Bài nổi bật

Ám Thanh – Ý Nhi

Truyện đêm khuya – Ám thanh là một trạng thái tinh thần mà nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Ý Nhi gặp phải. Mặc dù đôi tai của nhân vật xưng “anh” không bị bất cứ thứ bệnh lí nào, nhưng anh luôn nghe thấy những tiếng nổ lớn, trong khi thực ra mọi thứ xung quanh anh đều “tuyệt đối yên tĩnh”. Đây là sự ám ảnh về một đời sống đầy bất an rình rập. Con người phải đối mặt với vô số áp lực của đời sống này….

Bác sĩ gỡ cặp kính ra khỏi đôi tai mỏng tanh của mình rồi cứ cầm cái gọng kính đồi mồi đong đưa qua lại trước mặt anh như mấy ông thầy cúng thư hương giải bùa. Anh nhìn vào mắt hắn, cố tìm một lời giải đáp hay ít ra là một chút biểu hiện tình cảm nhưng chỉ thấy hai hốc mắt thâm quầng và ánh nhìn đờ đẫn, mệt mỏi. Bất thần, hắn cười phá lên, rung cả căn phòng nhỏ, ngăn với phòng bên bằng tấm ván mỏng. Anh sững người, không hiểu làm sao cái gã xương xẩu này lại có tiếng cười khủng khiếp nhường ấy.
Hắn dứt cơn cười, cũng đột ngột như khi bắt đầu. Căn phòng rơi vào sự im vắng ngột ngạt. Hắn đeo lại kính, lại trở thành ông bác sĩ “chuyên gia” trước mặt anh. Lần đầu anh để ý thấy việc người ta đeo hay gỡ một chiếc kính có thể tạo nên sự khác biệt đến vậy. Bác sĩ lật qua lật lại cuốn Y bạ mới cứng của anh như muốn tìm kiếm điều gì ẩn giấu nơi đó. Cuối cùng, hắn đẩy cuốn sổ màu vàng nhạt về phía anh, tai anh đâu có sao. Anh hơi nhổm người lên định nói thì hắn át đi, chính vì vậy mà không có phác đồ điều trị, và…dĩ nhiên cũng không có lý do để kê toa. Tóm lại, anh có thể nghe tất cả những gì anh muốn nghe.
Anh đứng dậy, khẽ gật đầu rồi bước ra ngoài. Vừa bước xuống từng bậc thang anh vừa nhớ lại mấy lời sau cùng: nghe tất cả những gì anh muốn nghe. Câu nói có cái gì đó khuất tất, khó hiểu. Anh toan trở lại, đã bước lên vài bậc, rồi lại thôi. Anh chán ngán không khí vây hãm của căn phòng với những thứ máy móc xa lạ, những cái nhìn lom lom vào mình, những câu hỏi vớ vẩn. Tựa người vào bức tường ngay nơi đầu cầu thang, anh khoanh tay nhìn những bậc thang lót gạch hoa màu nâu sẫm, đếm từng viên một trên mỗi bậc, rồi đếm các bậc từ dưới lên – cách thư giãn hữu hiệu của anh mỗi khi có điều chi phải nghĩ ngợi, để cuối cùng, có thể bất giác hiểu ra một điều …đơn giản. Những bác sĩ ân cần, dễ thương, đáng tin cậy, đầu nghành, giàu kinh nghiệm… chỉ một mực quan tâm đến cái tai mà thôi. Anh đã mất thời gian một cách vô ích. Anh đã xuôi theo sự dẫn dắt của H như, như gì nhỉ, như một gã khờ. Anh bật cười trong khoảng trống nhỏ hẹp bên chân cầu thang. Lại nhớ, lâu lắm mình mới cười thành tiếng. Có thể là từ hồi bắt đầu nghe thấy những tiếng gọi, những tiếng rì rầm ấy.
Anh vừa bước đến cái cửa ngách dành cho người đi bộ thì nghe thấy một tiếng rầm dữ dội ngay sau lưng mình. Tiếng động ghê gớm đến nỗi anh tưởng ngôi nhà 4 tầng của bệnh viện vừa đổ sập.  Ngoảnh lại, thấy vài chục người nhăn nhó nhìn mình – kẻ  đang chắn ngang lối ra. Căn nhà 4 tầng vẫn ngạo nghễ đứng dưới nắng tháng 5 rực rỡ. Anh dừng sững, nghe hai chân nặng trịch. Người bảo vệ chạy ra. Có một chiếc còi lớn lủng lẳng trước ngực nhưng anh ta không huýt còi mà dùng tay ấn mạnh vào yên xe, đẩy bật anh ra bên ngoài. Là bảo vệ của một bệnh viên chuyên về Tai, Mũi, Họng, hẳn anh ta nghĩ anh là một bệnh nhân khiếm thính.
Anh dắt xe tựa vào gốc me già phủ trùm bóng lá xuống tấm bảng hiệu màu xanh của bệnh viện, rồi trân trối nhìn ngôi nhà. Tiếng rầm dữ dội ran ran trong ngực, khiến anh thấy tức thở lẽ nào chỉ do anh tưởng tượng. Trời ơi, giá mà mày đổ rầm xuống thật, anh kêu thầm, rồi lại thấy sợ hãi với ý nghĩ điên rồ của mình. Hàng trăm con người khốn khổ đang chạy đi chạy lại cuống cuồng như lũ kiến bị dội nước trong ngôi nhà ấy.
