Trong “Căn cơ”, người đọc không chỉ được hòa mình vào một vùng quê với bát ngát ruộng đồng, kinh rạch, với bầy trâu và lũ trẻ chăn trâu, với ngôi chùa cổ huyền bí… đẹp hơn cả những bức ảnh nghệ thuật của nhân vật “nàng” trong truyện, mà còn được sống với chốn thị thành đô hội cùng biết bao chộn rộn, mưu toan, nhất của giới văn nghệ. Trong “Căn cơ”, độc giả không chỉ bị cuốn hút bởi mối tình lạ mà đẹp của nhân vật trung tâm – Đông Phúc hay họa sĩ Tiểu Mộc (kẻ bị phụ tình nhưng lại được ban mối tình mới rất đẹp) với nhân vật “nàng”có vẻ huyền bí trong truyện, mà còn hồi hộp theo dõi những mưu mô, toan tính xuất hiện từ hiện thực cuộc sống, nhất là ở nông thôn, tiêu biểu là vấn đề tranh chấp đất đai thường xuyên diễn ra một cách nóng bỏng, từ một số nhân vật, trong đó tiêu biểu là nhân vật lão Ba… Ý tưởng sâu xa của truyện ngắn này được nêu ra ngay chính cái tên “Căn cơ”. Đây là một từ ghép Hán Việt (“căn”: gốc, nguồn; “cơ”: nền, móng; “căn cơ”: nền tảng, gốc gác, nguồn gốc…) và là khái niệm được dùng nhiều trong thuyết lý Phật giáo (cùng hệ thống ngữ nghĩa với các khái niệm “căn tu”; “nhân duyên”…), nhằm để biểu đạt ngữ nghĩa: người có “căn cơ” là người đã đạt đến những phẩm chất cơ bản, quan trọng tốt đẹp nhất của giáo lý nhà Phật. Những phẩm chất đó cũng chính là những phẩm chất mà con người (có đạo và không đạo) mãi hướng tới và mong đạt được. Các truyện ngắn khác trong tập của Nguyễn Phước Thảo, hầu hết cũng đều nhắm đến và bộc lộ chủ đề tư tưởng này.
Từ khóacăn cơ căn tu Nguyễn Phước Thảo nhân duyên Thanh Hảo
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …