Bài nổi bật

Bóng Lửa – Hồ Thị Linh Xuân

Trên đất nước ta có rất nhiều làng nghề truyền thống lâu năm để phục vụ đời sống sinh hoạt của con người. Trong chiến tranh cũng như cuộc sống hòa bình thì nghề rèn luôn là ngành nghề quan trọng. Nghề rèn là một nghề nặng nhọc, vất vả, công phu và trải qua nhiều công đoạn mới sản xuất ra những sản phẩm hữu ích. Chính vì vất vả như vậy nên nghề rèn thường được những người đàn ông khỏe mạnh thực hiện, truyền dạy cho con cháu. Nhưng người giữ gìn lò rèn nổi tiếng của làng Chợ Dừa lại là một người phụ nữ. Từ những vui buồn trong cuộc đời bà, tác giả dẫn dắt người đọc, người nghe đến với thăng trầm của một làng nghề truyền thống bên dòng sông Trầu. Làng rèn đã bao năm nhộn nhịp tiếng búa, tiếng bễ lò rèn, tiếng cười nói rộn ràng của người thợ hăng say làm ra dụng cụ lao động, sản xuất trên cánh đồng. Thế nhưng cuộc sống phát triển, những máy móc hiện đại thay thế dụng cụ truyền thống khiến làng nghề chết dần. Để lưu giữ nghề xưa, người con dâu ông Tám Lìn phải phiêu bạt tứ xứ rèn dao kiếm sống. Ông Tám Lìn, một người thợ rèn tài ba cũng trở thành người lái đò. Thế nhưng trong lòng ông Tám Lìn cũng như con, cháu vẫn âm ỉ một ngọn lửa nghề. Hình ảnh đứa bé 10 tuổi con trai của Tình tập quai búa bên bễ than cuối câu truyện thắp lên sức sống của nghề rèn. Từ câu chuyện vui buồn của một nghề rèn, chúng ta thấy được những khó khăn và thách thức của làng nghề truyền thống hôm nay. Đó là việc khó khăn trong đào tạo, gắn bó người trẻ với nghề của cha ông, khó khăn trong việc tìm đầu ra sản phẩm, vấn đề ô nhiễm làng nghề… Chính vì vậy, những ai vấn gắn bó với nghề truyền thống đều có một ngọn lửa trong lòng. Ngọn lửa nghề đã sáng biết bao năm, bao đời và duy trì đến tận ngày nay.

Năm giờ chiều…
Tôi đến xóm ngụ cư ẩm thấp nằm ven đại lộ Linh này vì bài bút kí sẽ đăng trên thời báo Nghề làng số khai xuân có chủ đề “Cội nguồn của tiến bộ” và gặp chị. Người đàn bà không còn trẻ. Nét dãi dầu phủ quanh gương mặt hốc hác. Chị ngồi day mặt về phía mặt trời lặn, nhìn đe quai búa. Những nhát đập chan chát mà đơn điệu, không có âm trầm chỉ vổng những tiếng thanh. Sau lưng là bễ lửa vẫn còn âm ỉ ngún than, những phôi sắt làm đục đã lần lượt được cặp ra đưa lên đe, chỉ còn chỏng chơ siêu thuốc hắt ra thứ mùi ngai ngái nồng gắt. Lẫn giữa âm thanh quai búa, vài tiếng ho khàn đục khùng khục của đàn ông từ nhà trong vọng ra. Một đứa bé ngồi giữa lồng sắt trước hàng hiên cười khoái trá vì tè dầm. Mùi khai khẳm lên. Chị dừng tay búa, đi về phía hàng ba, nhấc gọn chiếc lồng như đã làm thế hàng ngàn lần, đặt sang chỗ khô ráo. Sau khi quơ vội dây sào lấy một chiếc quần vải thay cho con, chị đi về phía rặng trâm bầu, cầm mo cau xúc mớ tàn tro phế phẩm rắc lên vùng nước đọng. Phủ màn tránh muỗi xong lại ra sân ngồi quai búa.