Anh muốn rời đi, muốn rứt khỏi những ý nghĩ, những phán đoán nhưng anh không sao dịch chuyển, ngay cả khi anh nghe thấy tiếng chuông ở đâu đó vang lên, nhìn thấy dòng  người ùa ra cổng chính, cổng phụ, dáo dác, tất tưởi. Người bảo vệ lại đi ra, ghé sát vào bên tai anh, nói to, hết giờ rồi. Anh nổi khùng, bệnh viện mà hết giờ cái nỗi gì. Người ta ốm đau bệnh tật có giờ giấc gì đâu. Có lẽ đã quen với cơn giận bất thường của bệnh nhân, ông ta lại hét to hơn, hết giờ khám thôi, trường hợp cấp cứu thì 24 trên 24. Anh cũng hét lên, ừ, hiểu, hiểu, hiểu, hiểu hết, rồi dắt xe, nhập vào dòng người phủ kín bởi áo chống nắng, váy chống nắng, khẩu trang chống bụi, mũ bảo hiểm chống …đang túa đi các ngả đường. Biết mình vô lý nhưng cơn giận vẫn không nguôi ngoai. Anh thèm được đứng giữa đường, hét lên thật to, át đi tiếng người, tiếng xe ầm ĩ, náo loạn kia.
***
Đây là lần thứ 3 anh nghe thấy tiếng động lớn như vậy.
Lần thứ nhất, đang nghỉ trưa, anh choàng dậy khi nghe thấy tiếng nổ kinh hoàng ngay trên nóc nhà chung cư. Anh bật cửa nhìn ra hành lang. Hành lang vắng ngắt. Nghĩ mình là người sau cùng còn ở lại trong tòa nhà, anh chạy xuống theo lối cầu thang bộ vì 3 buồng thang máy, cái thì đang ở tầng 19 , cái đang ở tầng B, cái thứ 3 kẹt cứng, bấm mỏi tay mà không sao mở được cửa. Ngỡ sẽ thấy một đám đông chen chúc, sợ hãi, anh sững sờ nhìn khoảnh sân ngập nắng, chỉ có người bảo vệ ung dung chắp tay sau lưng đi đi lại lại dưới hàng cây ven tường mỉm cười chào anh. Tay bảo vệ này còn trẻ, lúc nào cũng niềm nở với mọi người nhưng nụ cười nửa miệng kín đáo của hắn hôm ấy có chút gì như diễu cợt. Anh quay đi, tránh một lời giải thích, bất ngờ chạm mắt vào cánh cửa tầng hầm màu xám, tróc lở lem nhem, chặn đứng lối vào nhà chứa xe. Một tiếng rầm trong trí tưởng khi cánh cửa rơi xuống nhói vào tim anh. Thoáng qua trong anh câu hỏi, phải chăng đây chính là tiếng nổ anh vừa nghe thấy nhưng anh lập tức xua đi ý nghĩ đó. Không, một cánh cửa rơi xuống không thể gây nên cơn chấn động nhường ấy. Vả lại, anh ở trên tầng cao, tiếng động dưới mặt đất không thể vang tới tận nơi đó. Dù vậy, cái tín hiệu ngăn trở bất ngờ này khiến anh cảm thấy thêm bức bối. Anh đưa tay mở cúc áo ngực, cầm lấy ve áo lắc qua lắc lại tuồng như cử chỉ  đó có thể giúp cho mình dễ thở.
Cánh cửa hầm vừa được mấy người thợ nâng lên, anh chạy xộc vào gian phòng tối om, lấy xe rồi chạy thẳng ra phố. Khi dừng lại, nhìn  thấy căn nhà nhỏ của H ngay trước mặt. Tại sao lại là H, tại sao anh dừng lại chính nơi này, anh không biết, đúng ra là anh không đặt cho mình một câu hỏi. H là bạn gái cũ, khi anh còn học Đại học. H xinh đẹp, giỏi giang, luôn giữ được thế chủ động trong mọi tình huống. Ngày nọ, cô mời anh ăn sáng tại sảnh của một khách sạn lớn. Cô nhìn thẳng vào mắt anh, em sắp lấy chồng. Anh cười ( sau này, khi nhớ lại buổi sáng ấy, anh không hiểu vì sao mình cười và làm sao mình có thể ăn hết miếng Beef Steak bò Kobe chua chát ấy), chúc mừng em. Họ chia tay không hờn giận, không oán trách, không…luyến tiếc. Đôi khi anh tự hỏi, có thật không luyến tiếc không nhỉ và không khi nào có thể trả lời cho thật chính xác. Đây là lần đầu tiên anh đến nhà cô, lại đang lúc trưa nắng nhưng H không tỏ ra ngạc nhiên khi thấy anh, chỉ hốt hoảng khi nghe câu chuyện. H tiễn anh ra tận cửa, dặn dò anh phải để ý đến sức khỏe, đến chế độ ăn uống và phải đến bác sĩ ngay nhưng khi nghoảnh lại, anh thấy cô đang tì tay vào bệ cửa sổ, lơ đãng nhìn đi đâu đó, như đã quên câu chuyện. Giữa lúc anh cảm thấy hối hận vì cuộc viếng thăm vô lý của mình thì nhận được tin nhắn: em có đứa cháu là bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.Tên…Địa chỉ phòng khám… Số phone…Anh đi ngay trong chiều nay. Em đã gọi cho cháu. Nó rất dễ thương, ân cần. Anh kêu thầm, có một bác sĩ dễ thương, ân cần thật sao.
