Bài nổi bật

Bà Cô Bên Chồng – Vũ Thanh Lịch

Truyện đêm khuya – Di cốt chị dâu về đến Đồng Mo đã hơn hai giờ sáng. Đêm mùa đông hun hút gió. Sương lạnh càng lúc càng nhiều. Hàng chục đèn pha ô tô sáng rực góc nghĩa trang nhưng không đủ để bà Thung nhìn rõ cánh đồng làng.
Hồi chị dâu mất, bà về đến nơi thì chị đã mồ yên mả đẹp ở nghĩa trang thành phố, nơi chị sống những ngày cuối đời. Năm nay sang cát chị, bà Thung yếu lắm vẫn nằng nặc đòi về. Bà còn bắt tất cả cháu con sắp xếp việc về cùng. “Đứa nào không về sau này đừng gọi tôi là mẹ!” Bà sống bên trời Tây đã mấy chục năm nhưng rèn giũa cháu con đâu ra đấy, từ cái cách xưng hô ngôi thứ đến lễ nghĩa trước sau, nên một câu bà nói ra con cháu không dám trái lời.
Cửa xe mở, bà thả gậy để bước xuống. Hai đứa cháu nội đỡ hai bên nách, bà hẩy tay chúng ra bảo:
– Khỏi. Bà về đất mẹ rồi thì bà khỏe lắm. Ở đây có bố có mẹ của bà đỡ rồi thì bà ngã làm sao được.
Chân chạm đất, tay vịn gậy, bà cố nhướn lưng cho thẳng rồi căng ngực hít một hơi thật sâu. Dễ chịu quá! Mùi đồng làng, mùi tuổi thơ, mùi quê cha đất tổ là dưỡng khí hồi sinh sức khỏe cho bà.
Bọn trẻ đã rải xong ổ rơm rộng kín nền lầu tiếp vong của nghĩa trang. Còn gần hai tiếng nữa mới đến giờ hạ huyệt nên chúng kê gạch, đặt tiểu sành lên, ngồi quây quần xung quanh chị dâu bà lần cuối. Đèn pha ô tô tắt hết, còn lại chín cây nến lập lòe trên nắp tiểu sành. Hai đầu tiểu là hai đống lửa đỏ rực. Mùi lửa của rơm rạ, của gốc tre khô, của quả bồ kết, của cỏ rả đồng làng… Ấm quá! Bao nhiêu sương lạnh tan biến đi đâu. Bóng tối cũng xa tít sau lưng. Thằng Mè, con trưởng của chị dâu bà tóc đã bạc trắng mà vẫn cúi đầu lễ phép:
– Để con bảo các cháu đưa cô về nhà ngả lưng. Gần giờ hạ huyệt cháu nó lại rước cô ra.
Bà Thung bước đến cạnh tiểu sành, tay run run trượt theo cây gậy để ngồi xuống, bảo:
– Anh kệ tôi. Tôi chả đi đâu sất. Tôi ở đây với chị tôi. Ái chà, sư cha cái đầu gối, nó cứng như củi thế này. Chả bù cho ngày xưa cứ phăm phăm ấy.
– Bà cứ như ngày xưa thì bao giờ cháu mới được lớn?
Thằng cháu đích tôn tên Núi trêu bà.
– Sư bố anh!
Vừa mắng yêu thằng cháu, vừa vơ nắm rơm dồn sang bên phải làm gối, bà nằm nghiêng, quay mặt vào tiểu sành đựng cốt chị dâu:
– Chị thấy đấy, hôm nay chúng nó về đủ cả. Trai gái dâu rể cháu chắt… Bây giờ cả nhà lại ngồi ổ rơm đốt lửa sưởi đây, như cái hồi anh giai tôi đi đánh giặc biền biệt, nhà lúc nào cũng chỉ có hai chị em với mấy đứa trẻ con. Đứa nào nhanh thì bảy tháng nhìn mặt trời mới gặp bố, đứa lâu thì ba tuổi. Còn tôi thì… chồng với chả chành, cái số tôi nó vậy… Mà dạo ấy giá chồng con tôi đề huề thì tôi đã chả về ở với chị, con chị với con tôi đã chả ở chung mà gắn bó với nhau như ruột thịt vầy.
Bà nằm co, nói khẽ lắm. Thằng Núi thấy vậy thì cởi áo khoác đắp ngang bụng cho bà, nói:
– Đấy nhé, ở bên kia bà cứ nhắc suốt ổ rơm, ổ rơm. Hôm nay thì bà toại nguyện rồi nhé!
– Cha bố anh!
Thành chương
Minh họa: Thành Chương Bà Thung móm mém cười. Ngọn lửa bập bùng trước mặt khiến hai viền mắt bà ánh lên, vệt sáng tỏa đầy quanh đuôi mắt đầy vết chân chim. Đúng là lâu quá rồi bà không được nằm ổ rơm, không được nghe tiếng rơm tí tách tan trong lửa. Rồi cả mùi nồng nồng ngai ngái mà mỗi lần nghĩ đến, nó làm ruột gan bà xót thắt.
Lũ con cháu đứng ngồi lố nhố buôn chuyện. Kệ chúng nó với nhau. Bà nhích gần vào tiểu sành. Chị dâu bà nặng tai, phải ghé sát vào bà ấy mới nghe được. Bà nói chuyện bằng thứ tiếng đặc sệt nhà quê mà lâu quá rồi bà không được nói thỏa thuê.
Chị ơi, tôi về với chị đây. Con Chao, con Chát, thằng Mè, thằng Mắm, thằng Cam, con Duối, con Dấm… rồi cả con cháu chúng nó nữa, quây quần hết cả ở đây rồi. Như cái ngày chúng nó trứng gà trứng vịt một đàn rúc trong ổ rơm nhà mình. Vầng, chị bắt tôi gọi là “nhà mình” vì chị lúc nào cũng bảo “Cô muốn sống thì đừng có gọi đây là nhà chị. Nhà chị thì chị lo mà vun vén, cô ở nhờ thì cô vô lo vô nghĩ a? Cô gọi là nhà chị thì cô vô trách nhiệm với cái nhà này”. Chị nói những câu ấy hôm tôi tha con Chao con Chát về, khóc sểu khóc sớn: “Chị cho em ở nhờ nhà chị mấy hôm không mẹ con em chết mất”.
Bố mẹ chị chết từ khi chị mười lăm. Chị ăn nhờ ở đậu họ hàng. Bố mẹ tôi chết lúc tôi lên chín, anh giai tôi mới mười bảy. Chị thương anh em tôi nên góp gạo thổi cơm chung. Chị có cái chum sành ông bà để lại, mang về nhà mình hứng nước mưa. Anh em nhà tôi có căn nhà rách, vậy là thành gia đình.
Chị gả tôi cho nhà phú Tâm lúc tôi vừa mười ba tuổi. Chị bảo nhà ấy giàu, không sợ đói. Thế mà chỉ một năm sau chị đã phải sang đại náo nhà chồng tôi. Là tại hôm trước gặp tôi dọc đường, chị hỏi sao tay mày phải buộc chằng chịt vậy. Tôi bảo, tôi bị đứt tay. Nhưng cái con ở Hơm nó hớt với chị là tôi bị chó cắn. Hôm ấy ít cơm, con béc-giê ăn không đủ no, thấy tôi cầm khúc xương trên tay gặm, nó nhảy lên cướp, tớp luôn cả miếng thịt ở cườm tay tôi. Nhưng tôi có than phiền gì đâu. Ăn chung với chó cũng còn có cơm mà ăn. Cái lúc đói khát ấy còn ai nghĩ đến thân phận với liêm sỉ gì. Cứ có cái cho vào mồm khỏi đói là tốt rồi. Người ta cứ quan trọng rằng miếng ăn là miếng nhục, nhưng họ cứ thử nhịn đói vài ngày, vài tuần, vài tháng xem, lúc ấy thì cần gì vinh với nhục nữa, sống cái đã… Lúc chị sang, tôi đứng rúm ró ở xó hè mà run cầm cập. Tôi chỉ sợ nhà họ thả chó ra cắn chị. Nhưng chị thì không sợ. Chị đã lồng thếch lên mà chửi. Rằng em tao là con người chứ không phải con vật. Nhà tao có nghèo có đói cũng gả cưới đàng hoàng chứ không gán nợ gán hạn mà mày cho nó ăn ở chung với chó. Nó ăn với chó thì chúng mày là người được chắc… Chị chửi như người ta hát chèo ở sân đình rồi vung đòn càn phang vỡ tan bộ ấm chén Tàu trên sập. Xong, chị túm tay tôi lôi xềnh xệch. Về! Về nhà thà ở nhà ăn khoai lang uống nước lã còn hơn ở trong nhà giàu mà ăn chung với chó.