Khi tôi bước tới trước, chị thoáng bối rối, nhưng từ trong đáy mắt một vệt sáng chợt lóe lên. Trong nhập nhoạng, tôi để ý tấm biển nghèo nàn đề ba chữ “Dao Chợ Dừa” xiên lệch. Vào vai khách đến mua hàng, tôi mau mắn xởi lởi: “Tìm mãi mới gặp một bễ rèn còn đỏ lửa xứ này!”. Người đàn bà chìa cho tôi chiếc ghế đẩu con con, vừa giũa vừa mài lưỡi đục, sốt sắng: “Hàng không sẵn, phải đặt. Mà sao chú em biết lò đây mà tìm?”. Giọng mảnh, trong vắt, dịu dàng. Tôi đáp lời chị nhũn nhặn. Đại khái nhờ vào đốm lửa, tiếng búa quai nện thình thịch phía sau rặng trâm bầu. Người đàn bà lắng nghe tiếng được tiếng mất, không mấy để tâm. Khi những chiếc đục được gia công hoàn chỉnh chị đứng dậy đi vào trong bật công tắc điện. Ánh sáng khiến người ta tự tin hơn. Tôi ngắm nghía một lượt vài món hàng còm làm sẵn mà khách vẫn chưa kịp lấy.
Cất đống đục vào một góc chờ trui nước cuối, người đàn bà giờ rảnh tay, thong thả ngồi tiếp chuyện. Chúng tôi nói vài câu bâng quơ vặt vãnh khi xa xa, bóng những người công nhân nhà máy dệt vừa tan ca, uể oải nặng nhọc bước về khu trọ rách bươm bên này. “Nếu không kẹt cu Bông và nhà tôi liệt giường, chắc tôi cũng xin làm tạp vụ cho nhà máy, chú em ạ!”. Chị lơ đễnh nhìn về phía đại lộ Linh đang ngập đầy ánh sáng xanh đỏ. Điện thắp một đêm ở đó có thể đủ nuôi sống xóm ngụ cư này cả tuần. “Chẳng lẽ nghề mình giờ không đủ sống hay sao? Tự mình làm chủ vẫn hơn chứ chị?”. “Đủ làm sao được. Người mình sính ngoại chuộng dao Thái dao Nhật. Mấy ai còn nhớ dao rèn. Đắp đổi thôi chú em”. Tiếng thở dài thườn thượt khiến đêm chừng như loãng ra. Giọng người đàn bà nửa giống thở than nửa dường cam chịu. “Nhưng không thổi bễ thì biết làm gì giữa cái xóm tàn canh du thủ du thực ở lẫn với người tứ xứ gá tạm cuộc đời. Người từng tiền bạc rủng rỉnh khi sa cơ lỡ vận cũng về đây. Người tứ cố vô thân không đất không nghề không quê cũng xuôi về phát quang đám lá nước dựng cái chòi che mưa che nắng. Một khu đô thị giàu có sầm uất phóng một tầm mắt là thấy và một khu ổ chuột tuềnh toàng chìm trong quên lãng như không phải là một phần của thành phố này. Những gương mặt xanh xám tựa chiều cứ cúi gằm bước đi. Có ít chữ thì xin vào nhà máy làm công nhân, bần cùng thì lặn ngụp đãi trùn dưới kênh đen, gan dạ thì nhận làm bốc mộ, vớt xác. Kẻ bệnh tật ốm đau thì chỉ có nước nằm chờ chết, như ông nhà tôi, đứa con tội nghiệp của tôi. Thân đàn bà cút côi, tôi họa còn chút vốn liếng là món nghề”. “Chợ Dừa có phải là một làng rèn?”. “Thưa, phải. Quê tôi đấy”. “Bễ của mình chính là được truyền nghề từ đây sao?”. “Thực ra chẳng phải học hành gì đâu. Đều là kinh nghiệm. Làm riết quen tay nhìn lâu quen mắt theo kiểu truyền ngón ấy mà”. “Chắc làng vẫn trẻ, chứ còn nổi danh em chỉ nghe Thủ Thừa hoặc Cái Tàu Hạ là lâu đời”. “Làng tôi ấy à? Người ta vẫn thường nhắc về đất Nam Lợi hoặc “Đồng chó ngáp” nhiều hơn cả dù chốn ấy cũng là Chợ Dừa”. Dĩ nhiên tôi biết đấy là đâu, dù lần lữa bao lâu vẫn chưa từng đặt chân đến bao giờ. “Chắc chú em đây vẫn còn hồ nghi nên lưỡng lự đặt hàng. Cũng đúng thôi, người ta chỉ quý và tin khi thứ gì đó mang trong mình một lịch sử”.
Vậy là chị kể. Ngoài kia, vài con nhái bén kêu than đứt ruột như đang gọi bạn tình…
*
*         *
Những bễ rèn không biết có tự hồi nào. Tía tôi kể từ đời ông đã thấy thanh niên trai tráng trong làng lưng trần quai búa. Bếp lò hừng hực đỏ, từ những phôi sắt tưởng vô tri nghệ nhân qua biết bao công đoạn tôi cặp dập đàn, giũa mài tra cán không chỉ làm ra công cụ đủ loại phục vụ cho công cuộc khai khẩn và canh tác vùng đất Rạch Giá rộng lớn xưa mà còn cung cấp giáo mác, vũ khí để người dân quê giữ đất giữ làng.
Nằm e ấp bên cánh đồng lúa ngát xanh, mặt trước giáp sông là một nhánh rẽ của dòng sông Trầu mênh mông, làng tôi quanh năm nhộn nhịp rước lửa, xuồng ghe tấp nập ngày nối ngày. Từ nhỏ tôi đã quen với tiếng kim khí leng keng, tiếng búa đập sắt chan chát hòa cùng tiếng cười đùa của trẻ nhỏ. Tiếng cười át cả tiếng bom. Má tôi ngày còn tại thế hay nói vui khi cách làng rèn không bao xa là cánh đồng cỏ cháy đạn lạc bom bay: “Cá nhái thi nhau túc trực quần nát lung đũa bếp”. Mỗi ngày đều có người nằm xuống. Bầy trâu thường không trở về.
Nhà tôi bên sông, tía tôi là thầy lang, bốc thuốc cho cả làng. Tôi thường cầm tráp hộp theo tía đi xem bệnh từ làng trên đến xóm dưới. Cả xóm rèn đông đúc nhưng chẳng mấy người chữa bệnh mát tay như tía tôi nên ông được người ta kính trọng, con gái ông vì thế cũng được hưởng sái một chút lộc làng.
Cách một dòng kênh, bên kia sông, nhà bác tám Lìn là một trong những bễ rèn cố cựu xuất hiện đầu tiên của xóm. Sáng nào bên ấy cũng thổi bễ sớm, đắt hàng đến mức đỏ lửa quanh năm từ hừng đông đến tối mịt. Anh út Trạc, con bác tám khi đó mới mười hai tuổi đã thành thục đứng bễ và điều khiển lửa. Bác tám Lìn bảo, công việc đó còn khó hơn học chèo thuyền gấp mười lần. Cái tài của người thợ lành nghề là chỉ cần thoạt nhìn đã biết sắt thép đủ độ chín, lúc nào thì cần dồn lửa và dừng lửa để cho ra một sản phẩm chắc tay, dẻo nhưng không mềm, cứng mà không giòn. Anh út Trạc vừa thổi bễ vừa học cha, cái chí của người thanh niên muốn sau này đứng ra làm chủ.
Trong những trận đánh ác liệt cuối cùng trên đất Nam Lợi, những người anh em của bác tám Lìn không còn ai về nữa. Các con lớn của bác tám lần lượt nối gót các chú các bác giữ lửa bếp rèn. Sau mỗi đợt càn người Chợ Dừa lại tận dụng mìn xịt với xác bom, tiếp tục rèn liềm, phảng, cuốc, dao phát quang đồi cỏ chác, gieo những mùa vụ mới. Phải nói thêm đất Nam Lợi xưa vốn hoang vu, ngập úng, lở lói, bạc màu, nhiễm phèn nặng. Um tùm cỏ dại, lau sậy, cỏ năn, lác mọc xen kẽ với những cánh rừng tràm nguyên sinh bạt ngàn. Giặc đánh vào, đốt rừng phá bụi, đất cỗi cằn trơ lại năn lác lẫn với cỏ tranh. Cả cánh đồng rộng lớn nhìn mút chỉ chẳng thấy bờ đâu, đến cả người lực lưỡng có sức khoẻ nhất làng cũng không thể một lèo băng qua đồng cỏ cháy. Đất xấu và hoang phế là vậy nhưng sau này mùa màng vẫn tốt xanh, công lớn thuộc về những người thợ rèn chăm chỉ.
Mười tám tuổi, tôi rời tráp thuốc của tía tôi, theo anh út Trạc về triền sông bên này, bắt đầu một đời sống mới. Chợ Dừa sau giải phóng càng rộn rã tiếng cười vui, niềm vui của hòa bình và nỗi hân hoan của những người lính trận, dân sơ tán được trở về với xóm làng chăm lo cày cấy, ổn định cuộc đời. Tôi thay anh út Trạc bấy giờ đã là thợ cả, ngày ngày thổi bễ. Những bễ đứng thế khó và bất tiện đã được cải tiến thành bễ ngang, đàn bà cũng làm được, tài giữ lửa cũng không thua kém gì. Anh út Trạc khen hoài: “Mình canh lửa còn đều hơn anh, xác rèn có sự mềm mại, dẻo dai, bền bỉ, xài cùn lưỡi rồi mà vẫn bén”.
Để có đủ than cung cấp cho lò những năm nghề rèn phồn thịnh nhất, những người anh lớn của anh út Trạc phải thay phiên nhau xuống rừng U Minh Hạ tuyển gỗ tràm, gỗ đước. Gỗ được đằm trong nước cho chắc, phơi ráo, rồi mang đi un trấu ủ vài ba đêm. Than đước ra lò muốn cho vào bễ phải giã nhỏ đi, tưới cho ngậm áo một màn nước mới bền cuộc giữ lửa mà vẫn tiết kiệm nhiên liệu.
Những tiếng quai búa ngày đêm trở thành một giai điệu vui tai, đốc thúc người ta hăng say lao động. Anh út Trạc chuyên khâu cặp “gần lửa rát mặt”, ngoài hai mươi mà gương mặt anh đã nám đen nám đỏ, nghề rèn nó vậy, lửa cháy da người. Anh út Trạc dạy con, ngày nào cha còn sống thì các con phải giữ hơi ấm bễ rèn. Nhưng phồn thịnh rồi cũng đến hồi suy tàn. Cái ngày cơ giới hóa đến, Chợ Dừa buồn hơn bao giờ hết. Những tiếng quai búa dần thưa dần nhỏ, con trâu ngơ ngác đường cày. Máy móc cày xới vang rền cả cánh đồng xa. Chúng tôi không còn những đơn hàng để được tất bật từ sáng sớm đến nửa khuya. Anh út Trạc già sọm đi chỉ sau một đêm. Không muốn nhìn thấy cảnh nghề rèn dần chết ngạt, tôi gom mớ dao, mác, chét, liềm, búa nhà làm được, bắt xe khách, tàu đò xuôi ngược khắp miền…

“Chẳng ngờ chuyến đi đó lại dài đến tận bây giờ…”.
Người đàn bà cúi mặt như cố giấu nỗi niềm bên trong đôi mắt sầu thương. Đêm dường như đã xuống nhanh hơn. Tôi làm gì đây nếu chị ngẩng đầu lên và nơi hai hốc mắt là những giọt nước đọng lại. Ngỏ lời tôi đặt mấy chiếc dao rèn. “Chú em cần gấp không?”. “Thưa không. Chị cứ thong thả làm. Ra xuân em quay lại”. “Dao nặng chắc tay thì giá nhỉnh hơn một chút nhưng tặng các bà nội trợ hay xắt thịt, đẽo xương thì cứng và bền, tốt lắm. Chị đang chờ mấy nhíp ô tô đấy, làm dao chắc không gì bằng”. “Được hàng chuẩn thì tốt quá”. “Vậy nhé, không cần cọc trước gì đâu, đúng ngày đến lấy. Giá rẻ bèo”.
Tôi đứng lên vì đã đến lúc nên chào tạm biệt người đàn bà. Chị hẹn ra xuân sẽ trả hàng như ước hẹn. Tôi rảo bước đi nhanh, vẫy một chiếc taxi nằm chờ thời dưới cội cây còng già vì ế ẩm, người tài xế vươn vai sau cơn buồn ngủ, cầm vô lăng sẵn sàng đi liền. Điểm đến là bến xe những ngày chờ tết. Chưa đến ngày nghỉ theo luật định nên hãy còn vắng vẻ, những hàng xe thưa thỏng vì phần nhiều đã tranh thủ đi bảo trì. Mua một li cà phê ở cổng bến xe, tôi bước đến hàng ki ốt để rồi tần ngần trước hàng bao nơi đến.
Rồi như có điều gì thúc giục, tôi tạt vào quầy vé X.
Nơi đến trên tấm vé vừa mua không phải đi tiếp xuống Cái Tàu Hạ mà là Chợ Dừa.