Thực ra thì từ khi trưởng thành, anh chưa từng gặp bất cứ bác sĩ nào, kể chi đến một bác sĩ ân cần dễ thương. Hồi 5, 6 tuổi, anh theo cha mẹ về quê. Con chó của người bác vừa sinh một bầy chó con, nằm cuộn tròn trong chiếc rổ lót lá chuối khô đặt nơi xó bếp. Anh lò dò đến gần, chưa kịp nhìn bầy chó thì con mẹ đã lao ra đớp mạnh vào bắp chân. Anh khóc ré lên, không phải vì đau mà vì quá sợ hãi khi nhìn thấy máu rớm ra trên dấu răng chó. Mẹ chạy tới, bác chạy tới, con gái út của bác chạy tới, hàng xóm chạy tới. Họ hè nhau đưa anh lên bệnh viện huyện. 21 phát tiêm quanh rốn với vẻ lạnh lùng của người bác sĩ gầy gò khiến anh kinh sợ suốt những năm thơ ấu. Thỉnh thoảng anh lại nằm mơ thấy ông ta với chiếc áo khoác màu trắng đã cũ, với mái tóc thưa rủ xuống trán và đôi môi mỏng mím chặt khi cắm phập mũi kim vào da thịt đứa trẻ. Anh không hiểu tại sao, mỗi khi nhắc đến bác sĩ anh lại lập tức nhớ đến ông ta. Anh sợ bệnh viện. Anh thán phục cô đồng nghiệp cứ vài tháng lại đi khám bệnh và trở về với hàng bọc thuốc rồi uống từng vốc, từng vốc, ngon như ăn kẹo.
Trùng trình ở quán ăn rồi quán cà-phê, 15 giờ anh mới đến bác sĩ.
Phòng khám nằm khuất dưới bóng một cây điệp lớn, đang trổ những bông hoa màu hồng nhạt. Bác sĩ thân ra đón anh. Dù vậy, anh vẫn có cảm giác lành lạnh khi bước vào căn phòng trắng toát và sáng rực của cô. Dường như đoán được tâm trạng của anh, cô mang đến một ly nước lớn, chú uống nước đi ạ. Thay vì cám ơn anh lại gục gặc đầu như một đứa trẻ vô giáo dục. Cô gái mỉm cười ( quả là dễ thương, anh nghĩ), chú cứ bình tĩnh, không có gì nghiêm trọng đâu. Cháu sẽ hỏi chú đôi điều, như một đứa cháu tò mò vậy. Anh lại gục gặc đầu, trong khi đang nghĩ, quả là ân cần.
Cuộc đối thoại diễn ra trong khoảng mươi phút.
-Chú có thấy tai đau không
-Không
-Chú có cảm giác buồn nôn không
-Không
-Chú có chóng mặt không
-Không
-Chú có ù tai không
-Không
-Chú có nghe headphone âm lượng lớn không
-Không
-Chú có uống rượu không
-Đôi khi
-Chú có hút thuốc không
-Thỉnh thoảng
-Nhà chú có gần sân bay hay đường ray xe lửa không
-Không
-Chú có hay dùng ngoáy tai bằng kim loại không
-Không
-Chú có thường đi máy bay không
-Không
-Chú có hay tắm biển không
Anh thở dài: cũng không.
Nữ bác sĩ khẽ lắc đầu. Anh nghĩ mọi việc đã kết thúc, không ngờ cô lấy lại vẻ tươi tỉnh và hỏi tiếp, thế chú có biết vai trò của màng nhĩ không. Anh thấy tội cô gái nhưng vẫn không thể tìm một lời nào khác: không. Cô thôi ghi chép, đưa cây bút Bic màu xanh lên miệng, khẽ nhay nhay cái nắp nhựa, nói tách bạch từng tiếng một như cô giáo giảng bài cho học sinh tiểu học: màng nhĩ bảo vệ tai giữa trước nước, vi khuẩn và các chất ngoại lai khác. Anh đáp, tôi hiểu, mặc dù chẳng hiểu mô tê gì. Anh không nghĩ lời đáp vẩn vơ của mình lại khiến cô gái phấn chấn, cô nhìn thẳng vào anh: màng nhĩ bị rách khi áp xuất không khí trong tai giữa và áp xuất không khí trong môi trường mất cân bằng. Khi đó, sẽ có sự nhầm lẫn trong việc tiếp nhận âm thanh. Cháu xin nhắc lại: sẽ có sự nhầm lẫn trong việc tiếp nhận âm thanh.
Anh nhổm người khỏi ghế, quên cả giữ lịch sự, nhưng màng nhĩ của tôi không bị rách, không bị vỡ. Cô gái đứng lên, làm sao chú biết. Anh đáp, tôi cảm thấy thế. Cô đi thẳng đến tủ dụng cụ, tìm một vật gì đó rồi quay lại, khoa học không thừa nhận sự cảm thấy. Vẫn với giọng của một cô giáo.