Ngày ấy chị mới đẻ thằng Mè, đẻ rơi trên bờ ruộng. Chị cởi áo quấn con rồi đặt nó vào gốc cây, xuống đồng giữa bới củ khoai ăn lót dạ rồi mới bế nó về. Sau chuyện đập phá đòi người, nhà phú Tâm không để chị yên, nhất là khi nó biết anh giai tôi đi làm cách mạng, nay nó hành cái này, mai nó vật cái kia. Không thể sống yên để nuôi con, chị bảo phải đi thôi. Chị biết có chỗ không thiếu ăn mà anh cô cũng dễ tìm.
Vậy là hai chị em bồng chống nhau đi khỏi làng. Chị dắt tôi lên quèn Thờ. Chỗ ấy ngày trước chị hay theo ông bà lên núi đốt than. Núi rừng hun hút, dưới thung đất vừa mịn vừa ấm, chỉ cần chăm chỉ làm là có cái ăn. Không trồng được lúa thì trồng khoai, trồng ngô. Trồng được cái gì ăn cái đấy. Giời sinh voi thì giời sinh cỏ, sợ gì. Dần dà, chân núi này vài lều, chân núi kia vài chóp cỏ tranh, hóa ra thiên hạ khắp nơi cũng khối người đói.
Chị em mình rời làng đi hôm ấy cũng đêm đông như vầy, rét cắt da cắt thịt. Qua chỗ này chị còn bảo, mồ mả ông bà tổ tiên nhà mình không còn đủ nhưng cũng có mặt ở đây. Chỗ kia là cha mẹ tôi, còn cha mẹ chị em ta ở góc này… Chị nhắc vì sợ tôi quên. Làm sao mà tôi quên được. Hôm mẹ mất, anh em tôi xin được có manh chiếu quấn cho mẹ, mang ra ngoài này. Lúc ấy chị chưa về nhà tôi. Chị đang cấy lúa cho nhà người ta nhưng đã bỏ đó sang giúp anh em tôi đào huyệt cơ mà…
Bà Thung vừa nói vừa nghẹn. Bà muốn khóc nấc lên như cái hôm đắp mộ cho mẹ nhưng nước mắt không trôi ra được. Bà hít thở sâu lấy hơi rồi chặc lưỡi. Ôi dào, cái thuở ấy, phận người với phận trâu ngựa nào có khác gì.
Đám con cháu ngủ đứng ngủ ngồi. Bà giở mình, nhưng giở mình thì lại quay lưng vào chị. Vậy thì bà nói chị không nghe được. Đành vậy, xương khớp khô khao quá nhưng bà vẫn cố xoay người nằm ngược lại, hướng mặt vào tiểu sành. Vợ thằng Mè đang cầm thanh tre khêu từng nắm rơm nhỏ để giữ lửa, thấy bà trở dậy bèn hỏi:
– Cô không ngủ được ạ? Kể ra thì cải mả cũng hơi vất vả cô nhỉ. Nhưng bù lại con cháu anh em còn được thêm một lần nhìn thấy cốt người thân.
Bà Thung nghe câu được câu chăng, lầm rầm bảo:
– Tôi giở mình cho khỏi mỏi thôi. Già cả, xương cốt rệu rã hết rồi.
– Cô còn khỏe chán, ngần ấy tuổi mà còn ra được đồng thế này là chúng con phục cô lắm rồi!
– Chắc tại chị tôi linh thiêng nên phù hộ, chứ tôi thì khỏe cái nỗi gì…
Hóa ra tai bà cũng chưa đến nỗi điếc, hoặc do đêm đông tĩnh lặng nên có tiếng động nào đều dễ nhận ra. Trong tâm trí bà lúc này, ngày cũng như đêm, sáng cũng như tối, chỉ một hình dung về những gì đã xảy ra trong suốt cuộc đời.
Ngày đó lên rừng, sẵn cây sẵn thú, đất đai mênh mông, phải tay hay lam hay làm như chị em ta thì cỏ không có chỗ mọc. Chẳng mấy nỗi mà đủ ăn. Anh giai lâu lâu trốn về thăm vợ một chốc, chị lại giúi cho đùm lạc đùm ngô, bảo đi làm gì cho chúng tôi bớt khổ thì cứ đi, ở nhà tôi với cái Thung lo liệu được hết. Tôi tưởng chị bảo vậy thì chị để tôi ở với chị chăm chút cho thằng Mè, thằng Mắm chứ. Ai dè, chị lại gả tôi cho nhà Khấm, đầu nậu than ở chân núi bên kia. Chị bảo nhà nó không giàu nhưng cũng là dân lao động, biết thương người. Chị còn kể, chị đội than gần đến nơi, nó đã chạy ra đỡ xuống cho, con vợ cũng nhanh mồm nhanh miệng, mua bán xởi lởi. Nó bảo có đứa em cũng đang đi làm cách mạng như anh giai cô, thế là chị dẫn tôi ra. Tôi bảo chị rằng tôi hãi lấy chồng rồi. Nhưng chị bảo hãi cũng phải lấy. Cô mười sáu đang hây hây thế kia, có thằng đàn ông nó giữ cho thì cô thành ngọc thành ngà, không có đàn ông bên cạnh thì sớm muộn cũng thành gà rù rúc xó bếp.
Nhưng mọi sự không như chị tưởng. Nhà nó chẳng có đứa em nào đi làm cách mạng hết. Con vợ thằng bán than không biết đẻ, nó hỏi tôi về làm nái cho chồng nó, ngóng tôi đẻ cho thằng cu. Không ngờ tôi lại đẻ ra con Chao, năm sau lại thêm con Chát. Trẻ con mới đẻ, nó khóc dạ đề là bình thường, vợ chồng nó không ngủ được, đuổi mẹ con tôi xuống chuồng bò. Giời lạnh, tôi lại không đủ sữa, cả con Chao lẫn con Chát khóc oe óe. Lúc đó tôi chỉ muốn cắn lưỡi chết quách đi. Nhưng tôi mà chết thì hai đứa con tôi cũng chết. Nó làm người đã được bao nhiêu ngày đâu. Tôi có quyền gì mà cướp mạng sống của chúng. Không thương thân mình thì cũng phải thương lấy chúng nó. Vậy là tôi cố sống. Ban ngày đi cuốc đất, con ngủ gà ngủ gật trên lưng. Đêm đến tôi ẵm con bé trên tay, mặc con lớn túm gấu váy mẹ khóc èo ẹo, tôi nằm lăn ra đống rơm bò. Mới thiếp đi vài giây tôi đã giật mình bừng tỉnh vì thấy có tiếng khóc ré lên. Con bò đực đang gí mũi sát con Chao. Nó sắp thè lưỡi ra ngoạm rơm và sẽ cuốn luôn con tôi. Tôi run bắn, buộc một đứa sau lưng, ôm một đứa trước bụng, chạy phăng phăng về nhà.
Giờ nghĩ lại, chắc lúc ấy ma nó đuổi tôi chứ sức đâu mà tôi chạy qua hai eo núi với mấy thung ngô để về nhà trong đêm vậy. Lúc đó hình như đã canh tư rồi. Chị đã dậy bung ngô. Tôi ấn được con Chát vào tay chị là vật sấp xuống nền nhà, mê man. Chị bảo tôi nằm đẫy ba ngày mới tỉnh. Tôi bảo chị cho mẹ con tôi ở nhờ ít hôm. Chị bảo đây là nhà cô, cô đi hay về là quyền cô chứ nhờ vả gì. Mãi sau này tôi mới biết, trong lúc tôi ngủ, chị lại vác đòn càn ra đánh nhau với vợ chồng nhà Khấm rồi châm lửa đốt nhà nó.