*
*          *
Ba giờ sáng…
Chiếc thuyền mui chằm như đứng yên giữa dòng. Sông nước lặng lờ trôi, khung cảnh sâu tối và quạnh vắng đến độ chỉ cần nín thở cũng đủ nghe tiếng nước chảy. Đêm tịch mịch. Gió thổi làn bấc đồng mang hơi lạnh sắt se miên man của buổi khuya chờ sáng. Một bóng đen trườn ra khỏi mui thuyền. Tiếng nhạc từ đâu vọng lại, khi thanh khi trầm rỉ rả. Đó là giai điệu bài tân cổ giờ ít người nghe, kể về người lính trận sau giải phóng trở về vừa kịp dâng lên người mẹ mù lòa một li rượu mừng xuân.
Hành lí chẳng có gì ngoài chiếc ba lô đựng lỉnh kỉnh vài ba món đồ nghề của gã phóng viên quèn sống rày đây mai đó. Len khỏi cửa xe nhẹ bẫng, gió lạnh ngay lập tức tràn qua gáy, ngấm vào thớ vải mỏng mảnh khiến tôi rùng mình. Tiếng lơ xe còn ngái ngủ lèo nhèo nói vọng ra hòa với tiếng rền của động cơ: “Gắng chờ đến quãng năm giờ có phà đưa qua bến bắc. Kẹt quá, năm thì mười họa mới có khách xuống, mấy cha xe ôm thiết tha đâu mà chờ. Thôi chào ông anh”.
Chiếc xe giường nằm từ từ lăn bánh rồi lao vút đi, tất cả ánh sáng lúc này thu bé lại vừa bằng chiếc thuyền con giữa dòng nước chảy lặng. Tôi xốc ba lô đi về phía bến sông. Chiếc phà dài im lìm như đã ở đó từ trăm năm để ngắm dòng sông Trầu mênh mông sóng vỗ bạc hai hàng lá nước. Đồ rằng chiếc thuyền mui là bóng đò đêm hộ khách bộ hành lỡ bước, tôi cất giọng gọi: “Đò ơi”. giữa trời đêm thâm u gió lộng, mà nếu phía trước là vách núi, hẳn âm thanh tương tự đã vọng về. Con thuyền nhỏ từ từ chuyển động, ngúc ngắc tiến về phía bờ. Bên trên là ông đò nhỏ nhắn, nhanh nhẹn cắm sào giữ thuyền không lúc lắc hay đánh vòng quay. “Cho cháu xin qua sông. Phà giờ này chưa tách bến”. “Chắc chú em ở xa tới, chứ đi đâu mà khuya khoắt như vầy?”. Tôi thiệt tình: “Xe đêm chỉ có chuyến này về Hồng Dân. Cháu qua bên kia sông, xuôi về Chợ Dừa”.
Thuyền rời bến khi tôi yên vị giữa khoang. Ông đò ngồi giữ lái, từng mái dầm nửa trái, nửa phải khoan nhặt khua nước. Bóng đèn cà na xài điện bình tỏa ánh sáng vàng vọt. Qua ánh đèn tôi ước chừng ông đò quãng tám mươi tuổi hơn, mắt sáng quắc, tóc bạc búi cao, quấn khăn rằn, mặc bộ bà ba màu bùn đã cũ. “Đây qua Chợ Dừa không xa lắm, nhưng giờ này không có xuồng ghe xe cộ gì. Để già đưa chú em tận đầu doi, từ đó chỉ cần đi bộ thêm năm trăm thước là tới”. Tôi gật đầu. “Cháu sẽ gửi thêm tiền cho ông”. Ông đò khoát tay. “Giúp kẻ lỡ đường coi như làm phước. Mà tuổi trẻ bây giờ thiệt ngộ, du lịch đâu không đi lại xuống cái xứ khỉ ho cò gáy này?”. Tôi nhoẻn cười kể lại chuyện người đàn bà với xưởng rèn nằm ven đại lộ Linh…
Mái dầm vẫn khua nước, gần xa đã nghe lao xao lảnh lót tiếng gà. Càng về sáng hơi lạnh càng bấu chặt vào da. Tôi từ Bắc chí Nam đều đã xuôi ngược bôn ba, chưa lúc nào bị những cơn ớn lạnh cào xé đến vậy.