Cô đeo một chiếc đèn nhỏ lên trán như kiểu thợ lặn, rồi nghiêng đầu anh qua một bên, nhìn ngắm gì đó trong lỗ tai phải, lỗ tai trái. Mỗi việc được lặp lại 3 lần. Cuối cùng, cô thở ra, không rõ vui mừng hay thất vọng, tai chú quả là lành lặn. Chú nhớ giữ vệ sinh tai hàng ngày, chỉ nên dùng tăm bông sau khi tắm.
Mệt mỏi, căng thẳng, anh quyết dành lấy lời nói sau cùng, cô thấy đấy, màng nhĩ của tôi không rách, không thủng. Bác sĩ đáp, biết như thế, chú đến đây làm gì. Chắc tôi khùng, anh không kìm được trước giọng nói thách thức của cô gái. Cô không đáp, nhè nhẹ kéo chiếc cửa ngăn bằng nhôm ngay khi anh vừa bước khỏi.
Giờ tan tầm. Thành phố này lúc nào cũng là giờ tan tầm. Dòng người kín mít trong áo chống nắng, váy chống nắng, khẩu trang chống bụi, mũ bảo hiểm chống… lũ lượt đổ về các ngã, không dứt, bất tận. Không thể băng qua đường, anh đành rẽ phải, rồi rẽ phải thêm vài lần, trước khi tạt vào một vườn hoa nhỏ ven đường.
Vườn chỉ có mấy luống hoa và dăm chiếc ghế. Anh ngồi xuống chiếc ghế đặt dưới gốc một cây hoa màu tím, đầu óc trống rỗng. Bất ngờ, anh nghe thấy tiếng người nói ngay sát sau lưng, cho xin tí lửa. Quay lại, anh chạm phải khuôn mặt nhàu nhĩ của người đàn ông, không, tôi không hút thuốc. Tiếc nhỉ, hắn đáp, mà này, đâu phải chỉ người hút thuốc mới cần bật lửa hả ông bạn. Anh cảm thấy khó chịu vì sự suồng sả trong hai chữ “ông bạn”, xin lỗi, tôi đang cần yên tĩnh. Gã phá lên cười, phả cả hơi nóng vào gáy anh, yên tĩnh hả. Có mà mơ. Lên cung trăng đi, ra hoang đảo đi…Anh đứng bật dậy vừa lúc gã quay người bước đi, đôi vai gầy nhô lên sau tấm áo màu xanh nhạt. Không biết còn bao nhiêu những triết gia kiểu đó trong cái vườn hoa nhỏ bé, lặng lẽ này có thể bất thần xuất hiện sau lưng ta? Anh rùng mình, rời đi trong ánh chiều nhập nhoạng. Ngay lối ra, anh nhìn thấy gã đang đốt một đống lá khô, ngọn lửa hắt lên khuôn mặt gầy guộc, tạo nên những đường nét chập chờn quái lạ. Gã hét to, này, không hút thuốc vẫn có lửa đấy nhé, lên cung trăng đi…i…i, ra hoang đảo đi…i…i.
Như bị ma đuổi, anh chạy xe một mạch, khi dừng lại, thấy mình đang đứng trên một bờ kè. Hàng quán mọc lên như nấm sau mưa ở cái bờ kè mới đắp của con kênh chạy ngoằn ngèo giữa thành phố. Cà-phê, la liệt quán cà-phê với những chiếc ghế nhựa bày tràn lên vỉa hè, với những mái che di động, với những tên quán gợi cảm. Dắt xe đến sát mép nước, vẩn vơ nhìn con thuyền bé tẹo bập bềnh giữa dòng, anh giật mình khi nghe thấy một giọng nói ngọt ngào ngay sau lưng (lại sau lưng), sao buồn vậy anh. Anh không dám quay lại, lẳng lặng rời đi, nghe văng vẳng giọng nói giễu cợt, yên tĩnh ư, có mà mơ, lên cung trăng đi, ra hoang đảo đi… Câu nói của kẻ lạ bỗng có một âm điệu nhịp nhàng, gõ từng nhịp một vào tâm trí anh…lên/ cung /trăng/ đi…ra/ hoang/ đảo/ đi…lên/ cung/ trăng/ đi…iii
Chẳng phải cung trăng, chẳng là hoang đảo, anh lạc vào một nghĩa địa nhỏ, nằm lọt thỏm giữa khu dân cư của quận ngoại thành. Quái thật, sao mình lại có thể lạc vào tận nơi này. Anh chưa kịp nghĩ cho hết thì nhìn thấy gần như ngay bên chân mình 2 gã choai choai đang ngồi xổm trên mặt cỏ, trừng mắt nhìn anh, vào đây làm gì, phải biết chỗ đứng của mình ở đâu chứ, tay dứ dứ một cái xy ranh với đầu kim nhọn hoắt. Anh lùi lại, xin lỗi, tôi lạc đường. Biến, cả 2 đồng thanh quát lên.