Năm năm tư, người ta kéo nhau vào Nam đông lắm. Tôi rất muốn đi nhưng còn ngại chị. Chị lúc nào cũng bảo anh giai cô vắng nhà, cô bỏ rơi mẹ con tôi mà được à. Tôi biết chị nói vậy cho tôi yên tâm ở nhà chị, chứ tôi biết thừa anh giai đã được về làm cán bộ cách nhà có nửa ngày đạp xe. Tôi cũng nghe được chị nói với anh ông về in ít chứ. Cô ấy có một thân một mình, hai lần lấy chồng chẳng ra sao, tôi với ông cứ ríu rít với nhau cô ấy lại tủi thân thì khổ.
Cuối cùng tôi vẫn đi. Tôi dối chị rằng con Chao con Chát bị ghẻ, em dẫn các cháu đi xin thuốc. Ba mẹ con tôi xuống đò Mười, theo thuyền ra biển rồi lên tàu vào Nam. Vào đấy, cũng vất vả mất mấy năm. Nhưng tôi cũng biết xoay xở. Ban đầu tôi trồng rau muống bán cho mấy dãy phố nhà binh, không những đủ ăn mà thi thoảng còn dồn được tiền mua vàng. Rồi tôi mon men đi học chữ, học nghề. Rồi tôi quen em rể chị đấy. Hắn làm nhân viên tạp vụ ở bộ điền địa, vợ hắn chết tai nạn, con cái chưa có nên hắn thương mẹ con tôi lắm. Tôi chỉ dám nhắn tin qua người này người kia về cho chị rằng mẹ con tôi vẫn khỏe chứ không dám nói chuyện tôi đi bước nữa. Anh tôi làm cách mạng mà tôi lấy chồng ngụy thì khác gì anh em thành kẻ thù. Dạo ấy đến đất nước còn bị chia cắt huống chi là gia đình. Trong lòng tôi khi ấy vừa muốn anh làm cách mạng cho xong để tôi nhanh được về với chị và các cháu, nhưng cũng vừa muốn vợ chồng con cái tôi được yên ổn.
Hôm Sài Gòn giải phóng, chồng tôi lôi tôi và năm đứa con ra sân bay. Sợ phải bỏ quê tôi khóc như mưa. Con Chao con Chát bảo, mẹ cứ nghe lời dượng đi đã, còn người thì còn quê. Tôi sang đến nơi thì thằng út bỏ tôi đi vì dịch tả. Vậy là còn bốn đứa con. Chúng tôi ăn ở tạm bợ nơi đất khách hết năm này sang năm khác, chỉ ngong ngóng sao ông trời có mắt, thương cái tâm thành của tôi mà cho tôi về gặp lại anh chị, gặp thằng Mè thằng Cam.
Ông trời nghe thấy tiếng tôi cầu nên đã chỉ đường cho thằng Mè. Hôm nó đánh điện sang xưng cháu là cháu ruột của cô đây, tôi chết lặng đi rồi khóc như đứa trẻ bị nhốt trong nhà lâu ngày bỗng có người mở cửa cho ra ngoài.
Tôi nhớ đận thu xếp về thăm quê lần đầu, chị không khóc cũng chẳng cười, cứ như cái ngày tôi còn ở với chị vậy. Chị bảo cô sống ở đâu làm gì thì cũng là em tôi. Lúc nào tôi cũng nhắc các cháu, đứa nào có cơ hội là phải tìm cho bằng được cô. Nhà chỉ có hai anh em chứ nhiều nhặn gì. Nay thì anh cô chẳng còn. Trước lúc nhắm mắt, ông ấy dặn đi dặn lại bằng ấy đứa con rằng chúng mày còn một bà cô đấy, đừng có để cô ấy phiêu dạt một mình.