“Con dâu tôi đấy chú em ạ. Tội nghiệp, nó thương chồng nhưng cạn nghĩ. Mà ngoài rộng lớn kia luôn là cám dỗ, mấy ai đủ kiên định, nhất là đàn bà”. Chẳng ngờ ông đò đây lại là người chủ bễ rèn vang tiếng một thời trong câu chuyện của người đàn bà. Quả khéo léo cho một điều ngẫu nhiên, người cần sẽ gặp. “Chú đây là chú tám Lìn?”. “Chính tôi. Chứ chú em cần gì để phải đường xa lặn lội tới xứ này?”. “Cháu tò mò muốn biết vì sao sản phẩm rèn Chợ Dừa vẫn sống hơn trăm năm qua?”. Ông đò vẫn điềm nhiên và khi ánh mắt sáng quắc tìm đến mắt tôi, một luồng điện mạnh mẽ chạy dọc khắp người. Chưa bao giờ tôi bắt gặp một ánh mắt nào đáng tin đến vậy, tâm huyết đến lạ kì.
“Bởi chúng tôi đã làm ra những đơn hàng để đời, được viết cả vào sách sử, chú em à! Và đơn hàng đặc biệt nhất phải kể đến là theo yêu cầu của hương chủ Kim, một phú nông tự thân người Khmer lai miệt Sóc Trăng, mà cha tôi và người Chợ Dừa đã dốc sức nổi lửa rèn đập suốt nửa tháng ròng…
… Đêm ấy, khi đèn chùa Diềm vẫn còn sáng rực, nam nữ thanh niên vẫn đang say sưa nô nức hẹn hò nhau, vui chơi ca hát điệu rô-băm, điệu xác-cô-va đối đáp, điệu bo-suông giao duyên, ném chơ-hung1 và múa lâm thôn tại sân chùa; một đám khác còn tự dựng sân khấu dã chiến hát dù-kê, vở Riêm kê, kể chuyện tình sóng gió của hoàng tử Prệt Riêm và nàng Xây Đa thủy chung xinh đẹp thì chiếc sà lúp ở đâu trờ tới tắt máy rồi tấp hẳn vào kè sông trước mặt bễ rèn. Bốn người thanh niên lực lưỡng khuân hai khối vật nặng được quấn bè trong những tấm chiếu cũ bỏ phịch xuống hiên. Một người đàn ông da nhợt nhưng có đôi mắt rất sáng bệ vệ bước lên thềm, cất giọng sảng khoái.
“Mình nhờ Thiết tí nhé!”.
Cha tôi đang ăn cơm ở nhà sau, nghe giọng khách chừng quen, bỏ giò đi chân đất ra nhà trước. Đốm lọ nghẹ vẫn còn nguyên trên trán người thợ rèn. Tôi vờ ăn no, cũng bỏ đũa chạy ra, núp ló sau tấm màn vải nâu nhìn ngó. Người đàn ông bệ vệ trông thấy thằng bé tám tuổi khúm na khúm núm, ngoắc tôi lại gần ông. Ông cầm tay tôi, đặt vào đó chùm bánh nùm-tiên2 và nùm-chrụt3.
“Cu cậu đi chơi nhé, để mình nói chuyện với cha nào!”.
Tôi chạy biến đi nhưng vẫn nấp gần đó để theo dõi đám người. Tôi có biết người đàn ông kia, người có uy quyền và điền sản vào hàng tột bậc của đất Nam Lợi. Cha tôi kéo ghế mời người đàn ông còn bốn người thanh niên đã được lệnh rời đi, khuất vào đêm tối. Má tôi pha một ấm trà ra mời khách rồi cũng nhanh chóng lui vào sau rèm. Hương chủ Kim tháo rút dây lạt, từ trong phên chiếu, những phôi sắt đủ kích cỡ la liệt hiện ra. Khoảng phôi này đủ đề rèn hàng trăm chiếc phảng.
“Thiết và mấy chú gắng nửa tuần trăng rèn gấp cho mình số phôi thép cho ra thành phẩm. Thiết cứ xem, kịp hay không kịp báo cho mình mừng”.
