Chàng trai người Cà Mau chia sẻ rằng anh luôn muốn làm mới mình qua nhiều “phép thử” với đề tài chiến tranh, thiếu nhi. Thế nhưng, thiên nhiên và con người miền Tây vẫn là điều anh tâm đắc và có một vị trí đặc biệt trong tâm hồn. Duy chia sẻ: “Tình yêu gia đình, quê hương đã khơi trong tôi nhiều xúc cảm vì dòng sông, cánh đồng, nhịp sống lao động ở đây đã khắc sâu vào ký ức tuổi thơ. Vùng đất tưởng chừng rất đỗi thân thuộc nhưng càng tìm hiểu thì “càng ngắm càng say”, viết bao nhiêu cũng chưa thể khai thác hết được vẻ đẹp của nó”. Cách kể chuyện của anh có nét hồn nhiên, sôi nổi của tuổi trẻ, nhưng nổi bật là giọng văn đằm thắm, điềm đạm như một người từng trải. Lý giải điều này, anh cho biết việc tích cực đọc sách, không ngại đi đây đó, dấn thân, lăn xả vào thực tế đã bồi đắp cho vốn sống thêm dày dặn, chững chạc. Anh còn bật mí thêm, sự lắng nghe để tiếp thu, sửa đổi theo những góp ý chân thành của những người xung quanh cũng đã giúp cho sản phẩm qua từng ngày được hoàn thiện, mượt mà. (Lời bình của BTV Vân Khánh)
Tôi dẫn đứa nhỏ qua triền đê. Đường dài hun hút. Phía trước, con đường xẻ ngang cánh đồng cỏ lau, cong cong, lẩn khuất, tù mù. Tháng nắng, cỏ lau nở trắng muốt cánh đồng.
Quãng đường từ cái làng nhỏ xa xăm của tôi đến cánh đồng cỏ lau thênh thang mà có khi tôi lại ngỡ nó dài như cuộc đời. Trên chặng đường ấy, ba, bốn lần út Quyên hỏi tôi:
– Má ơi, mình đi đâu vậy, hả má?
Tôi nhìn con bé, tay tôi xoa đầu nó, tự dưng tôi thấy thương út Quyên vô cùng. Còn gì buồn hơn khi mình cứ mải miết đi mà chẳng biết đích đến là đâu. Chỉ nhớ rằng đi là chạy trốn, rời bỏ. Nắng chiều buông xuống đồng lau, hơi lạnh, tôi kéo út Quyên nép vào người mình.
– Đời rộng quá út Quyên ha.
Con bé nhìn tôi, những dấu hỏi lửng lơ trong đáy mắt. Phải rồi, út Quyên của tôi còn quá nhỏ để hiểu cuộc đời rộng lớn nhường nào, trăm chiều nghịch lí ra sao. Con bé gật đầu. Thế giới của út Quyên thu lại nơi làng xa thanh vắng, con đường, bờ đất, chiều hoàng hôn rơi xuống cánh đồng và những đêm hiền lành có bóng trăng tuổi thơ tròn đầy, lơ lửng.
Cái thế giới của út hồn nhiên, trong trẻo và thánh thiện. Tuyệt nhiên không có những nỗi buồn, những bí mật hay u uất trong cuộc đời của út.
“Đi thôi con”, tôi nói với út Quyên như vậy rồi thản nhiên đội nón lá bước ra khỏi nhà. Tôi nắm tay con bé. Mắt út nhìn dáo dác. Cô bé đang chơi đồ hàng với đám con nít ngoài sân bỗng dưng bị tôi kéo tay tách khỏi cuộc chơi vui vẻ, nó mếu máo. Tôi dỗ dành: “Đi với má”. Con bé nhìn tôi, chắc nó thấy má của nó lạ lắm. Lạ lùng và bất ngờ như cái quyết định ra đi mà chính tôi cũng chẳng biết hai má con sẽ đi về đâu.
“Đôi khi mình phải chấp nhận ra đi. Khi cuộc đời không thể nào dung thứ cho mình được nữa” – Má tôi dặn vậy.
Trong cái giỏ nhỏ tôi mang theo chẳng có gì ngoài mấy bộ đồ của út Quyên, dăm quả trứng luộc đã nguội để út Quyên ăn lót dạ trên đường. Vậy là đi. Cuộc ra đi nhẹ tênh, mặc đường dài thăm thẳm. Không giống như cái lần cả nhà sốt sắng sang làng bên thăm mộ ngoại út Quyên. Lần ấy vui hơn.
Đường đi quanh co, mặt đường mấp mô khúc khuỷu. Mấy lần tôi vấp chân vào mô đất đau điếng. Trên đồng lau không một ngôi nhà, một bóng người nào khác trừ hai má con tôi, chỉ có tiếng chim ríu rít xa xa, bóng chiều đang dần buông xuống.
Út Quyên bất lực trước quyết định của tôi, đi thêm một quãng nữa, con bé dừng lại giảy nãy:
– Trời ơi, mình về với ba đi má, về làng đi má, mình đã đi xa quá rồi!
– Về làm gì nữa hả út? Về làng… má chịu không nổi.
– Sao vậy má? Chẳng phải má con mình đã sống ở cái làng ấy từ trước đến giờ, ai cũng quen mặt, ai cũng thương mình hết sao? Má có tội tình gì? Con có tội tình gì… mà phải trốn, hả má?
Những câu hỏi của út Quyên ập vào tôi khiến tôi sững sờ, câm lặng. Tôi im lặng không phải tôi không trả lời được câu hỏi của út Quyên, mà bởi con bé còn quá nhỏ, quá hồn nhiên để biết được những góc khuất đen đúa màu của tội lỗi và nhơ nhuốc ẩn sau những vui vẻ nói cười. Chừng ấy năm út Quyên tồn tại trên đời, tôi cưu mang, che chở cho út Quyên để những xấu xa dơ bẩn không vấy vào tâm hồn ngây thơ của con bé. Người ta đem từng đường nét trên khuôn mặt đứa nhỏ ra mà săm soi để tìm điểm giống nhau hiếm hoi giữa hai cha con, tôi bịt tai út Quyên lại. Tôi thắt chặt niềm đau trong lòng thản nhiên xua đuổi người đàn ông vẫn thường neo ghe dưới bến sông gần nhà tôi, mắt nhìn lên, đau đáu. Hững hờ như kẻ lạ người xa.
Út Quyên cứ trong trẻo sống trọn những ngày thơ ấu. Tôi (cũng như bao người đàn bà khác) lấy thiên chức người mẹ bảo vệ đứa con của mình. Miễn út Quyên bình an, còn tôi ra sao cũng được.
Và rồi chúng tôi ra đi. Đi mải miết. Út Quyên than đói, chúng tôi ngồi xuống một mô đất cạnh vạt cỏ lau phơ phất có mấy bông hoa trắng muốt lòa xòa vào mặt út Quyên. Tôi lấy quả trứng trong giỏ, bóc vỏ đưa cho út Quyên. Con bé cầm quả trứng đưa lên miệng, nhai nhóp nhép. Gió đồng vi vu. Con bé vừa ăn vừa vén sợi tóc lên vành tai, mắt nhìn về phía xa. Đường còn dài. Có chút gì chênh vênh hiện hình trong ánh mắt non tơ và cái nhìn lạ lùng của con bé…
2.
Chúng tôi không đi nữa. “Thôi mình dừng lại út Quyên ha, má cũng mỏi chân rồi!”, tôi nói với út Quyên như vậy. Tôi dặn út Quyên ngồi trên đồng cỏ, dưới gốc cây bã đậu, còn tôi chạy đi xung quanh tìm chút bóng dáng của sự sống.
Bốn bề lau lách. Không một ngôi nhà. Không một bóng người. Tôi gọi đến khản cổ vẫn không nghe ai hồi đáp. Đất hoang, tôi nghĩ bụng. Đất sẽ cưu mang mẹ con tôi, chúng tôi sẽ trụ chân lại nơi đây sau hành trình mệt nhoài mang tên chạy trốn.
Tôi hát ru út Quyên ngủ trong ngôi nhà tranh nhỏ xíu giữa cánh đồng, cạnh cây bã đậu. Vẫn cái bài quen tôi hát ru út Quyên hồi út còn bé xíu. Út nói với tôi:
– Con lớn rồi chứ còn nhỏ em gì đâu mà má hát hoài, cực má!
Tôi bẹo má út, cười cười:
– Má thích hát vậy mà. Út Quyên nè, con có nhớ nhà không?
Con bé lại trầm ngâm nghĩ ngợi, một lúc thì buột miệng:
– Nhớ! Con nhớ lắm! Con nhớ căn nhà nhỏ cuối làng! Con nhớ ba! Nhớ em Lê! Nhớ út Vạc!… Bao giờ mình về nhà hả má?
Nghe út Quyên hỏi bằng giọng ngây ngô, lòng tôi đắng nghét. Tôi lần tay tính ngày má con tôi xa quê: ba, bốn mùa trăng, mấy mùa sương giăng khắp lối.
Tôi gật gù:
– Ừ, má không biết nữa! Chắc là lâu lắm.
Con bé mím môi định khóc, nhưng rồi không biết kìm nén bằng cách nào mà út Quyên không khóc. Nó mạnh mẽ giống Luân. Nó ngoảnh mặt qua hàng song nhìn về phía đồng trưa gió xào xạc gió.
Tôi thường mơ thấy Luân trong những giấc mơ khuya. Luân đi tìm tôi trên cánh đồng cỏ lau. Tôi nom thấy Luân, út Quyên cũng thấy ba đang loay hoay trong những khóm lau trổ bông cao ngang ngực. Con bé nhìn tôi rồi mở miệng định gọi Luân, nhưng tôi ngăn: “Suỵt, út Quyên ngoan ngoãn im lặng nào”. Con bé xỉu xìu xiu, buồn như trời tháng sáu. Luân cứ tìm mẹ con tôi, còn tôi cứ dẫn út Quyên vạch lau chạy trốn để Luân không trông thấy. Chúng tôi chơi trò chạy trốn trên cánh đồng. Út Quyên miễn cưỡng chạy theo tôi, chốc chốc nó lại ngoái nhìn về phía Luân. Nó không nỡ. Còn tôi cứ kéo tay nó luồn đi thật nhanh, thật xa, về ngồi trong mái nhà tranh dưới cây bã đậu. Tôi thở hổn hển, út Quyên nước mắt ròng ròng. Nó hỏi tôi:
– Sao mình cứ trốn ba mãi vậy má?
– Lớn lên con sẽ hiểu. Giờ thì má không giải thích. Nhất định không!
Con bé giận dỗi bỏ vào trong buồng nằm quay mặt vào vách, kéo chăn trùm bít rịt, khóc thút thít.
Ở trên đồng, có rau ăn rau, có cá ăn cá. Rau thì tôi cắp rổ cùng út Quyên đi hái ở rìa đồng cỏ lau. Tôi bắt cào cào móc mồi, dẫn út Quyên ra cái ao nước giữa đồng câu cá. Út Quyên thường nhắc chuyện hồi đó Luân dẫn út Quyên đi câu cá, bao giờ nó cũng ngồi trên cổ Luân, còn Luân gồng mình giữ cho cần câu đừng nhúc nhích để dụ cá cắn câu. “Hồi đó vui thiệt, má ha”, út Quyên nói hoài cái câu đó. Hình như nó cứ mãi sống về những ngày xưa yêu dấu. Thân xác nó ở trên đồng cỏ lau, trong ngôi nhà tranh xập xệp đủ để che nắng khỏi hắt, che mưa khỏi tạt vào; mà tâm hồn nó cứ luẩn quẩn ở làng, bên Luân, trong căn nhà gỗ phía trước có giàn hoa thiên lí lửng lơ mấy giọt vàng ửng mỗi độ sương buông. Luân trồng dây thiên lí này từ hồi mới cưới tôi về, rồi chăm bón, rồi cắm giàn để thiên lí buông tua bò khắp, lá xanh, bông xanh xanh ngà vàng. Làng thường đến nhà tôi xin hái hoa thiên lí về làm món. Luân thích ăn canh thiên lí tôi nấu. Hoa thiên lí trôi lững lờ trong tô nước màu xanh ngọc bích, ngọt tận ruột gan, Luân húp đến cạn cả nước. Tự dưng tôi nhớ cái giàn thiên lí đó quá! Út Quyên cũng nhớ. Mấy lần nó đòi tôi nấu canh thiên lí cho nó ăn. Mà giữa đồng cỏ hoang vu heo hút này biết tìm đâu ra mấy bông thiên lí thánh thiện ấy. Tôi bùi ngùi: “Bao giờ về làng, má nấu thiên lí cho con ăn”.
Nói vậy chứ biết bao giờ má con tôi mới trở lại làng xưa.
Giấc mộng vụt tan. Luân biến mất khỏi tâm trí tôi, để lại trước mắt tôi là khoảng trống lu mờ, tối tăm, tội lỗi.
Con bé hay ngồi trước nhà lấy than đen quệt lên tấm ván khuôn mặt của ai đó, giống Luân. Tôi nhận ra Luân bởi con bé đã tỉ mỉ vẽ một vết sẹo bé xíu bên má trái – đó là lần Luân với tay sửa lại cái máng xối trên mái nhà, cái máng tôn đứt dây rơi xuống cắt vào mặt Luân một vết sẹo, ứa máu. Vết sẹo không to, nhưng nó không bao giờ mờ theo thời gian. Dù vậy út Quyên vẫn yêu cái vết sẹo ấy, con bé thường hôn lên má trái của Luân, lên trán Luân.
Tôi ở nhà nấu cơm, Luân cõng út Quyên ra bờ sông hái hoa cỏ may đầy nắm tay. Con bé rất thích hoa cỏ may, loài hoa nhẹ nhàng, mong manh trong gió. Hái hoa chán, Luân cõng con ngồi trên lưng, còn anh lội ngang qua con mương nhỏ tiện tay hái ít rau muống để chiều tôi nấu canh chua cho hai cha con ăn. Mùa nước cạn, rau muống mọc hoang lá xanh rờn, đôi luống trổ bông trắng tím. Trên những triền sông, bờ cỏ, đồng làng có bóng dáng hai cha con. Cha cõng con, cha ôm con, cha dìu dắt, che chở con – hình ảnh ấy đẹp và trong sáng như cổ tích yên bình, đẹp lắm! Luân thương út Quyên hơn cả một thiên thần. Trời ơi, giá mà Luân ghét út Quyên, hoặc ghẻ lạnh, hoặc thương út Quyên ít hơn thì tôi thấy lòng mình nhẹ bẫng. Nhưng không, con bé với Luân như hình với bóng. Hình như là tôi điên! Đúng, tôi đang điên. Có người mẹ nào lại muốn con mình bị cha nó ghét bỏ, lạnh nhạt. Tôi hóa điên. Lòng tôi hỗn độn mỗi khi nhìn Luân thương út Quyên và hy sinh tất cả vì con bé. Trái tim Luân ấm áp, đôi mắt Luân hiền lành, lương thiện. Nhiều lúc tôi cứ ngỡ tôi sinh út Quyên ra là để dành riêng cho Luân. Con bé mến Luân hơn cả tôi. Luân đi làm ở lò gạch ở làng bên, trưa trưa con bé bảo tôi dẫn nó đi qua chỗ làm gặp Luân, lau mồ hôi, đưa Luân cốc nước mát rồi đội nón đi về. Chiều Luân về, mình mẩy lấm lem bùn đất vẫn không quên hôn lên gò má ửng hồng của con bé, thủ thỉ hỏi chuyện, cười hiền từ. Và bao giờ cũng vậy, Luân về cùng quà bánh trên tay để út Quyên được vui. Con nít mà, nhìn quà bánh là sáng trưng đôi mắt. Nhưng út Quyên thương Luân không phải vì quà bánh mà bởi vì Luân là ba của nó. Người ba chân chất, nhân hậu, bao dung. Người ba lúc nào cũng nghĩ đến nó, dạy cho nó những bài học làm người mà có lẽ suốt cuộc đời nó chẳng bao giờ quên…
3.
Tôi không về làng. Tôi đi thẳng ra bờ sông. Đêm trăng nhờn nhợt.
Qúy nói, anh chờ tôi ở đó, đúng đêm khuya, khi làng đã ngủ say. Tôi ậm ừ.
Tôi nói dối Luân tôi về nhà má ở làng bên kia, ngủ lại một đêm, sáng mai khi mặt trời lên khỏi ngọn cây tôi mới trở về nhà. Nhưng tôi không về nhà má. Tôi cũng không rời khỏi làng, tôi quẩn quanh ở đó, trên cánh đồng, nhởn nhơ trên triền đê thi thoảng ngẩng mặt đăm đăm nhìn một ngôi sao biếc lửng lơ trên bầu trời. Ngày bé, tôi từng ước mình là ngôi sao để được chu du giữa mây trời, tự do nhìn ngắm thế gian. Rồi tôi lớn lên, mọi thứ thu nhỏ lại trong cái làng với những con người hiền lành sống bằng nghề làm gốm sứ. Bảy, tám tuổi tay tôi đã lấm lem đất sét, tóc tôi sực nức mùi gốm nung trong lò tỏa khói miên man. Tôi lấy Luân, làng cử mấy cô gái chưa chồng tiễn tôi về làng bên này, tôi mặc áo dài đỏ, cầm hoa, đi bên Luân. Khoảnh khắc ấy đẹp và thiêng liêng nhất mà suốt đời tôi cũng không quên đi. Tôi sống với Luân, người đàn ông nghèo cực mà chí nghĩa chí tình, anh yêu thương tôi, chăm lo cho tôi. Đôi bàn tay rộng lượng. Đôi bàn tay dung thứ. Trong một lúc tôi quên đi giấc mơ được làm ngôi sao bay đi khắp nơi như ngày xa xưa ngô dại.
Ánh trăng chảy dài trên mái tóc tôi, trên cơ thể trần trụi của tôi.
Mắt tôi nhắm nghiềm, mộng mị. Qúy đang lướt đi trên da thịt tôi bằng những mềm mại, yêu chiều và chiếm đoạt. Tôi nằm đó, trên cỏ. Tóc tôi xõa dài, trôi dập dềnh theo chiều nước chảy. Lạnh cả gáy. Nhục nhã hơn là thích thú. Đau đớn hơn êm ái, vuốt ve. Qúy không giống Luân. Mạnh bạo và vồ vập hơn. Tôi đau rát. Đau từ ngoài vào trong, từ thể xác đến tâm hồn loang lổ những mảng đen ghê rợn. Hổn hển. Nhịp nhàng. Tôi thấy mình trôi đi, trôi đi. Sương đêm thấm vào da thịt tôi.
Kể từ giây phút đó, tôi là kẻ tội đồ. Một con đàn bàn lăn loàn, nhơ nhuốt. Qúy thương tôi từ thuở tôi còn là gái làng gốm. Má tôi bảo Qúy không tốt tính, lấy Qúy sau này tôi sẽ khổ. Mà cũng vì tôi không có cảm giác đặc biệt mỗi khi ở bên anh. Tôi đi lấy chồng, Qúy giận tôi, đêm sau khi tôi rời làng gốm, Qúy cùng bọn người bịt mặt kín mít kéo vào đập nát kho gốm sứ nhà tôi để… “trả thù tình”. Má tôi biết thủ phạm là Qúy, tôi cũng đoán được, nhưng chúng tôi im lặng. “Chắc tại nó thương mày quá”, má tôi nói vậy.
Và rồi tôi đã tìm đến Qúy sau khi ăn chung ở chạ với Luân. Không phải vì tình yêu, càng không phải vì bản năng nhục dục. Mà vì Luân. Người đàn ông ấy vẫn thường mơ về ngôi nhà với những đứa trẻ kháu khỉnh, tinh nghịch, nói cười. “Con gái sẽ giống em, còn con trai chắc sẽ giống anh, mạnh mẽ và chăm chỉ”, Luân mơ vậy. Chúng tôi đã nỗ lực, nhưng mãi chúng tôi vẫn không thể có con. Ai đó độc mồm mỉa mai đời cha ông chúng tôi ăn ở mất đức nên mới thành ra như vậy. Trời ơi, chúng tôi có tội tình gì đâu? Chúng tôi cũng không biết cha ông mình đời trước kiếp trước ăn ở thế nào mà họ lại nhẫn tâm gieo tiếng ác. Luân thất vọng, còn tôi phờ phạc hẳn đi. Bẵng một thời gian Luân không nhắc đến chuyện sinh con, đẻ cái. “Không có con cũng không sao, miễn chúng ta thương nhau”, Luân nói vậy với tôi. Nhưng tôi biết anh buồn và bất lực.
Tìm Qúy. Với tôi, hành động đó là nỗi nhục nhã nhất đời.
Tôi như miếng mồi ngon, còn Qúy là con hổ đang vồ mồi. Qúy chiếm đoạt tôi dưới trăng. Ôi, cái vầng trăng hiền lành vẫn chăm chỉ soi bóng xuống làng tôi mỗi đêm hè hay khi mùa vụ, bây giờ trở nên dối trá và dơ bẩn quá. Trăng có mùi tanh tưởi. Trăng có màu nhạt nhòa, héo úa. Trăng rủ xuống đời tôi những tủi buồn, chứng nhân của đêm hoan lạc sai trái. Tôi sợ trăng từ đó.
Đêm đó, hồn tôi lởn vởn trên sông, trên cỏ. Hồn tôi trơ trơ. Tôi không còn là chính mình.
Sáng hôm sau, tôi trở lại làng. Khi mặt trời đã lên cao. Luân đợi tôi dưới giàn thiên lí. Độ này thiên lí trổ hoa, những cái hoa nhỏ xíu, li ti, lung linh trong nắng sớm. Căn nhà nhỏ có dáng hình của Luân khiến lòng tôi nhẹ hẵng đi. Nhưng vết nhơ đêm qua vẫn còn trên cơ thể. Tôi tự mình gột rửa. Tôi kì cọ dưới ao sen, hi vọng nước ao trong veo sẽ cuốn đi tất cả mọi thứ, trả lại tôi – người đàn bà trong sạch của Luân, người trước kia luôn đặt nghĩa phu thê, thủy chung son sắt lên đầu.
“Luân ơi, em không còn xứng đáng với tình yêu của anh. Giá mà em đủ can đảm để nói ra với anh sự thật út Quyên không phải là con ruột của anh mà là con của một người đàn ông khác”. Tôi nghĩ vậy. Nhiều lần tôi định nói với Luân, nhưng can đảm là thứ mà tôi luôn thiếu thốn. Sự thật ngủ yên trong đêm trăng dối trá hôm nào.
4.
Luân đếm từng đêm trăng đợi ngày đứa nhỏ chào đời. Nó cất tiếng khóc trong đêm khuya, mụ vườn mát tay lấy nhau rốn của đứa nhỏ đưa cho Luân, Luân mang cái nhau rốn chôn dưới giàn thiên lí, trong lòng đất quê. Mảnh đất này sẽ che chở cho út Quyên. Để lớn lên út Quyên sẽ không rời quê mà đi, không bội bạc vong tình, quê nhà bình yên như cánh võng ru hời út Quyên qua từng năm tháng.
Út Quyên ra đời, nhẹ hẫng. Tôi sinh con bé trong thời khắc ám ảnh nhất của cuộc đời: đêm trăng. Út Quyên lớn lên, qua từng mùa trăng con bé thay da đổi thịt. Bóng trăng tuổi thơ lơ lửng trên đường làng, trên vòm trời mênh mông, ánh sáng trăng thanh rọi xuống mái nhà khiến làng tôi trong tâm trí út Quyên là làng quê cổ tích. Nơi ấy bình yên. Nơi ấy có một gia đình.
Tôi thường giật mình trong đêm. Giấc mơ vụt tan nhưng nước mắt vẫn còn đầm đìa trên má. Ai đó vừa định cướp mất út Quyên của tôi. Tôi đuổi theo, vấp ngã, lăn trườn trên cỏ, chân tay tôi trầy trụa túa máu. Tôi dằng co với người đàn ông lạ bịt mặt bằng tấm vải màu đen để giành lại út Quyên. Vị thần nào đó đã ban cho tôi sức mạnh để tôi chiến thắng tên cướp côn đồ đầy dã tâm. Tôi ẳm con bé quay ngược về làng. Nhưng tôi không thấy Luân, tôi giận đến sôi nước mắt. Trong khoảnh khắc ấy Luân đang ở đâu? Tôi giật mình tỉnh giấc. Út Quyên vẫn nằm bên cạnh, khuôn mặt thiên thần. Con bé đang ngủ say, đầu kê lên cánh tay của Luân. Luân cũng ngủ. Bỗng dưng tôi thấy mình vô lí quá, cớ gì tôi lại giận Luân trong giấc mơ? Luân với đứa nhỏ có máu mủ ruột gà gì đâu?! Tôi bùi ngùi, lòng nhói. Những giấc mơ như thế vẫn thường trở đi trở lại trong quãng đời mù mờ như mây chiều khói bếp của tôi. Chưa bao giờ tôi thấy mình tĩnh an từ khi út Quyên ra đời.
Luân không biết. Út Quyên không biết. Không ai biết được. Bí mật vẫn là bí mật. Chỉ có ánh trăng là thấu rõ, tận tường.
Mùa đi ngang qua làng. Lúa vừa gặt xong, mấy đống rơm vàng xuất hiện trên đường đê và những thảm lúa hột trải ra phơi trên cỏ cứ ánh lên một sắc vàng lóng lánh.
Buổi chiều, tôi nấu cơm, kho cá, để hết trong lồng bàn. Má con tôi ăn qua quýt. Luân đi làm ở lò gạch vẫn chưa về. Tôi dắt út Quyên ra giàn hoa thiên lí ngồi đợi. Bóng chiều đổ dần trên đường làng làm phản quang những mảng sắc xanh, đỏ, hồng, tím… trộn lẫn.
Đêm trăng, khi Luân đã ngủ say, tôi giục út Quyên thức dậy rời khỏi mái nhà bình yên. Con bé vừa bước đi vừa dụi mắt. Nó vẫn còn say ngủ. Con bé mở miệng hỏi tôi:
– Khuya lơ khuya lắc má dẫn con đi đâu vậy má?
– Suỵt – Tôi ra hiệu – Út Quyên ngoan, im lặng nào.
Tôi kéo tay út đi ra khỏi nhà. Sương ướt đầm trên giàn thiên lí.
– Đợi con vào gọi ba đi cùng.
– Không. Út Quyên, má xin con. Đi với má!
Con bé ngẩn ngơ nhưng vẫn đi theo tôi. Chắc nó nghĩ tôi dắt nó đi đâu đó, sang nhà bà ngoại, hay đi chợ xa. Nó không thắc mắc. Chúng tôi bước đi trên đường làng. Con đường dẫn ra bờ sông, bãi cỏ. Đi mãi. Út Quyên mỏi chân, tôi ngồi xuống để út Quyên trèo lên lưng tôi cõng con bé đi. Nó ngủ gật trên lưng tôi. Bờ lưng êm ái bờ lưng thanh bình. Bờ lưng của người đàn bà gồng gánh những tủi nhục, gian lao, để chở che cho nó được bình yên.
Chúng tôi đã rời làng một quãng rất xa. Trước mắt tôi, đồng lau chập chờn ẩn hiện trong sương sớm. Đường về làng lòa nhòa trong tâm trí tôi. Ở đây tôi vẫn thường nhớ đến ngôi làng nhỏ của mình. Ngôi làng mùa xuân hoa mai, mùa hè phượng đỏ, mùa thu thơm thoang thoảng hương bưởi chín và và mỗi độ đông về từng chùm sầu đâu lơ lửng trên cao rồi theo gió non nhẹ nhàng rơi xuống mái nhà lấm tấm. Đồng cỏ lau đâu giống làng. Ở đây thanh vắng, bốn bề chỉ toàn lau lách um tùm, đôi khi có cánh chim sà xuống đậu trước sân nhà mổ vu vơ mấy hạt thóc vun vãi rồi bay đi. Và đêm xuống, đồng lau lạnh ngắt, tôi thèm vòng tay ấm áp của Luân. Nhớ Luân, tôi chỉ tìm anh trong giấc mơ của riêng mình. Trở về với Luân có lẽ là điều xa xỉ đối với tôi.
5.
Ở trên đồng cỏ lau, thời gian trôi qua khẽ khàng, dịu dàng và hiền từ đến kì diệu. Tôi thấy mình với út Quyên như hai con người ở thời đại nào đó xa xôi lắm, đứng nhìn bước đi của thời gian.
Một sáng thức dậy, út Quyên bỗng nghe có tiếng xình xịch đâu đâu. Mặt đất rung chuyển. Nó hốt hoảng chạy ra sân nhà đứng nhìn về phía âm thanh dữ dội ấy. Máy xới, máy cày, máy xúc… đang hoành hành trên mảnh đất bao nhiêu năm bị bỏ hoang, cỏ lau mọc lên um tùm xao xác. Con bé chạy vào trong nhà, giục tôi:
– Má ơi má, ra coi kìa, người ta đang làm gì kia kìa!
Tôi chạy ra sân nhìn về phía cánh tay của út, giật mình:
– Người ta đang vỡ đất. Đồng cỏ sẽ không còn bị bỏ hoang nữa. Rồi mai này ở đây sẽ mọc lên những ngôi nhà, xí nghiệp, xưởng máy…
– Rồi mình sống ở đâu? Hả má?
Câu hỏi của út Quyên khiến tôi chùng lại hẳn đi. Sống ở đâu? Biết sống ở đâu bây giờ? Tôi tự hỏi.
– Hay là mình trở lại làng đi má?! – Út Quyên nói.
– Không! Má không về đó đâu. Út Quyên, con không phải là con của ba Luân. Không phải!…
Nói xong, tôi bàng hoàng trước câu nói của mình. Trời ơi, tôi đã nói ra cái bí mật bao nhiêu năm tôi chôn giấu, với một đứa trẻ. Trời ơi, tôi đang làm tổn thương đứa con mà tôi hết mực chăm bẳm, bảo vệ ư? Tôi có còn là tôi nữa hay không?!
Nhưng út Quyên không bất ngờ trước câu nói của tôi. Càng không giãy nảy, khóc ròng hay trách cứ tôi như tôi hằng tưởng tượng.
– Con biết lâu rồi má!
– Trời ơi, sao… sao con biết vậy, út Quyên?
– Ba Luân nói con nghe – Con bé đáp gọn.
Trái tim tôi tưởng như rơi ra khỏi lồng ngực, văng xuống đất và tan vào trong đất. Trong một lúc tôi hoàn hồn và hỏi con bé:
– Ba Luân nói với con khi nào?
– Hồi con còn nhỏ xíu.
Lòng tôi vỡ ra thành trăm ngàn mảnh nhỏ. Những dồn nén bấy lâu vỡ òa trong tôi, khiến tôi bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Út Quyên vẫn bình tĩnh, thản nhiên. Trông con bé y hệt như Luân:
– Út Quyên. Sao chừng ấy năm con không nói với má một lời?
– Vì má là má của con. Vì con cần má, và con cần có ba Luân. Mình về với ba đi má!
“Luân ơi, em đâu xứng đáng nhận được tình yêu thương và sự bao dung từ anh như thế! Anh càng yêu thương, em càng nhục nhã trăm lần”
Chúng tôi quyết định về lại làng xưa. Về để đối diện với những điều bình dị, chân phương nhất. Hóa ra, bí mật mà tôi giấu giếm đã được khai quật từ lâu. Nhưng nó lại một lần nữa được chôn chặt bằng tấm lòng vị tha, bao dung và thấu hiểu của Luân.
Út Quyên đi bên tôi. Trời lơ thơ gió. Tôi nhận ra làng mình vẫn hiền lành và dung dị như xưa. Nắng đã lên cao, con đường làng rợp bóng sầu đâu cuối mùa trổ bông, chim ca ríu rít. Những mái nhà nằm im nhìn ngắm vòm trời yên ả quê hương.
– Quê mình đẹp quá con ha.
Út Quyên gật đầu. Con bé ngửa cổ lên trời hít một hơi thật sâu vào trong lồng ngực. Cảm nhận dư vị quê nhà bấy lâu khát thèm bỗng dưng tan chảy trong người út Quyên.
– Má ơi, ba kìa… ba Luân kìa…
Út Quyên chỉ tay về phía trước. Tôi nhìn thấy Luân, anh đang đứng dưới giàn hoa thiên lí nhìn má con tôi. Mắt tôi rưng rưng.
Trong khoảnh khắc trong ngần và duy mỹ đó, tôi tự thấy bao nhiêu lầm lỗi tan biến hết, chỉ còn lại tôi, út Quyên và Luân trong không gian làng mạc sau mùa. Bình yên. Rực rỡ…