Anh quay đầu xe, biến, thầm nhắc lại mật lệnh, rồi cứ chỗ sáng mà lao tới. Cuối cùng, anh nhìn thấy cái chung cư cao ngất ngưỡng của mình nằm bên kia đường. Tựa mình vào thân xe, anh nhìn sững ô cửa đen thẫm giữa những ô vuông nhấp nháy sáng, nhìn cho đến lúc tất cả các ô cửa đều tối sẫm, không còn phân biệt được đâu là ô cửa của mình. Màu đen, cái ám hiệu kỳ quặc, chợt mang ý nghĩa thức tỉnh, khiến anh nhớ lại cuộc hành trình vô lối suốt cả buổi chiều. Anh đã chạy quẩn quanh, không phải bận lòng vì cô bác sĩ và những kết luận vô bổ của cô mà chỉ vì không muốn quay về căn phòng nép mình giữa khối sắt thép đồ sộ kia. Sợ lại bất thần nghe thấy một tiếng nổ chăng.
***
Mặc kệ, anh nghĩ khi tra chìa vào ổ khóa và bước vào nhà, đổ người xuống giường, rồi ngủ thiếp đi, mơ hồ nghe thấy tiếng gõ cửa, dai dẳng, không dứt. Đừng có hòng mà lừa ta, anh nghĩ trong giấc ngủ. Để cho ta yên, anh quát lên. Tiếng quát to đến nỗi anh bật ngồi dậy, với tay tắt chuông báo thức của chiếc đồng hồ để ngay trên đầu giường nhưng tiếng chuông lại đổ liên hồi kỳ trận, gióng giả như chuông của nhà thờ lớn. Cảm giác phập phồng, không biết có tiếng chuông thật hay không lại làm anh rối trí. Có thể, nó đã nằm trong tiềm thức, cứ đúng lúc là vang lên, tắt hay bật cũng vậy thôi, anh tự nhủ khi sửa soạn đi làm.
Trong hộp thư cá nhân, có bức thư của H. Không biết cô tìm đâu ra địa chỉ hộp thư của anh. Bức thư khá dài: cháu V đã báo cho em là anh không có vấn đề về tai. Ngoài tai giữa, nó đã tranh thủ khám cả tai trong rồi.  Em rất lo vì mọi việc có vẻ gì đó rất lạ, mặc dù gần như không thấy có biểu hiện nào bên ngoài. Nếu không biết nguyên cớ, ta không thể trị được bệnh.Vì vậy, em đã tìm một bác sĩ ở khoa nội thần kinh rất đáng tin cậy. Anh chịu khó nhé. Tên BS…Số nhà…số phone…Mong anh không giận vì sự “can thiệp” của em. Không hiểu sao em thường nhớ tới lời ru buồn bã của mẹ em: Sự đời nước mắt như gương/ Nghìn năm chỉ một mình thương lấy mình. Phải biết tự thương mình anh ạ. Em đợi tin. H.”. Anh không muốn trả lời. Anh không muốn phải làm theo lời cô một lần nữa, không muốn gặp bác sĩ, bất luận là bác sĩ ân cần, dễ thương hay bác sĩ đáng tin cậy. Nhưng sự lo lắng của H lại khiến anh bận tâm. Biết đâu cô lại chẳng nghĩ rằng cuộc chia tay của họ chính là nguyên cớ. Không, H không còn trong cuộc đời hôm nay của anh. Không còn trong tiếng nổ mà anh nghe thấy. Có thể, việc anh chạy đến chỗ cô cũng gần như việc anh đưa tay lên tắt chuông báo thức vậy. Anh reply: cám ơn H rất nhiều. Mong mọi điều tốt đẹp cho em và gia đình. Cho anh gửi lời cám ơn đến cháu V. Quả là một bác sĩ ân cần, dễ thương. Chẳng có điều gì bất thường đâu.T. Rồi tái bút, chữ in đậm: Tuyệt đối yên tĩnh.T.
Tuyệt đối yên tĩnh. Tuyệt đối yên tĩnh…Anh lẩm nhẩm, mỉm cười nghĩ đến vẻ thất vọng của H khi đọc những từ này rồi không hiểu sao lại nhận ra một ý nghĩa khác. Cụm từ bình thường lặp đi lặp lại trong ý nghĩ bỗng khiến anh thấy mình tách biệt với tất cả, với H và với mọi người xung quanh. Lần đầu tiên anh tự hỏi: tại sao chỉ mình ta nghe thấy những tiếng gọi, những âm thanh kỳ lạ, những tiếng nổ? Anh nhớ có lần đọc ở đâu đó, một nhân vật, ngày nọ bỗng nhận ra hắn nhìn thấy những thứ mà không ai khác nhìn thấy. Người ta cười nhạo mỗi khi nghe hắn. Cuối cùng, hắn phát điên, bỏ xứ đi lang thang, kể lể những điều không ai hiểu. Anh nhịp khẽ những ngón tay xuống mặt bàn, rồi ra, ta sẽ không chia sẻ bí mật của mình cho bất cứ ai. Đi trên mặt băng mỏng phải đâu chỉ có nỗi sợ hãi. Anh vừa nghĩ vừa gật đầu chào cô bạn cùng phòng đang bước vào với ly cà-phê trên tay thì nghe thấy một chuỗi âm thanh nối nhau như một dây pháo bị xịt ở đâu đó, bên ngoài bức tường mỏng. Cảm thấy bất an, anh vươn thẳng người, với tay lấy tập tài liệu trên giá sách. Cô gái đến kề bên mà anh không biết, sao anh có vẻ căng thẳng vậy. Anh cười ( có lẽ cũng gượng gạo không kém cái cười hồi chia tay H), đâu có, đêm qua nóng quá, mất ngủ. Vậy anh uống cà-phê không. Anh lại cười ( vẫn cái cười cũ), cám ơn, tôi uống ở nhà rồi, vả lại, uống ca-phê không phải là cách duy nhất để tỉnh táo. Anh có cách gì khác sao. Anh vừa định trả lời thì nghe thấy những tiếng nổ lớn, ngay sau cánh cửa vừa được cô gái khép lại. Anh cố  trấn tĩnh, cúi xuống tập tài liệu, tránh cái nhìn của người đồng nghiệp. Vì quá cố gắng, ruột gan anh nhộn nhạo, đầu óc như muốn bung ra. Anh nghe tiếng cô gái thét lên rồi mọi vật chìm lấp, chỉ còn một màn đen.