Chị à. Nay tôi về dễ cũng là lần cuối. Đàn bà con gái lấy chồng thì theo chồng, ai cho về quê mà nằm nữa. Tôi sinh ra ở đây mà chẳng được về cõi ở đây với anh chị, với mẹ cha…
Bà Thung lại khóc, tiếng khóc nghẹn lắm, nhưng vẫn cố nói cho hết nhẽ. Ở bên đó tôi thèm cái mùi đồng đất quê mình quá chị ơi! Tôi đã về đây mà sao tôi vẫn nhớ quê thắt ruột thắt gan thế này? Tôi đi lần này chắc chẳng còn về lại được nữa chị ôi! Âm dương cách trở đôi đường, còn ân còn nghĩa còn đường về nhau…
– Bà nội hát thơ đấy à? Hát to cho cháu nghe với!
Tiếng thằng Núi ghé ngay bên tai làm bà Thung giật mình. Bà kéo vạt áo thấm nước mắt nhèm nhẹm rồi ngồi lên. Vợ Mè đưa bà túi giấy tiền âm với mấy khay vàng bạc bảo: “Cô hóa cho bu cháu nhé, đến giờ rồi”.
Bà vừa đốt vừa lẩm nhẩm nốt câu chuyện với chị dâu. Bọn trẻ đã đưa chiếc tiểu sành đến lỗ huyệt sát bên mộ anh giai bà. Bà bảo giờ anh chị gần nhau mãi mãi rồi, không sợ đứa em này nó tủi thân tủi phận nữa nhé. Anh chị gắn bó với nhau thì tôi mừng chứ sao lại tủi. Nói vậy nhưng bà lại khóc òa.
Cầm đất bỏ xuống huyệt cho chị dâu, tay bà Thung run lẩy bẩy. Đến nắm đất thứ ba, bà không ném xuống nữa mà bỏ vào túi tam tòng, ghim kim băng cho thật chặt vào cạp quần. Rồi bà đứng chôn chân nhìn đám cháu con đắp mộ lên cao dần.
Xong việc, bà chỉ tay ra góc nghĩa trang phía bên kia, bảo cô Chao cô Chát:
– Bố các chị chết trên núi, người làng thương tình đưa về đây cho gần họ gần hàng, chứ con cái bỏ xứ đi lâu vậy thì hồn phách biết về đâu. Giờ các chị biết, cố gắng mà về hương nhang cho phải đạo. Dù có thế nào thì ông ấy cũng cho các chị làm người.
Quay sang thằng Núi, bà bảo:
– Mày đi ra đầu làng đằng tây đợi bà!
Trời tang tảng sáng, bà Thung men theo bờ ruộng chậm rãi đi vào làng. Sương lạnh bay dần khỏi mặt đất, quây xung quanh bà như một thảm mây bồng bềnh. Ngày trước, tất cả đồng làng này là của phú Tâm. Lúa đang kì tụ hạt, thơm như bầu sữa mẹ khiến bước chân bà chùng lại. Đi đến giữa cánh đồng, bà dừng lại một lúc lâu, kéo vạt áo chấm mắt:
– Đời người lúc thăng lúc trầm, lòng người lúc trắng lúc đen, chỉ có đất mẹ lúc nào cũng xanh mươn xanh mướt thế này.
Bà đi qua đồng làng chậm lắm, như vừa đi vừa đếm từng bước chân tuổi thơ. Một tay chống gậy, một tay thi thoảng sờ xem túi tam tòng còn không. Thằng Núi thấy bà đến gần mới hỏi:
– Bà có quà quê đấy à?
– À… à… Bà lấy được tí thuốc nam của người già ấy mà.
*
* *
Hôm làm thủ tục nhập cảnh, túi “thuốc nam của người già” trong người bà Thung bị an ninh sân bay Mĩ phát hiện. Họ kiên quyết bắt bà vứt cái túi chứa chất lạ, mùi lạ vào thùng rác trước khi ra cửa sân bay.
Đành vậy, bà bỏ cả nắm đất vào miệng nhai nuốt ngấu nghiến trước con mắt kinh ngạc của những người xung quanh
Tháng 4/2016
Tác giả: V.T.L – Thực hiện: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *