Bài nổi bật

Bến Đợi – Thanh Lạc

Truyện đêm khuya – Mai mốt con không đi học nữa đâu, con nghỉ ở nhà với nội, nội đừng có kêu con đi học nữa…Bé Tuấn quăng cặp xuống bộ ván chạy ra nhà sau khóc sướt mướt. Bà Trầm thấy ấm ức trong lòng, tức không chịu nổi bỏ ra võng ngồi thở dốc. Nghe không biết chuyện gì, dì hai Chăm nhà bên vội vã chạy qua.
– Nè chị, có chuyện gì mà thằng nhỏ đòi nghỉ học?
Lấy tay áo chùi lên đôi mắt còn rưng lệ, bà Trầm thở dài giọng buồn bã:
– Mấy đứa bạn học cùng lớp không cho nó chơi chung, lại còn nói nó là con không cha. Dì nghĩ thử coi có tức không.
– Sao chị không nói với cha mẹ nó, hay họp phụ huynh mà có ý kiến, chứ như vậy thì tội nghiệp thằng nhỏ, nó mặc cảm mà nghỉ học thì khổ cả cuộc đời…
– Nói gì được dì ơi, tôi đã nói và ý kiến mấy lần rồi, nhưng vẫn vậy. Ba mẹ nó thì nói đâu có ai mà dạy con như thế, tụi nó là con nít muốn nói sao thì nói. Còn nhà trường thì hứa để từ từ dạy dỗ…Thôi đi dì ơi, hứa đủ thứ hết, vậy thì mình nói với ai nữa bây giờ. Con nít, đúng thiệt là con nít, nói toàn những chuyện không ai ngờ…
Bến Đợi – Thanh Lạc
– Thôi chị đừng buồn, để từ từ khuyên cháu, rồi nó sẽ hiểu mà. Lo lắng quá kẻo bệnh thì khổ. Chị ăn cơm chưa, hai bà cháu qua ăn với tui? Chiều nay đi chợ thấy cá lóc đồng mua về nấu canh chua ngon lắm, qua ăn với tui cho vui. Tui ăn một mình thấy nó buồn buồn, không ngon lành chút nào.
– Dì ăn đi, tui nấu cơm rồi, đang đợi con Thuý về ăn.
– Trời tối rồi, sao hôm nay con Thuý nó làm về trễ dữ vậy?
– Nó đi cấy dặm lại đám lúa nên về trễ. Mà chắc giờ này cũng gần về tới rồi.
– Vậy tui về bển à…
Dì hai Chăm bước ra về, bà Trầm buồn bã, uể oải đứng dậy đi ra sau vườn kêu bé Tuấn vô tắm, rồi nhóm bếp hâm nóng lại thức ăn. Dì hai Chăm và bà Trầm là hai người phụ nữ chịu cảnh góa bụa nhà ở cạnh gần nhau, hễ nghe nhà cạnh bên có việc gì là hai người chạy qua chạy lại coi có giúp được gì không. Tình nghĩa xóm làng là vậy, nó đã giúp cho bà Trầm thấy lòng ấm áp, nhưng cũng có khi bà con trong xóm lại làm cho lòng bà đau như cắt, nhất là cái ngày con trai của bà bỏ xứ ra đi. Mọi người nói vào nói ra: “Tại bà cưới con dâu không hạp tuổi, tại ở trên mảnh đất mà trong hồi chiến tranh có nhiều người chết nên làm cho gia đình bà không được yên ổn…”. Thôi thì đủ thứ cái tại mà miệng đời thêu dệt. Nghe riết bà chán chường, mệt mỏi, bà khuyên lòng đừng để tâm đến chuyện ấy nữa, mà hãy chai lì với cuộc sống xung quanh!
Cái sự quen chịu đựng nó đã làm bà quên thật. Bà quên như chẳng hề có chuyện buồn phiền. Ấy vậy mà đêm về bà lại khóc, bà khóc rấm ra rấm rứt như thằng Tuấn khóc đòi nghỉ học. Mấy ngày nay bà cứ tưởng đâu thằng nhỏ mê chơi đòi bỏ học, ai dè cũng lại là chuyện đó. Bà Trầm vừa suy nghĩ vừa chầm chậm đi tìm cái công tắc đèn. Bên ngoài trời nhá nhem tối, có tiếng ai đó í ới gọi nhau trên đường đi làm đồng về muộn. Trong căn nhà vắng vẻ quạnh hiu, bà Ba ngồi một mình bên mâm cơm còn hơn một nửa. Nhìn lên bức di ảnh của chồng, bà lầm thầm khấn vái: “Ông ơi hãy giúp tui thêm sức mạnh vượt qua những muộn phiền này. Ông hãy đưa đường chỉ lối cho thằng Vốn con mình nó nên người, hơn ba mươi tuổi rồi có ít ỏi gì đâu mà tối ngày nó chỉ biết bài bạc. Vợ chồng nó mới bán thêm một công đất nữa rồi, giờ chỉ còn lại hai công, không biết chừng nào nó bán nữa? Mấy đứa cháu mình mỗi ngày một lớn, đang tuổi ăn tuổi học, vậy thì mai mốt đây lấy gì mà lo cho tụi nó. Còn thằng Sĩ nữa, ông hãy giúp tui kêu nó trở về nhà. Đã hơn sáu năm rồi, nó có ham chơi tới đâu thì cũng không thể bỏ nhà đi lâu như vậy! Tôi có lỗi với ông đã không thể dạy cho hai con nó nên người…”. Bà Trầm rưng rứt khóc như thể đang trút cạn bầu tâm sự với người thân sau bao ngày xa cách.