Anh tỉnh lại trong căn phòng nhỏ, cửa sổ được che bới những tấm ri-do vải thun màu xanh lá cây, bên phải là một ông già, bên trái là một thiếu nữ, đối diện là một đứa trẻ, tất cả đang thiếp đi với đủ thứ dây nhợ chằng chịt. Anh nhổm dậy, đưa chân xuống mặt đất lạnh ngắt vừa khi cô y tá bước vào, anh đi đâu. Anh vội rụt chân, đặt lên mặt tấm drag màu cháo lòng nhàu nhĩ, lúng búng, à, ừ, thì là… Cô y tá vừa chỉnh van truyền nước cho ông già vừa ngoái lại phía anh, 9 giờ mới đến giờ khám bệnh, anh đợi đấy. Anh nhỏ nhẹ, thưa cô, tôi khỏe mà. Cô đay lại, khỏe, anh không biết khi vào đây anh như một tàu lá héo hả. Bước khỏi phòng rồi, cô còn mở cửa, đưa khuôn mặt trắng trẻo của mình vào, đợi đấy. Ôi, ân cần, dễ thương, xinh đẹp, anh rền rĩ trong lòng.
Bác sĩ đứng tuổi, khuôn mặt rám nắng, tóc bên thái dương chớm bạc, cúi xuống nhìn tấm bảng treo ở cuối giường, huyết áp bình thường, nhiệt độ bình thường, nhịp tim bình thường, ngẩng lên, anh bị sao. Dạ, anh nghe thấy giọng mình hơi lạc đi, tôi chỉ bị xỉu thôi, có lẽ do trời nắng nóng. Bác sĩ cười cười ( nụ cười có vẻ thiếu tự nhiên), dù vậy, tôi cũng cần làm cho hết phận sự, mời anh theo tôi.
Lại một gian phòng trắng toát, sáng rực. Lại những câu hỏi ngắn:
-Trước lúc xỉu anh có thấy điều gì bất thường không
-Dạ, nghĩa là sao ạ
-Ví dụ như nghe một tiếng động lớn, một tiếng nổ
-Dạ…(anh kéo dài giây phút trả lời đến mức có thể)…dạ
-Nghĩa là có phải không
-Ừm
-Anh bắt đầu nghe thấy những tiếng động lạ ấy như thế nào
-Thoạt tiên chỉ là những tiếng gõ cửa, sau đó là những tiếng rì rầm như có ai trò chuyện trong phòng, rồi tiếng gọi giữa đám đông…
-Mà thực ra thì chẳng có ma nào
-Ừm
-Thế sau đó
-Những tiếng động lớn, bất thần nổ ra, lúc thì ở nhà, khi thì ở chỗ làm
-Cảm giác của anh khi ấy
-Tôi nhìn quanh và không sao hiểu được vẻ bình thản của mọi người.
-Thế những lời nói, những tiếng động như tiếng còi xe, tiếng trò chuyện, tiếng gió…
-Tôi nghe được
-Anh có trận ốm nào thật nặng không
-Không.
-Môi trường làm việc của anh có ồn ào không
-Không. Có thể nói là “tuyệt đối yên tĩnh”( anh mỉm cười nhớ lại bức thư vừa gửi cho H ). Dường như nụ cười của anh khiến bác sĩ có điều chi ngờ vực, ông nhìn thẳng vào mắt anh, giọng đột nhiên thấp hẳn xuống:
-Xin lỗi, tôi có thể được biết công việc của anh?
-Tôi dịch tài liệu cho cơ quan X
-Dịch ngược hay dịch xuôi
-Cả hai, anh đáp, cố ngăn một cái ngáp, tự nhiên thấy người như muốn rũ xuống.
-Anh có cộng sự không
-Không. Chỉ có một phụ việc…( anh dừng lại, cảm thấy mình đã phạm sai lầm ở đâu đó, đã nói quá nhiều.)
-Raaa thếế… Sự kéo dài bất thường của 2 từ này như một vệt sáng bất ngờ quét qua tâm trí mê mệt của anh. Anh nghe thấy nhói buốt nửa đầu bên phải. Mọi sự bắt đầu từ chính công việc của anh, từ những gì anh đọc thấy hàng ngày trong “tuyệt đối yên tĩnh”chăng… Anh gần như giật mình khi nghe thấy giọng nói nhỏ nhẹ của bác sĩ, dù vậy, anh phải đi kiểm tra tai cho đúng quy trình. Tại sao lại “dù vậy”, anh tự hỏi rồi nói to, quả quyết:
-Tôi kiểm tra rồi, ổn cả.
-Tôi biết, thậm chí biết anh khám ở đâu và do ai khám nữa kia. Lần này tôi sẽ nhờ một chuyên gia, bạn tôi, làm việc tại một bệnh viện lớn kiểm tra kỹ. Tiếp nhận âm thanh, trước hết, là vấn đề của tai, vì vậy, phải bắt đầu từ đó. Anh sẽ gặp lại tôi sau khi có kết quả.
Anh xuất viện với bức thư giới thiệu. Đọc chữ ký bên dưới, anh biết mình đã vô tình rơi vào tay ông bác sĩ “đáng tin cậy” của H. Ông bạn của bác sĩ “đáng tin cậy” chính là ông “chuyên gia” đeo kính gọng đồi mồi, người bất thần cười phá lên, bất thần im bặt trong căn phòng trên lầu 3 của cái bệnh viện có tòa nhà màu vàng, tưởng đã đổ sập sau lưng anh.
***
Khi anh bắt đầu nghe thấy tiếng lục bục trong lòng đất, ngay dưới mỗi bước chân của mình, thì tình cờ đọc được một trang mạng tên là Ảo thanh. Thoạt tiên anh nghĩ họ là người đồng bệnh. Kẻ thì suốt ngày nghe thấy tiếng chim hót mặc dù đang ở trong một căn phòng trơ trọi giữa phố nhỏ không cây cối, người thì nghe thấy tiếng tàu hỏa xình xịch suốt ngày đêm dù chưa hề một lần nhìn thấy con tàu, người lại nghe tiếng gầm của một con mãnh thú dù chưa từng bước chân vào rừng hoặc đến thảo cầm viên…Kinh khủng nhất là ông nọ không sao thoát khỏi tiếng rú rít của một loại động cơ kỳ lạ lơ lửng giữa không trung, ngay trên đỉnh đầu…Anh đặc biệt để ý đến người đàn ông nghe thấy tiếng lục bục trong lòng đất, sau mỗi nhát cuốc, trong mảnh vườn nhỏ của ông. Ông ta cho biết đã bỏ hoang đất cho các loại cỏ và e rằng rắn rết đã về trú ngụ nơi đó. Các thành viên nhóm Ảo thanh chia sẻ với nhau những biểu hiện của bệnh, những lo lắng, buồn bực và cả tên tuổi các bác sĩ điều trị. Ít lâu sau, ngoại trừ Người cuốc vườn, bọn họ lần lượt khỏi bệnh, nguyên nhân chủ yếu nằm ở đôi tai, có người chỉ vì ráy tai lưu cửu vón thành cục (hóa ra các bác sĩ có cái lý của họ). Vài người có nguyên cớ khác. Người nghe tiếng rú rít trong không trung từng phải làm việc trong một môi trường quá khốc hại, cần có thời gian để có thể nguôi quên. Người bị tiếng tàu hỏa hành hạ lại do di truyền bệnh của dòng họ nội, cha và chú từng mắc bệnh tâm thần… Cuối cùng, anh chỉ còn giữ liên lạc với Người cuốc vườn ( biệt danh do anh đặt và được ông ta chấp nhận),vì cảm thấy giữa hai người có một mối gắn kết nào đó, không chỉ là những tiếng lục bục trong lòng đất sau mỗi bước chân, mỗi nhát cuốc. Chính ông ta, trong một lần, đã nói với anh về sự khác biệt giữa họ với nhóm người còn lại. Ông bảo tên gọi chính xác trạng thái tinh thần của anh không phải là Ảo thanh mà phải là Ám thanh.
Ám thanh. Phải mất ít lâu anh mới hiểu ra định danh mới mẻ này. Sự mẫn tuệ của Người cuốc vườn khiến anh ngờ vực lời tự giới thiệu “học hành không bao lăm” của ông và bị hấp dẫn bởi cái phần còn chưa biết. Mỗi khi đọc những trao đổi của ông, anh lại thấy như cánh cửa khép kín kia vừa được mở thêm ra một chút. Ngày nọ, ông gửi cho anh mấy chữ cái, không kèm theo lời giải thích nào, KX, QH, CT. Anh đoán đó là một địa danh anh phải tìm đến. Những KX, những QH, những CT nhiều vô kể nhưng cuối cùng anh cũng tìm ra mối liên hệ duy nhất giữa chúng: KX-QH-CT. Lắc lư trên chuyến xe khách 7 tiếng đồng hồ thì anh tới KX, một thị trấn nhỏ, lèo tèo vài ba ngôi nhà, vài ba hàng quán. Đường từ thị trấn đến QH rồi CT chỉ 15 cây số mà anh phải 3 lần thay xe. Người xe ôm đầu tiên chở anh một phần ba quãng đường thì quay về vì có hẹn. Người thứ 2 chạy gần tới nơi thì xâm xẩm tối. Anh ta dứt khoát dừng lại. Vừa dùng chiếc khăn bông cáu bẩn lau mồ hôi anh ta vừa nhấm nhẳng, cái gì cũng có nim (lim) của nó. Anh cười thầm, quái quỷ, thời buổi gì mà đâu đâu cũng chạm mặt triết gia. Người thứ 3 đang dựng xe dưới gốc cây lớn, tựa người vào thân xe, gà gật. Nhìn cái xe và ông chủ tả tơi như nhau, anh có phần ngại ngần. Ấy vậy mà, khi bị đánh thức, anh ta đứng thẳng dậy, chụp mũ lên đầu, kêu to, đầy hứng khởi, Ok, đi đâu. Nghe anh nói địa chỉ, anh ta lặp lại OK, chuyện vặt.
Chạy xe ầm ầm, dồi lên dập xuống, ngoặt qua ngoặt lại rồi bất thần đặt khách trước một lối mòn nhỏ, quay đầu xe, tôi vù đây, khỏi tiền nong. Anh chưa kịp phản ứng thì anh ta đã mất hút giữa rừng núi thâm u. Anh đứng im trong bóng tối, định thần rồi dò dẫm bước đi. Ngõ khá dài, cây cối đan chen, cành khô, lá vàng lấp lối, mùi ẩm mục xộc vào tận mũi. Anh toan cất tiếng thì nghe một bàn tay đặt lên vai mình, tôi đây. Quay lại, anh trông thấy một hình dáng cao gầy trong chiếc áo màu sẫm khá rộng. Giọng nói quen thuộc, mùi mồ hôi quen thuộc, chiếc áo màu sẫm hơi dài bỏ ngoài quần …quen thuộc. Anh chết lặng như vừa trông thấy chính mình trong chiếc gương lớn.
Thế nhưng, dưới ánh sáng mỏng manh, chập chờn của ngọn đèn dầu, bắt gặp cái nhìn như xuyên thấu tâm can người đối diện, anh lại thấy ông ta hoàn toàn xa lạ.  Cảm giác nửa quen nửa lạ khiến anh bối rối, không biết bắt đầu câu chuyện ra sao. Như đoán biết, ông ta cười khẽ (giọng cười anh đã nghe ở đâu đó), có thể coi đây như một phép thử. Một phép thử, ai thử và thử ai, thử cái gì, thử để làm gì, anh tự hỏi, cảm giác nghẹn thở như những lần nghe thấy tiếng nổ. Ông ta đứng dậy, với tay lên chiếc giá gỗ sơn màu nâu sẫm ( giống cái giá đựng sách ngay trên bàn làm việc của anh), lấy xuống một chai rượu, từ tốn rót ra chiếc ly nhỏ, đặt trước anh, anh uống một chút cho ấm. Im lặng nhấp môi vào chén rượu, anh cố gắng mở lời, thưa, ông bảo ông cũng như tôi, vậy ông bị bệnh gì ạ. Ông ta cười to, không phải bệnh mà là một trạng thái tinh thần. Anh bật kêu lên, Người cuốc vườn. Không nghe thấy tiếng kêu của anh, ông ta tiếp tục câu chuyện, thì ai mà chẳng có một vướng víu nào đó, ví dụ như, hoàn toàn không thể nghe thấy những gì mà tất cả mọi người đều nghe chẳng hạn. Anh rùng mình, thật vậy ư. Không, tôi chỉ ví dụ thôi nhưng mọi sự đều có thể, có thể là trong đêm nay, ngày mai, ngày kia hay một tháng năm nào đó mãi sau này. Anh lại thấy nhói đau chỗ nào đó ở nửa đầu bên phải, rồi bỗng nghe như chính mình vừa thốt lên những lời kỳ lạ. Anh nín lặng, cố trấn tĩnh nhưng giọng nói đó vẫn tiếp tục ( với chất giọng trầm ấm, rành rẽ từng được H yêu mến), nên coi đó là sự lựa chọn của số phận, trong muôn một. Có điều, nên biết, đây là thời của những ánh chớp không tiếng sấm/đây là thời của những tiếng nói không được nghe/thời của những giấc ngủ lo âu, những canh thức vô ích, như cách nói của nhà thơ Ý Primo Levi.
Anh nghe thấy tiếng thở ra rất mạnh sau câu nói, ngẩng lên lại chẳng thấy ai. Nhìn quanh, anh nhận ra mình đang ngồi trong phòng làm việc, cô bạn đồng nghiệp vừa bước vào với ly cà-phê bốc khói, không hiểu từ hơi nước nóng hay từ khí lạnh của những viên đá.
Anh biết, một phần câu chuyện là do mình mơ thấy nhưng không thể biết, đó là phần nào, bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu, tỷ lệ mơ-thực này là bao nhiêu, 40-60, 30-70, 50-50, 35/65 hay 42/58…Đang phân vân với những tỷ lệ, anh chợt nhìn thấy một tia chớp chói lòa ngang trời và liền ngay sau đó, là tiếng sấm rung vỡ không gian, như muốn cãi lại lời tiên tri của nhà thơ nọ.
Trong góc phòng, tựa mình bên ô cửa anh nhìn thấy tia chớp, cô đồng nghiệp bình thản nhấp một ngụm cà-phê từ chiếc ly gốm sứ màu trắng tuyệt đẹp.
Sài Gòn tháng 8.2015
Tác giả: Ý Nhi – Giọng đọc: Sơn Tùng

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *