là chuyện chơi, rằng anh không đời nào dám bỏ chị, một người đàn bà thành phố có bằng cấp và thông minh, trong khi Mai chỉ là một cô giáo cấp I, gốc gác nhà quê. Hơn nữa, bé Hòa Bình là cây át chủ bài của chị. Anh sẽ không bao giờ dám xa con. Những công trình nghiên cứu thu hút hết tâm trí, chị không có thời gian để chú ý đến những chuyện “vớ vẩn”. Chị tiếp tục làm luận án tiến sỹ.
Anh ngày ngày chăm con, sáng đưa đến trường rồi mới đến cơ quan. Chiều tối lo cho con xong thì ra khỏi nhà, và chỉ trở về rất muộn trong đêm. Khi con được gửi về ông bà nội ngoại thì anh đi luôn không về. Linh cảm đàn bà mách bảo Hoài Thu rằng mối tình “chơi” giữa anh và Mai không còn là “chơi” nữa. Con gái lớn dần và chị thấy mình cần phải củng cố gia đình. Chị cần anh cho cái hình ảnh của chị tại trường. Chị cần một người chồng có chức vị, một gia đình hoàn hảo. Chị quyết định bỏ chút thời gian để “giữ” chồng. Chỉ vài tuần, chị biết được cách ăn mặc và sinh hoạt của Mai…
Cho đến tận lúc lìa bỏ thế gian này, anh sẽ không bao giờ quên được đêm đó.
Đợt ấy, Mai đi công tác mấy tuần trên vùng cao biên giới. Hôm đó, cơ quan anh liên hoan tổng kết quý, đương nhiên là có rượu bia. Bản chất không chịu được chất men, chỉ vài li là anh đã say. Về đến nhà thì đêm đã khuya. Anh giật mình khi bước vào phòng ngủ. Trong ánh sáng lờ mờ, Mai đứng quay lưng lại, mái tóc buông lơi phủ trên bộ đồ ngủ chị vẫn mặc. Bế thốc chị lên giường và trong cơn thăng hoa mê đắm, anh không ngừng thì thầm gọi tên chị, kể cho chị nghe anh rằng đã nhớ chị phát điên, rằng tại sao về mà lại không báo trước cho anh biết…
Bỗng anh nhận được một cái tát điếng người và tỉnh hẳn cơn say! Không phải Mai mà là Hoài Thu. Chị hiện nguyên hình là một người đàn bà lạnh lùng. Chị tuyên bố rằng anh sẽ không bao giờ được thỏa nguyện, rằng anh đã là của chị thì cả đời này, kiếp này chỉ là của chị…
Sau buổi ấy, anh xấu hổ và mặc cảm tội lỗi với Mai. Với anh, Mai mới chính là vợ anh. Việc ngủ với Hoài Thu đêm ấy, anh coi như là một vụ ngoại tình…
Mai sung sướng gặp lại anh sau mấy tuần đi công tác. Họ lao vào nhau như cặp vợ chồng sau nhiều ngày xa cách.
Mai có bầu. Chị hình dung anh sẽ vui sướng tới cỡ nào khi biết được tin này!
Vào ngày chị định nói cho anh biết, thì chiều đó đang lên lớp, cô Hiệu trưởng đến báo cho chị biết có người cần gặp. Chị ra bài Tập Chép cho học trò và bước theo chân cô Hiệu trưởng.
Một người đàn bà sang trọng đang đứng dưới tán bàng đợi chị. Chị giật mình, bởi không ai khác ngoài Hoài Thu.