Bến Đợi – Thanh Lạc
Bà Trầm có hai người con trai tên Vốn và Sĩ. Năm Vốn lên mười, Sĩ chưa đầy tám tuổi thì người chồng đột ngột ra đi bỏ lại một mình bà ngược xuôi chèo chống nuôi con thơ dại. Vậy mà hai con không biết thương bà, càng lớn Vốn càng tỏ ra khó dạy, Sĩ thì ngoan hơn nhưng bướng bỉnh cũng không vừa. Học chưa hết cấp ba thì cả hai anh em đều đòi nghỉ học, bà có khuyên mấy hai người cũng chẳng chịu nghe. Hồi nhỏ Vốn và Sĩ hiền lành ngoan ngoãn bao nhiêu, thì ngày nay lại khó dạy bấy nhiêu.
Những lúc như thế, không biết phải làm sao, bà Trầm tự an ủi mình: “Thôi chắc cái số của mình nó như vậy”. Và hai từ “cái số” mà bà Trầm nói nó cứ đeo đẳng theo hoài. Hết chuyện buồn này, đến chuyện đau lòng khác.
****
– Má ơi, xuống ăn cơm thêm với con. Sao hôm nay thằng Tuấn nó vô mùng sớm vậy má?
Thuý dưới nhà bếp nói với lên.
– Con ăn đi, má không ăn thêm đâu. Con ăn xong lên đây má nói chuyện cho nghe.
– Dạ. Mà…chuyện gì vậy má?
– Thì cái chuyện thằng Tuấn nó đòi nghỉ học, chuyện bạn học nói nó con không cha. Con coi mà khuyên nó ráng đi học, chớ không thì khổ cả đời thằng nhỏ.
Bà Trầm nói chưa dứt câu, Thúy để vội chén cơm xuống bàn, cô nghe cổ mình nghẹn lại. Chuyện Sĩ bỏ nhà ra đi, để hôm nay Tuấn chịu cảnh không có cha, Tuấn xấu hổ, mặc cảm với bạn bè cũng đều do cô mà có. Nhìn thấy con nằm một mình trong căn phòng vắng mà Thúy nghe đau đớn trong lòng. Tuấn nằm co ro im thin thít, Thúy hỏi mãi Tuấn cũng không trả lời. Thúy biết con chỉ giả vờ ngủ để tự tìm ra những thắc mắc ở trong lòng, những thắc mắc đó Thúy thấy quá lớn so với lứa tuổi thơ dại của con. Đã bao lần cô muốn giải thích cho con hiểu nhưng không biết phải nói sao và bắt đầu như thế nào? Thúy không muốn lòng con bị tổn hại vì chuyện của người lớn. Ngày trước phải chi Thúy ráng chịu đựng khuyên nhủ, không lạnh nhạt với chồng thì chắc đâu xảy ra chuyện nông nỗi như ngày hôm nay. Thúy thấy có lỗi với con, có lỗi với lòng vì không thực hiện tròn lời hứa làm người vợ, người mẹ tốt giống như đức hi sinh cao cả của mẹ chồng. Ngày Thúy chấp nhận về sống chung với Sĩ cũng vì biết được bà Trầm có đức tính nhân hậu hơn người, một người mẹ mà từ lâu cô ngưỡng mộ. Chuyện xảy ra đã hơn sáu năm mà Thúy cứ ngỡ như mới ngày hôm qua.
****
Ngày ấy Thuý quen Sĩ trong dịp đến chơi nhà người chị ruột. Chị Thúy có tiệm bán hàng tạp hóa, nước uống cho học sinh cách nhà Sĩ khoảng chừng một cây số. Do tiệm nằm ngoài con lộ lớn nên việc mua bán khá thuận tiện. Ngày bán thức ăn nước uống cho học sinh, tối đến bán càphê cho mấy thanh niên trong xóm. Những lúc mùa màng rảnh rỗi Thúy thường đến nhà chị phụ tiếp một tuần mười bữa. Do đã nghỉ học nên Sĩ đêm nào cũng đến chơi, có hôm ra quán ngồi uống cà phê, có bữa thì cùng bạn bè nhậu nhẹt. Trong số bạn bè chơi chung Sĩ là người nổi trội hơn ai hết. Ăn mặt bảnh bao, nói năng lưu loát, ra vẻ trầm tĩnh như một người anh. Là một cô gái mới lớn Thúy nhanh chóng xao lòng trước vẻ lịch lãm của Sĩ. Sau vài lần dẫn Thúy về nhà chơi, Sĩ thúc giục mẹ nhờ người mai mối để cho anh cưới Thúy. Thấy Thúy tính tình điềm đạm, nết na, bà Trầm vui thầm trong bụng. Còn Thúy sau vài lần tiếp xúc cũng hết lòng quý mến mẹ chồng tương lai.
Thế nhưng cuộc sống vốn nhiều nỗi trái ngang đã không cho Thúy có được những điều như mong ước. Ngày về nhà chồng là ngày cuộc đời Thúy rẽ sang con đường khác mà lòng cô không ngờ tới bao giờ. Rước dâu về làm lễ xong, Sĩ lao vào nhậu nhẹt. Cuộc vui từ sáng đến tận chiều hôm. Ngoài những người bạn đi chơi chung còn có cả mấy đứa con gái choai choai ở ngoài chợ huyện. Với Sĩ dường như đám cưới là dịp để họp mặt bạn bè nhậu nhẹt. Anh chẳng lo gì cứ để mặc cho mẹ và người vợ trẻ tất bật lo toan mọi việc. Đêm tân hôn Thúy buồn ra nước mắt. Nghe tiếng lá rơi xào xạc, tiếng côn trùng rên rỉ trong đêm Thúy nhớ quê nhà da diết, Thúy thấy tiếc vì đã nhanh chóng bỏ qua tuổi đôi mươi về sống chung với Sĩ để giờ nhận lấy nỗi thất vọng khôn cùng.
Bến Đợi – Thanh Lạc
Những ngày về sống chung Thúy thấy Sĩ thay đổi gần như hoàn toàn. Không biết tính chuyên quyền, độc đoán, bảo thủ ở anh có tự khi nào mà giờ đây Thúy thấy nó ngày càng lộ rõ. Sĩ luôn thích tự do, cái tự do không hề có khuôn khổ hay giới hạn. Anh muốn làm gì thì làm không ai được quyền có ý kiến hoặc can ngăn. Dù làm việc sai nhưng Sĩ không bao giờ thừa nhận, mà ngược lại anh luôn đổ thừa cho lý do này lý do nọ. Ngay cả cái việc hàng ngày anh tụ tập bạn bè đi chơi bời nhậu nhẹt như lúc còn trai trẻ thì anh cũng cho đó là mối quan hệ không thể chối từ, anh không thể bỏ hết những thói quen trước đây, vì làm thế bạn bè sẽ nói là sợ vợ. Chính vì rượu chè bê bết nên Sĩ ngày càng nói năng thô lỗ. Thúy luôn phập phồng lo sợ mỗi khi anh có tiệc tùng khách khứa. Thúy sợ ánh mắt của đám bạn anh, sợ những lời trêu đùa quá mức. Rồi khi đêm về cô lại tiếp tục sợ cái giọng nói lè nhè trong cơn say của chồng, sợ cái mùi hôi nồng của men rượu và thuốc lá, sợ lúc gần gũi với anh, anh tục tằn thô lỗ, anh vồ vập như đã từng dồn nén cơn thèm khát tự bao giờ. Mỗi khi say, Sĩ như không còn biết gì nữa cả, anh luôn hành động theo bản năng, cảm tính của mình. Đêm tân hôn, cái đêm mà Thúy trông đợi nhưng đã trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời. Đêm ấy Thúy hốt hoảng như con mồi bé nhỏ sắp rơi vào tay của vị chúa sơn lâm. Thúy muốn vùng vẫy chạy đi nhưng sức mạnh của Sĩ và nỗi lo sợ xấu hổ với người thân đã giữ chặt cô ở lại. Thúy yếu đuối, chấp nhận sự giày vò của chồng trong nỗi đớn đau, thất vọng ê chề. Thúy nghe trong lòng rát buốt, lo sợ mỗi khi gần gũi chồng, thay vì là niềm hân hoan chờ đợi. Thúy cố gắng trông chờ nhưng cô không bao giờ tìm lại được những cử chỉ trìu mến yêu thương như ngày mới quen nhau. Dù chẳng dám nói ra nhưng trong lòng Thúy muốn lắm cái vuốt ve, vỗ về, âu yếm. Thúy mong mỏi được nghe những lời lẽ yêu thương, nồng cháy như buổi ban đầu…Cuộc sống của Thúy cứ vậy mà tiếp diễn, và càng ngày cô càng trở nên lạnh lùng, chấp nhận, mặc cho số phận đẩy đưa.
Tình cảm, sinh hoạt vợ chồng càng xấu hơn kể từ khi Thúy mang thai. Có những đêm Thúy phải ngủ riêng vì không chịu nổi sự giày vò, mắng nhiếc, hoặc cứ lặng im chịu đựng mà thầm cầu mong cho thời gian nhanh chóng trôi qua. Còn bi kịch nào hơn khi cuộc sống của người phụ nữ thiếu vắng tình yêu, thì chuyện quan hệ vợ chồng chỉ đơn thuần là quan hệ xác thịt, để rồi đọng lại sau đó là nỗi đớn đau? Là phụ nữ bà Trầm biết được điều đó, đã nhiều lần bà khuyên con nhưng Sĩ chẳng thèm nghe.
– Chuyện vợ chồng tui để tui tính, bà nói riết tui bỏ nhà đi à.
– Sống chung trong nhà thấy vậy làm sao tao chịu nổi. Thà tao chết đi lúc đó mới hết lo.
– Anh à, mình sắp có con rồi anh phải sửa đổi tính tình, anh nhậu nhẹt như vậy hoài làm sao em chịu nổi!
– Tui là như vậy đó, không chịu nổi thì thôi.
– Ờ, thôi thì thôi, tui cũng chịu hết nổi rồi…
Thúy thốt lên câu ấy làm Sĩ đùng đùng nổi giận hất tung cả bàn ăn, lấy áo vắt lên vai bước ra đường.