Mỗi ngày, bếp rèn của cha tôi có thể cho ra lò mười chiếc phảng, nghĩa là làm ngày làm đêm sẽ kịp đáp ứng đơn đặt hàng. Cái hay của hương chủ Kim là trong thời gian ngắn đã sưu tầm ra được số phôi. Chứ khan hiếm nguồn nguyên liệu như thời này, nếu không có sẵn phôi dù vụn để tôi thành khối thì dù người thợ có tài cách mấy, nhân lực có đủ đầy cũng bằng vô nghĩa. Cha tôi sau khi nhẩm tính trước sau thì gật đầu bảo kịp. “Nhưng đe đập ngày đêm dễ bề bị dòm ngó. Phải có hầm”. Hương chủ Kim cười tít mắt: “Ngay đêm nay. Cứ để mình lo mọi việc”. Sau khi uống một chung trà thấm giọng, hương chủ Kim tháo kim tây mở túi, lấy ra một xấp giấy bạc. “Lần này nếu mình bỏ mạng, người ta sẽ cười mình lắm, cười cái máu sắc tộc, cười sự xung đột của dân đen với nhà việc chứ không nghĩ đó là bất mãn chính trị, áp bức của chánh quyền. Tụi chó nó lộng giả thành chân, hèn hạ cái trò tằm ăn lá dâu, lợi dụng cái yếu của dân mình đa phần thất học, ít cái chữ nghĩa, không hợp thức hoá được đất đai mà rút rỉa thành quả mình và bà con đổ mồ hôi, máu và nước mắt để khai khẩn. Mình không nhịn được nữa, Thiết ạ. Mình đã thưa kiện suốt mấy năm ròng rã lại chẳng ăn thua gì. Nói Thiết mừng, mình đã chuẩn bị đâu đó xong xuôi. Phía sau chùa Diềm thóc lúa đã đầy ắp. Bên Liềm Đá, thầy Sắc cũng đang tập vợt mấy thế võ cho anh em đêm ngày. Phía thầy Cang cũng đã sắm phép để thân thể vô hại trước súng đạn. Giờ chỉ chờ vũ khí là mình đánh thẳng nhắm thẳng vào chúng nó. Trăm sự lúc này nhờ Thiết. Còn tiền này là công Thiết, có dư ra là mình muốn nhờ Thiết, nếu mình có mệnh hệ nào, Thiết hãy nhớ tìm cho được nguồn phôi, rèn cho được những công cụ tốt. Dân mình chuộng yên ổn, nhưng thằng Tây nó không chịu cho mình thỏa lòng…”.
Hương chủ Kim nói đến đó thì từ giã. Cha tôi ngồi trầm ngâm lâu lắm khi chiếc sà lúp đã đi xa. Giữa đêm ông ra án hương, thắp nhang tổ nghề. Liền sau đó, ông đốt lò, lửa âm ỉ ngún. Ông lay các anh tôi dậy, đốt con cúi soi đường ra hầm mà hương chủ Kim đã bày. “Thằng hai thổi bễ, thằng ba thằng tư quai búa để cha cặp sắt tôi canh phôi thép, xong cả thì cùng mài giũa, làm chuôi, tra cán hậu kì”. Ngày làm nông cụ, đêm rèn vũ khí lắc cụp mà cũng đến hẹn nửa tuần trăng. Mắt cha và các anh tôi chao dao vì ai cũng mất ngủ.
Đúng ngày, đúng giờ chiếc sà lúp của hương chủ Kim chực hờ ngay bến. Vẫn những phên chiếu rách hồi đưa phôi sắt đến, cha tôi gói hàng lại điệu các anh khênh xuống tàu. Hương chủ Kim bước tới vỗ vai cha: “Mình mang ơn Thiết lắm. Nhớ những gì mình dặn. Dân ta còn cần lắm bễ rèn”.
Chuyện sau đó chắc là ai cũng biết rồi. Ngày hương chủ Kim và đồng sự bị tai say và lính mã tà bắn chết, chôn chung một mộ, cha tôi nằm bệnh mấy ngày liền. Chánh quyền viết tin trên báo ra rả truyền đi khắp nơi mà chẳng có tin nào cha tôi đọc lọt. “Toàn một lũ né tránh sự thật”. Sau đó ít lâu có một người đưa thư đến giao cho cha tôi một tờ nhật báo Pháp Việt Nhật. Hình hương chủ Kim trên trang nhất kèm theo lời phê thay lời kết của một tay nhà báo thẳng thắn, chính trực, có nghề: “Uổng thay mấy mạng sinh linh, thương vì giống, thống vì nòi, mắc phải mũi súng vô tình mà xác phải chôn nơi chiến địa. Có lẽ trước kia đã biết cái chết thảm thiết như vậy, nhưng mà máu anh hùng nó phấn khởi, chí anh hùng muốn vùng vẫy với núi sông, thà chết như vậy cho xong một kiếp nô lệ ở trần, vậy cũng trọn cái phận làm người đối với nước…”. Khi người đưa thư đi khỏi thì cha tôi cũng không bao giờ còn tỉnh lại nữa. Một viên đạn bắn rất khéo xuyên tim. Máu lênh láng tràn ra ướt nhèm chiếc phảng đang rèn dở…
*
*          *
Một cảm giác nhơm nhớp dưới gáy khiến tôi giật mình bừng dậy. Thở phào, không phải máu. Ngồi cho tỉnh hẳn, tìm ra lu nước mưa sau hè rửa mặt. Dòng nước mát lạnh đánh thức trí nhớ bị gián đoạn vì giấc ngủ. Hồi sáng sớm lơ ngơ nơi Chợ Dừa tôi đã gặp Tình. Người đàn ông mặt nám tay chai theo lời giới thiệu của ông tám Lìn dẫn tôi vào gian tiền đường. Một cái phảng rỉ đứng ảm đạm giữa bàn hương. Tình gằn giọng: “Bọn nó đã giết ông cố tôi. Đừng hỏi vì sao tôi lại thờ phượng một thanh sắt cùn rỉ. Không, nó không phải là phế vật. Nó là máu của cha ông tôi đấy”.
Chừng lúc lâu, giọng Tình chùng xuống buồn bã.
“Sau ngày má bỏ đi biệt xứ, cha tôi cứ nhớ thương, chờ mãi. Nghe ở đâu có người đàn bà cặp giỏ đệm bán đồ rèn là ông lại quày quả đi tìm. Mà biết tìm ở đâu, khi ngày này còn ở đây, nhưng đến khi cha tôi tới nơi thì bà đã không còn ở đó. Ròng rã năm dài tháng rộng mà chỉ nhận về vô vọng, có người bằng xương bằng thịt nào mà không đau lòng. Cha không còn như trước, cứ nghe tin má là lóng ngóng, mất hết sự tập trung. Mà đó lại chính là điều đại kị của nghề rèn, chỉ cần sơ sảy một chút thôi thì đến cả tính mạng cũng chẳng còn, và cha tôi phải trả giá bằng đôi mắt. Bây giờ tuổi cao lại nhiều năm chịu tiếng quai búa, thính lực cũng không còn. Nhưng ngày nào ông cũng phải ra ngồi ở bến sông, mắt hướng về phương đó để lờ mờ chờ đợi một bóng thuyền trôi ngược… Còn người Nhẫn gặp hồi đêm là nội tôi. Từ ngày ba tôi mù nội rong thuyền khắp chốn, chẳng mấy khi ghé nhà”.
Mấy ngày nán lại bễ rèn đã thăng trầm chìm nổi qua hàng thế kỉ, Tình đưa tôi thăm lại vùng đất Nam Lợi cũ không còn cỏ năn cỏ lác, không còn cỏ chác, cỏ cháy xác xơ. Thay vào đó là những cánh đồng tôm chạy dài thênh thang, những căn biệt thự mọc hàng nối hàng, không còn vết tích của một vùng đất khốn khó và khắc nghiệt.
“Bao giờ Nhẫn gặp lại má tôi lần nữa, nhắn giùm tới bà ấy chúng tôi vẫn luôn đợi bà về”.
Thay cho lời tạm biệt, Tình đích thân chạy tắc ráng đưa tôi ra bến phà. Khi tàu đã dần khuất xa thật xa, tôi vẫn còn thoáng thấy đứa bé mười tuổi con Tình tập tành quai búa. Bên cạnh cậu bé, một bễ than vừa ngún ngọn. Lửa từ đó bừng lên cháy bập bùng.
H.T.L.X
——–
1.Chiếc khăn màu sắc sặc sỡ kết tròn lại như trái bóng, nam nữ ném qua ném lại cho nhau.
2, 3. Gần giống bánh ít Nam Bộ.

Xem thêm đề xuất

Mày Không Đi Anh Vác Mày Đi

Truyện kể về câu chuyện tình yêu của một cặp thanh mai trúc mã, liệu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *