Blog Radio 428 – Nắng trong những ngày xuân đón những người đi xa trở về. Tay bắt tay, vai choàng vai. Tết đoàn viên vẫn là điều trên nhất. Xúm xít, quây quần và thấy mọi nhỏ nhen, bon chen nơi phố xá đường xa như hạt cát, chẳng hề gì! Hóa ra, hạnh phúc đơn sơ và bình dị như thế. Vậy mà một đời, người ta mải miết kiếm tìm tận đâu đâu. Chuyện quê, chuyện phố rôm rả khắp cái xóm vốn rất yên lành.
Nồng nàn mùi Tết
Trong kí ức của tôi, Tết luôn về sớm hơn bình thường, có lẽ là ngay sau rằm tháng Chạp khi các chợ bắt đầu trang trí trưng bầy những mặt hàng Tết. Không khí ngày càng tấp nập rộn ràng hơn trong cái ngày mọi người cùng nhau đưa ông Táo về trời.
Tết về! Có bao nhiêu thứ để lo, có bao nhiêu việc để làm. Mọi người ai cũng đều lo chuẩn bị quà tết cho những người thân của mình. Trong cái không khí chộn rộn ấy, bánh mứt kẹo, ô mai, trái cây nô nức xuống đường rộn rã đón xuân toả ra xung quanh những mùi vị vừa ngọt, vừa mặn, vừa thơm nồng thật đặc trưng cho hương vị của Tết.
Vẫn còn đó vẹn nguyên trong kí ức là những ngày hì hụi rang từng mẻ hạt hướng dương, hạt bí, hạt dẻ hay sên từng chảo mứt dừa, mứt gừng, mứt bí hay làm những bát dưa món, củ kiệu củ hành muối chua. Rồi sự hoà trộn của bao nhiêu là thứ mùi vị khác như mùi của đỗ, thịt, gạo nếp, lá dong khi luộc bánh như những kết tinh của đất trời đang đợi ấm áp ùa về để toả hương. Từng ngọn lửa dưới nồi bánh chưng xanh đang bập bùng như muốn ngún cạn những vất vả, gian khó, lo toan bề bộn để đưa cuộc sống mở ra một trang mới vẫn còn nguyên và in đậm trong kí ức những người đi xa.
Mùi của Tết giăng mắc khắp nơi trong những ngày tết đã cận kề. và chẳng có ai là có thể “định nghĩa” chuẩn xác được mùi của Tết.
Mùi của Tết do sự cảm nhận của mỗi người mà khác nhau, vì thế nên mới có muôn hình vạn trạng sắc thái mùi của Tết. Người này bảo rằng mùi của Tết chính là mùi của mai, đào, quất… Người khác lại cảm nhận rằng đó là mùi của bánh chưng xanh, dưa hành, giò nạc, thịt đông. Còn với tôi, mùi của Tết có lẽ là cái mùi khói cay nồng trong những chiều cuối đông lạnh cắt da cắt thịt ở nơi quê nhà thời không có hiệu ứng nhà kinh. Trong những ngày cuối năm ở cùng trung du quê tôi, mùi khói rơm rạ toả lan ra khắp nơi khi người dân quê tôi thu vén, dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng. Bọn trẻ chúng tôi ngày đó thường cảm thấy thích khi chui ngang qua cái quầng khói xám xịt bồng bềnh để hít hà cái mùi cay nồng đến chảy nước mắt.
Mùi của Tết không chỉ là mùi ngai ngái của mưa dầm gió bấc mà còn là mùi thơm của nắng loang chiều. Mùi của quần áo, chiếu chăn màn mới giặt sạch sẽ và được phơi đủ nắng. Mùi thơm dịu nhẹ của nước lá mùi khi tắm và gội đầu cứ thoang thoảng toả ra từ tóc mẹ, tóc chị. Chiều 30 Tết tắm gội sạch sẽ những nhớp nhơ, bụi bặm của cả một năm cũ sắp qua để đón một năm mới tinh khôi hơn. Tất cả chúng ta ai đấy đều sẵn sàng hít căng vào lồng ngực không khí trong lành và rộn ràng của mùa Xuân đang về nơi bậu cửa.
Mùi của Tết còn khác nhau qua mỗi vùng miền. Nơi đảo xa thì mùi của Tết là mùi gió quyện vào mùi biển mằn mặn, chốn đồng bằng thoang thoảng mùi ngai ngái của nước trũng đồng chiêm, vùng núi cao có mùi của những đợt rét đậm rét hại kéo dài đến đặc quánh và co cụm. Phải chăng để đón Xuân sang Tết lại đang gọi mùi về…
Mỗi năm thêm một tuổi, mùi tết dù có thay đổi theo sự cảm nhận khác nhau nhưng nó vẫn nồng nàn như thế. Tất cả những hương vị đó đã quyện vào nhau để rồi cùng phả ra cái mùi của Tết rất riêng mà chẳng khi nào quên được.
Nguyễn Thuý Hạnh
Xuân về trong nắng
Sài Gòn nắng và hình như, có lạnh.
Cô bạn ở quê nhắn tin bảo rằng quê lạnh lắm và thèm một chút nắng giữa mùa đông.
Nắng trong những ngày mùa đông rất dễ làm người ta thèm Tết. Những ngày đông ở quê thường ủ ê, rét mướt và chỉ muốn được cuộn mình trong chăn. Một ngày nắng lên. Mở cửa số thấy lấp lánh cả khoảng trời. Bầu trời như được ai đó nâng lên, cao vời vợi. Và hình như tối qua, chú họa sĩ ngủ gật, lỡ tay phun hết thùng màu xanh lên trời. Hèn gì mà sáng nay, trời xanh đến vậy. Mây đi đâu cũng chẳng buồn ghé thăm. Cái lạnh căm căm đành chậc lưỡi nhường một phần cho nắng. Người ta cũng nhẹ nhàng trút bớt một lớp áo lông. Mẹ giặt đống chiếu mền, phơi cả lên hàng rào nhà hàng xóm. Để sáng mai, bác hàng xóm lại sang phơi ké hàng chè tàu nhà mình. Ba cuốc cuốc, bổ luống mảnh đất cỏn con sau nhà gieo cải, gieo ngò ăn Tết. Gà chạy quanh bới móc. Chú chó nhỏ cong đuôi dí gà chạy quanh vườn. Đi học về lại dò dò quanh bếp hỏi mẹ Tết nay mẹ mua những loại bánh gì. Hỏi tới hỏi lui, mẹ mắng cho một trận. Chạy vù ra không quên nhắn với theo: “Khi nào đi chợ mẹ cho con đi với.”
Nắng trong những ngày đông, cái kiểng của xóm lại ngân lên “keng keng” và người ta lại vác cuốc ra đường dọn đường, cuốc cỏ, sửa lại cái mương. Những câu chuyện Tết nay đi đâu, làm gì, sắm sửa cái gì như dài ra mãi theo những con đường vòng vo khắp xóm. Con đường nhếch nhác cỏ dại chỉ cần một sáng mùa đông có nắng đã được dọn sạch sẽ chờ bước chân người. Đầu xóm còn được dựng lên cái cổng chào chúc mừng năm mới. Trẻ con chạy chui qua chui lại cái cổng chào và cười vang.
Nắng trong những ngày đông, các bà các mẹ lại lo đi mua củ kiệu, dưa hành về gọt gọt, phơi phơi. Phả trong nắng là cái vị hăng nồng. Món ăn không thể thiếu trong bất cứ gian bếp nhà nào mỗi khi tết đến đó là dưa món. Giữa những ngày tết, thịt thà, bánh trái đầy nhà, người ta dễ ngán cái vị béo của thịt, cái vị ngọt của bánh, thì miếng dưa hành muối chua chua, mặn mặn, cay cay kèm với vị hăng hăng của củ kiệu rất dễ lấy lòng người. Đó là chưa kể kẹp với bánh chưng ăn thì ngon hết biết!
Nắng trong những ngày đông rực rỡ hơn khi cây mai nhà ai trổ hoa vàng cả lối đi về. Ngẩn ngơ buồn vì cây mai nhà mình mãi chưa thấy ra hoa. Và một buổi trưa, ba gọi ra sân, chỉ lên nhành cao tít tắp, mai nhà mình ra hoa rồi kìa! Cánh hoa nở bung vàng tươi như nắng. Dù có là ngày cuối năm mà cây mai chưa ra hoa thì vẫn chưa thấy Tết. Mai trổ hoa dù sớm dù muộn, vẫn thấy Tết thật gần. Từ rất lâu rồi, hoa mai đã là một tín hiệu quá đỗi thân thuộc của mùa xuân. Tivi bắt đầu phát những quảng cáo Tết, xuân. Chim én, hoa đào, hoa mai tưng bừng trên gói bột giặt, trên chai nước rửa chén của mẹ. Nhạc xuân xập xình, rộn rã. Lòng người cũng muốn hát ca.
“Nắng xuân ấm thơm môi hồng
Gió xuân đến bên em ngồi
Cùng mùa xuân em hát câu tình ca”
Nắng trong những ngày đông, mẹ dọn cỏ trong vườn, gom lá khô vào một góc và đốt. Ngồi trong nhà chí chóe cãi nhau mùi này là mùi lá ổi, lá mít, lá chanh… Khói lam vấn vít quanh nhà. Ngai ngái, âm ấm mùi những ngày cuối đông giáp Tết. Mãi đến sau này, khi đi xa, mỗi lần thấy khói là mỗi lần thấy cay!
Nắng trong những ngày đông, con đường ngang nhà ồn ã lạ thường. Nắng đón những người đi xa trở về. Tay bắt tay, vai choàng vai. Tết đoàn viên vẫn là điều trên nhất. Xúm xít, quây quần và thấy mọi nhỏ nhen, bon chen nơi phố xá đường xa như hạt cát, chẳng hề gì! Hóa ra, hạnh phúc đơn sơ và bình dị như thế. Vậy mà một đời, người ta mải miết kiếm tìm tận đâu đâu. Chuyện quê, chuyện phố rôm rả khắp cái xóm vốn rất yên lành. Nhớ ngày nhỏ, khi cô nhà bên mang sang cho vài cái kẹo “quà Sài Gòn” lại chống cằm tự hỏi Sài Gòn là đâu thế mà ai đi về cũng có quà? Rồi thở dài không biết khi nào mình mới được đi xa. Đi xa đến Tết kéo vali về thật là oách. Đi xa về sẽ được mọi người xúm xít hỏi han. Đi xa về sẽ mang về những câu chuyện để kể. Nói chung ngày đó, mong đến ngày được đi xa.
Đến bây giờ đã sáu năm xa nhà, đi cũng đủ xa và cũng đủ để thấm thía rằng, mãi mãi, quê nhà vẫn là bình yên nhất. Nắng những ngày đông ở quê vẫn là những mùa nắng trong lành và ấm áp. Để một sáng kéo vali về quê, nghe tiếng bánh xe vali lạo xạo với mặt đất và những hàng cây, sóng lúa run nhẹ trong gió. Chân khựng lại khi biết mình đã đánh rơi một quãng đời không bao giờ trở lại.
Tháng 12 giáp Tết, phố xá Sài Gòn oằn mình chạy về phía cuối năm. Chỉ mong những ngày này qua thật nhanh để về tắm mình trong cái nắng tuổi thơ. Về cùng ba chăm chậu mai. Về đi chợ cùng mẹ mua bánh trái và cùng đón những đứa con khác xa quê trở về. Sài Gòn quanh năm ngập nắng mà vẫn thèm một cái nắng ngày đông quê nhà.
Thanh Thảo