Tại sao chị ta lại đến gặp mình nhỉ? Hinh đã nói rằng giữa họ đã thống nhất mọi chuyện. Hoài Thu không phải là không biết mối tình từ mấy năm nay của hai người, vậy mà chưa bao giờ lên tiếng. Mai hoàn toàn tin tưởng đợi anh tiến hành xong thủ tục li dị là họ có thể làm đám cưới…
Hai người đàn bà lạnh lùng chào nhau. Hoài Thu trao cho chị một chiếc phòng bì, rồi nói thêm:
– Chúng tôi đã nói chuyện cùng nhau. Tôi mong cô hãy suy nghĩ kỹ và tìm tương lai cho mình…
Cả tối đó, khi xem xong nội dung các tờ giấy trong bao thư, chị không còn biết mình đang ở đâu? Hinh cũng không đến, và dạo này, chị thấy anh có vẻ là lạ, nhiều lúc lúng túng như hối lỗi…
Đó là bản photocopi những giấy tờ khám thai của Hoài Thu, cái thai đã được hơn hai tháng! Vậy là bào thai đó gần trùng với đứa con chị đang mang trong mình, giọt máu của anh ư? Lần đầu tiên chị nếm trải mùi vị đắng chát. Đắng chát nhất trong đời chị!
Chị tránh mặt anh! Anh lo lắng đến sọm người. Anh không hiểu!
Một ngày cuối tuần, chị hẹn anh về quê chị. Anh sung sướng vô cùng. Đã nhiều lần anh đề nghị cho về quê gặp bố mẹ, nhưng chị chưa muốn! Anh nghĩ đã đến lúc chị muốn làm lành. Anh muốn được đưa chị về, nhưng chị cho anh địa chỉ và nói sẽ tự về, và sẽ dành cho anh một sự bất ngờ.
Anh về đến nhà chị khi còn rất sớm. Nhà vắng tanh. Chị đang thơ thẩn giữa khu vườn mênh mông có hàng mít trĩu quả và những trái ổi thơm lừng. Tiếng chim ríu rít trên cành. Ngôi nhà cổ bề thế nằm giữa khu vườn. Nghe tiếng xe mà chị không quay lại. Anh đỗ xe và bước đến bên chị. Chị giải thích bố mẹ hôm nay về quê ngoại dự đám cưới, và kể liền cho anh nghe về độ tuổi của mỗi cây, chỉ cho anh một cây mít mà chị nói có từ thời cố nội, thân to sụ và quả mọc chi chít. Khi anh định ôm hôn thì chị toài ra và nói có điều ngạc nhiên dành cho anh đang để trên bàn trong nhà, anh vô lấy đi…
Cầm trên tay mấy tờ giấy, anh cảm tưởng như cả bầu trời bỗng sụp đổ xuống đầu, đất dưới chân anh như rùng rùng chuyển động… Anh hiểu chị, vậy là anh chẳng còn gì để nói nữa rồi… Chỉ mong chị hiểu cho rằng anh đã không hề dối lừa chị… Làm sao để người con gái đã đặt hết niềm tin vào anh hiểu được rằng cái đêm hôm ấy anh đã phải chịu nhục nhã ê chề như thế nào, và kết quả lại như thế này…
Lần đầu tiên họ không hôn nhau kể từ khi yêu. Cả ngày hôm ấy, họ đi lang thang trong khu vườn và cánh đồng dâu bạt ngàn sau làng… Họ nói toàn chuyện đâu đâu. Chuyện chiến tranh, chuyện các bản làng và lũ học trò dân tộc. Giọng chị vẫn thế, trong trẻo nhưng đượm buồn, ánh mắt luôn nhìn vô định… Nhiều lần anh muốn ôm chị vào lòng, kể cho chị nghe nỗi xa xót của mình, nhưng nhìn khuôn mặt vô cảm ấy, anh sợ…
Hôm đó anh trở về thành phố một mình. Vẫn trên con đường ven sông nhưng bây giờ đối với anh chả còn ý nghĩa gì nữa…
Suốt khoảng thời gian chị tránh anh và sau khi được tin chị xuất ngoại theo chồng là chuỗi ngày khủng khiếp nhất đời anh! Còn khủng khiếp hơn những ngày đói ăn trên rừng, dưới làn bom đạn dữ dội, những cái chết thê thảm của đồng đội… Anh chỉ còn biết vùi đầu vào công việc và chăm sóc con. Sau cái tát trời giáng đêm ấy thì hố sâu ngăn cách giữa anh và Hoài Thu không bao giờ có thể lấp đầy được nữa. Kể cả sự ra đời của đứa con gái thứ hai cũng không thể khiến họ xích lại gần nhau. Anh không còn dám để mắt đến bất kỳ một người đàn bà nào, mặc dù xung quanh anh luôn có những tấm lòng muốn chia sẻ. Anh mong gặp lại Mai, không thể cầu xin tha thứ, mà anh muốn giải thích. Nhưng vô vọng… Từ ngày ấy đến giờ. Anh đã rất sung sướng khi qua điện thoại, chị đồng ý gặp anh tại Paris.
… Từ xa, chị ngắm anh. Vẫn thế, vẫn mái tóc bồng bềnh như ngày xưa mà chị rất thích luồn những ngón tay mình vào đó. Những sợi tóc trơn trượt dưới những kẽ tay chị. Chỉ khác chăng giờ đã điểm bạc rồi! Chị rùng mình và đưa tay lên vuốt tóc mình. “Anh sẽ nghĩ sao bởi tóc mình cũng có vài sợi đã đổi màu?”. Cặp mắt đẹp của anh trước kia giờ đã vương chút quầng mọng. Những ngón bên tay trái hơi co quắp do lần anh bị thương, giờ hình như lại co quắp hơn. Vẫn khuôn mặt đẹp mà đã bao lần ở rất gần mặt chị, họ đã hít luồng hơi thở của nhau… “Anh không thay đổi bao nhiêu…”, chị lẩm bẩm và thở dài… Còn vết thương bên sườn mà anh từng kể cho chị rằng dạo đó, chỉ cần nghe tiếng máy bay trực thăng là cả chỗ ấy cứ rung lên rần rật, và sau này mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc trời chuyển mùa là anh lại cảm thấy đau nhức… Tự nhiên chị muốn chạy nhanh đến bên anh để xoa nhẹ lên chỗ đó như ngày xưa chị đã từng hôn biết bao lần… Nhưng chị kìm lại. Cứ đứng đó, mặt quay ra sông. Làn gió xuân phả lên mặt khiến chị cảm thấy đầu óc thông thoáng hẳn. Kéo áo choàng và đi lại sát mé sông. Dòng sông Seine đã cuốn vào mình nó bao cuộc đời nhưng cũng nuôi sống bao con người từ thời khai thủy… Chị bỗng lùi lại vài bước. Một con tàu Mousse lướt qua tạo những con sóng ập vào bờ. Hình bóng chị và những tòa nhà cao tầng chập chờn, uốn lượn bồng bềnh …
… Sau buổi Hinh về quê chị, chị sống lầm lũi.
Chị bỗng mong những chuyến viếng thăm của anh Chiến và Gille. Gille là kiến trúc sư, người Pháp, bạn thân của Chiến, anh trai chị. Anh Chiến là kỹ sư xây dựng. Gille công tác tại Bộ Xây dựng của Pháp, được điều sang Hà Nội để tu sửa phục hồi Nhà Hát Lớn và những công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc, dưới sự tài trợ của Chính phủ Pháp. Gille hình như đã mê chị ngay từ những ngày đầu được Chiến mời về thăm gia đình. Gille rất ấn tượng với khu vườn và ngôi nhà cổ. Nhiều lần Gille mời chị đi chơi, chị đồng ý nhưng bao giờ cũng phải có Chiến đi cùng, nên Gille chưa bao giờ có cơ hội thổ lộ tình yêu của mình với người con gái xinh xắn ấy. Còn Mai, bản năng phụ nữ mách bảo chị rằng người đàn ông đến từ phương trời xa kia đã phải lòng mình… Nhưng khi ấy, chân trời của chị đã đặt ở nơi khác. Với chị, Gille chỉ là một người bạn của anh trai mình mà thôi.
Còn Gille đã thầm yêu Mai, anh chờ đợi cơ hội. Những ngày gần đây, mỗi khi gặp, thấy Mai trầm tư, mắt nhìn xa vắng, anh thấy lòng mình se sắt. Và kỳ lạ, chị đã chấp nhận lời mời ăn tối với anh mà không có mặt Chiến.
Sau những câu chuyện lan man, chị hỏi anh:
– Anh có vợ chưa?
– Chưa…
– Anh có ý định lấy vợ không?
Chàng trai Tây ngỡ ngàng nhìn cô gái Việt, vốn hiền thục nhu mì, sao lại có câu hỏi thẳng thắn nhường ấy!…
Họ dời nhà hàng thì đêm đã khuya. Gió từ hồ Tây thổi lên mát rượi, phả đầy mặt họ. Mai lại trở nên trầm lắng trên đường về. Chia tay, chị hẹn anh tuần tới. Gille hạnh phúc vô cùng, lâng lâng như trên mây…
Tháng sau đó, Mai thông báo với gia đình rằng chị và Gille sẽ cưới nhau. Gille sắp hết thời hạn công tác tại Hà Nội và họ sẽ cùng về Paris!
Biết bao khó khăn! Trước tiên là phản ứng dữ dội của cả nhà… Kế đến là những dòng nước mắt của mẹ. Nhưng chị thấy chỉ còn phương cách ấy. Chị phải đi thật xa mới mong trọn vẹn đủ bề. Gille là người duy nhất được chị kể cho nghe mọi chuyện và anh đã chấp nhận.
Mấy tháng sau khi cặp bến nước Pháp, chị sinh bé Vincent Phú Cường. Một thằng bé bụ bẫm, khỏe mạnh và lém lỉnh. Gille yêu nó hết lòng. Rồi lần lượt bé Théo Phú Hùng, và Emilie Mai Hương ra đời… Trong sinh hoạt, Gille không bao giờ phân biệt đối xử giữa các con. Chị rất hàm ơn anh điều đó.
Suốt những năm tháng ấy, chị tránh nhớ Hinh, tránh nhớ đến mối tình say đắm một thời của hai người. Chị dồn toàn tâm cho gia đình, trau dồi tiếng Pháp, học hỏi văn hóa nhà chồng… Chị tham gia vào các hội đoàn phi chính phủ, trong đó có hội Le petit frère des pauvres. Những lần thăm hỏi các cụ già trong bệnh viện, trong nhà dưỡng lão đã khiến cho chị hiểu thêm nhiều về tình người. Và không phải cứ có tiền là hạnh phúc. Chị theo một khóa học để trở thành Cố vấn tâm lý trẻ em và người cao tuổi, một công việc giải đáp những thắc mắc về vấn đề xã hội và tâm lý. Đây là một công việc cần sự kiên nhẫn. Chị lắng nghe những tâm sự và trăn trở của họ để tìm ra các giải pháp trợ giúp.
Thời gian rỗi, chị dạy thêm đàn vĩ cầm.
Cuộc sống bình an của chị trôi đi trong tình yêu của Gille và tiếng cười của những đứa con. Một gia đình hạnh phúc!
Nhưng mỗi lần về Việt Nam, chị không ngăn nổi mình đi lại những con đường mà hai người đã từng đi. Dù không chủ ý, đôi lúc chị đi ngang qua văn phòng làm việc của anh. Trời tối từ lâu mà phòng làm việc của anh vẫn sáng đèn. Chị cứ đứng đó, nấp sau một thân cây lớn, đợi nhìn anh đi xuống cầu thang, ra sân sau lấy xe, lên xe nổ máy và lững thững chạy đi. Có lần chị phóng xe theo anh. Anh đi một cách vô định, cứ ngoằn nghoèo qua nhiều con phố rồi mới trở về nhà. Có lần chị đã muốn gặp anh, muốn kể cho anh nghe rằng chị đã nhớ anh biết bao nhiêu, trong những đêm thanh vắng, đứng một mình trên ban công ngắm ánh trăng vằng vặc và tiếng gió rì rào đưa tới từ khu vườn nhỏ trước nhà chị. Rằng chị đã rất nhớ những buổi chiều anh đến thăm, cả hai cũng hì hụi nấu cơm, anh đã nấu cho chị những món mà chị yêu thích, hương vị của chúng mà suốt đời chị sẽ không thể quên… Cả những nụ hôn dài tưởng chừng bất tận họ dành cho nhau, cảm giác lâng lâng bồng bềnh mỗi lần họ gần nhau. Chị muốn kể cho anh nghe về bé Vincent Phú Cường, khỏe mạnh thông minh và đẹp như tranh… Nhưng “ích gì!” chị thầm nhủ như thế, và hình ảnh Gille tận tụy chăm sóc mẹ con chị hiện ra, khiến chị quay ngoắt xe về khách sạn, hôn nựng những đứa con.
Nhiều lần có đám bạn chung của hai người sang Pháp, anh gửi thư tay. Chị đã không bao giờ mở ra mà cứ xếp gọn vào một cái hộp, cất sâu trong tủ… Chị không dám… Chị sợ…
Hiện giờ, anh đang ngồi kia, vẫn dáng ngồi thẳng và đầu hơi nghiêng nghiêng hệt như khi anh nhìn chị, hai bàn tay đan chéo, vặn xoắn, môi hơi mím như mỗi khi anh suy nghĩ rất lung. Vẫn mái tóc ấy, vành môi ấy, cả cặp mày và ánh mắt đăm chiêu… Anh ngó đồng hồ.
Chị những muốn sải những bước chân dài để chạy đến bên anh, nhưng sững lại. Lục túi lấy điện thoại…
Chị gọi cho Gille. Chồng chị hơi bất ngờ khi vợ gọi điện vào buổi sáng như thế. “Anh về nhà ngay đi, em cần anh!” rồi cụp máy.
“- Có người gửi cho ông cái này!” Anh giật mình khi người bồi bàn đưa cho một chiếc phong bì dày.
Hồi hộp giở ra xem. Đó là những tấm hình. Đầu tiên là một đứa trẻ sơ sinh. Lật mặt sau anh thấy ghi ngày 2 tháng 11 năm… Anh sững sờ, bởi gần trùng khít với ngày sinh đứa con gái thứ hai của anh. Nhìn tiếp những bức hình khác. Một thằng bé bốn tuổi, cười trơ hàm răng sứt rất ngộ nghĩnh. Tiếp đến là một cậu thiếu niên trong trang phục Judo, đai nâu, đang tươi cười đứng trên bục, tay giơ cao tấm huân chương… Lật nhanh vài tấm khác, và đến một tấm có lẽ là mới nhất, chụp một gia đình Pháp – Việt, gồm bố mẹ và ba đứa con. Ảnh chụp trước một cổng trường Trung học tại Paris. Mặt sau đề: “Ngày Vincent Phú Cường tốt nghiệp cấp III!”
Anh nhìn đăm đăm chàng trai trẻ Vincent Phú Cường. Nó đúng là phiên bản của anh mấy chục năm về trước. Từ mái tóc dầy đen nhánh, bồng bềnh, khuôn miệng, vầng trán và nhất là cặp mắt…
Anh rút điện thoại gọi vào máy di động của chị. Nhưng chỉ rơi vào lời mời để lại tin nhắn tự động, giọng của chị: “Xin hãy để lại lời nhắn, tôi sẽ gọi lại cho quý vị ngay khi có thể…”
Anh tắt máy, tâm trạng bồi hồi khó tả. Tiết xuân mơn man, ngẩng nhìn đám lá trên cành, gió nhè nhẹ khiến vài chồi non đung đưa. Trên vỉa hè, vô số các bồn hoa đủ màu, rực rỡ lung linh dưới ánh nắng.
(Văn nghệ số 35 – 36/2013)