– Má tưởng đâu có vợ rồi nó sửa đổi tính tình. Nhưng đâu ngờ…Bà Trầm bỏ lửng câu nói, thẫn thờ ngồi xuống bộ ván ngựa nhìn căn nhà quạnh quẽ.
****
Thúy sinh con tròn tháng thì Sĩ bỏ nhà đi thật. Chuyện ra đi nó đơn giản như anh từng đi chợ. Sĩ không thèm nói với vợ, mà chỉ nói với bà Trầm là cùng bạn đi chơi vài bữa, sẵn tiện tìm việc làm kiếm tiền lo cho bé Tuấn, dạo này mùa nước nổi ở quê không có việc gì làm. Nghe vậy bà Trầm cũng yên tâm trong bụng. Bà thấy con mình đã biết lo lắng tính toán chuyện làm ăn. Ấy vậy mà mọi chuyện không như bà Trầm đã nghĩ. Tuấn đi không trở về, và cũng không cho biết làm gì, ở đâu. Bà Trầm chỉ nghe gia đình đứa bạn mà Sĩ đi chung nói hai đứa đã dắt nhau lên tận Đắc lắc, và bị bùa mê của đám con gái xứ đó bắt ở lại rồi, họ không muốn tìm và cũng chẳng thèm quan tâm tới đứa con trời đánh ấy. Bà Trầm không tin đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra lại bỏ mẹ, bỏ nhà cửa vợ con đi như vậy. Bà nghĩ chắc là Sĩ ham chơi nên đi chừng mười bữa nửa tháng là về. Vậy mà Sĩ không về như mẹ anh chờ đợi, để bà Trầm đau buồn sinh ra bệnh hoạn triền miên.
Đã mấy lần bà định đi tìm con, nhưng tuổi già sức yếu và mọi người ngăn cản nên bà không đi được. Còn Thúy cứ bận lo cho con nhỏ, chăm sóc bệnh tật cho mẹ chồng, cuộc sống túng thiếu trăm bề cũng không thể đi tìm Sĩ. Là người duy nhất bà Trầm và Thúy nhờ đi tìm Sĩ nhưng Vốn chẳng thèm quan tâm, anh hờ hững như người xa lạ, mỗi lần nhắc đến anh đều bảo trời đất mênh mông biết đâu mà tìm.
Mỗi năm trời đất vào xuân nhìn nhà bà con hàng xóm đoàn tụ mà bà Trầm lòng đau như cắt, bà tự hỏi không biết con mình giờ ở nơi đâu, cuộc sống như thế nào! Thấy bà đau buồn như thế, chẳng những không giúp được gì mà Vốn còn làm cho bà Trầm nghĩ quẩn hơn khi nói Sĩ đã có vợ con nơi xứ người, Vốn nói là sẽ bán hết đất đi nơi khác sống, và anh cũng kêu bà Trầm nên bỏ xứ đi vì nơi này làm ăn không được, vì đất đã lở đến nơi rồi, nếu không sớm bán đất thì vài năm nữa ai mà mua. Những từ “Đất lở, bán đất, xây nhà trên cụm tuyến dân cư”, bà đã nghe nhiều lần báo đài nói, bà con trong làng nói. Tuy có buồn lo, nhưng trong lòng bà chưa bao giờ có ý định rời bỏ đất đai mà ông bà tổ tiên bao đời gầy dựng.
Ngày trước nơi này là một vùng đất trù phú với vườn ruộng nhìn hút tầm mắt, thắm đẫm một màu xanh, nép mình bên dòng sông Hậu êm đềm xuôi chảy. Trong chiến tranh, nơi đây chỉ lưa thưa hơn chục ngôi nhà nhỏ được người dân dựng tạm để ở làm ruộng rẫy. Do bọn giặc thường xuyên bắn phá, tìm kiếm bắt bớ những người đi theo cách mạng nên mọi người phải lùi sâu vào ở tận xóm trong. Chỉ riêng gia đình bà Trầm và dì hai Chăm là ở lại đến ngày tan giặc, im tiếng súng. Lúc Vốn và Sĩ lên chín lên mười, mỗi khi hai anh em chạy ra bờ sông thả diều, đá banh, tắm sông, nghịch đất, bà phải lội bộ mỏi cả chân mới tìm gặp. Sông Hậu lúc ấy hiền hòa như cô gái quê, như một tấm lụa mềm thướt tha trong nắng gió. Người dân từ phía bờ sông bên kia qua đây làm ruộng có thể ôm bè chuối bơi về mà không hề lo sợ. Thế nhưng giờ đây cô gái quê đã lớn, đã thay đổi không còn giữ được cái vẻ thùy mị như xưa. Một mặt do sự tác động của thiên nhiên, mặt khác do con người khai thác không thương tiếc đã khiến dòng sông trở nên giận dữ. Ngày cũng như đêm đều nghe tiếng máy nổ ầm ầm nạo vét lòng sông lấy cát đưa vào những chiếc ghe hàng trăm tấn. Chiếc này đi, chiếc khác chạy đến, cứ thế mà thi nhau nạo vét. Đau lòng, sông quặn mình cuồn cuồn chảy, có thể tạo thành những con sóng dữ bất cứ lúc nào. Đến mùa nước nổi, nước sông lên rất nhanh, dưới tác động của dòng chảy và những con sóng, đất bị xé toạc, vỡ ra từng mảng, cuốn ra xa rồi chìm mất dưới đáy sông sâu. Cứ như thế, đất lở từ từ không chừa gì cả. Có những đêm nghe sóng vỗ ầm ầm, sáng ra thấy mất một liếp dưa, hoặc một đám lúa to bằng chiếc đệm. Năm này qua năm khác, đất đai tổ tiên ông bà, công sức lao động lần hồi bị cuốn theo dòng nước. Có nhiều gia đình vì không còn đất đành bỏ quê hương đi làm thuê làm mướn, con cái không được học hành, cuộc sống bấp bênh nơi xứ lạ quê người.
Đêm đêm bà Trầm lắng nghe tiếng gió thổi, tiếng sóng vỗ mà không sao chợp mắt. Nhớ ngày xưa, cuộc sống chịu đựng nhiều gian khổ chết chóc, vậy mà vẫn bám trụ với quê hương. Còn hôm nay đất nước đã thanh bình, vậy mà phải rời xa quê hương đi nơi khác. Bà đau buồn khi nghĩ đến cái ngày phải đi xa, lòng dạ bà chẳng khác gì dòng sông ngoài kia đang oằn mình hứng chịu những nỗi đau giằn xé trong lòng.
Chuyện dời nhà đi nơi khác dẫu có muốn thì cũng phải từ từ, chứ không thể làm trong ngày một ngày hai. Mọi người đều có quyền suy nghĩ toan tính cho cuộc sống của riêng mình, nhưng với bà Trầm điều ấy sao khó quá! Bà muốn sống hết quãng đời còn lại trên mảnh đất của tổ tiên. Nhưng bà không hề quyết định được, bà sợ người ta nói bà chống đối, bà lo nếu như không sớm tìm nơi ở mới thì đến đời con cháu sẽ ra sao nếu chẳng may đất đai cứ lần hồi lở hết. Bà đã hình dung và thử tập làm quen với cuộc sống mới, ở đó là hình ảnh căn nhà vuông vuông như cái hộp, xe cộ thì chạy ì xèo, lối sống bon chen, không dễ gì tìm một giây phút thảnh thơi. Vậy mà không hiểu sao vợ chồng Vốn khen đáu để: “Sống như vậy mới vui, ở gần chợ muốn ăn uống thứ gì cũng có, chứ không phải như ở đây mỗi lần đi ra chợ mỏi cả chân…Má và dì hai nhà bên cứ quen theo cái nếp sống của người già mà lạc hậu. Má thấy dì hai sống thui thủi một mình khổ hết biết hông. Mà cũng tại dì ấy, tại dì ấy không chịu lên Sài Gòn sống với con cháu, cứ mãi ở lại đây để rồi xót xa mỗi khi nghe đất lở. Sống ở thời buổi này phải đi tìm cái mới, phải tiến dần từ quê ra chợ…”.
Nghe con nói vậy bà Trầm thêm đau lòng, bà thấy thương cho suy nghĩ của những người lớn tuổi. Ai không muốn có cuộc sống sung túc khi về nơi ở mới, nhưng chắc về nơi đó cuộc sống có tốt hơn không? Như hoàn cảnh của dì hai Chăm. Dì có hai người con trai, một người con gái, tất cả đều đi học và làm việc trên thành phố, không một ai chịu trở về quê sinh sống. Vì nhớ thương con cháu, đã mấy lần dì khăn gói lên trển ở nhưng đi vài bữa thì thấy dì lục đục trở về. Dì than thở: “Tui chịu không được cái cảnh ồn ào, muốn tìm một chút yên lặng để nghỉ ngơi cũng không được. Con cháu thì đi từ sáng sớm đến khuya mới về, tối ngày một mình quanh quẩn trong nhà muốn nói chuyện cũng chẳng biết nói với ai. Thà để tôi ở dưới này còn có bà con chòm xóm”. Mọi người thấy vậy đã trách dì có phước mà không chịu hưởng. Chứ đâu ai hay dì đau khổ biết dường nào, nỗi khổ đau khi có con cháu mà không thể ở chung!
Lúc dượng hai còn sống, những khi ông bệnh bà Trầm đều chạy qua phụ giúp dì hai nấu cơm. Dượng hai bị bệnh lao phổi người ốm yếu xanh xao, mọi người không dám lại gần, kể cả ba đứa con của dì dượng cũng không đưa cháu về thăm ông vì sợ bị lây bệnh. Những lúc ấy căn nhà trở nên vắng vẻ hơn, vậy mà dì hai không một lời than vãn, dì luôn dành những lo toan vất vả về mình. Mỗi khi bà con hàng xóm hỏi sao không đem dượng hai lên Sài Gòn chữa trị, sao không kêu tụi nhỏ nó về phụ chăm sóc…Dì hai đều trả lời cho qua chuyện. Rồi dì quay sang nói với bà Trầm: “Bác sĩ nói bệnh lao phổi dễ lây lắm, mình lớn tuổi rồi có bệnh hoạn gì cũng được, lên trển ở lỡ lây bệnh thì tội nghiệp cho tụi nhỏ, tương lai tụi nó còn dài…”.
Tuổi đã ngoài bảy mươi nhưng dì chưa một ngày ngơi nghỉ. Hết lo lắng cho chồng, rồi tiếp tục lo cho những đứa con sống xa quê. Tuy luôn tỏ ra cứng rắn, nhưng dì không dấu được cái yếu mềm của người phụ nữ và nỗi lo sợ của cuộc sống cô đơn. Cái hoàn cảnh và nỗi cô đơn của dì hai Chăm và bà Trầm đã tạo nên sự đồng cảm, sẻ chia. Với hai người phụ nữ này, sự cảm thông như là ngọn lửa sưởi ấm lòng, thắp sáng niềm tin giữa đêm đen lạnh giá.
****
Ngày tháng dần đi qua nhưng Sĩ vẫn bặt vô âm tính. Những lúc bé Tuấn hỏi ba đâu Thúy chỉ biết ôm con vào lòng thổn thức. Nhưng không thể im lặng mãi, bà Trầm nói hộ dùm con dâu cho qua chuyện: “Ba con đi làm xa mai mốt sẽ về”. “Nhưng sao đám bạn con nói ba con đi lấy vợ khác, ba sẽ không về, con sẽ không bao giờ có ba. Rồi mai mốt đến lượt mẹ cũng đi lấy chồng khác”. “Ba con rồi sẽ về, mẹ con sẽ không đi lấy chồng khác. Con đừng nghe đám bạn nó nói bậy”. Tuấn vùng vẫy chạy đi không chịu nghe lời nội giải thích. Bà Trầm ngồi lặng im trên bộ ván nhìn ra đầu ngõ vắng tênh. Đã mấy năm qua bà thường ngồi như thế để chờ con. Mỗi khi nghe tiếng xe gắn máy dừng ngoài đầu ngõ, nghe tiếng bước chân gấp gáp trên đường dù đang làm công việc gì bà cũng bỏ hết chạy ra coi. Bà đợi chờ hình bóng của con như đợi chờ mùa lúa chín, như chờ mong dòng nước sớm trở lại hiền hòa.
Sĩ bỏ nhà ra đi trong lòng Thúy không vui mà cũng chẳng đau buồn. Cô muốn nhỏ một giọt lệ nhớ thương chồng nhưng dường như nước mắt không còn để chảy. Cặp mắt Thúy khô ráo, dửng dưng trước mọi sự việc mà trước đây đã từng làm cô rung động. Thúy thầm mỉa mai khi nghe ai đó nói lời yêu đương, hứa hẹn thủy chung. Thúy sống lặng lẽ, lòng nặng nề mang một trái tim băng giá. Dù vậy nhưng Thúy thấy dễ chịu hơn, cô không còn lo sợ mỗi khi chiều về nhìn thấy chồng bước thấp bước cao thất thểu trở về nhà, sợ cảnh phải cắn răng chịu đựng những lời trách hờn vô cớ, sợ bị giày vò thể xác trong vui thú của anh…Ôi, có rất nhiều cái sợ khi phải đối diện với người say! Giờ đây Thúy chỉ bận tâm vào việc kiếm tiền để lo cho con và mẹ chồng già yếu. Để có thêm nguồn thu nhập, ngoài lo chuyện ruộng vườn, Thúy xin vào làm phụ bàn cho một quán ăn lớn trên chợ huyện.
Quán ăn Thúy vào phụ việc bán rất đông khách, từ những công nhân làm việc trong khu công nghiệp đến khách qua đường. Ông chủ là người ở tận trên thành phố, mọi việc buôn bán ông giao hẳn cho một người quản lý, đến cuối tuần ông mới xuống kiểm tra một lần. Do có thời gian phụ chị buôn bán cộng với tính cần cù tháo vát nên Thúy tiếp cận công việc rất nhanh, khách đến quán ai cũng có cảm tình, quí mến. Được giao lưu, được tiếp xúc nhiều người nên Thúy tươi tỉnh hẳn ra, cô thấy mình trẻ trung, yêu đời như lúc còn son trẻ. Cô tạm quên đi một quãng đời khổ đau tuyệt vọng, vui vẻ, bằng lòng với công việc hiện tại của mình.
Ông chủ quán tên Sơn là người rất vui tính. Tuổi mới ngoài bốn mươi nhưng Sơn có một cơ ngơi đồ sộ, nào là nhà lầu, xe hơi, hai nhà hàng trên thành phố, và một quán ăn ở dưới quê. Nhìn thấy người ta mà Thúy thầm ao ước. Rồi cô tự hỏi phải chi Sĩ cũng nói năng lịch sự, biết tính toán chuyện làm ăn, thì cuộc sống chắc là hạnh phúc lắm?
Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của Thúy nên Sơn đã chủ động giúp cô nhiều việc, từ chuyện tiếp đón, dọn thức ăn cho khách đến cách đi đứng, ăn mặc…cái nào cũng được Sơn hướng dẫn tận tình. Chính sự quan tâm lo lắng của Sơn đã gieo cho lòng Thúy một nỗi xốn xang, một cảm tình mới mẻ. Như vết thương đã lành, như mới vừa thức dậy sau cơn ngủ, Thúy trở lại đời thường với tất cả sự hăm hở, thèm khát yêu thương. Tôn kính mẹ chồng bao nhiêu Thúy thấy mình thấp hèn nhỏ bé bấy nhiêu. Ngày ngày đối diện với bà Trầm, nhìn bà thương yêu lo lắng cho hai mẹ con mà Thúy nghe trong lòng đau nhói. Nhưng sao lạ thay, Thúy không hề cưỡng lại được lòng mình, cô luôn ngóng trông, chờ đợi và thấy trong lòng bồi hồi xao xuyến mỗi khi đối diện với Sơn. Cảm giác ấy luôn xuất hiện trong cô như những ngày đầu yêu Sĩ. Dù không muốn chê bay chồng hay so sánh với người con trai khác, nhưng sao Thúy vẫn hay suy nghĩ vu vơ. Giữa Sĩ và Sơn dường như là hai con người của hai thế giới? Ở Sĩ sự thờ ơ lạnh nhạt bao nhiêu, thì với Sơn anh quan tâm chu đáo bấy nhiêu. Thúy muốn giữ trọn đạo nghĩa của người con gái đã có chồng, nhưng mỗi bận nghĩ về Sơn lòng cô như mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Với Thúy, Sơn như chỗ dựa tinh thần, như nơi bình yên mà Thúy có thể nương tựa khi mọi khó khăn đau khổ trong cuộc sống gần như sắp làm cô gục ngã.
Sự trân trọng giữ gìn trong tình cảm của Sơn, nỗi khát khao đợi chờ của Thúy, có dịp trỗi dậy trong lần Sơn tổ chức cho một số người trong quán đi tham quan thành phố biển Vũng Tàu. Được đi chơi và tắm biển cả ngày nên vừa về tới khách sạn Tuấn đòi đi ngủ sớm. Riêng Thúy thì cứ trằn trọc không sao ngủ được. Bao hình ảnh đẹp đẽ và quyến rũ của khu du lịch nổi tiếng luôn chập chờn ẩn hiện trong tâm trí. Thúy kéo cái mền đắp cho con rồi nhẹ tay mở chốt cửa bước ra ngoài. Biển đêm rì rào sóng vỗ, hòa quyện tiếng xào xạc phát ra từ những ngọn phi lao, tạo thành một âm thanh thật dễ chịu. Trời đã quá khuya vậy mà đôi vợ chồng Vân cạnh phòng bên vẫn chưa ngủ. Bé Hải, trạc tuổi Tuấn luôn miệng cười khúc khích, và kể không ngớt những trò chơi hồi sáng. Nhìn gia đình người ta quấn quýt mà Thúy nghe trong lòng buồn rười rượi. Thúy thấy mình và con cô đơn như chiếc thuyền câu lênh đênh giữa biển khơi khi màn đêm dần buông xuống. Cũng may là còn có Sơn, anh luôn theo sát hai mẹ con cô hướng dẫn mọi việc. Không có anh Thúy sẽ chẳng biết trông cậy vào ai vì mọi chuyện vui chơi ở nơi này đối với cô hoàn toàn mới mẻ.
– Em ngủ không được à?
Nghe tiếng hỏi, Thúy giật mình quay lại thì thấy Sơn đã đứng gần bên. Sơn đặt một tay lên vai Thúy, tay kia chỉ về phía biển, giọng nhè nhẹ:
– Biển đêm đẹp quá phải không em, anh thấy thật dễ chịu mỗi khi đứng nhìn biển trời lộng gió.
– Biển mênh mông quá.
– Biển có mênh mông nhưng không hề cô đơn vì ngày ngày đều có thuyền bầu bạn. Cũng như em sẽ không cô đơn vì còn có anh….
Thúy chưa nói thêm được lời nào thì Sơn đã đặt lên môi cô một nụ hôn say đắm. Tim Thúy đập liên hồi. Như có một ma lực vô hình làm cho chân tay Thúy yếu ớt, toàn thân cô rũ rượi dần dần xoay chuyển theo từng cử chỉ vuốt ve âu ếm của Sơn. Cánh tay Sơn rắn chắc, thân thể anh vạm vỡ như người con của biển. Nhưng khi chạm vào cơ thể, Thúy thấy nó mềm mại lạ thường. Thúy thở hổn hển, hai tay ù đi vậy mà cô nghe rõ mồn một những lời Sơn thủ thỉ:
– Mình yêu nhau em nhé, hãy cho anh có được những giây phút ngoài tình nghĩa vợ chồng. Em thật dễ thương, anh đã yêu em ngay từ buổi đầu gặp gỡ…
– Anh…anh…đừng…em không muốn…em không thể là của anh!…
– Em đừng lo, từ đây mình sẽ là của nhau, anh sẽ làm cho em hạnh phúc…
Thúy biết đó chỉ là những lời nói suông cho qua chuyện. Thúy không thể là của anh, vì Thúy đã có chồng con, vì anh đã có một gia đình hạnh phúc, xung quanh anh còn rất nhiều cô gái đẹp… Thúy nắm lấy tay Sơn đẩy ra, nhưng sức Thúy quá yếu, không thể cản ngăn bàn tay Sơn cứ vuốt ve lần tìm mọi ngỏ ngách trên cơ thể. Chắc có lẽ quá thèm khát được yêu thương nên Thúy cứ đờ người ra, mặc tình cho bàn tay Sơn lần tìm, ve vuốt. Thúy không biết mình là ai nữa, cô quên đi tất cả, đê mê tận hưởng những phút giây mới mẻ đầu đời.
Lần đầu tiên Thúy cảm nhận được phút giây làm người đàn bà thực thụ. Thúy được nghe nói tiếng yêu thương, được vỗ về ôm ấp. Khác với Sĩ, Sơn biết cách gợi chuyện dẫn dắt Thúy vào cơn đê mê tình ái. Anh vừa êm dịu, mà cũng vừa dữ dội như con sóng biển ngoài kia từng lúc từng hồi chồm lên xô đẩy bờ cát trắng. Bất chợt có một luồn gió mạnh thổi thốc vào như những làn roi quất mạnh vào thịt da làm Thúy nghe đau buốt. Thúy giật mình mở mắt nhìn lên trời cao thấy ánh trăng nhô ra trải sắc vàng óng ánh. Ánh trăng như trêu đùa, như bỡn cợt với một thân thể trắng ngần. Thúy luống cuống lấy vội cái áo che ngang bộ ngực trần. Bất ngờ và mạnh mẽ Thúy ngồi dậy chạy đi. Sơn ngớ người ra nhìn theo bóng Thúy.
Thúy khóa chốt cửa phòng quỵ xuống khóc nức nở. Thúy muốn nước mắt cô chảy thật nhiều để gội rữa vết nhơ, gội rữa tội lỗi mà cô vừa mới gây nên. Dưới ánh đèn vàng mờ ảo, Thúy thấy vạn vật xoay chuyển. Bên ngoài gió rít, biển thét gào dữ dội. Những rặng phi lao xanh rờn bỗng trở thành những đóm đen to tướng. Thúy thấy bóng Sĩ lờ mờ in trên vách núi. Anh nói, anh sẽ trở về, sẽ yêu thương hai mẹ con cô. Thúy vui mừng tột độ, tất tả ôm con chạy đi….
Sau chuyến đi tham quan trở về Thúy xin nghỉ việc, Thúy muốn chôn chặt chuyện tình cảm với Sơn, Thúy mong thời gian xóa nhòa ký ức và toàn tâm toàn ý chờ đợi chồng về. Thúy không biết là Sĩ có trở về hay không, nhưng Thúy hứa với lòng sẽ đợi, cho dù thời gian chờ đợi có bao lâu!
***
Thúy giật mình thức giấc bởi ánh đèn điện bật sáng choang và tiếng kêu hốt hoảng của mẹ chồng từ ngoài sân vọng vào:
– Con ngủ gì mê dữ vậy. Thức dậy lẹ lên Thúy ơi, dì hai bị té kìa!
– Dạ…
Thúy tức tốc chun ra khỏi mùng, mắt nhắm mắt mở chạy qua nhà dì hai Chăm. Lúc này nhà dì có bốn năm người đứng ngồi lố nhố. Dì hai đã tỉnh lại, giọng thều thào:
– Tui không sao đâu, bà con đừng lo. Vì đêm qua không ngủ được nên khi đi ra ngoài thấy chóng mặt, rồi té lúc nào không hay.
Chị tư Nga, nhà ở xóm trong chặc lưỡi:
– Sáng nay con đi chợ sớm, ngang đây thấy dì nằm ngoài sân mà hết hồn hết vía. Hồi nãy con điện lên thành phố cho mấy em rồi. Nó nói, anh em nó thu xếp về liền. Nãy giờ gần cả tiếng đồng hồ rồi. Chắc là hơn một tiếng nữa sẽ về tới.
– Cháu điện lại cho tụi nó dùm dì, nói dì khỏe rồi, để tụi nó lo tội nghiệp.
Nhìn dì hai Chăm, mọi người không cầm được nước mắt. Đối với dì bao giờ con cháu cũng quan trọng hơn cuộc sống của mình!
Thúy thấy hôm nay nhà dì hai đông vui hơn bao giờ hết. Con cháu dì về đông đủ, ai nấy cũng lo lắng, chăm sóc cho dì từng chút. Thúy quay qua nói nhỏ với mẹ chồng:
– Dì hai khỏe rồi, thôi mình về bển má ơi, để con đưa thằng Tuấn đi học. Từ ngày hôm nay con sẽ đưa đón thằng Tuấn đến trường cho nó bớt mặc cảm, chắc mai mốt nó không đòi nghỉ học nữa đâu. Đưa thằng Tuấn đi học xong, rồi con với má ra thăm đồng, lúa nhà mình mùa này tốt lắm. Ờ, hôm qua con quên nói chuyện mấy ông lãnh đạo huyện vừa có lệnh nghiêm cấm khai thác cát trên khúc sông ngoài kia. Má ơi, vậy là mai mốt đất nhà mình sẽ hết lở, bà con mình khỏi phải dời nhà đi nơi khác.
– Thiệt hả con, như vậy thì tốt còn gì bằng. Từ đây má khỏi phải lo lắng chuyện rời xa quê hương xứ sở, chuyện thằng Sĩ nó trở về tìm không gặp má…
Thời tiết của những ngày tháng mười bỗng trở nên mát dịu. Gió từ ngoài bờ sông rì rào nhẹ thổi, nắng trải sắc vàng yên ả long lanh. Thúy nắm tay mẹ chồng đi về phía đồng xa. Nét mặt bà Trầm giãn ra, tươi cười rạng rỡ.
Tháng 08/2010
Tác giả: Thanh Lạc – Thực hiện: Minh Nguyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *